Trang chủ Blog Trang 42

Chúa nhật 22-08-2021

Hội Thánh Tin Lành Việt Nam – Chi Hội Tô Hiến Thành
Chương Trình Thờ Phượng – Chúa Nhật 22-08-2021

Chủ đề: TRANH BIỆN ĐỂ … CHẾT

Câu Gốc: Ê-xê-chi-ên 18:31
Hãy liệng xa các ngươi mọi sự phạm-pháp mà tự mình đã làm. Hãy làm cho mình lòng mới và thần mới; vì, hỡi nhà Y-sơ-ra-ên, làm sao mà các ngươi muốn chết?

Giảng Luận: Mục sư Nguyễn Ngọc Dũng
HDCT: Cô Nguyễn Ngọc Phượng Nghi

Website: https://httltohienthanh.org
Kênh Youtube: https://www.youtube.com/c/HTTLToHienThanh
Facebook: https://www.facebook.com/HTTLToHienThanh.org

Trường Chúa Nhật 15-08-2021

Hội Thánh Tin Lành Việt Nam – Chi Hội Tô Hiến Thành,
Trường Chúa Nhật Trực Tuyến – Chúa Nhật 15-08-2021

Bài 30 – SỰ BẤT TUÂN CỦA SAU-LƠ
Kinh Thánh: I Sa-mu-ên 15:1-35
Câu gốc: I Sa-mu-ên 15:22
Giáo viên: Mục sư Lê Đức Trịnh
Phụ tá Quản nhiệm

Website: https://httltohienthanh.org
Kênh Youtube: https://www.youtube.com/c/HTTLToHienThanh
Facebook: https://www.facebook.com/HTTLToHienThanh.org

Chúa nhật 15-08-2021

Hội Thánh Tin Lành Việt Nam – Chi Hội Tô Hiến Thành
Chương Trình Thờ Phượng – Chúa Nhật 15-08-2021

Chủ đề: SỰ CHĂN GIỮ CỦA CHÚA

Câu Gốc: Ê-sai 58:11
Đức Giê-hô-va sẽ cứ dắt-đưa ngươi; làm cho ngươi no lòng giữa nơi khô-hạn lớn; làm cho cứng-mạnh các xương ngươi, ngươi sẽ như vườn năng tưới, như nước suối chẳng hề khô vậy.

Giảng Luận: Mục sư Nguyễn Ngọc Dũng
HDCT: Cô Nguyễn Ngọc Phượng Nghi

Website: https://httltohienthanh.org
Kênh Youtube: https://www.youtube.com/c/HTTLToHienThanh
Facebook: https://www.facebook.com/HTTLToHienThanh.org

Trường Chúa Nhật 08-08-2021

Hội Thánh Tin Lành Việt Nam – Chi Hội Tô Hiến Thành,
Trường Chúa Nhật Trực Tuyến – Chúa Nhật 08-08-2021

Bài 28 – HAI NGƯỜI ĐÁNH BẠI MỘT ĐẠO BINH
Kinh Thánh: I Sa-mu-ên 13:1-14:23
Câu gốc: Phục Truyền 31:6
Giáo viên: Ms. Lê Đức Trịnh
Phụ tá Quản nhiệm

Website: https://httltohienthanh.org
Kênh Youtube: https://www.youtube.com/c/HTTLToHienThanh
Facebook: https://www.facebook.com/HTTLToHienThanh.org

Chúa nhật 08-08-2021

Hội Thánh Tin Lành Việt Nam – Chi Hội Tô Hiến Thành
Chương Trình Thờ Phượng – Chúa Nhật 08-08-2021

Chủ đề: ĐỨC CHÚA TRỜI Ở VỚI CHÚNG TA

Câu Gốc: Thi Thiên 46:7
Đức Giê-hô-va vạn-quân ở cùng chúng tôi; Đức Chúa Trời Gia-cốp là nơi nương-náu của chúng tôi.

Giảng Luận: Mục sư Nguyễn Ngọc Dũng
HDCT: Cô Nguyễn Ngọc Phượng Nghi

Website: https://httltohienthanh.org
Kênh Youtube: https://www.youtube.com/c/HTTLToHienThanh
Facebook: https://www.facebook.com/HTTLToHienThanh.org

Vượt Qua Bão Tố

Chúng ta đang sống trong những ngày hết sức khó khăn của đại dịch Covid 19. Có thể ví đại dịch Covid 19 như một cơn bão tố, cuồng phong chưa từng có trong lịch sử đã quét qua hành tinh chúng ta, khiến cả thế giới đảo điên, khủng hoảng. Con dân Chúa cũng phải chịu chung nghịch cảnh này.

Cơ Đốc nhân phải làm sao để vượt qua cơn bão tố, sóng gió này? Cám ơn Chúa sách Công vụ 27:14-44 đã ghi lại câu chuyện thú vị về Phao-lô và đoàn truyền giáo của ông đã vượt qua cơn bão tố và đến bến bờ bình an. Xin tóm tắt câu chuyện như sau:

Sau khi bị bắt ở Giê-ru-sa-lem vì rao giảng Tin Lành và bị giải đến nhiều toà án, cuối cùng chính quyền La Mã đã quyết định đưa Phao-lô đến La Mã để ứng hầu Sê-sa theo yêu cầu của ông. Phao-lô và hai bạn tù là Lu-ca và A-ri-tạc được thầy đội La Mã và một toán lính đưa xuống một tàu buôn để đi đến Ý. Tàu chạy rất chậm trong nhiều ngày vì ngược gió mùa đông. Phao-lô thấy trước sự nguy hiểm của chuyến đi nên ông đề nghị nên ghé vào nơi nào đó để trú ẩn, nhưng thầy đội tin vào người lái tàu hơn ông nên cứ tiếp tục đi. Ít lâu sau, có trận gió dữ tợn tên là Ơ-ra-qui-lôn nổi lên khiến chiếc tàu bị trôi giạt đến một hòn đảo nhỏ. Họ lấy dây ràng dưới thân tàu, quăng bớt hàng hóa, hành lý xuống biển và chiếc tàu cứ lênh đênh trong bão tố. Bây giờ Phao-lô đứng dậy giữa họ, khuyên mọi người trên tàu nên ăn vì họ không ăn đã lâu và khuyên họ cứ vững lòng vì đêm nay Chúa đã sai thiên sứ phán với ông rằng “chẳng mất ai hết chỉ mất chiếc tàu mà thôi” và “chiếc tàu sẽ tấp vào một hòn đảo nào đó”. Chiếc tàu cứ lênh đênh trên biển Địa Trung Hải suốt 14 ngày đêm và trong khi chờ trời sáng, Phao-lô một lần nữa khuyên mọi người hãy ăn để có sức, rồi ông lấy thức ăn ra ăn trước mặt mọi người và khiến mọi người đều ăn. Họ ăn xong thì quăng thức ăn xuống biển để nhẹ tàu đi. Đến sáng hôm sau, chiếc tàu tiến gần bờ và họ dứt neo, thả buồm cố chạy vào bờ nhưng chẳng may chiếc tàu bị mắc cạn, mũi tàu đâm xuống đất bị sóng đánh tan nát. Quân lính bàn định giết hết tù phạm nhưng thầy đội muốn cứu Phao-lô nên ngăn trở ý định đó. Rồi thầy đội ra lệnh ai biết lội thì bơi vào bờ, số còn lại cởi trên những tấm ván của chiếc tàu mà vào bờ. Thế là 275 người trên tàu lên bờ bình an vô sự.

Câu chuyện Phao-lô vượt qua cơn bão tố dạy chúng ta những bài học quí báu, giúp chúng ta biết cách đối phó với nghịch cảnh, vượt qua bão táp cuộc đời.

CƠN BÃO TỐ BẤT NGỜ

Khi Phao-lô và hai bạn đồng hành là bác sĩ Lu-ca và A-ri-tạc xuống chiếc tàu buôn đi Rô-ma, có lẽ họ cầu nguyện và tin rằng Chúa cho chuyến đi bình an. Nhưng có ai ngờ “cách ít ngày” sau, một cơn cuồng phong có tên “Ơ-ra-qui-lôn” bất ngờ ập đến và con tàu chở 275 người không hy vọng được thoát chết. (Ơ-ra-qui-lôn theo tự nghĩa là gió Đông cực mạnh). Kinh Thánh mô tả “Trong mấy ngày, mặt trời chẳng có, ngôi sao cũng không, mà bão thì vẫn thổi ào ào luôn, đến nỗi chúng ta chẳng còn trông cậy được cứu nữa.” (c.20)

Trong cuộc đời chúng ta cũng vậy, có những cơn bão xảy ra bất ngờ khiến chúng ta bối rối bất an. Đầu năm 2020, khi bước vào thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21, mọi người đều hy vọng một tương lai đầy tốt lành sẽ đến. Nào ngờ dịch Virus Corona bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc rồi lan nhanh khắp thế giới. Có thể ví đại dịch Covid 19 như cơn cuồng phong Ơ-ra-qui-lôn quét qua hành tinh này, bất ngờ tạo nên cơn khủng hoảng toàn cầu kéo dài gần hai năm nay. Đúng như Kinh Thánh chép “Khi người ta sẽ nói rằng: Bình hòa và yên ổn, thì tai họa thình lình vụt đến…” (1 Tê 5:3).

Thật vậy, sáng thứ hai ngày 19.7.2021 vừa qua, tôi thực sự bị sốc và bối rối khi nghe tin trên 280 sinh viên ở Viện Thánh Kinh Thần học bị nhiễm Covid 19. Tôi cầu nguyện và thưa với Chúa “Tại sao vậy Chúa? Chúng con đã hết lòng cầu nguyện và Chúa đã gìn giữ Viện được bình an giữa cơn đại dịch từ đầu năm học đến nay, mà sao hôm nay phải đối diện cảnh này?” Dù vậy Chúa đã cho phép xảy ra bất ngờ để thử luyện đức tin của chúng ta và Chúa chắc chắn sẽ giải cứu chúng ta như lời Ngài đã hứa: “Khi ngươi vượt qua các dòng nước, ta sẽ ở cùng; khi ngươi lội qua sông, sẽ chẳng che lấp. Khi ngươi bước qua lửa, sẽ chẳng bị cháy, ngọn lửa chẳng đốt ngươi.” (Ê-sai 43:2)

PHAO-LÔ VÀ CÁC BẠN ĐỒNG HÀNH ĐỐI PHÓ VỚI CƠN BÃO TỐ

Cám ơn Chúa, mặc dù Chúa cho phép cơn bão tố, hiểm nguy xảy ra, Ngài vẫn ở cùng và giải cứu Phao-lô và các bạn đồng hành trên tàu. Đọc hết câu chuyện chúng ta phải cảm tạ Chúa về sự thành tín lớn lao của Ngài đối với con dân Ngài. Chúng ta có thể rút ra năm bài học quí báu về cách chúng ta đối phó với nan đề, nghịch cảnh.

• Khôn ngoan và bình tĩnh để đối phó với nghịch cảnh (c.21,35)

Phao-lô thấy trước nguy hiểm vì lúc ấy là mùa đông thường xảy ra giông bão nên ông khuyên họ tìm nơi ẩn náu, nhưng họ không chịu nghe “Hỡi bạn hữu ta, chớ chi bữa trước tin lời ta mà chẳng dời khỏi đảo Cơ-rết, thì chúng ta đã chẳng mắc cơn nguy hiểm và tổn hại nầy.” (c.21b). Phao-lô vốn có nhiều kinh nghiệm đi biển qua các cuộc hành trình truyền giáo của ông: ông đã “ba lần bị chìm tàu” “ở trong biển sâu một ngày một đêm” (2 Cô 11:25). Điều đáng chúng ta học hỏi là thái độ bình tĩnh trước cơn nguy khốn. Ông khuyên mọi người trên tàu bình tĩnh và nên ăn uống để có sức và ông lấy thức ăn ra ăn trước mặt họ. Xin Chúa cũng ban cho chúng ta sự khôn ngoan và bình tĩnh để đối phó với nghịch cảnh như Phao-lô.

• Khuyên bảo, khích lệ mọi người (c 21-22)

Trong lúc mọi người lo lắng bối rối, Phao-lô đã khuyên họ trước hết “Hãy vững lòng” tức là giữ vững tinh thần, đừng quá sợ hãi: “Nhưng bây giờ, ta khuyên các ngươi hãy vững lòng; trong các ngươi chẳng mất ai hết, chỉ mất chiếc tàu mà thôi.” (c.22). Thứ hai là “Hãy ăn uống để giữ sức khỏe”: “Vậy, ta khuyên các ngươi hãy ăn, vì thật là rất cần cho sự cứu của các ngươi và chẳng ai trong vòng các ngươi sẽ mất một sợi tóc trên đầu mình.” (c.33-34). Lời khuyên khôn ngoan, đúng đắn, đúng lúc sẽ giúp ích cho nhiều người. Nhờ lời khuyên của Phao-lô mà mọi người trong tàu vững tinh thần và bắt đầu ăn uống. Giữa những nghịch cảnh, Cơ Đốc nhân là những đem lại hy vọng, khích lệ cho mọi người trong cộng đồng, như Kinh Thánh dạy “Ai nấy hãy coi sóc nhau để khuyên giục về lòng yêu thương và việc tốt lành.” (Hê 10:24)

• Hết lòng cầu nguyện, tin cậy Chúa (c.23-24)

Trên tàu có 275 người nhưng chỉ có ba người là con cái Chúa mà thôi, là Phao-lô, Lu-ca và A-ri-tạc. Tuy Kinh Thánh không ghi lại nhưng chắc chắn họ đã hiệp lại khẩn thiết cầu nguyện với Chúa và Chúa đã sai thiên sứ phán bảo với họ “Vì đêm nay, một thiên sứ của Đức Chúa Trời, là Đấng ta thuộc về và hầu việc, có hiện đến cùng ta mà phán rằng: Hỡi Phao-lô, đừng sợ chi hết; ngươi phải ứng hầu trước mặt Sê-sa; và nầy, Đức Chúa Trời đã ban cho ngươi hết thảy những kẻ cùng đi biển với ngươi.” (c. 23-24).

Chính nhờ sự cầu nguyện và đức tin mạnh mẽ của Phao-lô mà ông có được sự bình an, vững vàng và đem đến sự khích lệ cho mọi người trên tàu. Ông khẳng định ba điều: Đức Chúa Trời là Đấng ông thuộc về, nghĩa là có mối quan hệ mật thiết với Ngài; Ngài cũng là Đấng ông hầu việc và Ngài có chương trình đưa ông đến La Mã để rao giảng Phúc Âm ở đó; và Ngài sẽ gìn giữ mọi người trên tàu bình an, vì thế đứng sợ hãi.

Ngày nay cũng vậy, nhờ đức tin và sự cầu nguyện sẽ giúp chúng ta vững lòng vượt qua bão tố, nghịch cảnh của dịch bệnh Covid 19.

• Tin quyết nơi Lời Chúa phán

Một điều bày tỏ đức tin mạnh mẽ của Phao-lô là ông tin quyết nơi lời Chúa phán với ông: “Vậy, hỡi các ông, hãy vững lòng, vì ta có lòng tin cậy Đức Chúa Trời rằng sẽ xảy ra như lời Ngài đã phán vậy.” (c.25)

Chúa và Lời Chúa là một. Cám ơn Chúa đã ban Lời Hằng Sống của Ngài để chúng ta sống và nuôi mình bằng lời Chúa mỗi ngày (Mat. 4:4). Kinh Thánh có nhiều lời hứa quý báu để chúng ta nắm lấy mà cầu nguyện. Những ngày dịch bệnh này con cái Chúa thường suy ngẫm và cầu nguyện theo Thi Thiên 91, là Thi Thiên nổi tiếng, được nhiều người yêu mến. Kinh Thánh dạy rằng khi con dân Chúa nắm lấy Lời Chúa mà cầu nguyện với đức tin thì Chúa sẽ sai thiên sứ thực hiện lời hứa của Ngài như có chép: “Hỡi các thiên sứ của Đức Giê-hô-va, Là các đấng có sức mạnh làm theo mệnh lệnh Ngài, và vâng theo tiếng phán (the voice of His word (NIV) của Ngài, hãy chúc tụng Đức Giê-hô-va!” (TTHĐ) (Thi 103:20). Tiếng của lời Ngài có nghĩa gì? Đó là khi chúng ta đọc lời Chúa lên, công bố lời Chúa ra và vâng theo điều Chúa dạy mà cầu nguyện. Khi chúng ta làm như vậy thì Chúa sẽ sai thiên sứ thực hiện lời Chúa cho chúng ta.

Trong câu chuyện này, Phao-lô một lần nữa kinh nghiệm Chúa sai thiên sứ đến phán với ông và cũng thực hiện lời Chúa cho ông và phép lạ đã xảy ra: chiếc tàu bị vỡ nhưng Phao-lô và tất cả những trong tàu đều được cứu thoát “Thế là ai nấy đều được lên bờ vô sự vậy.” (c.44). Cảm tạ Chúa!

• Cảm tạ Chúa trong mọi sự (c.35)

Điều cuối cùng mà chúng ta học được nơi Phao-lô là tinh thần tạ ơn Chúa trong mọi sự. Mặc dù chiếc tàu đang lâm nguy giữa biển nhưng ông tin rằng Chúa vẫn đang ở với ông và Ngài sẽ giải cứu ông và các bạn đồng hành nên ông cứ tạ ơn Chúa: “Nói như vậy rồi, người bèn lấy bánh, đứng trước mặt mọi người, tạ ơn Đức Chúa Trời rồi, thì bẻ ra và ăn.” (c.35). Tạ ơn Chúa trong thuận cảnh thì dễ, nhưng tạ ơn Chúa trong nghịch cảnh, hoạn nạn thì không dễ dàng chút nào. Khi chúng ta tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh nói lên đức tin của chúng ta nơi sự tể trị của Chúa vì đó là ý muốn của Chúa như Kinh Thánh chép “phàm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa; vì ý muốn của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus Christ đối với anh em là như vậy.” (1 Tês 5:18).

KẾT LUẬN

Cảm ơn Chúa về câu chuyện Phao-lô vượt qua bão tố được ghi lại trong sách Công vụ để dạy cho chúng ta những bài học quí báu về cách chúng ta đối phó với nan đề, nghịch cảnh trong đời sống: Khi đối diện với bão tố, nghịch cảnh trong đời sống, hãy noi gương Phao-lô bình tĩnh, khôn ngoan đối phó với nan đề, hết lòng tin cậy, hy vọng nơi Chúa, nắm lấy lời Chúa hứa mà khẩn nguyện, khuyên bảo, khích lệ nhau và cảm tạ Chúa trong mọi hoàn cảnh. Những bài học này trở nên rất thực tiễn cho con dân Chúa ở Việt Nam hôm nay trong những ngày đang phải đối diện với cơn cuồng phong Covid 19. Xin Chúa giúp đỡ con dân Ngài vượt qua con bão tố và đến bến bờ bình an.

Xin tóm tắt năm bài học “vượt qua bão tố” bằng bài thơ ngắn sau đây như “thông điệp 5 K Cơ Đốc” gửi đến quý tôi con Chúa trong mùa đại dịch này.

Khôn ngoan đối phó tình hình
Không hề rúng động, đức tin vững vàng.
Nắm lời Kinh Thánh Chúa ban
Thành tâm Khẩn nguyện cho con cái Ngài.
Yêu thương, Khuyên bảo lẫn nhau
Trông chờ Ngày Chúa hồi lai đã gần.

Trịnh Phan

Tháng 7.2021

Giúp Con Bạn Chuẩn Bị Một Hôn Nhân Đẹp Lòng Chúa Trong Tương Lai

Con bạn đang tiến gần đến độ tuổi mà sự lãng mạn đang trở nên điều cuốn hút hơn là khiếp sợ. Đừng nghĩ khi con bạn không nói thì có nghĩa là chúng không suy nghĩ về điều đó!

Là cha mẹ, chúng ta cần được chuẩn bị để hướng dẫn con cái trong việc hò hẹn, tỏ tình và kết hôn. Nên nhớ rằng con cái chính là môn đệ của bạn và bạn phải giúp con có cái nhìn đúng đắn về hôn nhân và việc chọn lựa bạn đời theo quan điểm Kinh thánh.

Điều đáng buồn là thế giới ngày nay đang lừa dối con trẻ chúng ta về ba phương diện của hôn nhân: hôn nhân là không cần thiết, hôn nhân không vĩnh viễn, và hôn nhân không chỉ là giữa nam và nữ. Hãy cùng đào sâu một chút về thông điệp sai lệch mà con trẻ chúng ta đang đón nhận.

Những Lời Dối Trá Mà Thế Giới Đang Nói Với Con Bạn Ở Tuổi Vị Thành Niên:

1. Hôn Nhân Là Không Cần Thiết

Đúng là không phải kết hôn thì mới có thể sống vui, sống ý nghĩa và làm vinh hiển Danh Chúa. Kinh Thánh có đề cập đến những lợi ích của việc sống độc thân (I Cô-rinh-tô 7), và vì thế trong một phạm trù nào đó, chúng ta có thể nói hôn nhân là không phải là điều bắt buộc phải có cho tất cả. Nhưng đó không phải là thông điệp mà thế giới ngày nay cổ vũ. Thông điệp của họ đó là không nhất thiết cứ sống chung là phải kết hôn.

Con trẻ của chúng ta thấy điều này ở ngoài đời cũng như trên màn hình. Thế giới ngày nay nói rằng hôn nhân không nhất thiết phải có quan hệ tình dục, phải sống chung, có con và nhiều thứ khác nữa…

2. Hôn Nhân Không Trường Tồn

Kinh Thánh cho chúng ta thấy một bức tranh rất rõ về thời điểm khi nào một người đã kết hôn được ra khỏi mối liên hệ hôn nhân (Rô-ma 7:2, I Cô-rinh-tô 7:15; Ma-thi-ơ 19:9).

Nhưng thế giới ngày nay lại nói với các con của chúng ta rằng hôn nhân có thể kết thúc bất cứ khi nào họ muốn, vì bất kể lý do gì hay thậm chí khi chẳng cần lý do gì hết.

3. Hôn Nhân Không Chỉ Giữa Người Nam và Người Nữ

Kinh Thánh cho chúng ta thấy rõ rằng hôn nhân phải là sự kết hiệp giữa người nam và người nữ (Ma-thi-ơ 19:4-6; Mác 10:6-9). Thế nhưng, văn hóa ngày nay dường như đang tìm cách làm lu mờ (hay thậm chí là xóa bỏ) những nét đặc trưng của từng giới tính.

Điện ảnh Hollywood, và bây giờ ngay cả ở trong hệ thống trường công lập cũng đang cố tìm cách bình thường hóa sự gắn kết giữa các cặp đôi đồng giới và không dừng tại đó. Công cụ tìm kiếm trên mạng trong tương lai sẽ tạo ra những tuyên bố của những người “cưới” thú cưng, hình nộm và một số vật vô tri vô giác khác nữa.

Khi thấy thông điệp sai lệch mà con trẻ đang đón nhận từ thế giới ngày nay, chúng ta có thể biết tại sao chúng ta, trong cương vị là phụ huynh, cần đưa ra lời khuyên cho con dựa trên tiêu chuẩn là Lời Chúa.

Tôi hy vọng 9 tiêu mục dưới đây sẽ hướng dẫn các cuộc nói chuyện của bạn với con về giao ước hôn nhân và những vấn đề cần suy xét khác khi con chọn lựa người để cùng bước vào giao ước hôn nhân:

1. Mục Đích của Hôn Nhân

Tôi nghĩ Mục sư John Piper đã giải thích rõ điều này khi ông nói, “Điều quan trọng nhất có thể nói về hôn nhân đó là hôn nhân tồn tại để mang sự vinh hiển đến cho Đức Chúa Trời… Nó mang kiểu mẫu về mối quan hệ giao ước giữa Đấng Christ và Hội Thánh và vì thế ý nghĩa và mục đích tối quan trọng của hôn nhân là để mối quan hệ giao ước giữa Đấng Christ và Hội Thánh được bày tỏ ra cho thế giới”.

Mục sư John Piper đã nhìn hôn nhân qua lăng kính của Ê-phê-sô 5:22-25. Trong hôn nhân, chồng mang biểu tượng về Đức Chúa Trời và vợ mang biểu tượng về Hội Thánh. Khi văn hóa của thế giới ngày nay chú trọng đến việc yêu và không còn yêu, thì Kinh Thánh lại nhấn mạnh đến sự kết ước.

Chúng ta biết Đức Chúa Trời xem vấn đề giao ước là rất quan trọng (Châm Ngôn 2:17; Ma-la-chi 2:14) và chúng ta cũng phải như vậy!

2. Tầm Quan Trọng của Việc Mang Ách Tương Xứng

Tôi đã từng nghe nhiều câu chuyện tuyệt vời về những người đến với niềm tin qua các mối quan hệ hò hẹn. Hẳn nhiên, Đức Chúa Trời có thể khiến niềm tin xảy ra bằng nhiều cách khác nhau theo ý Ngài muốn.

Nhưng đừng quên rằng II Cô-rinh-tô 6:14 cũng cảnh báo với chúng ta về việc mang ách chung với người không cùng niềm tin. Đó là sự khác biệt giữa việc hẹn hò với người chưa hiểu trọn vẹn về Phúc Âm và đang đi tìm chân lý với việc hò hẹn với người chẳng xưng mình biết Chúa gì hết.

Khi xem hôn nhân như một mối quan hệ giao ước, chúng ta sẽ dễ thấy việc gắn kết với người có cùng ước ao giữ chặt mối quan hệ giao ước là quan trọng dường nào.

3. Vai Trò của Sự Cuốn Hút Bề Ngoài

Điện ảnh Hollywood muốn các mối quan hệ chú trọng đến sự cuốn hút thể xác và dục vọng. Khi chúng ta cần giúp con cái hiểu rằng còn nhiều điều khác chi phối hôn nhân hơn là sự hấp dẫn thể xác, điều đó không có nghĩa rằng chúng ta không cần quan tâm hay xem nó là không cần thiết.

Nhã Ca 1:2 mô tả hình ảnh người nữ nhìn người đàn ông của lòng nàng, thích điều nàng thấy và muốn được người đó hôn. Trong Sáng Thế Ký 29:17, Gia-cốp yêu Ra-chên và thấy nàng đẹp.

Dù chúng ta không muốn con cái nâng giá trị một ai đó dựa trên dáng vẻ bề ngoài của họ, cũng như việc con cái cần thận trọng xử lý những ham muốn tình dục của bản thân, thì chúng ta cũng đừng cản trở con tìm kiếm cái đẹp trong sự sáng tạo tuyệt vời của Đức Chúa Trời khi Ngài tạo dựng người khác phái.

4. Tầm Quan Trọng của Việc Kết Ước

Chúng ta cũng nên cho các con tuổi thiếu niên hay thanh niên có thời gian để trưởng thành hơn trong tính cách. Hy vọng tất cả chúng ta sẽ trở nên người sống có kết ước tốt hơn khi lớn và trưởng thành hơn trong niềm tin. Nhưng một số lời khuyên tôi nghe được từ những bậc phụ huynh khác, đó là xem thử người đó có thể hiện tinh thần thiếu sự kết ước không, và nếu có, thì đó là báo động đỏ.

Chẳng hạn như người này có khó giữ công việc của mình được lâu không? Người này có hay nhảy từ hoạt động ngoại khóa này sang hoạt động ngoại khóa khác không? Người này có tiếng trong việc nhảy từ mối quan hệ hò hẹn với người này sang với người khác không? Người này có hay thay đổi trong quyết định của mình không?

Dù những thói quen này không nhất thiết cho thấy người đó không thể sống trong mối quan hệ kết ước với người bạn đời trọn đời, nhưng chắc hẳn đây là điều đáng phải suy xét, thảo luận, và cầu nguyện!

5. Nghệ Thuật Chịu Khổ

Điều chúng ta biết chắc đó là cuộc sống sẽ mang đến khổ đau. Chúng ta cũng được nói trước về điều đó. Đó không phải vì chúng ta là môn đồ của Đấng Christ, nhưng vì chúng ta đang sống trong một thế giới khổ đau và đầy tội lỗi. Vì thế, khi biết khổ đau sẽ xảy đến, việc quan tâm đến cách một người xử lý những khó khăn, áp lực trước khi quyết định gắn kết cuộc đời mình với họ lại chẳng là khôn ngoan sao?

Và đây là những câu hỏi cần đặt ra. Người đó có dễ nổi giận khi đối diện với thử thách? Người đó có tìm đến Chúa để được yên ủi hay tìm đến những thú vui trần gian để được xoa dịu? Người đó có vội phản ứng theo cảm xúc và trở nên không kiểm soát hay người đó tìm kiếm lời khuyên khôn ngoan và hỗ trợ từ người khác?

Gia Cơ 1:2-4 chỉ cho chúng ta cách chịu khổ giỏi. “Hỡi anh em, hãy coi sự thử thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là điều vui mừng trọn vẹn, vì biết rằng sự thử thách đức tin anh em sanh ra sự nhịn nhục. Nhưng sự nhịn nhục phải làm trọn việc nó, hầu cho chính mình anh em cũng trọn lành toàn vẹn, không thiếu thốn chút nào.”

Dù nhiều người trong số chúng ta đang học cách xem thử thách xảy đến là điều vui mừng, nhưng đây là vấn đề mà chúng ta cần xin Chúa Thánh Linh hành động trong đời sống của người theo Ngài.

6. Sự Tàn Hại của Lòng Kiêu Ngạo

Tất cả chúng ta đều đang vật lộn với sự kiêu ngạo. Con cái của chúng ta cũng vậy. Vì thế nếu bạn nói con đừng hẹn hò hay cưới người không hoàn toàn khiêm nhường, thì có nghĩa rằng bạn đang bảo con phải sống độc thân trọn đời. Thế nhưng, một số câu hỏi đáng được đặt ra để xét xem mức độ khiêm nhường lẫn kiêu ngạo của một người là thế nào.

Người đó có nghĩ mình biết hết mọi điều và luôn có câu trả lời đúng? Người đó có luôn cho rằng mình phải đưa ra hướng đi cuối cùng không? Người đó có sẵn lòng lắng nghe lời khuyên của người khác không? Người đó có sẵn sàng xin và chấp nhận sự trợ giúp của người khác không?

Lời Chúa đề cập rất nhiều về chủ đề kiêu ngạo và khiêm nhường. Đây là vài trưng dẫn trong Kinh Thánh để giúp bạn bắt đầu cuộc nói chuyện với con: Gia-cơ 4:6, 10; Giê-rê-mi 9:23; Phi-líp 2:3; Châm Ngôn 8:23; 11:2; 13:10; 16:5,18, 19; 21:4.

7. Tìm Kiếm Ý Kiến của Người Khác

Văn hóa của chúng ta ngày nay là đi tìm tiếng nói riêng của mình, tìm sự thuận ý của bản thân, và chỉ nối kết với người khiến mình hài lòng. Nói cách khác, thế giới ngày nay đang nói với con cái chúng ta rằng hãy đi theo điều mình muốn, đừng quan tâm đến điều người khác nói và chỉ kết bạn với người có cùng tư tưởng với mình.

Tôi rất vui khi nói rằng đây không phải là điều Kinh Thánh dạy. Châm Ngôn 12:15 nói rằng, “Đường lối của kẻ ngu muội vốn ngay thẳng theo mắt nó; còn người khôn ngoan nghe lời khuyên dạy.”

Nếu con bạn đang bắt đầu giai đoạn tìm biết một ai đó tốt hơn, thì tốt nhất hãy hạn chế sự tham gia của nhiều người.

Nhưng một khi con bạn bắt đầu chính thức hò hẹn, hãy cho con có thời gian không những với gia đình hai bên, nhưng cũng với Hội Thánh, và với người cố vấn của chúng. Hy vọng, theo thời gian, những người tham gia sẽ tán đồng mối liên hệ này, nếu không, con cần phải lắng nghe những ưu tư của họ.

8. Tầm Quan Trọng của Sự Cầu Nguyện

Tôi đã bắt đầu cầu nguyện xin Chúa ban cho các con trai của tôi có những người bạn đời trước khi chúng chào đời. Dầu tôi chưa biết tên của những người vợ tương lai của các con, tôi cũng đã cầu nguyện cho hai người nữ sẽ trở nên con dâu của tôi.

Bây giờ, khi con trai lớn của tôi bắt đầu hò hẹn, tôi vẫn thường cầu nguyện cho mối quan hệ của chúng trong giờ gia đình lễ bái vì chúng tôi muốn con trai mình biết rằng đây là vấn đề nghiêm túc và là vấn đề cần trình dâng lên Chúa.

Hãy khích lệ con cái cầu nguyện về vấn đề này trong thì giờ riêng tư của con với Chúa, nhưng cũng mời gọi con cùng cầu nguyện trong giờ gia đình lễ bái. Ngay cả khi con chưa bước vào mối quan hệ yêu đương với ai đó, việc cầu nguyện cho tương lai của con vẫn là điều cần thiết. Xem Cô-lô-se 4:2; Phi-líp 4:6,7.

9. Đừng Nghĩ Mình Biết Chắc Tương Lai

Chúng ta hoàn toàn không biết liệu con sẽ kết hôn hay không trong tương lai. Con của chúng ta có thể lựa chọn việc sống độc thân hay có thể rơi vào hoàn cảnh phải sống độc thân bất đắc dĩ.

Khi chuyện trò với con về việc hò hẹn, tỏ tình, đính hôn và kết hôn, chúng ta cũng nên dành thời gian để thảo luận với con về sự thỏa lòng (Phi-líp 4:11). Chúng ta cần chuẩn bị tấm lòng con về một đời sống tín trung và làm vinh hiển Danh Chúa cho dẫu có kết hôn hay không!

Khi nói với con về niềm vui của hôn nhân, chúng ta cũng cần cẩn thận để vấn đề độc thân không bị xem như sự rủa sả hay mất phước. Chúng ta đừng quên rằng trong 1 Cô-rinh-tô 7, Phao-lô nói độc thân cũng là ân tứ hay món quà!

Độc thân và kết hôn đều có những cơ hội hầu việc Chúa, đời sống được thanh tẩy và niềm vui khác nhau. Vì thế hãy mạnh dạn nói với con về các mối quan hệ lãng mạn. Nhưng trên hết, hãy giúp con tập chú vào mối quan hệ với Chúa.

Beth Ann Baus (Crosswalk)

Thảo Anh dịch

Yêu Vợ Như Chúa Yêu Nàng – 10 Nguyên Tắc Yêu Vợ Mà Người Chồng Cần Áp Dụng

Nếu những người chồng yêu vợ như Đấng Christ yêu Hội Thánh, thì họ sẽ học hỏi tình yêu của Ngài để áp dụng cho hôn nhân của họ.

Mười Nguyên Tắc Yêu Như Chúa Yêu

Tôi đã nghiên cứu Kinh Thánh nhiều năm, tìm hiểu xem cách Chúa Giê-xu yêu Hội Thánh, cũng là những cách yêu mà Ngài kêu gọi tôi bắt chước Ngài để yêu vợ tôi, và tôi đã tìm ra được 10 nguyên tắc tuyệt vời về tình yêu nầy. Là một người chồng, Đức Chúa Trời kêu gọi bạn hãy yêu vợ như Chúa Giê-xu yêu nàng, vì thế hãy suy ngẫm ý nghĩa sâu sắc, phức tạp và không gì ví sánh của tình yêu này.

1. Tình Yêu Kiên Định

Chúa Giê-xu không bao giờ lìa bỏ nàng dâu là Hội Thánh của Ngài. Ngài nói với Hội Thánh: “Hỡi các con, Ta thường ở cùng các con cho đến tận thế.” (Ma-thi-ơ 28:20). Tình yêu của Ngài dành cho Hội Thánh không dựa trên thành tích, nhưng dựa trên tình yêu giao ước mà Ngài dành Hội Thánh. Một khi chúng ta giữ gìn hôn nhân giao ước của chúng ta trải qua bao thử thách, bao thay đổi, thì đó là tình yêu kiên định, một tình yêu đầy vui thích trọn vẹn. Ước mong những người vợ chúng ta sẽ cảm nhận được sự an ủi trong tình yêu đó “Ta sẽ chẳng lìa ngươi đâu, chẳng bỏ ngươi đâu” (Hê-bơ-rơ 13:5).

2. Tình Yêu Hy Vọng

Khi Chúa Giê-xu nhìn vào nàng dâu của bạn, Ngài nhìn nàng là người đã được thánh hóa. Hy vọng nầy được neo chặt trong quyền năng và lời hứa của Phúc Âm. Phao-lô đã viết cho các thánh đồ: “Anh em được rửa sạch, được nên thánh, được xưng công bình rồi.” (I Cô-rinh-tô 6:11). Thật ra, Ngài nhìn nàng không những đã được thánh hóa mà còn được vinh hiển (Rô-ma 8:30). Vợ bạn có thường xuyên nói với bạn là tình yêu của bạn dành cho nàng khiến nàng “hy vọng mọi sự” (I Cô-rinh-tô 13:7) không? Nhờ giữ được ý tưởng này, bạn có được sự kiên nhẫn với vợ, giống như Chúa Giê-xu kiên nhẫn với nàng và bạn.

3. Tình Yêu Bền Bỉ

Chúa Giê-xu không bao giờ ngừng quan tâm đến người vợ của chính bạn, không phải là tình cảm lãng mạn nhưng đó là sự kiên trì. Ngài là Người Chăn không hề mệt mỏi, đã để lại 99 con chiên trong chuồng để đi tìm cho được con chiên lạc (Lu-ca 15:4-7). Tương tự như thế, Đức Chúa Trời sẽ được vinh hiển khi người chồng tiếp tục tìm kiếm mối quan hệ thật mật thiết, sâu xa với vợ mình. Một người chồng kinh nghiệm được tình yêu của Chúa Giê-xu, sẽ có một tình yêu bền vững đối với vợ mình.

4. Tình Yêu Tha Thứ

Chúa Giê-xu ban cho vợ bạn ân điển khi nàng không xứng đáng nhận. Tình yêu tha thứ trong những sinh hoạt căn bản hàng ngày là tình yêu giống Chúa hơn hết mà bạn phải có đối với vợ, nên nhớ rằng bạn cũng cần được tha thứ. Hình ảnh tình yêu tha thứ nầy mà tất cả người chồng cần tìm kiếm giống như cảnh Chúa Giê-xu chuẩn bị buổi ăn sáng cho Phi-e-rơ, người đã chối Ngài đến 3 lần trong khi Ngài chịu thương khó (Giăng 21:12-25). Bạn hay vợ bạn, ai là người thường làm hòa mỗi khi xung đột?

5. Tình Yêu Vui Thỏa

Chúa Giê-xu liên tục yêu thương và vui thỏa với nàng dâu của Ngài. Ngài cũng ban niềm vui ấy cho chúng ta (Hê-bơ-rơ 12:2). Những người vợ được chồng yêu nhiều và biết chồng mình yêu mình thường đem niềm vui, phước hạnh cho người khác. Hãy yêu vợ với tình yêu vui thỏa, điều đó làm vợ bạn mang niềm vui cho nhiều người khác nữa.

6. Tình Yêu Phục Vụ

Chúa Giê-xu đã phục vụ nàng khi sống cũng như lúc chết. Không có gì là quá đáng khi Đức Chúa Trời kêu gọi bạn phục vụ vợ mình! Chính Chúa Giê-xu “đã phó chính mình vì nàng” (Ê-phê-sô 5:25). Nhiều người chồng nghĩ họ là vua trong nhà và họ phải được phục vụ, nhưng tôi và bạn được kêu gọi trở nên người phục vụ tại chính nhà mình. Nguyên tắc để giống Đấng Christ trong hôn nhân là hãy nối gót Chúa Giê-xu rửa chân cho nhau (Giăng 13:12-17).

7. Tình Yêu Thánh Khiết

Chúa Giê-xu yêu vợ bạn bằng cách giúp đỡ nàng được tăng trưởng trong sự thánh khiết và trở nên người cầu thay cho nàng trước mặt Cha (I Giăng 2:1). Bạn có sẵn sàng trông nom các con và khích lệ vợ đi đến nhóm học Kinh Thánh buổi tối không? Bạn có thường cầu thay cho vợ, trình dâng vợ trước mặt Cha không? Hãy chịu khó giúp vợ để những bông hoa thuộc linh được nở rộ trong cuộc đời nàng.

8. Tình Yêu Dẫn Dắt

Chúa Giê-xu dẫn dắt chúng ta trong những việc tốt cho chúng ta. Ngài không những yêu vợ bạn với tình yêu chủ động, mà còn yêu nàng bằng tình yêu dẫn dắt nàng đến những điều tốt đẹp cho nàng. Bạn không thể nào trở nên người dẫn dắt thuộc linh nếu như bạn không kinh nghiệm được sự dẫn dắt của Chúa bởi Lời Ngài và sự cầu nguyện. Một cách để dẫn dắt nàng tốt nhất là khám phá tiềm năng mà nàng có thể đầu tư vào việc gì đó và giúp nàng can đảm quyết định trong công việc của mình (và chấp nhận những hậu quả) hơn là cứ để cho những quyết định và hậu quả mặc nhiên đến với nàng.

9. Tình Yêu Cung Ứng

Chúa đã cung ứng cho vợ bạn tất cả những gì nàng cần. Bạn có để ý đến những nhu cầu của vợ, ngoài những nhu cầu về vật chất không? Hãy cung ứng cho nàng những điều đó. Đấng Christ đã nuôi dưỡng nàng, Ngài đã cung ứng môi trường để nàng được tăng trưởng và kết quả. Sứ đồ Phao-lô đã giải thích cho chúng ta rằng: “Người chồng hãy yêu vợ như chính thân mình” (Ê-phê-sô 5:28). Điều nầy đã đánh dấu sự thay đổi trong hôn nhân của tôi khi tôi nhận biết được trách nhiệm về những gì cần làm để vợ tôi có thể giương cánh buồm.

10. Tình Yêu Nhận Biết

Chúa Giê-xu, Ngài biết rõ vợ bạn hơn là nàng biết về nàng. Ngài có tình yêu luôn nhận biết nàng. Ngài biết hết những ưu điểm lẫn khuyết điểm của nàng và Ngài đã hành động trên cuộc đời nàng (Ê-phê-sô 5:29-30). Trong khi đó, chúng ta không biết rõ vợ mình như Đức Chúa Trời biết, và Ngài muốn chúng ta biết vợ mình ngày càng nhiều hơn. Sự cầu nguyện của chúng ta sẽ bị rối loạn nếu chúng ta không cố gắng hiểu biết rõ vợ mình.

Hãy Chống Lại Ma Quỷ Bằng Tình Yêu

Một đêm nọ, khi tôi đi xuống nửa đường từ phòng ngủ với đôi chân trần, tôi nhìn thấy một điều mà tôi không bao giờ muốn nhìn thấy: một cái đuôi rắn ló ra từ dưới chân tường vì nền nhà có một vết nứt, nên rắn đã có thể chui qua vào nhà chúng tôi.

Hỡi anh em, chúng ta có kẻ thù, đó là con rắn xưa, nó rất muốn bò vào nhà chúng ta để phá hoại hôn nhân gia đình chúng ta. Nhưng ngợi khen Đức Chúa Trời, chúng ta biết người đã nghiền nát nó, đó là Chúa Giê-xu đã đắc thắng nó và Ngài yêu chúng ta bằng tình yêu siêu nhiên. Hãy biết rằng khi bạn yêu vợ như Chúa Giê-xu yêu nàng, thì nền móng của hôn nhân bạn vững chắc, ma quỷ sẽ bị đánh bại, và Đấng Christ sẽ được tôn cao cho nhiều người nhìn thấy Ngài.

Mục sư Tim Counts

Người dịch: Thanh Khiết

Nguồn: DesiringGod

Podcasts

Latest sermons