Chúa Đứng Bên Tôi

951

Đôi lúc cuộc sống cũng giống như lái bè vượt qua những dòng nước trắng xóa, một hành trình có nhiều thác ghềnh hơn những gì chúng ta mong muốn. Lời hứa của Chúa dành cho dân Y-sơ-ra-ên qua tiên tri Ê-sai sẽ hướng dẫn chúng ta trong lúc lo sợ điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra: “Khi con lội qua sông, sẽ chẳng bị nước cuốn”. Dân Y-sơ-ra-ên rất sợ Chúa từ bỏ họ khi họ đi lưu đày vì hậu quả của tội lỗi mình, nhưng Ngài đã quả quyết và hứa rằng Ngài sẽ ở cùng họ bởi vì Ngài yêu thương họ. Dân sự Chúa bị lưu đày được trở về nguyên quán.Tuy nhiên, sau khi thành Giê-ru-sa-lem bị tàn phá vào năm 70 S.C. và dân Giu-đa bị tan lạc khắp nơi, thì nhiều người nghĩ rằng các lời tiên tri của Ê-sai về sự trở về của dân Giu-đa chưa thật sự được ứng nghiệm. Trải qua nhiều thế kỷ, dân Giu-đa tiếp tục trở về, cho đến 1948, sau khi dân Giu-đa bị thảm sát vào thời Hitler và sau sự khủng hoảng chính trị thời hậu chiến, đất nước Y-sơ-ra-ên mới được thành lập. Lúc đó, dân Do-thái mới nhận thấy lời tiên tri của Ê-sai đã được ứng nghiệm.

Trong Cựu Ước, Đức Chúa Trời luôn bày tỏ tình yêu thương và lòng nhân từ đối với dân Y-sơ-ra-ên mặc dù biết bao lần họ không vâng lời và thuận phục Ngài. Đức Chúa Trời hứa rằng, Ngài sẽ ở cùng khi họ vượt sông hay băng qua lửa, vì Ngài là Đức Chúa Trời, là Chúa Cứu Thế của họ, là Đấng giải cứu họ ra khỏi ngục tù về mặt thuộc thể cũng như thuộc linh. Nơi Chúa còn vô vàn những điều lạ lùng vượt quá sự suy tưởng của chúng ta. Ê-sai cho biết rằng Đức Chúa Trời sắp giải cứu Y-sơ-ra-ên, không những chỉ những người đang bị đày tại Ba-by-lôn nhưng cả những người Y-sơ-ra-ên ở những nơi khác. Họ là dân thuộc riêng về Ngài và được dùng để hoàn thành mục đích của Ngài. Hai tên Gia-cốp và Y-sơ-ra-ên thường được tác giả dùng chung với nhau như có ý nhắc cho dân Y-sơ-ra-ên hiểu rằng Gia-cốp, một người lường gạt, đã trở nên Y-sơ-ra-ên, tuyển dân của Đức Chúa Trời. Tác giả muốn cho họ thấy bởi ân sủng của Chúa họ trở nên một dân thuộc về Ngài. Bởi ân sủng, Chúa đã ở cùng và bảo vệ họ trong những lúc gian truân. Vì là dân của Ngài, Ngài đã yêu họ, coi họ là quí báu, đáng chuộng vì thế Ngài sẽ cứu chuộc họ, đem họ trở về từ muôn phương. Chương trình của Chúa không phải là bỏ rơi họ vĩnh viễn nhưng sửa phạt tội lỗi họ, uốn nắn họ và dùng họ để làm nguồn phước cho muôn dân.

Phân đoạn này lặp lại hai lần chữ “đừng sợ” và tiếp theo là những lý do được nêu ra. Cũng như dân Y-sơ-ra-ên, chúng ta sẽ không sợ khi chúng ta nhận thức mình là ai trước mặt Đức Chúa Trời, nhất là khi nhìn lại quá khứ gian nan mà Chúa đã ở cùng, bảo vệ, dẫn dắt. Chúng ta sẽ không sợ khi biết rằng Chúa yêu chúng ta, coi chúng ta là quí báu đáng chuộng và trong tương lai Ngài sẽ tiếp tục ở cùng, giải cứu chúng ta. Cho dù nhiều lúc Chúa sửa phạt, uốn nắn chúng ta, nhưng cuối cùng Ngài sẽ dùng chúng ta trong chương trình kỳ diệu của Ngài.

Chúa luôn bên cạnh chúng ta và Ngài vẫn luôn ở đó, dù chúng ta có cảm nhận được sự hiện diện của Chúa hay không.Vì vậy, những đám mây giống như những vấn đề của chúng ta.Những đám mây làm chúng ta không nhìn thấy ánh nắng mặt trời, nhưng mặt trời vẫn ở đó và tỏa nắng, và đôi khi chúng ta cảm thấy như Chúa không còn ở với chúng ta, nhưng Ngài thực sự vẫn đang bên cạnh chúng ta. Không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi Chúa và tình yêu của Ngài. Mặt trời luôn chiếu sáng, và tình yêu của Chúa cũng luôn tỏa sáng.Những thời điểm khó khăn đem đến cho chúng ta cơ hội để tin cậy Đức Chúa Trời và Lời của Ngài cách trọn vẹn nhất. Những thời khắc hoạn nạn giúp chúng ta trưởng thành và bày tỏ ân điển của Ngài. Chúa không bỏ mặc chúng ta trong lúc giông bão. Chúng ta hãy tin rằng Ngài sẽ hướng dẫn chúng ta vượt qua những thác ghềnh, là những nỗi sợ sâu thẳm nhất và những nan đề đau đớn nhất bởi vì Ngài luôn yêu thương và hứa sẽ ở cùng chúng ta mãi mãi.

Xin Chúa cho chúng ta nhận biết Chúa luôn bên cạnh để không sợ hãi khi đối diện với những thử thách.