Trang chủ Blog Trang 10

Hãy Chỗi Dậy Đi Lên

Kinh Thánh thường dùng sự kiện trong thế giới tự nhiên để soi sáng những chân lý trong lãnh vực thuộc linh. Ánh sáng thường được dùng để minh họa bản chất của Chúa – Chúa là sự sáng – cũng như nói lên đặc điểm của người theo Ngài – tức người thuộc về sự sáng. Những đặc điểm của người thuộc về sự sáng, đó là nhân từ, công bình, và thành thật. Người đi trong sự sáng không những không tham dự nhưng còn quở trách những công việc thuộc về bóng tối vì với người đó chỉ nghe nói đến cũng đã cảm thấy hổ thẹn rồi. Nhiều người cho rằng câu này là bài thánh ca được Hội Thánh đầu tiên hát trong lễ báp-tem. Khi các tân tín hữu lên khỏi nước, tượng trưng cho việc từ sự chết đến sự sống, bài hát nhằm giục giã họ “vùng dậy từ cõi chết để được Chúa Cứu Thế chiếu sáng.” Sự chết ở đây là bóng tối tội lỗi. Vùng lên khỏi bóng tối tội lỗi và được Chúa chiếu sáng là những bước đầu tiên của đức tin. Từ nguyên tắc này, Phao-lô đưa ra những lời khuyên cụ thể. Mỗi chúng ta đều có một quá khứ tội lỗi. Đó là lúc ta còn ở trong bóng tối trước khi quay lại với Chúa.

Những công việc của sự tối tăm là những điều mà trước khi đặt đức tin trong Chúa Cứu Thế, ta chưa phân biệt được. Càng sống trong bóng tối tội lỗi, sự mù lòa thuộc linh càng trở thành nghiêm trọng đến nỗi người ta không còn muốn biết đến những điều sai phạm. Đã có lần ta ở trong bóng tối, mê muội và quờ quạng, nhưng ân sủng Chúa đã đánh thức ta khỏi giấc ngủ để nhìn thấy Chúa Cứu Thế là ánh sáng của thế giới. Bây giờ ta được kêu gọi “bước đi như các con sáng láng”, tức sống như người thuộc về ánh sáng. Con cái của sự sáng có nghĩa là ta phải mang hình ảnh Chúa Giê-xu là nguồn của sự sáng. Mỗi ngày phải giống Chúa hơn. Ngày càng chết đi bản ngã và sinh lại trong bản tính Chúa Cứu Thế như được tượng trưng bằng hình thức báp-tem. Khi còn trong bóng tối, ta tìm cách thỏa mãn tư dục, bây giờ, là con của sự sáng, ta không tham dự vào những việc tối tăm đã từng làm trong quá khứ, trái lại hết sức làm điều gì đẹp lòng Chúa. Trong bóng tối, đời sống ta không thể đâm hoa kết trái, nhưng trong sự sáng, làm những điều tốt lành, công chính và chân thật là những bông trái.

Thật vậy, khi liên hệ câu chuyện chiếm thành A-hi trong Cựu Ước, chúng ta thấy rằng chỉ sau khi tội lỗi đã được trừ khử khỏi giữa vòng tuyển dân, Chúa mới truyền lệnh cho Giô-suê thi hành án phạt đối với dân A-hi. Giô-suê vâng lời và từ chỗ thất bại, người Y-sơ-ra-ên tiến đến chiến thắng khải hoàn. Giải quyết mọi tội lỗi trong đời sống luôn luôn là điều kiện tiên quyết để được Chúa sử dụng và nguyên tắc này áp dụng cho cả cá nhân, gia đình cũng như Hội Thánh. A-hi và Bê-tên nằm ở vị trí chiến lược nhằm giám sát lối vào một khu vực rộng lớn với đồi núi chập chùng. Vì thế chiến thắng A-hi một lần nữa xác nhận rằng Đức Chúa Trời ở cùng dân Ngài và Ngài ban đất hứa cho họ. Nhiều lần trong lịch sử Y-sơ-ra-ên cũng như trong cuộc đời của những người theo Ngài, dường như Sa-tan chiến thắng, nhưng khi Đức Chúa Trời kêu gọi ăn năn và cất bỏ tội lỗi thì tình thế hoàn toàn đổi khác. Khi chối Chúa ba lần, Phi-e-rơ đã thất bại thê thảm, nhưng khi ông ăn năn, Chúa phục hồi ông. Từ một con người sợ hãi, Phi-e-rơ đã trở nên can đảm, hết lòng sống và chết vì Danh Chúa Giê-xu. Để được như Phi-e-rơ, chúng ta phải ăn năn, vâng lời và chỗi dậy. Sau đó, Chúa sẽ phục hồi và ban chiến thắng cho chúng ta.

Với Giê-ri-cô, kế hoạch và chiến lược được Đức Chúa Trời vạch ra và Giô-suê cứ theo đó mà thi hành. Còn A-hi, Đức Chúa Trời ban bố mệnh lệnh và Giô-suê phải vận dụng chiến lược của mình để tấn công. Đức Chúa Trời có thể sử dụng nhiều cách để giúp chúng ta chiến thắng. Khi Ngài dùng những phương cách giống như Ngài đã dùng để triệt hạ Giê-ri-cô, nhưng thường thì Ngài sử dụng kỷ năng của những người mà Ngài đã trang bị, cũng là những người hết lòng vâng phục và tận hiến. Ngài sử dụng những con người bất toàn và thất bại nhưng biết vâng lời và tiếp tục tìm kiếm ý muốn của Ngài. Qua họ, Đức Chúa Trời hoàn thành mục đích của Ngài.

Xin Chúa giúp chúng ta sống đắc thắng,luôn bước đi trong sự sáng, vâng lời Ngài và chỗi dậy tiếp tục đi lên trên linh trình theo Chúa.

Ơn Chúa Tại Đất Kẻ Sống

Rất khó để nhận biết hoàn cảnh cụ thể nào trong cuộc đời khiến Vua Đa-vít viết lên Thi-thiên 27, một trong những Thi-thiên đem đến sự an ủi lớn nhất cho con dân Chúa trải qua các thời đại. Thi-thiên này gồm hai phần rõ rệt: Sáu câu đầu là lời tuyên xưng bằng đức tin của trước giả nơi Đức Chúa Trời, và từ câu 7 trở đi là lời cầu nguyện của linh hồn ông dâng lên cho Đấng ông yêu thương và tin cậy.Trong phần mở đầu, tác giả dùng ba hình ảnh, ánh sáng, sự cứu rỗi, và đồn lũy, để chỉ về Đức Chúa Trời là Đấng mình nương cậy. Chính vì vậy, điều ông mong muốn nhất là “được ở trong nhà Đức Giê-hô-va để nhìn xem sự tốt đẹp của Đức Giê-hô-va”. Vua Đa-vít không trông cậy vào quân đội, sự khôn ngoan, hay những người trung thành với ông nhưng vào chính sự tốt lành của Đức Chúa Trời. Cũng như Vua Đa-vít, chúng ta là những người có phước khi được nhận biết và thờ phượng một Đức Chúa Trời tốt lành. Sự tốt lành của Chúa được bày tỏ qua công trình sáng tạo tốt lành, qua chương trình cứu rỗi kỳ diệu dành cho con người, và qua cả sự thành tín đối với chúng ta mỗi ngày.

Câu “Tôi sẽ sợ ai? Tôi sẽ hãi hùng ai?” tuy đặt dưới dạng câu hỏi nhưng là lời xác quyết: Chẳng sợ ai! Chẳng hãi hùng ai! Đặt câu hỏi như thế là cách tác giả tự củng cố đức tin của mình trước những sức mạnh thù nghịch. Nhận biết Đấng mình nương cậy là ai, tác giả không còn rúng động trước sức mạnh của quân thù, vì tin chắc rằng Ngài sẽ làm cho quân thù vấp ngã. Sự thành tín của Đức Chúa Trời khiến Vua Đa-vít vững tin trong cuộc sống. Đối với ông, không ai đáng tin cậy hoàn toàn ngoài Đức Chúa Trời, vì ngay cả “khi cha mẹ bỏ tôi đi, thì Đức Giê-hô-va sẽ tiếp nhận tôi”. Chính sự tốt lành của Đức Chúa Trời là sự trông cậy của cả đời sống Vua Đa-vít khiến ông không ngã lòng. Đây cũng là điều đem đến cho chúng ta sự bình an trong mọi hoàn cảnh, ngay cả khi mọi người quay lưng với chúng ta, ngay cả trong những sai phạm của cuộc đời mình thì sự tốt lành của Đức Chúa Trời vẫn không rời bỏ chúng ta và tình yêu bao dung của Ngài vẫn luôn dành cho chúng ta.

Sau khi lớn tiếng ca tụng Đức Chúa Trời trong sự vui mừng và bày tỏ lòng tin cậy nơi sự che chở của Ngài, Đa-vít tiếp tục cầu nguyện cùng Ngài. Có lẽ nghịch cảnh tiếp tục theo đuổi ông vì thế trong sự lo âu ông đã kêu cầu Ngài, xin hãy nghe tiếng tôi kêu cầu cùng Ngài. Hãy thương xót tôi, và nhậm lời tôi. Ông khẩn thiết tìm kiếm Đức Chúa Trời bằng cả tâm hồn. Lời khẩn nguyện của ông là tiếng nói của một linh hồn đang ở trong sự sầu khổ và hoạn nạn, thiết tha nài xin sự giải cứu mau chóng từ Chúa. Đa-vít kêu cầu Đức Giê-hô-va với niềm tin cậy rằng trong quá khứ Ngài đã nghe, đã giải cứu, giờ đây Ngài cũng sẽ nghe và nhậm lời. Qua lời cầu nguyện, Đa-vít tiếp tục bày tỏ niềm tin cậy và sự nương dựa nơi Đức Chúa Trời. Ông nhận thức rằng khi Đức Chúa Trời giấu mặt Ngài có nghĩa là Ngài không đổ phước xuống và không giang tay ra che chở nữa. Vì thế ông cố sức tìm kiếm mặt Đức Chúa Trời bằng cách giữ gìn mối quan hệ khắng khít với Ngài qua sự cầu nguyện, qua nếp sống vâng phục và bước đi trong sự sáng. Khi làm như thế thì dù có lúc Đức Chúa Trời giận, Ngài vẫn tiếp trợ và không lìa bỏ ông. Không còn được Đức Chúa Trời tiếp trợ và bị Ngài lìa bỏ là một nỗi bất hạnh lớn cho những ai xưng mình là người thuộc về Đức Chúa Trời.

Khi cầu xin Đức Chúa Trời dẫn ông vào các lối bằng phẳng, Đa-vít muốn cầu xin Đức Chúa Trời san bằng mọi trở lực trên đường ông đi. Chắc hẳn trên linh trình vẫn còn nhiều trở lực trước mặt, nhưng khi có Đức Chúa Trời đi cùng, chính tay Ngài sẽ san bằng mọi trở lực chứ không phải chúng ta. Cuối cùng bất chấp mọi khó khăn, Đa-vít tin rằng Chúa sẽ đến mau chóng, giải cứu người thuộc về Ngài. Ông không ngã lòng thất vọng khi thấy ơn của Ngài trên đất kẻ sống.

Xin Chúa giúp chúng ta luôn ngửa trông nơi Ngài và tiếp tục vững lòng tin cậy Ngài.

Chúa Thánh Linh Và Sự Lột Bỏ Con Người Cũ

Là Cơ Đốc nhân, chúng ta cần phải chú tâm phát triển nếp sống Cơ Đốc mỗi ngày. Lời Chúa cho biết nếp sống Cơ Đốc đối nghịch với nếp sống xác thịt. Bước đi theo Chúa là chấp nhận chết đi con người xác thịt tội lỗi, được tái sinh trong Chúa Giê-xu, trở thành người mới và sống nếp sống mới theo sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh. Sứ đồ Phao-lô cho chúng ta thấy những việc làm cụ thể của nếp sống theo xác thịt: “Ấy là gian dâm, ô uế, luông tuồng, thờ hình tượng, phù phép, thù oán, tranh đấu, ghen ghét, buồn giận, cãi lẫy, bất bình, bè đảng, ganh gổ, say sưa, mê ăn uống, cùng các sự khác giống như vậy”. Hậu quả của những người cứ miệt mài trong những việc làm của xác thịt tội lỗi, không chịu ăn năn là không hưởng được phước hạnh của Vương Quốc Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu phán với các môn đệ về cái giá để trở nên môn đệ Chúa là phải từ bỏ chính mình, chấp nhận chết đi con người tội lỗi cũ của mình.

Đầu tư cho nếp sống Cơ Đốc chính là sống theo sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh. Như nhánh nho phải gắn liền với gốc thể nào thì Cơ Đốc nhân cũng phải liên kết chặt chẽ với Đức Thánh Linh thể ấy. Đức Thánh Linh không những giúp chúng ta thắng hơn xác thịt mà còn giúp chúng ta thể hiện được bông trái Thánh Linh trong đời sống, đó là “lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ”. Nếu chúng ta đã nhờ Đức Thánh Linh mà sống, thì hãy bước theo Đức Thánh Linh.

Được Đức Thánh Linh dẫn dắt và bước theo Đức Thánh Linh là nếp sống đối nghịch với những ưa muốn của xác thịt. Vì nếp sống xác thịt có những dục vọng trái ngược với Đức Thánh Linh, nên Cơ Đốc nhân không thể nói mình tin Chúa mà vẫn sống theo dục vọng tội lỗi. Mỗi Cơ Đốc nhân cần đầu tư phát triển nếp sống Cơ Đốc của mình qua việc dành thời gian học hỏi Lời Chúa để hiểu rõ sự dạy dỗ của Ngài, qua sự cầu nguyện để hiểu rõ ý Chúa, và qua việc đầu phục Đức Thánh Linh để Ngài dẫn dắt mỗi ngày sống khiêm nhường, công chính và yêu thương. Sứ đồ Phi-e-rơ dạy: “Nhưng, như Đấng gọi anh em là thánh, thì anh em cũng phải thánh trong mọi cách ăn ở mình, bởi có chép rằng: Hãy nên thánh, vì Ta là thánh”. Cơ Đốc nhân phải đầu tư cho nếp sống Cơ Đốc của mình để qua đó Danh Chúa được vinh hiển.

Những kẻ thuộc về Đức Chúa Jêsus Christ đã đóng đinh xác thịt với tình dục và dâm dục mình trên thập tự giá rồi. Phao-lô dùng động từ đóng đinh để mô tả việc diệt trừ xác thịt. Đóng đinh nghĩa là xử tử. Người tin Chúa là người đã khai trừ con người xác thịt của mình: Những kẻ thuộc về Đức Chúa Jêsus Christ đã đóng đinh xác thịt… trên thập tự giá rồi! Tình dục và dâm dục chẳng những nói về những tội liên quan đến tính dục nhưng cũng chỉ về tất cả những ham muốn xấu xa: “Những người thuộc về Đấng Christ Jêsus đã đóng đinh xác thịt cùng với các đam mê và dục vọng mình trên thập tự giá rồi”. Kể con người cũ như đã chết.Chúng ta cần phải bước theo Thánh Linh hay đồng bước, hòa cùng một điệu với Đức Thánh Linh, sống trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh.

Xin Chúa giúp chúng ta cam kết kỷ luật tâm linh trong việc đầu tư cho nếp sống Cơ Đốc theo sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh.

Podcasts

Latest sermons