(Gióp 42:5)
Dù Gióp cam nhận bao nhiêu mất mát đau đớn với một niềm tin sắt đá nơi Đức Chúa Trời, ông cũng như chúng ta, không thể không hỏi “tại sao?” Nhất là sau khi ông đã mất hết mọi sự, rồi chính bản thân cũng bị bệnh nan y hành hạ. Than vãn về đau khổ là một hành động rất “con người” mà Đức Chúa Trời không hề cấm đoán, đặc biệt là những lời rên siếc của một người đang chịu hoạn nạn khổ đau. Cuộc tranh cãi giữa ông và các bạn thân đến thăm ông trải dài gần bốn mươi chương sách cho chúng ta thấy những suy luận của con người về nguyên nhân đau khổ chỉ là cuộc tranh luận của những người mù sờ voi. Gióp và các bạn ông không hề biết những gì xảy ra nơi hậu trường trong cõi vô hình: Những hoạt động của Sa-tan, uy quyền của Đức Chúa Trời, v.v….
Gióp là người thánh thiện, đến nỗi Chúa bảo Sa-tan chứng minh là Gióp bất toàn, Sa-tan đã thua. Về vật chất, Gióp mất mát nhiều, về tinh thần, Gióp sa sút vì con cái chết hết, thân mình ghẻ lở. Sau đó các bạn Gióp đến, an ủi và trò chuyện với Gióp. Cuộc trò chuyện này không đi đến đâu và chẳng giải quyết được nan đề của Gióp, cũng không giải đáp câu hỏi: Tại sao Gióp đau khổ? Cuối cùng chính Chúa phán dạy Gióp. Những mất mát, ốm đau, bị bạn bè bỏ rơi khiến lòng ông như “sóng triều” xao động nhưng ông vẫn luôn luôn trung thực và nắm lấy sự thành tín của Đức Chúa Trời của mình. Ông vững vàng tin cậy công lý của Đức Chúa Trời, và bác bỏ những lý lẽ hời hợt của các bạn. Mấy chữ “nhưng bây giờ” chứng tỏ Gióp đang được biến đổi sâu xa. Ông vui mừng được hiểu biết sâu sắc hơn trước. Sự đổi mới từ từ diễn ra rất rõ ràng khi ông đối diện với Đức Chúa Trời. Sau khi nghe lời Chúa, tâm trí mở ra, ông ăn năn lỗi lầm vì đã oán trách Chúa.
Sau khi nhận được những lời dạy dỗ của Đức Chúa Trời, mắt tâm linh của Gióp đã mở ra, lòng và trí ông được soi sáng, ông chẳng còn lý do nào để cãi lý hoặc biện hộ nữa. Ngược lại, ông thấy rõ sự sai phạm của mình và ăn năn trước Chúa. Ông thưa với Chúa bốn điều: Thứ nhất, ông nhận biết Chúa là Đấng Toàn Năng: “Tôi biết rằng Chúa có thể làm được mọi sự, chẳng có ý chỉ nào Chúa lấy làm khó lắm”. Thứ hai, ông nhìn nhận với Chúa là trong khi gặp hoạn nạn, ông đã phạm tội trong lời nói vì “nói những điều không hiểu.” Ông đã từng cáo buộc Chúa là bất công với ông, vì vậy Chúa phán với ông “kẻ này là ai, không hiểu biết gì, lại dám che ám chỉ của Chúa.” Những điều Chúa làm thật quá “lạ lùng” làm sao ông hiểu biết được. Thứ ba, ông Gióp xin Chúa chỉ dạy cho ông vì qua những hoạn nạn và những sự dạy dỗ của Chúa, ông thật sự kinh nghiệm quyền năng của Ngài: trước đó ông chỉ nghe đồn, nhưng bây giờ mắt ông đã thấy. Thứ tư, qua những điều Chúa dạy dỗ ông, ông “lấy làm gớm ghê” chính mình và “ăn năn trong tro bụi”.
Khi ông Gióp biết Chúa càng rõ, niềm tin nơi Chúa càng lớn, thì ông nhận biết những tội lỗi của ông càng lớn và sự ăn năn của ông càng thắm thiết. Không còn những lời lằm bằm oán trách hoặc than vãn chán đời, nhưng đối diện với Đức Chúa Trời toàn năng, cao cả, và diệu kỳ, ông Gióp chỉ thấy trước mắt ông là ân sủng quá lớn lao của Chúa đang tràn ngập trong ông, ông chỉ còn biết khiêm cung cúi đầu, ghê tởm chính mình, ăn năn thống hối và cầu xin sự dạy dỗ của Chúa. Giờ đây, Gióp không còn bận tâm tìm hiểu nguyên nhân nỗi khổ của ông nữa. Khi biết Chúa rõ ràng khác nào “mắt con đã thấy Ngài”, ông đã hiểu được huyền nhiệm của đau khổ và nhận ra rằng Chúa có năng quyền làm mọi việc, không ai ngăn cản được ý định Ngài. Bấy giờ Gióp vẫn còn ngồi trong đống tro nhưng nỗi cay đắng đã tan biến, thắc mắc cũng không còn, ông hoàn toàn chấp nhận bằng đức tin những điều xảy ra dù không thể hiểu được, vì ông biết phía sau huyền nhiệm đó là mục đích của Đức Chúa Trời. Dù là Sa-tan, kẻ thù, hoàn cảnh, nghèo khổ, bệnh hoạn, chết chóc nhưng Chúa không hề bỏ ta. Hãy vững tin nơi Chúa vì thử thách là để ta đắc thắng chứ không phải để cho ta thua. Nếu bền tâm, hết lòng theo Chúa, thì chúng ta sẽ thắng.
Xin Chúa tha thứ sự thiếu đức tin của chúng ta, giúp chúng ta đặt niềm tin cậy trọn vẹn nơi Ngài.