Mục sư George Muller thành lập một cô nhi viện có hàng trăm em cô nhi, nhưng không có nguồn tài trợ nào cam kết giúp đỡ lâu dài. Dù vậy, ông sống với sự cầu nguyện và hoàn toàn tin cậy Chúa sẽ chăm sóc. Một buổi sáng kia, không còn thức ăn cho các em, ông và mọi người cầu nguyện. Một lúc sau, có chiếc xe vận tải bị hư, phải đợi thợ đến sửa, mà tất cả bình sữa tươi và bánh mì trên xe không để lâu được, người tài xế được lệnh đem tặng cho một cơ quan từ thiện nào gần nhất. Chúa đã trả lời sự cầu nguyện và thái độ tin cậy Chúa hoàn toàn của ông. Mục sư George Muller nói “Bắt đầu lo lắng là chấm dứt đức tin, bắt đầu đức tin là chấm dứt lo lắng”.

Của cải, tiền bạc, quần áo, danh vọng, sức khỏe là những điều người ta thường quan tâm nhất. Chúa dạy hãy đầu tư ở trên trời thay vì ở dưới đất. Như vậy có phải là chúng ta chẳng quan tâm đến những điều trên – không nên làm ăn, buôn bán, học hành, nhưng dành tất cả thì giờ để thờ phượng và phục vụ Chúa? Hay chúng ta không được sở hữu nhà cửa, ruộng vườn, xe cộ tài sản, nhưng phải bán hết mà “đem tiền để dưới chân các sứ đồ” như các tín hữu trong Hội Thánh đầu tiên ở Giê-ru-sa-lem chăng? Xem xét các lời dạy trong Kinh Thánh, chúng ta thấy Chúa không dạy chúng ta làm những người “vô sản tuyệt đối.” Những lời dạy trong Kinh Thánh cho thấy Chúa cho phép con người có quyền tư hữu, tức là có quyền có của cải riêng. Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp, và Lót là những người rất giàu có. Kinh Thánh dạy chúng ta hãy học gương loài kiến để biết tiết kiệm, để dành của cải mà phòng ngày mưa nắng. Người biết tích lũy dần dà sẽ được gia tăng của cải. Người công bình sẽ để tài sản lại cho con cháu (Châm Ngôn 13:22).

Như vậy, không chất chứa của cải dưới đất có nghĩa gì? Chúng ta lưu ý chữ “của cải” và chữ “lòng” – “Vì chưng, của cải ngươi ở đâu thì lòng ngươi cũng ở đó”. “Của cải” ở đây là “báu vật,” tức những gì chúng ta trân quý. “Lòng” ở đây là suy nghĩ, tình cảm, ước muốn. Của cải ở đâu thì lòng ở đó. Chúng ta trân quý điều gì thì sẽ thường suy nghĩ đến chúng, và mong được gần gũi, chiếm hữu chúng. Chứa của cải dưới đất là trân quý những gì thuộc về trần gian này và tâm trí luôn nghĩ đến chúng, lòng luôn mong muốn gần gũi, chiếm đoạt chúng. Có những người giàu có, thành đạt, xinh đẹp, khỏe mạnh, có địa vị cao trong xã hội, và họ xem tài sản, bằng cấp, nhan sắc, sức khỏe, quyền chức là “báu vật” của họ, là mục đích của đời sống họ. Đó là người chất chứa của cải dưới đất. Cũng có người không giàu có, xinh đẹp, thành đạt, quyền chức cao sang, nhưng họ cũng có thể là những người chất chứa của cải dưới đất vì tấm lòng của họ chỉ biết chú ý đến của cải, nhan sắc, danh vọng đời này mà thôi. Cho nên vấn đề chứa của cải dưới đất không nhất thiết là giàu, nghèo, thành đạt hay không mà là tấm lòng chúng ta trân quý, yêu mến điều gì nhất trên đời.

Chữ nhưng ở đầu câu 33 là để đối chiếu với tất cả những lo lắng vô ích và mục đích sống ở trên. Trước hết cho thấy thứ tự ưu tiên. Điều quan trọng không phải là lo lắng nhưng là tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài. Nước Đức Chúa Trời hay vương quốc Đức Chúa Trời nói đến quyền cai trị của Đức Chúa Trời, bắt đầu với Chúa Giê-xu và sẽ đạt đến cao điểm lúc Chúa trở lại làm vua. Tìm kiếm nước Chúa mang ý nghĩa đeo đuổi, tìm kiếm để quyền cai trị của Chúa được thực hiện trong mọi lãnh vực của đời sống, tương tự như ba lời cầu xin đầu tiên trong bài cầu nguyện Chúa dạy: Danh Cha được thánh, nước Cha được đến, ý Cha được nên, nghĩa là thuận phục ý Chúa, làm theo ý Chúa, Chúa thật sự là vua của đời sống. Sự công bình hay công chính của Chúa nói đến tiêu chuẩn của Ngài trong mọi lãnh vực. Sống theo tiêu chuẩn của Chúa không như tiêu chuẩn của người Pha-ri-si. Sống thế nào để quyền cai trị và đức công chính của Chúa được thể hiện mọi nơi, mọi lúc, đó chính là tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài. Khi đeo đuổi tìm kiếm những giá trị tâm linh trước, những nhu cầu khác của đời sống sẽ tự nhiên đi theo chúng ta, không cần phải lo lắng. Chẳng những nhu cầu của chúng ta được đáp ứng nhưng còn nhiều hơn nữa: cho THÊM các ngươi mọi điều ấy nữa!

Xin Chúa cho chúng ta sự khôn ngoan để quản lý những điều Chúa ban cho trên trần gian này, và hướng tấm lòng của chúng ta vào những điều còn lại đời đời.