MƯỜI BÍ QUYẾT ĐỂ XÂY DỰNG MỘT GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC

1266

Mục sư-Tiến sĩ Billy Graham & Phu nhân

Khi báo chí Tân – Tây – lan hỏi Mục Sư và Bà Billy Graham: ” làm thế nào để Ông bà có thể sống với nhau suốt đời mà vẫn có hạnh phúc?” Ông Bà Mục sư đã chia sẽ kinh nghiệm sống của Ông Bà qua 10 bí quyết sau:

  1. Luôn Để Chúa Làm Chủ Gia Đình
    Bất cứ gia đình nào muốn có hạnh phúc, việc đầu tiên hai vợ chồng phải làm là mời Đức Chúa Trời làm chủ gia đình. Đây là điều căn bản nhất. Nếu không có Chúa làm Chủ, gia đình không thể hạnh phúc được. Mời Chúa làm Chủ có nghĩa là vợ chồng trong gia đình phải có lòng tin Chúa một cách thành thật. Cả hai vợ chồng đều phải kính mến Chúa và muốn làm theo lời Ngài. Trong bất cứ quyết định nào, hai người cũng cần hỏi ý Chúa, và quyết định theo tiêu chuẩn Chúa dạy trong Kinh Thánh. Chúng tôi nhấn mạnh “cả hai người, “vì vợ chồng phải có cùng đức tin, cùng quan niệm sống thì mới có thể đồng ý với nhau trong những việc làm khác được. Nếu vấn đề đức tin là căn bản mà hai vợ chồng không đồng ý với nhau, thì làm sao đồng ý với nhau trong những việc khác được? Đức tin là điều ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của đời sống con người, nên trong vấn đề xây dựng gia đình, chúng ta không thể loại bỏ đức tin ra ngoài.
    Hạnh phúc là kết quả của đời sống tin cậy Chúa, yêu mến Chúa và vâng lời Chúa và đó là đời sống có Chúa làm Chủ
  2. Tập Chấp Nhận Nhau
    Con người ai cũng có những điều thiếu sót cũng như những điều bất toàn, nên khi chúng ta sống với nhau, vợ chồng phải tập chấp nhận sự yếu đuối của nhau. Chấp nhận có nghĩa là bỏ qua, đừng chú ý đến những lỗi lầm, sơ sót của nhau. Đừng chỉ trích, cũng đừng đòi hỏi người kia phải tốt đẹp, toàn hão như một người chồng hoặc người vợ lý tưởng, nhưng nên cầu nguyện cho nhau, tìm cách khích lệ, nâng đỡ nhau, để dần dần cả hai đều trở nên tốt đẹp. Hãy nhớ lời dạy trong thư êphêsô 4:32 là “Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Chirst vậy.”
    Muốn thực hiện được điều nầy, mỗi người phải tự kiểm điểm để thấy được những nhược điểm và thiếu xót và bất toàn của mình và nghĩ đến những ưu điểm và đức tính tốt đẹp của người chồng hoặc của vợ. Đừng cho mình là khôn ngoan, tài giỏi hay tốt đẹp hơn người kia, nhưng nên thành thật với bản thân và khiêm nhường trước mặt Chúa, dần dần mình sẽ không thấy lỗi lầm và thiếu sót của người kia nữa.
  3. Cố Gắng Làm Trọn Trách Nhiệm Của Mình
    Trong gia đình Chúa đã ấn định người chồng là đầu của vợ, tức là người trụ cột trong gia đình, nên người chồng có trách nhiệm lãnh đạo chăm sóc, nuôi nấng, thương yêu vợ con và hướng dẫn vợ con trong sự tôn thờ và yêu thương kính Chúa. Nếu xao lãng trách nhiệm nầy, gia đình sẽ mất hạnh phúc, hỗn loạn và có thể đi đến chỗ đổ vỡ nữa. Kinh Thánh cũng dạy là người vợ phải vâng phục chồng, lo săn sóc việc nhà, yêu chồng con. Hai người cũng phải vì Chúa mà tôn trọng nhau và phục tùng nhau chứ đừng đổ lỗi hoặc chỉ trích nhau.
  4. Giữ Sự Cởi Mở Và Thân Mật Với Nhau
    Đây là một trong những bí quyết rất quan trọng mà nhiều người không để ý. Nhiều cặp vợ chồng đã đi đến chổ ly dị chỉ vì trong thời gian chung sống với nhau hai người không nói chuyện với nhau một cách thành thật, thân mật và cởi mở. Người chồng sống trong thế giới của người chồng; người vợ sống trong thế giới của người vợ. Nếu có nói chuyện cũng chỉ trao đổi vài câu thông thường, gắng gượng. Có nhiều lý do khiến vợ chồng không nói chuyện hay trao đổi ý kiến, và một lý do thông thường nhất là coi thường người kia là thất học, không biết gì, nên có nói chuyện hay hỏi ý kiến cũng bằng thừa, xin đừng có thái độ đó. Có những cặp vợ chồng rủ nhau đi ăn tiệm, quí vị thử để ý nhiều cặp vợ chồng sẽ thấy họ ngồi ăn cả buổi mà không nói với nhau một tiếng nào.
    Vợ chồng muốn hiểu nhau hơn, muốn yêu nhau hơn, thì phải nói chuyện với nhau, hỏi han nhau, tâm tình chia sẻ mọi vui buồn, mọi cảm nghỉ riêng của mình. Có chia sẻ mọi vui buồn, có tâm tình với nhau cách thành thật và cởi mở, thì tình nghĩa giữa hai người mới càng ngày càng đậm đà và khắng khít hơn. Còn nếu mạnh ai nấy sống, không ai thèm nói chuyện với ai điều gì cả, thì dần dần hai người sẽ giống như xa lạ và không làm sao có hạnh phúc được.
  5. Nên Dành Thì Giờ Riêng Tư Với Nhau
    Tuy trong gia đình vợ chồng nào cũng bận bịu làm ăn sinh sống, bận lo cho con cái, nhưng thỉnh thoảng hai người phải thoát khỏi cuộc sống bận rộn đó, để có thể đi chơi với nhau mà không bị bạn bè hay con cái quấy rầy. Những thời giờ đi riêng như thế rất cần cho hai người, vì đó là dịp vợ chồng ngồi lại trò chuyện cùng nhau cách riêng tư, chăm sóc nhau, nung nấu lại tình yêu ban đầu. Đó cũng là thì giờ để hai người nghỉ ngơi, quên đi những bận rộn, lo lắng trong tháng, và có thể tận hưỡng tình yêu của nhau.
    Sau nầy khi về già, con cái ra ở riêng, vợ chồng mới không cảm thấy trống vắng, ngượng ngùng khi chỉ còn hai người sống với nhau. Những thời giờ đi riêng như thế cũng là dịp để vợ chồng có thể bàn tính chuyện tương lai, nói ra những ước mơ thầm kín của mình.
  6. Sửa Đổi Thiếu Sót Và Từ Bỏ Tật Xấu Của Mình
    Trong thời gian chung sống với nhau, thế nào hai vợ chồng cũng khám phá ra những thiếu xót và tật xấu của nhau. Những thiếu sót, hoặc những tật xấu này thường là nguyên nhân gây ra những cãi vả, những sự bực mình khó chịu. Nếu hai vợ chồng yêu thương nhau và không muốn gia đình bị tan vỡ vì những thói xấu lẩm cẩm của mình, thì hãy cố mà sửa đổi, hoặc từ bỏ những điều mà mình biết vợ hoặc chồng mình không ưa thích. Đừng vì tự ái mà trở nên cố chấp, bướng bỉnh, vì chẳng ích lợi gì mà còn có hại cho hạnh phúc gia đình, cho tình yêu của hai người.
    Chúng ta cũng đừng quên là khi mình kết hôn với người nào, mình phải quên mình đi, để có thể kết hiệp với người ấy, ví như lời Chúa dạy: “Hai người không còn là hai nữa mà là một.” Và nếu hai người thật sự tôn Chúa làm Chủ, thì sẽ nhớ lời Chúa dạy là: “Từ bỏ các tật xấu, sữa đổi những sự thiếu sót là một cách chăm về lợi riêng của kẽ khác.”
  7. Tha Thứ Cho Nhau
    Khi sống chung với nhau, thế nào cũng có lúc vợ chồng bất đồng ý kiến, hiểu lầm nhau, hoặc giận nhau về những hành động, hoặc những lời nói vô tình. Trong những trường hợp ấy, hai người không nên giận lâu, nhưng nên làm hoà với nhau bằng cách giải thích cho vợ hay chồng mình hiểu, xin lỗi nhau rồi bỏ qua. Đừng làm to chuyện ra, cũng đừng tránh né vấn đề. Nên giải quyết càng sớm càng tốt, để không ai giận ai nữa.
    Đối với những người có tính giận lâu, đừng ghìm giữ lỗi người kia vào trong lòng, cũng đừng tìm cách trả thù bằng lời nói, vì sẽ đưa đến chỗ đổ vỡ lớn mà thôi. Lời Chúa dạy: “. .. chớ căm giận đến lúc mặt trời lặn, và đừng để ma quỉ nhân dịp ” (êphêsô 4:26) và trong Thi Thiên 37 dạy: “Hãy bỏ sự nóng giận và sự giận hoảng, vì điều ấy chẳng giúp ích gì. ….” mà có thể rất tai hại đến hạnh phúc gia đình. Muốn làm hòa hai người nên nhận lỗi và xin lỗi nhau, chớ đừng khư khư cho mình là đúng, hoặc đổ lỗi hết cho người kia. Đổ lỗi là một hành động hèn nhát hơn hết.
  8. Đừng Sống Ích Kỷ
    Vâng, ích kỷ là kẻ thù lớn nhất của hạnh phúc gia đình. Không có gì làm cho con người khốn khổ bằng tính ích kỷ không những làm khổ vợ con, họ hàng, mà còn làm khổ cho chính bản thân mình nữa. Người vợ cũng thế, nếu chỉ nghĩ đến mình, chỉ sống cho mình, không kể gì đến chồng con, sẽ làm chồng con đau khổ, và chính người ấy cũng không bao giờ thoả lòng. Vì ích kỷ là tôn thờ cái “tôi” của mình. Và khi cái tôi nhảy lên làm chủ, thì nó độc ác tàn nhẫn và không nương tay với ai cả. Lòng tham muốn của nó không có giới hạn, không có gì làm cho nó thoả lòng được.
    Vâng, sống ích kỷ là cách phá vỡ hạnh phúc gia đình nhanh nhất. Vì thế muốn có hạnh phúc, mỗi người trong gia đình phải đề phòng và chặn đứng tính ích kỷ của mình.
  9. Trao Dồi Đời Sống Tâm Linh
    Phần đông chúng ta tưởng rằng hễ hai người yêu nhau, sống bên nhau sẽ được hạnh phúc. Nhưng đã có biết bao nhiêu cặp vợ chồng yêu nhau tha thiết lúc ban đầu mà cuối cùng vẫn ly dị, mặc dù cả hai bên đều tin Chúa! Tại sao? Vì hai người không để ý đến đời sống tâm linh của mình. Thật ra chúng ta không thể nào thực hiện được tất cả các điều nêu trên, nếu đời sống tin kính Chúa của chúng ta còn non nớt, còn con nít trong Chúa. Phải là người trưởng thành trong đời sống tâm linh mới có thể chấp nhận sự thiếu sót của người khác, tha thiết yêu thương, chu toàn trách nhiệm, chịu từ bỏ những tính xấu, và mới biết sống hy sinh, vị tha quảng đại được. Hay nói cách khác, cách chúng ta ăn ở, cách chúng ta đối xử với người bạn đời của mình phản ánh mức độ tin kính Chúa của chúng ta. Đọc Galati 5:19 và câu 22 chúng ta sẽ thấy đời sống của người chưa trưởng thành, và người trưởng thành khác nhau ra sau. Và căn cứ trên hai câu Kinh Thánh đó, chúng ta cũng có thể biết mình trưởng thành hay chưa trưởng thành.
    Chính vì đời sống tâm linh của vợ chồng ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình rất nhiều, nên dù đã tin Chúa rồi, cả hai không nên ngưng học hỏi thêm. Trái lại cả hai vợ chồng đều phải tìm cách trao giồi đời sống tin kính Chúa hơn để càng ngày càng sâu nhiệm trong Chúa, càng trở nên giống Chúa Jesus hơn. Nếu một trong hai người lười biếng, không chịu học hỏi thêm, không chịu trao giồi đời sống tâm linh của mình, thì gia đình sẽ còn nhiều việc lục đục, nhiều điều buồn phiền xảy ra, vì trình độ chênh lệnh giữa hai người quá xa nhau. Chỉ khi nào cả hai vợ chồng có trình độ hiểu biết Chúa, yêu kính Chúa tương đương, thì mới có sự cảm thông, hiệp một và gia đình mới có hạnh phúc, vì hai người có thể nói chuyện với nhau dễ dàng.
  10. Hãy Để Chúa Ban Phước Cho Gia Đình
    Chúa cho chúng ta có gia đình không phải để chúng ta hưởng riêng mà thôi, nhưng để chúng ta phục vụ Chúa và người khác. Do đó, nếu gia đình chúng ta được hạnh phúc thì nhiều người nhờ đó mà thu hút đến với Chúa, tiếp nhận sự sống của Chúa. Ngoài ra gia đình hạnh phúc còn giúp các bạn trẻ thấy tấm gương sống tốt đẹp trong Chúa mà họ đang khao khát, để khi lập gia đình, họ sẽ không đi ra ngoài luật lệ của Chúa.
    Biết bao người trên thế giới thèm mong hạnh phúc thật! Chúng ta đang có hạnh phúc ấy trong tầm tay, vậy hãy vâng lời Chúa để hạnh phúc ấy sớm đến với chúng ta.

(Phỏng theo lời khuyên của bà Mục sư Billy Graham)