(Nguồn: https://httlvn.org/co-doc-nhan-can-co-thai-do-nao-khi-doi-dien-voi-dai-dich-virus-corona.html)
“Chúng con không biết phải làm sao; nhưng con mắt chúng con ngưỡng trông Chúa.”
Khi ngồi trong căn hộ của mình tại Trung Quốc, nơi tràn ngập dịch bệnh nCoV, với tâm trạng căng thẳng, lo lắng, tôi cố nghĩ xem liệu có lời cầu nguyện nào hay hơn lời cầu nguyện được thốt ra bởi vua Giô-sa-phát tuyệt vọng nhưng đầy lòng tin chắc nơi Chúa (2 Sử Ký 20:12).
Cả thế giới đang hồi hộp, lo lắng dõi theo khủng hoảng về y tế toàn cầu. Các công ty, trường học đang cố trì hoãn mọi hoạt động. Biên giới đóng cửa. Những ngày gần đây nhiều chuyến bay ra vào nước này bị ngưng lại. Là Mục sư người Mỹ hiện đang hầu việc Chúa tại Trung Quốc, chúng tôi cảm thấy dường như quyết định ở lại của mình là một sai lầm.
Chúng tôi cầu nguyện gì? “Chúng con cũng không biết điều gì mình phải làm; nhưng con mắt chúng con ngưỡng trông Chúa.” (2 Sử Ký 20:12c)
Cái nhìn lúc xưa của Giô-sa-phát rất phù hợp với tình hình tháng 2 năm 2020 hiện nay. Lúc đó, có một đạo quân lớn từ Ê-đôm áp tới tấn công Giu-đa. Nhưng đức tin Giô-sa-phát rất vững vàng. Ông không chỉ tin cậy Chúa khi đối diện với sự bại trận có thể xảy ra nhưng với cả tai họa có thể giáng xuống trên ông và con dân Chúa!
“Nếu tai họa giáng trên chúng con, hoặc gươm giáo, hoặc sự trừng phạt, hoặc dịch bệnh, hoặc nạn đói, thì chúng con sẽ đứng trước đền thờ này và trước mặt Chúa (vì danh Chúa ở trong đền thờ này), mà kêu cầu Ngài trong cảnh khốn cùng của chúng con, Ngài sẽ lắng nghe và giải cứu chúng con.” (2 Sử Ký 20:9, BHĐ)
Giô-sa-phát hết lòng tin cậy Chúa khi đối diện với hiểm nguy. Thậm chí khi đối diện với bệnh tật và dịch lệ, ông vẫn tìm cầu Chúa.
Trong cảnh dịch bệnh như hiện nay, chúng ta phải học cách làm giống như vậy. Dưới đây là 5 khía cạnh của lòng tin cậy Chúa của Giô-sa-phát mà có thể giúp chúng ta ngày nay:
1. Tin cậy Chúa mà trao dâng cho Ngài mọi lo sợ:
Giô-sa-phát “sợ hãi, quyết định tìm kiếm Đức Giê-hô-va” (2 Sử Ký 20:3). Ông không phải là người phi thường; ông chỉ là một người bình thường. Bước đầu tiên cần làm khi tin cậy nơi sự vùa giúp của Chúa – trong thời Giô-sa-phát và cả trong thời của chúng ta ngày nay – đó là thừa nhận sự yếu đuối của mình. Tìm đến với Chúa và thành thật trình dâng mọi cảm xúc của mình mới có thể là liều thuốc tốt. “Con sợ. Con bực bội. Con tức giận. Con cô đơn. Con bị tổn thương. Con kiệt sức” – Hãy cứ thưa với Chúa.
Việc tuôn đổ sự đau đớn mình không phải là để lay động ngón tay Chúa; nhưng là thành thật khi tin cậy và giao phó cho Ngài những điều khiến chúng ta lo lắng nhất. Giô-sa-phát đã chọn việc tin cậy Chúa, và đó cũng là điều chúng ta đang được mời gọi. Tin cậy Chúa luôn là sự chọn lựa. Đó là việc chúng ta cứ phải làm luôn.
1. Khích lệ người khác tin cậy Chúa
Sau khi Giô-sa-phát tìm cầu Chúa, ông kêu gọi cả quốc gia kiêng ăn, “Giu-đa nhóm lại đặng cầu Đức Giê-hô-va cứu giúp; người ta ở các thành Giu-đa đều đến đặng tìm cầu Đức Giê-hô-va” (2 Sử Ký 20:4). Vua Giô-sa-phát biết sự cứu giúp thật đến từ đâu và ông đã dẫn dân chúng đặt lòng trông cậy nơi đó.
Khi mọi người quanh chúng ta bối rối, láng giềng quanh chúng ta hoảng sợ, chúng ta cần nhắc nhau nhớ rằng chúng ta đang hầu việc một Đức Chúa Trời yêu thương, giàu lòng thương xót, luôn tể trị, và là Đấng không bị lay chuyển bởi dịch lệ hay virus (Thi Thiên 91).
Khi trình dâng mọi lo lắng mình cho Chúa, chúng ta sẽ kinh nghiệm sự bình an, là bình an vượt trên mọi sự hiểu biết (Phi-líp 4:6-7). Và khi chúng ta kinh nghiệm loại bình an đó, niềm hy vọng sống mà chúng ta có trong Chúa sẽ được bày tỏ ra (1 Phi-e-rơ 3:15). Cuối cùng, niềm tin chúng ta là loại niềm tin cá nhân nhưng không giấu kín.
3. Kêu cầu với Chúa
Vua Giô-sa-phát đã cho chúng ta một kiểu mẫu cầu nguyện trong câu 5-12. Ông công bố danh xưng Chúa, lời Chúa hứa và việc Ngài làm trong quá khứ. Lời cầu nguyện đó càng tha thiết hơn khi ông nói, “Chúng con không đủ sức để đối địch cùng đám quân đông đảo đang đến tấn công chúng con. Chúng con không biết phải làm sao, nhưng mắt chúng con ngưỡng trông Chúa.”
Có lẽ bạn cũng cảm thấy như vậy khi đối diện với dịch bệnh nCov. Có lẽ bạn cũng thấy bất lực khi đối mặt với loại virus có khả năng lây nhiễm cao ngay cả khi không có dấu hiệu rõ ràng. Có lẽ nỗi lo trong bạn gia tăng khi các chuyên gia y tế vẫn chưa nắm bắt rõ mọi đường lây nhiễm từ loại virus này. Có lẽ bạn cũng thấy nãn lòng khi bạn thấy số ca lây nhiễm và số tử vong ngày càng tăng. Nếu vậy, hãy cùng vua Giô-sa-phát cầu nguyện rằng con bất lực, nhưng niềm hy vọng của con đặt trọn nơi Chúa Toàn năng.
Có bao nhiêu người trong chúng ta có lời cầu nguyện kết thúc như vậy? Đó là thái độ và cách nhìn của người Cơ Đốc. Công bố danh xưng Chúa, xưng nhận sự bất lực, yếu đuối của mình và mắt nhìn xem Chúa.
4. Hãy nhớ đến sự giải cứu của Đức Chúa Trời
Trong ký thuật 2 Sử Ký, Đức Chúa Trời đáp ứng bằng cách sai một vị tiên tri đến để nhắc dân Giu-đa rằng trận chiến đó không thuộc về họ, nhưng thuộc về Đức Chúa Trời (20:15). Họ không cần phải chiến đấu, nhưng chỉ cần ngồi và nhìn xem sự giải cứu của Chúa dành cho họ (20:17).
Câu chuyện này là một ví dụ nhỏ của một trận chiến thuộc linh lớn hơn cho mọi người trong mọi hạng tuổi. Giờ đây chúng ta đối diện với một vấn đề chết người mà bản thân mình chẳng làm gì được (dầu chúng ta gắng sức!) Chúng ta cần tin nơi một điều khác, vì trận chiến không thuộc về chúng ta. Khi chúng ta tin cậy Đấng có thể chiến cự thay cho chúng ta, chúng ta được mời gọi lùi về phía sau và nhìn xem sự giải cứu của Ngài.
Dịch bệnh do virus corona có thể không gia tăng trong tuần tới. Nhưng nó cũng có thể trở nên tệ hại hơn. Gia đình chúng tôi có thể không bị nhiễm bệnh, nhưng cũng có thể sẽ nằm trong những con số bị lây nhiễm. Nhưng chúng tôi vẫn ngưỡng trông sự giải cứu của Chúa. Nhưng không phải vì Chúa cần bày tỏ tình yêu Ngài với tôi qua việc gìn giữ tôi khỏi bệnh tật, nhưng vì Ngài đã bày tỏ tình yêu Ngài với tất cả chúng ta qua việc sai Con Ngài chịu chết thay cho chúng ta khi chúng ta còn là người có tội, để bất kỳ ai tin Ngài sẽ không bị hư mất nhưng có sự sống đời đời (Rô-ma 5:8; Giăng 3:16).
Tôi cầu nguyện xin Chúa tiêu trừ loại virus này và khiến gia đình tôi khỏe mạnh, nhưng nếu như có điều gì đó không hay xảy ra trong tuần lễ tới thì Chúa vẫn là tốt lành. Tôi mang khẩu trang khi ra đường, và rửa tay thường xuyên, nhưng hy vọng của tôi không dừng lại ở những nỗ lực đó. Tôi ước ao một cuộc sống lâu dài cho tôi và gia đình, nhưng tôi cũng nhận biết rằng mục đích đời sống không phải là thoát khỏi sự chết thể xác. Đó là mục đích của người ngu dại. Mục đích đời sống là được chuẩn bị sẵn sàng khi sự chết thể xác đến thì làm sáng danh Chúa và vui hưởng sự hiện diện của Ngài cho đến ngày đó.
5. Thờ phượng Chúa
Giô-sa-phát tin cậy Chúa, và ông cũng dẫn dắt người khác tin cậy Ngài. Nhưng hãy chú ý đến việc sau cùng mà họ đã làm là thờ phượng. Trong 2 Sử Ký 20:21, trước khi sự chiến thắng đến, vua Giô-sa-phát đã đưa dân sự đến sự ngợi khen Chúa: “Khi họ bắt đầu hát vang ca ngợi thì Đức Giê-hô-va cho quân mai phục tấn công đám quân đang tiến đánh Giu-đa…” (2 Sử Ký 20:22, BHĐ)
Hình ảnh cuối cùng của việc tin cậy Chúa này diễn ra thế nào? Vì nếu Chúa là tốt lành, và chúng ta biết rõ Đấng chúng ta tin cậy, thì chúng ta có thể thờ phượng Ngài giữa khổ đau mà chúng ta đang phải đối diện. Chúng ta có thể ngợi khen Chúa khi bị hiểm nguy đe dọa. Chúng ta khiến Ngài được vinh hiển ngay cả khi virus đang lây lan khắp nơi.
Đức Chúa Trời không bảo vua Giô-sa-phát điều phải làm. Ngài cũng không bảo ông kêu gọi con dân Chúa hiệp nhau lại để nhóm thờ phượng. Thờ phượng không phải là chiến lược để khiến Chúa hành động; nhưng thờ phượng là sự đáp ứng vì chúng ta biết Ngài đã hành động, và Ngài sẽ tiếp tục hành động. Thờ phượng giống như việc tìm kiếm Chúa.
Sau ngày đó, khi dân Giu-đa tiến ra ngoài, sự đe dọa của họ đã biến mất. Tôi không có ý nói rằng Đức Chúa Trời sẽ giải quyết mọi nan đề của bạn cách lạ lùng khi bạn thờ phượng Ngài. Nhưng điều tôi muốn nói ở đây là nan đề lớn nhất của bạn – nan đề của sự vô tín – sẽ được tháo gỡ khi bạn thờ phượng Chúa.
Nguyện xin Chúa khiến mọi tín hữu tại Trung Quốc và ở khắp nơi trên thế giới có lòng tin vững chắc nơi Chúa khi đối diện với dịch Corona – ngay cả khi chúng ta không biết điều gì sẽ xảy đến tiếp theo.
Mục sư Jason Seville
Thảo Anh dịch
Nguồn: thegospelcoalition.org