Những Giá Trị Nền Tảng Của Gia Đình Cơ Đốc

277

“Ba là cây nến vàng, mẹ là cây nến xanh,
Con là cây nến hồng, ba ngọn nến lung linh.
Lung linh lung linh, tình mẹ tình cha
Lung linh lung linh, cùng một mái nhà
Lung linh lung linh, cùng buồn cùng vui
Lung linh lung linh, hai tiếng gia đình!”

Đó là những ca từ dễ thương của bài hát được nhiều người yêu thích “Ba ngọn nến lung linh” của Ngọc Lễ, một bài hát hiếm thấy trong dòng nhạc hiện đại ở Việt Nam ca ngợi tình yêu gia đình. Tình yêu gia đình là một tình cảm quý báu, đáng trân quí bởi vì “Gia đình là nơi cuộc sống bắt đầu và tình yêu không bao giờ kết thúc” như một tác giả đã nhận định. Tuy nhiên, có lẽ mọi người không ai biết rõ nguồn gốc của hôn nhân gia đình, ai đã thiết lập hôn nhân gia đình. Có thể nói không có nền văn hóa nào, tôn giáo cho chúng ta biết rõ nguồn gốc, ý nghĩa hôn nhân gia đình ngoài trừ Kinh Thánh của Cơ Đốc giáo. Sách Sáng Thế Ký chương 2 cho biết chúng ta biết rõ rằng Đức Chúa Trời là Đấng thiết lập hôn nhân, gia đình đầu tiên để qua đó ban phước cho nhân loại.

Ngày Trung Tráng niên Tin Lành hay có thể gọi là “ngày gia đình Cơ Đốc” là cơ hội để chúng ta cùng nhau học về vấn đề “Những giá trị nền tảng của gia đình Cơ Đốc”.

I/ TẠI SAO CHÚNG TA PHẢI QUAN TÂM XÂY DỰNG MỘT GIA ĐÌNH CƠ ĐỐC VỮNG MẠNH?

  1. Gia đình Cơ Đốc trong xã hội hiện đại đang đối diện với nhiều nan đề, thách thức

• Giá trị đạo đức tốt đẹp về hôn nhân, gia đình đã bị đảo lộn, phá đổ.

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà hôn nhân, gia đình bị khủng hoảng trầm trọng. Những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp bị đảo lộn, phá đổ: Người ta coi thường sự trinh tiết, chủ trương sống thử trước khi kết hôn; ngoại tình không còn bị coi là tội ở Ấn Độ, đó là chưa kể đến chuyện “hôn nhân đồng tính” quái gở, chủ trương không cần hôn nhân, kết hôn…

• Tỉ lệ ly hôn, gia đình đổ vỡ, con cái hư hỏng ngày càng gia tăng

Ở Mỹ, cứ hai cặp kết hôn thì đã có một cặp ly hôn. Ở Việt Nam tỉ lệ hôn cũng gia tăng đến mức báo động. Theo thống kê năm 2020 của Gs Nguyễn Minh Hòa

– ĐH KHXH&NV thì tỉ lệ ly hôn ở nước ta hiện nay là 31,4%.

  1. Trách nhiệm xây dựng và bảo vệ gia đình Cơ Đốc của chúng ta

Đa-vít là vị vua tin kính đã từng trăn trở trong thời của mình “Nếu các nền bị phá đổ, Người công bình sẽ làm sao?” (Thi 11:3). Chúng ta hôm nay cũng đang sống trong một thời đại mà mọi nền tảng tâm linh, đạo đức của gia đình, xã hội bị bào mòn, phá đổ, khiến chúng ta không khỏi lo lắng, trăn trở. Là những người công chính, chúng ta không thể khoanh tay ngồi nhìn mà phải tích cực xây dựng lại để bảo tồn và phát huy gia đình Cơ Đốc.

  1. Gia đình là nền tảng căn bản của xã hội và Hội Thánh
    Ma quỉ đang tìm cách tấn công gia đình Cơ Đốc, tấn công Hội Thánh để phá hủy. Gia đình vững mạnh thì Hội Thánh sẽ vững mạnh và phát triển. Vì thế đã đến lúc chúng ta phải tích cực xây dựng gia đình Cơ Đốc cho thật vững mạnh.

II/ XÂY DỰNG GIA ĐÌNH CƠ ĐỐC VỮNG MẠNH TRÊN NHỮNG GIÁ TRỊ NỀN TẢNG NÀO?
Trong thời gian học Lời Chúa tại trường Trinity Theological College – Singapore, tôi tình cờ gặp được một tập sách nhỏ có tựa đề “Family Values” (Những giá trị gia đình) do Bộ Phát triển Cộng đồng và Thể thao (Ministry of Community Development and Sports) của Singapore phát hành, tôi ngạc nhiên thích thú và thầm khen ngợi chính phủ Singapore biết quan tâm đến giáo dục gia đình. Trong tập sách nhỏ này, tác giả đã nêu ra năm giá trị cốt lõi của gia đình mà chính phủ Singapore muốn công dân nước họ phải hướng đến, đó là:

(1) Tình yêu, sự chăm sóc và quan tâm (Love, Care and Concerns)
(2) Tôn trọng nhau (Mutual Respect)
(3) Trách nhiệm hiếu kính (Filial Responsibility)
(4) Sự cam kết (Commitment) và
(5) Truyền thông (Communication).

Khi đọc tập sách này, tôi liên tưởng đến những giá trị mà Cơ Đốc nhân phải xây dựng. Chúng ta phải xây dựng gia đình Cơ Đốc trên những giá trị nền tảng nào? Dường như chúng ta chưa thống nhất để đưa ra những giá trị cụ thể. Vì thế, dựa vào sự dạy dỗ của Kinh Thánh, tôi xin đề nghị “Bảy giá trị nền tảng của gia đình Cơ Đốc” sau đây:

  1. Hết lòng kính mến và thờ phượng một Đức Chúa Trời Ba ngôi (Phục 6:4-5)
    “Hỡi Y-sơ-ra-ên! Hãy nghe: Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta là Giê-hô-va có một không hai. Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi.”

Tại sao đây là giá trị nền tảng đầu tiên? Bởi vì Đức Chúa Trời là Đấng thiết lập hôn nhân, Ngài phải là chủ của hôn nhân & gia đình bạn. Ngài thành phần thứ ba trong giao ước hôn nhân. Một nhà tư vấn Cơ Đốc đã nói rất đúng rằng:

“Có ba nguyên nhân khiến hôn nhân gặp nan đề: bước vào hôn nhân mà không biết hôn nhân là gì; bước vào hôn nhân mà không biết vai trò của người chồng là gì, của người vợ là gì; và bước hôn nhân mà loại trừ Đức Chúa Trời ra khỏi hôn nhân nhân của mình”.

Cũng cần nhấn mạnh rằng Đức Chúa Trời của chúng ta là “Giê-hô-va có một không hai”, là Đức Chúa Trời toàn năng ba ngôi Cha, Con và Thánh Linh và Chúa Giê-xu là hiện thân của Đức Chúa Trời. Hiện nay trong vòng con dân Chúa cũng có những người không vững vàng trong đức tin, chối bỏ lẽ đạo Ba ngôi.

Đây là giá trị nền tảng không thể thiếu vì Đức Chúa Trời là nguồn phước của gia đình “Phước cho người nào kính sợ Đức Giê-hô-va, đi trong đường lối Ngài” (Thi 128:1) Thi thiên 128 là bài ca tuyệt vời về một gia đình Cơ Đốc lý tưởng, phước hạnh để chúng ta noi theo.

  1. Yêu mến và vâng giữ Lời Chúa là “Lời hằng sống của Đức Chúa Trời” (Giô-suê 1:8)
    “Quyển sách luật pháp nầy chớ xa miệng ngươi, hãy suy gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong; vì như vậy ngươi mới được may mắn trong con đường mình, và mới được phước.”

Kinh Thánh là quyển cẩm nang tuyệt vời về hôn nhân, gia đình. Chúa và Lời Chúa là một. Chúng ta không thể yêu mến Chúa mà xa rời lời Chúa. Lời Chúa là lương thực để nuôi linh hồn chúng ta, vì thể chúng ta phải nuôi mình bằng Chúa mỗi ngày qua việc đọc, suy ngẫm và cẩn thận làm theo như Giô-suê 1:8 dạy. Chính Chúa Giê-xu cũng nhắc nhở chúng ta trong Mat 4:4 rằng “Người ta sống chẳng phải nhờ bánh mà thôi, mà còn nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời”.

Kinh Thánh cũng là quyển cẩm nang về hôn nhân gia đình Cơ Đốc. Có thể nói không có sự dạy dỗ nào về hôn nhân nhân gia đình khôn ngoan và sâu sắc cho bằng Kinh Thánh. Nó là bí quyết của gia đình hạnh phúc vì nó xuất phát từ Đức Chúa Trời khôn ngoan, là Đấng đã thiết lập hôn nhân cho nhân loại.

  1. Phục vụ Chúa và tha nhân (Phục truyền 6:13)
    “Ngươi phải kính sợ Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, phục sự Ngài, và lấy danh Ngài mà thề.”
    Cơ Đốc nhân không chỉ yêu mến, kính sợ Chúa mà còn hết lòng phục vụ Ngài nữa và gia đình Cơ Đốc cũng là gia đình phục vụ Chúa như Giô-suê tuyên bố “Nhưng ta và nhà ta (gia đình) sẽ phục sự Đức Giê-hô-va.” (Giô 24:15b)
    Vì thế cha mẹ phải dạy dỗ con cháu mình biết phục vụ Chúa và tha nhân, “yêu thương người lân cận như mình” để làm vinh hiển danh Chúa.
  2. Yêu thương quan tâm, chăm sóc lẫn nhau (Tình yêu gia đình) (1Tim 5:8)
    “Ví bằng có ai không săn sóc đến bà con mình, nhứt là không săn sóc đến người nhà mình, ấy là người chối bỏ đức tin, lại xấu hơn người không tin nữa.”
    Gia đình Cơ Đốc phải là mái ấm của tình yêu và hạnh phúc. Cơ Đốc giáo của tôn giáo của tình yêu, vì thế con dân Chúa trước hết phải thể hiện tình yêu trong gia đình như nhạc sĩ Ngọc Lễ đã diễn tả “Lung linh lung linh, tình mẹ tình cha; Lung linh lung linh, cùng một mái nhà; Lung linh lung linh, cùng buồn cùng vui; Lung linh lung linh, hai tiếng gia đình”. Thật vậy, Chúa thiết lập hôn nhân gia đình là để chúng ta hưởng hạnh phúc trong tình yêu giữa vợ chồng, cha mẹ con cái. Có thể nói nếu có nơi nào đầm ấm yêu thương hòa thuận nhất trên trần gian này thì nơi đó phải là gia đình.

Thiết tưởng 1 Tim 5:8 là câu Kinh Thánh lên án mạnh mẽ nhất đối với những ai thiếu trách nhiệm gia đình và không có tình yêu gia đình.

  1. Trách nhiệm Hiếu kính cha mẹ (Xuất 20:12)
    “Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được sống lâu trên đất mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho.”
    “Nhưng nếu bà góa có con hoặc cháu, thì con cháu trước phải học làm điều thảo đối với nhà riêng mình và báo đáp cha mẹ; vì điều đó đẹp lòng Đức Chúa Trời.” (1Tim 5:4)

Có một sự hiểu lầm đáng tiếc trong vòng người Việt cho rằng người tin Chúa là bất hiếu vì không thờ cúng ông bà, cha mẹ đã quá cố. Thật ra, hiếu kính không phải chỉ là cúng giỗ khi qua đời, mà điều quan trọng là chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ lúc con sống. Cơ Đốc giáo thật ra coi trọng chữ hiếu hơn các tôn giáo khác, vì hiếu kính được coi là điều răn thứ nhất trong các bổn phận đối với con người (Êph 6:2). Gia đình Cơ Đốc là gia đình coi trọng trách nhiệm hiếu kính như lời Chúa dạy.

  1. Hôn nhân là giao ước trọn đời (Mat 19:16)
    “Thế thì, vợ chồng không phải là hai nữa, nhưng một thịt mà thôi. Vậy, loài người không nên phân rẽ những kẻ mà Đức Chúa Trời đã phối hiệp!”
  • Hôn nhân Cơ Đốc là cam kết thiêng liêng trước mặt Chúa.
    Chúa thiết lập hôn nhân với giao ước ba bên: chồng, vợ và Đức Chúa Trời. Đó là giao trước thiêng liêng, trọn đời trước mặt Chúa nên không thể hủy bỏ trừ ra sự chết. Đó là khác biệt quan trọng giữa hôn nhân Cơ Đốc và hôn nhân ngoài đời.
  • Chung thủy trong tình yêu, không phạm tội ngoại tình, không ly dị.
    Cam kết quan trọng trong hôn nhân Cơ Đốc là sự chung thủy sắt son, vì thế con dân Chúa không được phạm tội ngoại tình, không được ly dị. Kinh Thánh dạy
    “Mọi người phải kính trọng sự hôn nhân, chốn khuê phòng chớ có ô uế, vì Đức Chúa Trời sẽ đoán phạt kẻ dâm dục (giam dâm) cùng kẻ phạm tội ngoại tình.” (Hê 13:4)

Điều đáng tiếc là không ít con dân Chúa ngày nay đã phạm tội ngoại tình, ly dị và làm cho Chúa buồn lòng! Chính Chúa Giê-xu đã nhắc lại mạng lịnh này trong Mat 19:6 ở trên.

  1. Truyền thông tốt trong gia đình (Êph 4:29)
    “Chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em; nhưng khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến.”
  • Những xung đột trong hôn nhân, gia đình thường nguồn từ lời nói, truyền thông.
    Tình yêu gia đình phải thể hiện qua lời nói, đối thoại trong gia đình giữa vợ chồng, cha mẹ, con cái với nhau như lời Chúa dạy. Có thể nói không có quyển sách nào dạy về lời nói, truyền thông tuyệt vời như Kinh Thánh: “Lời đáp êm nhẹ làm nguôi cơn giận;

Còn lời xẳng xớm trêu thạnh nộ thêm.(Châm 15:1) Lưỡi hiền lành giống như một cây sự sống; Song lưỡi gian tà làm cho hư nát tâm thần” (Châm 15:4)
Cả Cựu ước lẫn Tân ước đều quan tâm dạy dỗ về việc sử dụng lời nói để không gây vấp phạm, tổn thương nhau; nếu con cái Chúa thực hành lời Chúa dạy thì sự truyền thông, giao tiếp sẽ rất tốt trong gia đình, khiến gia đình hòa thuận êm ấm.

KẾT LUẬN

Sống trong một thế giới mà mọi giá trị tốt đẹp bị đảo lộn, Cơ Đốc nhân chúng ta có trách nhiệm bảo tồn và phát huy những giá trị nền tảng của gia đình Cơ Đốc để lưu truyền di sản đức tin cho con cháu.

Cầu xin Chúa giúp đỡ để chúng ta xây dựng gia đình Cơ Đốc vững mạnh dựa trên bảy giá trị nền tảng đó, chắc chắn gia đình chúng ta sẽ hạnh phúc và danh Chúa được vinh hiến. Amen!

Trịnh Phan