10 Điều Quan Trọng Cần Biết Về Người Bạn Đời Trước Khi Kết Hôn

1492

Sau lễ đính hôn, mọi người thường có xu hướng tập trung vào lễ cưới: Sẽ tổ chức lễ cưới ở đâu? Tìm được đồ cưới chưa? Ai sẽ là dâu, rể phụ? Một danh sách dài được đưa ra, và dễ lắm những bản liệt kê cùng với chi tiết những việc cần làm sẽ khiến bạn không còn tập trung vào một bức tranh lớn hơn: là tương lai của hai bạn với nhau.

Đám cưới là một cột mốc quan trọng, nhưng có những điều quan trọng hơn bạn cần biết về bạn đời trước khi bắt đầu hành trình cuộc sống với nhau. Tư vấn tiền hôn nhân và các trao đổi chân thành về những đề tài quan trọng sẽ giúp bạn hiểu bạn đời ở một tầm mức sâu hơn, và giúp cả hai có cùng mục tiêu và giá trị đời sống.

1. Chia sẻ hành trình đức tin

Điều quan trọng là cần biết rõ con đường đã đưa hai bạn đến điểm mốc này trong đời sống đức tin của mỗi người. Hai bạn được lớn lên trong Hội Thánh từ nhỏ hay chỉ mới tin Chúa sau này? Điều gì đã khiến việc này xảy ra? Những câu hỏi nào khiến hai bạn tranh chiến nhiều trong tâm trí? Những chủ đề nào hai bạn tin quyết nhất?

Nếu có những vấn đề liên quan đến Hội Thánh khiến bạn quan tâm nhiều, thì bạn cũng cần biết quan điểm của người bạn đời về những điều đó. Nếu người đó có quan điểm khác với bạn, hãy tìm hiểu nguyên nhân thay vì xét đoán. Hãy để hôn nhân của bạn là nơi an toàn để có thể đối thoại thật lòng và chín chắn.

2. Học cách bày tỏ và đón nhận tình yêu của bạn đời

Quyển 5 Ngôn Ngữ Tình Yêu của Mục sư Gary Chapman, một trong những cuốn sách được xếp vào loại bán chạy nhất, là công cụ hữu ích để tìm biết cách bạn đời (và cả bạn!) bày tỏ và đón nhận tình yêu. Chapman đã đưa ra 5 loại ngôn ngữ tình yêu: lời khẳng định, cử chỉ âu yếm, hành động phục vụ, thời gian chất lượng, và tặng quà cho nhau.

Nếu bạn đời cảm thấy được yêu khi nghe những ngôn từ yêu thương (như “Anh yêu em”, “Em tự hào về anh”), nhưng bạn lại tìm mua những thứ hữu hình cho anh ấy, thì những quà tặng đó sẽ chẳng thể chuyển tải hết tình yêu bạn muốn dành cho anh ấy như điều bạn muốn. Theo Chapman, để cảm nhận tình yêu trọn vẹn, mỗi chúng ta đều cần bạn đời bày tỏ tình yêu theo ngôn ngữ tình yêu mà mình muốn. Khi hiểu được nhu cầu của bạn đời trước khi bước vào hôn nhân, bạn sẽ trở nên chủ động và có chủ đích hơn trong mọi việc.

3. Thảo luận về những mối quan hệ quá khứ

Đừng ngại khi quay lại quá khứ, thảo luận và học hỏi từ những mối quan hệ quá khứ không đồng nghĩa với việc sống trong quá khứ. Cùng ngẫm suy lại điều gì đó không hiệu quả trong mối quan hệ trước đây có thể giúp bạn và bạn đời né tránh được những vấp ngã tương tự. Truyền thông, tin cậy và thân mật trong cảm xúc có thể là những chủ đề cần được đề cập.

Ngẫm nghĩ lại những mối quan hệ trong quá khứ cũng có thể khẳng định điều nào là đúng trong mối quan hệ hiện tại của bạn, và phục hồi sự trân quý đối với bạn đời hiện tại của mình. Cùng chia sẻ với nhau những chuyện xé lòng hay bị từ chối của đời mình cũng sẽ cần đến sự cởi mở và sẵn lòng chịu thương tổn để xây dựng sự gần gũi và tin cậy.

4. Hiểu những mong đợi của người bạn đời về vai trò chồng vợ

Đừng dựa vào những giả định riêng, nhưng hãy cởi mở chia sẻ cách nhìn của bạn về việc phân chia trách nhiệm trong vấn đề việc nhà và nuôi dạy con cái. Các bạn nữ có muốn là những bà mẹ ở nhà lo cho con cái hay sẽ thuê người giúp việc? Các bạn nam có muốn giữ vai trò trụ cột nuôi sống gia đình để vợ có thể yên tâm ở nhà không? Nếu cả hai cùng đi làm, các bạn sẽ chia sẻ trách nhiệm gánh vác gia đình với nhau thế nào?

Một số cặp đôi có những trông đợi truyền thống, những người khác thường chia sẻ trách nhiệm với nhau dựa trên khả năng và sở thích. Tôi biết một số ông chồng đảm nhận chính việc nấu nướng cho gia đình vì họ thích nấu ăn và cũng có năng khiếu trong việc đó.

Trong hôn nhân truyền thống, đàn ông là chủ gia đình. Cô-lô-se 3:18 nói, “Hỡi người làm vợ, hãy vâng phục chồng mình, y như điều đó theo Chúa đáng phải nên vậy.” Bạn có muốn chồng là người đưa ra quyết định cuối cùng hay cả hai cùng thảo luận và đưa ra quyết định? Hãy thảo luận với nhau về cách bạn hiểu câu Kinh thánh này.

5. Thảo luận kế hoạch xây dựng gia đình

Nếu bạn muốn có con, hãy chắc chắn rằng bạn đời của mình cũng muốn như vậy. Đừng cưới ai đó mà hy vọng rằng sau này người đó sẽ thay đổi ý định. Nếu bạn muốn có con, hãy thảo luận với nhau về biện pháp tránh thai. Đức Chúa Trời phán, “Hãy sanh sản thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất.” (Sáng Thế Ký 1:28) Có phải điều này có nghĩa rằng bạn nên có con càng nhiều càng tốt, hay bạn tin vào việc sử dụng phương pháp tránh thai hiện đại và lên kế hoạch về số lượng thành viên muốn có trong gia đình? Số con cái lý tưởng của bạn là bao nhiêu?

Nếu bạn gặp vấn đề vô sinh, bạn có cởi mở đủ đối với việc nhận con nuôi hay thụ tinh trong ống nghiệm không? Con cái là trách nhiệm lớn, là sự trả giá nhưng cũng là niềm vui. Hãy đảm bảo rằng cả hai có đồng quan điểm để cùng đứng lên đối đầu với thách thức trong vai trò là cha mẹ với đầy sự tin quyết và tình yêu.

“Vì Ta biết ý tưởng (chương trình) Ta nghĩ đối cùng các ngươi, là ý tưởng (chương trình) bình an, không phải tai họa, để cho các ngươi được sự trông cậy trong lúc cuối cùng của mình.” (Giê-rê-mi 29:11)

6. Tìm hiểu cách bạn đời được nuôi dạy

Chúng ta nhìn thế giới qua lăng kính của những trải nghiệm cá nhân. Môi trường và các mối quan hệ giao tiếp hình thành cách chúng ta nhìn và đáp ứng với những tình huống khác nhau, cũng như cách chúng ta nghĩ thế nào là “bình thường”. Bạn đời của bạn được trưởng dưỡng ở đâu? Mỗi người được trưởng dưỡng ở một môi trường khác nhau và điều này cũng ảnh hưởng rất nhiều đến cách người đó nhìn thế giới chung quanh.

Ai là người đã nuôi dạy người bạn đời của bạn? Là cha/mẹ đơn thân hay cả cha lẫn mẹ? Những xung đột trong gia đình của người bạn đời được giải quyết thế nào? Họ có mắng nhiếc nhau hay lẳng lặng nhốt mình trong phòng nhưng lòng thì sục sôi? Hay họ cùng ngồi xuống và giải quyết vấn đề với nhau? Họ có được dạy phải nói ra cảm xúc với nhau hay cứ để cho mọi chuyện tự trôi đi?

Có thể sự thiếu tự tin của bạn đời có liên hệ đến tuổi thơ của người đó, hay có thể người đó dễ bị buồn bực bởi điều gì đó liên quan đến quá khứ. Việc suy xét những việc thế này có vai trò quan trọng trong việc tìm biết điều nào có thể khiến chúng ta phản ứng như thế. Một khi bạn hiểu rõ điều này, hãy chia sẻ cho người bạn đời kiến thức vô giá đó.

7. Tìm hiểu điểm mạnh và yếu của người bạn đời

Hãy so sánh phẩm tính của bạn và bạn đời để xem điểm mạnh và yếu của hai người có thể được cân đối và bổ sung cho nhau thế nào. Nếu bạn đời là người hay quên trả tiền các hóa đơn đúng hạn, thì việc quản lý các hóa đơn sẽ là một trong những việc bạn phải đảm nhiệm. Đừng chỉ trích người bạn đời chỉ vì những khác biệt mà bạn thấy như là sự thiếu sót của người đó, nhưng thay vào đó, hãy tìm cách hỗ trợ và giúp nhau thành công. Gail Roggers nhắc rằng điểm yếu nhất của chúng ta thường là điểm mạnh nhưng bị mất cân đối. Người nhạy bén có thể cần được nhắc nhớ rằng không phải mọi việc đều cần sự hoàn hảo và một điều cũng quan trọng đó là hãy tìm cách thư giãn nữa. Hãy khích lệ và giúp nhau sử dụng ân tứ Chúa ban. “Hai người hơn một, vì họ sẽ được công giá tốt về công việc mình.” (Truyền Đạo 4:9)

8. Tìm hiểu tình hình tài chính của bạn đời

Bạn cần quan tâm đến vấn đề nợ nần của bạn đời, những thói quen chi tiêu và những mục tiêu tài chính của người đó. Dam Ransey khuyên các cặp đôi hãy “đặt tất cả những món nợ trên bàn. Hãy công khai, đừng bí mật.” Tiền bạc là đề tài tế nhị và người ta thường thấy ngại khi đề cập đến nó. Nhưng hai bạn cần thảo luận với nhau về vấn đề này.

Nếu bạn đời đang mắc nợ, người đó có lên kế hoạch trả nợ không? Ai trong hai bạn hiện đang sử dụng ngân quỹ của mình? Bạn dâng cho Hội Thánh bao nhiêu? Cách chúng ta tiêu tiền cho thấy thứ tự ưu tiên của mình, vì thế hãy sẵn lòng xem lại những chọn lựa trong quá khứ và lên kế hoạch cho tương lai với nhau.

9. Tìm hiểu cách truyền thông của bạn đời

Người bạn đời không thể đọc suy nghĩ của bạn. Bạn cần truyền đạt điều mình cần và muốn, và có lẽ điều này cần đến sự cởi mở, sẵn lòng chịu thương tổn. Nếu bạn cần giúp việc nhà, muốn được gần gũi hơn, hay thậm chí muốn ở riêng một mình, thì việc tỏ bày nhu cầu của chính mình sẽ giúp người bạn đời có đáp ứng phù hợp. Đừng dựa vào ngôn ngữ cơ thể hay “những tín hiệu nào đó” vì điều này có thể đưa đến sự bực tức nếu bạn đời không nhận ra thông điệp của bạn.

“Hãy nói thật với kẻ lân cận mình, vì chúng ta làm chi thể cho nhau.” (Ê-phê-sô 4:25)

Nếu bạn và bạn đời có mâu thuẫn với nhau, “Chớ căm giận cho đến khi mặt trời lặn” và “…chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em, nhưng khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến.” (Ê-phê-sô 4:26-29)

10. Cần hiểu rằng bạn đời của bạn cũng cần thời gian riêng tư

“Hai trở nên một” không có nghĩa rằng hai bạn sẽ phải làm mọi thứ với nhau. Những mối quan hệ lành mạnh đều cần sự cân đối giữa thời gian với nhau, với người khác và với chỉ riêng mình. Chẳng hạn như nếu bạn đời muốn có một buổi tối chơi cờ với bạn bè, thì điều này không có nghĩa rằng bạn đời tôn trọng bạn bè hơn bạn. Người ấy chỉ cần thời gian với bạn bè, và bạn cũng vậy! Hãy cho bạn đời không gian để thở và thời gian của hai bạn với nhau sẽ trở nên có giá trị hơn. “Hãy lấy lẽ kính nhường nhau.” (Rô-ma 12:10)

Hãy nhớ rằng mọi người đều tăng trưởng và thay đổi, vì thế những câu trả lời của người bạn đời cho vài câu hỏi bên trên hôm nay có thể khác so với câu trả lời trong năm tới hay 10 năm nữa. Hãy thỏa thuận với nhau quay lại những chủ đề quan trọng để cùng cởi mở và thành thật với nhau. Hãy cầu nguyện xin Chúa ban sự thông hiểu và năng lực để cả hai sẵn sàng chịu thương tổn khi cùng cởi mở với nhau. Khi có Chúa là trung tâm trong mối quan hệ của hai bạn với nhau, thì không điều gì là không thể!

“Lại nếu kẻ ở một mình bị người khác thắng, thì hai người có thể chống cự nó; một sợi dây bện ba lấy làm khó đứt.” (Truyền Đạo 4:12)

Tác giả: Maria Cheshire

Thảo Anh dịch (Nguồn: Crosswalk.com)