Trang chủ Blog Trang 59

Chúa Nhật 20-09-2020

Hội Thánh Tin Lành Việt Nam – Chi Hội Tô Hiến Thành
Chương Trình Thờ Phượng – Chúa nhật 20-09-2020

Chủ đề: CHIẾN TRẬN GIÊ-RI-CÔ

Câu Gốc: Thi Thiên 103:9
Ấy là Ngài tha-thứ các tội-ác ngươi, Chữa lành mọi bệnh-tật ngươi,

Giảng Luận: TĐ. Châu Thanh Thiên Ngọc
HDCT: Chấp sự Nguyễn Minh Cảnh

Website: https://httltohienthanh.org
https://www.youtube.com/c/HTTLToHienThanh
Facebook: https://www.facebook.com/HTTLToHienThanh.org

Truyền Giảng Thứ Bảy 19-09-2020

YÊU

Yêu là điều đã có từ ngàn xưa, là không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Yêu và được Yêu là nhu cầu thiết yếu của từng cá nhân. Tuy nhiên, Yêu ai? Ai Yêu? Yêu như thế nào? Thể hiện của tình yêu ra sao? … đó là những câu hỏi mà mỗi người sẽ phải trả lời với chính mình để YÊU như đáng phải YÊU. Dù cho ngày nay, ngôn từ có đa dạng, phong phú thì bản chất của nó vẫn là YÊU có điều kiện (Tình yêu nếu, Tình yêu vì, …).

Tuy nhiên, chúng tôi muốn giới thiệu đến bạn Tình YÊU hoàn toàn khác biệt khi so sánh với những gì đang có hiện tại.

Tình YÊU ấy:

  • Bắt nguồn từ đâu?
  • Thể hiện thế nào?
  • Làm sao để tôi nhận được?

Tất cả sẽ được trình bày rõ ràng dựa trên nền tảng Thánh Kinh trong

Chương Trình THÁNH NHẠC và CHIA SẺ NIỀM TIN

Thời gian: 19h15, Thứ Bảy | 19/09/2020

Địa điểm: Nhà Thờ Tin Lành TÔ HIẾN THÀNH

453 Tô Hiến Thành, P.14, Q.10, Tp.HCM

Hội Thánh chúng tôi rất hân hạnh được đón tiếp quý vị.

Quyền Tể Trị Của Đức Chúa Trời

Hầu hết các thủ đô và thành phố đều có nhiều tượng đài kỷ niệm những danh nhân cũng như những dấu ấn lịch sử quan trọng. Đức Chúa Trời đã truyền lịnh cho Giô-suê dựng đài kỷ niệm cuộc vượt sông Giô-đanh, đánh dấu một biến cố trọng đại trong lịch sử tuyển dân. Cách đó 40 năm, Đức Chúa Trời đã làm phép lạ tương tự khi Ngài rẽ biển đỏ cho dân Y-sơ-ra-ên đi ngang qua lòng biển khô cạn, nhưng đến nay, những người trưởng thành của thời đó đều đã qua đời trong sa mạc.

Những người ngày hôm nay, trừ Giô-suê và Ca-lép, chưa hề chứng kiến phép lạ đó. Vì thế, một lần nữa Đức Chúa Trời đã bày tỏ quyền năng tể trị của Ngài cho họ thấy. Phép lạ này cũng đánh dấu thời điểm lời hứa của Ngài cho các tổ phụ trở thành hiện thực, khi con cháu họ đặt những bước chân đầu tiên vào đất hứa. Mười hai tảng đá phải do mười hai người đại diện mười hai chi tộc, lấy từ dưới lòng sông ngay chỗ các thầy tế lễ khiêng rương giao ước đứng, đem dựng tại Ghinh-ganh, vào ngày mồng mười tháng giêng. Tất cả những chi tiết chính xác này về thời gian, không gian, khẳng định sự kiện không một người Y-sơ-ra-ên nào được phép quên.

Tuy nhiên, sự hiện diện của đài kỷ niệm này cũng nói lên một khuynh hướng đáng buồn nơi con người là, rất mau quên những việc Chúa đã làm cho mình. Ngày nay hình ảnh thập tự giá chúng ta thấy khắp nơi, tiệc thánh chúng ta dự thường kỳ, dường như cũng không đủ để nhắc chúng ta nhớ đến ơn cứu rỗi của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Có lẽ chúng cần có thêm những tảng đá kỷ niệm khác, đánh dấu những việc lớn và nhỏ Chúa đã làm cho chúng ta trong cuộc sống hằng ngày, nhất là trong đời sống thuộc linh. Chúng ta dựng lên những tảng đá cho chính mình để ghi nhớ ơn Chúa và có cơ hội thuật lại cho người khác những điều lớn lao Chúa đã làm cho mình, cho gia đình mình, cho Hội Thánh mình, đến nỗi “các dân tộc thế gian biết rằng” Đức Chúa Trời chúng ta đang tôn thờ là rất lớn, và để chính chúng ta “kính sợ Ngài luôn luôn.”

Chúa đã bày tỏ quyền năng tể trị tại sông Giô-đanh ngày hôm ấy. Ngài cho các thầy tế lễ biết khi nào bước chân xuống sông và khi nào bước lên khỏi đó. Ngài ra lệnh cho nước rẽ ra và lấp lại đúng lúc. Cả nước sông và con người đều vâng lệnh Ngài, và mọi sự diễn ra y như Ngài đã hoạch định. Đó là ngày làm vinh hiển Chúa và làm rạng danh Giô-suê, đầy tớ Ngài.

Đống đá ở Ghinh-ganh gồm 12 tảng đá, mỗi chi phái chọn ra một người để vác một tảng đá đến đó. Khi những người nầy đi đến giữa sông, mỗi người chọn một tảng đá ở đó và vác đi khoảng 8 dặm đến Ghinh-ganh, tại đó dân sự đã đóng trại cả đêm. Dân Do Thái đặc biệt quan tâm đến việc dạy dỗ thế hệ sau về Đức Chúa Trời và mối liên hệ đặc biệt của Ngài với dân Y-sơ-ra-ên. Đối với người vô tín, đống đá với 12 tảng đá chất thành nầy chỉ là một đống đá bình thường, nhưng đối với dân sự Chúa, nó là lời nhắc nhở liên tục rằng Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời của họ, Ngài đã làm những việc lạ lùng vì cớ dân sự Ngài.

Giô-suê cũng dựng đài kỷ niệm ở giữa sông và đối với người Do Thái, đây là một việc làm lạ đời của vị lãnh đạo họ. Ngoài Đức Chúa Trời, ai có thể thấy được mười hai hòn đá chất thành đống dưới lòng sông? Đài kỷ niệm tại Ghinh-ganh nhắc nhở dân sự rằng Đức Chúa Trời đã rẽ sông Giô-đanh và đưa họ vào Đất Hứa an toàn. Họ đã đoạn tuyệt với quá khứ và không bao giờ nghĩ đến việc quay trở lại. Đài kỷ niệm ở lòng sông nhắc họ rằng nếp sống cũ của họ đã bị nhấn chìm và giờ đây họ phải “bước đi trong sự sống mới”.

Đức Chúa Trời đem chúng ta ra để đưa chúng ta vào, và Ngài đưa chúng ta vào để chúng ta đắc thắng và nhận lấy cơ nghiệp của mình trong Chúa Cứu Thế Giê-xu. Vì dân sự Đức Chúa Trời đồng chết, đồng chôn và đồng sống lại với Đấng Christ, cho nên họ có “quyền năng đắc thắng”, và thế gian, xác thịt, hoặc ma quỉ không thể thắng được họ. Trong năng quyền tể trị của Chúa Cứu Thế Giê-xu chúng ta là người đắc thắng.

Xin Chúa giúp chúng ta gom góp trong đời sống mỗi ngày, những viên đá xây nên một “đài kỷ niệm”, để chúng ta luôn ghi nhớ quyền năng tể trị của Chúa qua những việc Ngài đã làm cho chúng ta.

Chúa Nhật 13-09-2020

Hội Thánh Tin Lành Việt Nam – Chi Hội Tô Hiến Thành
Chương Trình Thờ Phượng – Chúa nhật 13-09-2020

Chủ đề: QUYỀN TỂ TRỊ CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

Câu Gốc: Giô-suê 4:24
Hầu cho các dân-tộc thế-gian biết rằng tay của Đức Giê-hô-va là rất mạnh, và cho các ngươi kính-sợ Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi luôn luôn.

Giảng Luận: Mục Sư Lê Đức Trịnh
HDCT: Chấp sự Trần Thị Mỹ Dung

Website: https://httltohienthanh.org
https://www.youtube.com/c/HTTLToHienThanh
Facebook: https://www.facebook.com/HTTLToHienThanh.org

6 Điều Lầm Tưởng Đang Giết Chết Hôn Nhân Của Bạn

Tác giả: Jay Lowder

Tôi không bao giờ quên được cảm giác hồi hộp thích thú khi mới kết hôn- sự sung sướng, những thực tế mới mẻ tuyệt vời và sự thỏa mãn ngoài mong đợi không thể mô tả được. Nhưng chẳng bao lâu tôi nhận ra rằng giai đoạn hôn nhân này không kéo dài. Chẳng sớm thì muộn, bạn sẽ phải xuống thung lũng thôi.

Tôi đã từng xuống thung lũng. Chỉ vài năm sau khi Missy và tôi lấy nhau, chúng tôi đã muốn chấm dứt. Chuyện chẳng có gì là lớn. Chỉ là chúng tôi không hợp nhau mà thôi.

Điều may mắn là mọi người không cho chúng tôi đầu hàng, nhưng khích lệ chúng tôi tìm sự trợ giúp. Và chính nhờ sự tư vấn chuyên nghiệp dựa theo Kinh Thánh mà chúng tôi đã hàn gắn hôn nhân của mình.

Một vài cặp đôi không được may mắn như thế. Nhiều người trong chúng ta bị lừa tin điều dối trá cho rằng mục tiêu của hôn nhân là tránh ly dị, nhưng thật sự không phải chỉ là như vậy. Mục tiêu là hạnh phúc và có một hôn nhân tốt đẹp làm sáng danh Chúa.

Khi ngẫm nghĩ về hôn nhân của chính mình, tôi nhận ra rằng dù có nhiều yếu tố từ phía Missy và từ những khó khăn của tôi, nhưng một trong những điều quan trọng nhất là kỳ vọng của chính tôi về hôn nhân. Tôi đã nghe nhiều suy nghĩ tương tự khi tôi đi khắp thế giới nói chuyện với những con người đang bị tổn thương và đang tranh chiến trong hôn nhân. Để có thể có được hạnh phúc lứa đôi một cách thực tế và sống đúng với sự kêu gọi trong vai trò vợ chồng trong hôn nhân theo Kinh Thánh, chúng ta phải nhận ra sáu điều lầm tưởng phổ biến sau:

Điều lầm tưởng #1: Vì là hôn nhân Cơ Đốc, nên tôi sẽ có một hôn nhân hoàn hảo.

Sự thật: Chỉ vì bạn biết Chúa không có nghĩa là bạn sẽ không bị kẻ thù tấn công. Phao-lô nhắc chúng ta rất nhiều lần trong các Thư tín rằng dù là Cơ Đốc nhân, chúng ta vẫn sẽ gặp thử thách. Giăng 10:10 cho chúng ta biết “kẻ trộm chỉ đến để cướp giết và hủy diệt, còn ta đã đến, hầu cho chiên được sự sống, và được sự sống dư dật”.

Bạn chỉ có thể có được hôn nhân vững chắc, lành mạnh với sự giúp đỡ của Chúa. Bạn không thể tự mình làm điều này, còn nếu bạn nghĩ rằng bạn có thể thì bạn đang bị lừa dối rồi đó. Bạn không có được năng lực để làm điều này đâu, nhưng nếu bạn có cam kết với Chúa thì bạn sẽ suy nghĩ rằng cho dù thế nào, bạn cũng sẽ giữ cuộc hôn nhân này.

Điều lầm tưởng #2: Có thể thay đổi những hành vi hay khuyết điểm nào đó của người phối ngẫu sau khi kết hôn.

Sự thật: Không ai có thể “tạo ra” người phối ngẫu. Điều quan trọng cần nhớ là chúng ta lấy người nào đó với chính bản chất của người đó trong hiện tại, không phải với bản chất mà bạn nghĩ người đó sẽ có trong tương lai nhờ được bạn thay đổi. II Cô-rinh-tô 6:14 chép: “Chớ mang ách chung với kẻ chẳng tin, bởi vì công bình với gian ác có hội hiệp nhau được chăng? Sự sáng với sự tối có thông đồng nhau được chăng?” Những đội nhóm trong tổ chức làm được những việc lớn là những người hiệp một với nhau trong mục đích và mục tiêu. Điều này cũng đúng trong hôn nhân. Nếu người phối ngẫu của bạn không theo Chúa bây giờ, thì chắc chắn họ cũng sẽ không theo Chúa trong tương lai.

Điều lầm tưởng #3: Người tôi sẽ kết hôn là một “trang quân tử” hay “người hoàn hảo”.

Sự thật: Không ai là hoàn hảo cả. Ngay cả những người tin kính nhất cũng có khuyết điểm và cũng bị tội lỗi tấn công, khiến họ không thể sống theo những tiêu chuẩn bất khả thi. Hãy nhớ rằng “mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 3:23).

Hôn nhân là hai người học cách bổ sung cho nhau những điểm mạnh và điểm yếu. Bạn phải học cách chấp nhận người bạn đời của mình với những khiếm khuyết và tất cả mọi điều khác của người ấy, cũng như người ấy phải chấp nhận bạn vậy.

Điều lầm tưởng #4: Luôn có lối thoát dễ dàng nếu hôn nhân không hạnh phúc

Sự thật: Ly hôn không hề dễ dàng và để lại nhiều thương tổn nặng nề. Kế hoạch của Đức Chúa Trời cho hôn nhân là mãi mãi. Chúa Giê-xu đã nói như vậy trong Ma-thi-ơ 19:4-6 “Ngài trả lời rằng: các ngươi há chưa đọc lời chép về Đấng Tạo Hóa, hồi ban đầu, dựng nên một người nam, một người nữ, và có phán rằng: Vì cớ đó người nam sẽ lìa cha mẹ, mà dính díu với vợ mình; hai người sẽ cùng nên một thịt hay sao? Thế thì, vợ chồng không phải là hai nữa, nhưng một thịt mà thôi. Vậy, loài người không nên phân rẽ những kẻ mà Đức Chúa Trời đã phối hiệp!”

Tình yêu thật không bao giờ chịu thua hay đầu hàng. Tình yêu thật không bao giờ kết thúc. Đức Chúa Trời hứa rằng dù con dân Ngài thất bại, nhưng tình yêu đích thực sẽ chiến thắng. Ngài đã hoạch định hôn nhân sao cho ADN của hôn nhân có đặc tính không thể phá vỡ, khiến hôn nhân không thể chấm dứt được. Rất nhiều cuộc hôn nhân chỉ là tình yêu hời hợt, chỉ có hình thức mà không có sự chung thủy. Hãy cầu xin Chúa ban cho bạn loại tình yêu chịu đựng, nâng đỡ, tha thứ, nhìn thấy điều tốt đẹp, chấp nhận khác biệt và luôn luôn hướng tới chứ không nhìn lui.

Điều lầm tưởng #5: Đỉnh cao tình dục trong hôn nhân sẽ còn mãi.

Sự thật: Đây là ý nghĩ rất sai lầm của phần lớn nam giới. Sự gần gũi thể xác là kế hoạch của Đức Chúa Trời, nhưng trách nhiệm, bệnh tật và cuộc sống thường nhật có thể tạo cảm giác hụt hẫng. Ngược với điều người ta thường nghĩ, sự hài lòng và thỏa mãn không dựa trên sự thỏa mãn tình dục. Những mối quan hệ được xây dựng trên điều lầm tưởng này chắc chắn sẽ tan vỡ khi vợ chồng ngày càng già đi và vẻ đẹp thể xác phai nhạt dần. Sự hấp dẫn là cần thiết trong một mối quan hệ, nhưng sự thu hút thật không đến từ vẻ đẹp thể xác. Tình yêu đích thực không dựa trên điều bạn có thể nhận được từ ai đó, mà là điều bạn có thể cho đi. Trong I Cô-rinh-tô 13, chúng ta được nhắc nhở một danh sách dài mô tả tình yêu là gì và sự thỏa mãn tình dục không nằm trong danh sách đó. Các mối quan hệ bền lâu được xây dựng trên sự ban cho mà không mong chờ được nhận lại.

Điều lầm tưởng #6: Người bạn đời của tôi sẽ là một chàng trai phong nhã, hào hoa

Sự thật: Ý nghĩa sai lầm này thường khiến nhiều phụ nữ vấp ngã vì nó dựa trên những câu chuyện cổ tích. Điều quan trọng hơn cả sự lãng mạn là người bạn đời yêu thương, trân quý và nỗ lực để hỗ trợ về tình cảm và thuộc linh. Đức Chúa Trời muốn người nam sống cùng vợ mình với sự hiểu biết theo Lời Chúa, chứ không phải theo một ảo tưởng từ phim ảnh của Hollywood hay sự giả tạo trong sách vở lãng mạn. Nếu bạn muốn có được bức tranh thật của hôn nhân, hãy đọc Ê-phê-sô 5:22-23.

Cho dù nhận ra những điều lầm tưởng này, bạn vẫn phải thừa nhận sẽ có những khó khăn và thách thức liên tục đến với hôn nhân của bạn. Tuy nhiên, nếu bạn và người phối ngẫu không ngừng cải thiện sự truyền thông với nhau và cam kết nhìn thẳng vào vấn đề thay vì tránh né trong khi tìm kiếm năng lực và sự bảo vệ của Chúa, thì các bạn sẽ mạnh mẽ hơn và bền bỉ hơn để tiếp tục cuộc hôn nhân của mình.

Người dịch: Khuê Trần
Nguồn: https://www.crosswalk.com/family/marriage/relationships/six-myths-that-are-killing-your-marriage.html

Tôi Có Thật Sự Tha Thứ Khi Vẫn Còn Nhớ Lầm Lỗi Của Người Khác

HTTLVN.ORG – Tôi có thật sự tha thứ cho người khác khi sự sai trái của họ với tôi vẫn cứ hiện lên trong tâm trí tôi? Làm sao tôi biết mình thật tha thứ cho chồng? Tôi vẫn thấy mình bị tổn thương khi nghĩ đến những lời nói tổn thương của chồng tôi. Tôi đang cầu nguyện xin Chúa giúp tôi sống phục vụ và yêu thương anh ấy cho dẫu tôi có cảm thấy thế nào, thế nhưng nỗi đau gợn lên từ việc bị xúc phạm có phải là dấu hiệu cho thấy tôi vẫn chưa thật tha thứ cho anh ấy? Đó là trăn trở của một chị em trong Chúa khi nghĩ đến những lời nói tổn thương của chồng.

Điều tôi thấy trong hôn nhân của chúng ta cũng như trong những mối quan hệ tương tự khác đó là một trận chiến tìm kiếm sự thánh khiết, nhất là trong việc không phạm tội khi người kia phạm lỗi với mình. Đây là một trận chiến thường thấy trong hôn nhân của người tin Chúa khi chúng ta muốn sống đúng theo lời dạy của Thánh kinh và theo đuổi sự thánh khiết.

Một trong những trận chiến giành lấy sự thánh khiết và tình yêu trong hôn nhân Cơ Đốc là một trận chiến không phạm tội khi đối diện với sai phạm của chồng hay vợ của mình, đó có thể là những lời nói tổn thương, hay không nói những lời đáng nói… Dĩ nhiên, vấn đề phức tạp ở đây là chúng ta thường thấy lỗi của người khác dẫu lời nói hay hành vi của họ không thể hiện sự cố ý phạm tội, và khi chúng ta cố gắng tha thứ cho họ, chúng ta lại bị chỉ trích vì bản thân họ chẳng thấy họ sai điều gì với chúng ta. Vì thế, việc tha thứ của chúng ta giống như buộc cho họ cái tội mà họ không hề thấy có lỗi.

Một Trận Chiến Phức Tạp

Trận chiến giành lấy sự thánh khiết trong hôn nhân và trong những mối quan hệ khác không đơn giản là né tránh việc phạm tội với người khác nhưng là tránh xa tội khi phản ứng với tội của người khác. Thường khi phạm tội với ai đó, chúng ta hay mạnh mẽ biện hộ là do người kia khiến mình phạm tội.

Có thể chúng ta khó nghĩ đến việc xử lý tội của mình vì vấn đề ở đây dường như là người kia mới là người có lỗi. “Luật sư bên trong” bạn đang đứng lên và nói rằng, “Nè, đó là tội của họ. Bạn không có lỗi gì hết” khi mà thực ra, vấn đề lớn nhất của tôi bây giờ là tội của chính mình.

Có thể chúng ta tự biện hộ cho cảm xúc, tự thanh minh cho tổn thương hay phẫn nộ của bản thân. Vì thế, bạn có thể thấy giây phút đầy cảm xúc này phức tạp đến chừng nào khi có sự biện hộ cho việc làm sai trái của bản thân. Chúng ta thấy người kia phạm lỗi với mình và rồi cái tôi trong lòng lại nổi lên khiến chúng ta phạm tội khi đáp lại với sai phạm của người khác.

Theo Đuổi Sự Thánh Khiết

Câu hỏi của người chị em trong Chúa này đóng một phần quan trọng trong một vấn đề lớn hơn và rất phổ biến ở hầu hết các mối quan hệ lâu dài, nhất là trong hôn nhân, nơi mà chúng ta không thể nào tránh khỏi việc nói hay làm điều gì đó khiến người khác tổn thương, thất vọng, nổi giận.

Một trong những vấn đề quan trọng nhất mà tôi thấy trong mọi mối quan hệ, nhất là trong hôn nhân, là trách nhiệm của tôi trước Chúa về phản ứng của chính mình trước những hành vi của vợ, chứ không phải về hành vi của vợ. Đó mới là trách nhiệm của tôi.

Thường khi mới bắt đầu mối quan hệ, chúng ta dễ có xu hướng muốn chỉnh lại tất cả những gì khiến mình cảm thấy không thích, bực bội, thất vọng, hay không đúng với ý mình. Tôi phải sửa người kia lại, giúp họ không làm những việc khiến tôi khó chịu, bực bội, hay phải làm theo đúng ý tôi, thay vì nhận ra trách nhiệm đầu tiên trước Chúa và thách thức đầu tiên của tôi trong sự thánh khiết là không phải khiến người bạn đời tôi thay đổi nhưng chính tôi phải được thay đổi trước để có thể lấy sự khiêm nhường, yêu thương, tin kính, theo cách giống như Chúa mà đáp ứng lại với những lời tổn thương đó.

Lấy Thiện Báo Ác

Đối với tôi, dường như thách thức của Tân ước đối với hết thảy chúng ta là không lấy ác trả ác:

“Đừng lấy ác trả ác, cũng đừng lấy rủa sả trả rủa sả; trái lại, phải chúc phước, ấy vì điều đó mà anh em được gọi đến để hưởng phước lành.” (1 Phi-e-rơ 3:9)

“Làm ơn cho kẻ ghét mình.” (Lu-ca 6:27)

“Khi bị rủa sả, chúng tôi chúc phước; khi bị bắt bớ, chúng tôi nhịn nhục.” (1 Cô-rinh-tô 4:12-13)

Chúng ta phải có sự thỏa lòng sâu sắc, ngọt ngào và mạnh mẽ trong Chúa đủ để có thể đáp ứng được như vậy. Đó mới là vẻ đẹp tuyệt vời của đời sống Cơ Đốc. Sự thỏa lòng trong Chúa sâu đậm, ngọt ngào và mạnh mẽ đó sẽ giúp chúng ta bày tỏ tuyệt vời về Chúa.

Chúng ta phải có Chúa là nguồn sự sống của chính mình để có thể đáp ứng cách khích lệ, trong sự hy vọng và khôn ngoan với người cư xử không tốt với chúng ta, thay vì nổi giận, tự thương hại, gào khóc, buồn bực và suy nghĩ tiêu cực, chiến tranh lạnh, hay chẳng còn vui tươi nữa. Mỗi ngày chúng ta đều làm thương tổn nhau, đều làm cho thất vọng lẫn bực tức ở những mức độ khác nhau. Thách thức lớn trong đời sống Cơ Đốc là làm sao có được sự thỏa lòng thật và vui trong mối thông công với Chúa và lời Chúa hứa với chúng ta là trong Ngài chúng ta sẽ không suy kiệt bởi những thất vọng trong mối quan hệ với người khác.

Tránh Oán Giận

Khi Phao-lô bị đòn 39 roi, ngay cả sau khi ông tha thứ cho người đã bắt bớ mình, trên lưng ông vẫn còn hằn đau vết sưng, vết rách của những lằn roi suốt trong nhiều tuần. Cũng vậy, vết đau về thể xác lẫn tinh thần vẫn sẽ kéo dài ngay cả sau khi chúng ta quyết định tha thứ. Dĩ nhiên vết đau này không phải là tội. Thế nhưng, tất cả chúng ta đều biết rằng sự đau đớn thể xác và nhất là tình cảm có thể trở nên sự oán giận, bực tức và cay đắng. Sự chuyển biến này có thể rất tinh vi đến nỗi chúng ta khó có thể nhận ra khi nó đến. Đó là lý do khiến người nữ Cơ Đốc kia đặt câu hỏi. Rất khó có thể nhận ra khi nào sự đau đớn có thể chuyển thành sự ích kỷ, cay đắng và oán giận.

Tôi chỉ muốn kết luận bằng bốn lời khuyên ngắn gọn cho tất cả chúng ta để những đau đớn và buồn bã của chúng ta không biến thành sự oán giận đầy tội lỗi, không thể tha thứ được.

  1. Hãy làm như cách Chúa Giê-xu đã làm trong 1 Phi-e-rơ 2:23, thay vì lấy ác báo ác, Ngài đã phó mình cho Đấng xử đoán công bình. Chúng ta cũng hãy giao mọi sai phạm mà người khác đã làm với mình cho Chúa, là Đấng có khả năng xét xử mọi việc trong sự công bình và khôn ngoan hơn chúng ta.
  2. Đừng để tâm trí mình nghĩ đến những tổn thương, những hành động tiêu cực. Hãy chủ động nghĩ đến điều chân thật, công bình, thanh sạch, đáng yêu chuộng – với sự nhận thức về tình yêu và sự tha thứ vô lượng của Chúa dành cho mình, là kẻ chẳng xứng đáng gì.
  3. Bỏ đi những xu hướng muốn hành hạ hay làm tổn thương chồng hay vợ bằng hành động, lời nói, ánh mắt, hay sự im lặng.
  4. Sốt sắng tìm dịp làm điều tốt cho người chúng ta đã tha thứ. Dấu hiệu thật sự bày tỏ sự tha thứ là không tìm cách hình phạt người khác nhưng tìm cách làm điều tốt cho họ.

Tác giả: MS John Piper

Thảo Anh lược dịch
Nguồn: DesiringGod.org

Phát Huy Những Phẩm Chất Tin Kính Trong Con Em Chúng Ta

Những phẩm chất tin kính nào mà Đức Chúa Trời muốn chúng ta phát huy cho con cái? Không cần phải suy đoán, chính Kinh Thánh đã nói một cách cụ thể: “Hỡi người! Ngài đã tỏ cho ngươi điều gì là thiện; cái điều mà Đức Giê-hô-va đòi ngươi há chẳng phải là làm sự công bình, ưa sự nhân từ và bước đi cách khiêm nhường với Đức Chúa Trời ngươi sao?” (Mi-chê 6:8). Đây là ba nguyên tắc để đánh giá đức tính của con em chúng ta.

1. Con cái chúng ta có tập tành làm điều công chính không?

Đó là tinh thần chân thật, công bằng với người khác, kính trọng, quan tâm người khác và can thiệp để bênh vực kẻ yếu thế, bị tổn thương và áp bức? (hay chúng thỏa hiệp trong những hành vi vô đạo đức,vô liêm chính và thụ động chấp nhận những sự ngược đãi trong xã hội đối với những người mà Đức Chúa Trời bảo chúng ta phải lên tiếng bảo vệ.)

2. Con cái chúng ta có tập tành lòng nhân từ đối với người khác không?

Đó là bén nhạy với nhu cầu tâm linh lẫn vật chất với người khác trong gia đình, trường học, công đồng, xã hội và thế giới và đáp ứng nhu cầu ấy bằng tình yêu và lòng thương xót không. (Hay chúng cũng là đồng bọn với những kẻ hất hủi kẻ cô thế hoặc quá mải mê trong những sinh hoạt cá nhân, những sở thích và tài sản của mình mà chúng không thấy hoặc không quan tâm đến những người bị tổn thương chung quanh mình.)

3. Con chúng ta có bước đi một cách khiêm nhường với Đức Chúa Trời không?

Đó là nhận biết rõ Đức Chúa Trời và có mối tương giao mật thiết với Ngài mỗi ngày, và luôn tập tành lòng khiêm nhường để Chúa làm chủ và sống trong tinh thần phục vụ như Chúa đối với người khác. (Hay chúng cũng dành nhiều thì giờ với Chúa nhưng rồi lại quá tự hào và tự mãn mà không nhận ra rằng chúng rất cần sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời để làm tất cả những gì đáng phải làm.)

Dạy dỗ con cái Lời Đức Chúa Trời là cần thiết tuyệt đối nhưng vẫn chưa đủ. Nền tảng vững chắc cho một cuộc đời không phải chỉ là nghe Lời Chúa mà còn phải làm theo nữa (Ma-thi-ơ 7:24-27). Là cha mẹ, chúng ta cần phải dạy con cái chân lý, lẽ thật nầy phải được bày tỏ qua chính đời sống riêng của mình, dạy con qua cách chúng ta áp dụng và vâng lời Đức Chúa Trời. Lẽ thật được bày tỏ qua lúc chúng ta ở riêng với Chúa, lẽ thật được bày tỏ qua sự tha thứ của Chúa được áp dụng ngay trong gia đình. Lẽ thật về rao truyền Phúc Âm được bày tỏ qua cách chúng ta chịu khó làm chứng cho người xung quanh… Là bậc phụ huynh, chúng ta làm sao để các con chúng ta nhìn thấy được lẽ thật được phô bày thực tế, đừng để chúng chỉ nghe chúng ta nói huênh hoang nhưng không thấy chúng ta thực hành những chân lý ấy. Nhiều khi chúng sẽ thất vọng về những gì chúng ta dạy dỗ chúng mà chúng ta không thể làm theo những gì chúng ta dạy chúng.

Nếu cha mẹ chỉ dạy con bằng lời nói mà không làm gương cho con trong tinh thần tận tâm, sống công bình, khôn ngoan, can đảm theo Lời Chúa, thì các con sẽ rơi trong tinh thần coi thường chúng ta, không quan tâm thậm chí còn coi thường Lời Chúa nữa. Chúng sẽ trở nên những Cơ Đốc nhân hữu danh vô thực, hay vô tín (chối bỏ lẽ thật).

Sự khôn ngoan là biết cách áp dụng chân lý Chúa vào nếp sống hàng ngày. Trong Kinh Thánh, có một sách như là cha mẹ viết cho con cái, giúp cho con cái có lòng khôn ngoan, đó là sách Châm Ngôn. Học hỏi, nghiên cứu, áp dụng phải là việc chính yếu cho vấn đề dạy con. Sách chứa đựng hàng trăm lời hướng dẫn cho nếp sống hàng ngày. Sách ấy không những dạy điều đúng, điều sai mà còn dạy điều đúng là khôn ngoan và điều sai là ngu dại nữa. Sách đã cung cấp cho con cái lẫn cha mẹ gấp đôi những động cơ khiến chúng ta biết cách sống công chính.

Trong bữa ăn tối gia đình, hãy đọc một câu hay một phân đoạn trong Châm Ngôn, chú ý điểm trọng tâm và bảo các con hãy nói lại ý đó bằng ngôn ngữ của chúng, tìm những thí dụ cụ thể, thực tế để thực hành và bảo các con hãy suy nghĩ và tìm ra điều gì đó để minh họa chân lý nầy trong vòng 24g, sau đó sẽ tường thuật lại cho cả nhà nghe. Việc làm nầy rất ích lợi cho các con có thể áp dụng chân lý Chúa một cách thực tế, và chứng minh rằng chúng yêu lời Chúa và yêu Chúa là Đấng mà chúng đang phục vụ.

Hãy chạy cho xong cuộc đua, đừng dừng lại và hãy chuyển cho con cháu chúng ta những điều nầy với tấm lòng quan tâm và tích cực. Chắc chắn ở cuối quãng đường sẽ xuất hiện những cuộc đời mới trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời, và chúng ta sẽ được Ngài khen thưởng: “Hỡi đầy tớ ngay lành, trung tín, hãy đến nhận phần thưởng ngươi.”

Phục Truyền 6:5-7 dạy: “Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi. Các lời mà Ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng ngươi. Khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi, và ngươi phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chổi dậy.”

Thanh Khiết dịch
Nguồn: https://www.epm.org/blog/2015/Jan/19/godly-qualities-children

Podcasts

Latest sermons