(Cô-lô-se 3:10)
Một bá tước vô tín người Anh đến thăm quần đảo Fuji, nói với người tù trưởng già cách mai mỉa rằng: “Thật tội nghiệp cho ông, một tù trưởng đã để cho những giáo sĩ ngoại quốc lừa dối. Ngày nay, không còn ai tin Kinh Thánh nữa. Người ta rất chán nghe câu chuyện Chúa Giê-xu chết thay nhân loại trên thập tự giá rồi. Tôi thật tiếc cho các ông quá dại khi tiếp nhận câu chuyện của họ.” Vị tù trưởng điềm nhiên trả lời: “Thưa ông, nếu không nhờ những vị giáo sĩ nói về Chúa và tình thương của Chúa biến đổi chúng tôi từ tình trạng ăn thịt người đến danh phận làm con cái Đức Chúa Trời, chắc chắn chúng tôi đã ăn thịt ông rồi.”
Kinh nghiệm đổi mới cuộc đời là một kinh nghiệm không dễ dàng đối với người theo Chúa. Từ bỏ nếp sống tội lỗi để sống đời sống thánh khiết khó vô cùng, khó thể thực hiện, vì từ lúc ban đầu “con người đã phạm tội, thiếu mất sự vinh quang của Đức Chúa Trời”. Lời Thánh Kinh xác quyết: “Người Ê-thi-ô-bi có thể đổi được da mình, hay là con beo đổi được vằn nó chăng? Nếu được thì các ngươi là kẻ làm dữ đã quen rồi, sẽ làm lành được”. Con người không thể tự mình thay đổi được, nhưng một người được tái sinh vào trong Nước Trời thì có thể kinh nghiệm được sự đổi mới nhờ quyền năng Chúa Thánh Linh. Điều con người không làm được thì Đức Chúa Trời hoàn toàn có quyền biến nó thành hiện thực.
Sứ đồ Phao-lô khuyến cáo các tín hữu Cô-lô-se về lối sống bất khiết. Trong thế giới tôn giáo của Đông phương, Hy Lạp và La Mã, hiếm khi người ta nhắc đến sự thánh khiết cá nhân. Trong thế giới đó, một người có thể dâng của lễ trên bàn thờ, cầu kinh, khấn nguyện, nhưng ngay sau đó họ có thể phạm nhiều tội kinh khủng mà họ không hề bị cáo trách là sống mâu thuẫn. Đối với Cơ Đốc giáo thì không. Sự sống mới bên trong đòi hỏi Cơ Đốc nhân phải sống nhất quán với niềm tin của chúng ta nơi Đấng Cơ Đốc. Vì chúng ta đã chết với Đấng Cơ Đốc, chúng ta phải làm chết các chi thể của chúng ta nơi hạ giới. Phải thánh trong cách ăn nết ở và cương quyết không dính dấp hay tham dự vào những việc làm tội lỗi và bất khiết. Có người ví sự sống mới như đến nước khác, thay đổi quốc tịch, dùng hộ chiếu mới và tuân thủ những luật lệ mới. Nhưng ở đây, ông Phao-lô ví sánh sự sống mới như là lột bỏ áo nhớp và thay bằng áo mới tinh sạch. Hãy “lột bỏ người cũ cùng công việc nó, mà mặc lấy người mới” là mệnh lệnh cho những ai bước vào giao ước mới trong Đấng Cơ Đốc: Sống theo người mới. Bởi đức tin chúng ta kể mình đã sống lại với Chúa, thì bây giờ sống theo tư cách của người mới. Người mới là người được chọn của Chúa, người thánh và rất yêu dấu của Ngài. Một người như thế phải thương xót, nhân từ, khiêm nhường, mềm mại, nhịn nhục, tha thứ, yêu thương.
Chiếc áo bẩn ấy là chiếc áo “giận dữ, căm hờn, gian ác, nguyền rủa và nói tục”. Mặc mãi một chiếc áo dơ trong người, chúng ta có thấy khó chịu không? Nếu có một chiếc áo sạch, chúng ta có thích thay chiếc áo đó để mặc chiếc áo sạch không? Nếp sống của người ngoại đạo và nếp sống cũ của chúng ta chẳng khác gì một chiếc áo dơ bẩn, nếu chúng ta vẫn tiếp tục sống trong nếp sống ấy, chúng ta cũng chẳng khác gì người có chiếc áo dơ mà không muốn thay. Hình ảnh này sẽ nhắc nhở mỗi chúng ta nhớ đến lời dạy của Chúa để thay đổi lối sống của mình mỗi ngày. Về nguyên tắc, khi trở nên Cơ Đốc nhân, chúng ta đồng chết với Đấng Cơ Đốc, có nghĩa là chúng ta đoạn tuyệt với lối sống cũ và sống nếp sống mới của sự công chính, yêu thương và thánh sạch. Từ “chết” ở đây không đơn thuần có nghĩa là trừ diệt các việc làm tội lỗi hoặc kiểm soát chúng, mà là quét sạch chúng và dứt khoát với lối sống tội lỗi. Mục đích của đời sống chúng ta phải là: “Ngày càng hiểu biết và càng giống Chúa Cứu Thế.” Chúng ta không thể giống Chúa nếu không chịu từ bỏ nếp sống cũ.
Xin Chúa giúp chúng ta biết sẵn sàng vứt bỏ đời sống tội lỗi cũ để sống đời sống mới mà Chúa đã ban cho chúng ta.