Trang chủ Blog Trang 15

Thánh Kinh Hè 2023

Thánh Kinh Hè 2023.

Với chủ đề “Lựa Chọn” Các em thiếu nhi được học 5C: Chọn Đường Ngay Nẻo Chính, Chọn Đi Đường Hẹp, Chọn Từ Bỏ Tội Lỗi, Chọn Chiếu Sáng, Chọn Tỉnh Thức, giúp các em quyết định lựa chọn con đường sống, Con đường yêu mến Đức Chúa Trời, vâng theo tiếng phán Ngài và gắn bó với Ngài. Quyết định đi trong con đường sống là lựa chọn đúng đắn, nhờ đó có thể tiếp tục sống với lựa chọn khi đối diện với cám dỗ, với áp lực và với tham muốn của bản thân để hưởng được phước hạnh như câu gốc chủ đề Thánh Kinh Hè năm nay được chép trong Phục-truyền luật lệ ký 30:19b: ” Vậy, hãy chọn sự sống, cho cho ngươi và dòng dõi ngươi được sống”.

5 Lời Cầu Nguyện Đầy Năng Quyền Của Người Vợ Dành Cho Chồng

Là một người vợ, việc ngợi khen Đức Chúa Trời và cầu nguyện cho chồng chắc chắn là công việc đáng được ban thưởng. Với 5 lời cầu nguyện cho chồng đầy năng quyền sau, bạn đang trang bị cho hôn nhân bạn bằng Lời Đức Chúa Trời và đang đầu tư cho vai lãnh đạo thuộc linh của người chồng trong gia đình.

1. CẦU NGUYỆN CHO CHỒNG CHỈ THOẢ MÃN VỚI MỘT MÌNH CHÚA THÔI

Con ngợi khen Ngài, là Đức Chúa Trời của mọi sự khôn ngoan cho tất cả những người chồng. Cám ơn Đức Chúa Trời vì Ngài biết mọi ước muốn từ lòng chồng con hơn là con. Ngài biết anh ấy khao khát những gì… Ngài cũng biết những khao khát nầy đã ảnh hưởng trên mọi quyết định của anh ấy và những quyết định đó cũng ảnh hưởng trên hôn nhân của chúng con như thế nào.

Ngài là Đấng làm thoả mãn linh hồn chúng con bằng những điều tốt lành. Con xin dâng tấm lòng và linh hồn chồng con trong tay Cha. Con xin Ngài làm thoả mãn chàng bằng những gì tốt lành mà Ngài biết chàng đang cần (Thi Thiên 107:9; Ma-thi-ơ 6:8)

Thế gian đã đem đến cho anh ấy những thoả mãn tạm thời. Nhiều cám dỗ vây quanh anh ấy nhưng Ngài là cái khiên và là Đấng bảo vệ anh ấy. Cầu xin Ngài huấn luyện anh ấy biết chống cự lại ma quỉ (Thi Thiên 28:7; 59:9; Gia-cơ 4:7).

Con chúc tụng ngợi khen sự chiến thắng của Ngài trên những âm mưu, chiến lược của Sa-tan nhằm gài bẫy trong lòng chồng con. Ngài là Giê-hô-va Chữa lành cho chồng con. Ngài là Đấng phục hồi linh hồn cho anh ấy. Nguyền xin hương thơm của tình yêu đời đời và sự nhân từ của Ngài đụng chạm khiến lòng chàng tan vỡ. (Sáng Thế Ký 50:20; Xuất 15:26; Thi Thiên 23; Giê-rê-mi 17:14).

Ngài đã đồng đi cùng Sa-đơ-rắc, Mê-sác và A-bết-nê-gô trong lò lửa hực và khi các bạn ấy bước ra không hề bị hại, ngay cả mùi khói cũng không có trên người họ. Xin sự can đảm của họ truyền vào chồng con để anh ấy chỉ kính sợ một mình Ngài mà thôi. Con xin Ngài ban cho anh ấy sự yên nghỉ và thoả lòng trong khi Ngài bảo vệ anh ấy khỏi những tai hoạ. (Đa-ni-ên 3:8-30; Châm Ngôn 19:23).

2. CẦU NGUYỆN CHO CHỒNG TRỞ NÊN NGƯỜI YÊU MẾN LỜI CHÚA

Lạy Cha, Lời Ngài quá tuyệt vời cho con. Thế gian đang tìm kiếm những giải pháp tương lai cho nan đề của họ. Ngài luôn ban giải pháp cho mọi nan đề qua Lời Ngài. Ngài ban Lời để giải cứu – nuôi dưỡng và khai sáng chúng con. Cầu xin Chúa ban cho chồng con được no đầy Lời Ngài và được thoả lòng vô biên. (Thi Thiên 107:20; Châm Ngôn 3:8; Thi Thiên 119:24,103).

Nhờ Lời Ngài là Nguồn khôn ngoan cho anh ấy, con sẽ được an ninh dưới sự lãnh đạo của chàng trong gia đình. Con tin Lời Ngài khiến chàng đầy sự khôn ngoan sáng có cần cho mối quan hệ giữa chúng con với nhau, trong công việc hàng ngày của chàng và trong mọi sự. (Ê-phê-sô 1:8-17; Gia cơ 1:5).

Lời Ngài sẽ kết hợp tấm lòng chàng với lòng Ngài. Chồng con sẽ hiệp một với Ngài và dẫn dắt con trong sự hiệp một với chàng. Đường lối Ngài trở nên đường lối của chàng. Sự thành tín của Ngài đối với con sẽ trở nên sự thành tín của chàng đối với con. (I Cô-rinh-tô 6:17; Mác 10:8; Ga-la-ti 5:23)

Con cầu xin Ngài đem đến cho chồng con những người cùng làm việc đáng tin cậy, đầy đức tin, dạn dĩ và can đảm. Xin cho họ là những người không nương dựa vào sự hiểu biết riêng của mình nhưng luôn nhận biết Ngài và Lời Ngài (Thi Thiên 119:63; Châm Ngôn 28:1; 3:5-6).

3. CẦU NGUYỆN CHO SỰ KHIÊM NHƯỜNG VÀ CAN ĐẢM CỦA CHỒNG

Cám ơn Cha vì món quà Chúa Giê-xu và gương khiêm nhường hoàn hảo của Ngài. Chúa Giê-xu đã bày tỏ tình yêu Ngài cho chúng ta bằng sự khiêm nhường vĩ đại và sự vâng phục. Ngài đã từ bỏ sự an toàn nơi thiên đàng để cứu chúng con. Ngài đã chọn trải nghiệm với cám dỗ, sự sỉ nhục, bị chối bỏ và ngay cả sự chết. Ngài coi trọng nhu cầu của chúng con hơn những gì của Ngài.

Ngài đòi hỏi chồng con yêu con như Đấng Christ yêu Hội Thánh. Với tình yêu vĩ đại dành cho con, con cầu xin Ngài tác động trên chàng để chàng có thể làm được điều đó (Ê-phê-sô 5:25). Ngài biết anh ấy chịu bao áp lực để được thành công và mạnh mẽ. Ngài hiểu bao sợ hãi lẫn bất an trong anh ấy. Anh ấy cũng chỉ là một người tầm thường nhưng sẵn sàng chối bỏ những nhu cầu riêng để sống cho Ngài. Con không muốn nhìn thấy anh ấy tự huỷ bản thân hay đổ vỡ trong hôn nhân chỉ vì sự kiêu ngạo của anh ấy (Châm Ngôn 18:12).

Con xin dâng chồng con lên Ngài là dòng sông sự sống, xin Ngài xức dầu cho chồng con với sự khiêm nhường siêu nhiên của Đấng Christ, và khi được điều nầy, anh ấy sẽ là người sẵn sàng của ân điển Ngài. Anh ấy sẽ khoe mình về những yếu đuối với Ngài và Ngài sẽ đáp ứng những nhu cần cho anh ấy bởi sức mạnh của Ngài (Thi Thiên 36:8; Gia-cơ 4:6; II Cô-rinh-tô 11:30, 12:9-10).

Ngài đã hứa rằng lòng khiêm nhường sẽ được ban thưởng bằng giàu có, tôn trọng và sự sống. Con muốn chồng con nhận được những phần thưởng nầy. Lạy Chúa, xin Ngài giúp chồng con từ bỏ những kiêu ngạo trong lòng hay sự khiêm nhường giả dối hầu anh ấy có thể vui hưởng sự sống của Chúa Giê-xu đã ban cho anh ấy (Châm Ngôn 22:4; Giăng 10:10).

4. SỰ NGỢI KHEN CHÚA LUÔN TRÊN MÔI MIỆNG ANH ẤY

Thưa Chúa, không ai so sánh được với Ngài được. Ngài thật xứng đáng với sự tập chú của chúng con vào Ngài (I Sa-mu-ên 2:2; Thi Thiên 16:8).
Xin ban cho chồng con mắt để thấy được Ngài là xứng đáng được ngợi khen hơn hết. Xin cho chàng kinh nghiệm sự cao cả và sức mạnh của Ngài. Xin cho chàng sống với sự chiến thắng vĩ đại mà uy quyền của Chúa Giê-xu đã tỏ ra trên mọi loài trên đất và cả lãnh vực thuộc linh (Thi Thiên 145:3; Ê-phê-sô 1:22).

Ngài ngự giữa sự ngợi khen của dân sự Ngài, con ước mong chồng con sẽ vui hưởng sự an toàn và quyền năng của sự hiện diện Ngài trong từng giây phút. Vì thế, thưa Cha, xin ban cho anh ấy món quà bất biến nầy. Xin Thần Linh Ngài tiếp tục ban cho chàng của lễ ngợi khen qua chàng hầu môi miệng chàng luôn nhận biết Danh Ngài (Thi Thiên 22:3; Phi-líp 2:10; Hê-bơ-rơ 13:15).

Xin dạy chàng biết ngợi khen Ngài trong những lúc thất bại. Xin huấn luyện chàng biết tôn ngợi Danh Ngài suốt thời gian gặp thử thách. Xin cho đức tin nơi Ngài trong chàng giúp chàng can đảm để bước vào vùng đất hứa cho dù những tên khổng lồ sợ hãi và nghi ngờ đang đe doạ chàng. Xin dùng tác giả Thi Thiên dạy dỗ chàng biết tôn ngợi sự thành tín của Ngài dù chàng đang có nhiều gánh nặng (I Cô-rinh-tô 15:57; II Sử Ký 20; Dân Số Ký 13-14; Thi Thiên 43:5).

5. LỜI CẦU NGUYỆN BIẾN ĐỔI BẢN THÂN TRONG VAI TRÒ NGƯỜI VỢ

Lời Chúa nói người vợ là món quà từ Ngài. Con muốn con là một người vợ hoàn hảo cho chồng con, là người luôn đem lại sự tôn trọng cho chàng (Châm Ngôn 18:22, 12:4).

Ngài biết mọi yếu đuối trong con và những yếu đuối nầy ảnh hưởng vai trò làm vợ của con thế nào. Xin Ngài dẫn dắt con, giúp con nhận ra được những bất khiết giấu kín trong ý muốn của con, những mong đợi trong con và con nên bày tỏ cảm xúc như thế nào. Con xin dâng lên Ngài những xấu xa nầy, xin Ngài chữa lành con, xin chỉ cho con biết con đang chú ý những gì làm hỏng mối quan hệ của con với chàng (II Cô-rinh-tô 12:9-10; Lu-ca 12:2; II Cô-rinh-tô 4:18; Ê-phê-sô 1:8,17).

Cầu xin quyền năng Lời Ngài biến đổi những động cơ trong con. Xin luôn giúp con trở nên người vợ luôn tôn trọng chồng bằng lời nói lẫn việc làm. Xin giúp con luôn dịu dàng, mềm mại, tử tế và khiêm nhường (Rô-ma 12:2; Ê-phê-sô 5:22-24; Cô-lô-se 3:12).

Con muốn trở nên một người vợ thoả lòng, không làm phiền chồng con vì những cuộc tranh cãi hay cau có, khó chịu. Xin giúp con tạo một bầu không khí bình an cho chồng con. Xin sử dụng con khích lệ anh ấy, chia sẻ những gánh nặng của anh ấy và phản ảnh tình yêu siêu việt của Ngài cho anh ấy Hê-bơ-rơ 13:5; Phi-líp 4:11-12; II Tê-sa-lô-ni-ca 3:16; I Tê-sa-lô-ni-ca 5:11; Ga-la-ti 6:2; Ê-phê-sô 3:18-19).
Xin linh hồn chúng con được no nê chỉ nơi một mình Ngài mà thôi (Thi Thiên 63:5)

Con cầu xin những điều nầy được hoàn thành trong Chúa Giê-xu và Thánh Linh Ngài hành động trong hôn nhân chúng con. Amen.

6. LỜI CẦU NGUYỆN KHI NGƯỜI CHỒNG NHƯ KẺ THÙ CỦA BẠN

Lạy Đức Chúa Trời, Ngài là người bênh vực và bảo vệ con, hôm nay con kêu khóc với Ngài vì chồng con giống như kẻ thù của con (Thi Thiên 59:1).
Con cảm thấy luôn bị chàng phản bội. Lời nói của chồng con như dao găm vào tim con, đó là người đã hứa yêu thương con. Đó là người đàn ông mà con hứa sẽ kính trọng. Làm thế nào bây giờ?

Anh ấy luôn đẩy con ra xa bởi giọng nói, cử chỉ, lời nói của anh ấy. Anh ta giết con bằng những lời chế nhạo, sỉ nhục, vu oan và lời dối trá. Ngày cũng như đêm anh ấy nói với con một cách khó chịu, còn những lúc khác anh ấy không nói một lời nào cả (Thi Thiên 59:7).

Ngài biết trong lòng lẫn bên ngoài của anh ấy (Thi Thiên 139:2-4). Ngài có uy quyền trên ma quỉ đang tìm cách chia rẽ chúng con (Phi líp 2:9-10).

Lạy Chúa, xin Ngài hãy trỗi dậy và giúp đỡ chúng con. Xin trỗi dậy để chống lại ma quỉ đang tấn công vào hôn nhân chúng con. Xin bảo vệ tấm lòng tan vỡ của chúng con tránh khỏi sự tấn công khó tin nầy (Thi Thiên 59:4; Châm Ngôn 30:5).

Lạy Chúa, con nổi giận với chàng khi sống trong tình trạng nầy. Làm thế nào điều này có thể xảy ra cho chúng con? Xin giúp chúng con đối phó với hoàn cảnh nầy mà không phạm tội với Ngài (Ê-phê-sô 4:26).

Con xin vâng lời Ngài, con sẽ tha thứ cho chồng con. Con chọn tha thứ vì con biết rằng con cũng là một tội nhân, con cần sự tha thứ của Ngài, con tin cậy vào Lời Ngài. Con công bố sự công chính sản sinh sự bình an và đời sống yên tịnh. Con thật sự mong ước sự bình an nầy. Lạy Chúa, xin Ngài giúp con luôn tha thứ cho chồng con và trung tín xưng tội với Ngài nữa (Ma-thi-ơ 6:15; Ê-sai 32:17; I Giăng 1:9)

Ngài là Đức Chúa Trời nhân từ, con nài xin Ngài nhân từ với chồng con. Ngài đã ban Chúa Giê-xu, chính dòng huyết hy sinh hoàn hảo của Ngài, con và chồng con đều nhận được. Chúng con thật sự không xứng đáng nhận được sự giúp đỡ nầy nhưng con thật sự biết ơn Ngài là dòng sông sự sống cho chúng con và là nguồn cội mọi nhu cầu cho chúng con (Rô-ma 3:25-26; Giăng 7:38; Ê-sai 55:1; Thi Thiên 73:26; Phi líp 4:19).

Xin giải cứu chồng con khỏi những bẫy dò của ma quỉ, anh ấy đã bị chôn sống trong tội lỗi, anh ấy bị cột trói trong đó và nó khiến anh ấy nghĩ con là kẻ thù của anh ấy (Ma-thi-ơ 6:13).

Nhưng kẻ thù của linh hồn anh ấy không thể so sánh được với Ngài. Nó không phải là toàn tri, toàn năng và toàn tại nhưng Ngài là Đấng đó! Nó không phải là Chúa của trời đất và mọi vật dưới đất nầy nhưng Ngài là Đấng đó. Nó là đứa gian ác và chạy trốn khi không ai đuổi bắt (Cô-lô-se 1:16-18; I Giăng 3:20; Châm Ngôn 15:3; Phi-líp 2:10; Châm Ngôn 28:1).

Ngài phán: “Mọi sự đã hoàn tất” và con tin Ngài. Ngài là ngọn cờ của Tình Yêu và Chiến Thắng trên mọi điều. Trong Danh Chúa Giê-xu. Con đặt chồng con và con dưới uy quyền của Ngài. Lạy Chúa, Nguyện xin Ý Ngài được nên trong hôn nhân chúng con (Giăng 19:30; Nhã ca 2:4; Thi Thiên 20:5; Ma-thi-ơ 6:10).

Con tin rằng Ngài đang chiến đấu cho chúng con trong lãnh vực thuộc linh nầy. Con tin rằng Ngài đang chuyển động cả trời và đất để cứu vãn chúng con khỏi những cám dỗ và những âm mưu phá huỷ hôn nhân chúng con, con xin chờ đợi Ngài và con tin Ngài. Xin giúp cho sự vô tín còn lại trong con (Xuất 14:14,15:3; Giăng 10:10; Mác 9:24).

Trong khi con chờ đợi, con sẽ hát ca ngợi sức mạnh vĩ đại toàn năng của Ngài. Con sẽ ca ngợi sự nhân từ và trìu mến của Ngài. Ngài là sự bảo vệ và đồn luỹ tối thượng của con. Ngài đã chiến thắng cho bao thế hệ tin cậy Ngài. Con mong sự chiến thắng đến với hôn nhân của chúng con vì cớ Ngài là nơi ẩn náu của con, con xin đặt lòng tin nơi Ngài (Thi Thiên 59:10; 100:5). Lòng con kêu lên: Chúa Giê-xu là Chúa trên hôn nhân con và chồng con (Rô-ma 10:9)

Jennifer O. White
Thanh Khiết dịch

(Nguồn:www.biblestudystools.com)

Phương Cách Vượt Qua Sự Lo Lắng Và Tìm Thấy Bình An

Tin tức trong thế giới sa ngã của chúng ta ngày nay có quá nhiều thứ khiến chúng ta phải lo lắng – từ vấn đề tội phạm, thảm họa kinh tế đến sự thiệt hại do bệnh tật và môi trường. Đời sống cá nhân bạn có lẽ cũng đầy những nan đề khiến bạn phải lo âu – chẳng hạn như việc phải lo cho tình trạng sức khỏe hiện tại, đối diện với cuộc sống hôn nhân đầy căng thẳng, hay bực bội khi cố tìm một công việc ổn định.

Nhưng dẫu hoàn cảnh bạn gặp phải có thách thức đến đâu, bạn cũng không cần lo lắng. Bạn có thể kinh nghiệm sự bình an trong mọi hoàn cảnh khi hết lòng nương cậy Chúa – là nguồn bình an thật – để được Ngài dẫn dắt.

Dưới đây là một số cách giúp bạn vượt qua sự lo lắng và tìm thấy bình an:

NHẬN THỨC TÁC HẠI CỦA LO LẮNG

“Lòng vui mừng vốn một phương thuốc hay; còn trí nao sờn làm xương cốt khô héo.” (Châm ngôn 17:22)

Nhận biết những ảnh hưởng tiêu cực của một đời sống lo lắng. Về thể chất, lo lắng có thể khiến sức khỏe bạn bị tổn hại bằng nhiều cách, chẳng hạn như nó có thể khiến huyết áp bạn tăng cao hay tác động tiêu cực đến giấc ngủ và sự tiêu hóa trong cơ thể bạn. Về tinh thần, lo lắng có thể lấn áp những suy nghĩ lành mạnh trong tâm trí bạn, khiến bạn bị cầm tù trong dòng chảy liên tục của sự bối rối và làm cho năng lực bạn bị giới hạn. Về thuộc linh, lo lắng có thể làm cho bạn xa cách Chúa bởi nó khiến bạn đi ngược lại với việc tin cậy Chúa, và cũng có thể cướp mất niềm vui mà Chúa muốn bạn trải nghiệm trong mối liên hệ với Ngài.

CỤ THỂ HÓA NHỮNG SUY NGHĨ CỦA MÌNH

“Rốt lại, hỡi anh em, phàm điều chi chân thật, điều chi đáng tôn, điều chi công bình, điều chi thanh sạch, điều chi đáng yêu chuộng, điều chi có tiếng tốt, điều chi có nhân đức đáng khen, thì anh em phải nghĩ đến.” (phi-líp 4:8)

Nói chung, những suy nghĩ lo lắng của bạn giống như một quái vật mà bạn tạo ra qua cách bạn nhìn nhận những sự việc diễn ra trong đời sống mình. Hãy cầu nguyện xin Chúa giúp bạn có cái nhìn chính xác về cuộc sống để nhận biết đâu là đúng, đâu là sai, đâu là thật và đâu là giả. Khi suy nghĩ lo lắng đến với tâm trí bạn, hãy tự hỏi xem nó có thật mang yếu tố khách quan không. Nên nhớ rằng bạn không phải người bất lực với những nỗi sợ của mình. Ngay cả khi nếu những điều tệ hại nhất mà bạn từng lo lắng xảy đến, bạn vẫn có thể đối diện với nó trong năng quyền mà Chúa ban cho bạn.

SỐNG TRONG HIỆN TẠI

“Vậy, chớ lo lắng chi về ngày mai; vì ngày mai sẽ lo về việc ngày mai. Sự khó nhọc ngày nào đủ cho ngày ấy.” (Ma-thi-ơ 6:34)

Lo lắng có thể sẽ gợi lên những ký ức căng thẳng trong quá khứ của bạn và khiến bạn lo nghĩ về điều có thể xảy đến trong tương lai. Nhưng Đức Chúa Trời muốn bạn sống trong hiện tại với lòng tin chắc rằng Ngài có thể giúp bạn sống tốt nhất mỗi ngày.

CHUYỂN SUY NGHĨ TIÊU CỰC THÀNH TÍCH CỰC

“Mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời.” (Rô-ma 8:28)

Đức Chúa Trời ban cho bạn quyền suy nghĩ tiêu cực lẫn tích cực. Hãy cầu nguyện xin Chúa giúp bạn loại bỏ suy nghĩ tiêu cực và giữ lại những gì tích cực trong đời sống. Hãy đổ đầy tâm trí với những chân lý tích cực trong Kinh thánh bằng việc thường xuyên đọc, nghiên cứu, thuộc lòng và áp dụng lời Chúa.

ĐƠN GIẢN HÓA ĐỜI SỐNG

“Vả, sự tin kính cùng sự thỏa lòng, ấy là một lợi lớn.” (I Ti-mô-thê 6:6)

Khi đời sống bạn có quá nhiều hoạt động, áp lực chạy theo chúng có thể khiến bạn thêm lo lắng. Hãy rà lại kế hoạch làm việc của mình để xem có thể cắt bỏ được gì nhằm giảm thiểu những áp lực và lo lắng không cần thiết. Xin Chúa ban cho bạn sự khôn ngoan để nhận biết điều cần thay đổi, hầu cho mọi việc bạn làm thật sự phản ánh các thứ tự ưu tiên, là những giá trị mà Chúa muốn bạn có trong đời sống. Tránh trì hoãn những việc bạn cần hoàn tất; thay vào đó, mỗi ngày hãy lập ra những mục tiêu hợp lý và gắng sức để đạt đến. Nếu có điều nào bạn muốn thực hiện nhưng lại không thể làm trọn, xin Chúa nhắc bạn nhớ về ân điển Ngài, để bạn bình an trong những gì đã nổ lực thực hiện.

NÊU TỪNG LO LẮNG KHI CẦU NGUYỆN

“Hãy trao mọi lo lắng mình cho Ngài vì Ngài hay săn sóc anh em.” (I Phi-e-rơ 5:7)

Khi lo lắng đến với tâm trí bạn, hãy thưa rõ từng điều với Chúa và xin Ngài giải quyết theo ý muốn Ngài. Hãy tin rằng Chúa sẽ can thiệp vào đời sống bạn và khiến mọi việc hoàn tất tốt đẹp khi bạn trao phó cho Ngài. Hãy nương cậy năng lực Chúa để thực hiện phần việc của mình trong tình huống bối rối đó dưới sự dẫn dắt của Ngài.

CHO PHÉP MÌNH THƯ GIÃN

“Hãy yên tịnh trước mặt Đức Giê-hô-va, và chờ đợi Ngài.” (Thi thiên 37:7a)

Hãy thường xuyên thư giãn cho dẫu hoàn cảnh bạn đang đối diện có ra sao. Sử dụng những phương pháp thư giãn như thở chậm và sâu, thư giãn cơ bắp, tách mình khỏi tiếng ồn và dành thời gian ngồi yên tĩnh. Tạo thói quen suy ngẫm điều tốt lành và tình yêu Chúa dành cho bạn, và để sự bình an Ngài chiếm ngự tâm hồn mình.

GIẢM THIỂU NỖI LO BẰNG CÁCH TẬP ĐỐI DIỆN DẦN VỚI NÓ

“Ngài tập tay tôi đánh giặc, Đến đỗi cánh tay tôi giương nổi cung đồng.” (Thi Thiên 18:34)

Giảm thiểu nỗi lo đến mức có thể kiểm soát được bằng cách thường xuyên thực hiện một ít việc nào đó liên quan đến nỗi sợ ấy. Dần hồi bạn sẽ khám phá ra rằng uy quyền của Chúa trong bạn lớn hơn nhiều so với nỗi lo của bạn.

CHỊU TRÁCH NHIỆM VỀ SỨC KHỎE CỦA MÌNH

“Anh em há chẳng biết rằng thân thể mình là đền thờ của Đức Thánh Linh đang ngự trong anh em…” (I Cô-rinh-tô 6:19a)
Những thói quen có hại cho sức khỏe có thể làm tăng cảm giác lo lắng. Cần đảm bảo ngủ đủ giấc và thường xuyên vận động, ăn uống lành mạnh (bao gồm trái cây, rau củ, ngũ cốc, thực phẩm chứa protein nạc, giảm đường và loại chất kích thích), và uống nhiều nước.

GIẢM ÂM LƯỢNG LO LẮNG VÀ TĂNG THÊM TIẾNG CHÚA PHÁN

“Lời Chúa làm cho tôi được sống lại, ấy là sự an ủi tôi trong cơn hoạn nạn.” (Thi Thiên 119:50)
Tiếp tục lắng nghe tiếng Chúa hơn là nghe theo những suy nghĩ hay cảm xúc lo lắng của bạn. Khi bạn tiếp tục lựa chọn việc tin cậy Chúa thay vì tập chú vào sự lo lắng, nỗi lo của bạn sẽ dần hồi được giảm thiểu, và sự bình an bạn trải nghiệm sẽ được gia thêm!

Whitney Hopler
Thảo Anh dịch
(Theo crosswalk.com)

Vẻ Đẹp Thật Của Người Nữ Cơ Đốc

Phụ nữ thường được gọi là phái đẹp, và làm đẹp là nhu cầu của hầu hết chị em phụ nữ. Bằng chứng là thẩm mỹ viện, spa, phòng gym, … mọc lên ngày càng nhiều để đáp ứng nhu cầu làm đẹp của phụ nữ. Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, con người lại phát minh ra nhiều công nghệ làm đẹp với hiệu quả ngày càng cao. Bên cạnh đó, nhu cầu làm đẹp cũng đa dạng hơn nhiều. Không ít chị em phụ nữ sẵn sàng bỏ nhiều thời gian, tiền bạc, công sức chỉ để làm cho mình ngày càng xinh đẹp hơn, trẻ trung hơn, và quyến rũ hơn.

Ở một phương diện khác, tục ngữ Việt Nam ta có câu “cái nết đánh chết cái đẹp”, ngụ ý tính nết quan trọng hơn vẻ đẹp bên ngoài. Lời Chúa trong Châm Ngôn 31:30 cũng dạy “Duyên là giả dối, sắc lại hư không. Nhưng người nữ nào kính sợ Đức Giê-hô-va sẽ được khen ngợi”. Vậy thì, người nữ Cơ Đốc có được làm đẹp cho mình không? Có tiêu chuẩn nào hướng dẫn người nữ trong việc làm đẹp không?

Trước tiên, chúng ta cần nhớ rằng Đấng Sáng Tạo, tức Đức Chúa Trời của chúng ta, là Đấng yêu cái đẹp và vô cùng sáng tạo. Thế giới tự nhiên muôn màu muôn vẻ là bằng chứng rõ ràng nhất. Ngài cũng tạo nên người nữ với vẻ đẹp tuyệt trần mà Sa-lô-môn đã không ngớt lời ca ngợi trong sách Nhã Ca. Đức Chúa Trời hẳn rất yêu cái đẹp, và Ngài chắc cũng muốn con cái Ngài trở thành những người nam người nữ xinh đẹp và biết thưởng thức cái đẹp.

Tuy nhiên, có một điều quan trọng khác chúng ta cũng cần ghi nhớ, đó là Đức Chúa Trời đánh giá tấm lòng chứ không phải vẻ bề ngoài của chúng ta. Hãy nghe điều Ngài phán với tiên tri Sa-mu-ên trong I Sa-mu-ên 16: 7 “Đức Giê-hô-va chẳng xem điều gì loài người xem; loài người xem bề ngoài, nhưng Đức Giê-hô-va nhìn thấy trong lòng.” Câu Kinh Thánh này đưa ra nguyên tắc cơ bản liên quan đến tầm nhìn giới hạn của chúng ta: chúng ta thường chỉ thấy cái bên ngoài, còn Đức Chúa Trời nhìn thấy sự thật bên trong. Nói như vậy không có nghĩa những thứ bên ngoài là không quan trọng. Có những lúc chúng ta phải nhờ đến ngôn ngữ cơ thể, hay những biểu cảm trên gương mặt để truyền thông điệp cho nhau. Nhưng vẻ bên ngoài có thể đánh lừa chúng ta, còn vấn đề sâu xa hơn nằm ở trong lòng. Hễ điều gì chúng ta làm cho vẻ bề ngoài của mình, đó là làm cho con người xem, và chúng ta nên cẩn thận về điều đó. Còn Đức Chúa Trời thì quan tâm nhiều hơn đến điều gì có trong lòng chúng ta. Vậy nên, vẻ đẹp thật của chúng ta là vẻ đẹp đến từ bên trong.

Thế thì, phải chăng người nữ Cơ Đốc không được sửa soạn, chăm sóc ngoại hình của mình như một số Cơ Đốc nhân thường trích dẫn vài phân đoạn Kinh Thánh Tân Ước có vẻ cấm phụ nữ làm đẹp để nói rằng phụ nữ trang điểm là sai với lời Chúa dạy. Một trong những phân đoạn đó là I Phi-e-rơ 3:3-5, “đừng chú trọng sự trang điểm bề ngoài, như làm tóc cầu kỳ, đeo vàng, mặc áo quần loè loẹt. Nhưng hãy trang điểm con người bề trong thầm kín bằng vẻ đẹp không phai tàn của tâm thần dịu dàng yên lặng, đó là điều quý giá trước mặt Đức Chúa Trời. Vì các thánh nữ thưở xưa, những người hy vọng nơi Đức Chúa Trời, và thuận phục chồng mình, cũng đều trang điểm như thế” (TTHĐ). Ở đây, Phi-e-rơ cho thấy sự tương phản giữa vẻ đẹp bên ngoài sẽ phai tàn theo thời gian, với vẻ đẹp lâu dài bên trong của người nữ. Người phụ nữ đẹp thật sự là người có “tâm thần dịu dàng, yên lặng.” Có thể người nữ ấy không được nhiều người chú ý trong đời này, nhưng Chúa nhìn thấy tấm lòng của cô ấy và Ngài đánh giá cao vẻ đẹp bên trong đó. Còn ai muốn khoe khoang vẻ đẹp ngoại hình của mình để có được sự ngưỡng mộ của người khác là người không có tinh thần khiêm nhường của Đấng Christ. Tự thân kiểu tóc, trang sức hay quần áo không có gì là tội, mà chỉ ai cậy vào những điều đó để làm cho mình đẹp bên ngoài nhưng bỏ quên nhân cách bên trong là đang theo đuổi sự hư không. Trau dồi nhân cách tin kính là điều đáng làm bội phần hơn.

Một phân đoạn Kinh Thánh khác cũng thường được trích dẫn là I Ti-mô-thê 2:9-10 (TTHĐ) “Ta cũng muốn rằng phụ nữ nên ăn mặc đứng đắn, trang điểm giản dị và lịch sự, không bới tóc cầu kỳ hay đeo vàng, ngọc hoặc dùng quần áo đắt tiền, nhưng làm các việc thiện, là điều phù hợp với người phụ nữ tin kính.” Đây là phân đoạn Kinh Thánh Phao-lô dạy về những quy định trong giờ thờ phượng chung. Ý của Phao-lô là cần có một chuẩn mực về trang phục của phụ nữ trong giờ thờ phượng, đó là: đứng đắn, lịch sự và tôn trọng. Nhưng như thế nào là đứng đắn? Ranh giới giữa đứng đắn và không đứng đắn, lịch sự và không lịch sự mang tính chủ quan và cũng tuỳ thuộc nhiều vào cách cảm thụ văn hoá khác nhau. Có những tập tục thờ cúng và tôn giáo trên thế giới đòi hỏi người nữ phải trùm kín từ đầu đến chân mới được xem là người ăn mặc đứng đắn. Nhưng đó không phải là điều Kinh Thánh muốn nói. Phao-lô không nêu cụ thể loại trang phục nào phụ nữ nên mặc, nhưng một người phụ nữ tin kính chắc chắn sẽ mặc những bộ trang phục không khêu gợi hay không hở hang nơi công cộng. Nàng sẽ không chọn trang phục để người khác phải chú ý đến thân thể mình. Nếu một người nữ xưng mình là Cơ Đốc nhân, nhưng ăn mặc theo kiểu khiến người khác chú ý đến thân thể nàng một cách quá mức, thì người ấy là chứng nhân tồi cho Đấng đã chuộc mua linh hồn mình bằng cách chết thay mình trên cây thập tự. Nàng quên rằng thân thể nàng đã được chuộc bởi Đấng Christ và hiện là đền thờ của Đức Thánh Linh ngự (I Cô-rinh-tô 6:19-20). Nàng đang nói với thế gian rằng nàng quyết định giá trị của chính mình chỉ dựa trên thể xác và sự hấp dẫn của nàng tuỳ thuộc vào mức độ “khoe thân”. Ngoài ra, khi cố tình ăn mặc cách không đứng đắn, phô trương cơ thể để cám dỗ người nam tham muốn tức là nàng đã khuyến khích anh em mình phạm tội, điều mà Đức Chúa Trời lên án (Ma-thi-ơ 5:27-29). Châm Ngôn 7:10 có nói đến người phụ nữ “ăn mặc như gái mại dâm, lòng đầy mưu kế” – ở đây, tấm lòng của người phụ nữ được phơi bày qua cách nàng ăn mặc.

Trong câu Kinh Thánh này, sứ đồ Phao-lô cũng ngụ ý về trang sức phù hợp và không phù hợp với người nữ Cơ Đốc khi đi thờ phượng Chúa. Trang sức thích hợp với người nữ tin kính là việc lành. Ta-bi-tha đã trang điểm cho mình thật đẹp bằng cách “làm nhiều việc thiện và hay bố thí” (Công Vụ 9:36). Trang sức không phù hợp với người nữ tin kính là những gì khiến nàng dương dương tự đắc hay thu hút sự chú ý đến vẻ ngoài của nàng: ví dụ như kiểu tóc cầu kỳ, đeo vàng bạc, và quần áo đắt tiền. Tâm điểm của giờ thờ phượng phải là Chúa, chứ không phải mốt thời trang mới nhất, viên kim cương to nhất hay kiểu tóc hợp thời nhất. Giờ thờ phượng chung không phải buổi trình diễn thời trang. Không phải là người phụ nữ không bao giờ được đeo trang sức hay làm kiểu tóc mới. Điều Phao-lô muốn nói ở đây là khi đi thờ phượng Chúa, trang phục quá lố là không phù hợp. Chúng ta phải đề phòng sự tự cao và cẩn thận không khiến người khác (hay chính chúng ta) phân tâm không tập trung vào điều thật sự quan trọng: đó là thờ phượng Đức Chúa Trời và phục vụ người khác.

Tóm lại, không có gì sai khi đeo trang sức, khi trang điểm hay làm tóc, làm đẹp, v.v. Nhưng người nữ Cơ Đốc không nên quá chú tâm vào vẻ đẹp bên ngoài đến nỗi lơ là đời sống tâm linh. Nếu người nữ nào dành quá nhiều thời gian và tiền bạc cho vẻ đẹp bên ngoài, thì vấn đề là người ấy đã đặt sai chỗ những điều cần được ưu tiên trong đời sống Cơ Đốc. Trang sức và áo quần đắt tiền là hậu quả của vấn đề, chứ không phải là chính vấn đề. Một điều nữa cần nhớ là những sự sửa soạn cho vẻ đẹp bên ngoài không bao giờ có thể thay thế cho việc lành hay một tâm thần dịu dàng, vốn là vẻ đẹp thật mà người nữ Cơ Đốc cần có.

Bài: Khuê Trần
Tổng hợp từ www.gotquestions.org

Cần Giữ Quân Bình Giữa Vai Trò Làm Vợ Và Làm Mẹ

“Mẹ ơi, chỉ con làm bài tập”. “Mẹ! Con không biết cài nút áo”. “Mẹ, con đã nói là con đói bụng mà.” Các điệp khúc này bạn nghe có quen không? Là người mẹ, đôi lúc chúng ta có cảm giác tất cả những gì mình cần làm là chạy từ đứa con này đến đứa con kia, khen ngợi chúng, dỗ dành chúng, và đáp ứng vô số nhu cầu của chúng.

Nuôi con là một món quà và cũng là đặc ân dù rằng có thể khiến chúng ta kiệt sức, nhất là khi con còn nhỏ. Người mẹ dễ dàng rơi vào “chu trình bổn phận của người mẹ” khiến mình nổi điên và cuối cùng cảm thấy mình giống người mẹ hơn là người vợ. Phải thừa nhận rằng, không phải lúc nào cũng dễ dàng lẩn tránh cảm giác chán nản này. Sau đây là tám điều người mẹ có thể thực hiện để giữ sự quân bình giữa hai vai trò: làm vợ và làm mẹ.

1. Nói cho chồng biết cảm xúc của mình

“Không lẽ ảnh không thấy tôi quá tải hay sao?” “Bộ tôi phải nói toạc ra vấn đề là gì sao?” Đúng vậy, bạn cần phải nói ra. Xin lỗi quý chị em, chồng của quý vị không phải là người có thể đọc được tâm trí người khác. Anh ấy thường không biết điều gì đang làm bạn khó chịu đâu. Nếu để tự mình anh ấy, thì anh không thể đoán ra điều gì đang làm bạn bực mình. Cách tốt nhất để anh ấy biết là nói thẳng ra. Hơn nữa, việc trò chuyện thẳng thắn còn nói lên sự tin cậy, chân thành và tôn trọng.

2. Hãy nhìn vấn đề với thái độ biết ơn

Thành thật mà nói, khi người mẹ cảm thấy quá tải, thì lòng biết ơn và sự tôn trọng là những tổn thất đầu tiên. Chúng bay cái vèo ra ngoài cửa sổ. Cũng những phước hạnh chúng ta từng tha thiết mong đợi và cầu xin bỗng vụt bay và trở thành nguyên nhân làm chúng ta bực mình.

Hãy nhìn vấn đề như thế này: bạn đang cân nhắc hai ơn phước quý giá. Đặc ân được làm vợ lẫn làm mẹ. Chúng ta đồng ý rằng đó không phải là một thành tích tầm thường, nhưng cũng là một phước hạnh quí báu. Vậy thì, hãy dành ít phút cảm ơn Chúa vì Ngài đã ban cho bạn những tặng phẩm này. Rồi tin rằng Ngài sẽ ban cho bạn sự khôn ngoan để thực hiện cả hai vai trò một cách tốt đẹp.

3. Ăn mặc gọn gàng

Cho dù bạn đi làm bên ngoài hay ở nhà nội trợ, bạn cũng cần phải giữ cho vẻ bề ngoài tươm tất nhất. Hãy mặc bộ quần áo đẹp đẽ, làm tóc và nếu biết trang điểm thì cứ tự nhiên. Nghiên cứu cho thấy việc ăn mặc chỉnh tề và đẹp đẽ giúp tâm trạng thêm vui vẻ và thêm tự tin.

Khi bạn ăn mặc xinh đẹp, chồng con cảm thấy được tôn trọng vì họ thấy bạn cố gắng hết sức khi ở bên cạnh họ. Ngoài ra, khi ăn mặc đẹp, bạn chắc sẽ được chồng khen, là điều giúp bạn có cảm giác giống như nàng dâu ngọt ngào đang sải bước trong thánh đường. Như vậy, cả nhà đều vui vẻ.

4. Lên lịch hẹn hò với chồng mỗi tuần

Ông chồng đẹp trai mà bạn đã cưới bị chôn lấp bên dưới tiếng quát tháo khi nuôi dạy con và sự nhàm chán của cuộc sống thường nhật. Nhưng thường bạn cần phải moi anh ấy lên. Hãy hẹn hò với nhau mỗi tuần. Kết nối với người phối ngẫu hằng tuần giúp nhen lại sự lãng mạn trong hôn nhân. Điều này cũng cải thiện việc truyền thông trong hôn nhân, giải tỏa những áp lực dồn nén trong lòng, và củng cố cam kết hôn nhân. Bên cạnh đó, các nghiên cứu còn cho thấy những cặp vợ chồng có kết nối với nhau sẽ hạnh phúc hơn và tỉ lệ ly hôn ít hơn. Với những bà mẹ khác nhau, hẹn hò mỗi tuần có thể mang ý nghĩa khác nhau- tùy bạn đang ở giai đoạn nào trong tiến trình nuôi dạy con.

Đừng khó chịu khi bạn không tìm được người giữ trẻ, người bạn hay người bà con giữ con giúp cho hai bạn hẹn hò. Bạn có thể nghĩ ra những cách hẹn hò khác trong nhà vào đêm khuya khi các con đã say giấc. Ví dụ cùng ôm nhau xem một bộ phim, cùng nhau vui hưởng, cùng chơi cờ, cùng chuẩn bị nhanh bữa ăn, cắm trại trong nhà, mát-xa trong nhà, v.v…
Hẹn hò với chồng mỗi tuần có thể tạo ảnh hưởng đáng kể, giúp bạn cảm thấy mình trở lại là một người vợ hơn.

5. Tận dụng thì giờ

“Hãy xem xét cẩn thận về cách sống của anh em, đừng sống như người dại dột, nhưng sống như người khôn ngoan. Hãy tận dụng thì giờ, vì những ngày là xấu” (Ê-phê-sô 5:15-16).

Những người mẹ thường có quá nhiều việc phải làm trong khoảng thời gian ít ỏi. Vì vậy, thời gian của bạn là quý như vàng, nên bạn cần canh giữ nó hết sức cẩn thận. Mỗi ngày có quá nhiều điều ngay sát bên cạnh khiến bạn phân tâm, nào là phương tiện truyền thông đại chúng, truyền hình, email, Netflix, và nhiều thứ khác.

Để tránh phung phí thời gian vào những việc vô bổ, bạn cần lên kế hoạch kỹ lưỡng. Hãy lập danh sách những việc cần làm mỗi ngày, và xác định những việc cần ưu tiên. Cần có những giờ nghỉ ngơi xen kẽ để tránh cảm giác công việc ngập đầu. Thỉnh thoảng sẽ có lúc bạn bị cuốn vào guồng công việc. Nhưng đừng để điều đó khiến bạn nản lòng. Khi bạn sử dụng thì giờ cách khôn ngoan, bạn sẽ cảm thấy tự hào vì mình làm việc hiệu quả, và cũng có thêm thời gian để kết nối với chồng.

6. Tập thể dục

Dành 20-30 phút mỗi ngày để tập thể dục sẽ cải thiện cuộc sống một cách không ngờ. Có rất nhiều lợi ích khi tập thể dục, ví dụ:
• Đốt mỡ thừa
• Cải thiện chức năng não
• Tâm trạng thoải mái và vui vẻ hơn
• Tạo thêm năng lượng
• Tránh được những bệnh tim mạch và những căn bệnh liên quan đến lối sống
• Ngủ ngon hơn
• Gia tăng kích thích tình dục ở phụ nữ

Tập thể thao thường xuyên là món quà liên tục được ban tặng. Đó là cách tuyệt vời để giúp các bà mẹ xử lý vai trò làm vợ và làm mẹ một cách thảnh thơi.

7. Nhờ người khác giúp đỡ

Thật sự là xung quanh bạn có những người rất dễ thương vui lòng giúp đỡ bạn. Nhưng vấn đề là vì bạn không nhờ họ giúp. Các bà mẹ thường có quan niệm sai lầm rằng mình sở hữu năng lực siêu nhiên bẩm sinh. Họ nghĩ rằng họ phải có khả năng làm cho nhà cửa sạch bóng, con cái hài lòng vui vẻ, nấu những bữa ăn bổ dưỡng ngon lành, và tận hưởng hôn nhân viên mãn mà không phải đổ giọt mồ hôi nào.

Khi cố gắng làm tất cả những việc này, họ dễ cảm thấy đuối sức. Các bà mẹ cần biết rằng nhờ giúp đỡ không có gì sai cả. Cha mẹ bạn có thể đang hồi hộp chờ bạn tạt qua gửi con cho họ trông vào cuối tuần. Khi bạn học cách nhận sự giúp đỡ, bạn sẽ có thêm thời gian trong tay để tận hưởng cảm giác làm vợ.

8. Thường xuyên gặp gỡ “hội chị em bạn dì”

Bạn có bao giờ thấy hai bà mẹ đi cà phê với nhau hết sức vui vẻ chưa? Bạn có nhìn thấy họ mải mê tán gẫu đến mức nào chưa? Con khủng long có thể đi ngay dưới mũi họ mà họ không hề biết. Họ cười đùa, vui vẻ chào nhau (hi-five), ôm nhau, và những cuộc trò chuyện hết sức thân mật. Khi đó, những bận tâm và lo lắng tan biến hết. Rồi mỗi người lại quay về với chồng con với nguồn năng lượng mới, sẵn sàng vượt qua khó khăn. Đừng từ bỏ bạn bè khi bạn làm mẹ. Bạn bè giúp bạn đối diện những thăng trầm trong cuộc sống. Họ nhắc bạn rằng bạn không phải người duy nhất đối diện thách thức.

“Nếu người này ngã thì người kia sẽ đỡ bạn mình lên; nhưng thật khốn khổ cho người sống một mình mà bị ngã, vì không có ai đỡ mình lên” (Truyền đạo 4:10).

Lược dịch: Lan Khuê

Nuôi Dạy Con Cái

Nuôi dạy con cái là một kinh nghiệm cần phải học hỏi. Việc sinh con cái thì dễ nhưng việc trở nên cha mẹ tốt thì không phải dễ. Kinh nghiệm hơn 20 năm làm cha, tôi có thể chia sẻ một số ý tưởng và đề nghị trong việc nuôi dạy con.

CHÚNG TA CẦN LÀM GÌ ĐỂ NGÔI NHÀ CỦA CHÚNG TA LÀ MỘT GIA ĐÌNH THỰC SỰ?

A. Tạo cho nhà chúng ta có một bầu không khí lành mạnh để con cái được lớn lên.

1. Làm cho gia đình chúng ta tràn ngập tình yêu.

Một bầu không khí yêu thương là điều cần hơn hết cho con cái chúng ta tăng trưởng. Tôi đã từng nhìn thấy những thành viên trong gia đình liên hệ với nhau trong tình yêu. Nhưng tôi cũng nhìn thấy những thành viên trong gia đình có mối liên hệ thật lạnh nhạt. Điều gì đã tạo ra sự khác nhau thế nầy? Tôi tin là cha mẹ là những người chính yếu làm việc đó. Là cha mẹ, chúng ta tạo nên một đặc điểm chung, một bầu không khí trong gia đình. Con cái chỉ đáp ứng tình yêu của chúng ta mà thôi.

Các nhà tâm lý học đã quan sát một đứa trẻ chưa từng được yêu thương, nó sẽ không thể yêu người khác, khi nó lớn lên khó hòa nhập với xã hội và nó cũng khó liên hệ với người khác. Mặt khác, con trẻ nhận được đầy đủ tình yêu, nó sẽ tự tin, trong sáng và rất dễ hòa hợp với mọi người.
Hãy cho con trẻ cảm nhận được yêu thương và an toàn. Hãy bày tỏ tình yêu của bạn với chúng, hãy ôm trẻ, hôn trẻ, cõng trẻ trên lưng, hãy dành thời gian cho chúng, khích lệ và quí trọng chúng.

Suy ngẫm: Tôi thuộc vào loại cha mẹ nào? Tôi đã yêu thương con tôi bao nhiêu? Tôi bày tỏ tình yêu ấy như thế nào?

2. Dành thời gian cho con bạn.

Nhiều bậc cha mẹ quá bận rộn trong việc kinh tế nên họ đã bỏ qua thời gian với con. Nhưng việc cung cấp những nhu cầu vật chất cho con không đủ đâu. Tác giả Larry Christenson trong tờ báo The Christian Family đã nói: “Chúng ta có thể yêu con cái mà không cần tiêu xài nhiều tiền bạc, không cần những chuẩn bị chu đáo, không cần cung cấp nhiều món đồ cần dùng. Nhưng chúng ta không thể bày tỏ tình yêu khi không dành thời gian cho con.”

Trong một dịp kia, khi hầu hết các học sinh đều được cha mẹ cho tiền tiêu vặt 50P (peso là tiền Phi Luật Tân) hàng tuần, tôi có nghe một em học sinh được cha mẹ cho 500P mỗi tuần và em ấy không vui. Tại sao thế? Lý do vì cha mẹ của học sinh nầy đã dành thời gian của họ cho việc làm ăn và nhiều việc khác, họ nghĩ rằng cung ứng cho con một số tiền kha khá như thế còn hơn trách nhiệm làm cha mẹ rồi. Em học sinh nầy đã không biết quản lý số tiền lớn ấy thậm chí còn rơi vào sự nghiện ngập.

Điều nầy có thể xảy ra cho con chúng ta. Nếu chúng không bị nghiện, chúng có thể gặp những người bạn xấu ảnh hưởng trên chúng. Chúng ta hãy sắp xếp dành thời gian với con. Cùng chơi những trò chơi với chúng, hãy đưa con đi xem những buổi hòa nhạc hay trình diễn, cùng nhau đi ra ngoài ăn tối, hay qui định giờ cùng ngồi quanh trong nhà trò chuyện. Các con chúng ta cảm nhận được tình yêu của chúng ta và chúng quan tâm mỗi khi chúng ta dành thời gian cho chúng.

Suy ngẫm: Tôi dành bao nhiêu thời gian cho các con? Những hoạt động nào để cả nhà có thể cùng vui với nhau?

3. Trò chuyện với con.

Những cơ hội trên cũng là cơ hội để chúng ta chia sẻ những suy nghĩ và giá trị của chúng ta với con cái. Đó là những thì giờ thuận tiện để lắng nghe chúng nữa. Chúng ta nên nhạy cảm với nhu cầu của chúng, hãy lắng nghe những thắc mắc và những tranh cãi của chúng, xoa dịu những gì làm đau lòng chúng, và cảm thông với chúng trong đời sống. Hãy giúp chúng cảm thấy có ai đó đang hướng dẫn, thông hiểu chúng và giúp chúng cảm thấy vui thích.

Trò chuyện và lắng nghe con trẻ không những giúp chúng phát triển trí thức mà còn giúp chúng được tăng trưởng về mặt đạo đức và tâm linh nữa. Xin chúng ta đừng quên rằng nhờ Chúa con trẻ chúng ta tin tưởng nơi chúng ta và chúng ta có trách nhiệm trong sự phát triển toàn diện của chúng.

Suy ngẫm: Tôi đã trò chuyện với con cái hiệu quả thế nào? Bằng cách nào tôi đã giúp con cái hình thành sự phát triển trong chúng?

4. Hãy trở nên gương mẫu cho con

Cách sống của chúng ta ảnh hưởng trên con cái rất nhiều. Con trẻ học hỏi qua những gì chúng thấy và nghe, và cha mẹ là người mà chúng thấy và nghe nhiều nhất. Mặc dù chúng có thể chịu ảnh hưởng bởi thầy cô giáo, bạn bè cùng trang lứa, bà con, hàng xóm hay những người trên TV… Các nghiên cứu cho biết cha mẹ có ảnh hưởng nhiều nhất trên con trẻ suốt trong những năm tháng các cháu tăng trưởng.

Con trẻ nhìn thấy cha mẹ vượt đèn đỏ, hối lộ công an, lấy về nhà những vật dụng trong văn phòng, xem những phim đồi trụy hay chúng nghe ba mẹ nói hành ai đó và dùng những lời nói thô bỉ và nhìn thấy tinh thần cha mẹ chấp nhận những hành động trên.

Mặt khác, nếu chúng nhìn thấy ba mẹ yêu nhau và tôn trọng nhau, giúp đỡ hàng xóm, bạn bè, đọc Kinh Thánh và cầu nguyện thì con trẻ sẽ bắt chước những hành động tích cực nầy và những phẩm chất giống Chúa.

Suy ngẫm: Tôi đã ảnh hưởng tốt trên con cái thế nào qua đời sống làm gương tốt của tôi?

5. Trân quý con bạn.

Phần lớn trẻ con thích làm vui lòng ba mẹ. Những cố gắng của con trẻ bị cha mẹ phớt lờ thì con trẻ sẽ nghĩ là mình kém giá trị. Vì thế, chúng ta cần trân quý những thiện chí cố gắng của con trẻ hơn là thật sự chúng làm được gì. Chúng ta hãy cùng xem qua những trường hợp dưới đây, tên đã được thay đổi:

a. Bé Karen cảm thấy mẹ yêu thích anh trai mình nhất. Vì vậy, cháu bé 4 tuổi nầy đã chịu khó vẽ một tấm thiệp thật công phu và một ngày kia cháu đã tặng mẹ với ước mong mẹ sẽ yêu cháu. Hãy tưởng tượng một tấm thiệp được vẽ bởi một em bé 4 tuổi như thế nào! Người mẹ đã nhìn tấm thiệp và quăng nó, bà đã thốt lên: “Xấu quá!”

Bé Karen đã đã bị tổn thương và nghĩ rằng mẹ mình không hề yêu thương mình. Sự việc xảy ra đã gây ấn tượng sâu sắc trên cô bé thậm chí đến khi cô bé được 12 tuổi cô ấy đã thuật cho tôi nghe và khóc thật nhiều…

b. Bé Pedring 14t, đã đi dự trại Hè ở Baguio. Trên đường về, bé nghĩ là mua rau cải về cho mẹ, nên bé đã mua rau không những tươi mà còn rẻ nữa.
Sau khi xem kỹ rau, người mẹ thốt lên: “Thật là phí tiền! Rau không tươi mà còn mắc hơn ở Manila nữa!” Thế là từ đó, Pedring tự hứa là không bao giờ mua gì về nhà hết.

Thay vì nhận được sự trân quý của cha mẹ đối với tấm lòng của con, thì con họ đã bị tổn thương.

Suy ngẫm: Bạn đã trân quý con cái bạn bao nhiêu? Bạn đã bày tỏ sự trân quý ấy thế nào? Hãy thành thật đánh giá những câu nói trong những dịp như thế, bao nhiêu lần chúng ta nói “Đừng làm điều nầy, hãy làm điều kia”? Có bao nhiêu từ về sự trân quý, xác định, hay khích lệ con chúng ta?

B. Cha Mẹ, hãy coi chừng

Kinh Thánh chép: “Hỡi người làm cha, chớ chọc cho con cái mình giận dữ” (Ê-phê-sô 6:4) và Cô-lô-se 3:21 “Hỡi kẻ làm cha, chớ hề chọc giận con cái mình, e chúng nó ngã lòng chăng.”

Có nhiều điều cha mẹ không nên làm cho con cái mình. Tôi xin đề nghị 3 điều mà những sách nói về trách nhiệm cha mẹ ít nói đến:

1.Không nên phạt con cái lúc mình đang lúc giận dữ.

Câu châm ngôn khôn ngoan của người Trung Hoa khuyên chúng ta đừng đánh con khi đang nổi giận, “…hãy chờ khi cơn giận qua đi trước khi bạn đánh con trẻ.” Kinh Thánh cũng dạy nên kỷ luật con cái, hãy dạy chúng biết cách sống, hãy sửa dạy chúng khi cần thiết (Châm Ngôn 13:24). Nhưng trước khi đánh vào mông con, hãy tự hỏi: “Tại sao tôi đánh con tôi? Tôi đánh con vì muốn sửa sai nó hay chỉ vì tôi không kềm chế được cơn giận trong tôi?” Nếu bạn đánh con bạn chỉ vì để hả cơn giận, thì việc làm nầy sai rồi vì sẽ làm cho con trẻ đau đớn. Bạn sẽ thất bại trong việc dạy con vì bạn đánh con đang lúc bạn giận dữ.

Trong lúc giận, có thể bạn đánh con quá nặng. Nhưng cho dù bạn đánh nhiều hay không, đứa trẻ vẫn biết là bạn đang mất kiểm soát sự nóng giận của bạn. Nếu như ai đó hỏi đứa trẻ là “Tại sao ba con đánh con?” Nó sẽ trả lời “vì ông ấy nóng giận”. Bài học mà bạn định dạy cho đứa trẻ sẽ bị lãng quên.

Bài học tương tự về sự chửi mắng con. Khi cha mẹ mắng chửi con, dùng những từ mà con không hiểu. Con trẻ sẽ cảm thấy bị sỉ nhục và tâm lý bé sẽ bị hủy hoại rất nặng.

Hãy chờ đợi khi cơn giận qua đi. Rồi hỏi con: “Con đã làm gì thế? Điều con làm có đúng không?” Rồi giải thích cho con tại sao con phải bị phạt. Có người đã nói: “Làm sao tôi có thể không đánh con khi tôi đang tức bực, tôi không thể kiềm chế mình được. Và nếu tôi chờ cho đến khi hết giận, tôi sẽ không thể đánh nó nữa.” Tôi đồng ý điều đó không phải là dễ. Nhưng hãy suy nghĩ đến con bạn, vì lợi cho cháu, bạn phải thực hành tự kiềm chế mình. Hãy cầu xin Chúa ban cho bạn sự khôn ngoan và sức lực để bạn làm những điều đúng. Tự kiềm chế hay tiết độ là một trong những bông trái Thánh Linh.

2. Đừng ép con học quá sức của nó.

Là cha mẹ, chúng ta đều mong muốn con chúng ta học giỏi. Điều đó tốt. Chúng ta đều ao ước con chúng ta sẽ phát huy hết tiềm năng. Điều đó cũng rất tốt. Tuy nhiên, áp lực con cái học để đem lại sự vinh dự cho gia đình lại là một vấn đề khác.

Nói thẳng ra là nhiều bậc cha mẹ muốn con học giỏi để ba mẹ được thỏa mãn và vinh dự cho họ. Tôi có thoáng nghe điều nầy như là tốt “Bà ơi, các con bà thật thông minh, chúng đều là những học sinh xuất sắc!” Vì thế, để duy trì được hình ảnh tốt đẹp nầy, cha mẹ ép con học nhiều hơn, tập trung học liên tục, bỏ qua những trò chơi thể thao hay giải trí.

Thông thường, một đứa trẻ sẽ phát triển tâm trí, thể xác, tâm linh và tâm lý. Một khi những bộ môn bị ngắt đi, tâm trí của trẻ có thể sẽ phát triển nhanh chóng nhưng cháu sẽ bị ức chế những khía cạnh khác.

Một hậu quả khác nữa là đứa trẻ sẽ rơi trong tình trạng căng thẳng liên tục. Bé sợ làm cha mẹ thất vọng và không còn được yêu thương. Rồi mối quan hệ với các bạn trong lớp thì sao? Con trẻ có thể rơi vào lối sống khép kín, khó gần gũi.

Tôi đã tư vấn cho các bạn trẻ nhiều năm, tôi đã từng gặp những người trẻ rất buồn với mặc cảm tự ti phức tạp nầy và tôi đã tìm ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng nầy là họ có cha mẹ luôn ép con học quá sức – có những bậc cha mẹ không hài lòng khi con mình đạt kết quả học tập điểm số trên trung bình. Đó là trường hợp của bé Jaime. Cháu đạt được hạng nhì danh dự trong lớp. Khi cháu đi học về gần đến ngày bế giảng, ba mẹ đã mắng cháu: “Đây là lần thứ hai con không đạt hạng nhất danh dự. Tại sao con không học tốt giống như Jose, người anh em họ của con?” Những lời trách móc như thế làm bé tổn thương sâu sắc, đặc biệt là cháu đã cố gắng tối đa.

Mặc dù có vẻ quá cực đoan, câu chuyện trên là có thật, nhiều bậc cha mẹ mong muốn cho con mình phải là tốt nhất. Coi chừng, đừng để con bạn rơi vào đời sống bị què quặt bởi suy nghĩ rằng nó có nhiều khuyết điểm, thua kém người ta.

Nhiều khi đứa trẻ sẽ chuyển đổi hình ảnh cha mẹ không bao giờ thỏa lòng con thành sự hiểu biết lệch lạc về Đức Chúa Trời. Cháu nghĩ rằng Đức Chúa Trời cũng là Đấng hay đòi hỏi và chuộng thành tích, vì thế cháu cảm thấy mình cần phải biểu diễn trước Chúa để chứng minh giá trị của nó như: nó PHẢI đi nhà thờ, nó PHẢI có thì giờ tĩnh nguyện với Chúa mỗi ngày không bao giờ bỏ qua việc làm nầy, nó PHẢI chia sẻ Phúc âm cho người khác. Vì thế, nó phải trải qua những cảm xúc, tương giao mật thiết đầy ý nghĩa với Chúa Giê-xu Christ.

Để làm tất cả những điều này có nghĩa là chúng ta nên đi theo chính sách không tham dự vào việc học hỏi của con cái phải không? Chắc chắn không phải thế! Là cha mẹ, chúng ta nên giúp con nhận biết tầm quan trọng của việc giáo dục đúng đắn và giúp cháu làm sao để chuẩn bị tốt cho cuộc đời sau nầy của cháu. Chúng ta cần cung cấp cho cháu một môi trường tốt nhất cho việc học của cháu. Chúng ta nên hướng dẫn cháu trong việc học và khích lệ cháu phấn đấu cho được tốt nhất để danh Chúa được vinh hiển qua cuộc đời của cháu. Vì vậy, chúng ta hãy làm tất cả mọi sự vì lợi ích cho các cháu chứ không phải thỏa mãn những gì chúng ta mong đợi nơi các cháu.

3. Đừng xét đoán các cháu theo tiêu chuẩn người lớn.

Bobby chỉ mới 3 tuổi nhưng cháu có một kinh nghiệm hết sức đau đớn. Một ngày trong lúc cháu chơi với người giúp việc, bé đã nhảy từ cầu thang và người giúp việc đã giơ tay để đỡ bồng cháu trước ngực mình. Bobby để ý cái nút áo màu sáng trên ngực cô nầy và vô tư chơi với cái nút, gài vào mở ra phần trên áo của cô giúp việc.

Cha của Bobby bước vào và nhìn thấy Bobby đang chơi cái nút áo như thế thì ông đã vội vàng kết luận là Bobby phạm tội về dâm dục và ông nổi nóng với bé. Có một lò than gần đó, người cha đã gắp viên than đang cháy đốt tay của bé để phạt bé. Bobby không thể hiểu tại sao bố lại phạt nó. Kể từ ngày ấy, bé rất sợ bố. Sự việc nầy đã khiến cho Bobby liên tục kinh nghiệm những đau thương sau nầy.

Nan đề ở đây là cha của Bobby đã xét đoán bé theo tiêu chuẩn người lớn. Các nhà tâm lý trẻ em cho chúng ta biết trẻ em phát triển giá trị đạo đức dần dần từng giai đoạn. Vì thế thật là sai lầm khi chúng ta cho rằng trẻ em nhận biết sai hay đúng giống như người lớn. Khi chúng ta cảm thấy muốn kết luận rằng trẻ đã làm sai, chúng ta hãy tự hỏi: “Liệu đứa trẻ biết mình làm điều đó sai không?”

C. Cha mẹ, hãy giữ đời sống tâm linh mình luôn tăng trưởng

Làm cha mẹ là một vai trò rất khó khăn, đầy thách thức. Tất cả chúng ta đều cần tập trung sự khôn ngoan, sức lực và tình yêu vào việc này. Là cha mẹ, chúng ta biết là nên làm điều gì đó nhưng cuối cùng chúng ta không làm được. Làm thế nào chúng ta giải quyết được điều nầy?

Điều quan trọng hơn hết là chúng ta phải bước đi với Đức Chúa Trời, thấm nhuần Lời Ngài đó là Kinh Thánh, hãy lắng nghe Ngài, tương giao với Ngài qua sự cầu nguyện. Hãy vâng lời Ngài luôn, nhờ đó Ngài sẽ khiến chúng ta trở nên giống Ngài nhiều hơn. Chỉ ở trong Chúa, Ngài sẽ khiến chúng ta trở nên khôn ngoan. Lớn lên trong Ngài, chúng ta sẽ hiểu biết hơn, kiên nhẫn hơn, yêu thương hơn và nhạy bén hơn với nhu cầu của con trẻ. Chúa sẽ giúp đỡ chúng ta trở nên cha mẹ mà chúng ta cần phải trở thành. “Vì Đức Giê-hô-va ban cho sự khôn ngoan; từ miệng Ngài ra điều tri thức và thông sáng.” (Châm ngôn 2:6)

Còn rất nhiều nguyên tắc nuôi dạy con cái như: cha mẹ nên dạy con về tình dục, cha mẹ phải cư xử nhất quán với con cái, không được thiên vị. Tôi hy vọng những gì tôi sưu tầm được ở đây sẽ hướng dẫn các bạn khám phá thêm những chủ đề liên quan đến nuôi dạy con trở nên giống Chúa hơn.
Cầu xin Chúa ban cho chúng ta sự khôn ngoan trong việc nuôi dạy con cho Đức Chúa Trời.

Tác giả: Bertram Lim
Thanh Khiết dịch
Nguồn: On Bringing Up children (OMF Literature, Inc.)

Podcasts

Latest sermons