Nuôi Dạy Con Cái

690

Nuôi dạy con cái là một kinh nghiệm cần phải học hỏi. Việc sinh con cái thì dễ nhưng việc trở nên cha mẹ tốt thì không phải dễ. Kinh nghiệm hơn 20 năm làm cha, tôi có thể chia sẻ một số ý tưởng và đề nghị trong việc nuôi dạy con.

CHÚNG TA CẦN LÀM GÌ ĐỂ NGÔI NHÀ CỦA CHÚNG TA LÀ MỘT GIA ĐÌNH THỰC SỰ?

A. Tạo cho nhà chúng ta có một bầu không khí lành mạnh để con cái được lớn lên.

1. Làm cho gia đình chúng ta tràn ngập tình yêu.

Một bầu không khí yêu thương là điều cần hơn hết cho con cái chúng ta tăng trưởng. Tôi đã từng nhìn thấy những thành viên trong gia đình liên hệ với nhau trong tình yêu. Nhưng tôi cũng nhìn thấy những thành viên trong gia đình có mối liên hệ thật lạnh nhạt. Điều gì đã tạo ra sự khác nhau thế nầy? Tôi tin là cha mẹ là những người chính yếu làm việc đó. Là cha mẹ, chúng ta tạo nên một đặc điểm chung, một bầu không khí trong gia đình. Con cái chỉ đáp ứng tình yêu của chúng ta mà thôi.

Các nhà tâm lý học đã quan sát một đứa trẻ chưa từng được yêu thương, nó sẽ không thể yêu người khác, khi nó lớn lên khó hòa nhập với xã hội và nó cũng khó liên hệ với người khác. Mặt khác, con trẻ nhận được đầy đủ tình yêu, nó sẽ tự tin, trong sáng và rất dễ hòa hợp với mọi người.
Hãy cho con trẻ cảm nhận được yêu thương và an toàn. Hãy bày tỏ tình yêu của bạn với chúng, hãy ôm trẻ, hôn trẻ, cõng trẻ trên lưng, hãy dành thời gian cho chúng, khích lệ và quí trọng chúng.

Suy ngẫm: Tôi thuộc vào loại cha mẹ nào? Tôi đã yêu thương con tôi bao nhiêu? Tôi bày tỏ tình yêu ấy như thế nào?

2. Dành thời gian cho con bạn.

Nhiều bậc cha mẹ quá bận rộn trong việc kinh tế nên họ đã bỏ qua thời gian với con. Nhưng việc cung cấp những nhu cầu vật chất cho con không đủ đâu. Tác giả Larry Christenson trong tờ báo The Christian Family đã nói: “Chúng ta có thể yêu con cái mà không cần tiêu xài nhiều tiền bạc, không cần những chuẩn bị chu đáo, không cần cung cấp nhiều món đồ cần dùng. Nhưng chúng ta không thể bày tỏ tình yêu khi không dành thời gian cho con.”

Trong một dịp kia, khi hầu hết các học sinh đều được cha mẹ cho tiền tiêu vặt 50P (peso là tiền Phi Luật Tân) hàng tuần, tôi có nghe một em học sinh được cha mẹ cho 500P mỗi tuần và em ấy không vui. Tại sao thế? Lý do vì cha mẹ của học sinh nầy đã dành thời gian của họ cho việc làm ăn và nhiều việc khác, họ nghĩ rằng cung ứng cho con một số tiền kha khá như thế còn hơn trách nhiệm làm cha mẹ rồi. Em học sinh nầy đã không biết quản lý số tiền lớn ấy thậm chí còn rơi vào sự nghiện ngập.

Điều nầy có thể xảy ra cho con chúng ta. Nếu chúng không bị nghiện, chúng có thể gặp những người bạn xấu ảnh hưởng trên chúng. Chúng ta hãy sắp xếp dành thời gian với con. Cùng chơi những trò chơi với chúng, hãy đưa con đi xem những buổi hòa nhạc hay trình diễn, cùng nhau đi ra ngoài ăn tối, hay qui định giờ cùng ngồi quanh trong nhà trò chuyện. Các con chúng ta cảm nhận được tình yêu của chúng ta và chúng quan tâm mỗi khi chúng ta dành thời gian cho chúng.

Suy ngẫm: Tôi dành bao nhiêu thời gian cho các con? Những hoạt động nào để cả nhà có thể cùng vui với nhau?

3. Trò chuyện với con.

Những cơ hội trên cũng là cơ hội để chúng ta chia sẻ những suy nghĩ và giá trị của chúng ta với con cái. Đó là những thì giờ thuận tiện để lắng nghe chúng nữa. Chúng ta nên nhạy cảm với nhu cầu của chúng, hãy lắng nghe những thắc mắc và những tranh cãi của chúng, xoa dịu những gì làm đau lòng chúng, và cảm thông với chúng trong đời sống. Hãy giúp chúng cảm thấy có ai đó đang hướng dẫn, thông hiểu chúng và giúp chúng cảm thấy vui thích.

Trò chuyện và lắng nghe con trẻ không những giúp chúng phát triển trí thức mà còn giúp chúng được tăng trưởng về mặt đạo đức và tâm linh nữa. Xin chúng ta đừng quên rằng nhờ Chúa con trẻ chúng ta tin tưởng nơi chúng ta và chúng ta có trách nhiệm trong sự phát triển toàn diện của chúng.

Suy ngẫm: Tôi đã trò chuyện với con cái hiệu quả thế nào? Bằng cách nào tôi đã giúp con cái hình thành sự phát triển trong chúng?

4. Hãy trở nên gương mẫu cho con

Cách sống của chúng ta ảnh hưởng trên con cái rất nhiều. Con trẻ học hỏi qua những gì chúng thấy và nghe, và cha mẹ là người mà chúng thấy và nghe nhiều nhất. Mặc dù chúng có thể chịu ảnh hưởng bởi thầy cô giáo, bạn bè cùng trang lứa, bà con, hàng xóm hay những người trên TV… Các nghiên cứu cho biết cha mẹ có ảnh hưởng nhiều nhất trên con trẻ suốt trong những năm tháng các cháu tăng trưởng.

Con trẻ nhìn thấy cha mẹ vượt đèn đỏ, hối lộ công an, lấy về nhà những vật dụng trong văn phòng, xem những phim đồi trụy hay chúng nghe ba mẹ nói hành ai đó và dùng những lời nói thô bỉ và nhìn thấy tinh thần cha mẹ chấp nhận những hành động trên.

Mặt khác, nếu chúng nhìn thấy ba mẹ yêu nhau và tôn trọng nhau, giúp đỡ hàng xóm, bạn bè, đọc Kinh Thánh và cầu nguyện thì con trẻ sẽ bắt chước những hành động tích cực nầy và những phẩm chất giống Chúa.

Suy ngẫm: Tôi đã ảnh hưởng tốt trên con cái thế nào qua đời sống làm gương tốt của tôi?

5. Trân quý con bạn.

Phần lớn trẻ con thích làm vui lòng ba mẹ. Những cố gắng của con trẻ bị cha mẹ phớt lờ thì con trẻ sẽ nghĩ là mình kém giá trị. Vì thế, chúng ta cần trân quý những thiện chí cố gắng của con trẻ hơn là thật sự chúng làm được gì. Chúng ta hãy cùng xem qua những trường hợp dưới đây, tên đã được thay đổi:

a. Bé Karen cảm thấy mẹ yêu thích anh trai mình nhất. Vì vậy, cháu bé 4 tuổi nầy đã chịu khó vẽ một tấm thiệp thật công phu và một ngày kia cháu đã tặng mẹ với ước mong mẹ sẽ yêu cháu. Hãy tưởng tượng một tấm thiệp được vẽ bởi một em bé 4 tuổi như thế nào! Người mẹ đã nhìn tấm thiệp và quăng nó, bà đã thốt lên: “Xấu quá!”

Bé Karen đã đã bị tổn thương và nghĩ rằng mẹ mình không hề yêu thương mình. Sự việc xảy ra đã gây ấn tượng sâu sắc trên cô bé thậm chí đến khi cô bé được 12 tuổi cô ấy đã thuật cho tôi nghe và khóc thật nhiều…

b. Bé Pedring 14t, đã đi dự trại Hè ở Baguio. Trên đường về, bé nghĩ là mua rau cải về cho mẹ, nên bé đã mua rau không những tươi mà còn rẻ nữa.
Sau khi xem kỹ rau, người mẹ thốt lên: “Thật là phí tiền! Rau không tươi mà còn mắc hơn ở Manila nữa!” Thế là từ đó, Pedring tự hứa là không bao giờ mua gì về nhà hết.

Thay vì nhận được sự trân quý của cha mẹ đối với tấm lòng của con, thì con họ đã bị tổn thương.

Suy ngẫm: Bạn đã trân quý con cái bạn bao nhiêu? Bạn đã bày tỏ sự trân quý ấy thế nào? Hãy thành thật đánh giá những câu nói trong những dịp như thế, bao nhiêu lần chúng ta nói “Đừng làm điều nầy, hãy làm điều kia”? Có bao nhiêu từ về sự trân quý, xác định, hay khích lệ con chúng ta?

B. Cha Mẹ, hãy coi chừng

Kinh Thánh chép: “Hỡi người làm cha, chớ chọc cho con cái mình giận dữ” (Ê-phê-sô 6:4) và Cô-lô-se 3:21 “Hỡi kẻ làm cha, chớ hề chọc giận con cái mình, e chúng nó ngã lòng chăng.”

Có nhiều điều cha mẹ không nên làm cho con cái mình. Tôi xin đề nghị 3 điều mà những sách nói về trách nhiệm cha mẹ ít nói đến:

1.Không nên phạt con cái lúc mình đang lúc giận dữ.

Câu châm ngôn khôn ngoan của người Trung Hoa khuyên chúng ta đừng đánh con khi đang nổi giận, “…hãy chờ khi cơn giận qua đi trước khi bạn đánh con trẻ.” Kinh Thánh cũng dạy nên kỷ luật con cái, hãy dạy chúng biết cách sống, hãy sửa dạy chúng khi cần thiết (Châm Ngôn 13:24). Nhưng trước khi đánh vào mông con, hãy tự hỏi: “Tại sao tôi đánh con tôi? Tôi đánh con vì muốn sửa sai nó hay chỉ vì tôi không kềm chế được cơn giận trong tôi?” Nếu bạn đánh con bạn chỉ vì để hả cơn giận, thì việc làm nầy sai rồi vì sẽ làm cho con trẻ đau đớn. Bạn sẽ thất bại trong việc dạy con vì bạn đánh con đang lúc bạn giận dữ.

Trong lúc giận, có thể bạn đánh con quá nặng. Nhưng cho dù bạn đánh nhiều hay không, đứa trẻ vẫn biết là bạn đang mất kiểm soát sự nóng giận của bạn. Nếu như ai đó hỏi đứa trẻ là “Tại sao ba con đánh con?” Nó sẽ trả lời “vì ông ấy nóng giận”. Bài học mà bạn định dạy cho đứa trẻ sẽ bị lãng quên.

Bài học tương tự về sự chửi mắng con. Khi cha mẹ mắng chửi con, dùng những từ mà con không hiểu. Con trẻ sẽ cảm thấy bị sỉ nhục và tâm lý bé sẽ bị hủy hoại rất nặng.

Hãy chờ đợi khi cơn giận qua đi. Rồi hỏi con: “Con đã làm gì thế? Điều con làm có đúng không?” Rồi giải thích cho con tại sao con phải bị phạt. Có người đã nói: “Làm sao tôi có thể không đánh con khi tôi đang tức bực, tôi không thể kiềm chế mình được. Và nếu tôi chờ cho đến khi hết giận, tôi sẽ không thể đánh nó nữa.” Tôi đồng ý điều đó không phải là dễ. Nhưng hãy suy nghĩ đến con bạn, vì lợi cho cháu, bạn phải thực hành tự kiềm chế mình. Hãy cầu xin Chúa ban cho bạn sự khôn ngoan và sức lực để bạn làm những điều đúng. Tự kiềm chế hay tiết độ là một trong những bông trái Thánh Linh.

2. Đừng ép con học quá sức của nó.

Là cha mẹ, chúng ta đều mong muốn con chúng ta học giỏi. Điều đó tốt. Chúng ta đều ao ước con chúng ta sẽ phát huy hết tiềm năng. Điều đó cũng rất tốt. Tuy nhiên, áp lực con cái học để đem lại sự vinh dự cho gia đình lại là một vấn đề khác.

Nói thẳng ra là nhiều bậc cha mẹ muốn con học giỏi để ba mẹ được thỏa mãn và vinh dự cho họ. Tôi có thoáng nghe điều nầy như là tốt “Bà ơi, các con bà thật thông minh, chúng đều là những học sinh xuất sắc!” Vì thế, để duy trì được hình ảnh tốt đẹp nầy, cha mẹ ép con học nhiều hơn, tập trung học liên tục, bỏ qua những trò chơi thể thao hay giải trí.

Thông thường, một đứa trẻ sẽ phát triển tâm trí, thể xác, tâm linh và tâm lý. Một khi những bộ môn bị ngắt đi, tâm trí của trẻ có thể sẽ phát triển nhanh chóng nhưng cháu sẽ bị ức chế những khía cạnh khác.

Một hậu quả khác nữa là đứa trẻ sẽ rơi trong tình trạng căng thẳng liên tục. Bé sợ làm cha mẹ thất vọng và không còn được yêu thương. Rồi mối quan hệ với các bạn trong lớp thì sao? Con trẻ có thể rơi vào lối sống khép kín, khó gần gũi.

Tôi đã tư vấn cho các bạn trẻ nhiều năm, tôi đã từng gặp những người trẻ rất buồn với mặc cảm tự ti phức tạp nầy và tôi đã tìm ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng nầy là họ có cha mẹ luôn ép con học quá sức – có những bậc cha mẹ không hài lòng khi con mình đạt kết quả học tập điểm số trên trung bình. Đó là trường hợp của bé Jaime. Cháu đạt được hạng nhì danh dự trong lớp. Khi cháu đi học về gần đến ngày bế giảng, ba mẹ đã mắng cháu: “Đây là lần thứ hai con không đạt hạng nhất danh dự. Tại sao con không học tốt giống như Jose, người anh em họ của con?” Những lời trách móc như thế làm bé tổn thương sâu sắc, đặc biệt là cháu đã cố gắng tối đa.

Mặc dù có vẻ quá cực đoan, câu chuyện trên là có thật, nhiều bậc cha mẹ mong muốn cho con mình phải là tốt nhất. Coi chừng, đừng để con bạn rơi vào đời sống bị què quặt bởi suy nghĩ rằng nó có nhiều khuyết điểm, thua kém người ta.

Nhiều khi đứa trẻ sẽ chuyển đổi hình ảnh cha mẹ không bao giờ thỏa lòng con thành sự hiểu biết lệch lạc về Đức Chúa Trời. Cháu nghĩ rằng Đức Chúa Trời cũng là Đấng hay đòi hỏi và chuộng thành tích, vì thế cháu cảm thấy mình cần phải biểu diễn trước Chúa để chứng minh giá trị của nó như: nó PHẢI đi nhà thờ, nó PHẢI có thì giờ tĩnh nguyện với Chúa mỗi ngày không bao giờ bỏ qua việc làm nầy, nó PHẢI chia sẻ Phúc âm cho người khác. Vì thế, nó phải trải qua những cảm xúc, tương giao mật thiết đầy ý nghĩa với Chúa Giê-xu Christ.

Để làm tất cả những điều này có nghĩa là chúng ta nên đi theo chính sách không tham dự vào việc học hỏi của con cái phải không? Chắc chắn không phải thế! Là cha mẹ, chúng ta nên giúp con nhận biết tầm quan trọng của việc giáo dục đúng đắn và giúp cháu làm sao để chuẩn bị tốt cho cuộc đời sau nầy của cháu. Chúng ta cần cung cấp cho cháu một môi trường tốt nhất cho việc học của cháu. Chúng ta nên hướng dẫn cháu trong việc học và khích lệ cháu phấn đấu cho được tốt nhất để danh Chúa được vinh hiển qua cuộc đời của cháu. Vì vậy, chúng ta hãy làm tất cả mọi sự vì lợi ích cho các cháu chứ không phải thỏa mãn những gì chúng ta mong đợi nơi các cháu.

3. Đừng xét đoán các cháu theo tiêu chuẩn người lớn.

Bobby chỉ mới 3 tuổi nhưng cháu có một kinh nghiệm hết sức đau đớn. Một ngày trong lúc cháu chơi với người giúp việc, bé đã nhảy từ cầu thang và người giúp việc đã giơ tay để đỡ bồng cháu trước ngực mình. Bobby để ý cái nút áo màu sáng trên ngực cô nầy và vô tư chơi với cái nút, gài vào mở ra phần trên áo của cô giúp việc.

Cha của Bobby bước vào và nhìn thấy Bobby đang chơi cái nút áo như thế thì ông đã vội vàng kết luận là Bobby phạm tội về dâm dục và ông nổi nóng với bé. Có một lò than gần đó, người cha đã gắp viên than đang cháy đốt tay của bé để phạt bé. Bobby không thể hiểu tại sao bố lại phạt nó. Kể từ ngày ấy, bé rất sợ bố. Sự việc nầy đã khiến cho Bobby liên tục kinh nghiệm những đau thương sau nầy.

Nan đề ở đây là cha của Bobby đã xét đoán bé theo tiêu chuẩn người lớn. Các nhà tâm lý trẻ em cho chúng ta biết trẻ em phát triển giá trị đạo đức dần dần từng giai đoạn. Vì thế thật là sai lầm khi chúng ta cho rằng trẻ em nhận biết sai hay đúng giống như người lớn. Khi chúng ta cảm thấy muốn kết luận rằng trẻ đã làm sai, chúng ta hãy tự hỏi: “Liệu đứa trẻ biết mình làm điều đó sai không?”

C. Cha mẹ, hãy giữ đời sống tâm linh mình luôn tăng trưởng

Làm cha mẹ là một vai trò rất khó khăn, đầy thách thức. Tất cả chúng ta đều cần tập trung sự khôn ngoan, sức lực và tình yêu vào việc này. Là cha mẹ, chúng ta biết là nên làm điều gì đó nhưng cuối cùng chúng ta không làm được. Làm thế nào chúng ta giải quyết được điều nầy?

Điều quan trọng hơn hết là chúng ta phải bước đi với Đức Chúa Trời, thấm nhuần Lời Ngài đó là Kinh Thánh, hãy lắng nghe Ngài, tương giao với Ngài qua sự cầu nguyện. Hãy vâng lời Ngài luôn, nhờ đó Ngài sẽ khiến chúng ta trở nên giống Ngài nhiều hơn. Chỉ ở trong Chúa, Ngài sẽ khiến chúng ta trở nên khôn ngoan. Lớn lên trong Ngài, chúng ta sẽ hiểu biết hơn, kiên nhẫn hơn, yêu thương hơn và nhạy bén hơn với nhu cầu của con trẻ. Chúa sẽ giúp đỡ chúng ta trở nên cha mẹ mà chúng ta cần phải trở thành. “Vì Đức Giê-hô-va ban cho sự khôn ngoan; từ miệng Ngài ra điều tri thức và thông sáng.” (Châm ngôn 2:6)

Còn rất nhiều nguyên tắc nuôi dạy con cái như: cha mẹ nên dạy con về tình dục, cha mẹ phải cư xử nhất quán với con cái, không được thiên vị. Tôi hy vọng những gì tôi sưu tầm được ở đây sẽ hướng dẫn các bạn khám phá thêm những chủ đề liên quan đến nuôi dạy con trở nên giống Chúa hơn.
Cầu xin Chúa ban cho chúng ta sự khôn ngoan trong việc nuôi dạy con cho Đức Chúa Trời.

Tác giả: Bertram Lim
Thanh Khiết dịch
Nguồn: On Bringing Up children (OMF Literature, Inc.)