Khoảng 25 người vượt biên trên một con thuyền nhỏ. Thuyền rời bến tiến ra khơi nhắm vào đất Thái. Nhưng không được bao lâu thì hết dầu, gió lại thổi mạnh, con thuyền bị dồi dập trên sóng biển, lạc mất hướng. Thuyền lênh đênh trên biển cả, mọi người bắt đầu không tin rằng mình sẽ được vào đất Thái. Sự mệt mỏi lên cao. Sự kiên nhẫn cạn dần. Người này bắt đầu gây sự với người khác về những chuyện vặt vãnh. May thay! Khoảng 5 ngày sau họ được một thuyền Anh vớt, chấm dứt cảnh lênh đênh trên biển cả. Cuộc đời của nhiều người giống như chiếc thuyền không định hướng, cứ xoay đi xoay lại mà không tiến lên được. Sức lực mòn mỏi, tinh thần đi xuống vì thì giờ qua mau, tuổi đời chồng chất mà không tìm thấy được ý nghĩa của cuộc sống. Qua phân đoạn Kinh Thánh này, Phao-lô cho biết khi chúng ta được Chúa Giê-xu nắm lấy thì Ngài có mục đích cho mỗi cuộc đời chúng ta, vì vậy chúng ta phải tiến tới để đạt được mục đích dành cho mình. Phao-lô chia sẻ cho chúng ta kinh nghiệm theo Chúa:

  1. Sống có mục đích: “Giựt giải về sự kêu gọi trên trời của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Giê-xu Christ” là tất cả lẽ sống của Phao-lô. Những công cuộc truyền giáo, thành lập Hội Thánh không phải là mục đích cho đời sống ông. Với ông, mọi thành công hay thất bại ông “xem như rơm rác, hầu cho được Đấng Christ.”
  2. Nhắm mục đích mà sống: Phao-lô nói: “Tôi đương chạy, hầu giựt được.” Dường như tại Phi-líp một số tín hữu nghĩ mình đã đạt đến mục tiêu trọn vẹn của người Cơ Đốc, “đã đến nơi trọn lành rồi,” nhưng Phao-lô cho biết chúng ta được kêu gọi đến tiêu chuẩn cao hơn. Do đó, lúc nào cũng vậy, đời sống Cơ Đốc không có chỗ cho một người nghỉ ngơi trên thành đạt hay chiến thắng của mình. Phao-lô cho biết cách ông thực hiện: “quên lửng sự ở đằng sau, mà bươn theo sự ở đàng trước,” tất cả sức lực của ông đều tập trung vào mục tiêu và chủ đích của đời sống Cơ Đốc. Chúng ta phải quên những gì mình đã làm mà chỉ nhớ những gì mình còn phải làm, chỉ nhớ đến mục đích phí trước. Dù Phao-lô bị giới hạn bởi bốn bức tường của ngục tù, nhưng chúng ta biết vị sứ đồ khả kính này đang dốc sức chạy đến với Chúa như một vận động viên đang cố gắng chạy cho đến đích. Bắp thịt của ông căng lên, mồ hôi đổ ra đầm đìa khi vượt qua những chặng cam go, mắt ông cứ chăm chú vào mục tiêu phía trước mà Chúa đặt ra cho ông. Những điều phía sau không có ý nghĩa gì khi ông tập trung vào sự kêu gọi từ trên cao.

Mỗi chúng ta cũng phải chạy như Sứ đồ Phao-lô “để giựt giải về sự kêu gọi trên trời”. Chúng ta không thuộc về thế gian mà là “công dân thiên quốc” và chúng ta đang chờ đợi để thân thể ở dưới đất này được biến hóa trở nên vinh hiển như thân thể của Chúa Giê-xu. Nhưng làm thế nào để đạt được mục tiêu mà Chúa Giê-xu đã đặt ra cho chúng ta? Trước hết, chúng ta phải chân thật với chính mình, nhận biết mình chưa trọn lành như Sứ đồ Phao-lô đã thú nhận: “không phải tôi đã giựt giải rồi, hay là đã đến nơi trọn lành rồi đâu, nhưng tôi đang chạy”. Sau đó, phải tập trung cặp mắt đức tin của chúng ta vào Chúa Giê-xu và quên đi những thất bại của mình. Cuộc đời của Cơ Đốc nhân không phải là một cuộc dạo chơi thong thả mà là một cuộc đua đầy cam go, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hết mình. Chúng ta không thể sống một đời sống Cơ Đốc trọn vẹn khi vừa yêu mến, nắm giữ những điều thuộc trần gian, vừa cố gắng sống cho Đấng Cơ Đốc. Sự kêu gọi của chúng ta là sự kêu gọi từ thiên đàng mà chúng ta không thể bỏ qua. Nếu sống cho thế gian và xác thịt, chúng ta sẽ mất tất cả. Cuối cùng, trong quá trình luyện tập, buồng phổi của các vận động viên chạy đua ngày càng nở nang khiến cho họ hấp thu được nhiều dưỡng khí hơn. Cũng vậy, kỷ luật thuộc linh: kiêng ăn, cầu nguyện, suy ngẫm Lời Đức Chúa Trời, phục vụ, ban cho… giúp cho “buồng phổi thuộc linh” của chúng ta ngày càng nở nang.

Xin Chúa giúp chúng ta sống xứng đáng với mục đích cao đẹp Chúa ban.