Chương Trình Truyền Giảng – Chủ đề: Quyền Năng Chúa Phục Sinh

(Rô-ma 12:17)
Sứ đồ Phao-lô bắt đầu thư Rô-ma 12 với lời khuyên bảo các tín hữu tại La Mã sống cuộc đời tận hiến cho Đức Chúa Trời. Ông kết thúc chương này với một số nguyên tắc cho nếp sống yêu thương. Trước tiên, tình yêu thương phải thành thật. Tình yêu chân thật này được thể hiện qua sự quý mến, tôn trọng, và đáp ứng nhu cầu cho nhau. Tình yêu chân thật được biểu hiện không chỉ qua lời nói, nhưng còn qua thái độ, tình cảm, và hành động thiện lành đối với nhau. Nếp sống yêu thương là nếp sống tách biệt với điều dữ. Tội lỗi và điều ác là những điều ghê tởm đối với người thuộc về Đấng Cơ Đốc. Chúng ta không thể chấp nhận những điều đó trong cuộc sống mình. Lời Chúa dạy: “Mọi hình thức gian ác thì phải tránh xa”.
Trên phương diện tích cực, nếp sống yêu thương gắn bó với điều lành và được thể hiện qua những việc thiện lành. Người có tình yêu thương cũng thích kết bạn và gần gũi với người lành. Sự yêu thương chân thật không bao giờ bỏ cuộc dù đối diện với bất cứ hoàn cảnh nào. Chúng ta dễ yêu thương khi mọi sự êm xuôi, không có gì xung khắc. Nhưng có lúc sự khó khăn sẽ đến với chúng ta, hoặc lúc các mối liên hệ bị rạn nứt, bị hiểu lầm, v.v… Đó là những lúc mà tình yêu thương chân thật cần được bày tỏ một cách nhiệt thành. Tình yêu thương chân thật sẽ kiên trì trong những lúc gặp khó khăn với người khác, và chúng ta cũng nên đứng bên những người đang gặp khó khăn khi họ cần đến chúng ta. Tình yêu thương chân thật chia sẻ những nỗi vui buồn với nhau. Trong tình yêu thương, chúng ta không đè nén những cảm xúc, nhưng tâm sự với nhau trong tinh thần xây dựng, quan tâm đến tình cảm của người khác và cảm thông với họ. Tình yêu thương chân thật rất thực tế. Không chỉ yêu mến bằng lời nói, nhưng còn bằng hành động và chân lý. Tình yêu thương hào phóng và rộng rãi, sẵn sàng ban tặng, và cứu giúp. Tình yêu thương mở rộng lòng đón tiếp nhau và sẵn sàng làm điều thiện cho nhau.
Sứ đồ Phao-lô nói chúng ta có thể thắng điều ác bằng cách làm điều thiện: “Đừng lấy ác trả ác, nhưng bao giờ cũng phải cư xử tốt với nhau, và với tất cả mọi người”. Điều này có nghĩa là chúng ta có thể đánh bại người ngược đãi chúng ta bằng cách đối xử với họ theo cách Chúa đã đối đãi với chúng ta. Chúng ta cần áp dụng lời dạy nầy với mọi người: trong gia đình, người gây khó khăn, người cùng làm việc “khó thương”, người làm khổ chúng ta, người đáng bị trả thù. Khi trả thù chúng ta đánh mất khả năng chia sẻ ân sủng Đức Chúa Trời cho chúng ta với họ và chúng ta làm đau lòng Ngài. Lòng nhân từ bày tỏ chúng ta là con cái Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu nói rằng khi chúng ta sống một đời sống nhân từ, chúng ta sẽ được gọi là con của Đấng Chí Cao. Nhân từ cũng là bản chất của Chúa Giê-xu. Nhân từ không gì khác hơn là yêu thương bằng hành động. Không có hành động nhân từ nào lớn hơn hành động của Chúa Giê-xu chịu chết trên thập tự giá vì yêu thương con người. Chúa Giê-xu là tấm gương nhân từ của chúng ta. Ngài ban cho chúng ta ân sủng; vì vậy chúng ta có thể bày tỏ lòng nhân từ đối với người khác. Chúa Giê-xu nói lòng nhân từ của chúng ta chứng thực chúng ta là môn đồ của Ngài. Là người tin theo Chúa chúng ta phải cư xử giống như Chúa. Có nghĩa là chúng ta phải bày tỏ lòng nhân từ của Chúa cho mọi người, phài chăm làm điều thiện trước mặt mọi người.
Làm Cơ Đốc nhân trong thế gian chẳng bao giờ dễ dàng cả. Khi chúng ta chịu bắt bớ chúng ta phải nhường sự trả thù cho Đức Chúa Trời và tích cực tìm kiếm điều lành cho kẻ thù của chúng ta. Một phản ứng ác chỉ có thể làm cho nan đề càng xấu thêm. Quyền năng chữa lành của Chúa Giê-xu tuôn chảy ra cho những kẻ ô uế. Ngài không hề bị lây nhiễm do liên kết với những kẻ thu thuế và tội nhân. Cũng vậy, là môn đồ Ngài, chúng ta được kêu gọi thắng điều ác bằng điều thiện.
Xin Chúa giúp chúng ta sống giống Chúa, đầy lòng thương xót, tình yêu, sự tha thứ, mềm mại và nhân từ.
(Gióp 42:5)
Dù Gióp cam nhận bao nhiêu mất mát đau đớn với một niềm tin sắt đá nơi Đức Chúa Trời, ông cũng như chúng ta, không thể không hỏi “tại sao?” Nhất là sau khi ông đã mất hết mọi sự, rồi chính bản thân cũng bị bệnh nan y hành hạ. Than vãn về đau khổ là một hành động rất “con người” mà Đức Chúa Trời không hề cấm đoán, đặc biệt là những lời rên siếc của một người đang chịu hoạn nạn khổ đau. Cuộc tranh cãi giữa ông và các bạn thân đến thăm ông trải dài gần bốn mươi chương sách cho chúng ta thấy những suy luận của con người về nguyên nhân đau khổ chỉ là cuộc tranh luận của những người mù sờ voi. Gióp và các bạn ông không hề biết những gì xảy ra nơi hậu trường trong cõi vô hình: Những hoạt động của Sa-tan, uy quyền của Đức Chúa Trời, v.v….
Gióp là người thánh thiện, đến nỗi Chúa bảo Sa-tan chứng minh là Gióp bất toàn, Sa-tan đã thua. Về vật chất, Gióp mất mát nhiều, về tinh thần, Gióp sa sút vì con cái chết hết, thân mình ghẻ lở. Sau đó các bạn Gióp đến, an ủi và trò chuyện với Gióp. Cuộc trò chuyện này không đi đến đâu và chẳng giải quyết được nan đề của Gióp, cũng không giải đáp câu hỏi: Tại sao Gióp đau khổ? Cuối cùng chính Chúa phán dạy Gióp. Những mất mát, ốm đau, bị bạn bè bỏ rơi khiến lòng ông như “sóng triều” xao động nhưng ông vẫn luôn luôn trung thực và nắm lấy sự thành tín của Đức Chúa Trời của mình. Ông vững vàng tin cậy công lý của Đức Chúa Trời, và bác bỏ những lý lẽ hời hợt của các bạn. Mấy chữ “nhưng bây giờ” chứng tỏ Gióp đang được biến đổi sâu xa. Ông vui mừng được hiểu biết sâu sắc hơn trước. Sự đổi mới từ từ diễn ra rất rõ ràng khi ông đối diện với Đức Chúa Trời. Sau khi nghe lời Chúa, tâm trí mở ra, ông ăn năn lỗi lầm vì đã oán trách Chúa.
Sau khi nhận được những lời dạy dỗ của Đức Chúa Trời, mắt tâm linh của Gióp đã mở ra, lòng và trí ông được soi sáng, ông chẳng còn lý do nào để cãi lý hoặc biện hộ nữa. Ngược lại, ông thấy rõ sự sai phạm của mình và ăn năn trước Chúa. Ông thưa với Chúa bốn điều: Thứ nhất, ông nhận biết Chúa là Đấng Toàn Năng: “Tôi biết rằng Chúa có thể làm được mọi sự, chẳng có ý chỉ nào Chúa lấy làm khó lắm”. Thứ hai, ông nhìn nhận với Chúa là trong khi gặp hoạn nạn, ông đã phạm tội trong lời nói vì “nói những điều không hiểu.” Ông đã từng cáo buộc Chúa là bất công với ông, vì vậy Chúa phán với ông “kẻ này là ai, không hiểu biết gì, lại dám che ám chỉ của Chúa.” Những điều Chúa làm thật quá “lạ lùng” làm sao ông hiểu biết được. Thứ ba, ông Gióp xin Chúa chỉ dạy cho ông vì qua những hoạn nạn và những sự dạy dỗ của Chúa, ông thật sự kinh nghiệm quyền năng của Ngài: trước đó ông chỉ nghe đồn, nhưng bây giờ mắt ông đã thấy. Thứ tư, qua những điều Chúa dạy dỗ ông, ông “lấy làm gớm ghê” chính mình và “ăn năn trong tro bụi”.
Khi ông Gióp biết Chúa càng rõ, niềm tin nơi Chúa càng lớn, thì ông nhận biết những tội lỗi của ông càng lớn và sự ăn năn của ông càng thắm thiết. Không còn những lời lằm bằm oán trách hoặc than vãn chán đời, nhưng đối diện với Đức Chúa Trời toàn năng, cao cả, và diệu kỳ, ông Gióp chỉ thấy trước mắt ông là ân sủng quá lớn lao của Chúa đang tràn ngập trong ông, ông chỉ còn biết khiêm cung cúi đầu, ghê tởm chính mình, ăn năn thống hối và cầu xin sự dạy dỗ của Chúa. Giờ đây, Gióp không còn bận tâm tìm hiểu nguyên nhân nỗi khổ của ông nữa. Khi biết Chúa rõ ràng khác nào “mắt con đã thấy Ngài”, ông đã hiểu được huyền nhiệm của đau khổ và nhận ra rằng Chúa có năng quyền làm mọi việc, không ai ngăn cản được ý định Ngài. Bấy giờ Gióp vẫn còn ngồi trong đống tro nhưng nỗi cay đắng đã tan biến, thắc mắc cũng không còn, ông hoàn toàn chấp nhận bằng đức tin những điều xảy ra dù không thể hiểu được, vì ông biết phía sau huyền nhiệm đó là mục đích của Đức Chúa Trời. Dù là Sa-tan, kẻ thù, hoàn cảnh, nghèo khổ, bệnh hoạn, chết chóc nhưng Chúa không hề bỏ ta. Hãy vững tin nơi Chúa vì thử thách là để ta đắc thắng chứ không phải để cho ta thua. Nếu bền tâm, hết lòng theo Chúa, thì chúng ta sẽ thắng.
Xin Chúa tha thứ sự thiếu đức tin của chúng ta, giúp chúng ta đặt niềm tin cậy trọn vẹn nơi Ngài.