Trang chủ Blog Trang 48

Chúa nhật 07-03-2021

Hội Thánh Tin Lành Việt Nam – Chi Hội Tô Hiến Thành
Chương Trình Thờ Phượng – Chúa nhật 07-03-2021

Chủ đề: TỘI LỖI

Câu Gốc: Các Quan Xét 21:25

Đương lúc đó, không có vua trong Y-sơ-ra-ên; ai nấy làm theo ý mình lấy làm phải.

Giảng Luận: MS. Nguyễn Ngọc Dũng
HDCT: Chấp sự Trịnh Quang Huy

Website: https://httltohienthanh.org
Kênh Youtube: https://www.youtube.com/c/HTTLToHienThanh
Facebook: https://www.facebook.com/HTTLToHienThanh.org

Chúa Nhật 28-02-2021 Trường Chúa Nhật

Hội Thánh Tin Lành Việt Nam – Chi Hội Tô Hiến Thành,
Trường Chúa Nhật Trực Tuyến – Chúa nhật 28-02-2021

Bài 7 – Sợi Dây Màu Điều
Kinh Thánh: Giô-suê 2:1-24
Câu gốc: I Giăng 1:7
Giáo viên: MsNc. Châu Thanh Thiên Ngọc
Phụ tá Quản nhiệm

Cách Giúp Trẻ Đọc Kinh Thánh

Tác giả: David Murray

Những bậc phụ huynh Cơ Đốc sốt sắng muốn giúp con mình tập đọc, hiểu, tin cậy và yêu mến Kinh Thánh. Nhưng đa số chúng ta thấy việc này là một thách thức lớn, thậm chí còn dễ gây nản lòng. Kinh Thánh là quyển sách dày và phức tạp khiến ngay cả người lớn cũng sợ đọc. Vậy thì làm sao chúng ta giúp cho con mình làm quen với cuốn sách quan trọng hàng đầu từng được tập hợp lại, để chúng bắt đầu thói quen yêu thích đọc Kinh Thánh hằng ngày?

Không hề có công thức đơn giản nào để áp dụng thành công ở đây. Mỗi đứa trẻ đều khác nhau và Thánh Linh cũng hành động theo nhiều cách khác nhau ở từng thời điểm khác nhau đối với từng đứa trẻ. Nhưng tôi đã tìm ra một số phương cách nói chung có hiệu quả. Vừa là phụ huynh của năm đứa con, đồng thời cũng là một mục sư, tôi xin chia sẻ tám điều tôi thấy là hữu ích.

  1. Cho Trẻ Giữ Riêng Cuốn Kinh Thánh Trẻ Ưa Thích

Bạn có cho con mình giữ riêng một cuốn Kinh Thánh chưa? Nếu chưa, hãy cho nó một quyển. Hãy mua cuốn đẹp nhất theo khả năng của bạn, cuốn mà trẻ thích cầm trong tay ngắm nghía, cuốn có thể nói lên nội dung đặc biệt và quí giá bên trong.

Bạn có thể mua một cuốn Kinh Thánh dùng cho trẻ em nghiên cứu. Crossway vừa xuất bản cuốn Kinh Thánh Minh Họa (Illuminated Bible), ngay khi các con tôi vừa nhìn thấy, là muốn có ngay một cuốn, lật từng trang và háo hức đọc.

Hãy cho con bạn một cuốn Kinh Thánh toát lên giá trị, vẻ đẹp cùng chất lượng. Một quyển Kinh Thánh phát ra chính thông điệp mạnh mẽ bên trong.

  1. Làm Gương cho Trẻ Noi Theo

Mặc dù thế, nhưng cuốn Kinh Thánh hay nhất cũng sẽ chỉ nằm trên kệ sách đóng bụi, nếu con chúng ta không nhìn thấy chúng ta cũng chuyên tâm, nhiệt tình và háo hức đọc.

Lúc còn bé, tôi không bao giờ có thể hiểu vì sao cha tôi dậy thật sớm trước khi người khác thức dậy, để đọc Kinh Thánh rồi mới đi làm. Tôi cũng nhớ đã từng thắc mắc về thói quen của bà tôi, dù đau ốm, vẫn đọc Kinh Thánh khi có cơ hội. Sao lại có người già như vậy mà còn ham thích đọc Kinh Thánh đến thế? Tuy lúc còn nhỏ tôi không hiểu lý do, nhưng hai tấm gương vừa nêu đã in sâu trong lòng tôi và, dù có nhận ra hay không, cũng ảnh hưởng đến cuộc đời tôi cho tới ngày hôm nay.

  1. Cho Trẻ một Động Cơ Thôi Thúc

Tôi có quen một thanh niên. Người này cảm thấy khó xuống khỏi giường vào mỗi buổi sáng để đi làm. Chúng tôi có nói với nhau về chuyện này, và vấn đề nằm ở chỗ anh không tìm thấy lý do để làm việc, dù anh làm việc chăm chỉ, vì vậy anh không thấy động cơ thôi thúc trong công việc. Lý do không đủ quan trọng để giúp anh bỏ chân xuống khỏi giường khi chuông đồng hồ ngưng reo.

Nếu muốn con mình đọc Kinh Thánh, chúng ta cần cho chúng biết lý do quan trọng. “Cứ đọc đi!” thì chưa đủ. Tại sao cần đọc Kinh Thánh mỗi ngày? Bởi vì, cùng với việc trung tín nghe giảng lời Chúa thì đọc Kinh Thánh đều đặn là cách chủ yếu và thông thường mà qua đó Đức Chúa Trời phán với chúng ta ngày nay. Kinh Thánh không chỉ là lời khôn ngoan nhằm giúp chúng ta sống tốt hơn,mà còn là lời sự sống đời đời có thể khiến chúng ta “khôn ngoan để được cứu nhờ đức tin trong Đức Chúa Giê-xu Christ” (2 Ti-mô-thê 3:15).

  1. Cho Trẻ một Kế Hoạch Khả Thi, Rõ Ràng

Khi đã cho biết lý do, chúng ta cần chỉ ra phương cách. Trẻ thực hiện điều này bằng cách nào? Bắt đầu từ đâu? Mỗi ngày phải đọc bao nhiêu? Nên đọc Cựu Ước hay Tân Ước?

Chúng ta cần cho trẻ một kế hoạch khả thi, rõ ràng, nếu không, trẻ sẽ chỉ đọc lòng vòng trong Kinh Thánh, không hiểu gì về mục đích hoặc tiến triển của sự việc, và cuối cùng trẻ sẽ bỏ cuộc. Cách lý tưởng nhất là từ từ đưa dắt trẻ đi xuyên suốt các phần quan trọng nhất của Kinh Thánh qua các bài đọc khả thi mỗi ngày. Đã có sẵn nhiều kế hoạch đọc Kinh Thánh, hoặc bạn có thể tự vạch kế hoạch riêng thích hợp với con của bạn. Đừng nghĩ bạn sẽ có được ngay một kế hoạch hoàn hảo. Hãy cầu xin Thánh Linh hướng dẫn và giúp con bạn thử nghiệm cho tới khi bạn tìm ra một kế hoạch có vẻ hiệu quả với trẻ.

  1. Giúp Trẻ Đặt Câu Hỏi

Khi tôi còn nhỏ, cha tôi thử nhiều phương cách khác nhau để buộc tôi đọc Kinh Thánh, nhưng cách hiệu quả nhất là đặt câu hỏi. Đôi lúc ông nêu một câu hỏi đơn giản có liên quan với điều tôi đang đọc. Việc nầy bảo đảm là tôi phải đọc phân đoạn đó để tìm ra câu trả lời, nhưng cũng rèn luyện tôi cách đặt câu hỏi về Kinh Thánh. Hơn nữa, nó còn tạo cho tôi thói quen tương tác với Kinh Thánh để giúp tôi không đọc theo kiểu thụ động mà phải linh động. Các câu hỏi thường liên quan đến nội dung của phân đoạn, nhưng về sau, khi tôi đã lớn, thì những câu hỏi chuyển sang câu hỏi ý nghĩa và áp dụng.

Các câu hỏi tôi dùng để hướng dẫn các con tôi là: Phân đoạn nầy dạy chúng ta điều gì về Đức Chúa Trời? Về tội lỗi? Về sự cứu rỗi? Về Đấng Christ? Về Phúc âm? Về cuộc sống đời nầy và đời sau? Bạn có thể hỏi những câu khác. Nhưng hãy dạy cho trẻ biết thắc mắc về phân đoạn Kinh Thánh ấy.

  1. Cho Trẻ Câu Trả Lời Khi Trẻ Thắc Mắc

Con của bạn sẽ có những thắc mắc riêng về những phân đoạn mà trẻ không hiểu hoặc về tính đáng tin cậy của Kinh Thánh. Bạn phải vui vẻ đón nhận những thắc mắc đó. Hãy thường xuyên hỏi trẻ về điều trẻ đang đọc. Hãy cho trẻ biết rằng bạn muốn trẻ đặt câu hỏi với bạn về Kinh Thánh và nhất là về mối liên quan giữa Kinh Thánh với cuộc sống của trẻ.

Có thể trẻ hỏi những câu mà bạn không thể trả lời. Nhưng không sao. Chỉ cần nói với trẻ là bạn sẽ tìm hiểu và tìm ra câu trả lời, hoặc nhờ mục sư hay một Cơ Đốc nhân trưởng thành giải đáp cho trẻ. Cho dù trẻ thắc mắc điều gì, bạn cũng phải xem trọng câu hỏi của trẻ và luôn luôn hồi đáp, nếu bạn muốn trẻ tiếp tục thắc mắc.

  1. Khích Lệ Trẻ Tiếp Tục Đọc

Một trong những thói quen tốt nhất chúng ta có thể tập trong gia đình là họp nhau lại khoảng 10-15 phút sau khi từ nhà thờ về mỗi sáng Chúa Nhật, để thảo luận các bài đọc Kinh Thánh trong tuần qua. Chúng ta sẽ kiểm tra xem trẻ có trả lời hết câu hỏi chưa và tạo cơ hội thảo luận điều trẻ học được.

Khi trẻ đã lớn, chúng ta sẽ giảm bớt việc nầy. Thay vào đó, chúng ta cố gắng trò chuyện thân mật với trẻ về điều trẻ đang đọc để khích lệ trẻ tiếp tục đọc.

  1. Bày Tỏ Thông Cảm Khi Trẻ Thất Bại

Giống như bạn, con của bạn cũng sẽ có lúc thất bại. Trẻ sẽ quên đọc. Trẻ sẽ giả vờ như có đọc. Trẻ sẽ tỏ ra lờ đờ và lười nhác. Trẻ sẽ viện ra đủ mọi lý do để biện hộ. Chớ nên bỏ cuộc. Hãy thông cảm với trẻ!

Nếu con của bạn chưa được tái sanh, chúng sẽ làm bạn thất vọng trong lãnh vực nầy nhiều lần. Đừng bỏ cuộc. Hãy cho trẻ thêm cơ hội! Kiên trì cho trẻ thấy ân điển của Đấng Christ cùng Phúc âm của Ngài khỏa lấp tội lỗi của trẻ và giục giã trẻ vâng phục.

Một trong những món quà quí nhất bạn tặng cho con mình chính là sự quen thuộc với Kinh Thánh cùng sứ điệp của Kinh Thánh. Hãy cho con bạn một cuốn Kinh Thánh riêng để đọc, nêu gương cho trẻ noi theo, cho trẻ một động cơ thôi thúc, và một kế hoạch có thể áp dụng, giúp trẻ đặt những câu hỏi về phân đoạn Kinh Thánh, giải đáp cho trẻ những câu hỏi về Kinh Thánh, khích lệ trẻ tiếp tục đọc, và thông cảm cho trẻ trong những vấp ngã và thất bại.

Người dịch: Khuê Trần
Lược dịch từ: www.desiringod.org

Kinh Thánh Nói Gì Về Phá Thai?

Kinh Thánh không đề cập cụ thể vấn đề đến phá thai. Tuy nhiên, có nhiều lời dạy dỗ trong Kinh Thánh cho thấy rõ quan điểm của Chúa về việc phá thai. Giê-rê-mi 1:5 nói rằng Đức Chúa Trời biết chúng ta trước khi Ngài tạo nên chúng ta trong lòng mẹ. Thi Thiên 139:13-16 nói đến vai trò tích cực của Chúa trong sự tạo dựng chúng ta trong lòng mẹ. Xuất 21:22-25 quy định hình phạt cho người gây ra cái chết cho thai nhi trong bụng mẹ cũng giống hình phạt cho người phạm tội giết người, đó là tử hình. Điều này rõ ràng cho thấy Đức Chúa Trời xem em bé trong bụng mẹ cũng là người như một người lớn đã phát triển đầy đủ. Đối với Cơ Đốc nhân, phá thai không phải là vấn đề liên quan đến quyền lựa chọn của người phụ nữ, mà là vấn đế về sự sống và sự chết của một con người được tạo dựng theo hình ảnh của Đức Chúa Trời (Sáng 1:26-27: 9:6).

Lý lẽ đầu tiên thường nổi lên chống lại quan điểm Cơ Đốc về việc phá thai là: “Trường hợp bị cưỡng hiếp và/ hoặc loạn luân thì sao?” Thật khủng khiếp khi mang thai vì bị cưỡng hiếp và/ hoặc loạn luân. Trong trường hợp đó, bỏ em bé có phải là giải pháp không? Hai điều sai không tạo nên điều đúng. Đứa trẻ ra đời từ vụ hiếp dâm hoặc loạn luân có thể được cho làm con nuôi trong một gia đình tử tế mà không thể có con, hoặc đứa trẻ được giao cho người mẹ nuôi. Hơn nữa, đứa trẻ hoàn toàn vô tội và không nên bị trừng phạt vì tội ác của cha nó.

Lý lẽ thứ hai chống lại quan điểm Cơ Đốc về việc phá thai là “Trường hợp mạng sống của người mẹ bị đe doạ thì sao?” Thành thật mà nói, đây là câu hỏi khó trả lời nhất liên quan đến phá thai. Trước tiên, chúng ta cần nhớ rằng tình huống này là lý do cho không đến một phần mười trong số một phần trăm ca phá thai trên thế giới ngày hôm nay. Ngày càng có nhiều phụ nữ phá thai vì sự tiện lợi hơn là để cứu mạng sống họ. Thứ hai, chúng ta cần nhớ rằng Đức Chúa Trời là Chúa của phép lạ. Ngài có thể bảo toàn tính mạng của người mẹ và đứa trẻ cho dù mọi phương tiện y học đều bó tay. Dẫu vậy, cuối cùng thì câu hỏi này chỉ có thể được quyết định giữa hai vợ chồng và Đức Chúa Trời. Bất kỳ cặp vợ chồng nào đối diện với tình huống hết sức khó khăn này cũng cần phải cầu xin Chúa ban sự khôn ngoan (Gia-cơ 1:5) để biết Ngài muốn họ làm gì.

Hơn 95 phần trăm ca phá thai ngày hôm nay đơn giản là vì người phụ nữ không muốn có em bé. Không đến 5 phần trăm ca phá thai là vì bị cưỡng hiếp, loạn luân hoặc sức khoẻ người mẹ bị đe doạ. Ngay cả trong năm phần trăm trường hợp khó xử hơn, phá thai cũng không bao giờ nên là lựa chọn đầu tiên. Sự sống của một con người trong bụng mẹ đáng nhận được mọi nỗ lực để đứa trẻ được chào đời.

Đối với những người đã phá thai, hãy nhớ rằng tội phá thai không phải là tội khó tha thứ hơn các tội khác. Bởi đức tin trong Đấng Christ, mọi tội đều có thể được tha (Giăng 3:16; Rô-ma 8:1; Cô-lô-se 1:14). Người phụ nữ đã phá thai, người đàn ông khuyến khích phá thai hay thậm chí vị bác sĩ thực hiện phá thai- tất cả đều có thể được tha nhờ đức tin nơi Chúa Giê-xu Christ và sự ăn năn thật lòng.

Khue Tran dịch
Nguồn: Gotquestions.org

Cách Xử Lý Xung Đột Trong Hôn Nhân

(Hay Trong Bất Kỳ Mối Quan Hệ Nào Khác)

Do bản chất sa ngã của con người, xung đột trong hôn nhân là một thực tế của cuộc sống, ngay cả với những tín hữu trong Đấng Christ. Việc truyền thông yêu thương không hề đến một cách tự nhiên hay dễ dàng chút nào. Đối với người chưa tin Chúa, giải pháp cho những xung đột là rất khó vì nếu không có Chúa Giê-xu, con người hoàn toàn không có khả năng để sống yêu thương một cách vô vị kỷ (Ê-phê-sô 4:22-32). Thế nhưng, người Cơ Đốc có Kinh thánh là lời quyền năng của Chúa, chứa đựng những chỉ dẫn cho các mối quan hệ. Áp dụng các nguyên tắc Kinh thánh vào những mối quan hệ sẽ khiến chúng ta xử lý xung đột trong hôn nhân một cách hiệu quả nhất.

Nguyên tắc đầu tiên và quan trọng nhất về việc giải quyết xung đột trong các mối quan hệ, nhất là trong hôn nhân, đó là chúng ta phải yêu nhau như Chúa đã yêu chúng ta (Giăng 13:34) và hy sinh mạng sống Ngài vì cớ chúng ta. Ê-phê-sô 5:21-6:4 mô tả các mối quan hệ trong gia đình: chúng ta phải vâng phục nhau trong yêu thương và đặt nhu cầu của người khác lên trên bản thân mình. Điều này đặc biệt đúng trong hôn nhân, là nơi người chồng phải yêu vợ như Chúa đã yêu Hội Thánh và chăm sóc nàng như chính thân thể mình. Cũng vậy, người vợ phải vâng phục và tôn trọng chồng (Ê-phê-sô 5:22-23).

Lời chỉ dẫn này dường như khá đơn giản nhưng vấn đề là con người thường có khuynh hướng đối phó hơn là phòng chống trong các mối quan hệ. Những người vợ thường dễ phục tùng những người chồng yêu thương họ như Đấng Christ yêu Hội thánh, và những người chồng cũng thường sẵn lòng yêu những người vợ biết tôn trọng và phục tùng họ. Vấn đề nằm ở đây. Người này đợi người kia hành động trước. Nhưng mạng lịnh của Đức Chúa Trời cho cả chồng và vợ là vô điều kiện. Sự phục tùng không phụ thuộc vào tình yêu, và tình yêu không phụ thuộc vào sự tôn trọng. Chủ động tiến bước đầu tiên trong sự vâng lời, cho dẫu hành động của người kia là thế nào, là cách để phá bỏ xung đột và thiết lập những cách cư xứ mới.

Vì thế, khi xung đột trong hôn nhân xuất hiện thì việc đầu tiên cần làm là tự xét lại mình (2 Cô-rinh-tô 13:5). Sau khi trình dâng Chúa những ưu tư của bản thân và thành thật với chính mình về những thất bại hay những ước muốn ích kỷ, chúng ta mới có thể tiếp cận người kia với những ưu tư của mình. Hơn nữa, Chúa muốn người Cơ Đốc phải đáp ứng nhu cầu của nhau trong sự bình hòa (Cô-lô-se 3:15). Tất cả chúng ta đều cần ân điển cho những sai phạm của mình, và chúng ta cũng phải bày tỏ ân điển đối với người khác khi nói về nhu cầu và ưu tư của mình (Cô-lô-se 4:6).

Nói ra lẽ chân thật trong tình yêu là chìa khóa để được lắng nghe vì chỉ khi chúng ta nói với người khác về giá trị của họ trong mắt của mình thì họ mới có thể chấp nhận những sự thật khó nghe (Ê-phê-sô 4:15). Khi người ta cảm thấy bị tấn công hay bị chỉ trích, họ sẽ tự vệ và chắc hẳn khi đó việc truyền thông chẳng còn hiệu quả nữa. Trái lại, khi người khác cảm thấy chúng ta quan tâm đến họ và muốn điều tốt cho họ, họ sẽ tin rằng chúng ta nói với họ trong tình yêu thương và quan tâm đến lợi ích của họ. Vì thế, việc nói ra lẽ chân thật trong tình yêu là hoàn toàn quan trọng trong việc giải quyết xung đột. Điều này đúng trong hôn nhân, nơi mà chúng ta có mối liên hệ thường xuyên và liên tục với người phối ngẫu, là người từng khiến chúng ta thất vọng và thường đem điều tệ hại nhất đến cho chúng ta. Cảm xúc tổn thương sinh ra những lời lẽ cay độc, và rồi lại khiến cảm xúc bị tổn thương nhiều hơn. Tập tành kỷ luật trong việc suy nghĩ cẩn thận và cầu nguyện trước khi nói có thể giúp phá vỡ vòng lẩn quẩn này. Sự truyền thông đẹp lòng Chúa có thể gom tóm trong một câu đơn giản là hãy đối xử với người khác như cách mình muốn người khác đối xử với mình (Lu-ca 6:31). Chúa Giê-xu dạy “phước cho những người hòa giải,” và đó phải luôn là mục tiêu của người Cơ Đốc (Ma-thi-ơ 5:9).

Có nhiều khía cạnh trong các mối quan hệ, xung đột và sự truyền thông, và Kinh Thánh thì chứa đầy những lời khôn ngoan về cách sống tin kính. Dưới đây là những mạng lịnh cụ thể của Kinh Thánh về cách chúng ta phải đối xử với nhau:

Để giải quyết xung đột hôn nhân, chúng ta phải:

Sống hòa thuận nhau – Mác 9:50

Yêu thương nhau – Giăng 13:34; Rô-ma 12:10; 1 Phi-e-rơ 4:8; 1 Giăng 3:11, 23; 4:7, 11, 12.

Gây dựng nhau – Rô-ma 14:19; Ê-phê-sô 4:12; 1 Tê 5:11

Đồng tư tưởng với nhau – Rôma 12:16

Kính nhường nhau – Rô-ma 12:10

Chào thăm nhau – Rô-ma 16:16

Xem người kia tôn trọng hơn mình – Phi-líp 2:3

Phục vụ nhau – Galati 5:13

Tiếp nhận nhau – Rô-ma 15:7

Hết lòng với nhau – Rôma 12:10

Vui khóc với nhau – Rô-ma 12:15

Khuyên bảo nhau – Rô-ma 15:14; Cô-lô-se 3:16

Chăm sóc nhau – 1 Cô-rinh-tô 12:25

Chịu đựng nhau – Rôma 15:1-5; Ê-phê-sô 4:2; Cô-lô-se 3:13

Sống nhân từ và tha thứ nhau – Ê-phê-sô 4:32; Cô-lô-se 3:13

Phục tùng nhau – Rô-ma 12:10; Ê-phê-sô 5:21; 1 Phi-e-rơ 5:5

An ủi nhau – 1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:18

Khích lệ nhau – 1 Tê-sa-lôni-ca 5:11; Hê-bơ-rơ 3:13

Có lòng nhân từ với nhau – 1 Phi-e-rơ 3:8

Cầu nguyện cho nhau – Gia-cơ 5:16

Xưng tội cùng nhau – Gia-cơ 5:16

Chấp nhận nhau – Rô-ma 14:1; 15:7

Để giải quyết xung đột trong hôn nhân, chúng ta không được:

Kiêu căng chống đối nhau – 1 Cô-rinh-tô 4:6

Xét đoán nhau – Rô-ma 12:16

Nói dối nhau – Cô-lô-se 3:9

Thiên vị nhau – 1 Ti-mô-thê 5:21

Khiêu khích hay ganh ghét nhau – Ga-la-ti 5:26

Un đốt tình dục lẫn nhau – Rô-ma 1:27

Ganh ghét nhau – Tít 3:3

Đưa nhau ra tòa – 1 Cô-rinh-tô 6:1-7

Lợi dụng nhau – Ga-la-ti 5:15

Người Dịch: Thảo Anh
Nguồn: https://www.gotquestions.org/marriage-conflict.html

Làm Sao Để Cơ Đốc Nhân Đã Kết Hôn Tránh Cám Dỗ Ngoại Tình?

Khi một người đã có gia đình lại thân mật và gần gũi về tình cảm với một người không phải là vợ/chồng của mình thì đó là cám dỗ có nguy cơ dẫn đến ngoại tình. Sự thân mật về tình cảm với người không phải là vợ/chồng của mình có thể làm cho mối quan hệ hôn nhân riêng trở nên lạnh nhạt dần. Ngoài ra, thân mật tình cảm thường dẫn tới thân mật thể xác và sẽ hủy phá ngay chính hôn nhân của bản thân. Nhiều người phủ nhận tính nghiêm trọng của loại quan hệ tình cảm này, nhưng mối quan hệ như vậy không hề là vô hại, và có thể hủy phá hôn nhân cũng như làm gia đình tan nát.

Vợ chồng cần chia sẻ với nhau những nan đề, cảm nghĩ cùng nhu cầu riêng của mỗi người và xác định ranh giới cho những chuyện có thể chia sẻ với người ngoài và những người ngoài đó là ai. Có bạn bè bên ngoài mối quan hệ hôn nhân là chuyện bình thường, nhưng việc dựa vào người ngoài để đáp ứng nhu cầu tình cảm có thể trở thành cám dỗ, nhất là khi vợ chồng thường xuyên sống xa nhau. Bạn làm việc chung và những người bạn thường xuyên tiếp xúc sẽ trở thành chỗ dựa tình cảm thay chỗ của người phối ngẫu. Vì thế, mối quan hệ đồng nghiệp và tình bạn cần có ranh giới đúng mức để bảo đảm không vượt ra ngoài giới hạn.

Có những dấu hiệu cảnh báo khi nào tình bạn vô tư có thể dẫn tới loại quan hệ tình cảm này. Khi bắt đầu muốn che giấu những khía cạnh trong một mối quan hệ, tức là chúng ta đang vượt rào vào vùng cấm. Xa cách về mặt tình cảm giữa vợ chồng hoặc gia tăng cãi vã có thể là dấu hiệu cho thấy người phối ngẫu đang thân thiết với một người khác. Phải gần gũi mới thân mật được, cho nên không thể thân mật khi người phối ngẫu đã gần gũi với một người khác phái khác.

Cơ Đốc nhân phải cảnh giác trước cám dỗ nương dựa ai đó không phải là người phối ngẫu do Đức Chúa Trời ban cho mình. Sau đây là một số lựa chọn khôn ngoan:

  1. Tránh những lúc chỉ có một mình bạn với người khác phái, nhất là người mà bạn thích.
  2. Đừng dành thời gian cho ai đó nhiều hơn thời gian bạn dành cho người phối ngẫu.
  3. Đừng kể với người khác những điều riêng tư trong cuộc sống mình trước khi kể cho người phối ngẫu.
  4. Hãy sống trong suốt với nhau. Làm mọi việc như thể người phối ngẫu đang có mặt.
  5. Dành thời gian học Kinh Thánh và cầu nguyện cá nhân. Hãy cầu xin Chúa dựng hàng rào chung quanh hôn nhân của bạn (Gióp 1:10).
  6. Duy trì nếp suy tư trong sáng. Đừng ưa thích những ý tưởng lãng mạn về người khác.
  7. Sắp xếp thời gian mỗi ngày, mỗi tuần và mỗi tháng để ở bên người phối ngẫu và dùng thời gian đó vun đắp tình cảm cho nhau.

Tất cả những lựa chọn nầy sẽ giúp Cơ Đốc nhân nhận biết những điểm yếu của mình và tránh xa những cám dỗ trong quan hệ tình cảm với người khác phái.

Hôn nhân và gia đình chỉ phải đứng sau Chúa mà thôi trong thứ tự ưu tiên của người Cơ Đốc. Đức Chúa Trời là Đấng duy nhất có thể đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu chúng ta, và Ngài chiếm ưu tiên số một. Đức Chúa Trời chỉ định hôn nhân là sự liên kết hai người thành một (Sáng 2:24). Ngài muốn họ cùng phát triển và không cho phép điều gì phân rẽ họ (Ma-thi-ơ 19:6). Vợ chồng phải xem trọng mối quan hệ với nhau theo cách của Chúa và tìm mọi cách tăng cường cũng như vun đắp sự gần gũi ấy. Chúa cấm ngoại tình hoặc ham muốn người khác ngoài hôn nhân (Châm Ngôn 6:25; Xuất 20:14; Ma-thi-ơ 5:28). Những người bước ra ngoài khuôn mẫu Chúa đã thiết kế để thỏa mãn nhu cầu riêng thì phạm tội với Đức Chúa Trời và có thể hủy hoại các mối quan hệ của mình (Châm Ngôn 6:32; I Cô-rinh-tô 6:9-20).

Nhiều người trên thế giới cho rằng người đã kết hôn cần có thêm “không gian” tới mức phải sống độc lập thì mới có được mối quan hệ lành mạnh. Kinh Thánh không hề cổ vũ cho mối quan hệ gần gũi không lành mạnh. Tuy nhiên, theo định nghĩa, hôn nhân là cuộc sống cùng lập kế hoạch và cùng sống bên nhau; đó là sự phụ thuộc lẫn nhau. Những ai không hiểu kế hoạch của Đức Chúa Trời dành cho hôn nhân có thể nghĩ rằng chia sẻ mọi thứ với chỉ một người là thiếu lành mạnh, nhưng chính điều đó mới làm cho hôn nhân không giống bất kỳ mối quan hệ nào khác. Đó là sự kết hiệp phước hạnh giữa hai người và phản chiếu sự kết hiệp giữa Đấng Christ với Hội thánh của Ngài.

Thân mật với ai khác ngoài người phối ngẫu, dù là thân mật thể xác hay tình cảm, cũng đều là tội và xúc phạm lòng tin giữa hai vợ chồng.

Người dịch: Khue Tran
Nguồn https://www.gotquestions.org/emotional-affairs.html

Vợ, Chồng Có Vai Trò Gì Trong Gia Đình?

Tuy nam nữ bình đẳng trong mối liên hệ với Đấng Christ, nhưng Kinh Thánh có phân biệt vai trò cụ thể của mỗi người trong hôn nhân. Người chồng phải là người lãnh đạo trong gia đình (1 Cô-rinh-tô 11:3; Ê-phê-sô 5:23). Vai trò lãnh đạo nầy không mang tính chất độc tài, kẻ cả hoặc trịch thượng đối với vợ, mà phải theo gương Đấng Christ trong cách lãnh đạo Hội thánh. “Hỡi người làm chồng, hãy yêu vợ mình như Đấng Christ đã yêu Hội thánh, phó chính mình vì Hội thánh, để khiến hội nên thánh sau khi lấy nước rửa và dùng đạo làm cho hội tinh sạch” (Ê-phê-sô 5:25-26). Đấng Christ yêu Hội thánh (dân sự của Ngài) bằng lòng thương xót, nhân từ, tha thứ, tôn trọng và vị tha. Chồng cũng phải yêu vợ theo cách giống như vậy.

Vợ phải thuận phục thẩm quyền của chồng. “Hỡi kẻ làm vợ, phải vâng phục chồng mình như vâng phục Chúa, vì chồng là đầu vợ, khác nào Đấng Christ là đầu Hội thánh. Hội thánh là thân thể Ngài, và Ngài là Cứu Chúa của Hội thánh. Ấy vậy như Hội thánh phục dưới Đấng Christ thì đàn bà cũng phải phục dưới quyền chồng mình trong mọi sự” (Ê-phê-sô 5:22-24). Dù phụ nữ phải thuận phuc chồng, nhưng Kinh Thánh cũng nhiều lần nói về cách đàn ông phải cư xử với vợ mình. Người chồng không được đóng vai nhà độc tài mà phải tôn trọng vợ cùng ý kiến của vợ. Thật ra, Ê-phê-sô 5: 28-29 khuyên các ông phải yêu vợ như yêu chính thân mình, nuôi dưỡng và chăm sóc vợ. Người nam phải yêu vợ bằng tình yêu của Đấng Christ dành cho thân của Ngài là Hội thánh.

“Hỡi người làm vợ, hãy vâng phục chồng mình, vì điều đó hợp ý Chúa. Hỡi kẻ làm chồng, hãy yêu vợ mình, chớ hề ở cay nghiệt với vợ” (Cô-lô-se 3:18-19). “Những người làm chồng cũng vậy, hãy tỏ ra hiểu biết khi chung sống với vợ mình, quý trọng vợ như phái yếu hơn, vì họ sẽ cùng anh em thừa hưởng ân điển sự sống, để không có điều gì ngăn trở sự cầu nguyện của anh em”(1Phi-e-rơ 3:7, Bản Hiệu Đính). Dựa vào các câu nầy chúng ta thấy rằng tình yêu cùng sự tôn trọng là đặc điểm trong vai trò của cả chồng lẫn vợ. Nếu có tình yêu và sự tôn trọng, thì uy quyền, vai trò làm đầu và sự thuận phục sẽ chẳng phải là vấn đề đối với bên nào cả.

Về vấn đề chia sẻ trách nhiệm trong gia đình, Kinh thánh dạy người chồng phải chu cấp đầy đủ cho gia đình. Điều này có nghĩa là phải làm việc và kiếm tiền để đáp ứng đầy đủ những nhu cầu cần thiết trong cuộc sống của vợ con. Không làm được như vậy sẽ gây hậu quả thuộc linh rõ rệt. “Ví bằng có ai không săn sóc đến bà con mình, nhất là không săn sóc đến người nhà mình, ấy là người chối bỏ đức tin, lại xấu hơn người không tin nữa” (1 Ti-mô-thê 5:8). Vì vậy, đàn ông không cố gắng cung ứng cho gia đình thì không thể được gọi là Cơ Đốc nhân đúng nghĩa. Điều này không có nghĩa là người vợ không cần phụ giúp để chu cấp cho gia đình – Châm ngôn 31 chứng minh người vợ tin kính chắc chắn làm điều đó- nhưng nuôi gia đình không phải là trách nhiệm chính yếu của vợ mà là của chồng. Mặc dù chồng cũng phải giúp nuôi dạy con cũng như công việc nhà (nhờ đó làm tròn trách nhiệm yêu thương vợ), nhưng Châm ngôn 31 cũng nói rõ gia đình phải là lãnh vực chính mà người vợ chịu trách nhiệm và tạo ảnh hưởng. Cho dù người vợ phải thức khuya dậy sớm, thì gia đình vẫn thuộc trách nhiệm chăm sóc của người vợ. Đây không phải là lối sống dễ dàng đối với phụ nữ- nhất là trong các nước giàu có Tây phương. Tuy nhiên, có quá nhiều phụ nữ bị căng thẳng tới mức ngã quị. Nhằm ngăn ngừa căng thẳng, cả vợ lẫn chồng cần cầu nguyện để tái lập thứ tự ưu tiên và làm theo lời dạy của Kinh Thánh về vai trò của mình.

Xung khắc về việc phân chia công việc trong hôn nhân chắc chắn phải có, nhưng nếu cả hai đều thuận phục Đấng Christ, thì xung khắc sẽ giảm đi nhiều. Nếu vợ chồng thường xuyên và kịch liệt cãi nhau về vấn đề nầy, thì vấn đề là ở đời sống thuộc linh. Nếu vậy cả hai cần cam kết cầu nguyện và thuận phục ý Chúa trước tiên, sau đó thuận phục nhau trong tình yêu và sự tôn trọng.

Người dịch: Khue Tran
Nguồn: https://www.gotquestions.org/roles-husband-wife-family.html

Cơ Đốc Nhân Phải Kỷ Luật Con Cái Như Thế Nào? Kinh Thánh Dạy Gì Về Vấn Đề Này?

Việc kỷ luật hay sửa phạt con cái như thế nào để có thể mang lại hiệu quả nhất là một trách nhiệm đầy thách thức đối với các bậc làm cha làm mẹ, tuy nhiên đây là một vấn đề cực kỳ quan trọng. Một số bậc phụ huynh cho rằng việc kỷ luật con như đánh đòn (quất roi vào mông) là phương pháp duy nhất chỉ có Kinh Thánh ủng hộ. Một số khác thì lại nghĩ đến biện pháp kỷ luật Time-Out (cưỡng bách cách ly: bắt trẻ ngồi yên trên ghế một thời gian ngắn tùy độ tuổi hoặc tịch thu có quy định thời hạn một món đồ chơi nào đó của trẻ) và những hình phạt không liên quan đến roi vọt có hiệu quả hơn nhiều. Kinh Thánh nói gì về vấn đề này?

Kinh Thánh khẳng định rằng việc kỷ luật con cái bằng roi vọt là thích hợp, có ích lợi và thật sự cần thiết. Đừng vội hiểu lầm – Kinh Thánh không có ý chủ trương bạo hành trẻ con. Việc kỷ luật trẻ một cách thô bạo trên thân thể chúng đến mức độ gây thương tích là một hành động cần chê trách và đáng bị lên án. Tuy nhiên, theo lời Kinh Thánh, kỷ luật bằng roi vọt một cách hợp lý và thận trọng là điều tốt và nó góp phần trong sự dạy dỗ trẻ một cách lành mạnh và đúng đắn.

Thật vậy, có nhiều câu Kinh Thánh khuyến khích việc kỷ luật trẻ bằng roi vọt, chẳng hạn: “Chớ tha sự sửa phạt trẻ thơ. Dầu đánh nó bằng roi vọt, nó chẳng chết đâu. Khi con đánh nó bằng roi vọt, ắt giải cứu linh hồn nó khỏi âm phủ.” (Châm Ngôn 23:13-14; xem thêm 13:24, 22:15, 20:30). Thật vậy, Kinh Thánh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kỷ luật trẻ. Đây là điều mà tất cả chúng ta cần phải được trải nghiệm để có thể trở thành những con người sống có giá trị và hữu dụng. Những đứa trẻ khi còn nhỏ nếu không được kỷ luật một cách nghiêm khắc thì khi lớn lên sẽ trở nên ngang bướng, coi thường thẩm quyền, và hậu quả là rất khó để đưa chúng trở lại sự thuận phục và đi trong đường lối của Chúa. Chính Đức Chúa Trời đã áp dụng biện pháp kỷ luật nghiêm khắc để sửa trị con cái Ngài và đưa chúng ta trở lại con đường ngay thẳng; và cũng qua đó chúng ta có cơ hội ăn năn những lỗi lầm của mình (Thi Thiên 94:12, Châm Ngôn 1:7, 6:23, 12:1, 13:1, 15:5; Ê-sai 38:16; Hê-bơ-rơ 12:9).

Để áp dụng biện pháp kỷ luật một cách đúng đắn và tuân theo những nguyên tắc Thánh Kinh, cha mẹ của trẻ phải ghi nhớ nằm lòng những lời khuyên trong Kinh Thánh liên quan đến điều này. Sách Châm Ngôn chứa đựng rất nhiều những lời dạy khôn ngoan liên quan đến việc giáo huấn con cái, ví dụ như: “Roi vọt và sự quở trách ban cho sự khôn ngoan; còn con trẻ phóng túng làm mắc cỡ cha mẹ mình.” (Châm Ngôn 29:15). Câu Kinh Thánh này phác thảo viễn cảnh của những đứa trẻ không được kỷ luật nghiêm khắc mà hậu quả là cha mẹ chúng sẽ phải chịu sự hổ thẹn. Dĩ nhiên, việc kỷ luật là phải đúng mục đích và mục tiêu là để tốt cho đứa trẻ. Tuyệt đối không được áp dụng những hình phạt kỷ luật để biện minh cho hành động bạo hành và ngược đãi trẻ con. Cha mẹ cũng không nên dùng roi vọt để trút cơn giận hoặc nỗi thất vọng của mình lên chúng.

Việc kỷ luật thường được áp dụng để sửa trị và giáo huấn con người đi vào đường lối ngay thẳng: “Thật các sự sửa phạt lúc đầu coi như một cớ buồn bã, chớ không phải sự vui mừng; nhưng về sau sanh ra bông trái công bình và bình an cho những kẻ đã chịu luyện tập như vậy.” (Hê-bơ-rơ 12:11). Sự sửa phạt của Chúa mang thông điệp của tình yêu thương. Thiết tưởng điều này cũng cần được áp dụng khi cha mẹ sửa phạt con cái. Việc kỷ luật bằng roi vọt không được để lại những sự đau đớn hay những tổn hại lâu dài trên thân thể trẻ. Nên an ủi vỗ về trẻ sau khi sửa phạt bằng roi vọt để chúng hiểu rằng chúng luôn được yêu thương ngay cả khi đang chịu sự sửa trị. Những khoảnh khắc này chính là thời điểm hoàn hảo để dạy trẻ biết rằng: Đức Chúa Trời luôn kỷ luật chúng ta bởi lòng yêu thương của Ngài; và vì thế cha mẹ cũng áp dụng điều này đối với các con yêu quí của mình.

Có hình thức kỷ luật nào khác không? Ví dụ như biện pháp “Time-Out” (như đã nói ở trên) để áp dụng thay cho việc kỷ luật bằng roi vọt? Một vài phụ huynh nhận ra rằng đối với con của họ việc kỷ luật bằng đòn roi không phát huy tác dụng. Một số khác thì nhận thấy rằng biện pháp “Time-Out” thì có tác dụng hơn trong việc khuyến khích trẻ thay đổi hành vi. Nếu như trường hợp này thật sự hữu hiệu, sau khi đã thử hết cách, thì phụ huynh nên áp dụng phương pháp nào mà mang lại hiệu quả hơn trong việc khuyến khích trẻ thay đổi hành vi. Mặc dù Kinh Thánh không phủ nhận việc khuyến khích kỷ luật trẻ bằng roi vọt, nhưng lời Chúa quan tâm đến mục tiêu là xây dựng trẻ có nếp sống đạo hơn là đưa ra một biện pháp cụ thể để đạt được mục tiêu đó.

Hiện nay, chính phủ của một số quốc gia trên thế giới đã và đang cho rằng tất cả những hình thức kỷ luật trẻ con liên quan đến cơ thể chúng đều được cho là hành vi bạo hành trẻ. Vì lý do đó, có nhiều bậc phụ huynh đã không dám đánh đòn con vì họ sợ bị tố đến cảnh sát và có thể sẽ bị tước quyền chăm sóc chúng. Các bậc phụ huynh chúng ta nên làm gì nếu như quốc gia sở tại của mình cho rằng việc kỷ luật trẻ bằng roi vọt là vi phạm pháp luật? Theo như lời Chúa trong Rô-ma 13:1-7 dạy rằng chúng ta nên phục tùng nhà cầm quyền. Tuy nhiên những luật lệ do nhà cầm quyền đưa ra phải không được mâu thuẫn với Lời Chúa, cụ thể là việc kỷ luật trẻ bằng roi vọt – theo lời Thánh Kinh chép – đem đến lợi ích quý báu nhất định đối với một đứa trẻ. Dù thế nào đi chăng nữa, việc giáo dục và nuôi dưỡng đứa trẻ trong một gia đình Cơ Đốc nơi mà chúng có thể phải chịu một sự kỷ luật nghiêm khắc nào đó còn tốt hơn nhiều khi để chúng sa vào “sự giáo dục” từ các nhà cầm quyền vô tín.

Còn một điều nữa, trong Thư tín Ê-phê-sô 6:4 có khuyên rằng những bậc làm cha mẹ “chớ chọc giận” con cái mình. Điều này có nghĩa rằng chúng ta không nên châm chọc, coi thường và chê trách khi con cái mình phạm lỗi. Trái lại, chúng ta nên dùng tình yêu thương mà khuyên bảo và dạy dỗ chúng đi trong đường lối của Chúa. Nói tóm lại, hãy dưỡng dục con cái của chúng ta theo cách sửa phạt và khuyên bảo của Chúa, tức là bao gồm cả sự bẻ trách, uốn nắn và sửa trị. Và điều quan trọng là: hãy áp dụng các các hình thức kỷ luật này trên con cái mình một cách hợp lý, thận trọng và mang thông điệp của tình yêu thương.

Thanh Trang dịch
Nguồn: https://www.gotquestions.org/disciplining-children.html

Podcasts

Latest sermons