HTTLVN.ORG – Tôi có thật sự tha thứ cho người khác khi sự sai trái của họ với tôi vẫn cứ hiện lên trong tâm trí tôi? Làm sao tôi biết mình thật tha thứ cho chồng? Tôi vẫn thấy mình bị tổn thương khi nghĩ đến những lời nói tổn thương của chồng tôi. Tôi đang cầu nguyện xin Chúa giúp tôi sống phục vụ và yêu thương anh ấy cho dẫu tôi có cảm thấy thế nào, thế nhưng nỗi đau gợn lên từ việc bị xúc phạm có phải là dấu hiệu cho thấy tôi vẫn chưa thật tha thứ cho anh ấy? Đó là trăn trở của một chị em trong Chúa khi nghĩ đến những lời nói tổn thương của chồng.

Điều tôi thấy trong hôn nhân của chúng ta cũng như trong những mối quan hệ tương tự khác đó là một trận chiến tìm kiếm sự thánh khiết, nhất là trong việc không phạm tội khi người kia phạm lỗi với mình. Đây là một trận chiến thường thấy trong hôn nhân của người tin Chúa khi chúng ta muốn sống đúng theo lời dạy của Thánh kinh và theo đuổi sự thánh khiết.

Một trong những trận chiến giành lấy sự thánh khiết và tình yêu trong hôn nhân Cơ Đốc là một trận chiến không phạm tội khi đối diện với sai phạm của chồng hay vợ của mình, đó có thể là những lời nói tổn thương, hay không nói những lời đáng nói… Dĩ nhiên, vấn đề phức tạp ở đây là chúng ta thường thấy lỗi của người khác dẫu lời nói hay hành vi của họ không thể hiện sự cố ý phạm tội, và khi chúng ta cố gắng tha thứ cho họ, chúng ta lại bị chỉ trích vì bản thân họ chẳng thấy họ sai điều gì với chúng ta. Vì thế, việc tha thứ của chúng ta giống như buộc cho họ cái tội mà họ không hề thấy có lỗi.

Một Trận Chiến Phức Tạp

Trận chiến giành lấy sự thánh khiết trong hôn nhân và trong những mối quan hệ khác không đơn giản là né tránh việc phạm tội với người khác nhưng là tránh xa tội khi phản ứng với tội của người khác. Thường khi phạm tội với ai đó, chúng ta hay mạnh mẽ biện hộ là do người kia khiến mình phạm tội.

Có thể chúng ta khó nghĩ đến việc xử lý tội của mình vì vấn đề ở đây dường như là người kia mới là người có lỗi. “Luật sư bên trong” bạn đang đứng lên và nói rằng, “Nè, đó là tội của họ. Bạn không có lỗi gì hết” khi mà thực ra, vấn đề lớn nhất của tôi bây giờ là tội của chính mình.

Có thể chúng ta tự biện hộ cho cảm xúc, tự thanh minh cho tổn thương hay phẫn nộ của bản thân. Vì thế, bạn có thể thấy giây phút đầy cảm xúc này phức tạp đến chừng nào khi có sự biện hộ cho việc làm sai trái của bản thân. Chúng ta thấy người kia phạm lỗi với mình và rồi cái tôi trong lòng lại nổi lên khiến chúng ta phạm tội khi đáp lại với sai phạm của người khác.

Theo Đuổi Sự Thánh Khiết

Câu hỏi của người chị em trong Chúa này đóng một phần quan trọng trong một vấn đề lớn hơn và rất phổ biến ở hầu hết các mối quan hệ lâu dài, nhất là trong hôn nhân, nơi mà chúng ta không thể nào tránh khỏi việc nói hay làm điều gì đó khiến người khác tổn thương, thất vọng, nổi giận.

Một trong những vấn đề quan trọng nhất mà tôi thấy trong mọi mối quan hệ, nhất là trong hôn nhân, là trách nhiệm của tôi trước Chúa về phản ứng của chính mình trước những hành vi của vợ, chứ không phải về hành vi của vợ. Đó mới là trách nhiệm của tôi.

Thường khi mới bắt đầu mối quan hệ, chúng ta dễ có xu hướng muốn chỉnh lại tất cả những gì khiến mình cảm thấy không thích, bực bội, thất vọng, hay không đúng với ý mình. Tôi phải sửa người kia lại, giúp họ không làm những việc khiến tôi khó chịu, bực bội, hay phải làm theo đúng ý tôi, thay vì nhận ra trách nhiệm đầu tiên trước Chúa và thách thức đầu tiên của tôi trong sự thánh khiết là không phải khiến người bạn đời tôi thay đổi nhưng chính tôi phải được thay đổi trước để có thể lấy sự khiêm nhường, yêu thương, tin kính, theo cách giống như Chúa mà đáp ứng lại với những lời tổn thương đó.

Lấy Thiện Báo Ác

Đối với tôi, dường như thách thức của Tân ước đối với hết thảy chúng ta là không lấy ác trả ác:

“Đừng lấy ác trả ác, cũng đừng lấy rủa sả trả rủa sả; trái lại, phải chúc phước, ấy vì điều đó mà anh em được gọi đến để hưởng phước lành.” (1 Phi-e-rơ 3:9)

“Làm ơn cho kẻ ghét mình.” (Lu-ca 6:27)

“Khi bị rủa sả, chúng tôi chúc phước; khi bị bắt bớ, chúng tôi nhịn nhục.” (1 Cô-rinh-tô 4:12-13)

Chúng ta phải có sự thỏa lòng sâu sắc, ngọt ngào và mạnh mẽ trong Chúa đủ để có thể đáp ứng được như vậy. Đó mới là vẻ đẹp tuyệt vời của đời sống Cơ Đốc. Sự thỏa lòng trong Chúa sâu đậm, ngọt ngào và mạnh mẽ đó sẽ giúp chúng ta bày tỏ tuyệt vời về Chúa.

Chúng ta phải có Chúa là nguồn sự sống của chính mình để có thể đáp ứng cách khích lệ, trong sự hy vọng và khôn ngoan với người cư xử không tốt với chúng ta, thay vì nổi giận, tự thương hại, gào khóc, buồn bực và suy nghĩ tiêu cực, chiến tranh lạnh, hay chẳng còn vui tươi nữa. Mỗi ngày chúng ta đều làm thương tổn nhau, đều làm cho thất vọng lẫn bực tức ở những mức độ khác nhau. Thách thức lớn trong đời sống Cơ Đốc là làm sao có được sự thỏa lòng thật và vui trong mối thông công với Chúa và lời Chúa hứa với chúng ta là trong Ngài chúng ta sẽ không suy kiệt bởi những thất vọng trong mối quan hệ với người khác.

Tránh Oán Giận

Khi Phao-lô bị đòn 39 roi, ngay cả sau khi ông tha thứ cho người đã bắt bớ mình, trên lưng ông vẫn còn hằn đau vết sưng, vết rách của những lằn roi suốt trong nhiều tuần. Cũng vậy, vết đau về thể xác lẫn tinh thần vẫn sẽ kéo dài ngay cả sau khi chúng ta quyết định tha thứ. Dĩ nhiên vết đau này không phải là tội. Thế nhưng, tất cả chúng ta đều biết rằng sự đau đớn thể xác và nhất là tình cảm có thể trở nên sự oán giận, bực tức và cay đắng. Sự chuyển biến này có thể rất tinh vi đến nỗi chúng ta khó có thể nhận ra khi nó đến. Đó là lý do khiến người nữ Cơ Đốc kia đặt câu hỏi. Rất khó có thể nhận ra khi nào sự đau đớn có thể chuyển thành sự ích kỷ, cay đắng và oán giận.

Tôi chỉ muốn kết luận bằng bốn lời khuyên ngắn gọn cho tất cả chúng ta để những đau đớn và buồn bã của chúng ta không biến thành sự oán giận đầy tội lỗi, không thể tha thứ được.

  1. Hãy làm như cách Chúa Giê-xu đã làm trong 1 Phi-e-rơ 2:23, thay vì lấy ác báo ác, Ngài đã phó mình cho Đấng xử đoán công bình. Chúng ta cũng hãy giao mọi sai phạm mà người khác đã làm với mình cho Chúa, là Đấng có khả năng xét xử mọi việc trong sự công bình và khôn ngoan hơn chúng ta.
  2. Đừng để tâm trí mình nghĩ đến những tổn thương, những hành động tiêu cực. Hãy chủ động nghĩ đến điều chân thật, công bình, thanh sạch, đáng yêu chuộng – với sự nhận thức về tình yêu và sự tha thứ vô lượng của Chúa dành cho mình, là kẻ chẳng xứng đáng gì.
  3. Bỏ đi những xu hướng muốn hành hạ hay làm tổn thương chồng hay vợ bằng hành động, lời nói, ánh mắt, hay sự im lặng.
  4. Sốt sắng tìm dịp làm điều tốt cho người chúng ta đã tha thứ. Dấu hiệu thật sự bày tỏ sự tha thứ là không tìm cách hình phạt người khác nhưng tìm cách làm điều tốt cho họ.

Tác giả: MS John Piper

Thảo Anh lược dịch
Nguồn: DesiringGod.org