Tìm Kiếm Để Tôn Thờ

182

Ma-thi-ơ 2:2b)

Khi Chúa Giê-xu sinh ra, có ít người biết và rất ít người đi tìm kiếm Ngài. Nhưng tại một vùng xa xôi bên phương Đông, có một nhóm người nọ hết lòng đi tìm Chúa. Người ta thường gọi họ là các bác sĩ nhưng có lẽ gọi là nhà thông thái thì đúng hơn. Nhà thông thái là người học rộng, biết nhiều. Các nhà thông thái này chuyên nghiên cứu các vì sao trên trời để tìm câu giải đáp cho những việc xảy ra trên thế giới. Họ tin có một Đấng quyền năng trong vũ trụ và tin rằng nhờ nghiên cứu những vì sao mà Đấng đó tạo dựng, họ có thể biết được ý Ngài.

Một đêm kia, các nhà thông thái đang ở ngoài trời quan sát các vì sao thì Đức Chúa Trời đã phán với họ qua một vì sao đặc biệt. Họ thấy vì sao này sáng hơn tất cả những vì sao mà họ đã nghiên cứu từ trước đến nay. Nhìn vì sao đặc biệt đó, các nhà thông thái biết rằng có một Vị Vua vừa mới ra đời. Không những thế, họ còn biết rằng Vị Vua này lớn hơn, đặc biệt hơn tất cả những vị vua khác trên thế gian. Càng nghiên cứu vì sao sáng, các nhà thông thái càng thấy muốn đi tìm Vị Vua mới sinh để tôn thờ. Sau một vài ngày bàn tính với nhau, họ đồng ý tạm dẹp công việc qua một bên để lên đường đi tìm Vị Vua mới sinh. Dù không biết rõ Vị Vua đó ở nơi nào và dù biết rằng đường đi rất xa xôi, hiểm trở, họ cũng quyết định lên đường. Các nhà thông thái đến kinh thành Giê-ru-sa-lem. Họ tưởng sẽ thấy kinh thành tưng bừng đón mừng Vị Vua mới chào đời nhưng chẳng có gì cả. Không những thế, khi họ hỏi thăm, chẳng một ai biết gì về Vị Vua đó. Mấy nhà thông thái ngạc nhiên lắm. Sau đó họ nói với nhau: Vua thì chắc là phải sinh ra trong cung điện. Vì thế họ đến cung điện vua Hê-rốt để hỏi thăm. Nghe nói có một vị vua Do Thái mới ra đời, vua Hê-rốt giật mình, lo lắng. Ông gọi các thầy thông giáo, là người biết sử sách và Thánh Kinh, vào và hỏi: “Vua của người Do Thái phải sinh ra tại đâu?” Các thầy trưởng tế và thầy thông giáo tìm đọc trong Thánh sử và cho biết, một Vị Vua Do Thái sẽ ra đời tại làng Bết-lê-hem, thuộc vùng Giu-đa. Các thầy trưởng tế chỉ đọc trong sách và nói cho vua Hê-rốt biết rồi thôi, họ không để tâm đến mà cũng chẳng cần đi đến Bết-lê-hem xem có đúng như vậy không.

Từ giã Hê-rốt, các nhà thông thái tiếp tục lên đường. Vì sao sáng mà họ thấy bên phương Đông vẫn còn ở trước mặt, họ theo vì sao và đi về hướng làng Bết-lê-hem. Vì sao sáng cứ đi trước mặt họ cho đến khi tới đúng nơi mà Giô-sép và Ma-ri đang ở thì dừng lại. Các nhà thông thái vui mừng, ra lệnh cho người và lạc đà dừng lại. Họ vào căn nhà đó và đã gặp Vị Vua mà họ đang tìm kiếm. Vị Vua này không ở trong cung điện, không mặc áo của các vị vua chúa, không có lính đứng hầu hai bên. Nhưng các nhà thông thái biết ngay đây chính là Vị Vua Lớn vừa mới ra đời. Họ liền quỳ xuống trước mặt Ngài và thờ lạy Ngài. Các nhà thông thái Đông phương tiêu biểu cho những người thật lòng tìm kiếm Chúa; và Ngài là Đấng thành tín, dẫn đường để họ gặp được Ngài. Đức Chúa Trời tể trị và hiệp lại mọi sự để làm ích lợi cho những người được kêu gọi theo mục đích của Ngài. Những nhà thông thái Đông phương đã chuẩn bị chu đáo cho mục đích tôn thờ Chúa Cứu Thế. Họ sấp mình thờ lạy vị Tân Vương mới sinh và dâng lên Ngài các lễ vật: vàng, nhũ hương, và một dược. Họ là những người quyền quý, giàu có, đáng kính, nhưng họ nhận biết Hài Nhi bé nhỏ này là Đấng vĩ đại và đáng tôn kính vượt trổi hơn mình bội phần.

Nhìn lại chính mình trong hành trình theo Chúa, có những lúc chúng ta vô cùng khát khao tìm kiếm Chúa như các bác sĩ ngày trước, nhưng cũng có những lúc chúng ta lại dửng dưng xa lạ trước Chúa và Lời Ngài như các thầy tế lễ và thầy thông giáo năm xưa. Thế nên, một trong những thách thức của Cơ Đốc nhân là làm thế nào để có thể duy trì tấm lòng khát khao, tìm kiếm Chúa mỗi ngày. Lễ Giáng Sinh đến và đi, chúng ta quay lại với cuộc sống lệ thường. Như các nhà thông thái, chúng ta hãy tìm kiếm và thờ phượng Chúa bất cứ nơi nào hay lúc nào, vì “Chúa cao cả vĩ đại, chỉ Ngài đáng được tôn thờ”.

Xin Chúa giúp chúng ta luôn có tinh thần khát khao Chúa, tấm lòng tìm kiếm Chúa và đời sống thờ phượng Chúa.