Ơn Chúa Tại Đất Kẻ Sống

259

Rất khó để nhận biết hoàn cảnh cụ thể nào trong cuộc đời khiến Vua Đa-vít viết lên Thi-thiên 27, một trong những Thi-thiên đem đến sự an ủi lớn nhất cho con dân Chúa trải qua các thời đại. Thi-thiên này gồm hai phần rõ rệt: Sáu câu đầu là lời tuyên xưng bằng đức tin của trước giả nơi Đức Chúa Trời, và từ câu 7 trở đi là lời cầu nguyện của linh hồn ông dâng lên cho Đấng ông yêu thương và tin cậy.Trong phần mở đầu, tác giả dùng ba hình ảnh, ánh sáng, sự cứu rỗi, và đồn lũy, để chỉ về Đức Chúa Trời là Đấng mình nương cậy. Chính vì vậy, điều ông mong muốn nhất là “được ở trong nhà Đức Giê-hô-va để nhìn xem sự tốt đẹp của Đức Giê-hô-va”. Vua Đa-vít không trông cậy vào quân đội, sự khôn ngoan, hay những người trung thành với ông nhưng vào chính sự tốt lành của Đức Chúa Trời. Cũng như Vua Đa-vít, chúng ta là những người có phước khi được nhận biết và thờ phượng một Đức Chúa Trời tốt lành. Sự tốt lành của Chúa được bày tỏ qua công trình sáng tạo tốt lành, qua chương trình cứu rỗi kỳ diệu dành cho con người, và qua cả sự thành tín đối với chúng ta mỗi ngày.

Câu “Tôi sẽ sợ ai? Tôi sẽ hãi hùng ai?” tuy đặt dưới dạng câu hỏi nhưng là lời xác quyết: Chẳng sợ ai! Chẳng hãi hùng ai! Đặt câu hỏi như thế là cách tác giả tự củng cố đức tin của mình trước những sức mạnh thù nghịch. Nhận biết Đấng mình nương cậy là ai, tác giả không còn rúng động trước sức mạnh của quân thù, vì tin chắc rằng Ngài sẽ làm cho quân thù vấp ngã. Sự thành tín của Đức Chúa Trời khiến Vua Đa-vít vững tin trong cuộc sống. Đối với ông, không ai đáng tin cậy hoàn toàn ngoài Đức Chúa Trời, vì ngay cả “khi cha mẹ bỏ tôi đi, thì Đức Giê-hô-va sẽ tiếp nhận tôi”. Chính sự tốt lành của Đức Chúa Trời là sự trông cậy của cả đời sống Vua Đa-vít khiến ông không ngã lòng. Đây cũng là điều đem đến cho chúng ta sự bình an trong mọi hoàn cảnh, ngay cả khi mọi người quay lưng với chúng ta, ngay cả trong những sai phạm của cuộc đời mình thì sự tốt lành của Đức Chúa Trời vẫn không rời bỏ chúng ta và tình yêu bao dung của Ngài vẫn luôn dành cho chúng ta.

Sau khi lớn tiếng ca tụng Đức Chúa Trời trong sự vui mừng và bày tỏ lòng tin cậy nơi sự che chở của Ngài, Đa-vít tiếp tục cầu nguyện cùng Ngài. Có lẽ nghịch cảnh tiếp tục theo đuổi ông vì thế trong sự lo âu ông đã kêu cầu Ngài, xin hãy nghe tiếng tôi kêu cầu cùng Ngài. Hãy thương xót tôi, và nhậm lời tôi. Ông khẩn thiết tìm kiếm Đức Chúa Trời bằng cả tâm hồn. Lời khẩn nguyện của ông là tiếng nói của một linh hồn đang ở trong sự sầu khổ và hoạn nạn, thiết tha nài xin sự giải cứu mau chóng từ Chúa. Đa-vít kêu cầu Đức Giê-hô-va với niềm tin cậy rằng trong quá khứ Ngài đã nghe, đã giải cứu, giờ đây Ngài cũng sẽ nghe và nhậm lời. Qua lời cầu nguyện, Đa-vít tiếp tục bày tỏ niềm tin cậy và sự nương dựa nơi Đức Chúa Trời. Ông nhận thức rằng khi Đức Chúa Trời giấu mặt Ngài có nghĩa là Ngài không đổ phước xuống và không giang tay ra che chở nữa. Vì thế ông cố sức tìm kiếm mặt Đức Chúa Trời bằng cách giữ gìn mối quan hệ khắng khít với Ngài qua sự cầu nguyện, qua nếp sống vâng phục và bước đi trong sự sáng. Khi làm như thế thì dù có lúc Đức Chúa Trời giận, Ngài vẫn tiếp trợ và không lìa bỏ ông. Không còn được Đức Chúa Trời tiếp trợ và bị Ngài lìa bỏ là một nỗi bất hạnh lớn cho những ai xưng mình là người thuộc về Đức Chúa Trời.

Khi cầu xin Đức Chúa Trời dẫn ông vào các lối bằng phẳng, Đa-vít muốn cầu xin Đức Chúa Trời san bằng mọi trở lực trên đường ông đi. Chắc hẳn trên linh trình vẫn còn nhiều trở lực trước mặt, nhưng khi có Đức Chúa Trời đi cùng, chính tay Ngài sẽ san bằng mọi trở lực chứ không phải chúng ta. Cuối cùng bất chấp mọi khó khăn, Đa-vít tin rằng Chúa sẽ đến mau chóng, giải cứu người thuộc về Ngài. Ông không ngã lòng thất vọng khi thấy ơn của Ngài trên đất kẻ sống.

Xin Chúa giúp chúng ta luôn ngửa trông nơi Ngài và tiếp tục vững lòng tin cậy Ngài.