Phao-lô so sánh giữa A-đam và Chúa Cứu Thế. Nếu A-đam là mô hình cho sự không vâng phục thì Chúa Giê-xu là mô hình cho sự vâng phục. Do sự không vâng phục của A-đam mà mọi người trở nên tội lỗi. A-đam sử dụng sai lầm sự tự do mà Đấng Tạo Hóa ban cho đã đưa tội lỗi vào trong thế gian và hậu quả là sự chết. Không ai tránh được tội lỗi, không ai tránh được sự chết.

A-đam không phải là một cá nhân riêng biệt nhưng là tổ tiên của cả nhân loại, vì vậy khi ông phạm tội, cả nhân loại cũng phạm tội. Tội lỗi đó cũng di truyền cho mỗi người đến ngày nay. Cũng trong ý nghĩa đó, khi Chúa Giê-xu chịu chết, dù chỉ một mình Ngài chết, Ngài có thể chết thế cho cả nhân loại để giải thoát nhân loại khỏi ách nô lệ của tội lỗi. Tuy nhiên, không phải vì Chúa Giê-xu đã chịu chết cho nhân loại mà tất cả mọi người đều sẽ tự động được thoát khỏi tội lỗi nhưng mỗi người phải công nhận cái chết của Chúa là cho mình, vì tội của chính mình, lúc đó người ấy mới được cứu khỏi tội. Cũng vì thế Phao-lô bảo: chúng ta được “xưng công bình bởi đức tin,” nghĩa là chúng ta phải tin Chúa đã chịu chết vì tội của chính mình thì chúng ta mới được Chúa kể là vô tội và mới được cứu. A-đam phạm tội và như thế đã bị quyền lực của tội lỗi và sự chết chế ngự. Trái lại Chúa Giê-xu vâng phục trọn vẹn ý muốn Đức Chúa Trời, ngay cả chấp nhận cái chết trên thập tự giá. Thập tự giá là con đường được mở ra để con người tội lỗi bởi A-đam đến tiếp nhận ân sủng Đức Chúa Trời và nhờ đó được kể là công chính. Phao-lô muốn làm sáng tỏ rằng chúng ta là con người phạm tội và chỉ có một cách duy nhất để ra khỏi tình trạng đó là chấp nhận ân sủng của Đức Chúa Trời được ban cho trong Chúa Cứu Thế Giê-xu. A-đam là biểu tượng của tội lỗi, sự đoán phạt và sự chết.

Chúa Giê-xu là biểu tượng của ân sủng, sự tha tội và sự sống. Qua A-đam chúng ta thấy sự công bình của Đức Chúa Trời, qua Chúa Cứu Thế chúng ta thấy tình yêu của Ngài. Đức công chính và đức yêu thương của Đức Chúa Trời được thỏa mãn bởi sự chết đền tội của Chúa Giê-xu. Nếu A-đam mở đầu cho một nhân loại tội lỗi thì Chúa Giê-xu mở đầu cho một nhân loại mới gồm những người được tẩy rửa và tha thứ. Trong bất cứ thời đại nào, con người vẫn được tự do lựa chọn, hoặc noi theo sự bất tuân như A-đam và Ê-va, hoặc chấp nhận ân sủng từ Đức Chúa Trời, thuộc về A-đam thứ nhất hoặc A-đam thứ hai là Chúa Cứu Thế, sự quá phạm của A-đam hoặc sự công chính của Chúa Cứu Thế, bản tính cũ hư hoại của A-đam hoặc bản tính mới trong Chúa Cứu Thế. Nếu sự không vâng phục của A-đam đưa đến sự chết, tức sự phân rẽ với Đức Chúa Trời, thì sự vâng phục của Chúa Giê-xu đưa đến sự sống, tức là sự nối kết với Ngài.

Hiệu quả của tội lỗi và ân điển đều tùy thuộc vào sự lựa chon của con người. Với quyền tự do lựa chọn được Chúa ban cho, chúng ta cần xét mình để nhận thức được những điều gì chúng ta đã lựa chọn. Tự xét mình sẽ giúp chúng ta thấy được sự sai trật trong những lựa chọn của mình đồng thời thấy được nhu cầu cần đến ân sủng của Đức Chúa Trời. Thật ra việc tự xét mình cũng không bắt nguồn từ chúng ta nhưng bắt đầu khi chúng ta thấy chính mình trong ánh sáng của ân sủng. Khi chúng ta xét mình là lúc chúng ta nhận thức được ân sủng Chúa đã tác động trên chúng ta đưa chúng ta đến chỗ xét mình. Sự xét mình của ta sẽ vô ích nếu không có ân sủng của Chúa. Không có ân sủng của Chúa tác động, ta không thể xét mình. Đối với Phao-lô, kinh nghiệm đời sống Cơ Đốc nhân bắt đầu và chấm dứt trong ân sủng Chúa. Cho nên xét mình cũng là lúc ta cảm tạ Chúa về ân sủng của Ngài đã và đang tác động trên chúng ta. Nhìn lại tội lỗi, sự không vâng phục của A-đam cũng giúp ta nhớ một điều quan trọng khác, đó là khi chúng ta phạm tội, tội lỗi đó ảnh hưởng đến mọi người chung quanh. Đừng bao giờ nghĩ rằng cuộc đời nầy là của ta, ta muốn sống sao cũng được, không quan hệ gì đến người khác. Tất cả mọi hành động của chúng ta, dù muốn dù không, đều ảnh hưởng đến người chung quanh.

Xin Chúa giúp chúng ta sống vâng phục xứng đáng với ơn cứu chuộc của Ngài trên đời sống chúng ta.