Bệnh tật luôn là vấn đề khó khi phải đối diện. Điều quan trọng là hãy luôn nhớ rằng đường lối Chúa luôn cao hơn đường lối chúng ta (Ê-sai 55:9). Khi lâm phải ốm đau, bệnh tật hay thương tổn, chúng ta thường có xu hướng chú tâm vào sự đau đớn của mình. Ở giữa sự thử thách của ốm đau, chúng ta thường khó tập chú vào điều tốt lành mà Chúa có thể đem đến cho chúng ta như là kết quả của thử thách đó. Rô-ma 8:28 nhắc chúng ta nhớ rằng Đức Chúa Trời có thể mang đến điều tốt lành cho chúng ta trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Nhiều người nhìn lại khoảng thời gian bệnh tật như thời điểm được gần Chúa hơn khi học tập tin cậy Ngài hơn, và/hoặc học cách trân quý giá trị cuộc đời hơn. Đây chính là điều Chúa muốn vì Ngài luôn tể trị và biết rõ kết quả cuối cùng.
Điều này không có nghĩa rằng bệnh tật đến từ Chúa hay Ngài giáng bệnh tật trên chúng ta để dạy chúng ta một bài học thuộc linh nào đó. Trong thế giới đầy tội lỗi này, ốm đau, bệnh tật và sự chết luôn hiện diện chung quanh chúng ta. Là con người sa ngã, thể xác chúng ta dễ bị ốm đau, bệnh tật tấn công. Một số bệnh tật đến từ quy luật tự nhiên của thế giới này. Một số bệnh tật khác đến bởi sự tấn công của ma quỷ. Kinh Thánh mô tả một số trường hợp khi sự đau đớn thể xác đến từ sự tấn công của ma quỷ và các thế lực của nó (Ma-thi-ơ 17:14-18; Lu-ca 13:10-16). Vì thế, phần lớn bệnh tật không đến từ Chúa, nhưng đến từ ma quỷ. Ngay cả trong những hoàn cảnh đó, Đức Chúa Trời vẫn tể trị và kiểm soát. Đôi khi Ngài cho phép tội lỗi hay ma quỷ gây nên sự đau đớn trên thể xác chúng ta. Nhưng ngay cả khi bệnh tật không trực tiếp đến từ Chúa, thì Ngài vẫn sử dụng nó vì cớ mục đích tốt lành và trọn vẹn của Ngài.
Dẫu thế nào thì chúng ta không thể chối bỏ rằng đôi khi Chúa cho phép điều đó xảy ra, hay thậm chí Chúa cho phép bệnh tật xảy ra để khiến những mục đích chủ tể của Ngài được hoàn thành. Trong khi tật bệnh không được trực tiếp đề cập trong Hê-bơ-rơ 12:5-11, thì đoạn Kinh Thánh này vẫn nói rằng Chúa sửa dạy chúng ta để khiến chúng ta “sanh bông trái công bình” (câu 11). Bệnh tật có thể là cách Chúa sửa dạy trong tình yêu đối với chúng ta. Khó có thể hiểu được tại sao Chúa có thể làm như vậy. Nhưng khi chúng ta tin nơi sự tể trị của Chúa, thì sự đớn đau cũng có thể là cách mà Ngài cho phép hay khiến nó xảy ra.
Một ví dụ rõ nét nhất được tìm thấy trong Thi Thiên 119. Chú ý tiến trình từ câu 67, 71 và 75: “Trước khi chưa bị hoạn nạn, thì tôi lầm lạc; nhưng bây giờ tôi gìn giữ lời Chúa… Tôi đã bị hoạn nạn thật lấy làm phải, hầu cho học theo luật lệ của Chúa… Hỡi Đức Giê-hô-va, tôi biết rằng sự xét đoán của Ngài là công bình, và ấy là bởi sự thành tín mà Ngài làm cho tôi bị khổ nạn.” Tác giả Thi Thiên 119 đang nhìn sự đau đớn, bệnh tật từ quan điểm của Đức Chúa Trời. Ông nhận biết hoạn nạn là tốt cho ông. Và ấy là bởi sự thành tín mà Ngài khiến ông bị khổ nạn. Kết quả của sự hoạn nạn đó là để ông có thể học biết và vâng theo lời Ngài.
Thật vậy, đau khổ và bệnh tật chẳng bao giờ là vấn đề dễ đối diện. Nhưng đừng để bệnh tật khiến chúng ta mất niềm tin nơi Chúa. Chúa là tốt lành, ngay cả khi chúng ta đang chịu đau đớn. Thậm chí sự cuối cùng của đau đớn – là sự chết – vẫn là việc làm ra bởi sự tốt lành của Ngài. Thật khó có thể tưởng tượng ai đó đang ở thiên đàng lại hối tiếc về bệnh tật hay đau đớn họ đã trải qua khi còn sống trên đất.
Cuối cùng, khi ai đó bị đau đớn, trách nhiệm của chúng ta là quan tâm, chăm sóc, cầu nguyện và khích lệ họ. Khi một người đang bị đau đớn, không phải lúc nào cũng là lúc để nhấn mạnh rằng Chúa sẽ mang điều tốt lành đến từ sự đau đớn. Vâng, điều đó là đúng. Tuy nhiên, ở giữa sự đớn đau bệnh tật, không phải lúc nào cũng là thời điểm tốt nhất để chia sẻ sự thật đó. Người đang đau đớn rất cần tình yêu thương và sự khích lệ của chúng ta, chứ họ không thật sự cần lời nhắc nhở về một lẽ đạo thần học uyên thâm nào đó.
Thảo Anh dịch
Nguồn: Gotquestions