Melissa Kruger
Trước khi có con, tôi làm việc nhiều năm trong vai trò nhà tư vấn trại và giáo viên một trường trung học thật lớn. Cả hai môi trường nầy dạy tôi biết tầm quan trọng của kỷ luật trong sự phát triển của trẻ. Nếu không có tổ chức và nội quy, trại hè sẽ nhanh chóng chuyển thành một phiên bản nào đó của Chúa Ruồi (tiểu thuyết thể loại giả tưởng tự biện của William Golding, đạt giải Nobel văn chương năm 1983-ND). Thiếu kỷ luật trong lớp, học sinh sẽ không bao giờ có cơ hội học hỏi.
Qua những tháng năm làm việc với trẻ, năm nguyên tắc chỉ đạo đã giúp ích cho tôi trong vai trò nhà tư vấn, giáo viên, và đặc biệt là người mẹ. Dù không phải mọi phương pháp đều hiệu quả đối với trẻ, nhưng tôi thấy các phương pháp sau đây hiệu quả với nhiều trẻ, không phân biệt tuổi tác, giới tính hoặc tính khí.
1. Dạy theo cách chủ động thay vì đối phó.
Trẻ em cần được dạy lẽ phải cũng như cần được sửa sai. Những câu chuyện Kinh Thánh, những sự việc thường ngày, và cả những lỗi lầm là cơ hội để đặt câu hỏi: “Phải làm sao mới đúng?” Cho phép trẻ nói lên cách hành động đúng sẽ giúp trẻ hiểu rõ hơn, thay vì chỉ nghe bạn dạy bảo.
Lúc các con của tôi còn nhỏ, trước khi bước vào cửa hàng tạp hóa, tôi thường hỏi vui: “Các con có tính cư xử giống như bọn du côn trong cửa hàng nầy không?” Đương nhiên chúng sẽ đáp: “Dạ không!” Tôi hỏi tiếp: “Vậy thì bọn du côn làm gì khi vào cửa hàng nào?” Chúng sẽ kể ra đủ kiểu hành động như: chạy quanh cửa hàng, không nghe lời mẹ, leo lên xe đẩy để đứng, hỏi xin kẹo, la ó om sòm, cộng thêm một lô ý tưởng ngớ ngẩn khác.
Chủ động ôn trước những cách ứng xử trong cửa hàng sẽ giúp trẻ vâng lời. Mỗi ngày, trẻ con cần được nhắc nhở cách chơi với bạn, cách ứng xử nơi công cộng, cách đáp lại cử chỉ bất lịch sự, và cách nói lời xin lỗi. Nếu lúc nào chúng ta cũng nói “Đừng làm như vậy” mà không bảo “Hãy làm như vầy nè,” thì con chúng ta sẽ càng chán nản vì không biết làm sao mới là hành động đúng.
2. Hình phạt lẫn khen thưởng.
Khi lập giao ước với dân Y-sơ-ra-ên, Đức Chúa Trời đặt trước mặt họ cả phước lành lẫn rủa sả (Phục 30). Ngài báo trước rất rõ phước hạnh của sự vâng lời lẫn hậu quả của sự bất tuân. Trong lúc dạy con, chúng ta cũng nên làm như vậy.
Một số cha mẹ ngại ban thưởng vì nghĩ như vậy là giống như hối lộ. Tuy nhiên, phần thưởng và hối lộ về cơ bản khác nhau ở thông điệp chúng truyền tải. Phần thưởng khích lệ và khen thưởng hành vi đúng. Còn hối lộ là ban thưởng và khuyến khích hành động sai quấy. Cả hai thường có vẻ giống nhau, cho nên chúng ta hãy xem thí dụ sau đây.
Một bé 18 tháng tuổi không chịu ngồi trong xe đẩy ở cửa hàng tạp hóa. Nếu hối lộ bé, thì câu chuyện sẽ như sau: Mẹ và bé vào cửa hàng. Mẹ tìm cách đặt bé ngồi vào xe đẩy. Bé la hét, giận dữ và đá vào mẹ. Mẹ vẫn ấn bé xuống nhưng không được. Chán nản, bà nhìn vào ví, thấy có cây kẹo que, đưa cho bé để bé chịu ngồi yên.
Ngược lại, phần thưởng sẽ như sau: Trước khi xuống xe hơi, mẹ nhìn vào mắt bé và nói: “Mẹ biết nhiều lúc ngồi xe đẩy của cửa hàng thật khó chịu. Nếu con chịu ngồi yên trong xe đẩy, mẹ sẽ có quà cho con. Con có ngoan ngoãn giúp mẹ hôm nay không?” Bé đáp: “Dạ được,” và trông chờ quà ngạc nhiên từ mẹ. Hai mẹ con dạo trong cửa hàng, bé ngồi yên trên xe đẩy và nhìn thấy mẹ có kẹo que. Mẹ hứa nếu bé chịu ngồi yên và ngoan ngoãn thì bé được ăn cây kẹo que ngay trên đường về.
Trong tình huống thứ nhất, trẻ làm chủ tình hình. Về bản chất, trẻ được thưởng nhờ gào thét, la ó, đạp đá lung tung. Trong tình huống thứ hai, mẹ cứng rắn làm chủ tình hình, và trẻ được thưởng nhờ ứng xử đúng mức. Phần thưởng giúp con chúng ta cuối cùng hiểu được sự nhân từ trong đường lối của Đức Chúa Trời, đó là Ngài ban thưởng cho công sức của chúng ta (Cô-lô-se 3:23-24).
3. Cương quyết thực thi những qui luật đã đưa ra.
Lúc tôi bắt đầu dạy học, một số học sinh chỉ thua tôi năm tuổi. Tôi nhận biết mình phải củng cố qui luật để buộc chúng tôn trọng tôi. Chúng cần phải tin tôi nói “có” là “có” và nói “không” là “không,” để duy trì trật tự trong lớp học.
Với con cái chúng ta cũng vậy. Nếu bạn bảo con mình nếu nó đánh bạn bè thì sẽ phải rời khỏi công viên, thì bạn phải làm như vậy khi nó đánh ai đó. Nếu bạn bảo con trai không được xem phim khi chưa dọn dẹp giường ngủ, thì phải áp dụng như vậy khi nó không vâng lời. Con chúng ta cần biết rằng chúng ta nói là làm- cho dù điều đó không dễ dàng.
Dẫu vậy, tôi cũng cần lưu ý: Chỉ đưa ra biện pháp nào mà bạn sẵn sàng thực thi. Nếu bạn thực sự muốn đưa con đi xem phim hoặc chơi trong công viên, còn không thì hãy nghĩ ra một biện pháp khác thích hợp hơn với tình huống.
Tất cả chúng ta đều phải chấp nhận rằng hiếm có cơ hội thuận tiện để kỷ luật con cái. Chúng thường bất tuân khi chúng ta bận làm gì đó, nên không muốn dừng tay để yêu thương sửa dạy chúng. Thế nhưng kết quả của việc trung tín kỷ luật chúng đáng cho chúng ta phải hy sinh để kỷ luật. Tôi xin hứa như vậy.
4. Phương pháp kỷ luật phải hiệu nghiệm.
Những gia đình khác nhau thì dùng nhiều phương pháp kỷ luật con cái khác nhau. Thật ra, ngay cả trong cùng một gia đình, con cái vẫn cần nhận những hậu quả khác nhau. Tuy nhiên, cho dù là phương pháp nào đi nữa, chúng ta cũng biết nên rằng “Tất cả sự sửa phạt lúc nầy dường như chỉ làm cho đau đớn chứ không phải là vui mừng, nhưng về sau sinh ra bông trái công chính và bình an cho những người đã chịu luyện tập như vậy” như Hê-bơ-rơ có chép.
Dù bạn dùng phương pháp kỷ luật nào đi nữa thì chắc hẳn là sẽ gây khó chịu đối với con bạn. Cần nói rõ là kỷ luật không phải để lạm dụng trẻ, hoặc để cha mẹ con “trút giận” lên con cái. Kỷ luật là vì lợi ích của trẻ chứ không nhằm giải quyết cơn tức giận của cha mẹ. Nếu bạn tức giận hoặc thất vọng thì hãy chờ bớt giận rồi hãy sửa dạy con.
Trong gia đình chúng tôi, giai đoạn đầu của kỷ luật là la rầy nghiêm khắc, rồi nhắc đến hậu quả. Chúng tôi đem con ra khỏi tình huống, đặt mình ở trình độ của con, và nghiêm khắc nói cho con biết cách ứng xử của nó là không đúng. Nếu nó không nghe lời cảnh cáo, thì chúng tôi thường cách ly nó theo số phút thích hợp với độ tuổi của nó. Nếu nó không chịu cách ly hoặc vẫn ngoan cố sau khi bị cách ly, thì mới dùng roi.
Khi con đã lớn, những phương pháp nầy giảm hiệu nghiệm, cho nên cần đánh giá lại. Cắt giảm đặc quyền, phạt bằng tiền (do gây hư hại hoặc làm đổ vỡ), hoặc bắt làm thêm việc nhà, có hiệu quả hơn đối với trẻ lớn. Dù là cách kỷ luật nào đi nữa cũng cần phải hiệu quả đối với chính cá nhân trẻ.
Thực tế nầy là điều khó cho bậc làm cha mẹ. Tôi thích thấy con mình vui vẻ và thấy đau lòng khi làm cho chúng khổ sở. Thế nhưng lời hứa trong Hê-bơ-rơ 12:11 xoa dịu nỗi sợ của chúng ta. Sẽ có mùa gặt công chính và bình an cho trẻ được nuôi dạy bằng kỷ luật. Chúng ta chúc phước cho con mình khi yêu thương đủ để kỷ luật chúng.
5. “Bắt quả tang” trẻ làm điều đúng.
Tôi thấy đây là phương pháp hiệu quả để khích lệ trẻ. Tôi thường dạy trẻ 4 tuổi ở nhà thờ. Cách nhanh nhất buộc cả đám ngồi yên là nói: “Các con nhìn đây nè! Cô thích cách Sarah ngồi để hai tay lên đùi, chờ nghe kể chuyện kìa.” Ngay lập tức, 15 đứa trẻ khác cũng bắt chước ngồi để tay lên đùi, chờ nghe kể chuyện.
Khen ngợi là dụng cụ hiệu quả và là phước hạnh đối với trẻ. Lời khen giúp chúng biết đâu là điều phải, và đồng thời cho biết bạn quan tâm tới trẻ. Tất cả chúng ta đều muốn người chủ nhìn thấy điều tốt mình làm để khen, chứ không chỉ để sửa sai. Cũng vậy, con cái chúng ta cần chúng ta theo dõi mọi hành vi đúng, từng hành vi một, cũng như điều chỉnh từng hành vi sai trật.
Loại khích lệ nầy đặc biệt quan trọng đối với trẻ có vấn đề về ứng xử hoặc trẻ đang ở giai đoạn ương ngạnh nghiêm trọng. Lỗ tai chúng rất thính đối với lời khen đơn giản nhất. Hãy theo dõi chúng trong từng hành vi – từng điều – hợp lý theo khả năng của bạn.
Nguyên tắc Quan trọng Nhất
Các nguyên tắc kỷ luật nầy đã giúp ích cho vợ chồng tôi, nhưng cũng có giới hạn. Chỉ Đức Chúa Trời mới có thể thay đổi tấm lòng con cái chúng ta. Mọi sự khôn ngoan trong cách nuôi dạy con trên đời đều không thể cứu hoặc biến cải được con cái chúng ta, mà chỉ một mình Chúa Giê-xu mới làm được điều đó.
Trong khi chúng ta tìm cách sử dụng thật khôn ngoan mọi phương pháp nuôi dạy con, thì điều quan trọng nhất có thể làm được là dành thời gian đọc Kinh Thánh và cầu nguyện, xin Đức Chúa Trời hướng dẫn mình. Ngài lắng nghe, Ngài thấu hiểu và Ngài hứa thành tín cung ứng mọi sự khôn ngoan chúng ta có cần (Gia-cơ 1:5). Ước mong chúng ta tìm kiếm Ngài, cầu xin Ngài hành động trong lòng con cái mình.
Người dịch: Khue Tran
Nguồn: https://www.thegospelcoalition.org/article/5-principles-for-disciplining-your-children