Giúp Con Bạn Chuẩn Bị Một Hôn Nhân Đẹp Lòng Chúa Trong Tương Lai

1420

Con bạn đang tiến gần đến độ tuổi mà sự lãng mạn đang trở nên điều cuốn hút hơn là khiếp sợ. Đừng nghĩ khi con bạn không nói thì có nghĩa là chúng không suy nghĩ về điều đó!

Là cha mẹ, chúng ta cần được chuẩn bị để hướng dẫn con cái trong việc hò hẹn, tỏ tình và kết hôn. Nên nhớ rằng con cái chính là môn đệ của bạn và bạn phải giúp con có cái nhìn đúng đắn về hôn nhân và việc chọn lựa bạn đời theo quan điểm Kinh thánh.

Điều đáng buồn là thế giới ngày nay đang lừa dối con trẻ chúng ta về ba phương diện của hôn nhân: hôn nhân là không cần thiết, hôn nhân không vĩnh viễn, và hôn nhân không chỉ là giữa nam và nữ. Hãy cùng đào sâu một chút về thông điệp sai lệch mà con trẻ chúng ta đang đón nhận.

Những Lời Dối Trá Mà Thế Giới Đang Nói Với Con Bạn Ở Tuổi Vị Thành Niên:

1. Hôn Nhân Là Không Cần Thiết

Đúng là không phải kết hôn thì mới có thể sống vui, sống ý nghĩa và làm vinh hiển Danh Chúa. Kinh Thánh có đề cập đến những lợi ích của việc sống độc thân (I Cô-rinh-tô 7), và vì thế trong một phạm trù nào đó, chúng ta có thể nói hôn nhân là không phải là điều bắt buộc phải có cho tất cả. Nhưng đó không phải là thông điệp mà thế giới ngày nay cổ vũ. Thông điệp của họ đó là không nhất thiết cứ sống chung là phải kết hôn.

Con trẻ của chúng ta thấy điều này ở ngoài đời cũng như trên màn hình. Thế giới ngày nay nói rằng hôn nhân không nhất thiết phải có quan hệ tình dục, phải sống chung, có con và nhiều thứ khác nữa…

2. Hôn Nhân Không Trường Tồn

Kinh Thánh cho chúng ta thấy một bức tranh rất rõ về thời điểm khi nào một người đã kết hôn được ra khỏi mối liên hệ hôn nhân (Rô-ma 7:2, I Cô-rinh-tô 7:15; Ma-thi-ơ 19:9).

Nhưng thế giới ngày nay lại nói với các con của chúng ta rằng hôn nhân có thể kết thúc bất cứ khi nào họ muốn, vì bất kể lý do gì hay thậm chí khi chẳng cần lý do gì hết.

3. Hôn Nhân Không Chỉ Giữa Người Nam và Người Nữ

Kinh Thánh cho chúng ta thấy rõ rằng hôn nhân phải là sự kết hiệp giữa người nam và người nữ (Ma-thi-ơ 19:4-6; Mác 10:6-9). Thế nhưng, văn hóa ngày nay dường như đang tìm cách làm lu mờ (hay thậm chí là xóa bỏ) những nét đặc trưng của từng giới tính.

Điện ảnh Hollywood, và bây giờ ngay cả ở trong hệ thống trường công lập cũng đang cố tìm cách bình thường hóa sự gắn kết giữa các cặp đôi đồng giới và không dừng tại đó. Công cụ tìm kiếm trên mạng trong tương lai sẽ tạo ra những tuyên bố của những người “cưới” thú cưng, hình nộm và một số vật vô tri vô giác khác nữa.

Khi thấy thông điệp sai lệch mà con trẻ đang đón nhận từ thế giới ngày nay, chúng ta có thể biết tại sao chúng ta, trong cương vị là phụ huynh, cần đưa ra lời khuyên cho con dựa trên tiêu chuẩn là Lời Chúa.

Tôi hy vọng 9 tiêu mục dưới đây sẽ hướng dẫn các cuộc nói chuyện của bạn với con về giao ước hôn nhân và những vấn đề cần suy xét khác khi con chọn lựa người để cùng bước vào giao ước hôn nhân:

1. Mục Đích của Hôn Nhân

Tôi nghĩ Mục sư John Piper đã giải thích rõ điều này khi ông nói, “Điều quan trọng nhất có thể nói về hôn nhân đó là hôn nhân tồn tại để mang sự vinh hiển đến cho Đức Chúa Trời… Nó mang kiểu mẫu về mối quan hệ giao ước giữa Đấng Christ và Hội Thánh và vì thế ý nghĩa và mục đích tối quan trọng của hôn nhân là để mối quan hệ giao ước giữa Đấng Christ và Hội Thánh được bày tỏ ra cho thế giới”.

Mục sư John Piper đã nhìn hôn nhân qua lăng kính của Ê-phê-sô 5:22-25. Trong hôn nhân, chồng mang biểu tượng về Đức Chúa Trời và vợ mang biểu tượng về Hội Thánh. Khi văn hóa của thế giới ngày nay chú trọng đến việc yêu và không còn yêu, thì Kinh Thánh lại nhấn mạnh đến sự kết ước.

Chúng ta biết Đức Chúa Trời xem vấn đề giao ước là rất quan trọng (Châm Ngôn 2:17; Ma-la-chi 2:14) và chúng ta cũng phải như vậy!

2. Tầm Quan Trọng của Việc Mang Ách Tương Xứng

Tôi đã từng nghe nhiều câu chuyện tuyệt vời về những người đến với niềm tin qua các mối quan hệ hò hẹn. Hẳn nhiên, Đức Chúa Trời có thể khiến niềm tin xảy ra bằng nhiều cách khác nhau theo ý Ngài muốn.

Nhưng đừng quên rằng II Cô-rinh-tô 6:14 cũng cảnh báo với chúng ta về việc mang ách chung với người không cùng niềm tin. Đó là sự khác biệt giữa việc hẹn hò với người chưa hiểu trọn vẹn về Phúc Âm và đang đi tìm chân lý với việc hò hẹn với người chẳng xưng mình biết Chúa gì hết.

Khi xem hôn nhân như một mối quan hệ giao ước, chúng ta sẽ dễ thấy việc gắn kết với người có cùng ước ao giữ chặt mối quan hệ giao ước là quan trọng dường nào.

3. Vai Trò của Sự Cuốn Hút Bề Ngoài

Điện ảnh Hollywood muốn các mối quan hệ chú trọng đến sự cuốn hút thể xác và dục vọng. Khi chúng ta cần giúp con cái hiểu rằng còn nhiều điều khác chi phối hôn nhân hơn là sự hấp dẫn thể xác, điều đó không có nghĩa rằng chúng ta không cần quan tâm hay xem nó là không cần thiết.

Nhã Ca 1:2 mô tả hình ảnh người nữ nhìn người đàn ông của lòng nàng, thích điều nàng thấy và muốn được người đó hôn. Trong Sáng Thế Ký 29:17, Gia-cốp yêu Ra-chên và thấy nàng đẹp.

Dù chúng ta không muốn con cái nâng giá trị một ai đó dựa trên dáng vẻ bề ngoài của họ, cũng như việc con cái cần thận trọng xử lý những ham muốn tình dục của bản thân, thì chúng ta cũng đừng cản trở con tìm kiếm cái đẹp trong sự sáng tạo tuyệt vời của Đức Chúa Trời khi Ngài tạo dựng người khác phái.

4. Tầm Quan Trọng của Việc Kết Ước

Chúng ta cũng nên cho các con tuổi thiếu niên hay thanh niên có thời gian để trưởng thành hơn trong tính cách. Hy vọng tất cả chúng ta sẽ trở nên người sống có kết ước tốt hơn khi lớn và trưởng thành hơn trong niềm tin. Nhưng một số lời khuyên tôi nghe được từ những bậc phụ huynh khác, đó là xem thử người đó có thể hiện tinh thần thiếu sự kết ước không, và nếu có, thì đó là báo động đỏ.

Chẳng hạn như người này có khó giữ công việc của mình được lâu không? Người này có hay nhảy từ hoạt động ngoại khóa này sang hoạt động ngoại khóa khác không? Người này có tiếng trong việc nhảy từ mối quan hệ hò hẹn với người này sang với người khác không? Người này có hay thay đổi trong quyết định của mình không?

Dù những thói quen này không nhất thiết cho thấy người đó không thể sống trong mối quan hệ kết ước với người bạn đời trọn đời, nhưng chắc hẳn đây là điều đáng phải suy xét, thảo luận, và cầu nguyện!

5. Nghệ Thuật Chịu Khổ

Điều chúng ta biết chắc đó là cuộc sống sẽ mang đến khổ đau. Chúng ta cũng được nói trước về điều đó. Đó không phải vì chúng ta là môn đồ của Đấng Christ, nhưng vì chúng ta đang sống trong một thế giới khổ đau và đầy tội lỗi. Vì thế, khi biết khổ đau sẽ xảy đến, việc quan tâm đến cách một người xử lý những khó khăn, áp lực trước khi quyết định gắn kết cuộc đời mình với họ lại chẳng là khôn ngoan sao?

Và đây là những câu hỏi cần đặt ra. Người đó có dễ nổi giận khi đối diện với thử thách? Người đó có tìm đến Chúa để được yên ủi hay tìm đến những thú vui trần gian để được xoa dịu? Người đó có vội phản ứng theo cảm xúc và trở nên không kiểm soát hay người đó tìm kiếm lời khuyên khôn ngoan và hỗ trợ từ người khác?

Gia Cơ 1:2-4 chỉ cho chúng ta cách chịu khổ giỏi. “Hỡi anh em, hãy coi sự thử thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là điều vui mừng trọn vẹn, vì biết rằng sự thử thách đức tin anh em sanh ra sự nhịn nhục. Nhưng sự nhịn nhục phải làm trọn việc nó, hầu cho chính mình anh em cũng trọn lành toàn vẹn, không thiếu thốn chút nào.”

Dù nhiều người trong số chúng ta đang học cách xem thử thách xảy đến là điều vui mừng, nhưng đây là vấn đề mà chúng ta cần xin Chúa Thánh Linh hành động trong đời sống của người theo Ngài.

6. Sự Tàn Hại của Lòng Kiêu Ngạo

Tất cả chúng ta đều đang vật lộn với sự kiêu ngạo. Con cái của chúng ta cũng vậy. Vì thế nếu bạn nói con đừng hẹn hò hay cưới người không hoàn toàn khiêm nhường, thì có nghĩa rằng bạn đang bảo con phải sống độc thân trọn đời. Thế nhưng, một số câu hỏi đáng được đặt ra để xét xem mức độ khiêm nhường lẫn kiêu ngạo của một người là thế nào.

Người đó có nghĩ mình biết hết mọi điều và luôn có câu trả lời đúng? Người đó có luôn cho rằng mình phải đưa ra hướng đi cuối cùng không? Người đó có sẵn lòng lắng nghe lời khuyên của người khác không? Người đó có sẵn sàng xin và chấp nhận sự trợ giúp của người khác không?

Lời Chúa đề cập rất nhiều về chủ đề kiêu ngạo và khiêm nhường. Đây là vài trưng dẫn trong Kinh Thánh để giúp bạn bắt đầu cuộc nói chuyện với con: Gia-cơ 4:6, 10; Giê-rê-mi 9:23; Phi-líp 2:3; Châm Ngôn 8:23; 11:2; 13:10; 16:5,18, 19; 21:4.

7. Tìm Kiếm Ý Kiến của Người Khác

Văn hóa của chúng ta ngày nay là đi tìm tiếng nói riêng của mình, tìm sự thuận ý của bản thân, và chỉ nối kết với người khiến mình hài lòng. Nói cách khác, thế giới ngày nay đang nói với con cái chúng ta rằng hãy đi theo điều mình muốn, đừng quan tâm đến điều người khác nói và chỉ kết bạn với người có cùng tư tưởng với mình.

Tôi rất vui khi nói rằng đây không phải là điều Kinh Thánh dạy. Châm Ngôn 12:15 nói rằng, “Đường lối của kẻ ngu muội vốn ngay thẳng theo mắt nó; còn người khôn ngoan nghe lời khuyên dạy.”

Nếu con bạn đang bắt đầu giai đoạn tìm biết một ai đó tốt hơn, thì tốt nhất hãy hạn chế sự tham gia của nhiều người.

Nhưng một khi con bạn bắt đầu chính thức hò hẹn, hãy cho con có thời gian không những với gia đình hai bên, nhưng cũng với Hội Thánh, và với người cố vấn của chúng. Hy vọng, theo thời gian, những người tham gia sẽ tán đồng mối liên hệ này, nếu không, con cần phải lắng nghe những ưu tư của họ.

8. Tầm Quan Trọng của Sự Cầu Nguyện

Tôi đã bắt đầu cầu nguyện xin Chúa ban cho các con trai của tôi có những người bạn đời trước khi chúng chào đời. Dầu tôi chưa biết tên của những người vợ tương lai của các con, tôi cũng đã cầu nguyện cho hai người nữ sẽ trở nên con dâu của tôi.

Bây giờ, khi con trai lớn của tôi bắt đầu hò hẹn, tôi vẫn thường cầu nguyện cho mối quan hệ của chúng trong giờ gia đình lễ bái vì chúng tôi muốn con trai mình biết rằng đây là vấn đề nghiêm túc và là vấn đề cần trình dâng lên Chúa.

Hãy khích lệ con cái cầu nguyện về vấn đề này trong thì giờ riêng tư của con với Chúa, nhưng cũng mời gọi con cùng cầu nguyện trong giờ gia đình lễ bái. Ngay cả khi con chưa bước vào mối quan hệ yêu đương với ai đó, việc cầu nguyện cho tương lai của con vẫn là điều cần thiết. Xem Cô-lô-se 4:2; Phi-líp 4:6,7.

9. Đừng Nghĩ Mình Biết Chắc Tương Lai

Chúng ta hoàn toàn không biết liệu con sẽ kết hôn hay không trong tương lai. Con của chúng ta có thể lựa chọn việc sống độc thân hay có thể rơi vào hoàn cảnh phải sống độc thân bất đắc dĩ.

Khi chuyện trò với con về việc hò hẹn, tỏ tình, đính hôn và kết hôn, chúng ta cũng nên dành thời gian để thảo luận với con về sự thỏa lòng (Phi-líp 4:11). Chúng ta cần chuẩn bị tấm lòng con về một đời sống tín trung và làm vinh hiển Danh Chúa cho dẫu có kết hôn hay không!

Khi nói với con về niềm vui của hôn nhân, chúng ta cũng cần cẩn thận để vấn đề độc thân không bị xem như sự rủa sả hay mất phước. Chúng ta đừng quên rằng trong 1 Cô-rinh-tô 7, Phao-lô nói độc thân cũng là ân tứ hay món quà!

Độc thân và kết hôn đều có những cơ hội hầu việc Chúa, đời sống được thanh tẩy và niềm vui khác nhau. Vì thế hãy mạnh dạn nói với con về các mối quan hệ lãng mạn. Nhưng trên hết, hãy giúp con tập chú vào mối quan hệ với Chúa.

Beth Ann Baus (Crosswalk)

Thảo Anh dịch