Trách Nhiệm Của Cha Mẹ Trong Gia Đình Cơ Đốc

1556

HTTLVN.ORG – Trong bài điếu văn đọc trong lễ tang của cha mình, một người con đã nói: “Tôi hãnh diện và biết ơn cha tôi không phải vì tài sản hay những gì ông để lại cho tôi mà là chính nhân cách cao quí của ông”. Ngày hôm nay, vì hoàn cảnh sống nhiều khó khăn và thách thức nên nhiều gia đình cả cha lẫn mẹ phải đi làm, không có nhiều thì giờ cho con cái, và hậu quả biết bao em thiếu nhi, thiếu niên cảm thấy bị hụt hẫng vì tổ ấm không còn ấm nữa. Sau giờ ở trường về, cảm giác lạnh lẽo trong ngôi nhà khiến các em bị đẩy ra ngoài xã hội, là nơi đầy dẫy những cám dỗ có thể cuốn các em bị sa lầy. Là cha mẹ Cơ Đốc, chúng ta luôn trăn trở làm sao làm tròn trách nhiệm nuôi dạy con cho Chúa. Chúng ta mong ước để lại gì cho con cái? Làm thế nào để gìn giữ và lưu truyền di sản đức tin cho thế hệ mai sau giữa một hoàn cảnh xã hội với nhiều thách thức như hôm nay?

Theo một nghiên cứu ở Mỹ về tỷ lệ các em tin Chúa và tỷ lệ thời gian sinh hoạt từ khi sinh ra đến khi trưởng thành của các em thì người ta ghi nhận kết quả như sau:
• Tỷ lệ các em biết Chúa và có đức tin thật nếu chúng ta dạy lời Chúa từ:
• 1 đến 6 tuổi: 80-90%
• 7 đến 12 tuổi: 35-40%
• 13 tuổi trở lên: 6-9%
• Tỷ lệ thời gian sinh hoạt của một em bé từ khi chào đời đến khi trưởng thành:
• 1% thời gian ở nhà thờ
• 16% thời gian ở trường học
• 83% thời gian ở với gia đình

Chúng ta thấy số thời gian các em từ nhỏ đến lớn ở với gia đình chiếm tỉ lệ cao nhất. Sống trong xã hội hiện đại đang suy đồi về đạo đức, luân lý, thử hỏi làm sao chúng ta có thể giúp con cái trong gia đình biết Chúa và có đức tin thật nơi Chúa? Làm sao để hình thành trong các em một nhân cách, tâm tính, đạo đức, tâm linh Cơ Đốc như Kinh Thánh dạy? Thiết nghĩ ít ra có năm điều căn bản mà bậc làm cha mẹ cần phải làm trong gia đình.

Cầu nguyện cho con

Điều trước tiên và quan trọng nhất mà cha mẹ cần làm là cầu nguyện cho con. Đức Chúa Trời ban cho chúng ta thẩm quyền trên con cái, và chúng ta thi hành quyền đó qua sự cầu nguyện. Sự cầu nguyện hết lòng cho con rất hiệu quả vì “hễ điều gì các ngươi buộc ở dưới đất, cũng sẽ buộc ở trên trời, và điều gì các ngươi mở dưới đất cũng sẽ mở trên trời.” (Ma-thi-ơ 18:18). Tác giả quyển “Quyền năng lời cầu nguyện của cha mẹ” viết “Cầu nguyện là công nhận và kinh nghiệm sự hiện diện của Đức Chúa Trời và mời Ngài hiện diện trong cuộc đời và hoàn cảnh của chúng ta.” Thật vậy, khi cầu thay cho con mình tức là chúng ta xin Đức Chúa Trời biến sự hiện diện của Ngài thành một phần trong cuộc đời con chúng ta và hành động cách đầy quyền năng trên chúng. Lời Chúa trong Ca Thương 2:19 dạy “Hãy chỗi dậy kêu van lúc ban đêm, vừa đầu các phiên canh; đỗ lòng ra như nước ở trước mặt Chúa. Hãy giơ tay hướng về Chúa vì sự sống của con nhỏ ngươi..”

Cầu nguyện cho con từ khi nào?

Hãy cầu nguyện cho con từ khi chưa mang thai, có thai, sinh ra và lớn lên, trưởng thành có gia đình và đến khi chúng ta không còn trên đất… vì Chúa ban cho cha mẹ thẩm quyền trên con cái, và vũ khí để thực hiện thẩm quyền đó là “Sự Cầu Nguyện”. Bà Suzana là người mẹ cầu nguyện, bà đã kiên trì cầu nguyện cho con mình là John Wesley và Charles Wesley và Chúa đã đại dụng hai ông trong công trường của Ngài, dấy lên cuộc phấn hưng lớn tại Anh vào thế kỷ 18.

Dù chúng ta cố gắng dạy dỗ con cái nhưng nếu thiếu cầu nguyện cho chúng thì cũng không kết quả, bởi vì “Nếu Đức Giê-hô-va không xây cất nhà, thì những thợ xây cất lấy làm uổng công, nhược bằng Đức Giê-hô-va không coi giữ thành thì người canh thức canh luống công.” (Thi Thiên 127:1).

Yêu thương con

Làm sao cho con trẻ cảm nhận được gia đình không chỉ là chỗ ở, là một tòa nhà mà thôi nhưng còn là một tổ ấm với những con người thật sự yêu thương, khích lệ lẫn nhau. Chính chúng ta là những người tạo nên bầu không khí yêu thương, ấm áp ấy qua cách cư xử với con, qua những sinh hoạt trong gia đình hằng ngày. Chúng ta yêu thương con thật sự khi chúng ta gần gũi và hiểu rõ con, biết ưu điểm lẫn khuyết điểm để giúp con sống tốt sau nầy. Có người nói rằng “khi hiểu con là đã làm xong phân nửa việc dạy dỗ con.”

Yêu thương nhưng phải kỷ luật chứ không nuông chiều. Kỷ luật, sửa phạt con đúng và với thái độ yêu thương sẽ giúp con biết lỗi để từ bỏ, biết chỗ yếu để khắc phục. “Hỡi những người làm cha, đừng làm cho con cái mình tức giận, nhưng hãy nuôi nấng chúng trong kỷ luật và sự khuyên dạy của Chúa” (Ê-phê-sô 6:4 – TTHĐ).

Gia đình phải là nơi mà con cái cảm biết mình thật sự được yêu thương. Chúng ta hãy cố gắng thiết lập một gia đình có tình yêu ngự trị nhưng đồng thời cũng phải có kỷ luật, có sự kiểm soát nghiêm ngặt và công bình. Một sự kỷ luật tốt là một sự cân đối giữa tình yêu thương và sự kiểm soát, sẽ làm cho bầu không khí của gia đình được đẹp lòng Đức Chúa Trời.

Làm gương cho con

Cha mẹ không chỉ đơn thuần dạy bảo con cái đường lối của Chúa, phải vâng theo lời Chúa mà còn phải làm gương cho chúng nữa. Muốn sự dạy dỗ mình có giá trị, hiệu quả thì cha mẹ phải sống theo như những gì mình khuyên dạy con. “Cha mẹ không thể chỉ biết đường và chỉ đường mà cũng phải đi trên con đường ấy nữa” thì sự dạy dỗ con mình mới có tác dụng tốt. Ông John Balguy đã nói: “Dù cha mẹ có dạy cho con cái bất cứ điều tốt nào đi nữa, mà lại đồng thời lại làm gương xấu cho con, thì cũng giống như một tay đưa đồ ăn ngon cho con nhưng tay kia đưa thuốc độc cho chúng.” Vì thế lời Chúa dạy “Các lời ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng ngươi” rồi sau đó mới “khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi…” (Phục Truyền 6:6,7) Thật vậy, con trẻ chỉ có thể hiểu được về tình yêu, lòng nhân từ, sự tha thứ, sự chấp nhận của Đức Chúa Trời và những chân lý của Ngài một khi chúng nhìn thấy được những điều ấy ngay trong chính đời sống chúng ta là bậc cha mẹ, cũng như trong mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình.

Sớm dạy Lời Chúa cho con

Phục Truyền 6:7-9 chép “Khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc khi ngươi nằm hay là khi chỗi dậy…”

Cơ Đốc giáo dục trước hết phải bắt đầu từ trong gia đình và cha mẹ là người chịu trách nhiệm dạy dỗ lời Chúa cho con cái mình trước tiên. Nhưng dạy như thế nào cho hiệu quả?

Động từ “dạy dỗ” trong nguyên ngữ Hy-bá-lai là Shanan có ý nghĩa hết sức đặc biệt mà khó có từ ngữ nào tương đương trong tiếng Việt để dịch cho đúng. Nó có nghĩa là gây ấn tượng, khắc sâu, ghi lòng tạc dạ. Bản tiếng Anh NIV dịch là “impress” (gây ấn tượng). Trong bản Kinh Thánh tiếng Việt truyền thống của chúng ta, các dịch giả đã dựa vào bản Hán văn và dịch là “ân cần dạy dỗ” cũng nói lên được phần nào ý nghĩa đó.

Phải dạy Lời Chúa cho con từ khi mang thai; nếu thời gian mang thai người mẹ yêu mến, ham thích đọc Lời Chúa, thì con sau nầy sẽ sớm nhận biết Chúa. Tuy nhiên, chúng ta phải đưa lời Chúa đến với con sao cho thích hợp theo từng độ tuổi khác nhau, lựa lời để giải thích sao cho con hiểu và giúp con áp dụng Lời Chúa để kinh nghiệm Lời Chúa từ khi còn bé thơ. Cũng hãy giúp con sớm biết dành thời giờ tĩnh nguyện cá nhân với Chúa mỗi ngày.


Trong sinh hoạt thường nhật và với những người chung quanh

Cuối cùng, cha mẹ cần giúp con trong sinh hoạt hằng ngày, giúp chúng biết sống ngăn nắp, vệ sinh, sạch sẽ. Giúp con biết quản lý cá nhân tốt khi ăn uống, ngủ nghỉ đúng giờ, siêng năng học hành, giúp con không ăn trễ giờ quá. Cũng phải dạy chúng biết nói năng lễ phép, chân thật; biết tiêu xài khi thật sự cần, tránh cách phục sức chạy theo thời trang quá đáng. Ông bà chúng ta cũng dạy con cái “học ăn, học nói, học gói, học mở”.

Chúng ta cũng phải giúp con nhận biết giá trị của mọi vật: điều gì là tạm thời, điều gì là đời đời, và phải coi giá trị tâm linh quan trọng hơn vật chất.

Cuối cùng, cha mẹ phải dạy con biết nhìn ra cộng đồng xung quanh bằng ánh mắt yêu thương, cảm thông, “yêu người lân cận như mình”, sẵn sàng chia sẻ giúp đỡ những người thiếu thốn. Tuy nhiên, trước hết chính chúng ta hãy làm điều đó, để con cái nhìn thấy và noi gương chúng ta. Hơn nữa, chúng ta cũng tạo dịp tiện để con em có cơ hội tiếp xúc với những người bất hạnh trong cộng đồng bằng cách thăm viếng Cô nhi viện, Những trung tâm giúp đỡ người khuyết tật… Lời Chúa dạy “Sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy những việc lành của các ngươi, và ngợi khen Cha các ngươi ở trên trời.” (Ma-thi-ơ 5:16)

Thi Thiên 127:3a chép “con cái là cơ nghiệp bởi (của) Đức Giê-hô-va”. Từ cơ nghiệp có nghĩa là di sản, tài sản quí báu của Đức Chúa Trời. Ngài đã tin cậy chúng ta giao cho chúng ta tài sản quí báu là con cái để chúng ta nuôi nấng và dạy dỗ sao để chúng trở nên những công cụ tốt lành cho Vương Quốc Ngài. Cầu xin Chúa soi sáng để chúng ta hiểu ra được trách nhiệm cao quí mà Chúa ban cho chúng ta là cha mẹ để chúng ta nhờ ơn Chúa cho, nhờ sức Chúa ban mà hoàn tất tốt trách nhiệm đó. Chúng ta phải sống làm gương cho con, dạy dỗ con như thế nào đó hầu lưu truyền di sản đức tin cho thế hệ mai sau.

Thanh Khiết