Trang chủ Blog Trang 11

Xung Đột Không Luôn Luôn Xấu

Đại dịch Covid-19 xảy ra đã tạo nên phản ứng lẫn lộn trong các mối quan hệ. Thời gian gặp nhau nhiều hơn đem lại ích lợi cho một số người và làm cho không ít cuộc hôn nhân thêm vững mạnh. Nhưng một số khác thì thấy các mối quan hệ thân thiết gặp khó khăn hơn. Tôi đã nghe nhiều báo cáo về tình trạng cãi nhau, đánh nhau, ngược đãi và ly thân/ ly dị gia tăng. Tôi e rằng đây chỉ mới là phần nổi của nhiều nan đề về mối quan hệ liên quan đến đại dịch. Ngoài ra, chúng ta cũng đang sống trong thời kỳ mà mọi người kêu gọi cải cách về công bằng và bình đẳng chủng tộc. Những cuộc phản kháng nổ ra và sau đó là xung đột gia tăng.

Tôi không hề thích thú khi có xung đột. Cũng như nhiều người khác, tôi thích hoà bình, thích sự hiệp một và sự hoà hợp trong các mối quan hệ của mình. Nhưng vì chúng ta đang sống trong thế giới sa ngã nên xung đột là điều không thể tránh khỏi (Sáng Thế Ký 3-4).

Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta hết hy vọng. Mọi xung đột không nhất thiết phải kết thúc trong sự chia rẽ, giận dữ hay giết người. Xung đột có thể dẫn đến thay đổi tích cực. Trong thời đại mà nhiều người đau khổ bởi những xung đột của cuộc sống hiện đại, chúng ta cần vui mừng nhận ra rằng xung đột không phải lúc nào cũng là điều xấu.

Xung đột = Cơ hội

Xung đột thật ra là những cơ hội. Điều đó không có nghĩa là lúc nào xung đột cũng đem lại kết quả như mong đợi, nhưng xung đột cho chúng ta cơ hội để tăng trưởng và thay đổi. Điều này đúng với những xung đột xảy ra giữa bạn chung phòng, trong gia đình, hàng xóm, Hội thánh, cơ quan, thành phố và giữa các quốc gia.

Nan đề xuất hiện khi chúng ta lãng phí trong xung đột.
Bạn lãng phí cơ hội để thay đổi khi lựa chọn né tránh hoặc tấn công. Phải loại bỏ những phản ứng tháo chạy hay đôi co; thay vào đó, chúng ta phải cố gắng giải quyết vấn đề để kinh nghiệm sự bình an thật và tăng trưởng.

Việc này không hề dễ dàng. Bạn sẽ phải đương đầu với vấn đề (hay con người) – và điều đó có thể đòi hỏi bạn phải có những “cuộc đối thoại khó xử”. Bạn sẽ phải tra xét lòng mình trước khi chỉ ra lỗi lầm của người khác. Nó đòi hỏi sự trung thực, xưng tội, ăn năn và những thay đổi thiết thực trong tương lai. Điều này đòi hỏi nhiều năng lượng cảm xúc. Nó đòi hỏi phải bày tỏ bông trái Thánh Linh trong đời sống chứ không phải làm thoả mãn những dục vọng của xác thịt (Ga. 5:16). Nhưng đó là việc đáng làm. Việc làm yêu thương này là vì lợi ích của chúng ta, của người khác, và vì sự vinh hiển của Chúa. Thế nên, dù chúng ta không mong đợi hay tạo ra xung đột, nhưng chúng ta nên nhìn thấy cơ hội để trưởng thành trong đức tin.

Hãy làm người hoà giải
Giải hoà là điều Đấng Christ đem đến, cả trên mức độ cá nhân lẫn toàn vũ trụ, qua công tác của Ngài trên thập tự giá (Cô-lô-se 1:19-23). Cứu Chúa bị đóng đinh và phục sinh cho chúng ta khuôn mẫu lẫn năng lực để giải hoà. Khi chúng ta tìm cách giải hoà, Ngài nói chúng ta “được phước” và những người làm cho người khác hoà thuận như thế được gọi là “con Đức Chúa Trời”, vì khi làm như vậy chúng ta phản chiếu bản tính của Ngài (Ma-thi-ơ 5:9).

Nhưng thật dễ trở thành người giải hoà giả mạo hay người phá vỡ sự hoà thuận.
Người giải hoà giả mạo giả bộ như mọi chuyện đều êm đẹp nhưng thật ra không phải. Họ vẫn thụ động hay thờ ơ, nhưng những phản ứng của họ không đem đến sự tăng trưởng và thay đổi, cũng không tôn cao Chúa. Người ta có thể lựa chọn cách này dựa trên những căng thẳng gần đây về chủng tộc tại Hoa Kỳ. Một phương cách tốt hơn nhiều là đối thoại, lắng nghe, học hỏi, than khóc và có những thay đổi thiết thực trong cuộc sống, trong công việc, trong Hội thánh, trong trường học, thành phố hay trong những lĩnh vực ảnh hưởng khác. Bạn sẽ trưởng thành hơn, người khác được tôn trọng cách đúng đắn và Đức Chúa Trời được vinh hiển qua những sự thay đổi như thế.

Người phá vỡ sự hoà thuận tạo ra xung đột vì họ không có khả năng tự kiềm chế (tiết độ). Xung đột trong mối quan hệ bắt nguồn từ những thèm muốn bên trong (Gia-cơ 4:1-3). Khi những ham muốn về điều tốt (sự an ủi, nghỉ ngơi, thức ăn, hạnh phúc) hay điều tội lỗi (tham vọng ích kỷ, ganh tỵ, tham lam) không được đáp ứng, thì dẫn đến sự xáo trộn.

Còn người hoà giải có những đặc điểm như trong sạch, yêu chuộng hoà bình, dịu dàng, biết lẽ phải, thương xót, có ích, chân thành, thành thật và chân thật (Gia-cơ 4:17). Những đặc điểm này hiện diện khi có sự thoả mãn sâu xa trong Chúa. Khi một người thường xuyên nếm biết rằng Đức Chúa Trời là tốt lành, điều đó sẽ tác động đến thái độ, lời nói và các mối quan hệ của người ấy cách lạ lùng (I Phi-e-rơ 2:1-3).

Hy vọng cho người bị tổn thương
Thật dễ tấn công hoặc bỏ chạy khi gặp xung đột. Thật dễ né tránh những cuộc đối thoại lúng túng bạn phải đối diện, hoặc mất trí vì xung đột trong mối quan hệ. Thật dễ né tránh việc đến với một người bạn, một vị mục sư hay nhà tư vấn đáng tin cậy để được giúp đỡ- nhưng lại nổi cáu và nuôi hận thù. Còn nếu, bởi quyền năng của Thánh Linh, bạn tìm kiếm sự tha thứ và giải hoà trong các mối quan hệ của mình, thì cá nhân bạn sẽ được tăng trưởng, rồi bạn sẽ giúp người khác tăng trưởng, và bạn sẽ tôn cao danh Chúa.

Chúa Giê-xu có một khả năng tuyệt vời là khiến cho tình huống cực kỳ tệ hại được biến đổi trở thành tốt đẹp. Ngài bày tỏ ân điển giải hoà cho những người đau khổ và phục hồi họ. Ngài sẽ không bẻ cây sậy đã giập (Ê-sai 42:3). Ngài phục hồi những kẻ bị tổn thương để họ có thể kết quả và sai trái. Chúa Cứu Thế dịu dàng, và Ngài ban sự yên nghỉ cho những người mệt mỏi. Một ngày kia, Vua Hoà bình sẽ mở ra một thời kỳ hoà bình trên khắp đất. Từ đây cho đến lúc đó, hãy cho thế giới thấy Vua của chúng ta ra sao và vương quốc của chúng ta như thế nào khi chúng ta thực hành lời Ngài phán: “Phước cho những người hòa giải, vì sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời” (Ma-thi-ơ 5:9).

Tác giả: Tony Merida
Người dịch: Khue Tran
Nguồn: www.thegospelcoalition.org

Những Giá Trị Nền Tảng Của Gia Đình Cơ Đốc

“Ba là cây nến vàng, mẹ là cây nến xanh,
Con là cây nến hồng, ba ngọn nến lung linh.
Lung linh lung linh, tình mẹ tình cha
Lung linh lung linh, cùng một mái nhà
Lung linh lung linh, cùng buồn cùng vui
Lung linh lung linh, hai tiếng gia đình!”

Đó là những ca từ dễ thương của bài hát được nhiều người yêu thích “Ba ngọn nến lung linh” của Ngọc Lễ, một bài hát hiếm thấy trong dòng nhạc hiện đại ở Việt Nam ca ngợi tình yêu gia đình. Tình yêu gia đình là một tình cảm quý báu, đáng trân quí bởi vì “Gia đình là nơi cuộc sống bắt đầu và tình yêu không bao giờ kết thúc” như một tác giả đã nhận định. Tuy nhiên, có lẽ mọi người không ai biết rõ nguồn gốc của hôn nhân gia đình, ai đã thiết lập hôn nhân gia đình. Có thể nói không có nền văn hóa nào, tôn giáo cho chúng ta biết rõ nguồn gốc, ý nghĩa hôn nhân gia đình ngoài trừ Kinh Thánh của Cơ Đốc giáo. Sách Sáng Thế Ký chương 2 cho biết chúng ta biết rõ rằng Đức Chúa Trời là Đấng thiết lập hôn nhân, gia đình đầu tiên để qua đó ban phước cho nhân loại.

Ngày Trung Tráng niên Tin Lành hay có thể gọi là “ngày gia đình Cơ Đốc” là cơ hội để chúng ta cùng nhau học về vấn đề “Những giá trị nền tảng của gia đình Cơ Đốc”.

I/ TẠI SAO CHÚNG TA PHẢI QUAN TÂM XÂY DỰNG MỘT GIA ĐÌNH CƠ ĐỐC VỮNG MẠNH?

  1. Gia đình Cơ Đốc trong xã hội hiện đại đang đối diện với nhiều nan đề, thách thức

• Giá trị đạo đức tốt đẹp về hôn nhân, gia đình đã bị đảo lộn, phá đổ.

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà hôn nhân, gia đình bị khủng hoảng trầm trọng. Những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp bị đảo lộn, phá đổ: Người ta coi thường sự trinh tiết, chủ trương sống thử trước khi kết hôn; ngoại tình không còn bị coi là tội ở Ấn Độ, đó là chưa kể đến chuyện “hôn nhân đồng tính” quái gở, chủ trương không cần hôn nhân, kết hôn…

• Tỉ lệ ly hôn, gia đình đổ vỡ, con cái hư hỏng ngày càng gia tăng

Ở Mỹ, cứ hai cặp kết hôn thì đã có một cặp ly hôn. Ở Việt Nam tỉ lệ hôn cũng gia tăng đến mức báo động. Theo thống kê năm 2020 của Gs Nguyễn Minh Hòa

– ĐH KHXH&NV thì tỉ lệ ly hôn ở nước ta hiện nay là 31,4%.

  1. Trách nhiệm xây dựng và bảo vệ gia đình Cơ Đốc của chúng ta

Đa-vít là vị vua tin kính đã từng trăn trở trong thời của mình “Nếu các nền bị phá đổ, Người công bình sẽ làm sao?” (Thi 11:3). Chúng ta hôm nay cũng đang sống trong một thời đại mà mọi nền tảng tâm linh, đạo đức của gia đình, xã hội bị bào mòn, phá đổ, khiến chúng ta không khỏi lo lắng, trăn trở. Là những người công chính, chúng ta không thể khoanh tay ngồi nhìn mà phải tích cực xây dựng lại để bảo tồn và phát huy gia đình Cơ Đốc.

  1. Gia đình là nền tảng căn bản của xã hội và Hội Thánh
    Ma quỉ đang tìm cách tấn công gia đình Cơ Đốc, tấn công Hội Thánh để phá hủy. Gia đình vững mạnh thì Hội Thánh sẽ vững mạnh và phát triển. Vì thế đã đến lúc chúng ta phải tích cực xây dựng gia đình Cơ Đốc cho thật vững mạnh.

II/ XÂY DỰNG GIA ĐÌNH CƠ ĐỐC VỮNG MẠNH TRÊN NHỮNG GIÁ TRỊ NỀN TẢNG NÀO?
Trong thời gian học Lời Chúa tại trường Trinity Theological College – Singapore, tôi tình cờ gặp được một tập sách nhỏ có tựa đề “Family Values” (Những giá trị gia đình) do Bộ Phát triển Cộng đồng và Thể thao (Ministry of Community Development and Sports) của Singapore phát hành, tôi ngạc nhiên thích thú và thầm khen ngợi chính phủ Singapore biết quan tâm đến giáo dục gia đình. Trong tập sách nhỏ này, tác giả đã nêu ra năm giá trị cốt lõi của gia đình mà chính phủ Singapore muốn công dân nước họ phải hướng đến, đó là:

(1) Tình yêu, sự chăm sóc và quan tâm (Love, Care and Concerns)
(2) Tôn trọng nhau (Mutual Respect)
(3) Trách nhiệm hiếu kính (Filial Responsibility)
(4) Sự cam kết (Commitment) và
(5) Truyền thông (Communication).

Khi đọc tập sách này, tôi liên tưởng đến những giá trị mà Cơ Đốc nhân phải xây dựng. Chúng ta phải xây dựng gia đình Cơ Đốc trên những giá trị nền tảng nào? Dường như chúng ta chưa thống nhất để đưa ra những giá trị cụ thể. Vì thế, dựa vào sự dạy dỗ của Kinh Thánh, tôi xin đề nghị “Bảy giá trị nền tảng của gia đình Cơ Đốc” sau đây:

  1. Hết lòng kính mến và thờ phượng một Đức Chúa Trời Ba ngôi (Phục 6:4-5)
    “Hỡi Y-sơ-ra-ên! Hãy nghe: Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta là Giê-hô-va có một không hai. Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi.”

Tại sao đây là giá trị nền tảng đầu tiên? Bởi vì Đức Chúa Trời là Đấng thiết lập hôn nhân, Ngài phải là chủ của hôn nhân & gia đình bạn. Ngài thành phần thứ ba trong giao ước hôn nhân. Một nhà tư vấn Cơ Đốc đã nói rất đúng rằng:

“Có ba nguyên nhân khiến hôn nhân gặp nan đề: bước vào hôn nhân mà không biết hôn nhân là gì; bước vào hôn nhân mà không biết vai trò của người chồng là gì, của người vợ là gì; và bước hôn nhân mà loại trừ Đức Chúa Trời ra khỏi hôn nhân nhân của mình”.

Cũng cần nhấn mạnh rằng Đức Chúa Trời của chúng ta là “Giê-hô-va có một không hai”, là Đức Chúa Trời toàn năng ba ngôi Cha, Con và Thánh Linh và Chúa Giê-xu là hiện thân của Đức Chúa Trời. Hiện nay trong vòng con dân Chúa cũng có những người không vững vàng trong đức tin, chối bỏ lẽ đạo Ba ngôi.

Đây là giá trị nền tảng không thể thiếu vì Đức Chúa Trời là nguồn phước của gia đình “Phước cho người nào kính sợ Đức Giê-hô-va, đi trong đường lối Ngài” (Thi 128:1) Thi thiên 128 là bài ca tuyệt vời về một gia đình Cơ Đốc lý tưởng, phước hạnh để chúng ta noi theo.

  1. Yêu mến và vâng giữ Lời Chúa là “Lời hằng sống của Đức Chúa Trời” (Giô-suê 1:8)
    “Quyển sách luật pháp nầy chớ xa miệng ngươi, hãy suy gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong; vì như vậy ngươi mới được may mắn trong con đường mình, và mới được phước.”

Kinh Thánh là quyển cẩm nang tuyệt vời về hôn nhân, gia đình. Chúa và Lời Chúa là một. Chúng ta không thể yêu mến Chúa mà xa rời lời Chúa. Lời Chúa là lương thực để nuôi linh hồn chúng ta, vì thể chúng ta phải nuôi mình bằng Chúa mỗi ngày qua việc đọc, suy ngẫm và cẩn thận làm theo như Giô-suê 1:8 dạy. Chính Chúa Giê-xu cũng nhắc nhở chúng ta trong Mat 4:4 rằng “Người ta sống chẳng phải nhờ bánh mà thôi, mà còn nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời”.

Kinh Thánh cũng là quyển cẩm nang về hôn nhân gia đình Cơ Đốc. Có thể nói không có sự dạy dỗ nào về hôn nhân nhân gia đình khôn ngoan và sâu sắc cho bằng Kinh Thánh. Nó là bí quyết của gia đình hạnh phúc vì nó xuất phát từ Đức Chúa Trời khôn ngoan, là Đấng đã thiết lập hôn nhân cho nhân loại.

  1. Phục vụ Chúa và tha nhân (Phục truyền 6:13)
    “Ngươi phải kính sợ Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, phục sự Ngài, và lấy danh Ngài mà thề.”
    Cơ Đốc nhân không chỉ yêu mến, kính sợ Chúa mà còn hết lòng phục vụ Ngài nữa và gia đình Cơ Đốc cũng là gia đình phục vụ Chúa như Giô-suê tuyên bố “Nhưng ta và nhà ta (gia đình) sẽ phục sự Đức Giê-hô-va.” (Giô 24:15b)
    Vì thế cha mẹ phải dạy dỗ con cháu mình biết phục vụ Chúa và tha nhân, “yêu thương người lân cận như mình” để làm vinh hiển danh Chúa.
  2. Yêu thương quan tâm, chăm sóc lẫn nhau (Tình yêu gia đình) (1Tim 5:8)
    “Ví bằng có ai không săn sóc đến bà con mình, nhứt là không săn sóc đến người nhà mình, ấy là người chối bỏ đức tin, lại xấu hơn người không tin nữa.”
    Gia đình Cơ Đốc phải là mái ấm của tình yêu và hạnh phúc. Cơ Đốc giáo của tôn giáo của tình yêu, vì thế con dân Chúa trước hết phải thể hiện tình yêu trong gia đình như nhạc sĩ Ngọc Lễ đã diễn tả “Lung linh lung linh, tình mẹ tình cha; Lung linh lung linh, cùng một mái nhà; Lung linh lung linh, cùng buồn cùng vui; Lung linh lung linh, hai tiếng gia đình”. Thật vậy, Chúa thiết lập hôn nhân gia đình là để chúng ta hưởng hạnh phúc trong tình yêu giữa vợ chồng, cha mẹ con cái. Có thể nói nếu có nơi nào đầm ấm yêu thương hòa thuận nhất trên trần gian này thì nơi đó phải là gia đình.

Thiết tưởng 1 Tim 5:8 là câu Kinh Thánh lên án mạnh mẽ nhất đối với những ai thiếu trách nhiệm gia đình và không có tình yêu gia đình.

  1. Trách nhiệm Hiếu kính cha mẹ (Xuất 20:12)
    “Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được sống lâu trên đất mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho.”
    “Nhưng nếu bà góa có con hoặc cháu, thì con cháu trước phải học làm điều thảo đối với nhà riêng mình và báo đáp cha mẹ; vì điều đó đẹp lòng Đức Chúa Trời.” (1Tim 5:4)

Có một sự hiểu lầm đáng tiếc trong vòng người Việt cho rằng người tin Chúa là bất hiếu vì không thờ cúng ông bà, cha mẹ đã quá cố. Thật ra, hiếu kính không phải chỉ là cúng giỗ khi qua đời, mà điều quan trọng là chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ lúc con sống. Cơ Đốc giáo thật ra coi trọng chữ hiếu hơn các tôn giáo khác, vì hiếu kính được coi là điều răn thứ nhất trong các bổn phận đối với con người (Êph 6:2). Gia đình Cơ Đốc là gia đình coi trọng trách nhiệm hiếu kính như lời Chúa dạy.

  1. Hôn nhân là giao ước trọn đời (Mat 19:16)
    “Thế thì, vợ chồng không phải là hai nữa, nhưng một thịt mà thôi. Vậy, loài người không nên phân rẽ những kẻ mà Đức Chúa Trời đã phối hiệp!”
  • Hôn nhân Cơ Đốc là cam kết thiêng liêng trước mặt Chúa.
    Chúa thiết lập hôn nhân với giao ước ba bên: chồng, vợ và Đức Chúa Trời. Đó là giao trước thiêng liêng, trọn đời trước mặt Chúa nên không thể hủy bỏ trừ ra sự chết. Đó là khác biệt quan trọng giữa hôn nhân Cơ Đốc và hôn nhân ngoài đời.
  • Chung thủy trong tình yêu, không phạm tội ngoại tình, không ly dị.
    Cam kết quan trọng trong hôn nhân Cơ Đốc là sự chung thủy sắt son, vì thế con dân Chúa không được phạm tội ngoại tình, không được ly dị. Kinh Thánh dạy
    “Mọi người phải kính trọng sự hôn nhân, chốn khuê phòng chớ có ô uế, vì Đức Chúa Trời sẽ đoán phạt kẻ dâm dục (giam dâm) cùng kẻ phạm tội ngoại tình.” (Hê 13:4)

Điều đáng tiếc là không ít con dân Chúa ngày nay đã phạm tội ngoại tình, ly dị và làm cho Chúa buồn lòng! Chính Chúa Giê-xu đã nhắc lại mạng lịnh này trong Mat 19:6 ở trên.

  1. Truyền thông tốt trong gia đình (Êph 4:29)
    “Chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em; nhưng khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến.”
  • Những xung đột trong hôn nhân, gia đình thường nguồn từ lời nói, truyền thông.
    Tình yêu gia đình phải thể hiện qua lời nói, đối thoại trong gia đình giữa vợ chồng, cha mẹ, con cái với nhau như lời Chúa dạy. Có thể nói không có quyển sách nào dạy về lời nói, truyền thông tuyệt vời như Kinh Thánh: “Lời đáp êm nhẹ làm nguôi cơn giận;

Còn lời xẳng xớm trêu thạnh nộ thêm.(Châm 15:1) Lưỡi hiền lành giống như một cây sự sống; Song lưỡi gian tà làm cho hư nát tâm thần” (Châm 15:4)
Cả Cựu ước lẫn Tân ước đều quan tâm dạy dỗ về việc sử dụng lời nói để không gây vấp phạm, tổn thương nhau; nếu con cái Chúa thực hành lời Chúa dạy thì sự truyền thông, giao tiếp sẽ rất tốt trong gia đình, khiến gia đình hòa thuận êm ấm.

KẾT LUẬN

Sống trong một thế giới mà mọi giá trị tốt đẹp bị đảo lộn, Cơ Đốc nhân chúng ta có trách nhiệm bảo tồn và phát huy những giá trị nền tảng của gia đình Cơ Đốc để lưu truyền di sản đức tin cho con cháu.

Cầu xin Chúa giúp đỡ để chúng ta xây dựng gia đình Cơ Đốc vững mạnh dựa trên bảy giá trị nền tảng đó, chắc chắn gia đình chúng ta sẽ hạnh phúc và danh Chúa được vinh hiến. Amen!

Trịnh Phan

Người Nữ Khôn Ngoan

Theo quý vị, người nữ và người nam ai khôn hơn ai? Theo James Thurber thì “Phụ nữ khôn ngoan hơn nam giới vì họ biết ít hơn nhưng hiểu nhiều hơn”. Tôi nghĩ nhận xét này khá tinh tế và có vẻ đúng vì phụ nữ thường nhạy cảm hơn nam giới nên họ hiểu con người và những mối quan hệ phức tạp hơn. Đáng chú ý là từ khôn ngoan trong tiếng Hi-bá-lai (chokmowth) và trong tiếng Hy Lạp (sophia) đều thuộc giống cái. Kinh Thánh chỉ nói người nữ khôn ngoan mà không thấy nói người nam khôn ngoan dù người nam thường tự hào là “thông minh nhất nam tử”. Phải chăng Ê-va là người đầu tiên ăn trái “tri thức” trong vườn Ê-đen năm xưa nên họ khôn ngoan hơn không?

Tâm lý chung mọi người đều muốn mình là người khôn ngoan, không ai muốn bị người ta chê là dại dột cả. Nhưng như thế nào là người khôn ngoan? Một nhà thơ đã viết “Thiên hạ đua nhau nói dại khôn, biết ai là dại biết ai khôn?”…

Nhân Ngày phụ nữ Tin Lành, chúng ta cùng nhau suy ngẫm về người nữ khôn ngoan theo Kinh Thánh để biết thế nào người nữ khôn ngoan. Châm Ngôn 14:1 chép “Người nữ khôn ngoan xây dựng nhà mình, Nhưng người đàn bà ngu dại dùng tay phá hủy nó.” [TTHĐ]

SỰ KHÔN NGOAN THEO KINH THÁNH

Trước hết, thiết nghĩ cần xem Kinh Thánh nói gì về sự khôn ngoan. Có thể nói Kinh Thánh là quyển sách về sự khôn ngoan, (cả Kinh Thánh có 394 lần nhắc đến từ khôn ngoan) trong đó có một bộ phận gọi là “văn chương khôn ngoan”. Sở dĩ người Do Thái khôn ngoan hơn các dân tộc khác bởi vì ngay từ nhỏ họ đã được dạy dỗ về Kinh Thánh. Theo Gia-cơ 3:13-18, có hai sự khôn ngoan:

Sự khôn ngoan thuộc về đất

Đây là sự khôn ngoan mà con người thường thích. Đó là sự khôn ngoan của trí, dựa vào lý trí, đề cao tri thức, triết lý uyên thâm. Đây là sự khôn ngoan thuộc về thế gian, xác thịt, ma quỉ. Sự khôn ngoan của người đời, dựa vào khả năng, trí thông minh của con người và thường bị ma quỉ dẫn dụ chối bỏ Thiên Chúa toàn năng. Sự khôn ngoan này khiến con người sinh ra kiêu ngạo, tranh cạnh, dối trá, ghen ghét, gian ác, xảo quyệt, độc ác. Hoàng hậu Giê-sa-bên trong Kinh Thánh thuộc loại người khôn ngoan này.

Sự khôn ngoan thuộc về trời

Đây là sự khôn ngoan của lòng thể hiện thái độ khiêm nhu, với tấm hồn cao thượng, nhân ái và kính sợ Chúa như Kinh Thánh dạy “Nhưng sự khôn ngoan từ trên mà xuống thì trước hết là thanh sạch, sau lại hòa thuận, tiết độ, nhu mì, đầy dẫy lòng thương xót và bông trái lành, không có sự hai lòng và giả hình” (Gia-cơ 3:17).

NGƯỜI NỮ KHÔN NGOAN XÂY DỰNG NHÀ (GIA ĐÌNH) MÌNH

Trong xã hội hiện đại, khi nói đến người nữ khôn ngoan, tài giỏi người ta thường nghĩ đến những người phụ nữ đang có địa vị cao, nắm giữ vai trò quan trọng trong xã hội. Theo đà phát triển của xã hội, ngày càng có nhiều phụ nữ tài giỏi trở thành những nhà khoa học, những người lãnh đạo đất nước, xã hội. Tuy nhiên, đây là chỉ là thiểu số cá biệt mà thôi. Phần lớn phụ nữ nắm giữ vai trò đặc biệt quan trọng dù âm thầm, vô danh, là trong gia đình. Dù Chúa dựng nên người nam, người nữ bình đẳng với nhau nhưng vai trò trách nhiệm khác nhau. Người nữ có vai trò đặc biệt trong gia đình với thiên chức làm mẹ, làm vợ để quản trị gia đình. Họ là nguồn hạnh phúc, bình an của gia đình, là những “nội tướng” tài ba, quán xuyến việc nhà, chăm sóc nuôi dạy cho con cái nên người. Chính họ là những người nuôi dạy con cái trở thành những người tài giỏi giúp ích cho xã hội sau này. Nếu gia đình là đơn vị nền tảng của xã hội và Hội thánh, thì việc xây dựng một gia đình tốt đẹp, vững mạnh là điều vô cùng quan trọng. Thử tưởng tượng, nếu con cái trong mỗi gia đình trong xã hội mà hư hỏng, vô đạo đức thì xã hội và Hội thánh sẽ ra sao? Đó là lý do mà Châm Ngôn 14:1 dạy “Người nữ khôn ngoan xây dựng nhà mình”. Ít ra có bốn đặc điểm của một người nữ khôn ngoan mà Kinh Thánh thường nói đến:

Ưu tiên xây dựng gia đình mình

Trước hết, người nữ khôn ngoan là người biết xây dựng gia đình mình có nghĩa là vun đắp, chăm nom, tổ chức, bảo vệ, gìn giữ gia đình cho tốt đẹp theo đường lối của Chúa. Ngày nay thế gian quá đề cao, tôn tặng những người nữ có địa vị, học thức ở ngoài xã hội là “phụ nữ tài năng” “phụ nữ ưu tú” khiến cho người nữ dễ quên đi trách nhiệm đối với gia đình. Phải thừa nhận rằng trong thế giới ngày nay có khá nhiều phụ nữ tài năng và đang ở vị trị lãnh đạo quốc gia, quốc tế so với ngày xưa như nữ thủ tướng, nữ tổng thống, bộ trưởng… Tuy nhiên, theo Kinh Thánh người phụ nữ khôn ngoan là người sống đúng theo vị trí và mục đích Thiên Chúa định cho mình. Dù có làm việc ngoài xã hội với nhiều vị trí khác nhau, nhưng người nữ khôn ngoan theo Kinh Thánh không bao giờ xao lãng trách nhiệm gia đình, chăm sóc con cái. Tôi thấy không ít phụ nữ đi ra ngoài thì ăn mặc lịch sự, “hình dong chải chuốt, áo quần bảnh bao” nhưng khi bước vào nhà họ thì thật thất vọng: thiếu sạch sẽ, thiếu ngăn nắp, trật tự. Châm Ngôn 31:27 dạy “Nàng coi sóc đường lối của nhà mình, Không hề ăn bánh của sự biếng nhác.”

Người vợ khôn ngoan

Người nữ Cơ Đốc khôn ngoan là người phải chu toàn hai thiên chức trong gia đình mà Chúa đặt để, là người vợ và người mẹ. Tục ngữ Việt Nam có câu “Thứ nhất vợ dại trong nhà, thứ hai nhà dột, thứ ba nợ đòi.” Đó là ba cái bực mình mà người chồng muốn tránh.
Nhưng thế nào là người vợ khôn ngoan? Châm Ngôn 31 là đoạn Kinh Thánh tuyệt vời nói về đức hạnh của người phụ nữ.

• Được chồng tin cậy
Đáng tin cậy trong lời nói, việc làm, trong tiền bạc, tình cảm… Thật đáng buồn nếu trong gia đình mà người vợ không được chồng tin cậy. Vì thế, câu 11 chép :“Lòng người chồng tin cậy nơi nàng, Người sẽ chẳng thiếu huê lợi.”

• Giúp ích cho chồng
Khi Chúa thiết lập hôn nhân, gia đình Ngài đã định cho Ê-va, người vợ là “người giúp đỡ”. Vì thế, khi nói đến người phụ nữ tài đức, tác giả Châm Ngôn 31 viết:
“Trọn đời nàng làm cho chồng được ích lợi, Chớ chẳng hề sự tổn hại.”(c.12)

• Vâng phục, tôn trọng chồng
Khi dạy về bổn phận vợ chồng, thánh Phao-lô dạy người vợ: “Hỡi người làm vợ, phải vâng phục chồng như vâng phục Chúa” (Ê-phê-sô 5:22). Người vợ khôn ngoan là người biết vâng phục chồng, tôn trọng chồng. Không ít gia đình đổ vỡ vì người vợ không vâng phục, không tôn trọng chồng nhất là trước mặt công chúng.

• Cảm hóa được chồng
Người vợ khôn ngoan, tin kính sẽ cảm hóa người chồng vô tín qua cách ăn nết ở của mình. Trong I Phi-e-rơ 3:1, thánh Phi-e-rơ dạy: “Hỡi người làm vợ, hãy phục chồng mình, hầu cho nếu có người chồng nào không vâng theo Đạo, dẫu chẳng lấy lời khuyên bảo, chỉ bởi cách ăn ở của vợ, cũng đủ hóa theo.”

Thật vậy, người nam nào có được người vợ khôn ngoan như đã nói ở trên thì thật là có phước. Châm Ngôn 19:14 chép “Nhà cửa và tài sản là cơ nghiệp do nơi tổ tiên để lại; còn một người vợ khôn ngoan do nơi Đức Giê-hô-va mà đến”

Người mẹ khôn ngoan
Người nữ còn có một thiên chức qúi báu Chúa ban cho là làm mẹ. Một người mẹ khôn ngoan là người biết nuôi dạy con cái nên người. Tục ngữ VN có câu “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Câu này có vẻ không được công bằng lắm khi quy hết trách nhiệm cho người mẹ, tuy nhiên nó cũng nói lên một thực tế không thể chối cải là người mẹ từ nhỏ vốn gần gũi và ảnh hưởng trên con cái nhiều nhất.

Nguy cơ của xã hội hiện đại là cám dỗ người nữ lãng quên thiên chức làm mẹ vì bận rộn làm ăn ở ngoài đời, phải thuê mướn người để chăm sóc con thay mình (vú nuôi). Hậu quả là tình mẫu tử sẽ dần dần phôi pha theo ngày tháng và con cái sẽ yêu thương, gần gũi người chăm sóc chúng hơn là cha mẹ. Vì thế, dù bận công việc làm hằng ngày nên phải thuê người giúp chăm sóc con cái thì người mẹ cuối ngày phải dành thì giờ, tìm mọi cách gần gũi con cái để “giành lại tình cảm” của chúng.

• Chăm sóc con cái chu đáo
Người mẹ khôn ngoan trước hết phải biết quan tâm, chăm sóc con cái chu đáo, gần gũi con cái, kiểm soát, theo dõi tính tình, cách nói năng của chúng khi đi học về. Thiết nghĩ giờ gia đình lễ bái là cơ hội tốt để cha mẹ quan tâm, gần gũi, kiểm tra chúng. Vì thế, cha mẹ phải quan tâm đến giờ gia đình lễ bái.

• Nuôi dạy con cho Đức Chúa Trời
Người mẹ Cơ Đốc khôn ngoan còn có một trách nhiệm vô cùng quan trọng là lưu truyền di sản đức tin cho con cái bằng cách dạy đạo cho con qua Lời chúa và chính gương sống đạo của mình. Sở dĩ Ti-mô-thê trở thành một người con tin kính và sau trở thành một mục sư trẻ phục vụ Chúa tốt vì ông đã thừa hưởng một di sản đức tin qua bà ngoại và mẹ mình (II Ti-mô-thê 1:5). Di sản quan trọng nhất mà cha mẹ để lại cho con là chính di sản đức tin Cơ Đốc.
Một người mẹ khôn ngoan sẽ đem phước hạnh cho gia đình, được chồng con yêu mến quý trọng “Con cái nàng chỗi dậy, chúc nàng được phước; Chồng nàng cũng chỗi dậy, và khen ngợi nàng” (Châm Ngôn 31:28).

Người tin kính Chúa
Điều đầu tiên cũng là điều cuối cùng quan trọng không thể thiếu nơi người nữ khôn ngoan phải là người tin kính Chúa. Thực ra nhờ có đời sống tin kính Chúa tốt nên người nữ mới có sự khôn ngoan và những đức tính quý báu kể trên như ưu tiên xây dựng gia đình mình, là người vợ khôn ngoan, người mẹ khôn ngoan, đúng như Kinh Thánh dạy “Kính sợ Đức Giê-hô-va, ấy là khởi đầu sự khôn ngoan; Sự nhìn biết Đấng Thánh, đó là sự thông sáng” (Châm Ngôn 9:10).

Người nữ khôn ngoan chính là người nữ tài đức mà Châm Ngôn 31 ca ngợi, là người nữ không tìm kiếm vẻ đẹp, sự trang sức bề ngoài của quần áo mà tìm kiếm vẻ đẹp bề trong của tâm hồn, “Duyên là giả dối, sắc lại hư không; Nhưng người nữ nào kính sợ Đức Giê-hô-va sẽ được khen ngợi” (Châm Ngôn 31:30).
Tóm lại, người phụ nữ Cơ Đốc khôn ngoan là người kính sợ Chúa, quan tâm xây dựng gia đình mình, và chu toàn bổn phận người vợ, người mẹ trong gia đình.

Tôi xin gửi tặng bài thơ “Người nữ khôn ngoan” như một món quà đến quý bà quý cô trong Hôi Thánh nhân ngày Phụ nữ Tin Lành.
Khôn ngoan xây dựng nhà mình,

Hết lòng yêu Chúa, tính tình dễ thương.
Mẹ hiền khéo dạy con ngoan,
Yêu chồng, ích lợi, đảm đang việc nhà.
Chuyên tâm cầu nguyện cùng Cha
Hết lòng phục vụ chẳng ta thán gì.
Duyên giả dối, sắc hư không,
Nữ nhân tài đức tiếng khen muôn đời.

Trịnh Phan (8.3.2021)

Hiệp Làm Một Trong Chúa

Kinh Thánh: I Cô-rinh-tô 1:10-17

Câu gốc: “Hỡi anh em, tôi nhân danh Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta, khuyên anh em thảy đều phải đồng một tiếng nói với nhau, chớ phân rẽ nhau ra, nhưng phải hiệp một ý một lòng cùng nhau”. (I Cô-rinh-tô 1:10)

Julie Ackerman Link kể rằng một lần nọ, một người bạn thời đại học của cô đã tổ chức một buổi hòa nhạc mừng sinh nhật ngoài trời. Lúc đó, một người đề nghị chúng tôi cùng hát bài “Mừng sinh nhật”. Vì vậy, kẻ trước người sau cùng cất tiếng với những cao độ, nhịp điệu khác nhau. Nhưng thật kinh khủng vì đó chỉ là một mớ âm thanh hỗn độn! Cho đến khi, một người trong nhóm bước lên sân khấu và bắt nhịp cho họ. Dù anh không bắt giọng nhưng khi họ cùng khởi sự và đến cuối bài, hầu như tất cả đều trở về cùng một cao độ.

Tất cả có cùng một mục đích là để chúc mừng sinh nhật cho nhân vật chính, họ đã cùng nhau khởi sự, lắng nghe nhau, hài hòa cùng nhau để tạo nên một bài “Mừng sinh nhật” thật sự. Có thể nói sự hiệp một ý, một lòng cùng nhau là chìa khóa đem đến sự hiệu quả trong sinh hoạt của một nhóm, một cộng đồng.

Hội Thánh là một nhóm, một cộng đồng của những người khác biệt nhau nhưng có điểm chung là đã nhận được ơn cứu rỗi của Chúa, được biệt riêng ra thánh để sống cho Chúa. Cho nên hiệp một trong Hội Thánh không phải là đồng một lòng một ý với nhau theo ý của con người, mà là đồng một lòng một ý với nhau trong danh Đức Chúa Giê-xu Christ. Vì vậy, trong bài hôm nay chúng ta sẽ cùng suy ngẫm về điều Chúa dạy về hiệp một trong I Côr 1:10-17.

MỆNH LỆNH CỦA KINH THÁNH VỀ SỰ HIỆP LÀM MỘT (c. 10a)

Hai yếu tố mầu nhiệm của hiệp làm một trong Hội Thánh mà Sứ đồ Phao-lô truyền dạy cho tín hữu gồm:
– Thứ nhất: Cộng đồng tín hữu là những “anh em”. Họ là những anh chị em ở trong Chúa Giê-xu.
– Thứ hai, “nhân danh Đức Chúa Giê-xu Christ”.

Sự hiệp làm một mà Hội Thánh hướng đến được đặt dưới lý tưởng, và trong quyền uy của danh Chúa Giê-xu Christ. Phao-lô đã dạy dỗ tương tự như thế trong Ê-phô-sô 4:1-6: “Vậy, tôi là kẻ tù trong Chúa, khuyên anh em phải ăn ở một cách xứng đáng với chức phận mà Chúa đã gọi anh em, phải khiêm nhường đến điều, mềm mại đến điều, phải nhịn nhục, lấy lòng thương yêu mà chìu nhau, dùng dây hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Thánh Linh. Chỉ có một thân thể, một Thánh Linh, như anh em bởi chức phận mình đã được gọi đến một sự trông cậy mà thôi, chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép báp-tem; chỉ có một Đức Chúa Trời và một Cha của mọi người, Ngài là trên cả mọi người, giữa mọi người và ở trong mọi người”.

Dù cộng đồng Cơ Đốc tập hợp nhiều con người từ nhiều dòng tộc khác nhau, nhưng hết thảy đều được trải nghiệm điều mầu nhiệm: Mọi người đều trở nên anh chị em trong một đại gia đình – gia đình của Đức Chúa Trời qua dòng huyết của Chúa Giê-xu và quyền phép của Đức Thánh Linh “Vì chưng chúng ta hoặc người Giu-đa, hoặc người Gờ-réc, hoặc tôi mọi, hoặc tự chủ, đều đã chịu phép báp-têm chung một Thánh Linh để hiệp làm một thân; và chúng ta đều đã chịu uống chung một Thánh Linh nữa” – I Cô-rinh-tô 12:13, và mọi Cơ Đốc nhân bắt đầu một đời sống mới và yêu thương nhau như anh em ruột thịt (Rô-ma 12:10).

Hiệp làm một trong Hội Thánh Đức Chúa Trời không phải giả tạo, hay hình thức tổ chức mà điều đó được truyền dạy cho mọi con người đã được cứu chuộc trong danh Chúa Giê-xu. Tố chất của hiệp làm một nầy được hình thành trong quyền uy của chính Chúa – Đấng chuộc mua chúng ta bằng một giá rất cao (I Cô-rinh-tô 6:20). Hiệp làm một cũng là mục tiêu của Chúa khi yêu và cứu chuộc những con người hư mất (Giăng 17:11). Cho nên, mục tiêu của chúng ta là không bao giờ tập trung chú trọng đến việc làm thỏa lòng chính mình, mà phải làm đẹp lòng Chúa. Với lòng quan tâm đến những gì Đấng Christ mong muốn, chúng ta phải sống trong tinh thần hiệp làm một với nhau như Kinh Thánh truyền dạy.

DẤU HIỆU CỦA HIỆP LÀM MỘT TRONG CHÚA (c. 10b)

Phao-lô cung ứng cho chúng ta ba dấu hiệu của một cộng đồng có sự hiệp một:

  1. Đồng một tiếng nói với nhau

Các tín hữu trong Hội Thánh của Chúa “phải đồng một tiếng nói”. J.B. Phillips diễn tả cụm từ nầy là “cùng nói bằng một giọng nói”. Có “cùng một tiếng nói” hay “cùng một giọng nói” ở đây không mang ý nghĩa đơn thuần chỉ về cùng một ngôn ngữ, mà chỉ về sự hiệp nhất trong ý kiến, trong quan điểm…

Vì vậy, mỗi cộng đồng Cơ Đốc cần phải có sự hiệp nhất trong đức tin. Chúng ta đang sống trong một thời đại rất đa dạng và triết lý thỏa hiệp đa dạng cũng đã xâm nhập vào trong nhiều hệ phái Tin Lành cũng như từng người Cơ Đốc. Khi ấy, Kinh Thánh trở thành một quyển sách bị đoạn chương thủ nghĩa theo những lý giải riêng tư và người ta tự do bóp méo điều Kinh Thánh nói. Tuy nhiên, khi có những bất đồng về lẽ đạo trong Kinh Thánh, là con cái Chúa, là người khát khao gìn giữ sự hiệp nhất trong thân thể của Đấng Christ, chúng ta cần cùng nhau trở lại với sự dạy dỗ của Kinh Thánh, cùng nhau tìm hiểu rõ Lời của Đức Chúa Trời trong thái độ khiêm nhường để tìm thấy từ lẽ thật của Kinh Thánh, nền tảng của đức tin nơi Đức Chúa Giê-xu Christ thay vì tranh cãi, hơn thua. Khi có sự hiệp một trong đức tin, một hệ quả tất yếu khác sẽ xảy đến là chúng ta sẽ nhìn nhận những những vấn đề khác thuộc về sinh hoạt, tổ chức… là vấn đề thứ yếu và dễ dàng tìm được tiếng nói chung giữa những người kính sợ Chúa.

  1. Không có sự phân rẽ

Một Hội Thánh hiệp một, ấy là “chớ phân rẽ nhau ra”. Từ “phân rẽ” có nghĩa là “xé toạc” giống như một người kia xé toạc tờ báo hay một mảnh vải. “Phân rẽ” còn mang ý nghĩa “phá vỡ” giống như phá vỡ một cam kết.

Khi sự hiệp nhất hiện diện trong Hội Thánh thì dù đông người, nhiều tính khí khác nhau, nhiều ý kiến khác nhau, thì những người trưởng thành thuộc linh luôn nhắm đến điểm chung là gây dựng anh em, gây dựng Hội Thánh và dâng sự vinh hiển cho Chúa. Cái nhìn như thế sẽ giúp mỗi người đặt mình vào sự ràng buộc nhau bằng những mối liên hệ mầu nhiệm trong Đấng Christ để có thể “khiêm nhường đến điều, mềm mại đến điều, phải nhịn nhục, lấy lòng thương yêu mà chiều nhau” (Ê-phê-sô 4:2) hầu không có sự phân rẽ trong ban ngành, trong Hội Thánh…

  1. Hiệp một ý một lòng cùng nhau

Từ “hiệp” không có nghĩa là hình ảnh của sự trọn vẹn, toàn hảo, đây là một hình ảnh Tân Ước dùng để đề cập đến một điều đang được chỉnh sửa như một mảnh lưới được vá lại, một chiếc áo được khâu lại. Có người ví sự hiệp một trong Hội Thánh như một bức tranh ghép hình, trong đó mỗi thành viên là một mảnh ghép. Như chúng ta đã biết, trong trò chơi ghép hình, mỗi mảnh ghép đều có giá trị và để hoàn thành bức tranh đẹp, chúng ta cần tất cả các mảnh ghép, không kể số lượng, được đặt vào đúng vị trí của nó. Như một mảnh ghép, mỗi chúng ta đều có giá trị nhưng nếu đứng riêng ra, không hòa mình với Hội Thánh, chúng ta đang đánh mất giá trị của mình và Hội Thánh cũng sẽ bị tổn thương. Khi mọi thành viên hiệp lại, chung tay gây dựng Hội Thánh của Chúa, một bức tranh tuyệt đẹp sẽ được định hình.

Cho nên, khi hiệp nhất chúng ta phải hiệp “một ý, một lòng” với nhau trong danh Đức Chúa Giê-xu Christ. Một ý, một lòng có ý nghĩa là chúng ta cùng có một tâm trí một chí hướng. Tâm trí, chí hướng đó được chi phối bởi tâm trí và chí hướng của Đấng Christ, Phi-líp 2:5-8 chép: “Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có, Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người; Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự”. Nói cách khác, chúng ta không thể sống theo kiểu giả hình, bằng mặt nhưng không bằng lòng, cưu mang ý tưởng phá vỡ trong lòng. Lối sống giả hình đó không đem lại ích lợi, không gây dựng cho Hội Thánh và người sống giả hình cũng không thể sống đời sống thuộc linh sung mãn được.

ĐIỀU NGĂN TRỞ VIỆC HIỆP LÀM MỘT (c. 11-12)

Phao-lô nhận được thông tin về thực trạng của Hội Thánh Cô-rinh-tô đang gặp rắc rối vì sự cạnh tranh đan xen giữa vòng anh em với nhau. Ông đã nhận định rằng trong hội chúng có bốn phe nhóm, mỗi nhóm đều có những điểm nhấn của mình, có những nét tự hào và đều nghĩ rằng mình đang là những người có ảnh hưởng lớn nhất, tài năng nhất, thuộc linh nhất thậm chí là thiêng liêng nhất. Chính vì những cạnh tranh xuất phát từ những con người chưa thật sự trưởng thành thuộc linh, được bao bọc dưới lớp vỏ thiêng liêng đã làm cho Hội Thánh bị phân rẽ, đã xé toạc mọi kết nối khiến Hội Thánh vốn đang hiệp nhất bị tổn thương đau đớn.

Tạ ơn Chúa, khi nhìn lại lịch sử của Hội Thánh, chúng ta thấy Ngài đã dấy lên nhiều con người sống tận hiến, phẩm chất thuộc linh đáng kính và chính họ đã góp phần công sức rất lớn cho vương quốc của Chúa, trong số đó có thể có cả chính bản thân mình. Nhưng, khi chúng ta sa đà tập trung chú trọng vào tìm kiếm, tự hào về những danh vọng, những điều tư lợi tầm thường như con người vẫn thường tìm, ắt sẽ dẫn đến tranh cạnh, hình thành những phe nhóm trong Hội Thánh trái ngược với điều Chúa đã làm cho Hội Thánh Ngài “là sự thù nghịch đã phân rẽ ra, bởi vì Ngài đã đem thân mình mà trừ bỏ luật pháp của các điều răn chép thành điều lệ. Như vậy, khi làm cho hòa nhau, Ngài muốn lấy cả hai lập nên một người mới trong Ngài” – Êph 2:15. Vì thế, dẫu những điều tranh cạnh nào đó được che đậy bằng nhiều lý cớ mang màu sắc thuộc linh, nhưng thực chất nó vẫn là nguồn cơn đánh mất sự thiêng liêng, phá vỡ sự hiệp nhất trong Hội Thánh. Khi chất chứa ý tưởng tranh cạnh và lập phe nhóm trong Hội Thánh, chúng ta đang bộc lộ con người xác thịt của mình và làm điều tội trọng vì phá tán Hội Thánh Đức Chúa Trời.

NỀN TẢNG CHO SỰ HIỆP LÀM MỘT (c. 13-16)

  1. Thân thể của Đấng Christ không thể phân rẽ

Sứ đồ Phao-lô đưa ra một chuỗi lập luận đầy hùng biện: “Đấng Christ bị phân rẽ ra sao? Có phải Phao-lô đã chịu đóng đinh trên cây thập tự thế cho anh em, hay là anh em đã nhân danh Phao-lô mà chịu phép báp-tem sao?”. Câu trả lời cho lập luận đó tất nhiên là không! Đấng Christ không hề bị phân rẽ. Hội Thánh được ví là thân thể của Đấng Christ, thân thể mầu nhiệm ấy không thể bị phân rẽ mà tất cả các chi thể được ràng buộc bằng những cái lắt léo khiến cho lớn lên và khỏe mạnh (Ê-phê-sô 4:16). I Cô-rinh-tô 12:12-13 cũng đã dạy: “Vả, như thân là một, mà có nhiều chi thể, và như các chi thể của thân dầu có nhiều, cũng chỉ hiệp thành một thân mà thôi, Đấng Christ khác nào như vậy. Vì chưng chúng ta hoặc người Giu-đa, hoặc người Gờ-réc, hoặc tôi mọi, hoặc tự chủ, đều đã chịu phép báp-tem chung một Thánh Linh để hiệp làm một thân; và chúng ta đều đã chịu uống chung một Thánh Linh nữa”. Thật vậy, Hội Thánh Đức Chúa Trời là một cơ thể sống, không thể có sự phân rẽ. Đó là nền tảng để con dân Chúa giữ mình sống hiệp nhất với anh em mình trong mọi hoàn cảnh.

  1. Người Cơ Đốc thật là người kết làm một với thân Chúa

Nối tiếp lập luận nêu trên, sứ đồ Phao-lô muốn chấm dứt sự tranh cãi trong Hội Thánh bằng cách đặt câu hỏi: “Có phải Phao-lô đã chịu đóng đinh trên cây thập tự thế cho anh em, hay là anh em đã nhân danh Phao-lô mà chịu phép báp-tem sao?”. Phao-lô muốn nói rằng không ai có thể cứu chuộc tội nhân, cũng không ai, dù là một người hầu việc Chúa tận trung, có quyền gây ảnh hưởng lớn đến mức làm cho người đã thuộc về Chúa hiểu sai, hiểu lệch và tôn sùng, thay thế vị trí của Chúa. Điều đó chỉ đem đến sự phân rẽ giữa Hội Thánh.

Rô-ma 12:5 chép: “…chúng ta là nhiều người mà hiệp nên một thân trong Đấng Christ, và hết thảy chúng ta đều là các phần chi thể của nhau”. I Cô-rinh-tô 6:17 còn dạy rằng: “ai kết hiệp với Chúa thì trở nên một tánh thiêng liêng cùng Ngài”. Trở thành một Cơ Đốc nhân là trở nên một với Đấng Christ và với thân thể của Ngài. Cho nên, người Cơ Đốc mà phân rẽ với Hội Thánh, với anh em là điều ngược với bản chất của một Cơ Đốc nhân thật trong Hội Thánh.

Thân thể của Đấng Christ không thể bị phân rẽ, một con người thật sự thuộc về Chúa luôn kết hiệp làm một với Ngài, đó là nguyên tắc của sự sống. Những điều mầu nhiệm đó là nền tảng vững chắc cho sự hiệp làm một trong Chúa.

Hiệp làm một không phải là một tùy chọn, mà là một mệnh lệnh mà hết thảy chúng ta, những người đã kinh nghiệm sự cứu rỗi mầu nhiệm của Chúa phải thực hiện. Một người từng ở trong sự phân rẽ, lại được ban cho đặc ân hòa thuận với Chúa và anh em sẽ phải ra sức trân trọng, giữ gìn điều quý giá đó. Để nuôi dưỡng và bảo vệ sự hiệp một đó, mỗi người trong chúng ta phải luôn nhờ ơn Chúa để nỗ lực để sống hòa hợp với Hội Thánh ngay cả khi có những bất đồng. Điều đó không có nghĩa là chúng ta phải luôn luôn che giấu quan điểm của mình nhưng chúng ta cần nhạy bén để biết cách giải quyết những bất đồng, có khả năng nhận biết giữa việc trọng yếu và thứ yếu, khiêm nhường, tôn trọng người khác cũng như sẵn sàng chung tay để cùng nhau gây dựng Hội Thánh Chúa, dù cho ý kiến của mình không được ủng hộ, miễn sao danh Chúa được vinh hiển, Hội Thánh phát triển, ích lợi cho mọi người. Một trong những điều ngăn trở chúng ta bảo vệ và giữ gìn sự hiệp một là chủ nghĩa cá nhân khi tìm kiếm những quyền lợi cho bản thân, muốn được người khác kể công, ghi ơn,… nhưng nếu mỗi chúng ta đều đầu phục Đức Thánh Linh thì mọi bất đồng, ngăn trở sự hiệp một đều tan biến vì tất cả không còn nhìn nhau hay nhìn vào chính mình mà đều cùng nhìn về một hướng.

Nguyện xin Thánh Linh của Chúa sẽ giữ gìn lòng và ý tưởng của chúng ta, nhắc nhở chúng ta rằng thân thể của Đấng Christ không thể bị phân rẽ và mọi điều chúng ta làm hãy vì sự vinh hiển của Chúa.

MS Nguyễn
(BTMV 35 – Tháng 05/2013)

Bốn Điều Chúa Nói Với Người Độc Thân

  1. Sống độc thân là ân tứ Chúa ban
    Không có gì mới mẻ khi con người có những suy nghĩ tiêu cực về việc sống độc thân. Vào thế kỷ thứ nhất, Ra-bi Eleazar đã nói: “Bất kỳ người nam nào không có vợ thì không phải là đàn ông đích thực.” Bộ Luật Truyền Khẩu của Do Thái giáo (The Talmud) thậm chí còn đi xa hơn: “Người nam nào 20 tuổi mà không kết hôn là đang sống trong tội lỗi.” Vì vậy, thật đáng ngạc nhiên khi Tân Ước lại có quan điểm tích cực về đời sống độc thân. Phao-lô nói đó là ân tứ (I Cô-rinh-tô 7:7), và Chúa Giê-xu nói thật tốt “cho những ai được ban cho ân tứ này” (Ma-thi-ơ 19:11).

Thế mà chúng ta có thể làm cho người độc thân cảm thấy họ như người thừa thãi trong gia đình, trong các nhóm xã hội và trong Hội Thánh. Có anh kia ngán ngẩm khi cứ bị hỏi “vẫn còn độc thân à?” đến nỗi anh phải đáp lại: “Thế anh vẫn còn kết hôn à?” Chúng ta phải từ bỏ ý nghĩ rằng độc thân là lựa chọn hạng hai. Kinh Thánh không nói như vậy. Hôn nhân là việc tốt lành, và độc thân cũng thế vì có một số người được “ban” ân tứ sống độc thân.

Còn nếu tôi không nghĩ rằng mình có “ân tứ” sống độc thân thì sao? Tôi thấy không dễ dàng khi ở một mình, và tôi mong lập gia đình; phải chăng độc thân có nghĩa là tôi đang trải nghiệm “điều tốt thứ hai”? Không. Khi Phao-lô nói độc thân là một ân tứ, ông không nói đến một khả năng đặc biệt một số người có để mãn nguyện ở độc thân, nhưng là ông đang nói đến tình trạng độc thân. Ngày nào bạn còn ở độc thân, đó là ân tứ Chúa ban cho bạn, cũng như hôn nhân là ơn Chúa ban cho nếu bạn kết hôn. Cho dù là độc thân hay lập gia đình, đó đều là ân tứ Chúa ban cho bởi ân điển Ngài và chúng ta nên nhận lãnh.

  1. Sống độc thân cũng có lợi
    Phao-lô nói đến hai ích lợi của việc sống độc thân trong I Cô-rinh-tô 7:

• Người độc thân thì không bị vướng bận “những rắc rối” của hôn nhân. Có nhiều phước hạnh lớn lao trong hôn nhân, nhưng cũng có cả những khó khăn khác. Các cặp vợ chồng Cơ Đốc thường không nói ra những khó khăn họ đối diện, khiến những người độc thân nghĩ hôn nhân toàn là màu hồng. Nhưng hôn nhân vẫn có mặt trái ngay cả khi mối quan hệ của cặp vợ chồng tốt đẹp bởi cuộc sống phức tạp hơn nhiều. Cần phải nghĩ đến nhiều người khi đưa ra những quyết định liên quan đến việc sử dụng thời gian, chỗ ở, đi nghỉ, thậm chí thực đơn mỗi ngày. Rồi còn phải lo lắng cho nhiều người nữa. Con cái đem lại niềm vui lớn nhưng cũng lắm lo toan. Phao-lô nói hôn nhân quả là đem đến “nhiều trở ngại thuộc đời này, và tôi muốn anh em tránh khỏi điều đó” (I Cô-rinh-tô 7:28). Ông đề cập ngắn gọn những trở ngại ở đây vì nó có liên quan đến ý tiếp theo.

• Người độc thân có thể tận hiến trọn vẹn hơn cho công việc Chúa: “Người không lấy vợ thì chuyên lo việc Chúa- tìm cách làm vui lòng Chúa. Nhưng người có vợ thì chăm lo việc đời- tìm cách làm hài lòng vợ, và họ bị phân tâm” (I Cô-rinh-tô 7:32-34). Trách nhiệm quan trọng của Cơ Đốc nhân khi đã kết hôn là chăm sóc người phối ngẫu và con cái của mình. Điều này tiêu tốn thời gian, cho nên không còn thời gian để đi làm chứng, để phụ giúp trong kỳ trại, để lo công việc tài chánh của Hội Thánh, hoặc hướng dẫn học Kinh Thánh. Người độc thân có nhiều thời gian hơn để làm những công việc này. Thật không phải ngẫu nhiên mà nhiều sinh hoạt trong Hội Thánh phụ thuộc phần lớn vào những người độc thân. Một số ít người chủ tâm chọn lối sống độc thân để tận hiến cho công việc Chúa. Hầu hết những người độc thân không chọn sống độc thân vì lý do đó, nhưng họ vẫn có những thuận lợi như thế. Thay vì tập chú vào những khó khăn khi sống độc thân, như một số người vẫn làm, chúng ta nên tận dụng tối đa ân tứ độc thân mà Chúa ban cho.

  1. Sống độc thân không dễ dàng
    Khi Đức Chúa Trời nhìn thấy một mình A-đam trong vườn Ê-đen, Ngài nói: “Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ tạo nên một người giúp đỡ thích hợp với nó” (Sáng Thế Ký 2:18). Vì thế, Ê-va được tạo dựng để đáp ứng nhu cầu của A-đam là cần có người bầu bạn, và cả hai kết hiệp với nhau trong sự hiệp nhất trọn đời trong hôn nhân. Mặc dù Tân Ước có cái nhìn tích cực về sống độc thân, nhưng chắc chắn hôn nhân được xem là chuẩn mực. Hôn nhân là món quà yêu thương của Chúa dành cho nhân loại, và là nơi khát khao thân mật của chúng ta được đáp ứng. Do vậy, người độc thân chắc chắn sẽ phải vất vả tranh đấu với sự cô đơn và cám dỗ tình dục. Những cuộc chiến này chắc chắn không chỉ dành cho người độc thân, mà chúng chính là một phần trong lối sống độc thân. Một số người cố gắng làm giảm những khó khăn này bằng cách kết hôn. Một số khác hoặc sẽ chọn không kết hôn hoặc sẽ cảm thấy không thể kết hôn vì hoàn cảnh riêng, vì tính cách hoặc hấp dẫn tình dục. Chắc chắn họ sẽ đối diện cuộc chiến với sự cô đơn và cám dỗ tình dục suốt đời.

Hai cuộc chiến này có liên hệ mật thiết với nhau. Chúng ta càng cô đơn, thì khả năng đấu tranh với sự tưởng tượng về tình dục và phạm tội càng nhiều. Chúng ta cần chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ trong những lĩnh vực này. Chúng ta không được tạo dựng để sống một mình, cho nên nếu chúng ta không lập gia đình, dù trong thời gian ngắn hay lâu dài, thì chúng ta nên tìm cách làm thoả mãn nhu cầu về sự thân mật trong các mối liên hệ khác. Điều đó có nghĩa là chủ động giữ liên lạc thân thiết với gia đình và bạn bè. Và phải tự kỷ luật trong việc “tránh sự gian dâm” (I Cô-rinh-tô 6:18). Có một hoặc hai người bạn thân để giúp nhau trong lĩnh vực này thường là điều hữu ích.

  1. Sống độc thân không phải là mãi mãi
    Nhiều người hiện độc thân nhưng ngày nào đó sẽ kết hôn. Một số khác thì sống độc thân suốt đời. Nhưng không có Cơ Đốc nhân nào độc thân vĩnh viễn. Hôn nhân của con người phản chiếu cuộc hôn nhân Đức Chúa Trời muốn vui hưởng với con dân Ngài mãi mãi. Kinh Thánh nói đến Chúa Giê-xu là chàng rể, một ngày kia sẽ trở lại để đem nàng dâu, tức Hội Thánh, ở với mình trong công trình sáng tạo mới toàn hảo. Vào ngày đó, mọi đau đớn sẽ biến mất, kể cả nỗi đau vì hôn nhân không hạnh phúc hay độc thân. Đức Chúa Trời sẽ lau ráo mọi nước mắt của chúng ta, và mọi người sẽ nghe tiếng tung hô lớn: “Chúng ta hãy vui mừng hớn hở, hãy tôn vinh Ngài, vì lễ cưới Chiên Con đã đến và vợ Ngài đã chuẩn bị mình sẵn sàng” (Khải Huyền 7:17; 19:7).

Sau khi nói về thiên đàng, một bà cụ độc thân nói với tôi: “Tôi nôn nóng chờ đến ngày cưới!” Hết thảy chúng ta cũng nên có cùng niềm hy vọng như vậy. Và chúng ta đã có thể trải nghiệm phần nào hôn nhân mật thiết đó với Đấng Christ trên đất này nhờ công tác của Thánh Linh trong đời sống. Các mối liên hệ của con người là quan trọng, nhưng không có mối liên hệ nào quan trọng như mối liên hệ đời đời với Chúa Giê-xu.

  • Đôi lời cuối cùng cho những ai độc thân:

• Hãy cảm tạ Chúa về ân tứ sống độc thân. Cho dù bạn trải qua kinh nghiệm gì trong cuộc sống độc thân, cũng hãy nhận biết đó là ân tứ Chúa ban và sử dụng tối đa ân tứ đó ngày nào bạn còn sống độc thân.

• Hãy làm tất cả những gì có thể để sống tin kính. Những người độc thân dễ rơi vào lối sống ích kỷ, xem mình là trung tâm và phạm tội tình dục, hoặc trong tư tưởng hoặc trong hành động. Hãy khép mình vào kỷ luật và sống có trách nhiệm.

• Hãy tập chú vào thiên đàng. Chính mối liên hệ đời đời với Đấng Christ mới là điều quan trọng tối hậu.

  • Đôi lời cuối cùng cho những ai kết hôn:

• Đừng cho rằng sống độc thân không tốt bằng kết hôn. Nhà truyền đạo và là tác giả Cơ Đốc John Chapman kể rằng có những người bạn cùng ông đi bộ một quãng đường dài rồi nói rằng John nên lập gia đình. John Chapman nhận xét: “Sẽ rất hữu ích nếu họ chịu đọc Kinh Thánh phải không?”

• Hãy nhớ rằng gia đình của bạn là toàn thể Hội Thánh. Không nên để cho ai cô đơn trong Hội Thánh. Chúng ta cần mở rộng cửa nhà để tiếp đón nhau và liên hệ với nhau không chỉ trong gia đình riêng, mà trong đại gia đình Hội Thánh nữa.

• Hãy tập chú vào thiên đàng. Hôn nhân của con người là quan trọng, nhưng nó sẽ không kéo dài mãi mãi (Mác 12:25). Cho nên, mối liên hệ của chúng ta với Đấng Christ phải đứng đầu.

Tác giả: Vaughan Roberts

Người dịch: Khuê Trần

Nguồn: (TheGospelCoalition)

Bí Quyết Để Vượt Qua Sợ Hãi

Sợ hãi vốn dĩ luôn tồn tại trong mỗi con người chúng ta. Từ một em bé đến người trưởng thành đều có những nỗi sợ hãi riêng trong cuộc sống. Sợ hãi là cảm xúc tiêu cực xuất hiện từ việc nhận thức các mối đe dọa. Đây là một cơ chế tồn tại cơ bản xảy ra trong phản ứng với một kích thích cụ thể, chẳng hạn như đau hoặc nguy hiểm đe dọa. Nói ngắn gọn, sợ là khả năng nhận ra nguy hiểm và chạy trốn khỏi nó hoặc chiến đấu chống lại.[1]

Vậy sợ hãi là một cơ chế tự nhiên của con người. Khác với sự lo lắng, sự sợ hãi thường khiến con người không giữ được bình tĩnh, run sợ không dám đối diện. Có những nỗi sợ hãi do tác động từ yếu tố khách quan bên ngoài, nhưng cũng có những nỗi sợ hãi vô hình có sẵn trong tiềm thức của con người. Nếu để sự sợ hãi kéo dài và không thể vượt qua được thì sẽ gây ra những ảnh hưởng xấu đến cảm xúc, hành vi của con người. Theo thống kê, con người có một bảng danh sách dài những nỗi sợ hãi như: Sợ độ cao, sợ đám đông, sợ thất bại, sợ bóng tối, sợ cô đơn, sợ thi cử, sợ máu, sợ động vật, sợ đau, sợ ma, sợ chết… và còn vô vàn những nỗi sợ hãi khác nữa.

Trước những gì đang diễn ra của đại dịch Covid-19, nhân loại đang đối diện với những nỗi sợ hãi chung: Sợ dịch bệnh kéo dài, sợ bị nhiễm bệnh, sợ bị cách ly, sợ phải chia ly người thân, sợ bị thất nghiệp, sợ đói, sợ chết… Là Cơ Đốc nhân, chúng ta cũng không tránh khỏi phải đối diện với những nỗi sợ trong cuộc đời. Nhưng trong Lời Chúa, Ngài chỉ cho chúng ta phương cách để vượt qua sự sợ hãi. Và phương cách đó nằm gói gọn trong câu Kinh Thánh Ê-sai 41:10

“Đừng sợ, vì ta ở với ngươi; chớ kinh khiếp, vì ta là Đức Chúa Trời ngươi! Ta sẽ bổ sức cho ngươi; phải, ta sẽ giúp đỡ ngươi, lấy tay hữu công bình ta mà nâng đỡ ngươi.”

  1. Nhận biết Chúa đang ở với mình
    Chúa phán: “Đừng sợ, vì Ta ở với ngươi”. “Ở với” có nghĩa là đồng hành, bên cạnh và ngự giữa. Nếu khi nào những nỗi sợ hãi xâm chiếm tâm trí chúng ta, thì hãy nhớ rằng: Đức Chúa Trời hứa ở cùng chúng ta. Đây là điều an ủi rất lớn cho những người thuộc về Ngài. Khi có Chúa ở cùng thì chắc chắn không có điều gì xảy đến cho chúng ta mà không nằm trong sự cho phép và tể trị của Chúa. Nguyên nhân sâu xa khiến chúng ta sợ hãi đó là không nhận biết Chúa đang ở với mình.

Có câu chuyện kể về một con tàu đang ra khơi thì gặp cơn bão rất lớn, khi sóng gió nổi lên, có một cậu bé trai trong con tàu đó khóc thét lên vì sợ hãi. Nhưng khi cậu bé nhìn lên buồng lái, cậu thấy cha mình đang là người cầm lái… thì cậu bé được bình an và không còn sợ hãi nữa. Mỗi chúng ta cũng vậy! Làm sao chúng ta có thể bình an, làm sao có thể vượt qua nỗi sợ hãi khi không biết ai đang lèo lái con thuyền cuộc đời mình.

Chúng ta nhớ câu chuyện các môn đồ “Bị Bão Giữa Biển” được ký thuật trong Phúc Âm Mác 4:35-41. Trong thời điểm khi cơn bão xảy đến, không phải chỉ có chiếc thuyền của các môn đồ mà thôi. Cũng có những chiếc thuyền khác trên biển và đang cùng bị bão như vậy. Nhưng sự khác nhau giữa thuyền của các môn đồ và các thuyền khác là gì? Đó là: Trên con thuyền của các môn đồ có Đức Chúa Giê-xu đang ở đó với họ.

Mỗi chúng ta cũng vậy, Covid-19 đang là đại dịch trên toàn thế giới, và chúng ta cũng không ngoại lệ. Vì thế, chắc hẳn ai trong chúng ta cùng đều đang đối diện với nhiều nỗi sợ hãi, nhưng hãy nhớ rằng: Chúng ta có Chúa đang ở bên cạnh mình. Hãy nương trên những lời hứa quý báu của Chúa trong Kinh Thánh để vượt qua sự sợ hãi:

• Chúa hứa ở cùng chúng ta trong mọi nơi: “Ta há không có phán dặn ngươi sao? Hãy vững lòng bền chí, chớ run sợ, chớ kinh khủng; vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi vẫn ở cùng ngươi trong mọi nơi ngươi đi” (Giô-suê 1:9).

• Chúa hứa ở cùng chúng ta trong mọi lúc: “Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế” (Ma-thi-ơ 28:20b). “Chánh Đức Giê-hô-va sẽ đi trước ngươi, Ngài sẽ ở cùng ngươi, chẳng lìa khỏi ngươi, chẳng từ bỏ ngươi đâu. Chớ sợ, và chớ kinh khủng” (Phục Truyền 31:8).

• Chúa ở cùng chúng ta trong mọi hoàn cảnh: “Bây giờ, hỡi Gia-cốp! Đức Giê-hô-va là Đấng đã dựng nên ngươi, hỡi Y-sơ-ra-ên! Ngài là Đấng đã tạo thành ngươi, phán như vầy: Đừng sợ, vì ta đã chuộc ngươi. Ta đã lấy tên ngươi gọi ngươi; ngươi thuộc về ta. Khi ngươi vượt qua các dòng nước, ta sẽ ở cùng; khi ngươi lội qua sông, sẽ chẳng che lấp. Khi ngươi bước qua lửa, sẽ chẳng bị cháy, ngọn lửa chẳng đốt ngươi” (Ê-sai 43:1-2).
Hãy xét lại: Chúng ta có thực sự nhận biết Chúa đang ở với mình không? Nếu đời sống vẫn còn đầy sự sợ hãi, thì coi chừng chúng ta chỉ thấy Chúa bằng lý thuyết suông chứ không thấy Ngài bằng sự từng trải thuộc linh và đôi mắt đức tin.

  1. Có mối liên hệ mật thiết với Chúa
    Nếu chúng ta không ngăn được sự sợ hãi xâm chiếm tâm trí thì sự sợ hãi sẽ dần dần dẫn chúng ta đến tâm trạng kinh khiếp. Hầu như con người thường có xu hướng kịch tính hóa quá mức một vấn đề, chính điều nầy làm cho sự sợ hãi lớn dần và dẫn đến tâm trạng mất bình tĩnh.

Lời Chúa phán “chớ kinh khiếp, vì Ta là Đức Chúa Trời ngươi.” Từ “kinh khiếp” trong câu Kinh Thánh nầy có nghĩa là kinh hãi, mất tinh thần trước những điều xảy đến ngoài tầm tay của chúng ta. Chúa biết con dân Ngài sẽ gặp những tâm trạng như vậy nên Ngài nhắc lại mối liên hệ giữa chúng ta với Chúa – “vì Ta là Đức Chúa Trời ngươi”. Cụm từ “Đức Chúa Trời ngươi” nói lên mối liên hệ giữa Đức Chúa Trời với những người tin cậy Ngài.

Trong Thi Thiên 91:2, trước giả gọi Chúa một cách rất thân mật: “Tôi nói về Đức Giê-hô-va rằng: Ngài là nơi nương náu tôi, và là đồn lũy tôi; Cũng là Đức Chúa Trời tôi, tôi tin cậy nơi Ngài”. Cách gọi “Đức Chúa Trời tôi” cho thấy Đức Chúa Trời không phải là một vị thần xa vời, nhưng Ngài là Đấng gần gũi, yêu thương, quan tâm, chăm sóc mỗi chúng ta. Vì thế, mỗi chúng ta hãy thiết lập và luôn giữ mối liên hệ mất thiết với Chúa.

Ngày hôm nay, có những người cũng xưng là Cơ Đốc nhân, cũng đi nhà thờ, cũng sinh hoạt ban ngành, cũng là một nhân sự hầu việc Chúa… nhưng không có mối liên hệ mật thiết với Chúa. Muốn có mối liên hệ mật thiết với Chúa, mỗi chúng ta phải dành nhiều thì giờ “ở riêng với Chúa” để đọc – suy gẫm Lời Chúa và tương giao với Ngài.

Chúng ta đừng chờ đợi đến khi có nan đề, hay gia đình mình, cá nhân mình gặp gian truân thì mới kêu cầu khẩn thiết với Chúa. Nhưng chúng ta phải giữ mối liên hệ tâm giao với Chúa mỗi giây phút dầu khi thuận cảnh hay nghịch cảnh. Hãy thiết lập và cam kết với Chúa để dành thì giờ “ở riêng với Chúa” mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng… đều đặn và liên tục. Chúng ta cần đến với Chúa để tích lũy năng lượng và sức mạnh thuộc linh hầu cho sẵn sàng ứng phó với mọi nan đề, hoàn cảnh. Và khi chúng ta có mối liên hệ mật thiết với Chúa, chắc chắn chúng ta sẽ luôn bình an, không sợ hãi, kinh khiếp trước mọi biến cố xảy đến trong đời sống.

  1. Hết lòng tin cậy Chúa
    “…Ta sẽ bổ sức cho ngươi; phải, ta sẽ giúp đỡ ngươi, lấy tay hữu công bình ta mà nâng đỡ ngươi”
    Khi đã nhận biết Chúa đang ở với mình, có mối tương giao mật thiết với Chúa thì chúng ta sẽ tiến đến bước thứ ba là: Hết lòng tin cậy Chúa. Thi Thiên 56:3 có chép, “Mỗi khi con lo sợ, con đặt trọn lòng tin cậy nơi Ngài” (Bản dịch 2011).

“Tin cậy” ở đây gồm 2 hành động: “tin” và “nương cậy”. Và sự nương cậy chỉ có khi nào niềm tin phải có trước. Nhiều người chỉ có tin ở phương diện lý trí, nhưng đời sống không thể hiện sự nương cậy Chúa (nghĩa là vẫn nương cậy vào sự khôn ngoan của mình, nương cậy vào Y học, nương cậy vào tiền bạc, nương cậy vào con người, thần tượng…)

Hết lòng tin cậy Chúa tức là tất cả tâm trí, cảm xúc, ý chí đều hướng về Chúa, lệ thuộc vào Ngài. Khi một người hết lòng tin cậy Chúa, người đó sẽ phó thác mọi sự trong tay Chúa. Và khi đó không còn sợ hãi nữa.

Quay lại với câu Kinh Thánh nền tảng Ê-sai 41:10, Chúa ban cho chúng ta ba nền tảng rất vững chắc cho người hết lòng tin cậy Ngài, đây cũng là lời hứa của Chúa dành cho mỗi chúng ta:

• Chúa sẽ “bổ sức”
“Đừng sợ vì Ta ở với con, Chớ kinh khiếp vì Ta là Đức Chúa Trời của con! Ta sẽ làm cho con mạnh mẽ; Phải, Ta sẽ giúp đỡ con, dùng tay phải công chính của Ta mà nắm giữ con.” (Ê-sai 41:10 – Bản Hiệu Đính)

Con người hữu hạn “tài hèn sức mọn” không thể nào tự mình đủ sức để ứng phó với những nan đề trong đời sống. Vì thế, chúng ta cần được Chúa “bổ sức”, “thêm sức” như Ê-sai 40:29 “Ngài ban sức mạnh cho kẻ nhọc nhằn, thêm lực lượng cho kẻ chẳng có sức”.
Trong đời sống mỗi chúng ta sẽ có những lúc bị những hoàn cảnh, hoạn nạn làm chao đảo, đuối sức và thậm chí ngã quỵ. Nhưng Chúa hứa sẽ “bổ sức” cho chúng ta khi hết lòng tin cậy nơi Ngài.

• Chúa sẽ “giúp đỡ”
Sống giữa đời, ai trong chúng ta cũng đều cần sự giúp đỡ của người khác, nhưng hiệu quả của sự giúp đỡ còn tùy thuộc vào năng lực, trí tuệ và mức độ nhiệt tình của người giúp đỡ. Khi nhờ con người giúp đỡ, có những việc vượt quá tầm, thì họ cũng bó tay. Nhưng Đấng phán hứa sẽ giúp đỡ chúng ta là Đức Chúa Trời toàn năng, toàn tri, toàn tại… nên không việc gì là không thể đối với Ngài.

Thi Thiên 46:1 chép rằng, “Đức Chúa Trời là nơi nương náu và sức lực của chúng tôi. Ngài sẵn giúp đỡ trong cơn gian truân.” Trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ, chữ “giúp đỡ” bắt nguồn từ động từ vốn có nghĩa là giải cứu hay cứu giúp. Trong ý nghĩa nầy chỉ về một ai đó lớn hơn, mạnh hơn, quyền lực hơn, khôn ngoan hơn, giàu có hơn vươn tới giúp đỡ những người yếu thế, nghèo khó. Đấng giúp đỡ đó chính là Đức Chúa Trời.

• Chúa sẽ “nâng đỡ”
Từ “nâng đỡ” mang một ý nghĩa khác so với từ “giúp đỡ” ở trên. “Nâng đỡ” có nghĩa là Chúa sẽ nắm giữ, bảo vệ mỗi chúng ta.
Trong Kinh Thánh, mỗi khi nói đến sự nâng đỡ của Chúa thường dùng từ “bàn tay hữu” hay “cánh tay hữu” để nói lên sức mạnh từ sự nâng đỡ của Chúa. Hơn thế nữa, Chúa dùng “tay hữu công bình” để nâng đỡ chúng ta, nghĩa là Ngài không để điều gì bất công hay quá sức xảy đến cho con dân của Ngài.

Vì thế, nếu phải đối diện với gian truân, hoạn nạn… thì đừng sợ hãi, hãy nhớ rằng “cánh tay phải mạnh sức” của Chúa đã, đang và sẽ trực chờ sẵn sàng giơ ra cứu giúp, nâng đỡ mỗi chúng ta.

Kết luận

Cuộc sống của mỗi chúng ta trên đất luôn chứa đựng nhiều nỗi sợ hãi, kinh khiếp đến từ nhiều mối đe dọa. Để vượt qua những sợ hãi đó, chúng ta cần thực hành 3 điều theo Lời Chúa dạy trong Ê-sai 41:10. Đó là: (1) Nhận biết Chúa đang ở với mình; (2) Có mối liên hệ mật thiết với Chúa; (3) Hết lòng tin cậy Chúa.

Là con dân của Chúa, nương trên Lời Hằng Sống của Ngài hãy luôn nhớ rằng: Chúa luôn ở với mỗi chúng ta để chỉ dẫn khi bối rối, thêm sức và khích lệ khi yếu đuối, bảo vệ khi sợ hãi, giúp đỡ để chiến thắng cám dỗ, an ủi khi bị tổn thương, nâng đỡ khi ngã lòng. Chúa ở với mỗi chúng ta trong mọi lúc, mọi nơi, và mọi hoàn cảnh, vì Ngài là Đức Chúa Trời Hằng Hữu – Toàn năng – Toàn Tri – Toàn tại.

Trong những ngày tai ương kinh khiếp của cơn đại dịch nầy, mỗi chúng ta cần dành nhiều thì giờ hơn để đến với Chúa, hát Thánh Ca, đọc Kinh Thánh và cầu nguyện để vượt qua những sợ hãi mà chúng ta đang đối diện. Chúng ta hãy trao sự lo lắng và sợ hãi do Covid-19 gây ra cho Chúa. Chúa sẽ trao lại cho chúng ta sự bình an thiên thượng của Ngài.

TĐ. Sử Đức Nguyên

Chết Người Cũ Để Đấng Christ Được Sống

Sau cuộc nội chiến Mỹ, những nô lệ da đen được trả tự do, nhưng một số nô lệ quyết định ở lại và tiếp tục hầu hạ chủ của họ như trước. Họ được tự do nhưng lại chọn sống nô lệ. Nhiều người tin Chúa đã chọn sống y như vậy. Chúa Giê-xu đã chết để giải phóng chúng ta khỏi nộ lệ cho tội lỗi, được sống tự do, nhưng một số người lại chọn trở về với chủ cũ. Sứ đồ Phao-lô nói với con dân Chúa ở Hội Thánh Ga-la-ti, “Chúa Cứu Thế đã buông tha chúng ta cho được tự do; vậy hãy đứng vững, chớ lại để mình dưới ách tôi mọi nữa”.

Trong thư Rô-ma, ông kêu gọi chúng ta, đừng để tội lỗi cai trị đời sống, đừng phó mình cho dục vọng… chúng ta không còn là nô lệ cho tội lỗi nữa. Tiến vào tương lai, một quyết tâm chúng ta cần cam kết để nhận được mọi phước hạnh Chúa ban cho là dứt khoát với những thói quen tội lỗi. Mệnh lệnh của Chúa cho người muốn làm mới lại đời sống là “Đừng để tội lỗi cai trị đời sống của con. Đừng phó mình cho dục vọng nữa,” Chúa muốn chúng ta phải dứt khoát với những thói quen tội lỗi của mình. Mỗi Cơ Đốc nhân sau khi nhận biết rõ ý nghĩa của Thánh lễ Báp-tem thì đều muốn nhận thánh lễ ấy để tuyên xưng đức tin là mình đồng chết và đồng sống lại với Đấng Christ. Sứ đồ Phao-lô giải thích rất rõ ý nghĩa sự chết và sự sống lại của Đấng Christ, và cho biết chúng ta cũng phải đồng chết con người cũ và sống lại bằng con người mới với Ngài. Khi chúng ta tin vào sự chết chuộc tội của Chúa Giê-xu trên thập tự giá thì chúng ta cùng phải sẵn sàng “đóng đinh” con người cũ của mình, để cho “thân thể của tội lỗi bị tiêu diệt đi, và chúng ta không phục dưới tội lỗi nữa”. Và khi chúng ta tin vào sự sống lại của Chúa Giê-xu, chúng ta cũng phải cùng sống với Ngài bằng một đời sống mới đi theo sự dẫn dắt của Chúa Thánh Linh.

Nghi thức làm phép báp-tem bằng nước nói lên rằng chúng ta bước vào một mối quan hệ mới với Chúa. Lúc đó bởi đức tin chúng ta được liên hiệp với Chúa Giê-xu trong sự chết và sự sống lại của Ngài. Tuy nhiên nếu không bởi đức tin và bởi ân sủng phép báp-tem không thể đem chúng ta vào mối quan hệ mới này. Không những chúng ta hiệp một với Chúa Giê-xu trong sự chết, mà còn sống một đời sống mới trong Ngài. Bởi đức tin nơi Chúa Giê-xu chẳng những chúng ta được giải phóng khỏi quyền của tội lỗi, mà còn được ban quyền năng để chiến thắng tội lỗi. Khi con người cũ là con người dưới quyền tội lỗi bị tiêu diệt, bị đóng đinh vào cây thập tự thì, chúng ta không còn sống dưới sự thống trị của tội lỗi nữa. Nói cách khác, khi thuộc về Chúa Giê-xu, chúng ta không còn ở trong tội lỗi nữa. Tội lỗi không có quyền trên Ngài, chúng ta ở trong Ngài, nên tội lỗi không có quyền trên chúng ta. Chúa Giê-xu đã sống lại, đắc thắng sự chết như Phao-lô khẳng định “sự chết không còn cai trị trên Ngài”. Vậy khi chúng ta tin nhận Ngài, chúng ta sẽ cùng sống với Ngài trong sự đắc thắng. Chúa đã sống lại để ban cho chúng ta sự sống và là một sự sống đắc thắng. Do đó, mỗi khi dự lễ kỷ niệm Chúa Giê-xu Phục Sinh, mỗi con dân Chúa phải nhớ rằng chúng ta cần sống một cuộc đời đắc thắng cho Ngài. Chúng ta phải tin vào quyền năng của Chúa Phục Sinh để cuộc sống chúng ta công bố quyền năng đó.

Khi còn sống trong thân xác hay hư nát này, chắc chắn chúng ta sẽ đối diện với bệnh tật, đau yếu, nhưng chúng ta có quyền năng của Chúa Phục Sinh ở trong mình, cho nên chúng ta phải thể hiện một nếp sống đắc thắng. Điều đó có nghĩa là chúng ta không để những nan đề, bệnh tật, hay nghịch cảnh làm mình ngã quỵ, nản lòng, nhưng phải giữ tinh thần lạc quan và bình an của một người đang sống trong quyền năng đắc thắng của Chúa Phục Sinh. Chúa Giê-xu của chúng ta chỉ chết một lần đủ cả để chuộc tội cho toàn nhân loại, và Ngài đã phục sinh cách khải hoàn, hiện nay Ngài đang sống để ban năng quyền sự sống cho những ai tin nhận Ngài.

Xin Chúa giúp chúng ta kinh nghiệm quyền năng phục sinh của Chúa để chúng ta sống một đời sống đắc thắng cho Ngài.

Podcasts

Latest sermons