(Rô-ma 12:17)
Sứ đồ Phao-lô bắt đầu thư Rô-ma 12 với lời khuyên bảo các tín hữu tại La Mã sống cuộc đời tận hiến cho Đức Chúa Trời. Ông kết thúc chương này với một số nguyên tắc cho nếp sống yêu thương. Trước tiên, tình yêu thương phải thành thật. Tình yêu chân thật này được thể hiện qua sự quý mến, tôn trọng, và đáp ứng nhu cầu cho nhau. Tình yêu chân thật được biểu hiện không chỉ qua lời nói, nhưng còn qua thái độ, tình cảm, và hành động thiện lành đối với nhau. Nếp sống yêu thương là nếp sống tách biệt với điều dữ. Tội lỗi và điều ác là những điều ghê tởm đối với người thuộc về Đấng Cơ Đốc. Chúng ta không thể chấp nhận những điều đó trong cuộc sống mình. Lời Chúa dạy: “Mọi hình thức gian ác thì phải tránh xa”.
Trên phương diện tích cực, nếp sống yêu thương gắn bó với điều lành và được thể hiện qua những việc thiện lành. Người có tình yêu thương cũng thích kết bạn và gần gũi với người lành. Sự yêu thương chân thật không bao giờ bỏ cuộc dù đối diện với bất cứ hoàn cảnh nào. Chúng ta dễ yêu thương khi mọi sự êm xuôi, không có gì xung khắc. Nhưng có lúc sự khó khăn sẽ đến với chúng ta, hoặc lúc các mối liên hệ bị rạn nứt, bị hiểu lầm, v.v… Đó là những lúc mà tình yêu thương chân thật cần được bày tỏ một cách nhiệt thành. Tình yêu thương chân thật sẽ kiên trì trong những lúc gặp khó khăn với người khác, và chúng ta cũng nên đứng bên những người đang gặp khó khăn khi họ cần đến chúng ta. Tình yêu thương chân thật chia sẻ những nỗi vui buồn với nhau. Trong tình yêu thương, chúng ta không đè nén những cảm xúc, nhưng tâm sự với nhau trong tinh thần xây dựng, quan tâm đến tình cảm của người khác và cảm thông với họ. Tình yêu thương chân thật rất thực tế. Không chỉ yêu mến bằng lời nói, nhưng còn bằng hành động và chân lý. Tình yêu thương hào phóng và rộng rãi, sẵn sàng ban tặng, và cứu giúp. Tình yêu thương mở rộng lòng đón tiếp nhau và sẵn sàng làm điều thiện cho nhau.
Sứ đồ Phao-lô nói chúng ta có thể thắng điều ác bằng cách làm điều thiện: “Đừng lấy ác trả ác, nhưng bao giờ cũng phải cư xử tốt với nhau, và với tất cả mọi người”. Điều này có nghĩa là chúng ta có thể đánh bại người ngược đãi chúng ta bằng cách đối xử với họ theo cách Chúa đã đối đãi với chúng ta. Chúng ta cần áp dụng lời dạy nầy với mọi người: trong gia đình, người gây khó khăn, người cùng làm việc “khó thương”, người làm khổ chúng ta, người đáng bị trả thù. Khi trả thù chúng ta đánh mất khả năng chia sẻ ân sủng Đức Chúa Trời cho chúng ta với họ và chúng ta làm đau lòng Ngài. Lòng nhân từ bày tỏ chúng ta là con cái Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu nói rằng khi chúng ta sống một đời sống nhân từ, chúng ta sẽ được gọi là con của Đấng Chí Cao. Nhân từ cũng là bản chất của Chúa Giê-xu. Nhân từ không gì khác hơn là yêu thương bằng hành động. Không có hành động nhân từ nào lớn hơn hành động của Chúa Giê-xu chịu chết trên thập tự giá vì yêu thương con người. Chúa Giê-xu là tấm gương nhân từ của chúng ta. Ngài ban cho chúng ta ân sủng; vì vậy chúng ta có thể bày tỏ lòng nhân từ đối với người khác. Chúa Giê-xu nói lòng nhân từ của chúng ta chứng thực chúng ta là môn đồ của Ngài. Là người tin theo Chúa chúng ta phải cư xử giống như Chúa. Có nghĩa là chúng ta phải bày tỏ lòng nhân từ của Chúa cho mọi người, phài chăm làm điều thiện trước mặt mọi người.
Làm Cơ Đốc nhân trong thế gian chẳng bao giờ dễ dàng cả. Khi chúng ta chịu bắt bớ chúng ta phải nhường sự trả thù cho Đức Chúa Trời và tích cực tìm kiếm điều lành cho kẻ thù của chúng ta. Một phản ứng ác chỉ có thể làm cho nan đề càng xấu thêm. Quyền năng chữa lành của Chúa Giê-xu tuôn chảy ra cho những kẻ ô uế. Ngài không hề bị lây nhiễm do liên kết với những kẻ thu thuế và tội nhân. Cũng vậy, là môn đồ Ngài, chúng ta được kêu gọi thắng điều ác bằng điều thiện.
Xin Chúa giúp chúng ta sống giống Chúa, đầy lòng thương xót, tình yêu, sự tha thứ, mềm mại và nhân từ.