Trước Khi Kết Hôn, Hãy Xem Xét Về Mối Quan Hệ Của Bạn

650

Tác giả: Rachel Watson

Từ khi tôi ly hôn, người ta cứ hỏi đi hỏi lại: “Khi hẹn hò, hai bạn có thấy lá cờ đỏ nào phấp phới không?” Sự thật là: chẳng có lá cờ nào rực rỡ lắm.

Tôi biết đó không phải là điều họ muốn nghe. Họ muốn biết cách để bảo đảm người họ kết hôn sẽ không làm họ thất vọng. Không khiến họ nản lòng. Người ấy trở thành một con người khác. Nhưng như lời Elisabeth Elliot nói: “bạn kết hôn với một tội nhân.” Bạn kết ước với một con người dễ sai phạm và một tương lai vô định. Nếu bạn cũng kết ước vâng phục bước đi và tìm kiếm sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, thì khi gặp thất vọng cùng thử thách trong hôn nhân, bạn có thể bám lấy Chúa là Đấng không bao giờ từ bỏ hoặc làm con cái Ngài thất vọng.

Dù chẳng ai trong chúng ta có thể đoán trước được tương lai, nhưng chúng ta có thể khôn ngoan đặt những câu hỏi về mối quan hệ của mình trước khi cam kết bước vào hôn nhân. Cách người đặc biệt của bạn cư xử với người phục vụ bữa ăn tối cho các bạn, đối xử với mọi người trong Hội thánh, sử dụng thời gian, đánh giá sự trong trắng của bạn, và sử dụng tiền bạc, đều là những chỉ dấu cho bạn biết trước hình ảnh người phối ngẫu của mình trong tương lai.

Khi bị bao trùm bởi cảm xúc lãng mạn, thật khó nhìn thấy rõ ràng. Thật lòng, đôi khi chúng ta không muốn thấy rõ, vì khi thấy rõ có thể chúng ta phải chấm dứt mối quan hệ mình đang vui thích hoặc chia tay người mình yêu thương. Nhưng nếu chúng ta yêu Chúa và Lời Ngài, chúng ta sẽ tìm kiếm sự khôn ngoan của Ngài (Gia-cơ 1:5).

Một cách tìm sự khôn ngoan của Ngài là nêu lên một số câu hỏi về người mình đang hẹn hò. Sau đây là bảy câu hỏi.

  1. Người ấy nghĩ gì về Đức Chúa Trời?

W. Tozer nói: “Những gì xuất hiện trong trí chúng ta khi nghĩ về Đức Chúa Trời, chính là điều quan trọng nhất về chúng ta.” Nếu bạn là Cơ Đốc nhân, thì điều người phối ngẫu nghĩ về Đức Chúa Trời cũng phải là điều quan trọng nhất ở người ấy đối với bạn – không chỉ là niềm tin về mặt thần học, mà còn phải là tình yêu tận tụy của họ đối với Chúa. Mẫu người mà bạn muốn cùng xây dựng cuộc đời với mình sẽ phải hết lòng, hết linh hồn, hết trí và hết sức yêu mến Chúa (Lu-ca 10:27).

  1. Người ấy nghĩ gì về Hội Thánh địa phương?

Hội Thánh là nàng dâu của Đấng Christ. Nếu người chung sống với bạn nói họ yêu mến Chúa Giê-xu, thì họ cũng phải yêu nàng dâu của Ngài. Họ sẽ thấy giá trị của việc đi nhà thờ (Hêb 10:25). Họ sẽ không có thói quen nói hành hoặc nhục mạ chi thể trong thân Chúa. Họ sẽ hạ mình theo đuổi mối thông công và chia sẻ trách nhiệm với những thuộc viên tin kính cao tuổi hơn. Vài năm trước, có một người bạn nói với tôi rằng anh không thể nghĩ tới ai đó trong Hội thánh đáng được anh nể trọng đủ để xin lời khuyên. Anh thích hành động đơn độc. Nếu người mà bạn chung sống cảm thấy chẳng cần học hỏi điều gì từ Hội thánh hoặc chẳng có gì để góp phần vào Hội Thánh, thì chẳng những thần học của người đó có vấn đề mà chính bản thân người ấy cũng không quí mến điều được Đấng Christ đánh giá cao.

  1. Người ấy có yêu mến Lời Đức Chúa Trời không?

Người bạn đời của bạn có “hết lòng” tìm kiếm và tra cứu Kinh Thánh không? (Thi 119:2). Dĩ nhiên người ấy sẽ không trọn vẹn giữ theo lời Kinh Thánh – chẳng ai trong chúng ta làm được như vậy – nhưng người ấy có không ngừng rèn luyện để trở nên giống Đấng Christ nhiều hơn không? Tất cả chúng ta đều giống như Ma-thê, phải tranh chiến dữ dội lắm mới dừng được công việc mình đang làm để ngồi nơi chân Chúa Giê-xu. Thế nhưng lượng thời gian chúng ta dành cho Lời Ngài ảnh hưởng trực tiếp đến tình yêu của chúng ta đối với Chúa, cũng như niềm khao khát tăng trưởng trong đời sống Cơ Đốc.

  1. Người ấy có tôn trọng bạn không?

Người ấy có tôn trọng bạn trong lời nói không?

Bạn đời của bạn dùng lời nói để gây dựng hay đánh ngã bạn? Ai cũng có thể và thực sự có thay đổi, nhưng chúng ta kết hôn với người ấy trong hiện trạng của họ, chớ không phải với người có thể trong tưởng tượng. Cách người đặc biệt của bạn trò chuyện với bạn và nói về bạn cho thấy người ấy tôn trọng (hay không tôn trọng) bạn, là người mang hình ảnh của Đức Chúa Trời.

Người ấy có tôn trọng bạn trong hành động không?

Người có hành vi thô bạo khi hẹn hò là người chắc chắn sẽ có hành vi thô bạo trong hôn nhân – có thể ở mức độ còn nhiều hơn nữa. Mọi tội đều có thể tha thứ, kể cả dễ nóng giận và điên tiết, nhưng cứ tiếp tục hẹn hò với người không muốn trao đổi về việc từ bỏ những thói quen nầy thì không chỉ là thiếu khôn ngoan mà còn nguy hiểm nữa.

Cũng vậy, người bạn đời lúc nào cũng bắt ép bạn phạm tội tình dục, cho thấy người ấy thèm muốn điều gì hơn hết – chắc chắn không phải là sự trong trắng của bạn hoặc sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Qua cách trò chuyện của một số Cơ Đốc nhân trẻ, rõ ràng là có suy nghĩ sai lầm cho rằng hôn nhân giải quyết vấn đề ham muốn tình dục. Không phải như vậy. Liên tục phạm tội tình dục, sử dụng sách báo khiêu dâm, và thiếu tiết chế khi hẹn hò, chắc chắn sẽ mãi theo đuổi con người khi bước vào hôn nhân, nếu không giải quyết dứt khoát và ăn năn. Hơn nữa, ân điển của Chúa mang lại sự tha thứ. Và có thể làm lại từ đầu. Nhưng cách người bạn đời đối xử với sự trong trắng của bạn và của chính họ, cũng là điều không thể làm ngơ mà cần phải xem lại.

  1. Người ấy đối xử thế nào với người khác?

Người ta thường nói rằng cách người nam cư xử với mẹ và chị em gái, suy cho cùng, nói lên cách người ấy đối xử với vợ mình. Cũng vậy, cách người bạn đời của bạn cư xử với người lạ, chẳng hạn người thu ngân trong cửa hàng tạp hóa hoặc với người phục vụ trong nhà hàng, nói lên cách họ nhìn con người nói chung – phẩm hạnh, giá trị, và nhân phẩm. Điều nầy giúp bạn thấy trước cách họ sẽ cư xử với những người bạn muốn phục vụ – bạn bè và gia đình – và cũng cho thấy trước cách họ có thể đối xử với bạn trong hôn nhân một khi đã qua “tuần trăng mật.”

  1. Người ấy sử dụng thời gian và tài chính như thế nào?

Người đó có “không ham tiền” (Hêb 13:5) không? Cách họ tìm kiếm, ban cho, và sử dụng tài chính có phản ánh vị trí ưu tiên trong tình yêu đối với Chúa và với người hay không? Cần có thời gian để tập tành các thói quen nầy. Nhưng điều khôn ngoan là cả hai phải suy nghĩ kỹ về thái độ đối với tiền bạc, vì phần lớn cuộc sống và hôn nhân xoay quanh những quyết định và quản lý về tài chánh.

Cách họ sử dụng thì giờ cũng đáng chú ý. Họ có hiến mình vì người khác, có làm việc chăm chỉ và biết cách thư giãn không? Hay là họ tôn thờ công việc như thần tượng của mình? Họ có lơ là trách nhiệm để có thời gian xem phim ảnh không? Cân bằng giữa việc làm và nghỉ ngơi là điều khó. Điều quan trọng là duy trì các thói quen nầy cho bản thân và cho người phối ngẫu và thảo luận cách các bạn có thể cùng nhau giữ sự quân bình để làm sáng danh Ngài.

  1. Người ấy phản ứng ra sao khi thất vọng và gặp thử thách?

Sau khi chứng kiến chồng tôi từ bỏ đức tin cùng cuộc hôn nhân, tôi càng thấy câu hỏi nầy thật quan trọng đối với mình. Tuy quá khứ không gặp thử thách chẳng phải là khuyết điểm về tâm tánh, nhưng tôi muốn quan sát cách người phối ngẫu tương lai đối phó với sự mất mát lẫn đau buồn. Người ấy có trải qua lửa mà vẫn bám chặt Đấng Christ sau đó không?

Cuộc sống dẫy đầy những nản lòng và thất vọng nho nhỏ. Cũng có những cuộc điện thoại đau lòng và mất mát bất ngờ. Người bạn đời của bạn phản ứng ra sao khi họ không có được điều họ muốn? Cách người ấy phản ứng khi gặp thử thách nói lên mức kiên trì và cũng bày tỏ sự vững vàng trong đức tin của họ.

Hãy Tìm Sự Khôn Ngoan, Đừng Tìm Sự Hoàn Hảo

Trước khi đánh giá người đối diện, cần tự xét xem mình đã ổn chưa. Bạn có phải là mẫu người mà người bạn đời lý tưởng muốn cùng chung sống không? Bạn có thường xuyên cầu xin Chúa gọt giũa những góc cạnh thô nhám của mình không? Nếu không, thì đọc những điểm kể ra ở đây thực sự có thể khiến bạn kiêu hãnh thay vì khôn ngoan.

Đặt những câu hỏi nầy không bảo đảm hạnh phúc hôn nhân, cũng không nhằm đạt tới mức hoàn hảo chỉ có được trong Chúa Giê-xu, mà liên quan đến việc tôn cao Đức Chúa Trời và bước đi trong sự khôn ngoan. Làm ngơ nan đề không làm chúng tan biến và phủ nhận nan đề cũng không củng cố được mối quan hệ của bạn. Nói ra những ưu tư của bạn có thể là việc khó và không dễ chịu, lại còn có thể dẫn tới đổ vỡ mối quan hệ nữa – nhưng nếu bạn yêu Chúa và tin cậy Ngài thì bạn chẳng cần phải sợ nhìn thẳng vào vấn đề.

Người dịch: Khue Tran
Nguồn: https://www.thegospelcoalition.org/article/before-you-marry-question-your-relationship#