Con Tuổi Teen Nổi Loạn Có Phải Do Lỗi Của Cha Mẹ?

775

Là cha mẹ, chúng ta có đang góp phần khiến con nổi loạn không?

Những ranh giới nghiêm ngặt hay phương pháp kỷ luật của chúng ta có thể đẩy con mình đến tình trạng đi quá đà. Có lề luật nhưng không có mối quan hệ thường tạo nên sự nổi loạn.

Sửa dạy con nghiêm khắc mà không có mối quan hệ với con sẽ khiến con nghĩ rằng kỷ luật của bạn không xuất phát từ tình yêu thương, và có thể gây ra kết quả ngược lại. Nếu bạn luôn nói “không” với con ở tuổi dậy thì, áp đặt nhiều giới hạn và lấy đi đặc quyền đặc lợi của con, thì có lẽ đây là lúc bạn nên suy xét lại cách tiếp cận với con của mình.

Joel Dingess, nguyên là một mục sư lo cho thiếu niên, hiện giờ là cố vấn viên của tuổi thiếu niên, và cũng là giáo sư tại trường Đại học Life Pacific, nói rằng việc kết hợp quy tắc, luật lệ và sửa dạy liên tục có thể khiến con phản kháng và căm ghét bạn, tìm cách tự vệ, hoặc thậm chí kháng cự với những góp ý của bạn.

“Tất cả là vấn đề của sự nhận thức, và con em cần thời gian để phát triển đủ sự tự tin để có thể cởi mở đón nhận kỷ luật và phê bình.” Ông nói, khi quá nghiêm khắc trong việc kỷ luật con cái ở độ tuổi dậy thì, thì con sẽ có co rút lại và bắt đầu nghi vấn về giá trị bản thân của chính mình và thậm chí hoài nghi về ý niệm ân điển; hoặc con cái có thể phản kháng, nổi loạn và tấn công lại để khẳng định bản thân là tốt hơn.

Dingess nói, “Sự phản loạn có liên quan nhiều đến sự kiêu hãnh của bản thân nhưng nó cũng đến từ chỗ muốn làm điều mình muốn. Khi chúng ta bước vào mối liên hệ với Chúa, chúng ta học cách phục tùng ý muốn Chúa và làm theo điều Ngài dạy. Đây không phải là giai đoạn chuyển tiếp dễ dàng, và vì thế nó cần thời gian. Hãy thành thật với chính mình. Bản thân chúng ta trong giai đoạn trưởng thành đôi khi cũng phản loạn giống như tuổi teen bướng bỉnh của con mình nên hãy chấp nhận và kiên nhẫn với con.

“Cũng giống với tất cả chúng ta, tuổi teen là tuổi đang cố tự khám phá mọi thứ. Thế nhưng, không giống như người lớn, tuổi teen có nhiều thứ để khám phá, tìm tòi hơn – ví dụ như cuộc sống, các mối quan hệ, trường lớp, thể thao, mục tiêu, những thay đổi sinh lý, tính cách, giá trị bản thân, và Chúa. Có quá nhiều thứ để con vật lộn trong khoảng thời gian quá ngắn.”

“Con chúng ta đang cố hình dung, khám phá cách tiếp cận cuộc sống, cách để trở nên người mà con muốn giữa vô vàn điều cấm đoán, ép buộc và giới hạn. Chẳng ai muốn đón nhận từ “không”, ngay cả với người lớn. Thế nhưng tuổi teen lại là tuổi phải nhận từ này nhiều nhất.

“Hầu hết từ “Không” được sử dụng với lời biện minh là để bảo vệ, hay giữ con, nhưng tuổi teen lại thấy khó chấp nhận hay hiểu được sự ngăn cấm đó. Thậm chí sẽ càng khó hơn để chấp nhận từ “không” khi bạn không hiểu mục đích hay lý do đằng sau, và đôi khi con tuổi teen của bạn cũng như vậy.”

Kinh Thánh Nói Gì về Vấn Đề Kỷ Luật?

Kinh Thánh nói rõ rằng cha mẹ phải kỷ luật con. Châm Ngôn 23:13-14 “Chớ tha sửa phạt trẻ thơ; dầu đánh nó bằng roi vọt, nó chẳng chết đâu. Khi con đánh nó bằng roi vọt, ắt giải cứu linh hồn nó khỏi Âm phủ.”

Châm Ngôn 13:24 nói “Người nào kiêng roi vọt ghét con trai mình; Song ai thương con ắt cần lo sửa trị nó.” Châm Ngôn 19:18 thậm chí còn khẳng định rằng cha mẹ nào không sửa phạt con mới là hại con.

Sự sửa phạt, kỷ luật ở đây phải xuất phát từ tình yêu thương và cưu mang trong việc nuôi dạy con trở nên người kính sợ Chúa. Những phụ huynh né tránh việc kỷ luật con thực ra mới là người chưa thật yêu con.

Cha mẹ cần thực thi thẩm quyền Chúa ban trong việc kỷ luật con trong tình yêu, nhưng phải cẩn thận để không trở nên quá nghiêm khắc hay dễ dãi khi nuôi dạy con.”

Tìm Sự Quân Bình

Chelsea, một người vợ 28 tuổi và cũng là một người mẹ, hiện giờ vẫn vui thích sự gần gũi với cha mẹ của mình. Khi đề cập đến cách bố mẹ kiểm soát những giới hạn và kỷ luật cô khi còn nhỏ, cô ấy nói, “Ranh giới và hạn chế chưa bao giờ khiến tôi làm sai điều gì, trái lại nó khiến những điều xấu không xảy đến với tôi. Lúc nào tôi cũng thấy những giới hạn bố mẹ đưa ra như lớp rào chắn bảo vệ tôi, và mỗi khi sửa dạy tôi, bố mẹ đều tỏ cho tôi biết ý định của mình.

Bố mẹ không bao giờ sửa phạt tôi lúc nổi giận hay bực bội. Tôi cũng nhớ rất rõ rằng ngay cả trước và sau khi sửa phạt tôi, bố mẹ đều ngồi xuống cùng cầu nguyện với tôi.”

Làm sao bạn biết việc sửa dạy, kỷ luật con của mình là không quá nghiêm khắc? Hãy theo mô hình trong Hê-bơ-rơ 12:5-11 “Vì Chúa sửa phạt kẻ Ngài yêu; Hễ ai mà Ngài nhận làm con, thì cho roi cho vọt.” (c.6)

Ê-phê-sô 6:4 cũng chép rằng, “Hỡi người làm cha, chớ chọc cho con cái mình giận dữ, hãy dùng sự sửa phạt khuyên bảo của Chúa mà nuôi nấng chúng nó.”

Thực ra, khi con tuổi thiếu niên đã tin Chúa, việc kỷ luật có thể được thay bằng việc môn đệ hóa dưới hình thức chỉ cho con biết thế nào là đầu phục Chúa trong sự vâng lời.

Có 5 cách thực tế bạn có thể dùng để kiểm tra xem việc sửa phạt hay kỷ luật của mình có quá nghiêm khắc không.

  1. Hãy Cầu Nguyện Về Phản Ứng Của Mình Trước Khi Thực Hành Sự Sửa Phạt Hay Kỷ Luật

Con của bạn cũng mang bản tính xác thịt tội lỗi giống như bạn, là bản tính mà không sớm thì muộn cũng lộ diện. Dẫu có lúc phải đối mặt và đôn đốc con cũng như đưa ra những giới hạn và sửa phạt, nhưng có lúc cũng cần đến ân điển. Nếu con xưng nhận tội với bạn, thì có lẽ rằng đứa con đó đang tìm kiếm ân điển.

Nếu tình cờ bạn phát hiện ra quyết định sai của con, trước tiên hãy trình dâng điều đó lên cho Chúa và xin Ngài ban cho bạn sự khôn ngoan trong cách đáp ứng với con. Nếu bạn xử lý đúng cách, việc sửa dạy sẽ trở nên hiệu quả. Trình dâng con cho Chúa sẽ có ích lợi hơn so với việc đem Chúa ra để thuyết giảng với con (nhất là khi căng thẳng hay sửa phạt).

Con bạn không muốn bị la mắng nhất là khi đã nhận thức hành vi sai của mình. Nhưng có lẽ điều con cần trong giờ phút này là cách đáp ứng khoan dung của bạn như cách Chúa đáp ứng với bạn khi bạn xưng nhận tội với Ngài.

Khi chúng ta khiến Chúa thất vọng, Ngài không mất bình tĩnh với chúng ta. Ngài không buộc tội chúng ta. Ngài không làm ngơ, và buộc chúng ta phải trở nên xứng đáng để được trò chuyện với Ngài. Ngài cũng không oán giận hay la mắng.

Khi bạn tìm đến với Chúa trước và trình dâng với Ngài về cách kỷ luật con của mình, thì cách kỷ luật đó sẽ đưa đến một sự đáp ứng trưởng thành, chứ không phải phản ứng đầy phẫn nộ khi đối diện với sự không vâng lời của con.

  1. Tìm Sự Quân Bình Giữa Yêu Thương Và Sửa Dạy

Shea, một thiếu nữ trẻ hiện giờ là một người mẹ, nhớ lại những năm tháng tuổi teen nổi loạn của mình và cách mẹ cô xử lý những điều đó. Cô chia sẻ, “Điều quan trọng với tôi là thấy được sự quân bình giữa tình yêu và sự sửa dạy của mẹ đối với mình. Tôi chưa bao giờ nghi ngờ về tình yêu của mẹ dành cho tôi khi mẹ sửa dạy tôi, dẫu có lúc tôi thật sự không thích mẹ khi mẹ làm như vậy.”

“Giờ làm mẹ, tôi sẽ cố hết sức để trở nên giống như mẹ tôi trong cách tôi sửa dạy con vì tôi biết mẹ yêu tôi và luôn muốn điều tốt hơn cho tôi – một quyết định tốt hơn, những trách nhiệm tốt hơn, một cuộc sống tốt hơn.”

Tình yêu mà chúng ta trao cho con sẽ khiến những phép tắc chúng ta đặt quanh con với mục đích bảo vệ trở nên nhẹ nhàng hơn đối với con.

  1. Đừng Nghĩ Đến Điều Tệ Hại Nhất Trong Con

Khi bạn nghĩ đứa con tuổi teen của mình sẽ làm rối tung mọi thứ, và thế là bạn sẵn sàng ra tay sửa phạt con, vì việc đó có lẽ hàm ý rằng bạn đang chào đón linh nổi loạn.

Phi-líp 4:6-8 là chìa khóa để giúp bạn có cách đáp ứng và phản ứng khôn ngoan với sự vi phạm của con, đó là đừng lo phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy cầu nguyện, nghĩ đến điều chân thật và kinh nghiệm sự bình an của Chúa.

Nghĩ đến điều chân thật là nương trên điều tốt nhất mà Chúa có thể thực hiện, chứ không dựa trên điều tệ hại nhất mà nó có thể xảy ra.

Tôi không nghĩ điều đó có nghĩa rằng là cha mẹ, chúng ta phải làm ngơ với những nguy hiểm phía trước hay phớt lờ nhu cầu cần được sửa dạy của con. Trái lại, điều đó có nghĩa rằng cha mẹ phải là người mang đến cho con sự tin cậy khi cần thiết và cũng là người tìm kiếm nơi con điều tốt nhất chứ không phải điều tệ hại nhất. Con bạn cần điều đó.

Trong Thi Thiên 139:17-18, Đa-vít hát ngợi khen, “Hỡi Đức Chúa Trời, các tư tưởng Chúa quý báu cho tôi thay! Số các tư tưởng ấy thật lớn thay.”

Chúa không chỉ có những tư tưởng về chúng ta, nhưng những tư tưởng ấy thật quý báu thay. Những tư tưởng đó là tốt lành, nhân ái và đáng quý dầu Ngài biết rõ điều chúng ta có thể làm.

Điều Chúa nghĩ về chúng ta không dựa vào sự ngu dốt hay những mơ tưởng của chúng ta, nhưng dựa vào cách Ngài nhìn chúng ta – là tinh sạch và không tì vết, khi chúng ta tin Con Ngài, là Chúa Giê-xu, để được xưng công nghĩa và được cứu. Chúa luôn nghĩ đến điều tốt nhất về chúng ta khi Ngài là Đấng duy nhất biết rõ điều tệ hại nhất trong chúng ta.

  1. Đừng Đưa Ra Quy Luật Hay Sửa Dạy Con Vì Sợ Người Khác Lên Tiếng

Bà mẹ của cậu bé tuổi teen nói với tôi rằng, “Nhiều lúc nỗi lo, lề luật tôi đưa ra với con đến từ nỗi sợ về điều người khác sẽ nghĩ về con và về tôi nữa. Tôi cứ phải tập tành giao phó mọi lo lắng cho Chúa, tập nhìn vào hoàn cảnh và nguyên do từ quan điểm của chính Chúa và luôn tự nhắc nhớ rằng mỗi đứa con của tôi đều là việc tay Chúa làm như chính cuộc đời tôi vậy.”

Khi chúng ta nhận thức rằng bản thân mình (chứ không phải người khác) phải chịu trách nhiệm trước mặt Chúa về cách nuôi dạy con của mình, chứ không phải về quyết định của con, khi đó chúng ta mới có thể dễ dàng bình an trong sự tin chắc rằng Chúa biết, dẫu rằng người khác có thể hiểu lầm.

Nếu chúng ta sửa phạt con vì sợ điều người khác có thể nghĩ về mình, hay bị áp lực trong việc phải trở nên bậc phụ huynh tốt hơn, bản thân chúng ta phải trả lời với Chúa về điều đó.

  1. Học Theo Gương Thương Xót Và Ân Điển Của Chúa

Thi Thiên 103:8-14 mô tả cách Cha trên Trời đáp ứng với chúng ta, ngay cả trong sự không vâng lời của chúng ta, và cho chúng ta một gương lớn về cách đáp ứng với con, nhất là khi con ăn năn, hối cải:

“Đức Giê-hô-va có lòng thương xót, hay làm ơn, chậm nóng giận và đầy sự nhân từ. Ngài không bắt tội luôn luôn, cũng chẳng giữ lòng giận đến đời đời. Ngài không đãi chúng tôi theo tội lỗi chúng tôi, cũng không báo trả chúng tôi tùy sự gian ác của chúng tôi…Đức Giê-hô-va thương xót kẻ kính sợ Ngài, khác nào cha thương xót con cái mình vậy. Vì Ngài biết chúng tôi nắn nên bởi giống gì, Ngài nhớ lại rằng chúng tôi bằng bụi đất.”

Hơn nữa, trong Ê-sai 43:25, chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời đã chọn việc không nhớ đến tội lỗi của chúng ta và cũng không nhắc đến sự quá phạm của chúng ta: “Ấy chính Ta, là Đấng vì mình ta mà xóa sự phạm tội ngươi; ta sẽ không nhớ đến tội lỗi ngươi nữa.”

Bạn có thể trở thành người mẹ, người cha đầy lòng thương xót, yêu thương và kiên nhẫn với con khi đối diện với những sai phạm của con không?

Cindi Mc Menamin
Thảo Anh dịch (Nguồn: Crosswalk)