Nếu Chúa Không Chữa Lành

1304

Dẫu biết rằng bệnh tật là một trong những hậu quả của tội lỗi mà con người phải gánh chịu, nhưng khi đối diện chúng, nhất là bệnh nan y, cảm xúc ban đầu của tất cả chúng ta là lo lắng và sợ hãi. Là Cơ Đốc nhân, chúng ta biết mình có một nơi để kêu cầu, đó là Giê-hô-va Ra-pha, Đấng Chữa Lành. Nhưng có phải lúc nào chúng ta cầu xin cũng được Chúa chữa lành không? Nếu Chúa không chữa lành thì sao? Chúng ta phải cầu nguyện như thế nào hay cầu xin điều gì cho chính mình và người thân của mình khi phải chống chọi với những căn bệnh “lành ít dữ nhiều”? Xin gửi đến quý độc giả câu trả lời qua bài viết dưới đây. (ND)

Nhiều tuần hóa trị đã phá hủy lớp niêm mạc miệng, làm tổn hại hệ miễn dịch, và đỉnh điểm là ca phẫu thuật kéo dài hàng tiếng đồng hồ để cắt bỏ khối u cỡ trái nho trong miệng của cô. Trong khi đó, bạn bè và người thân hết lòng dâng lên Chúa cùng một lời cầu xin: Chúa ôi, xin chữa lành cho cô ấy! Những lời cầu nguyện của họ bao phủ cô như là khí giới để cô chiến đấu trong cơn bệnh tật. Sau đó, cô chỉ vào đường thẳng trên bảng theo dõi bệnh lý mô tả các tế bào chết trong khối u và ngợi khen Chúa về sự thương xót của Ngài. Cô giải thích rằng hóa trị đã giết chết khối u trước khi bác sĩ phẩu thuật đưa dao vào, và sự chữa lành mà cô cầu xin bấy lâu nay đang kề cận.

Nhưng các tế bào chết đó không hứa hẹn sự chữa lành. Đúng hơn, đó là bướu ác hung hãn tấn công khiến mạch máu không thể chảy vào trung tâm khối u. Bướu phát triển nhanh tới mức không còn khả năng ở yên một chỗ. Nhiều tháng sau, chứng ung thư không chỉ tái phát mà còn lan rộng, làm tắt phổi và xâm lấn não.

Quay cuồng trong buồn đau

Khi sự cân bằng mỏng manh của các hệ cơ quan loạng choạng và suy sụp, thì những lời cầu xin chữa lành từ Hội Thánh cũng như từ chính môi miệng cô càng tha thiết hơn. Các bác sĩ khuyên cô nên sử dụng dịch vụ chăm sóc người bệnh giai đoạn cuối tại nhà, nhưng cô bám vào lòng tin quyết rằng Đức Chúa Trời phải làm cho bệnh tật của cô tan biến đi, và cô nhất định vô toa hóa trị cuối cùng. Dầu vậy, căn bệnh ung thư vẫn cứ tiến triển. Các chi bị phù nề và chất dịch tràn vào phổi. Rồi vào một đêm kinh hoàng, tiếng chuông báo động của phòng săn sóc đặc biệt vang lên khúc bi thương, tim cô đập nhẹ rồi từ từ dừng hẳn.

Hoàn toàn bất ngờ trước sự ra đi của cô, cả gia đình quay cuồng trong đau đớn. Họ đau khổ không biết sống thế nào khi vắng bóng cô, và tranh chiến để chấp nhận sự mong manh của một cuộc đời dấu yêu, tận trung cho Chúa, mặc dù họ liên tục nài xin Chúa chữa lành. Họ than khóc Sao việc này có thể xảy ra chứ? Chẳng lẽ Chúa không để ý đến lời cầu nguyện của họ sao? Hay thậm chí Ngài còn không nghe thấy? Phải chăng do họ cầu nguyện chưa đủ? Đức tin của họ liệu có nghèo nàn quá hay không? Làm sao Chúa lại có thể phớt lờ khi cô trung tín với Ngài đến như vậy?

Đức Chúa Trời đã dựng nên trời đất, bắn các hành tinh vào quỹ đạo, và tập hợp vật liệu làm nên tế bào chất trong cơ thể chúng ta. Chắc chắn, Ngài cũng có thể loại bỏ bệnh ung thư, sắp xếp lại các xương, hay phục hồi sự lưu thông máu đến những vùng tổn thương.

Giằm Xóc khó chịu hiện nay

Đức Chúa Trời có thể và đã từng chữa lành. Trong quá trình tôi khám chữa bệnh, Ngài đã dùng sự phục hồi thật mong manh của một bệnh nhân để kéo tôi đến gần Ngài. Trong thời gian thi hành chức vụ, Chúa Giê-xu đã thực hiện những lần chữa lành thật kỳ diệu qui vinh hiển cho Đức Chúa Trời và làm vững mạnh đức tin (Math 4:23; Lu 4:40). Kinh Thánh khuyến khích chúng ta sốt sắng cầu nguyện (Lu 18:1-8; Phil 4:4-6). Nếu Thánh Linh thôi thúc chúng ta cầu xin sự chữa lành, dù là cho bản thân hay cho người khác, thì chúng ta cũng phải tha thiết cầu xin.

Nhưng khi cầu xin, chúng ta phải chú ý đến sự khác biệt quan trọng: dù Chúa có quyền chữa lành, nhưng chúng ta không bao giờ được nghĩ rằng Ngài phải chữa lành.

Sự chết là hậu quả của sự sa ngã (Rô 6:23). Sự chết đến với tất cả chúng ta, và cách phổ biến nhất là qua bệnh tật. Khi Đấng Christ trở lại, không có căn bệnh nào có thể làm vấy bẩn công trình sáng tạo của Đức Chúa Trời (Khải 21:4), còn bây giờ, chúng ta phải chờ đợi và than thở vì thân thể héo mòn. Chúng ta có thể cho rằng sự chữa lành là điều tốt đẹp nhất, nhưng sự khôn ngoan của Chúa vượt trổi hơn cả tầm hiểu biết ấn tượng nhất của chúng ta (Ê-sai 55:8). Chúng ta không thể uốn nắn ý muốn Ngài cho giống với ý của mình được.

Nhiều lần Kinh Thánh mô tả những trường hợp trong đó Đức Chúa Trời không loại bỏ ngay sự đau khổ, mà ngược lại, Ngài dùng nỗi khổ đau cho mục đích tốt lành (Sáng 50:20; Giăng 11:3-4; Rô 5:3-5). Sứ đồ Phao-lô viết về sự đau đớn trong chính thân thể ông khi “một giằm xóc vào thịt tôi… đã ba lần tôi cầu nguyện Chúa cho nó lìa xa tôi. Nhưng Chúa phán rằng “ân điển Ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối” (II Cô 12:7-9). Câu trả lời của Đức Chúa Trời đối với lời cầu xin của Phao-lô không phải là chữa lành cho ông mà là hành động qua sự đau đớn của Phao-lô để kéo ông đến gần sự vinh hiển của Ngài. Tấm gương tuyệt vời nhất, đó là qua sự đau đớn và sự chết của Đấng Christ, Ngài giải cứu chúng ta khỏi tội lỗi và tuôn đổ ân điển trên chúng ta (Rô 3:23-25; Êph 1:7).

Nhịp tim hướng về Thiên đàng

Khi chúng ta làm ngơ việc Chúa làm trong cơn khốn khổ, mà chỉ nín thở bám lấy hy vọng được chữa lành, tức là chúng ta đã từ bỏ những cơ hội để gần gũi, để có sự thông công và chuẩn bị tâm linh vào lúc cuối đời mình. Nghiên cứu cảnh báo rằng những người ở trong cộng đồng tôn giáo thường theo đuổi những giải pháp táo bạo lúc cuối đời, và rất có thể là chết trong phòng săn sóc đặc biệt (ICU).

Nếu chỉ chăm chăm trông chờ sự chữa lành thay vì nhìn vào thực tế thân thể hay chết của mình, thì chúng ta sẽ chạy theo những cách chữa trị không chỉ vô vọng, mà còn cướp mất khả năng suy nghĩ, giao tiếp và cầu nguyện trong những ngày cuối đời. Chúng ta quên rằng nếu Chúa không chữa lành thì điều chúng ta cần là sự dũng cảm, bình an và sáng suốt để chịu đựng. Và nếu sự chữa lành không đến thì một tâm trí chỉ nghĩ đến sự chữa lành khiến chúng ta và những người chúng ta yêu mến bị mắc cạn trong những nỗi nghi ngờ đáng lo ngại về giá trị của đức tin.

Phúc âm đem đến niềm hy vọng vượt trội hơn cả việc chữa lành cơ thể chúng ta. Bên nầy thập tự giá, ngay cả khi tầm nhìn của chúng ta bị lu mờ và thế giới có tận chung, thì chúng ta cũng chẳng cần phải sợ chết. Đấng Christ đã chiến thắng, và qua sự phục sinh của Ngài, sự chết đã mất hết nọc độc (I Cô-rinh-tô 15;55-57). Sự chết chỉ là hơi thở tạm bợ, là sự chuyển tiếp, là một nhịp đập trước lúc chúng ta đoàn tụ với Chúa phục sinh của mình (II Cô-rinh-tô 4:17-18). Bên kia thập tự giá, chết không phải là hết. Nhờ sinh tế của Đấng Christ thay cho chúng ta, nhờ ân điển tuôn tràn từ Đức Chúa Trời, chúng ta nhận được sự chữa lành tâm linh để bước qua cõi đời đời, cho dù thân thể hiện tại của chúng ta có hao mòn và vỡ tan.

Cầu xin những điều khác nữa

Khi đối diện với bệnh tật đe dọa tính mạng, tất nhiên hãy cầu xin được chữa lành nếu Thánh Linh cảm thúc bạn làm điều đó. Nhưng cũng hãy cầu nguyện rằng, nếu sự chữa lành không phải là điều Chúa muốn, thì xin Ngài trang bị cho bạn và người thân sức mạnh, sự thông sáng và sự nhận biết ý muốn Ngài. Hãy cầu xin Chúa ban cho hết thảy chúng ta sự bình an để chịu đựng sự đau đớn, hay sự yếu đuối bằng đôi mắt hướng về thiên đàng, ngay cả khi sự sợ hãi khiến chúng ta phải quỳ xuống. Hãy cầu nguyện rằng khi bóng tối xâm lấn, và ánh sáng trong chúng ta tắt lịm dần, thì ánh sáng của thế giới tâm linh sẽ soi rọi tâm trí và tấm lòng chúng ta, kéo chúng ta đến với chính Ngài trong những giờ phút cuối cùng chúng ta còn trên đất này. Hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta nhận biết trong lòng rằng kết cuộc của chúng ta trên đất này không hề là sự tận cùng.

Cho dù sự chết có vẻ tăm tối đến đâu, thì nó cũng chỉ thoáng qua và tạm thời, chỉ là một hơi thở trước khi nhận lãnh sự sống đời đời.

Tác giả: Kathryn Butler

Người dịch: Khue Tran
Nguồn https://www.desiringgod.org/articles/if-god-doesnt-heal-you