Sau cuộc nội chiến Mỹ, những nô lệ da đen được trả tự do, nhưng một số nô lệ quyết định ở lại và tiếp tục hầu hạ chủ của họ như trước. Họ được tự do nhưng lại chọn sống nô lệ. Nhiều người tin Chúa đã chọn sống y như vậy. Chúa Giê-xu đã chết để giải phóng chúng ta khỏi nộ lệ cho tội lỗi, được sống tự do, nhưng một số người lại chọn trở về với chủ cũ. Sứ đồ Phao-lô nói với con dân Chúa ở Hội Thánh Ga-la-ti, “Chúa Cứu Thế đã buông tha chúng ta cho được tự do; vậy hãy đứng vững, chớ lại để mình dưới ách tôi mọi nữa”.
Trong thư Rô-ma, ông kêu gọi chúng ta, đừng để tội lỗi cai trị đời sống, đừng phó mình cho dục vọng… chúng ta không còn là nô lệ cho tội lỗi nữa. Tiến vào tương lai, một quyết tâm chúng ta cần cam kết để nhận được mọi phước hạnh Chúa ban cho là dứt khoát với những thói quen tội lỗi. Mệnh lệnh của Chúa cho người muốn làm mới lại đời sống là “Đừng để tội lỗi cai trị đời sống của con. Đừng phó mình cho dục vọng nữa,” Chúa muốn chúng ta phải dứt khoát với những thói quen tội lỗi của mình. Mỗi Cơ Đốc nhân sau khi nhận biết rõ ý nghĩa của Thánh lễ Báp-tem thì đều muốn nhận thánh lễ ấy để tuyên xưng đức tin là mình đồng chết và đồng sống lại với Đấng Christ. Sứ đồ Phao-lô giải thích rất rõ ý nghĩa sự chết và sự sống lại của Đấng Christ, và cho biết chúng ta cũng phải đồng chết con người cũ và sống lại bằng con người mới với Ngài. Khi chúng ta tin vào sự chết chuộc tội của Chúa Giê-xu trên thập tự giá thì chúng ta cùng phải sẵn sàng “đóng đinh” con người cũ của mình, để cho “thân thể của tội lỗi bị tiêu diệt đi, và chúng ta không phục dưới tội lỗi nữa”. Và khi chúng ta tin vào sự sống lại của Chúa Giê-xu, chúng ta cũng phải cùng sống với Ngài bằng một đời sống mới đi theo sự dẫn dắt của Chúa Thánh Linh.
Nghi thức làm phép báp-tem bằng nước nói lên rằng chúng ta bước vào một mối quan hệ mới với Chúa. Lúc đó bởi đức tin chúng ta được liên hiệp với Chúa Giê-xu trong sự chết và sự sống lại của Ngài. Tuy nhiên nếu không bởi đức tin và bởi ân sủng phép báp-tem không thể đem chúng ta vào mối quan hệ mới này. Không những chúng ta hiệp một với Chúa Giê-xu trong sự chết, mà còn sống một đời sống mới trong Ngài. Bởi đức tin nơi Chúa Giê-xu chẳng những chúng ta được giải phóng khỏi quyền của tội lỗi, mà còn được ban quyền năng để chiến thắng tội lỗi. Khi con người cũ là con người dưới quyền tội lỗi bị tiêu diệt, bị đóng đinh vào cây thập tự thì, chúng ta không còn sống dưới sự thống trị của tội lỗi nữa. Nói cách khác, khi thuộc về Chúa Giê-xu, chúng ta không còn ở trong tội lỗi nữa. Tội lỗi không có quyền trên Ngài, chúng ta ở trong Ngài, nên tội lỗi không có quyền trên chúng ta. Chúa Giê-xu đã sống lại, đắc thắng sự chết như Phao-lô khẳng định “sự chết không còn cai trị trên Ngài”. Vậy khi chúng ta tin nhận Ngài, chúng ta sẽ cùng sống với Ngài trong sự đắc thắng. Chúa đã sống lại để ban cho chúng ta sự sống và là một sự sống đắc thắng. Do đó, mỗi khi dự lễ kỷ niệm Chúa Giê-xu Phục Sinh, mỗi con dân Chúa phải nhớ rằng chúng ta cần sống một cuộc đời đắc thắng cho Ngài. Chúng ta phải tin vào quyền năng của Chúa Phục Sinh để cuộc sống chúng ta công bố quyền năng đó.
Khi còn sống trong thân xác hay hư nát này, chắc chắn chúng ta sẽ đối diện với bệnh tật, đau yếu, nhưng chúng ta có quyền năng của Chúa Phục Sinh ở trong mình, cho nên chúng ta phải thể hiện một nếp sống đắc thắng. Điều đó có nghĩa là chúng ta không để những nan đề, bệnh tật, hay nghịch cảnh làm mình ngã quỵ, nản lòng, nhưng phải giữ tinh thần lạc quan và bình an của một người đang sống trong quyền năng đắc thắng của Chúa Phục Sinh. Chúa Giê-xu của chúng ta chỉ chết một lần đủ cả để chuộc tội cho toàn nhân loại, và Ngài đã phục sinh cách khải hoàn, hiện nay Ngài đang sống để ban năng quyền sự sống cho những ai tin nhận Ngài.
Xin Chúa giúp chúng ta kinh nghiệm quyền năng phục sinh của Chúa để chúng ta sống một đời sống đắc thắng cho Ngài.