Trang chủ Blog Trang 18

Đấng Cứu Thế Giáng Sinh

Vào thời Chúa Giê-xu giáng sinh, xứ Do Thái ở dưới ách đô hộ của đế quốc La Mã. Để bảo đảm cho việc thu thuế và kiểm soát quân sự, chính quyền La Mã thường có những cuộc kiểm kê dân số định kỳ khoảng 14 năm một lần, tất cả mọi người đi làm ăn xa đều phải trở về quê quán của mình để khai báo đúng theo quy định. Theo kế hoạch hoàn hảo mà Đức Chúa Trời đã hoạch định, chiếu chỉ của Vua Au-gút-tơ được ban hành vào đúng thời điểm Ngài đưa Con Ngài xuống thế gian. Theo chiếu chỉ này, mọi người phải trở về nguyên quán để đăng ký. Cựu Ước tiên tri rằng Đấng Mết-si-a được sinh ra thuộc dòng dõi của Vua Đa-vít. Giô-sép và Ma-ri đều là con cháu của Đa-vít, vì thế cả hai phải vượt chặng đường khoảng bảy mươi dặm để đến Bết Lê-hem là nơi sinh trưởng của Vua Đa-vít để khai tên vào sổ. Tại nơi đây, Chúa Giê-xu được sinh ra đúng như lời tiên tri trong Mi-chê 5:1, dù cha mẹ phần xác của Ngài không sống ở đó.

Những người chăn chiên bị xem là giai cấp thấp hèn trong xã hội thời bấy giờ. Vì công việc của họ được xem là không sạch, nên họ không được đến đền thờ và hội đường. Dù vậy, bởi ân sủng của Đức Chúa Trời, tin vui về Cứu Chúa ra đời được loan báo cho những người chăn chiên trước tiên. Họ đã thấy ánh sáng rực rỡ, nghe thiên sứ loan báo tin mừng và nghe các đạo quân thiên sứ hát mừng Con Thánh. Cách của Chúa là sai các thiên binh thiên sứ ca hát khi Con Thánh ra đời để truyền thông cho nhân loại sứ điệp bình an của Tin Lành. Những người thấp hèn nhất trong thế gian sẽ là người đầu tiên tiếp nhận sứ điệp đó. Con Thánh đã đem hòa bình đến cho nhân loại, ở đâu có Ngài, ở đó có sự bình an. Ở đâu có Ngài, nơi đó có sự sống và sự sáng.

Lu-ca mô tả khi sinh hài nhi Giê-xu, Ma-ri lấy khăn bọc con mình và đặt nằm trong máng cỏ. Có thể bà đã lấy rơm khô để làm lớp nệm cho con êm ái hơn. Vua muôn vua đã hạ sinh trong hoàn cảnh nghèo nàn và khiêm nhường. Ngài sinh ra làm người để phục vụ, để tìm và cứu tội nhân. Thật phù hợp với mối quan tâm của Lu-ca dành cho người nghèo, các thiên sứ đã báo tin Đấng Mết-si-a ra đời cho một nhóm người chăn chiên nghèo nàn. Họ tượng trưng cho “những tội nhân” mà Phúc Âm của sự cứu rỗi được ưu tiên loan báo cho. Sau khi thờ lạy Con Trẻ, họ vui mừng trở về tôn ngợi, chúc tụng và làm vinh hiển Danh Đức Chúa Trời trong mùa Giáng Sinh đầu tiên của nhân loại. Họ biết rằng họ đã tiếp nhận sứ điệp vô cùng đặc biệt và được đặc quyền nhìn thấy Con Đức Chúa Trời trước tiên. Qua họ và qua những thế hệ Cơ Đốc nhân tiếp nối, trong đó có chúng ta, Tin Mừng Giáng Sinh trở thành Niềm Vui Mừng Lớn Cho Mọi Người.

Sự ra đời của các bậc vua chúa thời xưa luôn được được hoàng cung và thần dân vui mừng chào đón, nhưng Con Đức Chúa Trời đã hạ sinh một cách khiêm nhường. Ngài đã đến thế gian và trải qua những giờ phút đầu tiên của đời người trong máng cỏ. Cách Con Đức Chúa Trời đến trần gian cho thấy sự khác biệt giữa những gì Đức Chúa Trời làm và những gì chúng ta làm. Chúng ta thường tìm cách tôn vinh mình, người thân của mình, nhưng Con Đức Chúa Trời đã tự bỏ mình đi và mang lấy hình hài của một đầy tớ. Trong Lu-ca 1, thiên sứ loan báo một Hài Nhi ra đời để trở nên Vua của vương quốc đời đời như thế nào. Trước đó ông Xa-cha-ri đã bày tỏ sự vui mừng nói rằng mặt trời đã mọc lên để ban ánh sáng vui mừng cho dân tộc ông và cho nhân loại ra sao. Những điều đó đã ứng nghiệm với lời tiên tri trong Ê-sai. Nhưng tại máng cỏ khiêm ti, Thánh Nhi ra đời là khởi đầu sự xung đột giữa Vương Quốc của Đức Chúa Trời và vương quốc của thế gian. Điều này chỉ kết thúc khi Con Trời trở lại làm Vua trên muôn vua, Chúa trên muôn chúa. Chúng ta hãy dành thời gian để suy nghĩ đến sự thành tín và khiêm nhường của Đức Chúa Trời, cách Ngài đã thực hiện các kế hoạch của Ngài và tình yêu thương Ngài dành cho nhân loại.

Xin Chúa giúp chúng ta tái dâng hiến đời mình để trọn đời chúng ta cứ rao truyền ơn cứu chuộc của Ngài.

Hãy Chỗi Dậy Đi Lên

Kinh Thánh thường dùng sự kiện trong thế giới tự nhiên để soi sáng những chân lý trong lãnh vực thuộc linh. Ánh sáng thường được dùng để minh họa bản chất của Chúa – Chúa là sự sáng – cũng như nói lên đặc điểm của người theo Ngài – tức người thuộc về sự sáng. Những đặc điểm của người thuộc về sự sáng, đó là nhân từ, công bình, và thành thật. Người đi trong sự sáng không những không tham dự nhưng còn quở trách những công việc thuộc về bóng tối vì với người đó chỉ nghe nói đến cũng đã cảm thấy hổ thẹn rồi. Nhiều người cho rằng câu này là bài thánh ca được Hội Thánh đầu tiên hát trong lễ báp-tem. Khi các tân tín hữu lên khỏi nước, tượng trưng cho việc từ sự chết đến sự sống, bài hát nhằm giục giã họ “vùng dậy từ cõi chết để được Chúa Cứu Thế chiếu sáng.” Sự chết ở đây là bóng tối tội lỗi. Vùng lên khỏi bóng tối tội lỗi và được Chúa chiếu sáng là những bước đầu tiên của đức tin. Từ nguyên tắc này, Phao-lô đưa ra những lời khuyên cụ thể. Mỗi chúng ta đều có một quá khứ tội lỗi. Đó là lúc ta còn ở trong bóng tối trước khi quay lại với Chúa.

Những công việc của sự tối tăm là những điều mà trước khi đặt đức tin trong Chúa Cứu Thế, ta chưa phân biệt được. Càng sống trong bóng tối tội lỗi, sự mù lòa thuộc linh càng trở thành nghiêm trọng đến nỗi người ta không còn muốn biết đến những điều sai phạm. Đã có lần ta ở trong bóng tối, mê muội và quờ quạng, nhưng ân sủng Chúa đã đánh thức ta khỏi giấc ngủ để nhìn thấy Chúa Cứu Thế là ánh sáng của thế giới. Bây giờ ta được kêu gọi “bước đi như các con sáng láng”, tức sống như người thuộc về ánh sáng. Con cái của sự sáng có nghĩa là ta phải mang hình ảnh Chúa Giê-xu là nguồn của sự sáng. Mỗi ngày phải giống Chúa hơn. Ngày càng chết đi bản ngã và sinh lại trong bản tính Chúa Cứu Thế như được tượng trưng bằng hình thức báp-tem. Khi còn trong bóng tối, ta tìm cách thỏa mãn tư dục, bây giờ, là con của sự sáng, ta không tham dự vào những việc tối tăm đã từng làm trong quá khứ, trái lại hết sức làm điều gì đẹp lòng Chúa. Trong bóng tối, đời sống ta không thể đâm hoa kết trái, nhưng trong sự sáng, làm những điều tốt lành, công chính và chân thật là những bông trái.

Thật vậy, khi liên hệ câu chuyện chiếm thành A-hi trong Cựu Ước, chúng ta thấy rằng chỉ sau khi tội lỗi đã được trừ khử khỏi giữa vòng tuyển dân, Chúa mới truyền lệnh cho Giô-suê thi hành án phạt đối với dân A-hi. Giô-suê vâng lời và từ chỗ thất bại, người Y-sơ-ra-ên tiến đến chiến thắng khải hoàn. Giải quyết mọi tội lỗi trong đời sống luôn luôn là điều kiện tiên quyết để được Chúa sử dụng và nguyên tắc này áp dụng cho cả cá nhân, gia đình cũng như Hội Thánh. A-hi và Bê-tên nằm ở vị trí chiến lược nhằm giám sát lối vào một khu vực rộng lớn với đồi núi chập chùng. Vì thế chiến thắng A-hi một lần nữa xác nhận rằng Đức Chúa Trời ở cùng dân Ngài và Ngài ban đất hứa cho họ. Nhiều lần trong lịch sử Y-sơ-ra-ên cũng như trong cuộc đời của những người theo Ngài, dường như Sa-tan chiến thắng, nhưng khi Đức Chúa Trời kêu gọi ăn năn và cất bỏ tội lỗi thì tình thế hoàn toàn đổi khác. Khi chối Chúa ba lần, Phi-e-rơ đã thất bại thê thảm, nhưng khi ông ăn năn, Chúa phục hồi ông. Từ một con người sợ hãi, Phi-e-rơ đã trở nên can đảm, hết lòng sống và chết vì Danh Chúa Giê-xu. Để được như Phi-e-rơ, chúng ta phải ăn năn, vâng lời và chỗi dậy. Sau đó, Chúa sẽ phục hồi và ban chiến thắng cho chúng ta.

Với Giê-ri-cô, kế hoạch và chiến lược được Đức Chúa Trời vạch ra và Giô-suê cứ theo đó mà thi hành. Còn A-hi, Đức Chúa Trời ban bố mệnh lệnh và Giô-suê phải vận dụng chiến lược của mình để tấn công. Đức Chúa Trời có thể sử dụng nhiều cách để giúp chúng ta chiến thắng. Khi Ngài dùng những phương cách giống như Ngài đã dùng để triệt hạ Giê-ri-cô, nhưng thường thì Ngài sử dụng kỷ năng của những người mà Ngài đã trang bị, cũng là những người hết lòng vâng phục và tận hiến. Ngài sử dụng những con người bất toàn và thất bại nhưng biết vâng lời và tiếp tục tìm kiếm ý muốn của Ngài. Qua họ, Đức Chúa Trời hoàn thành mục đích của Ngài.

Xin Chúa giúp chúng ta sống đắc thắng,luôn bước đi trong sự sáng, vâng lời Ngài và chỗi dậy tiếp tục đi lên trên linh trình theo Chúa.

Podcasts

Latest sermons