Quyền Tể Trị Của Đức Chúa Trời

1101

Hầu hết các thủ đô và thành phố đều có nhiều tượng đài kỷ niệm những danh nhân cũng như những dấu ấn lịch sử quan trọng. Đức Chúa Trời đã truyền lịnh cho Giô-suê dựng đài kỷ niệm cuộc vượt sông Giô-đanh, đánh dấu một biến cố trọng đại trong lịch sử tuyển dân. Cách đó 40 năm, Đức Chúa Trời đã làm phép lạ tương tự khi Ngài rẽ biển đỏ cho dân Y-sơ-ra-ên đi ngang qua lòng biển khô cạn, nhưng đến nay, những người trưởng thành của thời đó đều đã qua đời trong sa mạc.

Những người ngày hôm nay, trừ Giô-suê và Ca-lép, chưa hề chứng kiến phép lạ đó. Vì thế, một lần nữa Đức Chúa Trời đã bày tỏ quyền năng tể trị của Ngài cho họ thấy. Phép lạ này cũng đánh dấu thời điểm lời hứa của Ngài cho các tổ phụ trở thành hiện thực, khi con cháu họ đặt những bước chân đầu tiên vào đất hứa. Mười hai tảng đá phải do mười hai người đại diện mười hai chi tộc, lấy từ dưới lòng sông ngay chỗ các thầy tế lễ khiêng rương giao ước đứng, đem dựng tại Ghinh-ganh, vào ngày mồng mười tháng giêng. Tất cả những chi tiết chính xác này về thời gian, không gian, khẳng định sự kiện không một người Y-sơ-ra-ên nào được phép quên.

Tuy nhiên, sự hiện diện của đài kỷ niệm này cũng nói lên một khuynh hướng đáng buồn nơi con người là, rất mau quên những việc Chúa đã làm cho mình. Ngày nay hình ảnh thập tự giá chúng ta thấy khắp nơi, tiệc thánh chúng ta dự thường kỳ, dường như cũng không đủ để nhắc chúng ta nhớ đến ơn cứu rỗi của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Có lẽ chúng cần có thêm những tảng đá kỷ niệm khác, đánh dấu những việc lớn và nhỏ Chúa đã làm cho chúng ta trong cuộc sống hằng ngày, nhất là trong đời sống thuộc linh. Chúng ta dựng lên những tảng đá cho chính mình để ghi nhớ ơn Chúa và có cơ hội thuật lại cho người khác những điều lớn lao Chúa đã làm cho mình, cho gia đình mình, cho Hội Thánh mình, đến nỗi “các dân tộc thế gian biết rằng” Đức Chúa Trời chúng ta đang tôn thờ là rất lớn, và để chính chúng ta “kính sợ Ngài luôn luôn.”

Chúa đã bày tỏ quyền năng tể trị tại sông Giô-đanh ngày hôm ấy. Ngài cho các thầy tế lễ biết khi nào bước chân xuống sông và khi nào bước lên khỏi đó. Ngài ra lệnh cho nước rẽ ra và lấp lại đúng lúc. Cả nước sông và con người đều vâng lệnh Ngài, và mọi sự diễn ra y như Ngài đã hoạch định. Đó là ngày làm vinh hiển Chúa và làm rạng danh Giô-suê, đầy tớ Ngài.

Đống đá ở Ghinh-ganh gồm 12 tảng đá, mỗi chi phái chọn ra một người để vác một tảng đá đến đó. Khi những người nầy đi đến giữa sông, mỗi người chọn một tảng đá ở đó và vác đi khoảng 8 dặm đến Ghinh-ganh, tại đó dân sự đã đóng trại cả đêm. Dân Do Thái đặc biệt quan tâm đến việc dạy dỗ thế hệ sau về Đức Chúa Trời và mối liên hệ đặc biệt của Ngài với dân Y-sơ-ra-ên. Đối với người vô tín, đống đá với 12 tảng đá chất thành nầy chỉ là một đống đá bình thường, nhưng đối với dân sự Chúa, nó là lời nhắc nhở liên tục rằng Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời của họ, Ngài đã làm những việc lạ lùng vì cớ dân sự Ngài.

Giô-suê cũng dựng đài kỷ niệm ở giữa sông và đối với người Do Thái, đây là một việc làm lạ đời của vị lãnh đạo họ. Ngoài Đức Chúa Trời, ai có thể thấy được mười hai hòn đá chất thành đống dưới lòng sông? Đài kỷ niệm tại Ghinh-ganh nhắc nhở dân sự rằng Đức Chúa Trời đã rẽ sông Giô-đanh và đưa họ vào Đất Hứa an toàn. Họ đã đoạn tuyệt với quá khứ và không bao giờ nghĩ đến việc quay trở lại. Đài kỷ niệm ở lòng sông nhắc họ rằng nếp sống cũ của họ đã bị nhấn chìm và giờ đây họ phải “bước đi trong sự sống mới”.

Đức Chúa Trời đem chúng ta ra để đưa chúng ta vào, và Ngài đưa chúng ta vào để chúng ta đắc thắng và nhận lấy cơ nghiệp của mình trong Chúa Cứu Thế Giê-xu. Vì dân sự Đức Chúa Trời đồng chết, đồng chôn và đồng sống lại với Đấng Christ, cho nên họ có “quyền năng đắc thắng”, và thế gian, xác thịt, hoặc ma quỉ không thể thắng được họ. Trong năng quyền tể trị của Chúa Cứu Thế Giê-xu chúng ta là người đắc thắng.

Xin Chúa giúp chúng ta gom góp trong đời sống mỗi ngày, những viên đá xây nên một “đài kỷ niệm”, để chúng ta luôn ghi nhớ quyền năng tể trị của Chúa qua những việc Ngài đã làm cho chúng ta.