Trang chủ Blog Trang 43

10 Điều Quan Trọng Cần Biết Về Người Bạn Đời Trước Khi Kết Hôn

Sau lễ đính hôn, mọi người thường có xu hướng tập trung vào lễ cưới: Sẽ tổ chức lễ cưới ở đâu? Tìm được đồ cưới chưa? Ai sẽ là dâu, rể phụ? Một danh sách dài được đưa ra, và dễ lắm những bản liệt kê cùng với chi tiết những việc cần làm sẽ khiến bạn không còn tập trung vào một bức tranh lớn hơn: là tương lai của hai bạn với nhau.

Đám cưới là một cột mốc quan trọng, nhưng có những điều quan trọng hơn bạn cần biết về bạn đời trước khi bắt đầu hành trình cuộc sống với nhau. Tư vấn tiền hôn nhân và các trao đổi chân thành về những đề tài quan trọng sẽ giúp bạn hiểu bạn đời ở một tầm mức sâu hơn, và giúp cả hai có cùng mục tiêu và giá trị đời sống.

1. Chia sẻ hành trình đức tin

Điều quan trọng là cần biết rõ con đường đã đưa hai bạn đến điểm mốc này trong đời sống đức tin của mỗi người. Hai bạn được lớn lên trong Hội Thánh từ nhỏ hay chỉ mới tin Chúa sau này? Điều gì đã khiến việc này xảy ra? Những câu hỏi nào khiến hai bạn tranh chiến nhiều trong tâm trí? Những chủ đề nào hai bạn tin quyết nhất?

Nếu có những vấn đề liên quan đến Hội Thánh khiến bạn quan tâm nhiều, thì bạn cũng cần biết quan điểm của người bạn đời về những điều đó. Nếu người đó có quan điểm khác với bạn, hãy tìm hiểu nguyên nhân thay vì xét đoán. Hãy để hôn nhân của bạn là nơi an toàn để có thể đối thoại thật lòng và chín chắn.

2. Học cách bày tỏ và đón nhận tình yêu của bạn đời

Quyển 5 Ngôn Ngữ Tình Yêu của Mục sư Gary Chapman, một trong những cuốn sách được xếp vào loại bán chạy nhất, là công cụ hữu ích để tìm biết cách bạn đời (và cả bạn!) bày tỏ và đón nhận tình yêu. Chapman đã đưa ra 5 loại ngôn ngữ tình yêu: lời khẳng định, cử chỉ âu yếm, hành động phục vụ, thời gian chất lượng, và tặng quà cho nhau.

Nếu bạn đời cảm thấy được yêu khi nghe những ngôn từ yêu thương (như “Anh yêu em”, “Em tự hào về anh”), nhưng bạn lại tìm mua những thứ hữu hình cho anh ấy, thì những quà tặng đó sẽ chẳng thể chuyển tải hết tình yêu bạn muốn dành cho anh ấy như điều bạn muốn. Theo Chapman, để cảm nhận tình yêu trọn vẹn, mỗi chúng ta đều cần bạn đời bày tỏ tình yêu theo ngôn ngữ tình yêu mà mình muốn. Khi hiểu được nhu cầu của bạn đời trước khi bước vào hôn nhân, bạn sẽ trở nên chủ động và có chủ đích hơn trong mọi việc.

3. Thảo luận về những mối quan hệ quá khứ

Đừng ngại khi quay lại quá khứ, thảo luận và học hỏi từ những mối quan hệ quá khứ không đồng nghĩa với việc sống trong quá khứ. Cùng ngẫm suy lại điều gì đó không hiệu quả trong mối quan hệ trước đây có thể giúp bạn và bạn đời né tránh được những vấp ngã tương tự. Truyền thông, tin cậy và thân mật trong cảm xúc có thể là những chủ đề cần được đề cập.

Ngẫm nghĩ lại những mối quan hệ trong quá khứ cũng có thể khẳng định điều nào là đúng trong mối quan hệ hiện tại của bạn, và phục hồi sự trân quý đối với bạn đời hiện tại của mình. Cùng chia sẻ với nhau những chuyện xé lòng hay bị từ chối của đời mình cũng sẽ cần đến sự cởi mở và sẵn lòng chịu thương tổn để xây dựng sự gần gũi và tin cậy.

4. Hiểu những mong đợi của người bạn đời về vai trò chồng vợ

Đừng dựa vào những giả định riêng, nhưng hãy cởi mở chia sẻ cách nhìn của bạn về việc phân chia trách nhiệm trong vấn đề việc nhà và nuôi dạy con cái. Các bạn nữ có muốn là những bà mẹ ở nhà lo cho con cái hay sẽ thuê người giúp việc? Các bạn nam có muốn giữ vai trò trụ cột nuôi sống gia đình để vợ có thể yên tâm ở nhà không? Nếu cả hai cùng đi làm, các bạn sẽ chia sẻ trách nhiệm gánh vác gia đình với nhau thế nào?

Một số cặp đôi có những trông đợi truyền thống, những người khác thường chia sẻ trách nhiệm với nhau dựa trên khả năng và sở thích. Tôi biết một số ông chồng đảm nhận chính việc nấu nướng cho gia đình vì họ thích nấu ăn và cũng có năng khiếu trong việc đó.

Trong hôn nhân truyền thống, đàn ông là chủ gia đình. Cô-lô-se 3:18 nói, “Hỡi người làm vợ, hãy vâng phục chồng mình, y như điều đó theo Chúa đáng phải nên vậy.” Bạn có muốn chồng là người đưa ra quyết định cuối cùng hay cả hai cùng thảo luận và đưa ra quyết định? Hãy thảo luận với nhau về cách bạn hiểu câu Kinh thánh này.

5. Thảo luận kế hoạch xây dựng gia đình

Nếu bạn muốn có con, hãy chắc chắn rằng bạn đời của mình cũng muốn như vậy. Đừng cưới ai đó mà hy vọng rằng sau này người đó sẽ thay đổi ý định. Nếu bạn muốn có con, hãy thảo luận với nhau về biện pháp tránh thai. Đức Chúa Trời phán, “Hãy sanh sản thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất.” (Sáng Thế Ký 1:28) Có phải điều này có nghĩa rằng bạn nên có con càng nhiều càng tốt, hay bạn tin vào việc sử dụng phương pháp tránh thai hiện đại và lên kế hoạch về số lượng thành viên muốn có trong gia đình? Số con cái lý tưởng của bạn là bao nhiêu?

Nếu bạn gặp vấn đề vô sinh, bạn có cởi mở đủ đối với việc nhận con nuôi hay thụ tinh trong ống nghiệm không? Con cái là trách nhiệm lớn, là sự trả giá nhưng cũng là niềm vui. Hãy đảm bảo rằng cả hai có đồng quan điểm để cùng đứng lên đối đầu với thách thức trong vai trò là cha mẹ với đầy sự tin quyết và tình yêu.

“Vì Ta biết ý tưởng (chương trình) Ta nghĩ đối cùng các ngươi, là ý tưởng (chương trình) bình an, không phải tai họa, để cho các ngươi được sự trông cậy trong lúc cuối cùng của mình.” (Giê-rê-mi 29:11)

6. Tìm hiểu cách bạn đời được nuôi dạy

Chúng ta nhìn thế giới qua lăng kính của những trải nghiệm cá nhân. Môi trường và các mối quan hệ giao tiếp hình thành cách chúng ta nhìn và đáp ứng với những tình huống khác nhau, cũng như cách chúng ta nghĩ thế nào là “bình thường”. Bạn đời của bạn được trưởng dưỡng ở đâu? Mỗi người được trưởng dưỡng ở một môi trường khác nhau và điều này cũng ảnh hưởng rất nhiều đến cách người đó nhìn thế giới chung quanh.

Ai là người đã nuôi dạy người bạn đời của bạn? Là cha/mẹ đơn thân hay cả cha lẫn mẹ? Những xung đột trong gia đình của người bạn đời được giải quyết thế nào? Họ có mắng nhiếc nhau hay lẳng lặng nhốt mình trong phòng nhưng lòng thì sục sôi? Hay họ cùng ngồi xuống và giải quyết vấn đề với nhau? Họ có được dạy phải nói ra cảm xúc với nhau hay cứ để cho mọi chuyện tự trôi đi?

Có thể sự thiếu tự tin của bạn đời có liên hệ đến tuổi thơ của người đó, hay có thể người đó dễ bị buồn bực bởi điều gì đó liên quan đến quá khứ. Việc suy xét những việc thế này có vai trò quan trọng trong việc tìm biết điều nào có thể khiến chúng ta phản ứng như thế. Một khi bạn hiểu rõ điều này, hãy chia sẻ cho người bạn đời kiến thức vô giá đó.

7. Tìm hiểu điểm mạnh và yếu của người bạn đời

Hãy so sánh phẩm tính của bạn và bạn đời để xem điểm mạnh và yếu của hai người có thể được cân đối và bổ sung cho nhau thế nào. Nếu bạn đời là người hay quên trả tiền các hóa đơn đúng hạn, thì việc quản lý các hóa đơn sẽ là một trong những việc bạn phải đảm nhiệm. Đừng chỉ trích người bạn đời chỉ vì những khác biệt mà bạn thấy như là sự thiếu sót của người đó, nhưng thay vào đó, hãy tìm cách hỗ trợ và giúp nhau thành công. Gail Roggers nhắc rằng điểm yếu nhất của chúng ta thường là điểm mạnh nhưng bị mất cân đối. Người nhạy bén có thể cần được nhắc nhớ rằng không phải mọi việc đều cần sự hoàn hảo và một điều cũng quan trọng đó là hãy tìm cách thư giãn nữa. Hãy khích lệ và giúp nhau sử dụng ân tứ Chúa ban. “Hai người hơn một, vì họ sẽ được công giá tốt về công việc mình.” (Truyền Đạo 4:9)

8. Tìm hiểu tình hình tài chính của bạn đời

Bạn cần quan tâm đến vấn đề nợ nần của bạn đời, những thói quen chi tiêu và những mục tiêu tài chính của người đó. Dam Ransey khuyên các cặp đôi hãy “đặt tất cả những món nợ trên bàn. Hãy công khai, đừng bí mật.” Tiền bạc là đề tài tế nhị và người ta thường thấy ngại khi đề cập đến nó. Nhưng hai bạn cần thảo luận với nhau về vấn đề này.

Nếu bạn đời đang mắc nợ, người đó có lên kế hoạch trả nợ không? Ai trong hai bạn hiện đang sử dụng ngân quỹ của mình? Bạn dâng cho Hội Thánh bao nhiêu? Cách chúng ta tiêu tiền cho thấy thứ tự ưu tiên của mình, vì thế hãy sẵn lòng xem lại những chọn lựa trong quá khứ và lên kế hoạch cho tương lai với nhau.

9. Tìm hiểu cách truyền thông của bạn đời

Người bạn đời không thể đọc suy nghĩ của bạn. Bạn cần truyền đạt điều mình cần và muốn, và có lẽ điều này cần đến sự cởi mở, sẵn lòng chịu thương tổn. Nếu bạn cần giúp việc nhà, muốn được gần gũi hơn, hay thậm chí muốn ở riêng một mình, thì việc tỏ bày nhu cầu của chính mình sẽ giúp người bạn đời có đáp ứng phù hợp. Đừng dựa vào ngôn ngữ cơ thể hay “những tín hiệu nào đó” vì điều này có thể đưa đến sự bực tức nếu bạn đời không nhận ra thông điệp của bạn.

“Hãy nói thật với kẻ lân cận mình, vì chúng ta làm chi thể cho nhau.” (Ê-phê-sô 4:25)

Nếu bạn và bạn đời có mâu thuẫn với nhau, “Chớ căm giận cho đến khi mặt trời lặn” và “…chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em, nhưng khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến.” (Ê-phê-sô 4:26-29)

10. Cần hiểu rằng bạn đời của bạn cũng cần thời gian riêng tư

“Hai trở nên một” không có nghĩa rằng hai bạn sẽ phải làm mọi thứ với nhau. Những mối quan hệ lành mạnh đều cần sự cân đối giữa thời gian với nhau, với người khác và với chỉ riêng mình. Chẳng hạn như nếu bạn đời muốn có một buổi tối chơi cờ với bạn bè, thì điều này không có nghĩa rằng bạn đời tôn trọng bạn bè hơn bạn. Người ấy chỉ cần thời gian với bạn bè, và bạn cũng vậy! Hãy cho bạn đời không gian để thở và thời gian của hai bạn với nhau sẽ trở nên có giá trị hơn. “Hãy lấy lẽ kính nhường nhau.” (Rô-ma 12:10)

Hãy nhớ rằng mọi người đều tăng trưởng và thay đổi, vì thế những câu trả lời của người bạn đời cho vài câu hỏi bên trên hôm nay có thể khác so với câu trả lời trong năm tới hay 10 năm nữa. Hãy thỏa thuận với nhau quay lại những chủ đề quan trọng để cùng cởi mở và thành thật với nhau. Hãy cầu nguyện xin Chúa ban sự thông hiểu và năng lực để cả hai sẵn sàng chịu thương tổn khi cùng cởi mở với nhau. Khi có Chúa là trung tâm trong mối quan hệ của hai bạn với nhau, thì không điều gì là không thể!

“Lại nếu kẻ ở một mình bị người khác thắng, thì hai người có thể chống cự nó; một sợi dây bện ba lấy làm khó đứt.” (Truyền Đạo 4:12)

Tác giả: Maria Cheshire

Thảo Anh dịch (Nguồn: Crosswalk.com)

Bảy Thói Quen Có Thể Hủy Phá Hôn Nhân Của Bạn

Khi hai người cam kết tiến đến hôn nhân, họ hứa nguyện sẽ mãi mãi bên nhau. Nhưng rồi năm tháng trôi qua, hôn nhân dễ dàng đi vào lối mòn, những điều khó chịu nho nhỏ dần trở thành những thói quen xấu. Những thói quen này, nếu cứ tiếp tục hết năm này tháng nọ có thể từ từ bào mòn nền tảng vững chắc của hôn nhân. Dưới đây là bảy thói quen có thể huỷ phá hôn nhân của bạn.

  1. Không cầu nguyện với nhau

Câu nói “gia đình biết cầu nguyện với nhau, sẽ gắn kết với nhau” nghe có vẻ đúng, nhất là trong hôn nhân. Sa-tan không muốn gì khác hơn là phá huỷ hai Cơ Đốc nhân hiệp nhất với lòng khao khát tôn cao danh Chúa qua mối quan hệ của mình. Cách hay nhất để phá huỷ sự hiệp nhất đó là làm cho họ thiếu vắng sự cầu nguyện với nhau.

Chắc chắn, bỏ qua một ngày không cầu nguyện chung là chuyện rất dễ. Rồi một ngày sẽ thành hai ngày, ba ngày, và chẳng sớm thì muộn sẽ là nhiều tháng (hay nhiều năm) không cầu nguyện chung. Làm sao một cặp vợ chồng ở trong cây nho khi con đường kết nối họ với Đức Chúa Trời bị đứt lìa từ gốc?

  1. “Bôi nhọ nhau”

Cuộc hôn nhân nào cũng gặp xung đột. Nhưng bạn sẽ làm gì khi bạn (hoặc người phối ngẫu) “bôi nhọ nhau”? “Bôi nhọ nhau” nghĩa là có những lời nói huỷ hoại uy tín hay sỉ nhục người khác nhằm “thắng” cuộc tranh cãi. Bạn có thể thắng cuộc tranh cãi nhờ vài cú chơi xấu, nhưng cuộc chiến thì chỉ mới bắt đầu.

Nếu bạn không xin lỗi, thì những lời này sẽ chỉ chất chồng hết ngày này qua ngày khác. Giống như kem đánh răng trong ống kem, bạn không thể rút lại những lời đó. Hãy giữ cho những cuộc chiến được “trong sạch” bằng cách chỉ nói đến vấn đề trước mắt và những nỗi sợ hãi cũng như sự bất an ẩn bên dưới. Nhờ đó hôn nhân của bạn sẽ vượt qua mọi cơn bão xung đột.

  1. Bươi móc quá khứ

Khi tranh cãi với người phối ngẫu, bạn có bám vào vấn đề trước mắt không – hay lôi ra những lỗi lầm, thất bại và tội lỗi trong quá khứ? Đức Chúa Trời ban cho chúng ta trí nhớ để trân quý quá khứ. Nhưng chúng ta phải lựa chọn hoặc là để cho quá khứ tàn phá hiện tại, hoặc là dùng quá khứ như một phương cách giải thoát chính mình và người khác.

Nếu Chúa “tha thứ mọi tội lỗi chúng ta như phương đông xa cách phương tây” (Thi Thiên 103:12), thì tại sao chúng ta lại không thể tha thứ? Chúa Giê-xu nói rõ rằng nếu chúng ta không tha thứ cho người khác thì Ngài cũng sẽ không tha thứ cho chúng ta. Thật là một câu nói nghiêm túc! Điều này cho thấy Chúa Giê-xu mong ước Cơ Đốc nhân tự nguyện tha thứ nhau như Ngài đã tha thứ chúng ta trên thập tự giá. Tha thứ không hề dễ dàng, cũng như chịu đóng đinh không hề dễ dàng vậy, nhưng Ngài đã lựa chọn điều đó vì tình yêu lớn của Ngài đối với chúng ta. Vì thế, chúng ta cũng cần phải yêu nhau và tôn trọng nhau.

  1. Giữ mối liên hệ không lành mạnh với gia đình cha mẹ ruột

Đây là lý do tại sao trong Sáng Thế Ký Đức Chúa Trời ra lệnh người nam “phải lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình và cả hai sẽ trở nên một thịt” (TTHĐ). Cha mẹ, anh chị em ruột là nơi bạn nương dựa suốt thời thơ ấu. Nhưng một khi đã lập gia đình, bạn phải nghiêng về người phối ngẫu và xây dựng gia đình với người ấy. Điều đó có nghĩa là bạn và người phối ngẫu phải cùng nhau đi qua thử thách như một đơn vị gia đình độc lập, tách rời khỏi cha mẹ hay anh chị em của bạn.

Không có gì sai khi tìm lời khuyên của cha mẹ ruột, nhưng xem trọng ý kiến của họ hơn của người phối ngẫu chỉ tạo thêm phiền phức. Khi đưa ra những quyết định quan trọng trong cuộc sống, thì đó phải là quyết định của bạn và người bạn đời, chứ không phải của cha mẹ bạn.

  1. Yêu thương hoặc tôn trọng có điều kiện

Khi hôn nhân trải qua thử thách nghiêm trọng như là phản bội hay có dấu hiệu không chung thuỷ nào khác, nạn nhân trong mối quan hệ có thể cảm thấy mình có quyền coi thường đối phương hoặc khước từ yêu thương vì sợ bị tổn thương lần nữa. Thế nhưng, công thức để có một hôn nhân hạnh phúc trong Kinh Thánh là: “Thế thì, mỗi người trong anh em phải yêu vợ mình như chính mình, còn vợ thì phải kính chồng” (Ê-phê-sô 5:33).

Là vợ, chúng ta phải tôn trọng chồng mình, cho dù họ có xứng đáng được tôn trọng hay không. Khi người vợ thể hiện lòng tôn trọng đối với chồng, tức là chúng ta tôn trọng chính mình, và do đó tôn trọng hôn nhân của chúng ta.

Tương tự, chồng phải yêu vợ cho dù họ có xứng đáng hay không. Yêu vợ có thể không phải lúc nào cũng nắm tay hay phải có những biểu hiện âu yếm khác nơi công cộng, mà yêu vợ nghĩa là lắng nghe nàng, nâng đỡ nàng khi gặp thử thách và quan tâm đến ý kiến của nàng trước khi đưa ra quyết định. Khi chồng yêu vợ, thì chàng cũng tôn trọng hôn nhân của mình.

  1. Ưu tiên giành phần đúng về mình hơn là giữ cho mối quan hệ tốt đẹp

Trong thế giới ngày nay, người ta biết đến Cơ Đốc nhân vì những điều họ phản đối hơn là những điều họ ủng hộ. Khi đó, tấm gương phản chiếu hình ảnh Đấng Christ trong họ bị lu mờ. Trong mối quan hệ hôn nhân cũng vậy. Khi một trong hai vợ chồng quan tâm đến việc giành phần đúng cho mình hơn là giữ cho mối quan hệ tốt đẹp, thì hôn nhân không còn phản chiếu hình ảnh cô dâu của Đấng Christ, mà giống như hai con người ích kỷ chỉ muốn nhận được điều gì đó từ mối quan hệ hôn nhân hơn là cho đi.

Vợ chồng phải cam kết hy sinh cho hôn nhân của mình thay vì cứ chứng tỏ người kia sai, nhất là khi có xung đột. Đừng cố chứng tỏ mình đúng và là người chiến thắng trong hôn nhân, mà hãy theo gương Đấng Christ, Đấng sẵn sàng phó mạng sống Ngài để chúng ta (và người phối ngẫu) có được cuộc sống sung mãn mà Cha đã hứa.

  1. Gián đoạn Đối thoại giữa hai vợ chồng

Một trong những điều tốt đẹp nhất của hôn nhân là khi hai người chia sẻ cho nhau sự thân mật cả trong phòng ngủ lẫn bên ngoài phòng ngủ. Điều này có nghĩa là cả hai bày tỏ cảm xúc và tình cảm của mình mà không sợ bị người kia lên án. Hôn nhân phải là một nơi an toàn mà người ta có thể hoàn toàn bộc lộ chính mình. Nhưng khi có tổn thương chưa được giải quyết hay oán giận chưa được xử lý, thì cả hai sẽ im lặng và chỉ trò chuyện cách hời hợt.

Mối quan hệ có thể trở nên xấu đến nỗi mức độ trò chuyện thân mật nhất của hai người chỉ xoay quanh “ngày hôm nay của em/ anh thế nào?” Không ai cảm thấy đủ an toàn để bày tỏ sự bất mãn của mình với cuộc sống hay với nhau.

Điều này làm cho mối quan hệ vợ chồng chỉ như mối quan hệ của bạn cùng phòng. Mối quan hệ của Đấng Christ với Hội thánh phải thân thiết hơn mối quan hệ của bạn cùng phòng. Đức Chúa Trời muốn có mối tương giao với chúng ta, thì người phối ngẫu của chúng ta cũng vậy. Hãy thử tưởng tượng nếu mối liên hệ của bạn với Chúa chỉ là danh sách những điều cầu xin, thì mối quan hệ đó có lành mạnh không? Hãy dành thời gian để giải quyết xung đột và chữa lành tổn thương, để hai bạn có thể trò chuyện với nhau cách thân mật.

Hôn nhân không hề dễ dàng, nhưng khi cả hai cam kết xây dựng hôn nhân trở nên mối quan hệ tốt đẹp nhất thì Đấng Christ được vinh hiển, và họ tận hưởng một cuộc sống dư dật tình yêu và tiếng cười mà Chúa ban cho. Nếu bạn đang có bảy thói quen kể trên trong hôn nhân, hãy cố gắng phá vỡ chúng đi. Có thể bạn phải bám chặt vào lời Chúa, tìm kiếm sự giúp đỡ từ Hội thánh hoặc bác sĩ chuyên khoa. Hãy cố gắng hết sức để trở thành người phối ngẫu mà vợ hay chồng của bạn đáng phải có.

Tác giả: Michelle S. Lazurek (www.crosswalk.com)

Người dịch: Khue Tran

Trường Chúa Nhật 01-08-2021

Hội Thánh Tin Lành Việt Nam – Chi Hội Tô Hiến Thành,
Trường Chúa Nhật Trực Tuyến – Chúa Nhật 01-08-2021

Bài 28 – SA-MU-ÊN PHỤC VỤ ĐỨC CHÚA TRỜI
Kinh Thánh: I Sa-mu-ên 12:1-25
Câu gốc: I Sa-mu-ên 2:30b
Giáo viên: MsNc. Châu Thanh Thiên Ngọc
Phụ tá Quản nhiệm

Website: https://httltohienthanh.org
Kênh Youtube: https://www.youtube.com/c/HTTLToHienThanh
Facebook: https://www.facebook.com/HTTLToHienThanh.org

Mười Câu Kinh Thánh Quan Trọng Ông Bà Nên Đọc Cho Các Cháu Nghe

“Bà ơi, làm ơn đọc lại quyển sách đó cho con nghe đi bà!”

“Cháu yêu ơi, bà đã đọc quyển ấy 3 lần rồi mà!”

“Dạ con biết rồi, nhưng bà hãy đọc thêm lần nữa thôi!”

Các bé rất thích nghe đọc truyện, nhiều khi thích đọc đi đọc lại nhiều lần. Đó là phương cách tốt để các bé thấm nhuần câu chuyện.

Cùng nhau đọc sách là một sinh hoạt lý thú cho ông bà và các cháu. Các bạn có thể làm việc nầy khi đang ôm các cháu vào lòng, Bạn có thể làm việc nầy cho dù thời tiết thế nào. Ông bà không cần phải tiêu hao nhiều sức lực và cũng không phải vất vả về thể xác. Trên hết, đọc sách cho các cháu là giúp cho các cháu biết yêu thích đọc sách, đem lại niềm vui cho cuộc sống.

Khi ông bà chọn sách đọc cho các cháu, hãy chọn sách tốt nhất, đó là Kinh Thánh, những truyện tích Kinh Thánh. Đọc những truyện tích Kinh Thánh cho các cháu là giúp các cháu làm quen với chân lý và gieo trồng tình yêu của Đức Chúa Trời trong lòng các cháu. Sau đây là những bài học tốt và những câu Kinh Thánh để ông bà đọc cho các cháu nghe.

Câu 1: TÌNH YÊU THƯƠNG

“Chúng ta đã biết và tin sự yêu thương của Đức Chúa Trời đối với chúng ta. Đức Chúa Trời tức là sự yêu thương, ai ở trong sự yêu thương, là ở trong Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Trời ở trong người ấy.” I Giăng 4:16

Một trong những câu gốc mà các giáo viên Trường Chúa nhật giới thiệu cho các học viên của họ là “Đức Chúa Trời là Tình Yêu Thương”. Ngay cả các em nhỏ cũng có thể viết 3 từ “Chúa là Tình Yêu” từ câu Kinh Thánh I Giăng 4:16 “Chúng ta đã biết và tin sự yêu thương của Đức Chúa Trời đối với chúng ta. Đức Chúa Trời tức là sự yêu thương, ai ở trong sự yêu thương, là ở trong Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Trời ở trong người ấy.”

Ông bà không những chỉ đọc về Tình Yêu của Chúa cho các cháu thôi, mà ông bà còn bày tỏ tình yêu ấy mỗi ngày. Vài hành động tốt đối với các cháu khiến cho các cháu ghi nhớ, hãy dạy các cháu về tình yêu bằng cách dẫn các cháu đi thăm những người hàng xóm, cho họ vài chiếc bánh hay đem thức ăn đến cho họ. Ông bà hãy làm gương về Tình Yêu của Đức Chúa Trời cho các cháu.

Câu 2: SỰ THỎA LÒNG

“Tôi biết chịu nghèo hèn, cũng biết được dư dật. Trong mọi sự và mọi nơi, tôi đã tập cả, dầu no hay đói, dầu dư hay thiếu.” Phi-líp 4:12

Phao-lô đã nói ông phải tập hễ gặp cảnh ngộ nào ông cũng thỏa lòng. Ông nói: “Tôi biết chịu nghèo hèn, cũng biết được dư dật. Trong mọi sự và mọi nơi, tôi đã tập cả, dầu no hay đói, dầu dư hay thiếu.” Đọc câu Kinh Thánh nầy để có dịp giải thích cho các cháu biết cách học tập thỏa lòng dù đôi khi gia đình phải gặp cảnh khó khăn, thật tốt cho các cháu nếu ông bà dạy các cháu biết sự khác nhau giữa thỏa lòng và không thỏa lòng.

Với câu Kinh Thánh nầy, ông bà có thể đề nghị các cháu dựng nên vở kịch về chân lý thỏa lòng trong bất cứ hoàn cảnh nào!

Câu 3: SỰ VUI MỪNG

“Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn. Tôi lại còn nói nữa: Hãy vui mừng đi!” Phi-líp 4:4

Nhắc các cháu từ chìa khóa của câu Kinh Thánh nầy là “luôn luôn”. Hãy hỏi các cháu làm sao để có thể vui được trong những lúc gặp khó khăn. Rồi ông bà chia sẻ với các cháu những kinh nghiệm nào mà ông bà có thể vui được trong hoàn cảnh khó khăn.

Câu Kinh Thánh nầy rất dễ nhớ nên hãy cùng đọc vài lần với các cháu. Tốt hơn nữa là nếu ông bà có bài hát nào có cùng ý nghĩa nầy hãy dạy các cháu cùng hát với ông bà.

Câu 4: SỰ KHÔN NGOAN

“Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời, là Đấng ban cho mọi người cách rộng rãi, không trách móc ai, thì kẻ ấy sẽ được ban cho.” Gia-cơ 1:5

Ngay cả các em nhỏ cũng phải quyết định nhiều việc mỗi ngày: Thí dụ khi chúng thức dậy, chúng phải đánh răng thế nào? mặc đồ gì đi học? ăn điểm tâm món gì? mang giày nào? v.v..cho dù chúng có vâng lời ba mẹ hay không, chúng cũng phải làm những việc trên.

Khi chúng lớn hơn, chúng phải đối phó với những áp lực trong cuộc sống, như chọn ngành học nào chúng thích hay quyết định một việc gì thì chúng đều cần sự khôn ngoan. Mặc dù “sự khôn ngoan” thường được nghĩ là ý tưởng dành cho người lớn, các em nhỏ cũng cần học hỏi tìm kiếm sự khôn ngoan khi chúng lớn lên.

Gia-cơ cho chúng ta một sự chỉ dẫn tuyệt vời, đơn giản để có được khôn ngoan “Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời, là Đấng ban cho mọi người cách rộng rãi, không trách móc ai, thì kẻ ấy sẽ được ban cho” (Gia-cơ 1:5). Các cháu không cần phải đủ tiêu chuẩn đặc biệt nào đó mới được khôn ngoan. Không có một giới hạn tuổi hay điều kiện nào mới được khôn ngoan. Chỉ cầu xin với Chúa.

Hãy giúp đỡ các cháu hiểu để có những quyết định khôn ngoan. Chúng ta có thể kể cho các cháu nghe một vài tình huống mà ông bà đã quyết định với một chút khôn ngoan thôi mà đã đem lại sự khác biệt lớn lao dường nào!

Câu 5: SỰ BÌNH AN

“Người nào để trí mình nương dựa nơi Ngài, thì Ngài sẽ gìn giữ người trong sự bình yên trọn vẹn, vì người nhờ cậy Ngài.” Ê-sai 26:3

Biết bao điều trong thế giới hôm nay không đem lại bình an. Nhiều thú vui giải trí tiêu khiển hiện tại từ ma quỉ. Bạn cần dạy các cháu phương cách bảo đảm để có sự bình an toàn hảo trong một thế giới bất an, bất hảo.

“Người nào để trí mình nương dựa nơi Ngài, thì Ngài sẽ gìn giữ người trong sự bình yên trọn vẹn, vì người nhờ cậy Ngài” (Ê-sai 26:3). Bảng Kinh Thánh King James: “Ngài sẽ giữ người trong sự bình an trọn vẹn vì tâm trí người nhờ cậy Ngài.” Câu nầy dễ hiểu hơn cho các cháu. Ý chính của câu nầy là bí quyết để có sự bình an trọn vẹn là giữ mắt mình luôn nhìn xem Chúa Giê-xu. Bạn có kinh nghiệm điều nầy chưa? …. Hãy khích lệ các cháu tập chú nhìn xem Chúa Giê-xu và cho các cháu một vài kinh nghiệm làm thế nào để nhìn xem Chúa?

Câu 6: SỰ TỬ TẾ

“Hãy ở với nhau cách nhân từ (tử tế), đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy.” Ê-phê-sô 4:32

Đây cũng là câu Kinh Thánh mà các cháu nhỏ học từ những ngày đầu đời. “Hãy ở với nhau cách nhân từ (tử tế), đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy.” Chủ đề Trường Chúa Nhật cho các em nhỏ là “Hãy tử tế với nhau.”

Tử tế là một ý niệm quan trọng. Phẩm chất nầy vô cùng cần thiết cho thế giới ngày hôm nay. Sau khi cùng đọc câu Kinh Thánh, hãy thảo luận với các cháu tử tế là như thế nào và tử tế xuất phát từ đâu. Hãy lên kế hoạch để diễn tả sự tử tế nầy với ai đó trong tuần tới. Nếu các cháu bạn đã lớn, cũng hãy thảo luận với các cháu về sự tha thứ, đó cũng là phẩm chất đạo đức cần thiết cho nếp sống Cơ Đốc.

Câu 7: HY VỌNG

Đức Giê-hô-va phán: “Vì chính Ta biết chương trình mà Ta hoạch định cho các con; đó là chương trình bình an chứ không phải tai họa, để ban cho các con một tương lai và một hi vọng. Giê-rê-mi 29:11 (TTHĐ)

Đây là một trong những câu Kinh Thánh quen thuộc nhất của chúng ta, chúng ta thường dùng câu Kinh Thánh trong những dịp đặc biệt như: sinh nhật, tốt nghiệp v.v…

Các cháu của bạn cần biết hy vọng cuối cùng của chúng là trong Chúa Giê-xu, và kế hoạch cho cuộc đời chúng đã hoàn tất rồi. Đức Chúa Trời có một kế hoạch cho mỗi cháu, vì thế chúng ta cần khích lệ các cháu hãy nhắm mục tiêu, kế hoạch ấy sẽ giúp chúng đi đúng đường

Câu 8: SỰ TỰ TIN

“Đừng để người ta khinh con vì trẻ tuổi, nhưng hãy lấy lời nói, nết làm, sự yêu thương, đức tin và sự tinh sạch mà làm gương cho các tín đồ.” I Ti-mô-thê 4:12

Đôi khi người lớn chúng ta bị cám dỗ coi thường ý kiến của các cháu nhỏ vì chúng chưa phải là người lớn. Nhưng Đức Chúa Trời ban cho chúng sự khôn ngoan trong những lãnh vực nhất định nào đó vì chúng có thể giải quyết nan đề bằng một giải pháp đơn giản. Hãy khen ngợi các cháu khi thấy chúng ứng xử khôn ngoan. Có thể trong những chuyện rất đơn giản như không cần phải tranh giành nhau đồ chơi trong khi căn phòng đầy dẫy những đồ chơi mà hãy chọn một cái khác tương tự.

“Đừng để người ta khinh con vì trẻ tuổi, nhưng hãy lấy lời nói, nết làm, sự yêu thương, đức tin và sự tinh sạch mà làm gương cho các tín đồ.” (I Ti-mô-thê 4:12) Con cháu của bạn dầu ở lứa tuổi nào đều có thể làm gương cho mọi người.

Câu 9: LÒNG BIẾT ƠN

“Hãy cảm tạ Đức Giê-hô-va, vì Ngài là thiện; sự nhân từ Ngài còn đến đời đời.” Thi Thiên 136:1

Một đời sống đầy dẫy lòng biết ơn là một đời sống hạnh phúc. Cho dù bạn có nhiều điều bao nhiêu đi nữa cũng không quan trọng bằng bạn biết ơn những gì bạn đang có. Từ khi còn rất nhỏ, các bé đã có thể học cách biết ơn. Ông bà là người dạy các cháu điều nầy tốt nhất. Hãy dành thì giờ kể cho các cháu nghe ông bà đã biết ơn những gì trong cuộc đời ông bà. Hãy giúp các cháu nhìn thấy được những gì mà ông bà biết ơn. Sau khi cùng nhau đọc câu Kinh Thánh nầy, hãy cùng nhau biết ơn cảm tạ Chúa!

Trên hết, chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì sự tốt lành, tình yêu của Ngài không bao giờ thay đổi. Thật là quý báu cho chúng ta!

Câu 10: SỰ CỨU RỖI

“Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.” Giăng 3:16

Các cháu của bạn có thể được học câu Kinh Thánh nầy ở Hội thánh rồi, Nhưng có thể lắm các cháu chưa ăn nuốt câu Kinh Thánh ấy cho mình. Sau khi đọc câu Kinh Thánh lần thứ nhất, hãy đọc lại lần nữa và thay tên các cháu vào chữ “thế gian”. Hãy giúp các cháu cá nhân hóa câu Kinh Thánh và thấu hiểu để sau nầy khi cháu được Chúa phán với lòng các cháu, các cháu sẽ sẵn sàng trở nên Cơ Đốc nhân thật. Đức Chúa Trời dùng nhiều cách để đem chúng ta đến sự cứu rỗi và ông bà có ảnh hưởng mạnh trên các cháu.

Mong ước của ông bà là các cháu biết rỏ Chúa. Trong khi đọc câu Kinh Thánh nầy, ông bà hãy giải thích và thầm nguyện cho các cháu hiểu rõ tình yêu của Chúa và thật sự tin Ngài. Cầu xin Chúa dùng những lời của ông bà chia sẻ với các cháu trở nên một phần nào trong tiến trình cứu rỗi cho cuộc đời các cháu.

Giúp đỡ cho các cháu thích thú đọc sách đem lại niềm vui cho những ngày già của ông bà. Làm cho tấm lòng của các cháu được thấm nhuần chân lý là phần thưởng đời đời cho ông bà! Thật là phước hạnh cho ông bà khi làm được hai điều trên!

Linda Gilden (Nguồn: Crosswalk)

Thanh Khiết dịch

5 Điều Cần Tránh Khi Tìm Bạn Đời

Tôi và một người bạn đứng ngắm chiếc nhẫn kim cương lấp lánh sau tấm kiếng của một cửa hàng trang sức. Cô bạn tôi thở dài và nói, “Sẽ có một ngày Chúa đưa ai đó đến với tớ, và tớ cũng sẽ có chiếc nhẫn đính hôn thế này.”

Tôi nói, “Thời điểm của Chúa luôn là tuyệt vời.”

Cô ấy nói, “Tớ biết. Nhưng trong lúc chờ đợi thì tớ phải làm gì đây? Tớ chẳng còn trẻ nữa. Tối đến thì thật là cô đơn…”

Cô bạn tôi đã thốt lên cảm xúc của hàng triệu bạn nữ khác. Họ cũng ước ao, trông ngóng, lo lắng khi cố chờ một người bạn đời để được nghe lời thì thầm yêu thương và kết ước.

Một số người tìm được người yêu qua mạng. Một số khác gặp được người trong mộng trong những tình huống lạ kỳ. Nhưng cũng có một số người chẳng tìm kiếm nhưng cuối cùng cũng có tình yêu.

Hãy khám phá xem nhóm cuối cùng này thực hiện điều đó như thế nào. Bí quyết đầu tiên không phải ở việc họ làm, nhưng là điều họ tránh.

Dưới đây là 5 “điều cần tránh” khi bạn chờ sự xuất hiện của người bạn đời.

  1. Đừng bị lừa dối rằng ai đó sẽ mang lại niềm vui cho bạn

Đa-vít đã rơi vào cạm bẫy này. Ông đã thấy nàng Bát-sê-ba xinh đẹp. Ham muốn của ông đã kéo ông đi quá xa. Đó là khi những lời phỉnh dối vang lên rằng- nàng sẽ mang hạnh phúc, thỏa mãn và niềm vui đến cho ông.

Do bị phấn khích bởi những khát khao lừa dối này mà Đa-vít đã hành động. Như được đề cập trong 2 Sa-mu-ên 11, ông đã nghe theo cảm xúc của bản thân. Và tất cả chúng ta đều biết rằng những quyết định được lèo lái bởi cảm xúc đều dẫn đến thất vọng.

Lần đầu tiên Đa-vít nếm biết điều này. Khi ông cố tìm kiếm sự thỏa mãn, thì ông đã phạm tội. Và tiếp theo sau đó là sự tà dâm, dối trá và giết người.

Cảm ơn Đa-vít về bài học này. Giờ chúng ta biết rằng khi ai đó xuất hiện với một nụ cười mà thường chúng ta khiến hiểu nhầm rằng đây là sự hứa hẹn mang niềm vui đến cho mình, thì hãy mau chạy đi. Người đó không thể làm được điều đó đâu. Trông đợi ai đó là nguồn niềm vui cho mình cũng giống như việc ăn kem để giảm cân. Những mong đợi đó là hoàn toàn sai lầm.

Trái lại, chúng ta hãy công bố rằng niềm vui của chúng ta đến từ Chúa. Và điều đó sẽ còn mãi. Nó sẽ lấp đầy trong chúng ta. Và rồi ngay cả khi nỗi niềm cô đơn ập đến lúc đêm xuống, thì niềm vui của Chúa vẫn chẳng rời xa chúng ta.

Chúa Giê-xu nói, “Các ngươi hiện ở trong cơn đau đớn, nhưng ta sẽ lại thấy các ngươi, thì lòng các ngươi vui mừng, và chẳng ai cướp lấy sự vui mừng các ngươi được.” (Giăng 16:22)

Cầu nguyện: Chúa ơi, xin giúp con nhớ rằng chỉ có Ngài mới là nguồn niềm vui của con.

  1. Tránh So Sánh Hoàn Cảnh Mình với Người Khác

Trong một buổi họp nhóm, một cô gái nói, “Mình ghét Ngày Lễ Tình Yêu. Những hộp sôcôla, những đóa hoa hồng hay cả những cặp trai gái nắm tay nhau đều khiến mình thấy khó chịu. Tất cả những hình ảnh đó đều gợi cho mình một nỗi cô đơn bởi mình chẳng có ai đặc biệt trong cuộc đời.”

Cô gái ấy không là trường hợp duy nhất. An-ne cũng rơi vào một cái bẫy tương tự. Với những chi tiết được ghi trong 1 Sa-mu-ên 1, việc Phê-ni-na không có trở ngại sinh nở đã khiến An-ne bực bội vì nàng không có con. “Và vì Đức Giê-hô-va khiến nàng son sẻ; kẻ phân bì nàng trêu ghẹo nàng. Từ năm này đến năm kia, mỗi khi nàng lên đền Đức Giê-hô-va, Phê-ni-na cứ trêu ghẹo nàng; An-ne khóc và không ăn.”

Mỗi khi buồn rầu, An-ne đều không ăn, chứ không như một số người trong chúng ta. Khi sự may mắn của ai đó khiến sự tủi thân của chúng ta gia tăng, chúng ta thường cắm đầu vào cái gì đó để tìm sự an ủi. Khó thừa nhận, nhưng từng hồi từng lúc chúng ta mong những điều đó khỏa lấp phần nào nỗi đau của mình.

Nhưng dù nỗi đau đó có nung đốt lòng mình, thì chúng ta phải tin rằng Chúa vẫn đang hành động. Khi chúng ta thèm muốn điều người khác có, thì Ngài đã có một hoạch định dành sẵn cho chúng ta. Khi chúng ta ao ước nhu cầu mình được đáp ứng, thì Ngài sẵn có sự cung ứng.

Chúa đã làm điều đó cho An-ne. Bởi An-ne không ngơi nghỉ trong sự cầu nguyện, Ngài đã cho nàng thụ thai và sinh một bé trai.

An-ne liên tục cầu nguyện. Và chúng ta cũng nên như vậy: Chúa ơi, xin giữ con khỏi cám dỗ ghen tị với điều người khác có. Nhưng xin hãy ban cho con lòng biết ơn về điều Ngài đang làm trong cuộc đời con.

  1. Đừng Bị Lừa Dối Rằng Ai Đó Đặc Biệt Sẽ Khiến Bạn Trọn Vẹn

Bạn thấy mình không trọn vẹn? Bạn đang tìm một nữa trọn vẹn thất lạc của mình? Đừng tìm nữa, tình yêu của đời bạn đang chờ bạn. Hãy tham gia…”

Quảng cáo này chỉ là một trong nhiều quảng cáo nhấn mạnh lời dối trá rằng chúng ta không trọn vẹn trừ khi có một cơ thể ấm áp khác đến bên mình.

Đó là cách mà ma quỷ, kẻ thù, đang tìm cách lừa dối chúng ta. Chúa Giê-xu nói, “Kẻ trộm chỉ đến để cướp giết và hủy diệt; còn Ta đã đến hầu cho chiên được sự sống, và được sự sống dư dật.” (Giăng 10:10)

Chúa Giê-xu đến để khiến chúng ta nên trọn vẹn, cuộc đời chúng ta nên phong phú và các ngày trên đất của chúng ta nên hoàn hảo.

Dù vẫn có những đêm thầm mơ được ai đó bên mình, chúng ta vẫn thấy sự tự do khi công bố Chúa Giê-xu là Đấng duy nhất có thể và sẽ khỏa lấp sự trống vắng đó trong chúng ta. Chỉ có Ngài mới biết điều nào thỏa đáp được sự thiếu thốn trong linh hồn chúng ta. Và bởi năng quyền siêu nhiên của Ngài, tấm lòng bất an của chúng ta được xoa dịu.

  1. Đừng Hạ Thấp Giá Trị Bản Thân

Sam-sôn đã nhận điều gì từ Đa-li-la khiến ông phải rơi vào vào mối quan hệ tàn hại thế nào? Các Quan Xét 16 cho chúng ta biết cách Sam-sôn được dâng cho Chúa khi còn là một con trẻ. Thế nhưng, dù biết Đa-li-la sẽ đem những thông tin này cho người Phi-li-tin, ông vẫn cho nàng biết cách có thể khiến ông bị bắt phục. Đa-li-la đã đem bán điều này để đổi lấy những miếng bạc, và thế là Sam-sôn bị bắt.

Chúng ta không biết điều gì đã khiến Sam-sôn yêu Đa-li-la đến thế. Nhưng chúng ta biết nếu Sam-sôn xem những điều ông tin biết là quan trọng hơn ước muốn không bị cô đơn, thì chắc hẳn câu chuyện về cuộc đời ông sẽ trở nên rất khác.

Khi không thể lập giá trị vững chắc cho mình, thì chúng ta đang mở cơ hội cho những điều bất ngờ không tốt xảy đến. Nó cũng đồng nghĩa với việc ném sự khôn ngoan ra cửa sổ và lao mình vào lời phỉnh dối khi nghĩ rằng tôi có thể thay đổi một ai đó.

Không ai có thể thay đổi được ai. Trái lại, trong khi chờ đợi, chúng ta phải chỉnh lại bảng liệt kê những phẩm tính mà người bạn đời tiềm năng phải có. Chúa vui lòng khi chúng ta đem đến cho Ngài những ước muốn với những chi tiết cụ thể. Nhưng mỗi chúng ta phải đặt tất cả những điều đó theo đúng tiêu chuẩn của Ngài- cả trong đạo đức, luân lý và những điều tin và biết để khiến Ngài được tôn cao.

“Đừng cưới người yêu bạn hơn yêu Chúa” là lời khuyên tuyệt vời nhất. Bởi khi người bạn đời tương lai yêu Chúa hơn tất cả mọi điều, thì các thứ tự ưu tiên của người đó sẽ ở trong một thứ tự hoàn chỉnh.

Cầu nguyện: Chúa ơi, xin mở mắt con để con thấy được những điều cần xem thấy. Xin giúp con vững vàng trong giá trị của chính con và cả trong những điều con trông đợi.

  1. Đừng Bỏ Quên Vẻ Đẹp Thật của Chính Bạn

Giữ thân thể gọn đẹp và khỏe mạnh là quan trọng. Nhưng vẻ đẹp cần giữ hơn hết vẫn là vẻ đẹp bề trong. Tác giả Thi Thiên đã mô tả cách chúng ta được tạo dựng: “Vì chính Chúa nắn nên tâm thần tôi, dệt thành tôi trong lòng mẹ tôi. Tôi cảm tạ Chúa vì tôi được dựng nên cách đáng sợ và lạ lùng. Công việc Chúa thật lạ lùng, lòng tôi biết rõ lắm.” (Thi Thiên 139:13-14)

Tuyệt vời không? Đó chính là cách Chúa đã dựng nên chúng ta. Nhiệm vụ của chúng ta là tiếp tục giữ lấy công trình tạo dựng tuyệt mỹ đó bằng những bước sau:

Tẩy thanh những bất khiết do tội lỗi

Làm sạch những vết tích của tự ti

Đuổi xa sự lo lắng

Khiến đức tin lan rộng

Áp dụng nền tảng của những lời Chúa hứa

Kết quả cuối cùng đó là sự tỏa sáng từ bên trong. Phẩm tính đó sẽ cuốn hút một ai đó đặc biệt, là người cũng đang cầu nguyện xin Chúa ban cho mình một bạn đời có vẻ đẹp bề trong.

Cầu nguyện: Chúa ơi, cảm ơn Cha vì đã giúp con thay đổi điều con con cần quan tâm từ thuộc thể sang thuộc linh. Con ngợi khen Chúa vì Ngài dẫn dắt con để tạo nên trong con sự tỏa sáng bề trong khi con chờ đợi người mà lòng con ao ước.

Khi chúng ta chờ đợi một ai đó đặc biệt, thì Chúa cũng chờ đợi. Khi chúng ta nhìn đồng hồ gõ từng tiếng, Ngài cũng chờ xem chúng ta có trung tín với Lời của Ngài không. Khi chúng ta quan tâm đến khoảng trống trong tim mình, thì Ngài cũng chờ xem chúng ta có tin cậy nơi lời hứa của Ngài không. Khi chúng ta chiến đấu với sự nghi ngờ, Ngài cũng chờ xem chúng ta có vững vàng tin vào thời điểm thích hợp của Ngài cũng như tin vào sự chọn lựa tuyệt vời của Ngài hay không.

Tác giả: Janet Perez Eckcles

Thảo Anh dịch
(Nguồn: Crosswalk.com)

Sai Lầm Lớn Nhất Của Một Người Mẹ

Cách đây nhiều năm, có người hỏi tôi “Nếu được bắt đầu lại việc nuôi dạy con thì chị sẽ nuôi dạy chúng khác với trước như thế nào?” Những sai lầm và thất bại lấp đầy tâm trí tôi, nhưng rồi tôi có thể trả lời được ngay. Tôi ước gì mình tin cậy Chúa nhiều hơn.

Một trong những câu Kinh Thánh tôi yêu thích là Thi Thiên 37:3 “Hãy tin cậy Đức Giê-hô-va, và làm điều lành.” Tuy nhiên, đôi khi trong quá trình nuôi dạy con, tôi lại đảo ngược câu Kinh Thánh này, tức là tôi “làm điều lành” trước, còn “tin cậy Chúa” sau.

Không phải là tôi hoàn toàn không tin cậy Chúa. Mà là thỉnh thoảng, làm điều lành len lỏi ra phía trước, còn tin cậy Đức Giê-hô-va bị đẩy ra phía sau. Tôi tập trung vào điều mình đang làm (hoặc không làm) cho con cái, và chỉ mơ hồ nhận biết điều Đức Chúa Trời đang hành động trong cuộc đời các con. Tin cậy Chúa không phải là điều đầu tiên tôi phải làm, và tôi nuôi dạy các con như thể tất cả tuỳ thuộc vào tôi.

Lỗi lầm đeo bám tôi

Khi tôi làm điều lành trước khi tin cậy Chúa, thì mặc cảm tội lỗi đeo bám tiến trình tôi nuôi dạy con. Khi đứa con chỉ mới biết đi chập chững nổi cơn tam bành, tôi nghĩ cách kỷ luật của mình chưa đủ nhất quán. Khi đứa con ở tuổi thiếu niên thờ ơ trong đời sống tâm linh, tôi cho rằng cách tôi môn đồ hoá con chưa đủ hấp dẫn. Nếu con tôi thua sút chúng bạn, mắc sai lầm, hay phạm tội nào đó, thì tôi tự nhiếc móc Mình không giúp chúng đủ.

Đêm nào tôi cũng thức giấc, nhẩm lại những thiếu sót của mình, điều chỉnh kế hoạch để ngày mai trở thành người mẹ tốt hơn. Những thất bại cứ ám ảnh tôi, và tôi không nhận thấy sự thành tín của Chúa. Khi tôi làm điều lành trước, thì không có việc lành nào đủ “lành” cả.

Nỗi sợ hãi đuổi theo tôi

Khi tôi làm điều lành trước, còn tin cậy Chúa sau, thì nỗi sợ hãi đuổi theo tôi trong quá trình nuôi dạy con. Tôi lo sợ những nỗ lực của mình sẽ thất bại. Tôi lo lắng rằng những hạn chế của mình sẽ cản trở sự phát triển của chúng. Tôi lo rằng lỗi lầm của tôi sẽ để lại cho chúng vết thẹo mãi mãi. Tôi sợ những hy vọng cùng mong ước của tôi về các con sẽ thành ra thất vọng cay đắng.

Khi nỗi sợ thúc đẩy tôi làm điều lành, tôi sẽ hoảng sợ khi đứa con trong tuổi thiếu niên phá vỡ các quy tắc, rồi tôi nhất định phải la rầy, khiển trách chúng nếu chúng không tỏ vẻ ăn năn hối hận. Tôi cố gắng trở thành Đức Thánh Linh đối với các con, và chúng ta đều biết làm như vậy thì kết quả thế nào rồi.

Người mẹ mỏi mệt cần làm gì?

“Đầy lầm lỗi và lo sợ, Chúa ôi, con chạy đến bên Ngài.” Issac Watts.

Một người mẹ mệt mỏi, lỗi lầm đeo bám, và lo sợ đeo đuổi phải làm gì bây giờ? Chúng ta phải làm điều Issac Watts đã làm: chạy đến bên Chúa. Chúng ta phải tin cậy Chúa trong những việc lành mình làm. Tin cậy Chúa không làm vô hiệu hoá việc lành; đúng hơn, tin cậy Chúa sẽ ban năng lực để làm điều lành. Tin cậy Chúa khiến nỗi sợ tan biến, và khiến chúng ta không còn cậy vào sức riêng. Tin cậy Chúa truyền sự bình an, niềm vui và hy vọng mãnh liệt cho việc lành. Thật vậy, tin cậy Chúa và làm điều lành song hành với nhau. Không thể tin cậy Chúa mà không làm điều lành, hoặc ngược lại. Chỉ khi tin cậy Chúa thì chúng ta mới có thể làm điều tốt lành cho con cái mình.

Chúng ta phải tin rằng cho dù mình không hề hoàn hảo, nhưng chúng ta là người mẹ hoàn hảo đối với con mình. Chúng ta phải tin rằng dù điều lành mình làm không đạt tới tiêu chuẩn của Chúa, nhưng Ngài đang thực hiện điều tốt đẹp hơn chúng ta suy tưởng rất nhiều (Ê-phê-sô 3:20). Chúng ta phải tin rằng Chúa nghe lời kêu khóc của người khốn cùng, rằng Ngài nâng người khiêm nhường lên, và ban thưởng cho người trung tín (Thi 34:17; Gia cơ 4:10; Mat. 25:12). Chúng ta phải tin rằng những nỗ lực làm điều lành yếu ớt của chúng ta chỉ có kết quả bởi Ngài đang tích cực, hăng hái làm điều lành cho chúng ta (Thi 23:6).

Điều tôi nói với các con hôm nay

Vì vậy, khi các con tôi than van về những nỗi lo sợ và thất bại trong việc nuôi dạy con, nào là “con chưa đủ nhất quán trong việc kỷ luật con cái” hay “sẽ ra sao nếu con không thể nói chuyện được với đứa con đang tuổi thiếu niên của con?”, thì tôi nói với chúng “Con thật là giống mẹ! Đôi lúc mẹ cũng từng thấy mình thiếu hụt và buồn phiền, nhưng điều đáng mừng cho cả hai chúng ta là Đức Chúa Trời nhân từ luôn luôn, chỉ, và bất kỳ lúc nào cũng làm điều lành cho chúng ta. Cho nên, con hãy tin cậy Ngài và tiếp tục làm điều lành.”

Một trong những lợi ích khi về già là khi nhìn lại những việc đã qua, tôi thấy rằng Chúa đã làm những việc mà tôi không thể nào làm được. Tôi tin rằng Ngài đang tiếp tục làm những việc trỗi hơn điều tôi có thể làm. Tôi nhìn bốn đứa con đã trưởng thành của mình và nhận ra rằng chúng trưởng thành vượt xa điều tôi hy vọng. Chúng có những nỗ lực vượt trội hơn những gì tôi từng dạy dỗ chúng. Điều đó không có nghĩa là không có những lúc thất bại và lệch hướng của tôi. Nhưng điều tôi biết chắc là Đức Chúa Trời là Đấng đáng tin cậy.

Sau mười tám năm kể từ lần đầu tiên có người hỏi tôi “chị sẽ nuôi dạy con khác trước như thế nào?”, câu trả lời của tôi vẫn y vậy, nhưng tôi sẽ thêm vào một điều nữa, đó là tôi ước gì mình tin cậy Chúa nhiều hơn vì Ngài thật đáng tin cậy. Và tôi sẽ tuyên bố điều này cách tự tin hơn bao giờ hết vì hơn lúc nào hết tôi tin chắc rằng Đức Chúa Trời là Đấng thành tín. Cho nên, tôi muốn nói với các bạn, những người mẹ yêu dấu, đầy lầm lỗi và lo sợ rằng, hãy chạy đến với Chúa hôm nay. Và tin cậy Ngài.

Tác giả: Carolyn Mahaney (www.desiringgod.org)

Chuyển ngữ: Khuê Trần

Yêu Thương Và Tôn Trọng – Những Điều Cơ Bản Và Thiết Yếu Trong Hôn Nhân

Kinh Thánh dạy rằng Cơ Đốc nhân phải quí trọng hoặc tôn trọng mọi người (I Phi-e-rơ 2:17). Mỗi người đều mang hình ảnh Đức Chúa Trời, và do đó, dĩ nhiên chúng ta được kêu gọi phải tôn trọng điều đó. Đương nhiên, Kinh Thánh cũng dạy chúng ta yêu người lân cận (Lê-vi ký 19:18), và Chúa Giê-xu trong câu chuyện nổi tiếng của Ngài cũng nói rõ người lân cận là bất cứ ai do Đức Chúa Trời đặt để bên cạnh chúng ta (Lu-ca 10:29-37). Do đó, mọi Cơ Đốc nhân đều phải yêu thương mọi người, và mọi Cơ Đốc nhân đều phải tôn trọng người khác. Đó là chuẩn mực.

Nhưng khi đề cập mối quan hệ cụ thể của chồng đối với vợ, và vợ đối với chồng, thì Kinh Thánh nhấn mạnh thêm một điều quan trọng khác. Chồng được dạy cụ thể là phải yêu vợ như Đấng Christ yêu Hội thánh (Ê-phê-sô 5:25). Vợ được dạy cụ thể phải tôn trọng chồng như Hội thánh phải tôn trọng Đấng Christ (Ê-phê-sô 5:33).

Chúng ta có thể rút ra ba điều ở đây. Không phải chỉ có ba bài học, nhưng chúng ta cần nắm vững ít nhất ba điều nầy.

  1. Chúng ta được kêu gọi phải yêu thương và tôn trọng

Trước hết, các mạng lịnh hướng vào những sơ sót giữa chúng ta đối với nhau. Chúng ta được bảo phải làm những điều mà có thể chúng ta sẽ không làm nếu không có ai bảo. Thí dụ, con cái được dạy bảo phải vâng lời cha mẹ, vì chúng dễ dàng không vâng lời (Ê-phê-sô 6:1). Tương tự, chồng được bảo phải yêu thương vợ, vì không yêu vợ thì dễ hơn đối với họ. Vợ được bảo phải tôn trọng chồng vì vợ dễ dàng không tôn trọng chồng. Chúng ta được kêu gọi làm những điều có thể không có trong chúng ta. Bởi lẽ nếu đương nhiên ai cũng tự động làm, thì còn đề cập làm gì nữa?

Phụ nữ dễ bày tỏ yêu thương hơn nam giới. Các ông thì dễ thể hiện sự tôn trọng. Tác giả C. S. Lewis nhận xét rằng phụ nữ nghĩ rằng yêu thương là nhận lấy phiền toái thay cho người khác- là điều gần với tình yêu agape theo Thánh Kinh hơn nhiều so với suy nghĩ thường tình của nam giới. Các ông lại nghĩ rằng yêu thương là không làm phiền người khác.

Bởi thế phải kêu gọi các ông hy sinh cho vợ, mang lấy phiền phức cho vợ, như Đấng Christ đã từ bỏ chính mình Ngài vì Hội thánh. Vợ phải được nhắc nhở tôn trọng chồng. Người nữ có thể tự nhiên yêu thương người nam mà mình không xem trọng hoặc tôn trọng lắm, và đây chính là điều Phao-lô cho là rắc rối. Biết bao lần chúng ta nghe câu chuyện kinh khủng kể về một cô gái cứ bám mãi người bạn trai lạm dụng nàng vì cớ nàng “yêu chàng,” cho dù chàng xem nàng chỉ như rác rưởi? Thế mà khi chúng ta hỏi nàng có tôn trọng chàng không, thì nàng sẽ đáp: “Bạn nói đùa đấy chứ? Tôn trọng chàng à?” Người nam phải được kêu gọi từ bỏ bản thân vì cớ vợ mình. Đây chính là ý nghĩa của đám cưới.

  1. Người nam thích được tôn trọng, người nữ thích được yêu thương

Thứ hai, mạng lịnh bày tỏ điều gì đó về nhu cầu của người tiếp nhận. Nói cách khác, nếu Kinh Thánh nói người chăn phải nuôi chiên, thì có nghĩa là chiên cần thức ăn. Khi chồng được khuyên bảo phải yêu thương vợ, thì có thể suy ra là vợ cần được yêu thương. Khi vợ được bảo phải tôn trọng chồng, thì chúng ta có thể suy ra là chồng có nhu cầu được tôn trọng. Hãy tưởng tượng như hai loại xe hơi chạy bằng hai loại nhiên liệu khác nhau – chẳng hạn dầu diezel và xăng thường. Nam giới thích sự tôn trọng, còn nữ giới thích tình yêu.

Khi nói như vậy, cần nhớ là chúng ta đang nói đến nhu cầu quan trọng mà thôi. Ở mức cơ bản, ai cũng cần được yêu thương và mọi người đều cần được tôn trọng. Nhưng khi Kinh Thánh đề cập cuộc sống chung giữa vợ chồng, thì người nam phải yêu thương còn người nữ phải tôn trọng. Nói ngược lại, bạn sẽ thấy các ông cần nhớ là vợ mình cần được yêu thương, còn các bà thì phải nhớ là chồng mình cần được tôn trọng.

Nhớ được như vậy sẽ ngăn ngừa chúng ta ban phát điều mà mình muốn có. George Bernard Shaw từng nhận xét rằng chúng ta không nên làm cho người khác chính điều mà mình muốn họ làm cho chúng ta – vì sở thích của họ có thể không giống của chúng ta. Tôi được biết có một ông chồng mua cho vợ một khẩu súng săn vào dịp Giáng sinh. Bà vợ lại là một người nữ Cơ Đốc đanh đá, cho nên mùa Giáng sinh sau, bà mua cho ông một xâu chuỗi ngọc trai.

Thường khi hôn nhân gặp gay cấn, cả hai vợ chồng đều muốn tặng cho nhau điều mà họ cảm thấy mình đang cần – tình yêu và sự tôn trọng lẫn nhau. Vợ dành tình yêu cho chồng, trong khi sự tôn trọng mới thực sự hữu ích vào lúc này. Chồng có thể tránh né, vì cho rằng đây là hình thức tôn trọng, “tạo khoảng trống,” trong khi điều họ đang cần làm là đến gần nhau trong tình yêu.

  1. Cả hai đều đủ mạnh để tạo sự thay đổi

Nhưng điểm thứ ba- đây mới là điểm tuyệt vời- yêu thương và tôn trọng, cả hai đều hiệu nghiệm. Kinh Thánh dạy rằng loại tình yêu nầy thật hiệu quả. Loại tôn trọng nầy tạo nên sức mạnh. Loại tình yêu nầy lan tỏa nét đáng yêu. Cách tôn trọng nầy nói lên sự ngưỡng mộ.

Chồng không thể sao lục tình yêu của Đấng Christ, vốn làm cho vợ mình thành đáng yêu. Trong khi chúng ta còn là tội nhân, Đấng Christ đã chết thay chúng ta (Rô-ma 5:8). Nhưng vì chúng ta không thể tạo ra phiên bản loại tình yêu nầy, cho nên chồng được dạy phải bắt chước theo. Và trong khi bắt chước, chúng ta chứng kiến một số hiệu quả tương tự. Người phụ nữ được chồng yêu là người ngày càng trở nên đáng yêu hơn. Nàng được tắm gội trong nước của lời hằng sống (Ê-phê-sô 5:26). Toàn bộ phân đoạn thừa nhận loại tình yêu nầy mang lại nét yêu kiều. Và sự tôn trọng của người nữ tin kính cũng mang đến hiệu nghiệm tương tự. Phi-e-rơ cho chúng ta biết cách cư xử giản dị và tôn kính có thể đập tan tính khí bất tuân (I Phi-e-rơ 3:1-2).

Bởi vậy, người nam và người nữ nữ phải yêu thương và tôn trọng nhau. Họ phải hết lòng thực hành điều nầy. Nhưng khi tập trung vào hôn nhân, người nam phải nghiêng sang tình yêu, người nữ phải nghiêng sang tôn trọng, thì có thể mang lại kết quả đầy kinh ngạc.

Tác giả: Mục sư Douglas Wilson (www.desiringgod.org)

Người dịch: Khuê Trần

Podcasts

Latest sermons