Dạy Dỗ Con Cái Trong Sự Tin Kính

1073

Châm Ngôn 22:6 chép “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo, dầu khi nó trở về già cũng không hề lìa khỏi đó.”

Có phải Kinh Thánh đảm bảo khi dạy dỗ con cái trong sự tin kính thì chắc chắn con cái sẽ tin kính?

Phải chăng câu Kinh Thánh này hứa rằng nuôi dạy con theo cách tin kính thì khi lớn lên chúng nó sẽ luôn luôn đi trong đường lối Chúa? Những bậc cha mẹ tin kính có con cái nổi loạn thì sao?

Vốn là thể loại văn chương, Châm Ngôn không phải những lời hứa tuyệt đối, nhưng đó là những lời nhận xét khái quát về cuộc sống, mà thường là đúng. Điều này giải thích tại sao có những bậc phụ huynh trung tín dạy con đi theo Chúa, nhưng khi lớn lên chúng có thể chống nghịch Chúa.

Châm Ngôn 22:6 dạy rằng nhìn chung, đúng là một đứa trẻ được dạy yêu mến Chúa thì khi lớn lên sẽ tiếp tục yêu Chúa. Đây là quan sát từ cuộc sống cách đây 3000 năm, và vẫn còn đúng đến ngày hôm nay. Hầu hết những bậc phụ huynh Cơ Đốc nuôi dạy con cái cách tin kính sẽ để lại di sản là những đứa con trưởng thành yêu mến Chúa. Nuôi dạy con trẻ “trong sự sửa phạt khuyên bảo của Chúa” (Ê-phê-sô 6:4) làm gia tăng đáng kể khả năng đứa trẻ sẽ tiếp tục nắm lấy Chúa sau này.

Một ví dụ tuyệt vời trong Kinh Thánh là cuộc đời của Ti-mô-thê. Trong II Ti-mô-thê 1:5, Phao-lô nói “Ta cũng nhớ đến đức tin thành thật của con, là đức tin trước đã ở trong Lô-ít, bà ngoại con, và trong Ơ-nít, mẹ con, ta chắc rằng nay cũng ở trong con nữa.” Cả mẹ lẫn bà ngoại của Ti-mô-thê đều yêu mến Chúa và dạy dỗ Ti-mô-thê trở thành người yêu mến Chúa. Ti-mô-thê khi còn trẻ là người cộng sự truyền giáo của Phao-lô và trở thành một trong những người đồng hành đáng tin cậy nhất của Phao-lô. Tân Ước nhắc đến tên của Ti-mô-thê hai mươi lăm lần trong vai trò nhà truyền giáo, phụ tá cho các sứ đồ, và là một mục sư.

Nuôi dạy con cái là việc cần thiết ngày hôm nay, cũng như trong suốt lịch sử. Cha mẹ là những người quan trọng, nuôi dưỡng theo đường lối Chúa những thanh niên nam nữ yêu mến Chúa và sống cho Ngài. Cho dù phước hạnh nhận được từ mục sư, anh chị hướng dẫn và những ảnh hưởng từ những người tin kính khác là gì đi nữa, thì không ai có thể thay thế vai trò của cha mẹ tin kính, là những người thể hiện đức tin Cơ Đốc trong đời sống và truyền lại cho con cháu. Đó là lý do trước giả Châm Ngôn 22:6 có thể quả quyết “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo, dầu khi nó trở về già cũng không hề lìa khỏi đó”.

Vậy thì, “dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo” có nghĩa là gì?

Nuôi nấng và dạy dỗ một đứa trẻ trong ngữ cảnh của Châm Ngôn này có nghĩa là bắt đầu với Kinh Thánh, vì “cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị,…” (II Ti-mô-thê 3:16). Dạy trẻ những lẽ thật Kinh Thánh sẽ khiến chúng trở nên khôn ngoan để được cứu rỗi (II Ti-mô-thê 3:15); trang bị cho chúng một cách kỹ lưỡng để làm việc lành (II Ti-mô-thê 3:17); chuẩn bị để chúng có thể trả lời những người hỏi chúng lý do về niềm hy vọng của chúng (I Phi-e-rơ 3:15); và chuẩn bị để chúng chống lại sự tấn công của văn hóa trong việc truyền bá những giá trị thế tục cho giới trẻ.

Kinh Thánh cho chúng ta biết con cái là phần thưởng Chúa ban cho (Thi Thiên 127:3). Vậy thì, chắc chắn nghe theo lời khuyên khôn ngoan của Sa-lô-môn để dạy dỗ chúng cách đúng đắn là điều phải lẽ. Thật vậy, giá trị mà Chúa đặt để trên việc dạy lẽ thật cho con cái đã được Môi-se nói rõ. Ông cũng nhấn mạnh với con dân Chúa tầm quan trọng của việc dạy cho con cái biết về Đức Giê-hô-va, các điều răn và luật pháp của Ngài: “Khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi, và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chổi dậy. Khá buộc nó trên tay mình như một dấu ân, và nó sẽ ở giữa hai con mắt ngươi như ấn chỉ; cũng phải viết các lời đó trên cột nhà, và trên cửa ngươi” (Phục Truyền 6:7-9). Sự cẩn thận của Môi-se nhấn mạnh mối bận tâm sâu sắc của ông đối với việc các thế hệ mai sau phải tiếp tục vâng giữ luật pháp Chúa để bảo đảm rằng họ “ăn ở bình yên trong xứ” (Lê-vi Ký 25:18), rằng tất cả sẽ “tốt đẹp” đối với họ (Phục Truyền 12:28), và rằng Ngài sẽ ban phước cho họ ở trong xứ (Phục Truyền 30:16).

Rõ ràng Kinh Thánh bày tỏ rằng dạy cho con cái biết và vâng lời Đức Chúa Trời là cơ sở để làm Ngài vui lòng và sống đắc thắng trong ân điển Ngài. Biết Đức Chúa Trời và lẽ thật của Ngài bắt đầu với việc đứa trẻ phải nhận biết tội lỗi và nhu cầu cần có Chúa Cứu Thế. Ngay cả trẻ rất nhỏ cũng biết rằng chúng không hoàn hảo và có thể hiểu được rằng chúng cần sự tha thứ. Cha mẹ yêu thương con sẽ làm gương để con thấy một Đức Chúa Trời yêu thương không chỉ tha thứ, mà còn cung ứng của lễ chuộc tội hoàn hảo trong Chúa Giê-xu Christ. Dạy dỗ trẻ thơ con đường nó phải theo, trước nhất và quan trọng nhất, có nghĩa là hướng dẫn chúng đến với Chúa Cứu Thế.

Kỷ luật là điều không thể thiếu trong việc nuôi dạy con cái theo đường lối Chúa, vì chúng ta biết rằng “Đức Giê-hô-va sửa phạt kẻ Ngài yêu” (Châm Ngôn 3:12). Do đó, chúng ta không nên xem nhẹ việc kỷ luật, cũng không ngã lòng khi bị kỷ luật vì “ai mà Ngài nhận làm con thì cho roi cho vọt” (Hê-bơ-rơ 12:5-6). Và chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời sửa phạt chúng ta vì ích lợi cho chúng ta, để chúng ta được dự phần trong sự thánh khiết của Ngài (Hê-bơ-rơ 12:10). Tương tự, khi chúng ta sửa phạt con cái, chúng nhận được sự khôn ngoan (Châm Ngôn 29:15), và chúng sẽ đem lại cho chúng ta sự bình an (Châm Ngôn 29:17) và tôn trọng (Hê-bơ-rơ 12:9). Thật thế, dù còn non trẻ, nhưng trẻ có thể nhận biết rằng kỷ luật bắt nguồn từ tình yêu thương. Đó là lý do những trẻ lớn lên trong gia đình không có kỷ luật thường cảm thấy không được yêu thương và dễ bất tuân khi chúng trưởng thành. Kỷ luật được đưa ra phải tương xứng với vi phạm và sự sửa phạt trong thân thể, chẳng hạn đánh đòn (với động cơ đúng đắn) chắc chắn được Kinh Thánh ủng hộ (Châm Ngôn 13:24; 22:15; 23:13-14). Thật vậy, sự sửa phạt, dù có thể không thú vị gì, nhưng sẽ sinh ra “bông trái công bình và bình an cho những kẻ đã chịu luyện tập như vậy” (Hê-bơ-rơ 12:11).

Cha mẹ phải có lòng sốt sắng dạy dỗ con cái mình như Môi-se đã dạy. Cha mẹ được ban cho đặc ân trở thành những người quản lý cuộc đời con mình trong một thời gian rất ngắn, nhưng sự dạy dỗ và huấn luyện của cha mẹ cho con cái còn đến đời đời. Theo lời dạy của Châm ngôn, một đứa trẻ được huấn luyện cách sốt sắng trong “con đường nó phải theo” sẽ trung thành với con đường ấy trong đời này và gặt hái phần thưởng ở đời sau.

Khuê Trần dịch
Nguồn: GotQuestion.org