Tuy nam nữ bình đẳng trong mối liên hệ với Đấng Christ, nhưng Kinh Thánh có phân biệt vai trò cụ thể của mỗi người trong hôn nhân. Người chồng phải là người lãnh đạo trong gia đình (1 Cô-rinh-tô 11:3; Ê-phê-sô 5:23). Vai trò lãnh đạo nầy không mang tính chất độc tài, kẻ cả hoặc trịch thượng đối với vợ, mà phải theo gương Đấng Christ trong cách lãnh đạo Hội thánh. “Hỡi người làm chồng, hãy yêu vợ mình như Đấng Christ đã yêu Hội thánh, phó chính mình vì Hội thánh, để khiến hội nên thánh sau khi lấy nước rửa và dùng đạo làm cho hội tinh sạch” (Ê-phê-sô 5:25-26). Đấng Christ yêu Hội thánh (dân sự của Ngài) bằng lòng thương xót, nhân từ, tha thứ, tôn trọng và vị tha. Chồng cũng phải yêu vợ theo cách giống như vậy.
Vợ phải thuận phục thẩm quyền của chồng. “Hỡi kẻ làm vợ, phải vâng phục chồng mình như vâng phục Chúa, vì chồng là đầu vợ, khác nào Đấng Christ là đầu Hội thánh. Hội thánh là thân thể Ngài, và Ngài là Cứu Chúa của Hội thánh. Ấy vậy như Hội thánh phục dưới Đấng Christ thì đàn bà cũng phải phục dưới quyền chồng mình trong mọi sự” (Ê-phê-sô 5:22-24). Dù phụ nữ phải thuận phuc chồng, nhưng Kinh Thánh cũng nhiều lần nói về cách đàn ông phải cư xử với vợ mình. Người chồng không được đóng vai nhà độc tài mà phải tôn trọng vợ cùng ý kiến của vợ. Thật ra, Ê-phê-sô 5: 28-29 khuyên các ông phải yêu vợ như yêu chính thân mình, nuôi dưỡng và chăm sóc vợ. Người nam phải yêu vợ bằng tình yêu của Đấng Christ dành cho thân của Ngài là Hội thánh.
“Hỡi người làm vợ, hãy vâng phục chồng mình, vì điều đó hợp ý Chúa. Hỡi kẻ làm chồng, hãy yêu vợ mình, chớ hề ở cay nghiệt với vợ” (Cô-lô-se 3:18-19). “Những người làm chồng cũng vậy, hãy tỏ ra hiểu biết khi chung sống với vợ mình, quý trọng vợ như phái yếu hơn, vì họ sẽ cùng anh em thừa hưởng ân điển sự sống, để không có điều gì ngăn trở sự cầu nguyện của anh em”(1Phi-e-rơ 3:7, Bản Hiệu Đính). Dựa vào các câu nầy chúng ta thấy rằng tình yêu cùng sự tôn trọng là đặc điểm trong vai trò của cả chồng lẫn vợ. Nếu có tình yêu và sự tôn trọng, thì uy quyền, vai trò làm đầu và sự thuận phục sẽ chẳng phải là vấn đề đối với bên nào cả.
Về vấn đề chia sẻ trách nhiệm trong gia đình, Kinh thánh dạy người chồng phải chu cấp đầy đủ cho gia đình. Điều này có nghĩa là phải làm việc và kiếm tiền để đáp ứng đầy đủ những nhu cầu cần thiết trong cuộc sống của vợ con. Không làm được như vậy sẽ gây hậu quả thuộc linh rõ rệt. “Ví bằng có ai không săn sóc đến bà con mình, nhất là không săn sóc đến người nhà mình, ấy là người chối bỏ đức tin, lại xấu hơn người không tin nữa” (1 Ti-mô-thê 5:8). Vì vậy, đàn ông không cố gắng cung ứng cho gia đình thì không thể được gọi là Cơ Đốc nhân đúng nghĩa. Điều này không có nghĩa là người vợ không cần phụ giúp để chu cấp cho gia đình – Châm ngôn 31 chứng minh người vợ tin kính chắc chắn làm điều đó- nhưng nuôi gia đình không phải là trách nhiệm chính yếu của vợ mà là của chồng. Mặc dù chồng cũng phải giúp nuôi dạy con cũng như công việc nhà (nhờ đó làm tròn trách nhiệm yêu thương vợ), nhưng Châm ngôn 31 cũng nói rõ gia đình phải là lãnh vực chính mà người vợ chịu trách nhiệm và tạo ảnh hưởng. Cho dù người vợ phải thức khuya dậy sớm, thì gia đình vẫn thuộc trách nhiệm chăm sóc của người vợ. Đây không phải là lối sống dễ dàng đối với phụ nữ- nhất là trong các nước giàu có Tây phương. Tuy nhiên, có quá nhiều phụ nữ bị căng thẳng tới mức ngã quị. Nhằm ngăn ngừa căng thẳng, cả vợ lẫn chồng cần cầu nguyện để tái lập thứ tự ưu tiên và làm theo lời dạy của Kinh Thánh về vai trò của mình.
Xung khắc về việc phân chia công việc trong hôn nhân chắc chắn phải có, nhưng nếu cả hai đều thuận phục Đấng Christ, thì xung khắc sẽ giảm đi nhiều. Nếu vợ chồng thường xuyên và kịch liệt cãi nhau về vấn đề nầy, thì vấn đề là ở đời sống thuộc linh. Nếu vậy cả hai cần cam kết cầu nguyện và thuận phục ý Chúa trước tiên, sau đó thuận phục nhau trong tình yêu và sự tôn trọng.
Người dịch: Khue Tran
Nguồn: https://www.gotquestions.org/roles-husband-wife-family.html