Trang chủ Blog Trang 4

Sự Bảo Vệ Của Chúa

(Phục-truyền 32:10b)

Chúng ta thật được khích lệ khi chúng ta suy nghĩ về sự yêu thương và sự gìn giữ của Chúa với con dân Ngài. Không ai có thể dùng tay mình để đụng vào con ngươi của mắt, vì một phản xạ tự nhiên là mí mắt sẽ nhắm lại. Nếu vô tình, một vật gì hay ai đó đụng vào mắt, thì chúng ta sẽ cảm thấy thật là khó chịu. Ở đây, Chúa hứa rằng Ngài gìn giữ dân sự của Ngài như là con ngươi của mắt mình, để cho thấy rằng thế gian và kẻ thù nghịch không dễ gì có thể đụng vào dân sự của Chúa, một dân tộc mà Ngài đã chọn lựa và kể là một phần của chính thân thể Ngài. Nếu ai cố tình phá hủy dân Chúa, cố tình đụng vào mắt của Ngài, thì người đó đang làm cho Đức Chúa Trời lấy làm khó chịu, hay họ đang chọc giận Ngài.

Lịch sử suốt 4000 năm qua cũng đã minh chứng, dù Chúa cho phép và sử dụng dân ngoại như cây roi để đoán phạt tuyển dân, nhưng những kẻ hà hiếp quá tay trên dân Chúa chắc chắn sẽ trả giá rất đắt. Dân Y-sơ-rs-ên là sản nghiệp của Ngài. Nói đến sản nghiệp là nói đến những giá trị và quyền sở hữu. Dân tộc ấy đã được Chúa phán bảo “Đừng sợ, vì ta đã chuộc ngươi”. Hội Thánh của Chúa cũng vậy, Ngài kể đó là báu vật “đã được chuộc bằng giá cao rồi”. Chính Chúa Giê-xu Christ, Con Đức Chúa Trời đã dâng mạng sống Ngài chuộc tội chúng ta và khiến chúng ta trở nên dòng dõi công bình của chính Ngài, nên chúng ta thật giá trị, và tất cả chúng ta thuộc về quyền sở hữu của Đức Chúa Trời. Là Hội Thánh của Đức Chúa Trời, là dân sự của Ngài, chúng ta được Chúa gìn giữ bảo vệ như con ngươi của mắt Chúa. Tên của mỗi chúng ta được Ngài khắc chạm vào lòng bàn tay của Ngài. Thành ngữ “con ngươi của mắt mình” được ghi lại nhiều lần trong Thánh Kinh. Thành ngữ ngày xuất hiện lần đầu tiên trong Phục Truyền 32:10 “Ngài tìm được họ trong một nơi hoang vắng, giữa những tiếng gào thét của hoang mạc. Ngài bao phủ họ, chăm sóc họ, gìn giữ họ như con ngươi của mắt Ngài.”.

Câu Kinh Thánh này cho biết lúc người Do Thái còn lưu lạc trong hoang mạc, Chúa tìm kiếm, hướng dẫn, dạy dỗ, chăm sóc và giữ gìn họ. Tác giả sách Phục Truyền so sánh: Trước khi được Chúa quan tâm, dân Y-sơ-ra-ên phải đối diện với những giông tố trong cuộc đời, những trận bão cát trong sa mạc đe dọa họ. Khi Chúa đem họ về với Ngài, Đức Chúa Trời che chở gìn giữ họ kỹ càng như gìn giữ “con ngươi của mắt Ngài.” Như không ai để cát nào chạm vào mắt, Chúa không để cho một nguy hiểm nào, dù nhỏ như hạt cát trong sa mạc, có thể chạm đến người thuộc về Ngài. Được Chúa quan tâm gìn giữ là một điều phước hạnh. Tác giả Thi Thiên bày tỏ ước vọng đó như sau: “Xin Chúa gìn giữ con như con ngươi của mắt Ngài. Xin giấu con dưới bóng của cánh Ngài.” Như người chăn dõi trông bầy chiên, như người mẹ để mắt tới đứa con đang vui đùa, như gà mẹ ấp ủ con mình trong cánh, Chúa quan tâm, chăm sóc và gìn giữ những người thuộc về Ngài. Chúa truyền cho những người thuộc về Ngài “Hãy giữ lời dạy dỗ của ta như con ngươi của mắt con.”. Mạng lệnh của Chúa phải là điều cao trọng hơn hết cho những người thuộc về Chúa.

Khi dân Do Thái ăn năn, Chúa lắng nghe lời cầu xin của họ. Chúa truyền cho Tiên tri Xa-cha-ri loan báo lời hứa của Chúa cho dân sự của Ngài như sau: “Đức Giê-hô-va vạn quân phán rằng ai đụng đến anh em, tức là đụng đến con ngươi của mắt Ngài.”. Bài ca của Môi-se vẫn như đang vang vọng từ trong quá khứ cho tới hôm nay về Đấng Chí Cao đã phân phát sản nghiệp cho muôn dân. Ngài định bờ cõi của các dân theo số của dân Y-sơ-ra-ên, cũng là Đấng Thành Tín bảo vệ dân sự của Ngài.

Xin Chúa giúp chúng ta luôn tin cậy vào sự bảo vệ của Chúa trên đời sống chúng ta.

Chúa Sắm Sẵn

(Sáng-thế-ký 22:14)

Áp-ra-ham kinh nghiệm chính Đức Chúa Trời. Niềm tin Đức Chúa Trời sẽ sắm sẵn của Áp-ra-ham được củng cố bởi một kinh nghiệm sống ngày hôm ấy trên núi Mô-ri-a. Áp-ra-ham trở về không chỉ với niềm tin vốn có nơi Đức Chúa Trời là Đấng chu cấp, nhưng với kinh nghiệm mới mẻ về chính Ngài, về bản chất của Ngài. Ông đặt tên chỗ đó là “Giê-hô-va Di-rê.”Khi có một kinh nghiệm về Chúa sắm sẵn chúng ta hiểu sự cung ứng của Ngài. Chúng ta nhìn thấy sự trọn vẹn của điều Ngài chu cấp. Ngài chu cấp đúng thời điểm, đúng nhu cầu của chúng ta. Đức Chúa Trời là Đấng nhìn thấy ngày mai của chúng ta. Theo câu 14 Di-rê có nghĩa là “cung ứng” và cũng có nghĩa là “nhìn thấy trước.” Áp-ra-ham muốn nói rằng vì Chúa đã nhìn thấy những gì chúng ta có cần ngày hôm qua, Ngài sẽ cung ứng cho chúng ta điều ấy ngày hôm nay. Đức Chúa Trời biết rõ những gì chúng ta có cần cho ngày mai và Ngài đã chuẩn bị cho chúng ta nhu cầu đó. Ngài sắm sẵn trước khi chúng ta cần. Trước khi Áp-ra-ham leo lên núi, Đức Chúa Trời đã chuẩn bị một con chiên bị mắc kẹt trong bụi cây nơi đó. Khải-huyền 13:8 cho biết “Chiên Con của Đức Chúa Trời đã bị giết từ buổi sáng thế.” Trước khi con người được Đức Chúa Trời nắn lên từ bụi đất, Ngài đã sắm sẵn một sinh tế cho tội lỗi chúng ta.

Áp-ra-ham tin Đức Chúa Trời sẽ chu cấp. Khi lên đường đến núi Mô-ri-a, để dâng con mình là Y-sác, Áp-ra-ham tin Đức Chúa Trời là Đấng sẽ sắm sẵn, vì khi Y-sác hỏi ông, “củi lửa có sẵn rồi, nhưng chiên con ở đâu để dâng tế lễ thiêu?” Áp-ra-ham đáp, “Con ơi, Đức Chúa Trời sẽ sắm sẵn chiên con làm của lễ thiêu!” Áp-ra-ham không thể biết trước Đức Chúa Trời đã chuẩn bị cho ông một con chiên để làm của lễ thiêu thay thế cho Y-sác như thế nào nhưng ông làm theo lời Đức Chúa Trời vì tin cậy nơi Ngài. Câu trả lời của ông cho Y-sác là một xác định đức tin về sự chu cấp của Đức Chúa Trời và cũng là một lời tiên tri.

Ngài chu cấp trước khi chúng ta mở miệng cầu xin. Áp-ra-ham đã không cầu hỏi Ngài. Có thể ông không biết phải cầu xin điều gì hay thế nào cho vấn đề này. Nhiều khi chúng ta không biết chúng ta cần gì. Nhưng Đức Chúa Trời không giữ lại điều Ngài sắm sẵn cho chúng ta vì sự ngu muội của chúng ta, nhưng giống như một người cha yêu thương, Ngài thường làm chúng ta ngạc nhiên khi Ngài cho chúng ta đúng điều chúng ta cần. Chúng ta được phước không phải bởi điều Đức Chúa Trời chu cấp, nhưng bởi cách Ngài chu cấp cho nhu cầu ấy khiến chúng ta lớn lên trong đức tin, mạnh mẽ trong sự trông cậy Ngài. Khi chúng ta thờ phượng Chúa Ngài chu cấp mọi nhu cầu cho chúng ta. Áp-ra-ham nói rõ cho những người đầy tớ là ông đi đến nơi đó để thờ phượng Đức Chúa Trời. Khi chúng ta đặt sự thờ phượng Đức Chúa Trời trước, Ngài nhìn thấy những nhu cầu của chúng ta và chu cấp cho chúng ta. Những người kinh nghiệm sự chu cấp của Chúa là những người trước hết thờ phượng Chúa. Khi chúng ta nhận biết Đức Chúa Trời là Đấng Chu Cấp, chúng ta không ngại dâng cho Ngài những gì Ngài ban cho chúng ta.

Đôi khi Chúa dùng sự ban cho của Ngài để thử chúng ta. Đối với Áp-ra-ham, Y-sác là con thừa tự là hiện thân của những lời hứa về sự chu cấp và ban cho của Đức Chúa Trời cho tương lai của ông. Nhưng khi Đức Chúa Trời bảo ông hãy dâng Y-sác cho Ngài, ông không ngần ngại làm theo Lời Ngài. Chúng ta có sẵn lòng dâng cho Chúa điều Ngài đã ban cho trước khi Ngài ban những gì Ngài đang dành sẵn? Chúng ta tìm sự bình an nơi những tài vật, những sự Ngài chu cấp hay tìm Đấng Chu Cấp? Lòng rộng rãi tuôn chảy từ những cuộc đời đã kinh nghiệm sự chu cấp của một Giê-hô-va Di-rê trong đời sống của họ. Ngài là Đấng Chu Cấp đã trở nên sinh tế cho chúng ta. Đồi Gô-gô-tha bày tỏ cho chúng ta sự lớn lao trong sự chu cấp của Đức Chúa Trời cho chúng ta. Tại đó Ngài mở ra những cánh cửa của sự chu cấp mà con người chưa bao giờ biết.

Xin Chúa giúp chúng ta tin cậy nơi Ngài là Đức Giê-hô-va Di-rê của chúng ta.

Sự Lựa Chọn Khôn Ngoan

(Đa-ni-ên 1:8)

Đất nước Do Thái lại bị “phó” vào tay kẻ thù. Trong những người bị bắt làm phu tù, có vài thanh niên ưu tú được chọn riêng ra, huấn luyện để trở thành người phục dịch trong triều vua. Họ được nuôi dạy trong ba năm theo quy chế, đường hướng của vua. Trong số các thanh niên ấy, có chàng thanh niên Đa-ni-ên và ba người bạn. Họ bị đổi tên và đưa vào khuôn khổ đào tạo theo tiêu chuẩn của vua: học văn chương, ngôn ngữ của người Ba-by-lôn, ăn thức ăn ngon và uống rượu vua dùng. Tuy nhiên, chàng thanh niên Đa-ni-ên và ba người bạn là những người tin kính Chúa, họ biết rõ những thức ăn của vua đã được cúng cho thần tượng, nên quyết tâm không đụng đến những thức ăn, thức uống đó.

Chàng Đa-ni-ên không ngại bị đổi tên, bị huấn luyện, nhưng chàng biết rằng những thức ăn đã cúng cho tà thần sẽ làm họ bị ô uế nên quyết tâm từ chối. Với lòng kiên quyết giữ mình trong sạch trước mặt Chúa, chàng Đa-ni-ên đã can đảm trình bày với viên quan chịu trách nhiệm, xin cho phép họ không dùng thức ăn của vua. Chúa “khiến” cho viên quan ấy yêu thương họ và đã đồng ý thử họ trong mười ngày với chế độ ăn rau và uống nước mà thôi. Đức Chúa Trời nhìn thấy tấm lòng kiên quyết giữ mình khỏi bị ô uế bởi thức ăn vua ban của chàng Đa-ni-ên và ba người bạn nên đã ban phước đặc biệt cho họ. Sau mười ngày thử nghiệm, sắc diện của bốn thanh niên Do Thái này trở nên hồng hào, đầy đặn hơn hẳn các thanh niên dùng thức ăn của vua. Sau thời gian “đào tạo,” bốn thanh niên này khôn ngoan, sáng suốt, và giỏi gấp mười lần những thuật sĩ và pháp sư trong vương quốc Ba-by-lôn lúc bấy giờ. Đó là sự ban phước đặc biệt của Đức Chúa Trời dành cho những thanh niên có sự chọn lựa khôn ngoan và biết giữ mình cho vinh quang của Ngài.

Chàng Đa-ni-ên và ba người bạn là những thanh niên đang
ở trong nghịch cảnh, bị bắt xa quê hương, đi phục dịch cho vua thờ tà thần, trái với đức tin của mình, vậy mà họ đã quyết tâm giữ mình không bị ô uế trước những điều nghịch với niềm tin của họ. Đây là tấm gương nhắc nhở các thanh thiếu niên Cơ Đốc ngày nay. Cần quyết tâm giữ mình trong sạch trước mặt Chúa dù bao cám dỗ phủ vây xung quanh, noi gương chàng Đa-ni-ên để làm theo Lời Chúa dạy: “hoặc ăn, hoặc uống hay làm sự chi khác hãy vì sự vinh hiển của Chúa mà làm”. Đa-ni-ên không ăn đồ ngon của vua, nhưng ông vẫn đứng chầu bên cạnh vua. Đa-ni-ên không chịu ô uế bởi nỗ lực đồng hóa của vua, nhưng vẫn rèn luyện mình trở thành xuất sắc để cống hiến. Thay vì bất mãn, lên án, chán nản trước những người bắt dân mình đi làm phu tù, Đa-ni-ên sống với tinh thần của lời tiên tri Giê-rê-mi, vâng phục, cầu bình an và làm cho thành phố nơi họ sống được thịnh vượng. Cũng trong tinh thần ấy, thư Phi-líp kêu gọi con cái Chúa thay vì lằm bằm, than vãn, thì hãy trở nên “không vít, không tì, không chỗ trách được” và “giữa dòng dõi gian ác, ngang nghịch ấy giữ lấy đạo sự sống, chiếu sáng như đuốc trong thế gian.” Với Cơ Đốc nhân, thế giới chúng ta sống không phải là nhà. Dẫu vậy, Chúa cũng kêu gọi chúng ta trở nên những ngọn đuốc sáng soi dẫn mọi người đến với Ngài. Thế gian không thấy Chúa qua thái độ than thở, bất mãn, chán nản của chúng ta. Thế gian sẽ thấy Ngài qua nếp sống tích cực nơi trường học, nơi sở làm, nơi xóm giềng qua thái độ làm việc hết sức mình “như làm cho Chúa, chứ không phải làm cho người ta”.

Theo gương của Đa-ni-ên, trước khi bước vào cuộc đua tâm linh, chúng ta phải có những quyết định trước trong lòng để khi “đụng chuyện” thì chúng ta biết phải khôn ngoan giải quyết như thế nào cho đẹp lòng Chúa. Khi gặp những áp lực bên ngoài, từ gia đình, bạn hữu, những người cấp trên muốn ép buộc chúng ta đi ngược lại với sự tin quyết của mình, nếu chúng ta quyết tâm nhờ cậy Chúa để sống đẹp lòng Ngài, thì Ngài sẽ giải quyết mọi việc cho chúng ta theo ý định tốt lành của Ngài.

Xin Chúa nhắc nhở chúng ta về đức tin của mình để chúng ta khôn ngoan giữ mình trong sạch để Danh Chúa được vinh quang qua đời sống chúng ta.

Podcasts

Latest sermons