Sự Ăn Năn Thật

300

(II Phi-e-rơ 3:9)
Sứ đồ Phi-e-rơ nói rằng có những người hoài nghi tra vấn về sự trở lại của Chúa Giê-xu trong “ngày sau rốt”. Những người này tiếp tục chống lại Chúa Giê-xu cho đến khi Ngài trở lại. Phi-e-rơ đưa ra lý do chính là họ muốn sống phóng túng và không muốn đối diện với thực tế: Những người chống lại Đức Chúa Trời sẽ bị đoán phạt. Họ lập luận rằng từ buổi sáng thế đến giờ thế giới vẫn không thay đổi, sự sống trên địa cầu vẫn tiếp diễn không ngừng, vì thế không có lý gì để tin vào thảm họa toàn cầu xảy đến trong ngày sau rốt.

Phi-e-rơ đã đánh đổ lập luận nông cạn của họ bằng cách nêu ra những lý do sau đây. Thứ nhất, trong quá khứ Đức Chúa Trời đã sáng tạo vũ trụ và đã xử phạt thế giới tội lỗi bằng thảm họa tự nhiên vì thế Ngài cũng sẽ đoán phạt trong tương lai. Thứ hai, thời gian của Đức Chúa Trời không giống thời gian của con người. Chúng ta không thể ấn định các kế hoạch của Ngài bằng niên lịch của con người. Thứ ba, lý do Đức Chúa Trời trì hoãn sự đoán phạt là vì lòng nhẫn nại vô biên của Ngài. Đức Chúa Trời của hiện tại và tương lai cũng chính là “Đức Chúa Trời nhân từ, thương xót, chậm giận, đầy dẫy ân huệ và thành thực” của thời xuất Ai Cập. Nhiều người nghĩ Chúa chậm trễ nhưng Phi-e-rơ giải thích rằng thời gian của Chúa khác với của chúng ta. Con người sống trong thời gian nhưng Chúa đứng ngoài thời gian. Trước mắt Chúa “một ngày như ngàn năm và ngàn năm như một ngày” là cách diễn tả cho thấy Chúa không lệ thuộc thời gian của chúng ta. Ngài làm việc theo thì giờ của Ngài, không phải thì giờ của chúng ta. Đối với chúng ta dường như chậm trễ nhưng với Ngài chưa đến thời điểm. “Ngài không chậm trễ” có nghĩa là khi “giờ đã điểm” chắc chắn Ngài sẽ hành động. Biến cố tái lâm chắc chắn sẽ xảy ra đúng thời điểm của Ngài, cũng như “khi thời hạn được trọn, Ngài bèn sai Con Một của Ngài đến thế gian”. Chúa muốn chờ đợi đến một thời điểm tốt nhất, khi nhiều người đã có cơ hội ăn năn. Bản tính chúng ta là nôn nóng, vội vàng nhưng Chúa rất kiên nhẫn. Nhiều người muốn Chúa đến hôm nay nhưng Chúa chờ đợi để nhiều người có cơ hội đáp ứng tình yêu của Ngài. Chúa đến thình lình, không báo trước ngày giờ để chúng ta sẵn sàng. Chúa đến thình lình như kẻ trộm ban đêm để chúng ta luôn luôn cảnh tỉnh, không xao lãng. Trong khi chờ đợi Chúa đến, chúng ta cần sống đời sống thánh khiết liên tục. Nếp sống đạo đức của người Cơ Đốc đặt nền tảng trên việc Chúa đến thình lình. Chúng ta luôn luôn giữ mình thánh sạch như là Chúa đến hôm nay.

Đây không chỉ là sự kiên nhẫn của Đức Chúa Trời đối với kẻ chưa tin, mà cũng đối với chúng ta. Thay vì ngạc nhiên trước sự trì hoãn của Đức Chúa Trời, Phi-e-rơ khuyên chúng ta tra xét tội lỗi trong đời sống mình và ăn năn trọn vẹn, tập trung chú ý vào việc chuẩn bị linh hồn mình cho ngày đó, chấp nhận mỗi ngày là sự gia hạn phán xét đầy thương xót vậy. Đó cũng là cơ hội cho chúng ta kêu gọi người khác tìm kiếm Đức Chúa Trời khi còn có thể gặp được, hầu cho lòng sốt sắng của chúng ta có thể đáp ứng cho mong mỏi của Đức Chúa Trời muốn mọi người được cứu. Phi-e-rơ đặt ngược câu hỏi “Bao giờ đến ngày Chúa tái lâm?” cho chính chúng ta: “Anh em có sẵn sàng chưa?”. Sự phán xét của Đức Chúa Trời sẽ đổ trên người gian ác, nhưng ân sủng của Ngài ban cho người tin, mở lòng tiếp nhận Phúc Âm. Chúa tể trị và cứu rỗi con người. Sự tể trị này liên hệ đến lòng kiên nhẫn của Ngài đối với người hư mất cũng như cho người được lựa chọn có cơ hội ăn năn.

Phao-lô cũng cảnh cáo mọi người đừng “khinh thường lòng đầy nhân từ, khoan dung và nhẫn nại của Ngài mà không nhận biết rằng sự nhân từ của Đức Chúa Trời là để dẫn chúng ta đến sự ăn năn”. Người không được cứu cố giải thích sự chậm trễ của Đức Chúa Trời như là điểm không tốt trong bản chất của Ngài, nhưng người tin theo Chúa thì chúc tụng Ngài vì Ngài chờ đợi chúng ta ăn năn. Chúa “chậm trễ” vì một lý do nữa: để chúng ta ca ngợi tình yêu của Ngài.

Xin Chúa mở lòng, mở trí chúng ta để chúng ta hiểu hết được sự nhân từ kiên nhẫn của Ngài đối với chúng ta.