
Chúa Nhật 26-04-2020
Hội Thánh Tin Lành Việt Nam – Chi Hội Tô Hiến Thành
Chương Trình Thờ Phượng – Chúa nhật 26-04-2020
Chủ đề: TRỞ NÊN TRỌN VẸN
Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 5:13-20
Câu gốc: Ma-thi-ơ 5:48
Thế thì các ngươi hãy nên trọn vẹn, như Cha các ngươi ở trên trời là trọn vẹn.
Diễn giả: Mục Sư Nguyễn Ngọc Dũng
Quản nhiệm Hội thánh
HDCT: Chấp sự Nguyễn Nhật Thạch
TRỞ NÊN TRỌN VẸN
I. Phải Nhận Biết Chính Mình
Gia-cơ 4:9
hãy cảm biết sự khốn nạn mình, hãy đau thương khóc lóc; hãy đổi cười ra khóc, đổi vui ra buồn.
II. Phải Lánh Khỏi Sự Hư Nát Của Thế Gian
II Phi-e-rơ 1:4
và bởi vinh hiển nhân đức ấy, Ngài lại ban lời hứa rất quí rất lớn cho chúng ta, hầu cho nhờ đó anh em được lánh khỏi sự hư nát của thế gian bởi tư dục đến, mà trở nên người dự phần bổn tánh Đức Chúa Trời.
III. Phải Có Cái Nhìn Đa Chiều
Lu-ca 13:1-5
1 Cũng lúc ấy, có mấy người ở đó thuật cho Đức Chúa Jêsus nghe về việc Phi-lát giết mấy người Ga-li-lê, lấy huyết trộn lộn với của lễ họ. 2 Đức Chúa Jêsus cất tiếng đáp rằng: Các ngươi tưởng mấy người đó vì chịu khốn nạn dường ấy, có tội lỗi trọng hơn mọi người Ga-li-lê khác sao? 3 Ta nói cùng các ngươi, không phải; song nếu các ngươi chẳng ăn năn, thì hết thảy sẽ bị hư mất như vậy. 4 Hay là mười tám người bị tháp Si-lô-ê ngã xuống đè chết kia, các ngươi tưởng họ có tội lỗi trọng hơn mọi kẻ khác ở thành Giê-ru-sa-lem sao? 5 Ta nói cùng các ngươi, không phải; nhưng nếu các ngươi chẳng ăn năn, thì hết thảy cũng sẽ bị hư mất như vậy.
Chúa Nhật 05-04-2020
Chương Trình Thờ Phượng Chúa
Chúa nhật 05-04-2020
Chủ đề: Sự Cầu Nguyện
Câu gốc: I Tê-sa-lô-ni-ca 5:17
Diễn giả: Mục sư Nguyễn Ngọc Dũng
Quản nhiệm Hội Thánh
HDCT: Chấp sự Nguyễn Minh Cảnh
Chúa Nhật 22-03-2020
Cơ Đốc Nhân Và Vấn Đề Dịch Bệnh Trong Thời Kỳ Cuối Rốt
Câu gốc: “Sẽ có sự động đất lớn, có đói kém và dịch lệ trong nhiều nơi, có những điềm lạ kinh khiếp và dấu lớn ở trên trời.” – Lu-ca 21:11 –
Diễn giả: Mục sư Trịnh Chiến
HDCT: Chấp sự Tăng Anh Tuấn


Gặp Chúa-Câu Trả Lời Cho Khổ Đau
(Gióp 42:5)
Dù Gióp cam nhận bao nhiêu mất mát đau đớn với một niềm tin sắt đá nơi Đức Chúa Trời, ông cũng như chúng ta, không thể không hỏi “tại sao?” Nhất là sau khi ông đã mất hết mọi sự, rồi chính bản thân cũng bị bệnh nan y hành hạ. Than vãn về đau khổ là một hành động rất “con người” mà Đức Chúa Trời không hề cấm đoán, đặc biệt là những lời rên siếc của một người đang chịu hoạn nạn khổ đau. Cuộc tranh cãi giữa ông và các bạn thân đến thăm ông trải dài gần bốn mươi chương sách cho chúng ta thấy những suy luận của con người về nguyên nhân đau khổ chỉ là cuộc tranh luận của những người mù sờ voi. Gióp và các bạn ông không hề biết những gì xảy ra nơi hậu trường trong cõi vô hình: Những hoạt động của Sa-tan, uy quyền của Đức Chúa Trời, v.v….
Gióp là người thánh thiện, đến nỗi Chúa bảo Sa-tan chứng minh là Gióp bất toàn, Sa-tan đã thua. Về vật chất, Gióp mất mát nhiều, về tinh thần, Gióp sa sút vì con cái chết hết, thân mình ghẻ lở. Sau đó các bạn Gióp đến, an ủi và trò chuyện với Gióp. Cuộc trò chuyện này không đi đến đâu và chẳng giải quyết được nan đề của Gióp, cũng không giải đáp câu hỏi: Tại sao Gióp đau khổ? Cuối cùng chính Chúa phán dạy Gióp. Những mất mát, ốm đau, bị bạn bè bỏ rơi khiến lòng ông như “sóng triều” xao động nhưng ông vẫn luôn luôn trung thực và nắm lấy sự thành tín của Đức Chúa Trời của mình. Ông vững vàng tin cậy công lý của Đức Chúa Trời, và bác bỏ những lý lẽ hời hợt của các bạn. Mấy chữ “nhưng bây giờ” chứng tỏ Gióp đang được biến đổi sâu xa. Ông vui mừng được hiểu biết sâu sắc hơn trước. Sự đổi mới từ từ diễn ra rất rõ ràng khi ông đối diện với Đức Chúa Trời. Sau khi nghe lời Chúa, tâm trí mở ra, ông ăn năn lỗi lầm vì đã oán trách Chúa.
Sau khi nhận được những lời dạy dỗ của Đức Chúa Trời, mắt tâm linh của Gióp đã mở ra, lòng và trí ông được soi sáng, ông chẳng còn lý do nào để cãi lý hoặc biện hộ nữa. Ngược lại, ông thấy rõ sự sai phạm của mình và ăn năn trước Chúa. Ông thưa với Chúa bốn điều: Thứ nhất, ông nhận biết Chúa là Đấng Toàn Năng: “Tôi biết rằng Chúa có thể làm được mọi sự, chẳng có ý chỉ nào Chúa lấy làm khó lắm”. Thứ hai, ông nhìn nhận với Chúa là trong khi gặp hoạn nạn, ông đã phạm tội trong lời nói vì “nói những điều không hiểu.” Ông đã từng cáo buộc Chúa là bất công với ông, vì vậy Chúa phán với ông “kẻ này là ai, không hiểu biết gì, lại dám che ám chỉ của Chúa.” Những điều Chúa làm thật quá “lạ lùng” làm sao ông hiểu biết được. Thứ ba, ông Gióp xin Chúa chỉ dạy cho ông vì qua những hoạn nạn và những sự dạy dỗ của Chúa, ông thật sự kinh nghiệm quyền năng của Ngài: trước đó ông chỉ nghe đồn, nhưng bây giờ mắt ông đã thấy. Thứ tư, qua những điều Chúa dạy dỗ ông, ông “lấy làm gớm ghê” chính mình và “ăn năn trong tro bụi”.
Khi ông Gióp biết Chúa càng rõ, niềm tin nơi Chúa càng lớn, thì ông nhận biết những tội lỗi của ông càng lớn và sự ăn năn của ông càng thắm thiết. Không còn những lời lằm bằm oán trách hoặc than vãn chán đời, nhưng đối diện với Đức Chúa Trời toàn năng, cao cả, và diệu kỳ, ông Gióp chỉ thấy trước mắt ông là ân sủng quá lớn lao của Chúa đang tràn ngập trong ông, ông chỉ còn biết khiêm cung cúi đầu, ghê tởm chính mình, ăn năn thống hối và cầu xin sự dạy dỗ của Chúa. Giờ đây, Gióp không còn bận tâm tìm hiểu nguyên nhân nỗi khổ của ông nữa. Khi biết Chúa rõ ràng khác nào “mắt con đã thấy Ngài”, ông đã hiểu được huyền nhiệm của đau khổ và nhận ra rằng Chúa có năng quyền làm mọi việc, không ai ngăn cản được ý định Ngài. Bấy giờ Gióp vẫn còn ngồi trong đống tro nhưng nỗi cay đắng đã tan biến, thắc mắc cũng không còn, ông hoàn toàn chấp nhận bằng đức tin những điều xảy ra dù không thể hiểu được, vì ông biết phía sau huyền nhiệm đó là mục đích của Đức Chúa Trời. Dù là Sa-tan, kẻ thù, hoàn cảnh, nghèo khổ, bệnh hoạn, chết chóc nhưng Chúa không hề bỏ ta. Hãy vững tin nơi Chúa vì thử thách là để ta đắc thắng chứ không phải để cho ta thua. Nếu bền tâm, hết lòng theo Chúa, thì chúng ta sẽ thắng.
Xin Chúa tha thứ sự thiếu đức tin của chúng ta, giúp chúng ta đặt niềm tin cậy trọn vẹn nơi Ngài.
Vượt Qua Khó Khăn
(I Phi-e-rơ 2:21)
Chúa Giê-xu đã phải gánh chịu gian khổ khi Ngài vào trần gian này. Ngài đã được sinh ra trong cảnh nghèo hèn. Cha mẹ Ngài phải sang nước khác để tị nạn khi Ngài còn thơ ấu. Khi thi hành chức vụ, Ngài bị người ta chất vấn, công kích. Cuối cùng Ngài bị bắt, bị hành hạ, bị sỉ nhục, và bị đóng đinh trên cây thập tự.
Bình thường ai cũng muốn bình an và muốn tránh khổ nạn. Người ta chỉ chịu khổ trong hai trường hợp. Một là bị bắt buộc phải chịu khổ vì không thể tránh được. Hai là tình nguyện chịu khổ, vì sau khi chịu khổ sẽ gặt hái được những kết quả tốt đẹp, quý giá. Chúa không bị bắt buộc phải chịu khổ, nhưng Ngài tình nguyện chịu khổ, vì sự khổ nạn của Ngài sẽ đem lại sự cứu rỗi cho muôn dân. Người theo Chúa chịu khổ vì Chúa cũng với tinh thần tình nguyện này. Trong nhiều trường hợp, chúng ta có thể tránh khổ nạn nếu bỏ Chúa. Nhưng nếu chọn theo Chúa, thì phải chịu khổ nạn. Vì con đường theo Chúa là con đường hẹp, và theo Chúa thì chúng ta không còn thuộc về thế gian, và phải bị thế gian bức hại. Hơn thế nữa, nhiều khi chúng ta phải chịu nhiều gian khổ để có thể phục vụ Chúa, phục vụ tha nhân, hay đem Tin Mừng Cứu Rỗi đến cho người khác.
Phần Kinh Thánh này trích nhiều ý từ Ê-sai 53 là bức tranh tuyệt diệu về Người Đầy Tớ Khốn Khổ của Đức Chúa Trời. Tất cả đã thành sự thật trong cuộc đời của Chúa Cứu Thế Giê -xu. Ngài vốn vô tội, nhưng đã chịu sỉ nhục đau khổ. Ngài đã chấp nhận những sỉ nhục và khổ đau đó bằng một tình yêu thương thuần khiết và vô đối. Điều đáng nói là Ngài nhịn nhục nhận lấy chúng vì cớ tội lỗi loài người. Khi làm như vậy Chúa Giê -xu đã để lại cho chúng ta một tấm gương, hầu cho chúng ta noi dấu chân Ngài. Từ ngữ mà Phi-e-rơ dùng để chỉ “gương” là một từ ngữ rất sống động đó là chữ “hupogrammos “. Chữ này xuất phát từ cách trẻ con đời xưa được dạy viết chữ, có hai nghĩa. Nó có nghĩa là một bố cục được phác họa, để học trò bổ túc, đổ đầy vào đó. Và nó còn có nghĩa là miếng đồng có khắc phần chữ viết mẫu trong sách tập viết mà trẻ con phải tập viết theo. Chúa Giê-xu đã đưa ra mẫu mực để chúng ta phải noi theo. Nếu chúng ta phải chịu sỉ nhục, bất công và thiệt hại là chúng ta đã gặp những gì Chúa Giê -xu kinh nghiệm qua rồi. Chúa Giê -xu cũng chịu để đưa loài người trở lại với Đức Chúa Trời. Khi chúng ta chịu sỉ nhục, tổn thất bằng thái độ bền đổ không than vãn và bằng tình yêu thương không lay chuyển, thì chúng ta đang chứng minh cho người khác thấy một đời sống, một tấm gương. Và đời sống ấy sẽ đưa nhiều người khác đến với Chúa. Mục đích của thư I Phi-e-rơ là khuyến khích con cái Chúa phải sống trung tín và vững vàng giữa một xã hội luôn tìm cách bức hại họ. Hành trình thuộc linh không phải là một hành trình êm đẹp, nhẹ nhàng, dễ chịu nhưng sẽ là hành trình đầy gian nan vì đó là con đường hẹp. Tuy nhiên, chính Chúa Giê-xu là mẫu mực để chúng ta noi theo trên suốt con đường vác thập tự theo Ngài.
Chúa Giê-xu từng bị chính những người quen biết Ngài thời thơ ấu bày tỏ sự khinh khi, nói bóng nói gió (Mác 6:2-4). Khi thành công trong chức vụ, Ngài lại bị những người chung quanh chỉ trích rằng Ngài ham ăn mê uống, kết bạn với người xấu nết (Ma-thi-ơ 11:19). Những người trong giới tôn giáo lại đưa ra những lời độc ác, cho rằng Ngài nhờ chúa quỷ mà trừ quỷ (Mác 3:22). Đến giai đoạn cuối của cuộc đời trên trần gian này, Ngài bị vu cáo bởi kẻ thù, bị cười chê và nhiếc móc bởi đám dân chỉ biết hùa theo số đông (Ma-thi-ơ 26:62-63; 27:39-44). Mỗi người trong chúng ta ít nhất một lần bị chỉ trích, vu oan, nói xấu. Phương tiện truyền thông ngày nay cũng góp phần cho sự tấn công này. Tuy nhiên, không ai bị chà đạp nhục nhã như Chúa Giê-xu; cũng không ai hoàn hảo như Ngài. Trong khi đó, mỗi chúng ta đều có ít nhiều lầm lỗi, và sự tấn công bức hại mà chúng ta chịu không thể so được với Chúa.
Xin Chúa cho chúng ta biết noi gương Chúa mà sẵn sàng chịu khổ vì Danh Ngài.
Vượt Qua Khó Khăn
(Gióp 29:3)
Trong hoàn cảnh chịu thử thách nặng nề Gióp nhớ lại thời quá khứ vàng son của mình. Ông “ước gì tôi được như buổi trước”. Buổi trước là khi ông vẫn còn bảy con trai, ba con gái, bảy ngàn chiên, ba ngàn lạc đà, năm trăm đôi bò, năm trăm lừa cái, và rất nhiều đầy tớ; và ông là người giàu có nhất trong các dân tộc Đông phương. Ông diễn tả quá khứ huy hoàng khi “các con tôi vây quanh tôi; lúc tôi rửa chân trong sữa, và hòn đá phun suối dầu ra cho tôi”. Giờ đây, Gióp không những mất của, mất con, mà còn mất mối liên hệ thiết hữu với Chúa. Ông cho rằng “buổi trước” còn là thời gian mà “Đức Chúa Trời gìn giữ” ông, ban phước cho ông, hướng dẫn ông bước qua sự tối tăm, và là tình yêu của Chúa khắng khít ở cùng ông. Gióp nhớ đến quá khứ, mà mơ ước được trở lại đời sống thịnh vượng như trước khi ông gặp hoạn nạn.
Trong thời gian huy hoàng của Gióp, ông luôn tin rằng vì sự nhân từ của Chúa và vì ông luôn theo đuổi sự công chính, vâng theo lời Chúa dạy, nên cuộc đời ông sẽ luôn thịnh vượng. Ông tin rằng khi ông làm điều công chính, ông sẽ sống thọ “ngày ta sẽ nhiều như hột cát.” Ông sẽ được qua đời bình yên trong nhà ông. Ông tin rằng phước hạnh sẽ luôn theo ông, và đời ông như cây có rễ vươn dài đến các nguồn nước, đêm đến có những sương đọng trên cành. Nhận được nước từ nguồn, sương từ trời, cây ấy sẽ luôn xanh tươi, như ông nhận được phước hạnh trên trời lẫn dưới đất, từ vật chất đến tâm linh. Phước hạnh này luôn mới mỗi ngày, sức mạnh ông được phục hồi và vững mạnh. Nhưng trong thực tế, cuộc đời theo Chúa của ông không giống như ông nghĩ, hiện tại ông đang đối diện với nhiều thử thách lớn: Bảy trai, ba gái, tôi trai, tớ gái đều chết, của cải mất sạch, ghẻ lở đầy mình, hơi thở suy tàn.
Có khi nào chúng ta cũng giống như Gióp, nghĩ rằng khi chúng ta tin Chúa và làm theo Lời Ngài dạy thì sẽ không
bao giờ gặp hoạn nạn, khó khăn không? Nếu chúng ta nghĩ vậy là chưa đúng, vì đã quên lời Chúa Giê-xu nhắc nhở môn đệ rằng: “Các ngươi sẽ có sự hoạn nạn trong thế gian”. Khi chúng ta phạm tội, Chúa có quyền dùng hoạn nạn để giúp chúng ta ăn năn tội mình và quay trở lại với Chúa. Nhưng có khi Chúa cũng dùng thử thách giúp chúng ta rèn luyện đức tin để trưởng thành trong Chúa. Hoặc Chúa cho phép thử thách đến với chúng ta cho mục đích của Ngài như trường hợp của Gióp. Điều quan trọng là khi đang ở trong hoạn nạn, thử thách, hãy cứ vững lòng tin vì Chúa Giê-xu đã phán với chúng ta rằng: “Hãy cứ vững lòng, Ta đã thắng thế gian rồi!”. Hơn nữa, chúng ta còn có Đấng An Ủi là Chúa Thánh Linh luôn ở cùng chúng ta. Vì yêu chúng ta, Chúa Giê-xu đã chết trên cây thập tự để cứu chuộc chúng ta. Qua sự hy sinh của Chúa, Chúa đã thắng thế gian, đem chúng ta từ thế gian tội lỗi trở về với Chúa Cha và ban cho chúng ta sự sống đời đời. Trong sự thử thách, hoạn nạn, chúng ta sẽ không cô đơn vì luôn có Chúa Thánh Linh đi cùng. Học theo gương Sứ đồ Phao-lô, chúng ta “hãy vui mừng trong sự trông cậy, nhịn nhục trong sự hoạn nạn, bền lòng mà cầu nguyện.”
Ngày nay, nhiều con dân Chúa khi đối diện với những thử thách hoạn nạn cũng mong ước như ông Gióp “ước gì tôi được như buổi trước.” Chúng ta không thể xóa đi hoàn toàn trong ký ức những niềm vui, phước hạnh trong quá khứ, nhưng chúng ta cũng đừng quá thất vọng mà quên nhờ cậy Chúa để tìm những cơ hội trong hiện tại, và sống vươn tới cho tương lai. Đối diện với những hoạn nạn, Chúa dạy chúng ta “hãy vui vẻ, và nức lòng mừng rỡ, vì phần thưởng các ngươi ở trên trời sẽ lớn lắm”. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta thấy những phước hạnh trong hoạn nạn vì Chúa là Đấng tể trị mọi sự xảy đến trên đời sống chúng ta. Nhiều lúc chúng ta cảm thấy cô đơn như Gióp, nghĩ rằng Chúa đã rời xa mình, đời mình không có tương lai. Nhưng Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta, Ngài luôn ở cùng con dân Ngài, “Vì chính Đức Chúa Trời có phán rằng: Ta sẽ chẳng lìa người đâu, chẳng bỏ người đâu”.. Trong Chúa luôn có hy vọng, nên dù gặp hoàn cảnh đau thương, thử thách lớn thế nào, chúng ta vẫn cứ tin cậy Chúa và luôn hướng tâm hồn lên.
Xin Chúa cho chúng ta luôn vững tin nơi Ngài, và cho chúng ta luôn sống hy vọng trong mọi hoàn cảnh khó khăn.