Vượt Qua Khó Khăn

15

(I Phi-e-rơ 2:21)

Chúa Giê-xu đã phải gánh chịu gian khổ khi Ngài vào trần gian này. Ngài đã được sinh ra trong cảnh nghèo hèn. Cha mẹ Ngài phải sang nước khác để tị nạn khi Ngài còn thơ ấu. Khi thi hành chức vụ, Ngài bị người ta chất vấn, công kích. Cuối cùng Ngài bị bắt, bị hành hạ, bị sỉ nhục, và bị đóng đinh trên cây thập tự.

Bình thường ai cũng muốn bình an và muốn tránh khổ nạn. Người ta chỉ chịu khổ trong hai trường hợp. Một là bị bắt buộc phải chịu khổ vì không thể tránh được. Hai là tình nguyện chịu khổ, vì sau khi chịu khổ sẽ gặt hái được những kết quả tốt đẹp, quý giá. Chúa không bị bắt buộc phải chịu khổ, nhưng Ngài tình nguyện chịu khổ, vì sự khổ nạn của Ngài sẽ đem lại sự cứu rỗi cho muôn dân. Người theo Chúa chịu khổ vì Chúa cũng với tinh thần tình nguyện này. Trong nhiều trường hợp, chúng ta có thể tránh khổ nạn nếu bỏ Chúa. Nhưng nếu chọn theo Chúa, thì phải chịu khổ nạn. Vì con đường theo Chúa là con đường hẹp, và theo Chúa thì chúng ta không còn thuộc về thế gian, và phải bị thế gian bức hại. Hơn thế nữa, nhiều khi chúng ta phải chịu nhiều gian khổ để có thể phục vụ Chúa, phục vụ tha nhân, hay đem Tin Mừng Cứu Rỗi đến cho người khác.

Phần Kinh Thánh này trích nhiều ý từ Ê-sai 53 là bức tranh tuyệt diệu về Người Đầy Tớ Khốn Khổ của Đức Chúa Trời. Tất cả đã thành sự thật trong cuộc đời của Chúa Cứu Thế Giê -xu. Ngài vốn vô tội, nhưng đã chịu sỉ nhục đau khổ. Ngài đã chấp nhận những sỉ nhục và khổ đau đó bằng một tình yêu thương thuần khiết và vô đối. Điều đáng nói là Ngài nhịn nhục nhận lấy chúng vì cớ tội lỗi loài người. Khi làm như vậy Chúa Giê -xu đã để lại cho chúng ta một tấm gương, hầu cho chúng ta noi dấu chân Ngài. Từ ngữ mà Phi-e-rơ dùng để chỉ “gương” là một từ ngữ rất sống động đó là chữ “hupogrammos “. Chữ này xuất phát từ cách trẻ con đời xưa được dạy viết chữ, có hai nghĩa. Nó có nghĩa là một bố cục được phác họa, để học trò bổ túc, đổ đầy vào đó. Và nó còn có nghĩa là miếng đồng có khắc phần chữ viết mẫu trong sách tập viết mà trẻ con phải tập viết theo. Chúa Giê-xu đã đưa ra mẫu mực để chúng ta phải noi theo. Nếu chúng ta phải chịu sỉ nhục, bất công và thiệt hại là chúng ta đã gặp những gì Chúa Giê -xu kinh nghiệm qua rồi. Chúa Giê -xu cũng chịu để đưa loài người trở lại với Đức Chúa Trời. Khi chúng ta chịu sỉ nhục, tổn thất bằng thái độ bền đổ không than vãn và bằng tình yêu thương không lay chuyển, thì chúng ta đang chứng minh cho người khác thấy một đời sống, một tấm gương. Và đời sống ấy sẽ đưa nhiều người khác đến với Chúa. Mục đích của thư I Phi-e-rơ là khuyến khích con cái Chúa phải sống trung tín và vững vàng giữa một xã hội luôn tìm cách bức hại họ. Hành trình thuộc linh không phải là một hành trình êm đẹp, nhẹ nhàng, dễ chịu nhưng sẽ là hành trình đầy gian nan vì đó là con đường hẹp. Tuy nhiên, chính Chúa Giê-xu là mẫu mực để chúng ta noi theo trên suốt con đường vác thập tự theo Ngài.

Chúa Giê-xu từng bị chính những người quen biết Ngài thời thơ ấu bày tỏ sự khinh khi, nói bóng nói gió (Mác 6:2-4). Khi thành công trong chức vụ, Ngài lại bị những người chung quanh chỉ trích rằng Ngài ham ăn mê uống, kết bạn với người xấu nết (Ma-thi-ơ 11:19). Những người trong giới tôn giáo lại đưa ra những lời độc ác, cho rằng Ngài nhờ chúa quỷ mà trừ quỷ (Mác 3:22). Đến giai đoạn cuối của cuộc đời trên trần gian này, Ngài bị vu cáo bởi kẻ thù, bị cười chê và nhiếc móc bởi đám dân chỉ biết hùa theo số đông (Ma-thi-ơ 26:62-63; 27:39-44). Mỗi người trong chúng ta ít nhất một lần bị chỉ trích, vu oan, nói xấu. Phương tiện truyền thông ngày nay cũng góp phần cho sự tấn công này. Tuy nhiên, không ai bị chà đạp nhục nhã như Chúa Giê-xu; cũng không ai hoàn hảo như Ngài. Trong khi đó, mỗi chúng ta đều có ít nhiều lầm lỗi, và sự tấn công bức hại mà chúng ta chịu không thể so được với Chúa.

Xin Chúa cho chúng ta biết noi gương Chúa mà sẵn sàng chịu khổ vì Danh Ngài.