Bí Quyết Để Vượt Qua Sợ Hãi

258

Sợ hãi vốn dĩ luôn tồn tại trong mỗi con người chúng ta. Từ một em bé đến người trưởng thành đều có những nỗi sợ hãi riêng trong cuộc sống. Sợ hãi là cảm xúc tiêu cực xuất hiện từ việc nhận thức các mối đe dọa. Đây là một cơ chế tồn tại cơ bản xảy ra trong phản ứng với một kích thích cụ thể, chẳng hạn như đau hoặc nguy hiểm đe dọa. Nói ngắn gọn, sợ là khả năng nhận ra nguy hiểm và chạy trốn khỏi nó hoặc chiến đấu chống lại.[1]

Vậy sợ hãi là một cơ chế tự nhiên của con người. Khác với sự lo lắng, sự sợ hãi thường khiến con người không giữ được bình tĩnh, run sợ không dám đối diện. Có những nỗi sợ hãi do tác động từ yếu tố khách quan bên ngoài, nhưng cũng có những nỗi sợ hãi vô hình có sẵn trong tiềm thức của con người. Nếu để sự sợ hãi kéo dài và không thể vượt qua được thì sẽ gây ra những ảnh hưởng xấu đến cảm xúc, hành vi của con người. Theo thống kê, con người có một bảng danh sách dài những nỗi sợ hãi như: Sợ độ cao, sợ đám đông, sợ thất bại, sợ bóng tối, sợ cô đơn, sợ thi cử, sợ máu, sợ động vật, sợ đau, sợ ma, sợ chết… và còn vô vàn những nỗi sợ hãi khác nữa.

Trước những gì đang diễn ra của đại dịch Covid-19, nhân loại đang đối diện với những nỗi sợ hãi chung: Sợ dịch bệnh kéo dài, sợ bị nhiễm bệnh, sợ bị cách ly, sợ phải chia ly người thân, sợ bị thất nghiệp, sợ đói, sợ chết… Là Cơ Đốc nhân, chúng ta cũng không tránh khỏi phải đối diện với những nỗi sợ trong cuộc đời. Nhưng trong Lời Chúa, Ngài chỉ cho chúng ta phương cách để vượt qua sự sợ hãi. Và phương cách đó nằm gói gọn trong câu Kinh Thánh Ê-sai 41:10

“Đừng sợ, vì ta ở với ngươi; chớ kinh khiếp, vì ta là Đức Chúa Trời ngươi! Ta sẽ bổ sức cho ngươi; phải, ta sẽ giúp đỡ ngươi, lấy tay hữu công bình ta mà nâng đỡ ngươi.”

  1. Nhận biết Chúa đang ở với mình
    Chúa phán: “Đừng sợ, vì Ta ở với ngươi”. “Ở với” có nghĩa là đồng hành, bên cạnh và ngự giữa. Nếu khi nào những nỗi sợ hãi xâm chiếm tâm trí chúng ta, thì hãy nhớ rằng: Đức Chúa Trời hứa ở cùng chúng ta. Đây là điều an ủi rất lớn cho những người thuộc về Ngài. Khi có Chúa ở cùng thì chắc chắn không có điều gì xảy đến cho chúng ta mà không nằm trong sự cho phép và tể trị của Chúa. Nguyên nhân sâu xa khiến chúng ta sợ hãi đó là không nhận biết Chúa đang ở với mình.

Có câu chuyện kể về một con tàu đang ra khơi thì gặp cơn bão rất lớn, khi sóng gió nổi lên, có một cậu bé trai trong con tàu đó khóc thét lên vì sợ hãi. Nhưng khi cậu bé nhìn lên buồng lái, cậu thấy cha mình đang là người cầm lái… thì cậu bé được bình an và không còn sợ hãi nữa. Mỗi chúng ta cũng vậy! Làm sao chúng ta có thể bình an, làm sao có thể vượt qua nỗi sợ hãi khi không biết ai đang lèo lái con thuyền cuộc đời mình.

Chúng ta nhớ câu chuyện các môn đồ “Bị Bão Giữa Biển” được ký thuật trong Phúc Âm Mác 4:35-41. Trong thời điểm khi cơn bão xảy đến, không phải chỉ có chiếc thuyền của các môn đồ mà thôi. Cũng có những chiếc thuyền khác trên biển và đang cùng bị bão như vậy. Nhưng sự khác nhau giữa thuyền của các môn đồ và các thuyền khác là gì? Đó là: Trên con thuyền của các môn đồ có Đức Chúa Giê-xu đang ở đó với họ.

Mỗi chúng ta cũng vậy, Covid-19 đang là đại dịch trên toàn thế giới, và chúng ta cũng không ngoại lệ. Vì thế, chắc hẳn ai trong chúng ta cùng đều đang đối diện với nhiều nỗi sợ hãi, nhưng hãy nhớ rằng: Chúng ta có Chúa đang ở bên cạnh mình. Hãy nương trên những lời hứa quý báu của Chúa trong Kinh Thánh để vượt qua sự sợ hãi:

• Chúa hứa ở cùng chúng ta trong mọi nơi: “Ta há không có phán dặn ngươi sao? Hãy vững lòng bền chí, chớ run sợ, chớ kinh khủng; vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi vẫn ở cùng ngươi trong mọi nơi ngươi đi” (Giô-suê 1:9).

• Chúa hứa ở cùng chúng ta trong mọi lúc: “Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế” (Ma-thi-ơ 28:20b). “Chánh Đức Giê-hô-va sẽ đi trước ngươi, Ngài sẽ ở cùng ngươi, chẳng lìa khỏi ngươi, chẳng từ bỏ ngươi đâu. Chớ sợ, và chớ kinh khủng” (Phục Truyền 31:8).

• Chúa ở cùng chúng ta trong mọi hoàn cảnh: “Bây giờ, hỡi Gia-cốp! Đức Giê-hô-va là Đấng đã dựng nên ngươi, hỡi Y-sơ-ra-ên! Ngài là Đấng đã tạo thành ngươi, phán như vầy: Đừng sợ, vì ta đã chuộc ngươi. Ta đã lấy tên ngươi gọi ngươi; ngươi thuộc về ta. Khi ngươi vượt qua các dòng nước, ta sẽ ở cùng; khi ngươi lội qua sông, sẽ chẳng che lấp. Khi ngươi bước qua lửa, sẽ chẳng bị cháy, ngọn lửa chẳng đốt ngươi” (Ê-sai 43:1-2).
Hãy xét lại: Chúng ta có thực sự nhận biết Chúa đang ở với mình không? Nếu đời sống vẫn còn đầy sự sợ hãi, thì coi chừng chúng ta chỉ thấy Chúa bằng lý thuyết suông chứ không thấy Ngài bằng sự từng trải thuộc linh và đôi mắt đức tin.

  1. Có mối liên hệ mật thiết với Chúa
    Nếu chúng ta không ngăn được sự sợ hãi xâm chiếm tâm trí thì sự sợ hãi sẽ dần dần dẫn chúng ta đến tâm trạng kinh khiếp. Hầu như con người thường có xu hướng kịch tính hóa quá mức một vấn đề, chính điều nầy làm cho sự sợ hãi lớn dần và dẫn đến tâm trạng mất bình tĩnh.

Lời Chúa phán “chớ kinh khiếp, vì Ta là Đức Chúa Trời ngươi.” Từ “kinh khiếp” trong câu Kinh Thánh nầy có nghĩa là kinh hãi, mất tinh thần trước những điều xảy đến ngoài tầm tay của chúng ta. Chúa biết con dân Ngài sẽ gặp những tâm trạng như vậy nên Ngài nhắc lại mối liên hệ giữa chúng ta với Chúa – “vì Ta là Đức Chúa Trời ngươi”. Cụm từ “Đức Chúa Trời ngươi” nói lên mối liên hệ giữa Đức Chúa Trời với những người tin cậy Ngài.

Trong Thi Thiên 91:2, trước giả gọi Chúa một cách rất thân mật: “Tôi nói về Đức Giê-hô-va rằng: Ngài là nơi nương náu tôi, và là đồn lũy tôi; Cũng là Đức Chúa Trời tôi, tôi tin cậy nơi Ngài”. Cách gọi “Đức Chúa Trời tôi” cho thấy Đức Chúa Trời không phải là một vị thần xa vời, nhưng Ngài là Đấng gần gũi, yêu thương, quan tâm, chăm sóc mỗi chúng ta. Vì thế, mỗi chúng ta hãy thiết lập và luôn giữ mối liên hệ mất thiết với Chúa.

Ngày hôm nay, có những người cũng xưng là Cơ Đốc nhân, cũng đi nhà thờ, cũng sinh hoạt ban ngành, cũng là một nhân sự hầu việc Chúa… nhưng không có mối liên hệ mật thiết với Chúa. Muốn có mối liên hệ mật thiết với Chúa, mỗi chúng ta phải dành nhiều thì giờ “ở riêng với Chúa” để đọc – suy gẫm Lời Chúa và tương giao với Ngài.

Chúng ta đừng chờ đợi đến khi có nan đề, hay gia đình mình, cá nhân mình gặp gian truân thì mới kêu cầu khẩn thiết với Chúa. Nhưng chúng ta phải giữ mối liên hệ tâm giao với Chúa mỗi giây phút dầu khi thuận cảnh hay nghịch cảnh. Hãy thiết lập và cam kết với Chúa để dành thì giờ “ở riêng với Chúa” mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng… đều đặn và liên tục. Chúng ta cần đến với Chúa để tích lũy năng lượng và sức mạnh thuộc linh hầu cho sẵn sàng ứng phó với mọi nan đề, hoàn cảnh. Và khi chúng ta có mối liên hệ mật thiết với Chúa, chắc chắn chúng ta sẽ luôn bình an, không sợ hãi, kinh khiếp trước mọi biến cố xảy đến trong đời sống.

  1. Hết lòng tin cậy Chúa
    “…Ta sẽ bổ sức cho ngươi; phải, ta sẽ giúp đỡ ngươi, lấy tay hữu công bình ta mà nâng đỡ ngươi”
    Khi đã nhận biết Chúa đang ở với mình, có mối tương giao mật thiết với Chúa thì chúng ta sẽ tiến đến bước thứ ba là: Hết lòng tin cậy Chúa. Thi Thiên 56:3 có chép, “Mỗi khi con lo sợ, con đặt trọn lòng tin cậy nơi Ngài” (Bản dịch 2011).

“Tin cậy” ở đây gồm 2 hành động: “tin” và “nương cậy”. Và sự nương cậy chỉ có khi nào niềm tin phải có trước. Nhiều người chỉ có tin ở phương diện lý trí, nhưng đời sống không thể hiện sự nương cậy Chúa (nghĩa là vẫn nương cậy vào sự khôn ngoan của mình, nương cậy vào Y học, nương cậy vào tiền bạc, nương cậy vào con người, thần tượng…)

Hết lòng tin cậy Chúa tức là tất cả tâm trí, cảm xúc, ý chí đều hướng về Chúa, lệ thuộc vào Ngài. Khi một người hết lòng tin cậy Chúa, người đó sẽ phó thác mọi sự trong tay Chúa. Và khi đó không còn sợ hãi nữa.

Quay lại với câu Kinh Thánh nền tảng Ê-sai 41:10, Chúa ban cho chúng ta ba nền tảng rất vững chắc cho người hết lòng tin cậy Ngài, đây cũng là lời hứa của Chúa dành cho mỗi chúng ta:

• Chúa sẽ “bổ sức”
“Đừng sợ vì Ta ở với con, Chớ kinh khiếp vì Ta là Đức Chúa Trời của con! Ta sẽ làm cho con mạnh mẽ; Phải, Ta sẽ giúp đỡ con, dùng tay phải công chính của Ta mà nắm giữ con.” (Ê-sai 41:10 – Bản Hiệu Đính)

Con người hữu hạn “tài hèn sức mọn” không thể nào tự mình đủ sức để ứng phó với những nan đề trong đời sống. Vì thế, chúng ta cần được Chúa “bổ sức”, “thêm sức” như Ê-sai 40:29 “Ngài ban sức mạnh cho kẻ nhọc nhằn, thêm lực lượng cho kẻ chẳng có sức”.
Trong đời sống mỗi chúng ta sẽ có những lúc bị những hoàn cảnh, hoạn nạn làm chao đảo, đuối sức và thậm chí ngã quỵ. Nhưng Chúa hứa sẽ “bổ sức” cho chúng ta khi hết lòng tin cậy nơi Ngài.

• Chúa sẽ “giúp đỡ”
Sống giữa đời, ai trong chúng ta cũng đều cần sự giúp đỡ của người khác, nhưng hiệu quả của sự giúp đỡ còn tùy thuộc vào năng lực, trí tuệ và mức độ nhiệt tình của người giúp đỡ. Khi nhờ con người giúp đỡ, có những việc vượt quá tầm, thì họ cũng bó tay. Nhưng Đấng phán hứa sẽ giúp đỡ chúng ta là Đức Chúa Trời toàn năng, toàn tri, toàn tại… nên không việc gì là không thể đối với Ngài.

Thi Thiên 46:1 chép rằng, “Đức Chúa Trời là nơi nương náu và sức lực của chúng tôi. Ngài sẵn giúp đỡ trong cơn gian truân.” Trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ, chữ “giúp đỡ” bắt nguồn từ động từ vốn có nghĩa là giải cứu hay cứu giúp. Trong ý nghĩa nầy chỉ về một ai đó lớn hơn, mạnh hơn, quyền lực hơn, khôn ngoan hơn, giàu có hơn vươn tới giúp đỡ những người yếu thế, nghèo khó. Đấng giúp đỡ đó chính là Đức Chúa Trời.

• Chúa sẽ “nâng đỡ”
Từ “nâng đỡ” mang một ý nghĩa khác so với từ “giúp đỡ” ở trên. “Nâng đỡ” có nghĩa là Chúa sẽ nắm giữ, bảo vệ mỗi chúng ta.
Trong Kinh Thánh, mỗi khi nói đến sự nâng đỡ của Chúa thường dùng từ “bàn tay hữu” hay “cánh tay hữu” để nói lên sức mạnh từ sự nâng đỡ của Chúa. Hơn thế nữa, Chúa dùng “tay hữu công bình” để nâng đỡ chúng ta, nghĩa là Ngài không để điều gì bất công hay quá sức xảy đến cho con dân của Ngài.

Vì thế, nếu phải đối diện với gian truân, hoạn nạn… thì đừng sợ hãi, hãy nhớ rằng “cánh tay phải mạnh sức” của Chúa đã, đang và sẽ trực chờ sẵn sàng giơ ra cứu giúp, nâng đỡ mỗi chúng ta.

Kết luận

Cuộc sống của mỗi chúng ta trên đất luôn chứa đựng nhiều nỗi sợ hãi, kinh khiếp đến từ nhiều mối đe dọa. Để vượt qua những sợ hãi đó, chúng ta cần thực hành 3 điều theo Lời Chúa dạy trong Ê-sai 41:10. Đó là: (1) Nhận biết Chúa đang ở với mình; (2) Có mối liên hệ mật thiết với Chúa; (3) Hết lòng tin cậy Chúa.

Là con dân của Chúa, nương trên Lời Hằng Sống của Ngài hãy luôn nhớ rằng: Chúa luôn ở với mỗi chúng ta để chỉ dẫn khi bối rối, thêm sức và khích lệ khi yếu đuối, bảo vệ khi sợ hãi, giúp đỡ để chiến thắng cám dỗ, an ủi khi bị tổn thương, nâng đỡ khi ngã lòng. Chúa ở với mỗi chúng ta trong mọi lúc, mọi nơi, và mọi hoàn cảnh, vì Ngài là Đức Chúa Trời Hằng Hữu – Toàn năng – Toàn Tri – Toàn tại.

Trong những ngày tai ương kinh khiếp của cơn đại dịch nầy, mỗi chúng ta cần dành nhiều thì giờ hơn để đến với Chúa, hát Thánh Ca, đọc Kinh Thánh và cầu nguyện để vượt qua những sợ hãi mà chúng ta đang đối diện. Chúng ta hãy trao sự lo lắng và sợ hãi do Covid-19 gây ra cho Chúa. Chúa sẽ trao lại cho chúng ta sự bình an thiên thượng của Ngài.

TĐ. Sử Đức Nguyên