Trang chủ Blog Trang 9

Tìm Kiếm Để Tôn Thờ

Ma-thi-ơ 2:2b)

Khi Chúa Giê-xu sinh ra, có ít người biết và rất ít người đi tìm kiếm Ngài. Nhưng tại một vùng xa xôi bên phương Đông, có một nhóm người nọ hết lòng đi tìm Chúa. Người ta thường gọi họ là các bác sĩ nhưng có lẽ gọi là nhà thông thái thì đúng hơn. Nhà thông thái là người học rộng, biết nhiều. Các nhà thông thái này chuyên nghiên cứu các vì sao trên trời để tìm câu giải đáp cho những việc xảy ra trên thế giới. Họ tin có một Đấng quyền năng trong vũ trụ và tin rằng nhờ nghiên cứu những vì sao mà Đấng đó tạo dựng, họ có thể biết được ý Ngài.

Một đêm kia, các nhà thông thái đang ở ngoài trời quan sát các vì sao thì Đức Chúa Trời đã phán với họ qua một vì sao đặc biệt. Họ thấy vì sao này sáng hơn tất cả những vì sao mà họ đã nghiên cứu từ trước đến nay. Nhìn vì sao đặc biệt đó, các nhà thông thái biết rằng có một Vị Vua vừa mới ra đời. Không những thế, họ còn biết rằng Vị Vua này lớn hơn, đặc biệt hơn tất cả những vị vua khác trên thế gian. Càng nghiên cứu vì sao sáng, các nhà thông thái càng thấy muốn đi tìm Vị Vua mới sinh để tôn thờ. Sau một vài ngày bàn tính với nhau, họ đồng ý tạm dẹp công việc qua một bên để lên đường đi tìm Vị Vua mới sinh. Dù không biết rõ Vị Vua đó ở nơi nào và dù biết rằng đường đi rất xa xôi, hiểm trở, họ cũng quyết định lên đường. Các nhà thông thái đến kinh thành Giê-ru-sa-lem. Họ tưởng sẽ thấy kinh thành tưng bừng đón mừng Vị Vua mới chào đời nhưng chẳng có gì cả. Không những thế, khi họ hỏi thăm, chẳng một ai biết gì về Vị Vua đó. Mấy nhà thông thái ngạc nhiên lắm. Sau đó họ nói với nhau: Vua thì chắc là phải sinh ra trong cung điện. Vì thế họ đến cung điện vua Hê-rốt để hỏi thăm. Nghe nói có một vị vua Do Thái mới ra đời, vua Hê-rốt giật mình, lo lắng. Ông gọi các thầy thông giáo, là người biết sử sách và Thánh Kinh, vào và hỏi: “Vua của người Do Thái phải sinh ra tại đâu?” Các thầy trưởng tế và thầy thông giáo tìm đọc trong Thánh sử và cho biết, một Vị Vua Do Thái sẽ ra đời tại làng Bết-lê-hem, thuộc vùng Giu-đa. Các thầy trưởng tế chỉ đọc trong sách và nói cho vua Hê-rốt biết rồi thôi, họ không để tâm đến mà cũng chẳng cần đi đến Bết-lê-hem xem có đúng như vậy không.

Từ giã Hê-rốt, các nhà thông thái tiếp tục lên đường. Vì sao sáng mà họ thấy bên phương Đông vẫn còn ở trước mặt, họ theo vì sao và đi về hướng làng Bết-lê-hem. Vì sao sáng cứ đi trước mặt họ cho đến khi tới đúng nơi mà Giô-sép và Ma-ri đang ở thì dừng lại. Các nhà thông thái vui mừng, ra lệnh cho người và lạc đà dừng lại. Họ vào căn nhà đó và đã gặp Vị Vua mà họ đang tìm kiếm. Vị Vua này không ở trong cung điện, không mặc áo của các vị vua chúa, không có lính đứng hầu hai bên. Nhưng các nhà thông thái biết ngay đây chính là Vị Vua Lớn vừa mới ra đời. Họ liền quỳ xuống trước mặt Ngài và thờ lạy Ngài. Các nhà thông thái Đông phương tiêu biểu cho những người thật lòng tìm kiếm Chúa; và Ngài là Đấng thành tín, dẫn đường để họ gặp được Ngài. Đức Chúa Trời tể trị và hiệp lại mọi sự để làm ích lợi cho những người được kêu gọi theo mục đích của Ngài. Những nhà thông thái Đông phương đã chuẩn bị chu đáo cho mục đích tôn thờ Chúa Cứu Thế. Họ sấp mình thờ lạy vị Tân Vương mới sinh và dâng lên Ngài các lễ vật: vàng, nhũ hương, và một dược. Họ là những người quyền quý, giàu có, đáng kính, nhưng họ nhận biết Hài Nhi bé nhỏ này là Đấng vĩ đại và đáng tôn kính vượt trổi hơn mình bội phần.

Nhìn lại chính mình trong hành trình theo Chúa, có những lúc chúng ta vô cùng khát khao tìm kiếm Chúa như các bác sĩ ngày trước, nhưng cũng có những lúc chúng ta lại dửng dưng xa lạ trước Chúa và Lời Ngài như các thầy tế lễ và thầy thông giáo năm xưa. Thế nên, một trong những thách thức của Cơ Đốc nhân là làm thế nào để có thể duy trì tấm lòng khát khao, tìm kiếm Chúa mỗi ngày. Lễ Giáng Sinh đến và đi, chúng ta quay lại với cuộc sống lệ thường. Như các nhà thông thái, chúng ta hãy tìm kiếm và thờ phượng Chúa bất cứ nơi nào hay lúc nào, vì “Chúa cao cả vĩ đại, chỉ Ngài đáng được tôn thờ”.

Xin Chúa giúp chúng ta luôn có tinh thần khát khao Chúa, tấm lòng tìm kiếm Chúa và đời sống thờ phượng Chúa.

Đấng Cứu Thế Giáng Sinh

Vào thời Chúa Giê-xu giáng sinh, xứ Do Thái ở dưới ách đô hộ của đế quốc La Mã. Để bảo đảm cho việc thu thuế và kiểm soát quân sự, chính quyền La Mã thường có những cuộc kiểm kê dân số định kỳ khoảng 14 năm một lần, tất cả mọi người đi làm ăn xa đều phải trở về quê quán của mình để khai báo đúng theo quy định. Theo kế hoạch hoàn hảo mà Đức Chúa Trời đã hoạch định, chiếu chỉ của Vua Au-gút-tơ được ban hành vào đúng thời điểm Ngài đưa Con Ngài xuống thế gian. Theo chiếu chỉ này, mọi người phải trở về nguyên quán để đăng ký. Cựu Ước tiên tri rằng Đấng Mết-si-a được sinh ra thuộc dòng dõi của Vua Đa-vít. Giô-sép và Ma-ri đều là con cháu của Đa-vít, vì thế cả hai phải vượt chặng đường khoảng bảy mươi dặm để đến Bết Lê-hem là nơi sinh trưởng của Vua Đa-vít để khai tên vào sổ. Tại nơi đây, Chúa Giê-xu được sinh ra đúng như lời tiên tri trong Mi-chê 5:1, dù cha mẹ phần xác của Ngài không sống ở đó.

Những người chăn chiên bị xem là giai cấp thấp hèn trong xã hội thời bấy giờ. Vì công việc của họ được xem là không sạch, nên họ không được đến đền thờ và hội đường. Dù vậy, bởi ân sủng của Đức Chúa Trời, tin vui về Cứu Chúa ra đời được loan báo cho những người chăn chiên trước tiên. Họ đã thấy ánh sáng rực rỡ, nghe thiên sứ loan báo tin mừng và nghe các đạo quân thiên sứ hát mừng Con Thánh. Cách của Chúa là sai các thiên binh thiên sứ ca hát khi Con Thánh ra đời để truyền thông cho nhân loại sứ điệp bình an của Tin Lành. Những người thấp hèn nhất trong thế gian sẽ là người đầu tiên tiếp nhận sứ điệp đó. Con Thánh đã đem hòa bình đến cho nhân loại, ở đâu có Ngài, ở đó có sự bình an. Ở đâu có Ngài, nơi đó có sự sống và sự sáng.

Lu-ca mô tả khi sinh hài nhi Giê-xu, Ma-ri lấy khăn bọc con mình và đặt nằm trong máng cỏ. Có thể bà đã lấy rơm khô để làm lớp nệm cho con êm ái hơn. Vua muôn vua đã hạ sinh trong hoàn cảnh nghèo nàn và khiêm nhường. Ngài sinh ra làm người để phục vụ, để tìm và cứu tội nhân. Thật phù hợp với mối quan tâm của Lu-ca dành cho người nghèo, các thiên sứ đã báo tin Đấng Mết-si-a ra đời cho một nhóm người chăn chiên nghèo nàn. Họ tượng trưng cho “những tội nhân” mà Phúc Âm của sự cứu rỗi được ưu tiên loan báo cho. Sau khi thờ lạy Con Trẻ, họ vui mừng trở về tôn ngợi, chúc tụng và làm vinh hiển Danh Đức Chúa Trời trong mùa Giáng Sinh đầu tiên của nhân loại. Họ biết rằng họ đã tiếp nhận sứ điệp vô cùng đặc biệt và được đặc quyền nhìn thấy Con Đức Chúa Trời trước tiên. Qua họ và qua những thế hệ Cơ Đốc nhân tiếp nối, trong đó có chúng ta, Tin Mừng Giáng Sinh trở thành Niềm Vui Mừng Lớn Cho Mọi Người.

Sự ra đời của các bậc vua chúa thời xưa luôn được được hoàng cung và thần dân vui mừng chào đón, nhưng Con Đức Chúa Trời đã hạ sinh một cách khiêm nhường. Ngài đã đến thế gian và trải qua những giờ phút đầu tiên của đời người trong máng cỏ. Cách Con Đức Chúa Trời đến trần gian cho thấy sự khác biệt giữa những gì Đức Chúa Trời làm và những gì chúng ta làm. Chúng ta thường tìm cách tôn vinh mình, người thân của mình, nhưng Con Đức Chúa Trời đã tự bỏ mình đi và mang lấy hình hài của một đầy tớ. Trong Lu-ca 1, thiên sứ loan báo một Hài Nhi ra đời để trở nên Vua của vương quốc đời đời như thế nào. Trước đó ông Xa-cha-ri đã bày tỏ sự vui mừng nói rằng mặt trời đã mọc lên để ban ánh sáng vui mừng cho dân tộc ông và cho nhân loại ra sao. Những điều đó đã ứng nghiệm với lời tiên tri trong Ê-sai. Nhưng tại máng cỏ khiêm ti, Thánh Nhi ra đời là khởi đầu sự xung đột giữa Vương Quốc của Đức Chúa Trời và vương quốc của thế gian. Điều này chỉ kết thúc khi Con Trời trở lại làm Vua trên muôn vua, Chúa trên muôn chúa. Chúng ta hãy dành thời gian để suy nghĩ đến sự thành tín và khiêm nhường của Đức Chúa Trời, cách Ngài đã thực hiện các kế hoạch của Ngài và tình yêu thương Ngài dành cho nhân loại.

Xin Chúa giúp chúng ta tái dâng hiến đời mình để trọn đời chúng ta cứ rao truyền ơn cứu chuộc của Ngài.

Podcasts

Latest sermons