Trang chủ Blog Trang 60

Năm Điều Mỗi Cặp Vợ Chồng Cần Phải Làm

by Debra Fileta

“Bạn cần đầu tư thời gian cho hôn nhân của bạn”

Nếu bạn đã có gia đình thì đây có lẽ là câu bạn đã nghe ít nhất một lần. Thật vậy, gần đây tôi đã thăm viếng một người bạn thân và đã đề cập đến vấn đề này khi nói chuyện về đời sống hôn nhân của mỗi người. Cuộc trò chuyện xoay quanh ý tưởng mà người ta thường khuyên các cặp vợ chồng: “Hãy đầu tư thì giờ cho hôn nhân” mà không cắt nghĩa điều đó thực sự có nghĩa là gì.

Khái niệm “đầu tư thì giờ cho hôn nhân” nghe có vẻ một ý tưởng cao quí, nhưng có thể nó trở thành xa vời đối với nhiều cặp vợ chồng, đặc biệt là khoảng thời gian mười năm đầu trong hôn nhân. Hãy suy nghĩ đến những điều đã diễn ra trong vài năm đầu của hôn nhân bạn. Có lẽ bạn cũng giống chúng tôi, nào bạn phải nuôi con nhỏ, thiếu ngủ, mệt mỏi trong công việc, xoay xở tài chính cho gia đình, nấu ăn, và cố gắng giữ nhà cửa cho ngăn nắp, sạch sẽ… Giữa cuộc sống bận rộn như thế, thật khó mà hình dung ra làm sao để có thể làm thêm một việc nữa là “đầu tư” thì giờ hay sức lực cho hôn nhân.

Là một nhà tư vấn chuyên nghiệp, tôi biết rằng nếu đưa ra những lời khuyên chung chung rằng hãy đầu tư cho hôn nhân thì chỉ làm cho người ta nản lòng hơn là khích lệ. Như vậy, nói một cách thực tế, giữa cuộc sống bề bộn và vượt khỏi tầm với, thì “đầu tư cho hôn nhân” thực sự có nghĩa là gì? Đây là mấy việc nhỏ cần làm để đầu tư cho hôn nhân của bạn:

Hòa hợp tâm linh

Một trong những khía cạnh tốt đẹp nhất trong hôn nhân là cơ hội hòa hợp với người phối ngẫu về tâm linh và cảm xúc. Hơn nữa, quà tặng mà hôn nhân Cơ Đốc đem lại là sự hòa hợp, kết nối không chỉ với nhau thôi, mà còn kết nối với một Đức Chúa Trời thánh khiết, toàn năng nữa. Thường thường, các cặp vợ chồng Cơ Đốc có khuynh hướng xem nhẹ sự hòa hợp tâm linh, họ quên rằng một trong những giây phút thân mật, gần gũi nhất trong hôn nhân chính là khi chúng ta chia sẻ tâm tư, nói cho nhau biết những gì trong ở tâm linh chúng ta, và về mối tương giao của chúng ta với Đức Chúa Trời.

Tôi có thể nói một cách chân thành với bạn rằng những thì giờ thân mật có được với chồng tôi là khi chúng tôi ngồi với nhau vào cuối ngày, tay trong tay và cầu nguyện về những gì diễn ra trong đời sống chúng tôi. Đó là việc tuy đơn giản nhưng lại có kết quả siêu nhiên, kỳ diệu. Nếu trông mong một cách nào thực sự mạnh mẽ để đầu tư cho hôn nhân thì hãy dành thì giờ hằng tuần hay mỗi ngày để cầu nguyện với nhau và chia sẻ với nhau về những gì Chúa đang làm trong đời sống mỗi người.

Trò chuyện thường xuyên hơn

Dù bạn có tin hay không thì sự thật là một cặp vợ chồng trung bình chỉ dành có vài phút trong ngày là thực sự truyền thông tích cực và có ý nghĩa thôi. Người ta cũng cho biết rằng truyền thông ngày càng giảm sút và giảm sút mỗi năm trong đời sống hôn nhân. Tôi không biết bạn như thế nào nhưng nghe điều này làm tôi buồn lắm, vì thật là niềm vui khi bạn có thể truyền thông, nói chuyện thân mật với người phối ngẫu của bạn. Khi truyền thông đối thoại, điều quan trọng là nhận biết có nhiều mức độ khác nhau trong sự trò chuyện. Truyền thông trong công việc, sự kiện là mức độ truyền thông hời hợt nhất, sau đó là những ý kiến hay tư tưởng và mức độ sâu sắc nhất là chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc với nhau. Điều này có thể không thoải mái đối với một số người, tùy thuộc vào bối cảnh xuất thân hoặc cách truyền thông, đối thoại mà họ vốn đã quen thuộc.

Sự thật, mỗi mức độ truyền thông đối thoại đều quan trọng và cần phải cẩn trọng khi trò chuyện. Nếu bạn muốn làm một điều nhỏ mà có ảnh hưởng lớn trong hôn nhân thì hãy dành 10-20 phút mỗi ngày để ngồi đối diện với người phối ngẫu với mục đích duy nhất là để truyền thông. Đừng để thì giờ này trở thành thì giờ để thảo luận về sự xung đột hay nan đề, nhưng chỉ để hiểu nhau, bắt kịp những suy nghĩ cảm xúc giữa hai vợ chồng mà thôi. Hãy hỏi những câu hỏi mở như: Điều gì làm cho em (hay anh) thấy vui thích nhất ngày hôm nay? Anh (hay em) có thể giúp em (hay anh) việc gì trong tuần này?…Mục tiêu của thì giờ này là để vui hưởng hạnh phúc với nhau và khích lệ lẫn nhau.

Thường âu yếm, đụng chạm nhau hơn

Trước khi chúng tôi có con cái, tôi nhớ đã có lần quan sát vợ chồng người bạn đang chăm sóc con cái. Tôi nhận thấy rằng ngoài việc cho con ăn mỗi bữa ăn và giữ cho chúng chơi đùa trong lúc chúng tôi đến thăm, họ hiếm khi đụng chạm thể xác với nhau, cũng không nắm tay nhau, không ôm nhau, cũng không choàng vai với nhau. Rồi vài năm sau, khi có vài đứa con, tôi hoàn toàn hiểu được những khó khăn, tranh chiến trong việc âu yếm, đụng chạm thể xác với người phối ngẫu bởi vì chúng ta bị chi phối, lôi kéo từ nhiều hướng khác nhau.

Tuy nhiên, cho dù phải trải qua những giai đoạn khó khăn trong đời sống, sự âu yếm đụng chạm thế thể xác là phần quan trọng để đầu tư xây dựng cho hôn nhân của bạn. Hãy kiểm tra lại hôn nhân của bạn và tìm thì giờ (hay cả thời khoá biểu nữa) để có thể nắm tay nhau, hôn thường xuyên hơn, chuyện chăn gối hay ngay cả làm điều gì đó đơn giản thôi như chạm vai người phối ngẫu đang nấu nấu ăn khi đi ngang qua nhà bếp. Âu yếm, đụng chạm thể xác là truyền tín hiệu đến người
phối ngẫu ngẫu của bạn biết rằng bạn đang chú ý đến nàng ((hay chàng), bạn thích và muốn gần gần gũi với nàng (hay chàng). Hãy nói chuyện với nhau về sự đầu tư quan trọng đó trong hôn nhân.

Nhận lỗi và tha thứ thường xuyên hơn

Khi nói về sự nhận lỗi và tha thứ trong Hội thánh, tôi tin rằng chúng ta thường thất bại khi áp dụng trong bối cảnh hôn nhân của chúng ta, bởi vì thành thật mà nói, đây việc khó! Ý tưởng về sự tổn thương và chia sẻ những yếu đuối, khuyết điểm của bạn với người khác có thể là điều khó nuốt…cũng chính vì lý do đó mà Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta phải làm. Thực hành bỏ đi sự kiêu ngạo của chúng ta qua hành động nhận lỗi sẽ mở ra cơ hội để tha thứ nhau, là bí quyết để giữ cho hôn nhân bền vững. Tôi thấy trong thực tế những cặp vợ chồng thỏa lòng nhất trong hôn nhân không phải là những người ít có sự bất đồng, mà họ là những người sẵn lòng tha thứ cho nhau. Đức Chúa Trời đã tha thứ cho mỗi chúng ta quá nhiều và những ai sống trong sự tự do ấy sẽ tự do để tha thứ cho người khác. Đầu tư cho hôn nhân của bạn bằng cách tra xét lòng mình thường xuyên hơn, hãy thành thật với người phối ngẫu của bạn về những điều bạn mong ước thay đổi và những lãnh vực bạn cần được tha thứ.

Đi chơi với nhau mỗi tuần

Người ta thường khuyên các cặp vợ chồng “hãy cầu nguyện với nhau, ở với nhau”. Nhưng tôi nghĩ cũng cần khuyên các cặp vợ chồng hãy chơi với nhau, đùa giỡn với nhau nữa! Cuộc sống bận rộn, với những bức xúc trong đời sống có thể khiến chúng ta không nhìn thấy rằng Đức Chúa Trời muốn chúng ta vui hưởng hạnh phúc với nhau trong đời sống mà Ngài ban cho chúng ta. Đầu tư cho hôn nhân của bạn bằng cách một lần trong tuần dành thì giờ đi ra ngoài (hoặc ở trong nhà nếu bạn không có thì giờ ngồi với nhau) và làm việc gì đó chung với nhau cho vui! Chơi game trong sàn nhà phòng khách, đi ăn tối vui vẻ với nhau, đi bộ đường dài, đi picnic và ăn trưa, hay đi xem kịch. Có rất nhiều điều có thể làm để đầu tư cho hôn nhân, và điều bạn đang làm quan trọng không bằng người mà bạn muốn làm cho họ. Hãy nhen lại tình yêu của bạn với người phối ngẫu bằng cách nhen lại tình bạn với người bạn đời của mình. Đầu tư cho hôn nhân của bạn có nghĩa là làm những việc nhỏ có chủ đích, nhưng cuối cùng nó sẽ đem lại một ảnh hưởng lớn lao trong hôn nhân. Dù bạn mới kết hôn mới năm ngày hay đã kết hôn 50 năm, thì sẽ không quá sớm hay quá trễ để bắt đầu một sự thay đổi trong hôn nhân của bạn.

Trịnh phan dịch
Nguồn: http://www.crosswalk.com/home-page/todays-features/5-things-every-married-couple-should-do.html

Năm Nguyên Tắc Kỷ Luật Con Cái

Melissa Kruger

Trước khi có con, tôi làm việc nhiều năm trong vai trò nhà tư vấn trại và giáo viên một trường trung học thật lớn. Cả hai môi trường nầy dạy tôi biết tầm quan trọng của kỷ luật trong sự phát triển của trẻ. Nếu không có tổ chức và nội quy, trại hè sẽ nhanh chóng chuyển thành một phiên bản nào đó của Chúa Ruồi (tiểu thuyết thể loại giả tưởng tự biện của William Golding, đạt giải Nobel văn chương năm 1983-ND). Thiếu kỷ luật trong lớp, học sinh sẽ không bao giờ có cơ hội học hỏi.

Qua những tháng năm làm việc với trẻ, năm nguyên tắc chỉ đạo đã giúp ích cho tôi trong vai trò nhà tư vấn, giáo viên, và đặc biệt là người mẹ. Dù không phải mọi phương pháp đều hiệu quả đối với trẻ, nhưng tôi thấy các phương pháp sau đây hiệu quả với nhiều trẻ, không phân biệt tuổi tác, giới tính hoặc tính khí.

1. Dạy theo cách chủ động thay vì đối phó.

Trẻ em cần được dạy lẽ phải cũng như cần được sửa sai. Những câu chuyện Kinh Thánh, những sự việc thường ngày, và cả những lỗi lầm là cơ hội để đặt câu hỏi: “Phải làm sao mới đúng?” Cho phép trẻ nói lên cách hành động đúng sẽ giúp trẻ hiểu rõ hơn, thay vì chỉ nghe bạn dạy bảo.

Lúc các con của tôi còn nhỏ, trước khi bước vào cửa hàng tạp hóa, tôi thường hỏi vui: “Các con có tính cư xử giống như bọn du côn trong cửa hàng nầy không?” Đương nhiên chúng sẽ đáp: “Dạ không!” Tôi hỏi tiếp: “Vậy thì bọn du côn làm gì khi vào cửa hàng nào?” Chúng sẽ kể ra đủ kiểu hành động như: chạy quanh cửa hàng, không nghe lời mẹ, leo lên xe đẩy để đứng, hỏi xin kẹo, la ó om sòm, cộng thêm một lô ý tưởng ngớ ngẩn khác.

Chủ động ôn trước những cách ứng xử trong cửa hàng sẽ giúp trẻ vâng lời. Mỗi ngày, trẻ con cần được nhắc nhở cách chơi với bạn, cách ứng xử nơi công cộng, cách đáp lại cử chỉ bất lịch sự, và cách nói lời xin lỗi. Nếu lúc nào chúng ta cũng nói “Đừng làm như vậy” mà không bảo “Hãy làm như vầy nè,” thì con chúng ta sẽ càng chán nản vì không biết làm sao mới là hành động đúng.

2. Hình phạt lẫn khen thưởng.

Khi lập giao ước với dân Y-sơ-ra-ên, Đức Chúa Trời đặt trước mặt họ cả phước lành lẫn rủa sả (Phục 30). Ngài báo trước rất rõ phước hạnh của sự vâng lời lẫn hậu quả của sự bất tuân. Trong lúc dạy con, chúng ta cũng nên làm như vậy.

Một số cha mẹ ngại ban thưởng vì nghĩ như vậy là giống như hối lộ. Tuy nhiên, phần thưởng và hối lộ về cơ bản khác nhau ở thông điệp chúng truyền tải. Phần thưởng khích lệ và khen thưởng hành vi đúng. Còn hối lộ là ban thưởng và khuyến khích hành động sai quấy. Cả hai thường có vẻ giống nhau, cho nên chúng ta hãy xem thí dụ sau đây.

Một bé 18 tháng tuổi không chịu ngồi trong xe đẩy ở cửa hàng tạp hóa. Nếu hối lộ bé, thì câu chuyện sẽ như sau: Mẹ và bé vào cửa hàng. Mẹ tìm cách đặt bé ngồi vào xe đẩy. Bé la hét, giận dữ và đá vào mẹ. Mẹ vẫn ấn bé xuống nhưng không được. Chán nản, bà nhìn vào ví, thấy có cây kẹo que, đưa cho bé để bé chịu ngồi yên.

Ngược lại, phần thưởng sẽ như sau: Trước khi xuống xe hơi, mẹ nhìn vào mắt bé và nói: “Mẹ biết nhiều lúc ngồi xe đẩy của cửa hàng thật khó chịu. Nếu con chịu ngồi yên trong xe đẩy, mẹ sẽ có quà cho con. Con có ngoan ngoãn giúp mẹ hôm nay không?” Bé đáp: “Dạ được,” và trông chờ quà ngạc nhiên từ mẹ. Hai mẹ con dạo trong cửa hàng, bé ngồi yên trên xe đẩy và nhìn thấy mẹ có kẹo que. Mẹ hứa nếu bé chịu ngồi yên và ngoan ngoãn thì bé được ăn cây kẹo que ngay trên đường về.

Trong tình huống thứ nhất, trẻ làm chủ tình hình. Về bản chất, trẻ được thưởng nhờ gào thét, la ó, đạp đá lung tung. Trong tình huống thứ hai, mẹ cứng rắn làm chủ tình hình, và trẻ được thưởng nhờ ứng xử đúng mức. Phần thưởng giúp con chúng ta cuối cùng hiểu được sự nhân từ trong đường lối của Đức Chúa Trời, đó là Ngài ban thưởng cho công sức của chúng ta (Cô-lô-se 3:23-24).

3. Cương quyết thực thi những qui luật đã đưa ra.

Lúc tôi bắt đầu dạy học, một số học sinh chỉ thua tôi năm tuổi. Tôi nhận biết mình phải củng cố qui luật để buộc chúng tôn trọng tôi. Chúng cần phải tin tôi nói “có” là “có” và nói “không” là “không,” để duy trì trật tự trong lớp học.

Với con cái chúng ta cũng vậy. Nếu bạn bảo con mình nếu nó đánh bạn bè thì sẽ phải rời khỏi công viên, thì bạn phải làm như vậy khi nó đánh ai đó. Nếu bạn bảo con trai không được xem phim khi chưa dọn dẹp giường ngủ, thì phải áp dụng như vậy khi nó không vâng lời. Con chúng ta cần biết rằng chúng ta nói là làm- cho dù điều đó không dễ dàng.

Dẫu vậy, tôi cũng cần lưu ý: Chỉ đưa ra biện pháp nào mà bạn sẵn sàng thực thi. Nếu bạn thực sự muốn đưa con đi xem phim hoặc chơi trong công viên, còn không thì hãy nghĩ ra một biện pháp khác thích hợp hơn với tình huống.

Tất cả chúng ta đều phải chấp nhận rằng hiếm có cơ hội thuận tiện để kỷ luật con cái. Chúng thường bất tuân khi chúng ta bận làm gì đó, nên không muốn dừng tay để yêu thương sửa dạy chúng. Thế nhưng kết quả của việc trung tín kỷ luật chúng đáng cho chúng ta phải hy sinh để kỷ luật. Tôi xin hứa như vậy.

4. Phương pháp kỷ luật phải hiệu nghiệm.

Những gia đình khác nhau thì dùng nhiều phương pháp kỷ luật con cái khác nhau. Thật ra, ngay cả trong cùng một gia đình, con cái vẫn cần nhận những hậu quả khác nhau. Tuy nhiên, cho dù là phương pháp nào đi nữa, chúng ta cũng biết nên rằng “Tất cả sự sửa phạt lúc nầy dường như chỉ làm cho đau đớn chứ không phải là vui mừng, nhưng về sau sinh ra bông trái công chính và bình an cho những người đã chịu luyện tập như vậy” như Hê-bơ-rơ có chép.

Dù bạn dùng phương pháp kỷ luật nào đi nữa thì chắc hẳn là sẽ gây khó chịu đối với con bạn. Cần nói rõ là kỷ luật không phải để lạm dụng trẻ, hoặc để cha mẹ con “trút giận” lên con cái. Kỷ luật là vì lợi ích của trẻ chứ không nhằm giải quyết cơn tức giận của cha mẹ. Nếu bạn tức giận hoặc thất vọng thì hãy chờ bớt giận rồi hãy sửa dạy con.

Trong gia đình chúng tôi, giai đoạn đầu của kỷ luật là la rầy nghiêm khắc, rồi nhắc đến hậu quả. Chúng tôi đem con ra khỏi tình huống, đặt mình ở trình độ của con, và nghiêm khắc nói cho con biết cách ứng xử của nó là không đúng. Nếu nó không nghe lời cảnh cáo, thì chúng tôi thường cách ly nó theo số phút thích hợp với độ tuổi của nó. Nếu nó không chịu cách ly hoặc vẫn ngoan cố sau khi bị cách ly, thì mới dùng roi.

Khi con đã lớn, những phương pháp nầy giảm hiệu nghiệm, cho nên cần đánh giá lại. Cắt giảm đặc quyền, phạt bằng tiền (do gây hư hại hoặc làm đổ vỡ), hoặc bắt làm thêm việc nhà, có hiệu quả hơn đối với trẻ lớn. Dù là cách kỷ luật nào đi nữa cũng cần phải hiệu quả đối với chính cá nhân trẻ.

Thực tế nầy là điều khó cho bậc làm cha mẹ. Tôi thích thấy con mình vui vẻ và thấy đau lòng khi làm cho chúng khổ sở. Thế nhưng lời hứa trong Hê-bơ-rơ 12:11 xoa dịu nỗi sợ của chúng ta. Sẽ có mùa gặt công chính và bình an cho trẻ được nuôi dạy bằng kỷ luật. Chúng ta chúc phước cho con mình khi yêu thương đủ để kỷ luật chúng.

5. “Bắt quả tang” trẻ làm điều đúng.

Tôi thấy đây là phương pháp hiệu quả để khích lệ trẻ. Tôi thường dạy trẻ 4 tuổi ở nhà thờ. Cách nhanh nhất buộc cả đám ngồi yên là nói: “Các con nhìn đây nè! Cô thích cách Sarah ngồi để hai tay lên đùi, chờ nghe kể chuyện kìa.” Ngay lập tức, 15 đứa trẻ khác cũng bắt chước ngồi để tay lên đùi, chờ nghe kể chuyện.

Khen ngợi là dụng cụ hiệu quả và là phước hạnh đối với trẻ. Lời khen giúp chúng biết đâu là điều phải, và đồng thời cho biết bạn quan tâm tới trẻ. Tất cả chúng ta đều muốn người chủ nhìn thấy điều tốt mình làm để khen, chứ không chỉ để sửa sai. Cũng vậy, con cái chúng ta cần chúng ta theo dõi mọi hành vi đúng, từng hành vi một, cũng như điều chỉnh từng hành vi sai trật.

Loại khích lệ nầy đặc biệt quan trọng đối với trẻ có vấn đề về ứng xử hoặc trẻ đang ở giai đoạn ương ngạnh nghiêm trọng. Lỗ tai chúng rất thính đối với lời khen đơn giản nhất. Hãy theo dõi chúng trong từng hành vi – từng điều – hợp lý theo khả năng của bạn.

Nguyên tắc Quan trọng Nhất

Các nguyên tắc kỷ luật nầy đã giúp ích cho vợ chồng tôi, nhưng cũng có giới hạn. Chỉ Đức Chúa Trời mới có thể thay đổi tấm lòng con cái chúng ta. Mọi sự khôn ngoan trong cách nuôi dạy con trên đời đều không thể cứu hoặc biến cải được con cái chúng ta, mà chỉ một mình Chúa Giê-xu mới làm được điều đó.

Trong khi chúng ta tìm cách sử dụng thật khôn ngoan mọi phương pháp nuôi dạy con, thì điều quan trọng nhất có thể làm được là dành thời gian đọc Kinh Thánh và cầu nguyện, xin Đức Chúa Trời hướng dẫn mình. Ngài lắng nghe, Ngài thấu hiểu và Ngài hứa thành tín cung ứng mọi sự khôn ngoan chúng ta có cần (Gia-cơ 1:5). Ước mong chúng ta tìm kiếm Ngài, cầu xin Ngài hành động trong lòng con cái mình.

Người dịch: Khue Tran
Nguồn: https://www.thegospelcoalition.org/article/5-principles-for-disciplining-your-children

Khi Bạn Bất Đồng Với Người Phối Ngẫu Về Cách Nuôi Dạy Con

Tác giả: Chap Bettis

Phải làm gì khi vợ chồng bất đồng về cách nuôi dạy con?

Các cặp vợ chồng mới cưới thường đối diện với những khác biệt khá phổ biến, chẳng hạn như bóp ống kém đánh răng từ đáy ống đi lên hay bóp ở đầu ống, hoặc rút giấy vệ sinh theo hướng nào. Trong việc nuôi dạy con cái, vợ chồng cũng gặp phải những mâu thuẫn phổ biến tương tự, chẳng hạn chúng ta nên chọn những sinh hoạt nào và bao nhiêu là đủ? Tụi nhỏ có thể chơi trước khi làm xong những việc vặt chúng phải làm không? Con cái cũng làm việc vặt nữa sao? Phải làm gì khi chúng không ăn hết cơm?

Bất đồng trong cách nuôi con có thể thường xuyên xảy ra. Xét cho cùng, cha mẹ Cơ Đốc nghiêm túc trong việc dạy con sẽ có những phương pháp khác nhau liên quan đến cách dạy con, kỷ luật con và liên quan đến những quyết định cá nhân của mỗi người dành cho con của mình.

Sáu đề nghị

Dưới đây là sáu đề nghị nhằm giúp bạn và người phối ngẫu có thể thống nhất – hoặc hướng đến việc đồng thuận- trong phương cách nuôi dạy con.

1. Tôn trọng nhau

Người cha cần cái nhìn của người mẹ và mẹ cần cái nhìn của người cha. Thường thì luôn có điều gì đó giá trị mà mỗi một chúng ta có thể nghe thấy nếu chúng ta chú ý đến điều người kia quan tâm.

2. Nhận biết Kinh Thánh kêu gọi cả cha lẫn mẹ nuôi dạy con cái

Kinh Thánh nói rằng trưởng lão (tức mỗi người nam) phải cai quản chính gia đình mình cho tốt, dạy con cái biết vâng lời và kính trọng (1 Ti-mô-thê 3:4). Nếu con cái hư hỏng và không vâng lời, lỗi là ở người cha (Tít 1:6). Mặt khác, người mẹ được Chúa giao nhiệm vụ chính là môn đồ hóa và uốn nắn tấm lòng con trẻ. Trong hầu hết gia đình, mẹ là người thường có mặt bên cạnh con (Tít 2:3-4).

3. Chống cự cám dỗ tội lỗi

Cám dỗ tội lỗi phổ biến nhất đối với người nam là từ bỏ vai trò lãnh đạo trong gia đình. Có lẽ là vì anh ta không biết phải làm gì, hoặc vì anh ta cảm thấy vợ mình là “chuyên gia” trong việc nuôi dạy con. Đồng thời, người vợ cũng thường giành quyền kiểm soát và đẩy vai trò lãnh đạo cũng như ảnh hưởng của chồng qua một bên một cách tinh vi. Dù người cha vẫn chơi với con, nhưng những quyết định gay go liên quan đến việc nuôi dạy con và đề ra cách giải quyết đều ở người mẹ. Ngược lại, một số ít ông bố có thể bị cám dỗ quá độc đoán, còn mẹ thì thụ động.

Tôi muốn khuyên những người mẹ rằng bạn cần cái nhìn của anh ấy (xem #1), vì Đức Chúa Trời xem anh ấy là chủ gia đình (xem #2). Còn những người cha, quý vị là người chịu trách nhiệm cuối cùng trước mặt Chúa trong việc dẫn dắt gia đình; vì vậy, phải thận trọng.

4. Cùng nhau tìm ra cách nuôi dạy con.

Điều quan trọng là cả vợ chồng cùng học hỏi và bàn luận với nhau. Điều nầy sẽ giúp các bạn quyết định dựa trên một hiểu biết chung. Cùng nhau học tập không bao giờ là vô ích cả! Cám dỗ tội lỗi đối với người làm cha thụ động có thể bắt đầu từ việc không học hỏi chung với vợ, khiến vợ biết nhiều hơn, dẫn tới việc người chồng cảm thấy bản thân mình yếu kém.

5. Tỏ ra nhất trí trước mặt con cái.

Cố gắng đừng tỏ ra bất đồng trước mặt con cái. Hãy cứ đồng ý với quyết định của người kia trước mặt con; rồi nếu cần thì tìm cơ hội thảo luận lại sau.

6. Nhận định mức độ của những bất đồng và hành động thích hợp.

Kinh Thánh kêu gọi vợ thuận phục vai trò lãnh đạo của chồng, và bảo chồng phải yêu thương vợ qua việc tìm cách để hiểu nàng. Cách thực hành những mạng lịnh nầy trong cuộc sống đòi hỏi sự khéo léo. Vợ chồng xử lý bất đồng theo cách nào? Sau đây là những gợi ý nhằm áp dụng cho các vấn đề từ nhỏ tới lớn:

a. Bỏ qua. Đối với những vấn đề nhỏ, có lẽ bạn chỉ cần “bỏ qua.” Bạn có thể tỏ ra quan tâm, nhưng do có biết bao việc phải quyết định mà thời gian lại có hạn, cho nên có một số vấn đề cần giao cho người kia quyết định. Và đối với những quyết định hằng ngày liên quan đến chuyện con cái thì thường là việc của người mẹ. Riêng đối với các ông, cần thận trọng đừng quản lý vợ mình quá mức cần thiết. Còn các bà mẹ sợ bị quản lý thì nên cho qua những quyết định dễ khiến mình căng thẳng.

b. Bàn bạc bất đồng trong phòng riêng. Tôi đã đề cập điều nầy ở mục #4, nhưng có một số quyết định cấp bách thì có thể cần phải bàn bạc riêng. Bạn có thể cần phải tạm gác một vấn đề gây tranh cãi để thảo luận sau.

c. Bàn bạc sau. Một buổi tối đi uống cà phê là cơ hội tốt để đưa ra những vấn đề lớn cần sự thông hiểu cùng mối quan tâm của người phối ngẫu. Hẹn nhau đi uống cà phê là thời gian vô giá suốt những tháng năm chúng tôi nuôi dạy các con.

d. Cầu nguyện chung hoặc riêng cho vấn đề đó. Một số quyết định quan trọng mà bạn đang bất đồng sẽ không còn, khi các bạn cùng cầu nguyện xin Chúa ban sự khôn ngoan như Ngài đã hứa (Gia-cơ 1:5-6).

e. Tìm lời khuyên cá nhân. Trao đổi mọi thắc mắc với những bậc làm cha mẹ và mục sư dày dạn kinh nghiệm. Hãy lắng nghe những ý kiến có thể là bạn không nghĩ tới. Sự khiêm tốn sẽ thúc giục chúng ta tìm kiếm sự hiểu biết mà bản thân mình không nhận ra.

f. Tìm lời khuyên nghiêm túc. Đối với vài vấn đề cực kỳ quan trọng, có thể sự bất đồng quá lớn khiến cả vợ lẫn chồng đều không “chịu thua”. Trong trường hợp nầy, tìm lời khuyên từ những người có chuyên môn là điều hữu ích. I Cô-rinh-tô 6 bảo chúng ta phải trao những tranh cãi cho người tư vấn khôn ngoan xét xử. Trong một Hội thánh lành mạnh, vợ chồng có thể trình sự bất đồng của mình trước mặt một hoặc hai mục sư rồi cứ làm theo lời cố vấn của họ.

Cần nhớ, bất đồng trong việc nuôi dạy con là chuyện không thể tránh được. Đừng để phải chia rẽ nhau vì chuyện này.

Khue Tran dịch
Link nguồn https://www.crosswalk.com/family/parenting/when-you-don-t-agree-with-your-spouse-on-child-rearing.html

10 Điều Ngầm Phá Hủy Hôn Nhân Mà Chúng Ta Không Nhận Biết

  1. Dồn nén cảm xúc của bạn

Đôi khi tôi có khuynh hướng chôn giấu cảm xúc của tôi. Nhưng tôi học được là tốt nhất nên nói ra những cảm xúc quấy rầy tôi bây giờ hơn là để nó nổ tung vài tháng sau đó. Thất bại trong sự đối thoại tạo nên khoảng cách giữa bạn và người bạn đời của bạn. Điều nầy gây ra nhiều hiểu lầm và tranh cãi. Thật ra, nó có thể gây ra khoảng cách ngay cả sự cay đắng nữa. Những cảm xúc nầy khó mà vượt qua được.
Kinh thánh chép: “… chớ căm giận cho đến khi mặt trời lặn” (Ê-phê-sô 4:26). Câu Kinh Thánh nầy có nghĩa là hãy nói ra những cảm xúc bực tức hôm nay. Dồn nén cảm xúc có thể ngầm hủy phá hôn nhân của bạn.

  1. Không còn thì giờ riêng tư với nhau nữa

Tôi nhớ những ngày chúng tôi vô cùng bận rộn với con cái, việc nhà, nghề nghiệp, thể thao… khiến lãng mạn trong hôn nhân dường như không còn là quan trọng nữa. Nhưng thái độ nầy khiến cho người vợ người chồng không còn thấy mình là đặc biệt nữa. Tất cả chúng ta đều có những mong ước được người phối ngẫu coi là có giá trị, quí báu.
Sự lãng mạn là phần quan trọng trong hôn nhân, nếu vợ chồng chúng ta không cẩn thận, hạnh phúc sẽ bị mất giữa cuộc sống quá bận rộn nầy. Chúng ta có thể phục hồi nó bằng cách gởi đến nhau những lời yêu thương, một đêm hẹn hò…. Làm những việc nầy giống như chúng ta gửi thêm tiền vào ngân hàng “yêu thương”. Nhưng nếu chúng ta thất bại trong sự lãng mạn trong hôn nhân, thì chắc chắn hạnh phúc sẽ suy giảm.

  1. Không bao giờ nhận là mình sai

Tôi thường suy nghĩ xin lỗi là dấu hiệu của nhu nhược, yếu đuối! Nếu bạn nhượng bộ một tấc thì người phối ngẫu sẽ mong một dặm. Khi tôi mới lập gia đình, vì nghĩ như thế nên tôi cảm thấy khó nhận mình là sai, lại càng thấy khó hơn khi xin lỗi. Điều nầy đã gây ra biết bao nhiêu tranh cãi trong gia đình, hiển nhiên là tạo thêm khoảng cách giữa vợ chồng chúng tôi.
Cuối cùng tôi học được một điều là cho mình là đúng là tự đánh giá quá cao về mình. Tinh thần cho mình là đúng không quan trọng bằng đức tính kiên nhẫn, yêu thương, tử tế. Chính tinh thần nầy có thể xé rách mối quan hệ vợ chồng, nó làm cho bạn chỉ tập trung vào bạn mà thôi. Nhưng nếu như bạn càng bỏ bớt tinh thần nầy bao nhiêu thì bạn được giải phóng bấy nhiêu và bạn sẽ yêu người bạn đời và được họ yêu bạn nhiều hơn. Vì thế, hãy mau mau nhận lỗi phần mình ngay cả khi bạn cảm thấy xấu hổ khó làm. Sự nhận lỗi chân thành sẽ làm cho người bạn đời của bạn quý trọng bạn nhiều hơn mà không có gì thay thế được. Kinh thánh đã chép: “Vậy chúng ta hãy tìm cách làm nên hòa thuận và làm gương sáng cho nhau” (Rô-ma 14:19)

  1. Giấu những túi xách mua sắm

Dùng thẻ tín dụng gia đình đi mua sắm, tiêu xài thoải mái! Giữ bí mật tài chánh. Có gì nghiêm trọng không? Nan đề về tài chính có thể hủy hoại hôn nhân mỗi ngày. Đây là chân lý: “Hôn nhân của bạn quí báu hơn những gì bạn có thể mua.”
“Sự lừa dối về tài chánh” có thể bắt đầu đưa đến sự kết thúc hôn nhân. Hãy thảo luận nghiêm chỉnh về chi tiêu với bạn đời của bạn. Hãy đưa ra một số nguyên tắc. Nếu như bạn có lỡ dối trá về vấn đề nầy, thì hãy nhận lỗi và xin lỗi ngay, đừng để quá trễ. Sự thành thật về tài chánh sẽ bảo vệ hôn nhân bạn, nhưng sự dối trá về tài chánh sẽ hủy hoại hạnh phúc bạn.

  1. Lả lơi, lãng mạn một chút với người khác phái

Đó chỉ là cho vui thôi, vô hại, bạn không có ý lãng mạn. Tuy nhiên, bạn phải cẩn thận vì một chút lãng mạn với người khác phái khiến họ tiếp tục sai trật và họ lợi dụng bạn và điều nầy có thể dẫn đến cám dỗ. Thái độ ấy có thể khiến người đối diện dao động cao độ. Tôi đã từng chứng kiến sự tai hại bởi sự vui vẻ thái quá nầy trong nhiều cặp vợ chồng. Bởi hành động, lời nói, suy nghĩ giống như là bạn còn độc thân (ngay cả trong những việc nhỏ) có thể sinh ra nhiều thương tổn và mất an toàn cho người phối ngẫu. Hãy tiếp tục lãng mạn, vui vẻ chỉ với người phối ngẫu của bạn mà thôi. Hãy giúp chàng hay nàng cảm thấy họ là người duy nhất là niềm vui thích cho bạn.

  1. So bì hơn thua

Câu nệ ai là người làm việc này việc, việc kia để bạn không làm việc gì ngoài bổn phận hay công việc mình phải làm. Hôn nhân là sống công bằng 5/5, phải không? Nếu bạn làm việc gì thêm rồi liệt kê ra thì vô tình bạn sẽ khiến cho người phối ngẫu cảm thấy mình có lỗi.
So bì hơn thua như thế có thể là thói quen đầy cám dỗ và tôi nhận ra rằng nó có thể phá hủy mối quan hệ hôn nhân của bạn. Hôn nhân không phải là trò chơi để biết ai làm việc gì, mà đúng hơn là một trò chơi cho bạn biết bạn là ai, tức là bạn thuộc về một đội chứ không phải là hai. So đo tính toán giữa hai vợ chồng là điều không cần thiết vì chúng ta không tính toán cho một mình chúng ta. Trong hôn nhân, vợ và chồng cùng nhau thắng hoặc cùng nhau thua mà thôi.

  1. So Sánh hôn nhân mình với hôn nhân người khác

Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt có lần đã nói: “Sự so sánh là kẻ trộm niềm vui”. Điều nầy có thể áp dụng cho hôn nhân. Hãy tránh so sánh hạnh phúc của bạn với những cặp vợ chồng ngoài đường hay những cặp vợ chồng đang tươi cười trên FB. Tại sao? Một khi bạn so sánh hôn nhân mình với người khác, điều đó gây tổn thương nhiều cho người phối ngẫu của mình. Không ai trong chúng ta thích bị so sánh hay xét đoán cả. Một khi bạn quan tâm hay khen ngợi những gì bạn không có khiến bạn không thấy giá trị của những gì bạn có và khiến cho người phối ngẫu cảm thấy mất giá trị nữa. Tất cả chúng ta rất khác nhau, vì thế hôn nhân chúng ta cũng khác nhau. Hãy chấp nhận những gì mình hiện có và giúp cho nó tốt hơn chứ không nên so sánh.

  1. Không Bao Giờ Cầu nguyện với nhau

Thật là lúng túng mỗi khi cầu nguyện với nhau trong năm đầu sau ngày cưới, vì thế chúng tôi hay tránh làm việc nầy. Sau đó chúng tôi phải cố gắng lắm để làm điều nầy, chúng tôi cảm thấy được phước nhiều khi chúng tôi cùng nắm tay nhau, cúi đầu xuống và cùng cầu nguyện với nhau. Qua nhiều năm, sự “ngượng nghịu lúng túng” khi cầu nguyện với nhau đã giảm nhiều và chúng tôi cảm thấy thoải mái dễ chịu hơn.
Sau những thăng trầm trong lãnh vực cầu nguyện với nhau, chúng tôi nhận ra được việc cùng nhau cầu nguyện làm cho hôn nhân vững mạnh. Tôi biết Đức Chúa Trời tôn quí việc nầy. Tôi đã từng chứng kiến Ngài đã dùng những thì giờ chúng tôi cầu nguyện cùng nhau để khiến chúng tôi gần nhau hơn, đem lại sự chữa lành và ban phước cho chúng tôi. Cùng nhau cầu nguyện là mời sự hiện diện và quyền năng của Chúa đến với mối quan hệ của chúng ta (Ma-thi-ơ 18:18-20). Điều nầy giúp bạn có cơ hội để tạ ơn Chúa cho hôn nhân của bạn, buộc chặt tấm lòng của hai bạn với nhau.

  1. Cười cợt (chế giễu) chồng hay vợ của bạn

Người ta thường nghĩ chế giễu, đùa cợt ai đó đâu có hại gì, mọi người cũng hay làm thế mà! Hãy cẩn thận vì việc ấy khiến cho người phối ngẫu cảm thấy xấu hổ, mặc cảm nên không kéo họ đến gần bạn được. Tôi thường hay cười cợt với chồng tôi – cũng như với cô kế toán – mỗi khi anh tắt điện để tiết kiệm, ngay cả anh ấy không nghĩ việc ấy là chuyện đùa. Hậu quả của việc đùa cợt anh ấy (ngay cả việc nhỏ), là bây giờ mấy con của tôi cũng không bao giờ tắt đèn khi rời nhà.
Chế nhạo những cảm xúc, sở thích và hành động của người phối ngẫu có thể tác hại đến hôn nhân của bạn. Tại sao? Vì điều đó hàm ý rằng bạn hay hơn, tốt hơn; cũng giống như chúng ta nói rằng: “Anh thật ngu dại, còn tôi khôn ngoan hơn anh, tôi nhận ra điều ấy còn anh thì không.” Những thông điệp như thế có thể dễ dàng hủy phá một hôn nhân tốt đẹp.

  1. Mong ước người phối ngẫu làm cho bạn trọn vẹn hơn

Thật sao? “Anh làm cho em được trọn vẹn” là một lời quảng cáo phim sai trật, gây hiểu lầm tệ hại, vì nó khiến chúng ta mong ước những điều giả tạo, không thực tế. Tôi đã bước vào hôn nhân và ngây thơ mong nó sẽ làm đầy trọn những gì đang thiếu thốn trong tôi. Nhưng tôi đã khám phá ra rằng chỉ một mình Đức Chúa Trời mới có thể thỏa đáp những mong ước của chúng ta.

Tôi yêu câu Kinh Tháng trong cô-lô-se 2:10 “…anh em cũng nhận được sự đầy trọn trong Ngài…”(TTHĐ). Một khi tôi bắt đầu tìm kiếm và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn với Chúa, cuộc đời tôi bắt đầu thay đổi. Đến gần Chúa hơn là điều tốt nhất cho hôn nhân của chúng tôi. Thật sự điều nầy đã giúp tôi rất nhiều, và tôi đã viết một quyển sách nhan đề Tìm kiếm một Gương Mặt Quen Thuộc (Seeking a Familiar Face). Tôi tin rằng nếu chúng ta tìm kiếm Đức Chúa Trời, Ngài sẽ thay đổi hôn nhân của chúng ta, cả cuộc đời chúng ta nữa, và bất kỳ ai tìm kiếm Ngài thì hôn nhân và cuộc đời của họ cũng thay đổi như vậy.

Hôn nhân là sự gắn bó mật thiết nhất trong những mối quan hệ giữa người với người; mối quan hệ nầy còn gắn bó hơn mối quan hệ giữa mẹ với con nữa.

Đôi khi chúng ta ngầm hủy phá mối quan hệ quý báu nầy mà chúng ta không biết và để lại cho hôn nhân chúng ta bao nhiêu thương tổn khiến hạnh phúc suy giảm. Vì thế, hãy đề cao cảnh giác, nhận biết những đe dọa nầy. Hãy bảo vệ tình yêu bạn đang có. Hãy cầu nguyện, dành thì giờ với Chúa và với người phối ngẫu. Hãy tránh những điều ngầm hủy phá hôn nhân và cùng nhau xây dựng một hôn nhân tốt đẹp và bền vững lâu dài.

Thanh Khiết dịch
Nguồn: https://www.crosswalk.com/slideshows/10-ways-to-sabotage-your-marriage-without-realizing-it.html

Giúp Con Bạn Chuẩn Bị Một Hôn Nhân Đẹp Lòng Chúa Trong Tương Lai

HTTLVN.ORG – Con bạn đang tiến gần đến độ tuổi mà sự lãng mạn đang trở nên điều cuốn hút hơn là khiếp sợ. Đừng nghĩ khi con bạn không nói thì có nghĩa là chúng không suy nghĩ về điều đó!
Là cha mẹ, chúng ta cần được chuẩn bị để hướng dẫn con cái trong việc hò hẹn, tỏ tình và kết hôn. Nên nhớ rằng con cái chính là môn đệ của bạn và bạn phải giúp con có cái nhìn đúng đắn về hôn nhân và việc chọn lựa bạn đời theo quan điểm Kinh thánh.
Điều đáng buồn là thế giới ngày nay đang lừa dối con trẻ chúng ta về ba phương diện của hôn nhân: hôn nhân là không cần thiết, hôn nhân không vĩnh viễn, và hôn nhân không chỉ là giữa nam và nữ. Hãy cùng đào sâu một chút về thông điệp sai lệch mà con trẻ chúng ta đang đón nhận.

Những Lời Dối Trá Mà Thế Giới Đang Nói Với Con Bạn Ở Tuổi Vị Thành Niên:

  1. Hôn Nhân Là Không Cần Thiết

Đúng là không phải kết hôn thì mới có thể sống vui, sống ý nghĩa và làm vinh hiển Danh Chúa. Kinh Thánh có đề cập đến những lợi ích của việc sống độc thân (I Cô-rinh-tô 7), và vì thế trong một phạm trù nào đó, chúng ta có thể nói hôn nhân là không phải là điều bắt buộc phải có cho tất cả. Nhưng đó không phải là thông điệp mà thế giới ngày nay cổ vũ. Thông điệp của họ đó là không nhất thiết cứ sống chung là phải kết hôn.
Con trẻ của chúng ta thấy điều này ở ngoài đời cũng như trên màn hình. Thế giới ngày nay nói rằng hôn nhân không nhất thiết phải có quan hệ tình dục, phải sống chung, có con và nhiều thứ khác nữa…

  1. Hôn Nhân Không Trường Tồn

Kinh Thánh cho chúng ta thấy một bức tranh rất rõ về thời điểm khi nào một người đã kết hôn được ra khỏi mối liên hệ hôn nhân (Rô-ma 7:2, I Cô-rinh-tô 7:15; Ma-thi-ơ 19:9).
Nhưng thế giới ngày nay lại nói với các con của chúng ta rằng hôn nhân có thể kết thúc bất cứ khi nào họ muốn, vì bất kể lý do gì hay thậm chí khi chẳng cần lý do gì hết.

  1. Hôn Nhân Không Chỉ Giữa Người Nam và Người Nữ

Kinh Thánh cho chúng ta thấy rõ rằng hôn nhân phải là sự kết hiệp giữa người nam và người nữ (Ma-thi-ơ 19:4-6; Mác 10:6-9). Thế nhưng, văn hóa ngày nay dường như đang tìm cách làm lu mờ (hay thậm chí là xóa bỏ) những nét đặc trưng của từng giới tính.
Điện ảnh Hollywood, và bây giờ ngay cả ở trong hệ thống trường công lập cũng đang cố tìm cách bình thường hóa sự gắn kết giữa các cặp đôi đồng giới và không dừng tại đó. Công cụ tìm kiếm trên mạng trong tương lai sẽ tạo ra những tuyên bố của những người “cưới” thú cưng, hình nộm và một số vật vô tri vô giác khác nữa.
Khi thấy thông điệp sai lệch mà con trẻ đang đón nhận từ thế giới ngày nay, chúng ta có thể biết tại sao chúng ta, trong cương vị là phụ huynh, cần đưa ra lời khuyên cho con dựa trên tiêu chuẩn là Lời Chúa.

Tôi hy vọng 9 tiêu mục dưới đây sẽ hướng dẫn các cuộc nói chuyện của bạn với con về giao ước hôn nhân và những vấn đề cần suy xét khác khi con chọn lựa người để cùng bước vào giao ước hôn nhân:

  1. Mục Đích của Hôn Nhân

Tôi nghĩ Mục sư John Piper đã giải thích rõ điều này khi ông nói, “Điều quan trọng nhất có thể nói về hôn nhân đó là hôn nhân tồn tại để mang sự vinh hiển đến cho Đức Chúa Trời… Nó mang kiểu mẫu về mối quan hệ giao ước giữa Đấng Christ và Hội Thánh và vì thế ý nghĩa và mục đích tối quan trọng của hôn nhân là để mối quan hệ giao ước giữa Đấng Christ và Hội Thánh được bày tỏ ra cho thế giới”.
Mục sư John Piper đã nhìn hôn nhân qua lăng kính của Ê-phê-sô 5:22-25. Trong hôn nhân, chồng mang biểu tượng về Đức Chúa Trời và vợ mang biểu tượng về Hội Thánh. Khi văn hóa của thế giới ngày nay chú trọng đến việc yêu và không còn yêu, thì Kinh Thánh lại nhấn mạnh đến sự kết ước.
Chúng ta biết Đức Chúa Trời xem vấn đề giao ước là rất quan trọng (Châm Ngôn 2:17; Ma-la-chi 2:14) và chúng ta cũng phải như vậy!

  1. Tầm Quan Trọng của Việc Mang Ách Tương Xứng

Tôi đã từng nghe nhiều câu chuyện tuyệt vời về những người đến với niềm tin qua các mối quan hệ hò hẹn. Hẳn nhiên, Đức Chúa Trời có thể khiến niềm tin xảy ra bằng nhiều cách khác nhau theo ý Ngài muốn.
Nhưng đừng quên rằng II Cô-rinh-tô 6:14 cũng cảnh báo với chúng ta về việc mang ách chung với người không cùng niềm tin. Đó là sự khác biệt giữa việc hẹn hò với người chưa hiểu trọn vẹn về Phúc Âm và đang đi tìm chân lý với việc hò hẹn với người chẳng xưng mình biết Chúa gì hết.
Khi xem hôn nhân như một mối quan hệ giao ước, chúng ta sẽ dễ thấy việc gắn kết với người có cùng ước ao giữ chặt mối quan hệ giao ước là quan trọng dường nào.

  1. Vai Trò của Sự Cuốn Hút Bề Ngoài

Điện ảnh Hollywood muốn các mối quan hệ chú trọng đến sự cuốn hút thể xác và dục vọng. Khi chúng ta cần giúp con cái hiểu rằng còn nhiều điều khác chi phối hôn nhân hơn là sự hấp dẫn thể xác, điều đó không có nghĩa rằng chúng ta không cần quan tâm hay xem nó là không cần thiết.
Nhã Ca 1:2 mô tả hình ảnh người nữ nhìn người đàn ông của lòng nàng, thích điều nàng thấy và muốn được người đó hôn. Trong Sáng Thế Ký 29:17, Gia-cốp yêu Ra-chên và thấy nàng đẹp.
Dù chúng ta không muốn con cái nâng giá trị một ai đó dựa trên dáng vẻ bề ngoài của họ, cũng như việc con cái cần thận trọng xử lý những ham muốn tình dục của bản thân, thì chúng ta cũng đừng cản trở con tìm kiếm cái đẹp trong sự sáng tạo tuyệt vời của Đức Chúa Trời khi Ngài tạo dựng người khác phái.

  1. Tầm Quan Trọng của Việc Kết Ước

Chúng ta cũng nên cho các con tuổi thiếu niên hay thanh niên có thời gian để trưởng thành hơn trong tính cách. Hy vọng tất cả chúng ta sẽ trở nên người sống có kết ước tốt hơn khi lớn và trưởng thành hơn trong niềm tin. Nhưng một số lời khuyên tôi nghe được từ những bậc phụ huynh khác, đó là xem thử người đó có thể hiện tinh thần thiếu sự kết ước không, và nếu có, thì đó là báo động đỏ.
Chẳng hạn như người này có khó giữ công việc của mình được lâu không? Người này có hay nhảy từ hoạt động ngoại khóa này sang hoạt động ngoại khóa khác không? Người này có tiếng trong việc nhảy từ mối quan hệ hò hẹn với người này sang với người khác không? Người này có hay thay đổi trong quyết định của mình không?
Dù những thói quen này không nhất thiết cho thấy người đó không thể sống trong mối quan hệ kết ước với người bạn đời trọn đời, nhưng chắc hẳn đây là điều đáng phải suy xét, thảo luận, và cầu nguyện!

  1. Nghệ Thuật Chịu Khổ

Điều chúng ta biết chắc đó là cuộc sống sẽ mang đến khổ đau. Chúng ta cũng được nói trước về điều đó. Đó không phải vì chúng ta là môn đồ của Đấng Christ, nhưng vì chúng ta đang sống trong một thế giới khổ đau và đầy tội lỗi. Vì thế, khi biết khổ đau sẽ xảy đến, việc quan tâm đến cách một người xử lý những khó khăn, áp lực trước khi quyết định gắn kết cuộc đời mình với họ lại chẳng là khôn ngoan sao?
Và đây là những câu hỏi cần đặt ra. Người đó có dễ nổi giận khi đối diện với thử thách? Người đó có tìm đến Chúa để được yên ủi hay tìm đến những thú vui trần gian để được xoa dịu? Người đó có vội phản ứng theo cảm xúc và trở nên không kiểm soát hay người đó tìm kiếm lời khuyên khôn ngoan và hỗ trợ từ người khác?
Gia Cơ 1:2-4 chỉ cho chúng ta cách chịu khổ giỏi. “Hỡi anh em, hãy coi sự thử thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là điều vui mừng trọn vẹn, vì biết rằng sự thử thách đức tin anh em sanh ra sự nhịn nhục. Nhưng sự nhịn nhục phải làm trọn việc nó, hầu cho chính mình anh em cũng trọn lành toàn vẹn, không thiếu thốn chút nào.”
Dù nhiều người trong số chúng ta đang học cách xem thử thách xảy đến là điều vui mừng, nhưng đây là vấn đề mà chúng ta cần xin Chúa Thánh Linh hành động trong đời sống của người theo Ngài.

  1. Sự Tàn Hại của Lòng Kiêu Ngạo

Tất cả chúng ta đều đang vật lộn với sự kiêu ngạo. Con cái của chúng ta cũng vậy. Vì thế nếu bạn nói con đừng hẹn hò hay cưới người không hoàn toàn khiêm nhường, thì có nghĩa rằng bạn đang bảo con phải sống độc thân trọn đời. Thế nhưng, một số câu hỏi đáng được đặt ra để xét xem mức độ khiêm nhường lẫn kiêu ngạo của một người là thế nào.
Người đó có nghĩ mình biết hết mọi điều và luôn có câu trả lời đúng? Người đó có luôn cho rằng mình phải đưa ra hướng đi cuối cùng không? Người đó có sẵn lòng lắng nghe lời khuyên của người khác không? Người đó có sẵn sàng xin và chấp nhận sự trợ giúp của người khác không?
Lời Chúa đề cập rất nhiều về chủ đề kiêu ngạo và khiêm nhường. Đây là vài trưng dẫn trong Kinh Thánh để giúp bạn bắt đầu cuộc nói chuyện với con: Gia-cơ 4:6, 10; Giê-rê-mi 9:23; Phi-líp 2:3; Châm Ngôn 8:23; 11:2; 13:10; 16:5,18, 19; 21:4.

  1. Tìm Kiếm Ý Kiến của Người Khác

Văn hóa của chúng ta ngày nay là đi tìm tiếng nói riêng của mình, tìm sự thuận ý của bản thân, và chỉ nối kết với người khiến mình hài lòng. Nói cách khác, thế giới ngày nay đang nói với con cái chúng ta rằng hãy đi theo điều mình muốn, đừng quan tâm đến điều người khác nói và chỉ kết bạn với người có cùng tư tưởng với mình.
Tôi rất vui khi nói rằng đây không phải là điều Kinh Thánh dạy. Châm Ngôn 12:15 nói rằng, “Đường lối của kẻ ngu muội vốn ngay thẳng theo mắt nó; còn người khôn ngoan nghe lời khuyên dạy.”
Nếu con bạn đang bắt đầu giai đoạn tìm biết một ai đó tốt hơn, thì tốt nhất hãy hạn chế sự tham gia của nhiều người.
Nhưng một khi con bạn bắt đầu chính thức hò hẹn, hãy cho con có thời gian không những với gia đình hai bên, nhưng cũng với Hội Thánh, và với người cố vấn của chúng. Hy vọng, theo thời gian, những người tham gia sẽ tán đồng mối liên hệ này, nếu không, con cần phải lắng nghe những ưu tư của họ.

  1. Tầm Quan Trọng của Sự Cầu Nguyện

Tôi đã bắt đầu cầu nguyện xin Chúa ban cho các con trai của tôi có những người bạn đời trước khi chúng chào đời. Dầu tôi chưa biết tên của những người vợ tương lai của các con, tôi cũng đã cầu nguyện cho hai người nữ sẽ trở nên con dâu của tôi.
Bây giờ, khi con trai lớn của tôi bắt đầu hò hẹn, tôi vẫn thường cầu nguyện cho mối quan hệ của chúng trong giờ gia đình lễ bái vì chúng tôi muốn con trai mình biết rằng đây là vấn đề nghiêm túc và là vấn đề cần trình dâng lên Chúa.
Hãy khích lệ con cái cầu nguyện về vấn đề này trong thì giờ riêng tư của con với Chúa, nhưng cũng mời gọi con cùng cầu nguyện trong giờ gia đình lễ bái. Ngay cả khi con chưa bước vào mối quan hệ yêu đương với ai đó, việc cầu nguyện cho tương lai của con vẫn là điều cần thiết. Xem Cô-lô-se 4:2; Phi-líp 4:6,7.

  1. Đừng Nghĩ Mình Biết Chắc Tương Lai

Chúng ta hoàn toàn không biết liệu con sẽ kết hôn hay không trong tương lai. Con của chúng ta có thể lựa chọn việc sống độc thân hay có thể rơi vào hoàn cảnh phải sống độc thân bất đắc dĩ.
Khi chuyện trò với con về việc hò hẹn, tỏ tình, đính hôn và kết hôn, chúng ta cũng nên dành thời gian để thảo luận với con về sự thỏa lòng (Phi-líp 4:11). Chúng ta cần chuẩn bị tấm lòng con về một đời sống tín trung và làm vinh hiển Danh Chúa cho dẫu có kết hôn hay không!
Khi nói với con về niềm vui của hôn nhân, chúng ta cũng cần cẩn thận để vấn đề độc thân không bị xem như sự rủa sả hay mất phước. Chúng ta đừng quên rằng trong 1 Cô-rinh-tô 7, Phao-lô nói độc thân cũng là ân tứ hay món quà!
Độc thân và kết hôn đều có những cơ hội hầu việc Chúa, đời sống được thanh tẩy và niềm vui khác nhau. Vì thế hãy mạnh dạn nói với con về các mối quan hệ lãng mạn. Nhưng trên hết, hãy giúp con tập chú vào mối quan hệ với Chúa.

Beth Ann Baus (Crosswalk)
Thảo Anh dịch

Trách Nhiệm Của Cha Mẹ Trong Gia Đình Cơ Đốc

HTTLVN.ORG – Trong bài điếu văn đọc trong lễ tang của cha mình, một người con đã nói: “Tôi hãnh diện và biết ơn cha tôi không phải vì tài sản hay những gì ông để lại cho tôi mà là chính nhân cách cao quí của ông”. Ngày hôm nay, vì hoàn cảnh sống nhiều khó khăn và thách thức nên nhiều gia đình cả cha lẫn mẹ phải đi làm, không có nhiều thì giờ cho con cái, và hậu quả biết bao em thiếu nhi, thiếu niên cảm thấy bị hụt hẫng vì tổ ấm không còn ấm nữa. Sau giờ ở trường về, cảm giác lạnh lẽo trong ngôi nhà khiến các em bị đẩy ra ngoài xã hội, là nơi đầy dẫy những cám dỗ có thể cuốn các em bị sa lầy. Là cha mẹ Cơ Đốc, chúng ta luôn trăn trở làm sao làm tròn trách nhiệm nuôi dạy con cho Chúa. Chúng ta mong ước để lại gì cho con cái? Làm thế nào để gìn giữ và lưu truyền di sản đức tin cho thế hệ mai sau giữa một hoàn cảnh xã hội với nhiều thách thức như hôm nay?

Theo một nghiên cứu ở Mỹ về tỷ lệ các em tin Chúa và tỷ lệ thời gian sinh hoạt từ khi sinh ra đến khi trưởng thành của các em thì người ta ghi nhận kết quả như sau:
• Tỷ lệ các em biết Chúa và có đức tin thật nếu chúng ta dạy lời Chúa từ:
• 1 đến 6 tuổi: 80-90%
• 7 đến 12 tuổi: 35-40%
• 13 tuổi trở lên: 6-9%
• Tỷ lệ thời gian sinh hoạt của một em bé từ khi chào đời đến khi trưởng thành:
• 1% thời gian ở nhà thờ
• 16% thời gian ở trường học
• 83% thời gian ở với gia đình

Chúng ta thấy số thời gian các em từ nhỏ đến lớn ở với gia đình chiếm tỉ lệ cao nhất. Sống trong xã hội hiện đại đang suy đồi về đạo đức, luân lý, thử hỏi làm sao chúng ta có thể giúp con cái trong gia đình biết Chúa và có đức tin thật nơi Chúa? Làm sao để hình thành trong các em một nhân cách, tâm tính, đạo đức, tâm linh Cơ Đốc như Kinh Thánh dạy? Thiết nghĩ ít ra có năm điều căn bản mà bậc làm cha mẹ cần phải làm trong gia đình.

Cầu nguyện cho con

Điều trước tiên và quan trọng nhất mà cha mẹ cần làm là cầu nguyện cho con. Đức Chúa Trời ban cho chúng ta thẩm quyền trên con cái, và chúng ta thi hành quyền đó qua sự cầu nguyện. Sự cầu nguyện hết lòng cho con rất hiệu quả vì “hễ điều gì các ngươi buộc ở dưới đất, cũng sẽ buộc ở trên trời, và điều gì các ngươi mở dưới đất cũng sẽ mở trên trời.” (Ma-thi-ơ 18:18). Tác giả quyển “Quyền năng lời cầu nguyện của cha mẹ” viết “Cầu nguyện là công nhận và kinh nghiệm sự hiện diện của Đức Chúa Trời và mời Ngài hiện diện trong cuộc đời và hoàn cảnh của chúng ta.” Thật vậy, khi cầu thay cho con mình tức là chúng ta xin Đức Chúa Trời biến sự hiện diện của Ngài thành một phần trong cuộc đời con chúng ta và hành động cách đầy quyền năng trên chúng. Lời Chúa trong Ca Thương 2:19 dạy “Hãy chỗi dậy kêu van lúc ban đêm, vừa đầu các phiên canh; đỗ lòng ra như nước ở trước mặt Chúa. Hãy giơ tay hướng về Chúa vì sự sống của con nhỏ ngươi..”

Cầu nguyện cho con từ khi nào?

Hãy cầu nguyện cho con từ khi chưa mang thai, có thai, sinh ra và lớn lên, trưởng thành có gia đình và đến khi chúng ta không còn trên đất… vì Chúa ban cho cha mẹ thẩm quyền trên con cái, và vũ khí để thực hiện thẩm quyền đó là “Sự Cầu Nguyện”. Bà Suzana là người mẹ cầu nguyện, bà đã kiên trì cầu nguyện cho con mình là John Wesley và Charles Wesley và Chúa đã đại dụng hai ông trong công trường của Ngài, dấy lên cuộc phấn hưng lớn tại Anh vào thế kỷ 18.

Dù chúng ta cố gắng dạy dỗ con cái nhưng nếu thiếu cầu nguyện cho chúng thì cũng không kết quả, bởi vì “Nếu Đức Giê-hô-va không xây cất nhà, thì những thợ xây cất lấy làm uổng công, nhược bằng Đức Giê-hô-va không coi giữ thành thì người canh thức canh luống công.” (Thi Thiên 127:1).

Yêu thương con

Làm sao cho con trẻ cảm nhận được gia đình không chỉ là chỗ ở, là một tòa nhà mà thôi nhưng còn là một tổ ấm với những con người thật sự yêu thương, khích lệ lẫn nhau. Chính chúng ta là những người tạo nên bầu không khí yêu thương, ấm áp ấy qua cách cư xử với con, qua những sinh hoạt trong gia đình hằng ngày. Chúng ta yêu thương con thật sự khi chúng ta gần gũi và hiểu rõ con, biết ưu điểm lẫn khuyết điểm để giúp con sống tốt sau nầy. Có người nói rằng “khi hiểu con là đã làm xong phân nửa việc dạy dỗ con.”

Yêu thương nhưng phải kỷ luật chứ không nuông chiều. Kỷ luật, sửa phạt con đúng và với thái độ yêu thương sẽ giúp con biết lỗi để từ bỏ, biết chỗ yếu để khắc phục. “Hỡi những người làm cha, đừng làm cho con cái mình tức giận, nhưng hãy nuôi nấng chúng trong kỷ luật và sự khuyên dạy của Chúa” (Ê-phê-sô 6:4 – TTHĐ).

Gia đình phải là nơi mà con cái cảm biết mình thật sự được yêu thương. Chúng ta hãy cố gắng thiết lập một gia đình có tình yêu ngự trị nhưng đồng thời cũng phải có kỷ luật, có sự kiểm soát nghiêm ngặt và công bình. Một sự kỷ luật tốt là một sự cân đối giữa tình yêu thương và sự kiểm soát, sẽ làm cho bầu không khí của gia đình được đẹp lòng Đức Chúa Trời.

Làm gương cho con

Cha mẹ không chỉ đơn thuần dạy bảo con cái đường lối của Chúa, phải vâng theo lời Chúa mà còn phải làm gương cho chúng nữa. Muốn sự dạy dỗ mình có giá trị, hiệu quả thì cha mẹ phải sống theo như những gì mình khuyên dạy con. “Cha mẹ không thể chỉ biết đường và chỉ đường mà cũng phải đi trên con đường ấy nữa” thì sự dạy dỗ con mình mới có tác dụng tốt. Ông John Balguy đã nói: “Dù cha mẹ có dạy cho con cái bất cứ điều tốt nào đi nữa, mà lại đồng thời lại làm gương xấu cho con, thì cũng giống như một tay đưa đồ ăn ngon cho con nhưng tay kia đưa thuốc độc cho chúng.” Vì thế lời Chúa dạy “Các lời ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng ngươi” rồi sau đó mới “khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi…” (Phục Truyền 6:6,7) Thật vậy, con trẻ chỉ có thể hiểu được về tình yêu, lòng nhân từ, sự tha thứ, sự chấp nhận của Đức Chúa Trời và những chân lý của Ngài một khi chúng nhìn thấy được những điều ấy ngay trong chính đời sống chúng ta là bậc cha mẹ, cũng như trong mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình.

Sớm dạy Lời Chúa cho con

Phục Truyền 6:7-9 chép “Khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc khi ngươi nằm hay là khi chỗi dậy…”

Cơ Đốc giáo dục trước hết phải bắt đầu từ trong gia đình và cha mẹ là người chịu trách nhiệm dạy dỗ lời Chúa cho con cái mình trước tiên. Nhưng dạy như thế nào cho hiệu quả?

Động từ “dạy dỗ” trong nguyên ngữ Hy-bá-lai là Shanan có ý nghĩa hết sức đặc biệt mà khó có từ ngữ nào tương đương trong tiếng Việt để dịch cho đúng. Nó có nghĩa là gây ấn tượng, khắc sâu, ghi lòng tạc dạ. Bản tiếng Anh NIV dịch là “impress” (gây ấn tượng). Trong bản Kinh Thánh tiếng Việt truyền thống của chúng ta, các dịch giả đã dựa vào bản Hán văn và dịch là “ân cần dạy dỗ” cũng nói lên được phần nào ý nghĩa đó.

Phải dạy Lời Chúa cho con từ khi mang thai; nếu thời gian mang thai người mẹ yêu mến, ham thích đọc Lời Chúa, thì con sau nầy sẽ sớm nhận biết Chúa. Tuy nhiên, chúng ta phải đưa lời Chúa đến với con sao cho thích hợp theo từng độ tuổi khác nhau, lựa lời để giải thích sao cho con hiểu và giúp con áp dụng Lời Chúa để kinh nghiệm Lời Chúa từ khi còn bé thơ. Cũng hãy giúp con sớm biết dành thời giờ tĩnh nguyện cá nhân với Chúa mỗi ngày.


Trong sinh hoạt thường nhật và với những người chung quanh

Cuối cùng, cha mẹ cần giúp con trong sinh hoạt hằng ngày, giúp chúng biết sống ngăn nắp, vệ sinh, sạch sẽ. Giúp con biết quản lý cá nhân tốt khi ăn uống, ngủ nghỉ đúng giờ, siêng năng học hành, giúp con không ăn trễ giờ quá. Cũng phải dạy chúng biết nói năng lễ phép, chân thật; biết tiêu xài khi thật sự cần, tránh cách phục sức chạy theo thời trang quá đáng. Ông bà chúng ta cũng dạy con cái “học ăn, học nói, học gói, học mở”.

Chúng ta cũng phải giúp con nhận biết giá trị của mọi vật: điều gì là tạm thời, điều gì là đời đời, và phải coi giá trị tâm linh quan trọng hơn vật chất.

Cuối cùng, cha mẹ phải dạy con biết nhìn ra cộng đồng xung quanh bằng ánh mắt yêu thương, cảm thông, “yêu người lân cận như mình”, sẵn sàng chia sẻ giúp đỡ những người thiếu thốn. Tuy nhiên, trước hết chính chúng ta hãy làm điều đó, để con cái nhìn thấy và noi gương chúng ta. Hơn nữa, chúng ta cũng tạo dịp tiện để con em có cơ hội tiếp xúc với những người bất hạnh trong cộng đồng bằng cách thăm viếng Cô nhi viện, Những trung tâm giúp đỡ người khuyết tật… Lời Chúa dạy “Sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy những việc lành của các ngươi, và ngợi khen Cha các ngươi ở trên trời.” (Ma-thi-ơ 5:16)

Thi Thiên 127:3a chép “con cái là cơ nghiệp bởi (của) Đức Giê-hô-va”. Từ cơ nghiệp có nghĩa là di sản, tài sản quí báu của Đức Chúa Trời. Ngài đã tin cậy chúng ta giao cho chúng ta tài sản quí báu là con cái để chúng ta nuôi nấng và dạy dỗ sao để chúng trở nên những công cụ tốt lành cho Vương Quốc Ngài. Cầu xin Chúa soi sáng để chúng ta hiểu ra được trách nhiệm cao quí mà Chúa ban cho chúng ta là cha mẹ để chúng ta nhờ ơn Chúa cho, nhờ sức Chúa ban mà hoàn tất tốt trách nhiệm đó. Chúng ta phải sống làm gương cho con, dạy dỗ con như thế nào đó hầu lưu truyền di sản đức tin cho thế hệ mai sau.

Thanh Khiết

Đừng Để Chiếc Điện Thoại Giết Chết Hôn Nhân Bạn

HTTLVN.ORG – Cách đây vài năm, tôi được một người bạn gửi cho bài viết về “Phubbing”. Thú thật là tôi chưa bao giờ nghe về thuật ngữ này trước đây nên tôi đọc nó chỉ vì tò mò. Nhưng khi bắt đầu đọc, tôi nhanh chóng nhận ra rằng hầu hết chúng ta đều cực kỳ quen thuộc với hành vi “phubbing” dù chúng ta không biết thuật ngữ này.

Vậy “phubbing” là gì?

Thuật ngữ này là một từ tiếng Anh mới, xuất phát từ hai chữ “phone snubbing”, có nghĩa là “phớt lờ một ai đó trong giao tiếp xã hội, tập trung hết sự chú ý vào điện thoại thay vì người đối diện”.

Trong nhiều bài viết của mình, chúng tôi đã nói về việc sử dụng điện thoại quá mức đe dọa hôn nhân như thế nào. Và tâm điểm của việc sử dụng điện thoại này chính là thời gian tập trung cho mạng xã hội.

Trong một bài báo nói về việc “phubbing” đang hủy hoại các mối liên hệ như thế nào, tác giả cho biết người cảm thấy bị phớt lờ không chỉ bất mãn về mối quan hệ mà họ cuối cùng bị rơi vào trầm cảm theo thời gian. Đây là điều rất đáng quan ngại.

Là những người đã kết hôn, chúng ta phải ưu tiên vợ hoặc chồng mình lên trên chiếc điện thoại, trên cả mạng xã hội. Có lẽ hầu hết các bạn đều đồng ý với điều này, nhưng rõ ràng biết và làm là hai điều hoàn toàn khác nhau. Tôi biết, bởi vì tôi cũng đang chiến đấu với vấn đề này.

Tôi cảm thấy áp lực rằng mình cần phải trả lời ngay khi có tiếng chuông thông báo về một email mới hay một tin nhắn Facebook hiện lên. Tôi thích vào những trang mạng xã hội để xem hình ảnh, tin tức mà người thân, bạn bè cập nhật. Tôi muốn bày tỏ cảm xúc hay để lại bình luận cho những dòng trạng thái của họ. Nhưng tôi không thể để những điều đó kiểm soát tôi. Chúng chỉ là những công cụ, và nếu tôi không cẩn thận, chúng có thể trở thành những thứ đánh cắp thời gian và năng lượng của tôi, cướp mất sự tập trung của tôi vào gia đình mình.

Thật không may, tôi đã nhìn thấy sự thất vọng trên nét mặt của chồng mình khi tôi không đặt chiếc điện thoại xuống, khi tôi vẫn chọn tiếp tục nhìn chằm chằm vào điện thoại của mình. Trong những khoảnh khắc đó, tôi đã chọn công cụ thay vì chồng mình. Tôi chọn cách rút lui khỏi chồng, người đã ở ngay trước mặt tôi thay vì phải tập chú vào anh. Tôi sẽ không bao giờ lấy lại được những khoảnh khắc đó, nhưng, may mắn thay, tôi đã học được từ những sai lầm của mình.

Bạn thân mến, người phối ngẫu của bạn xứng đáng nhận được sự quan tâm trước tiên, sự quan tâm hết lòng của bạn chứ không phải là chiếc điện thoại hay mạng xã hội.

Đừng để chiếc điện thoại giết chết hôn nhân của bạn (Ảnh minh họa từ Internet)

Tôi xin nêu ra một vài phương cách mà chúng ta có thể áp dụng để ưu tiên vợ/chồng mình hơn là mạng xã hội hay chiếc điện thoại:

  1. Đặt điện thoại của bạn ở một nơi nhất định vào một thời điểm cụ thể mỗi đêm để bạn có thể đem đến cho vợ/chồng và gia đình mình sự tập trung hoàn toàn.
  2. Cố gắng hết sức để không gọi điện thoại hoặc nhắn tin khi bạn đi làm về để bạn có thể chào hỏi vợ/chồng và con cái bằng một nụ cười và sự tập trung tốt nhất của mình.
  3. Chia sẻ tất cả mật khẩu của bạn với người phối ngẫu để không có tương tác hoặc tài khoản bí mật nào mà vợ/chồng của bạn không biết.
  4. Đừng tìm kiếm “tình cũ” trên mạng xã hội và không nên gửi tin nhắn cho họ hoặc trả lời bài đăng của họ. Việc làm này không đem lại kết quả tốt đẹp nào và nó sẽ làm tổn hại lòng tin của người bạn đời của bạn.
  5. Cài đặt phần mềm lọc trên tất cả các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính, máy tính bảng…để chặn các trang web không phù hợp và theo dõi thời gian bạn dành cho thiết bị và các trang web khác nhau. Bạn thậm chí có thể thiết lập giới hạn thời gian.
  6. Đừng mang điện thoại của bạn lên bàn ăn và đừng để nó trên bàn trong một buổi “hẹn hò” với vợ/chồng mình. Nếu bạn nhận được một cuộc gọi hay tin nhắn, bạn có thể bỏ qua nó và kiểm tra lại sau khi bữa tối của gia đình hoặc buổi hẹn của bạn kết thúc.

Đây có thể là những bước đơn giản, nhưng để áp dụng chúng vào cuộc sống mỗi ngày là cả một quá trình đầy thách thức. Nhưng cho dù có khó thế nào đi nữa, hãy biết rằng người phối ngẫu của chúng ta, gia đình của chúng ta xứng đáng với những điều đó.

Vì vậy, hãy dành chút thời gian nhìn lại bản thân mình và hôn nhân của mình. Hãy suy nghĩ về những thói quen giao tiếp của chúng ta và hỏi chính mình xem liệu bạn có đang “phubbing”, có đang phớt lờ người bạn đời của mình và chỉ lo tập trung vào mạng xã hội, tập trung vào điện thoại hay không. Nếu bạn đang ở trong tình trạng này, hãy chọn DỪNG LẠI. Hãy dừng xem điện thoại và bắt đầu dành sự quan tâm cho vợ/chồng, cho hôn nhân, cho gia đình mình với sự ưu tiên và tập trung tốt nhất…trước khi quá trễ.

Hồng Nhung dịch
Nguồn: MarriageToday

Ba Nguyên Tắc Nuôi Dạy Con Cái Thành Công

Làm thế nào con cái có thể thành công trong cuộc sống nếu chúng không thấy bạn thành công? Đó là một câu hỏi mà mọi phụ huynh cần phải đặt ra, đặc biệt là liên quan đến hôn nhân của mình. Khi bạn xây dựng đời sống hôn nhân vững mạnh, thì gần như điều đó cũng đồng nghĩa với việc bạn nuôi dạy con cái nên người.

Dưới đây là ba nguyên tắc tôi tin rằng có thể dẫn đến thành công khi bạn nuôi dạy con cái:

Đầu tiên, bạn nên ưu tiên hôn nhân hơn là quá chú tâm vào con cái. Bạn đã bao giờ nghe một người đã kết hôn nói rằng, “không có gì quan trọng với tôi hơn những đứa con của tôi?”

Tôi nghe người ta nói điều đó khá thường xuyên, và tôi nghĩ rằng những bậc phụ huynh này rất cần phải thay đổi thứ tự ưu tiên của họ. Ưu tiên hàng đầu của bạn là Chúa. Ưu tiên thứ hai của bạn nên là hôn nhân. Thứ ba mới là con cái.

Hôn nhân hạnh phúc và vững bền là điều cốt lõi trong việc nuôi dạy nên con cái khoẻ khoắn và có trách nhiệm. Khi con bạn thấy rằng bạn hạnh phúc và được an ninh, thì chúng cũng cảm thấy hạnh phúc và được an ninh.

Tại sao? Vì con trẻ nhìn thấy mọi thứ. Chúng đón nhận căng thẳng trong mối quan hệ của bạn, ngay cả khi bạn không tranh cãi trước mặt chúng. Chúng nội tâm hóa sự căng thẳng đó, có thể làm tổn hại sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm lý của chúng. Vì vậy, hãy quan tâm đến hôn nhân của bạn trước.

Thứ hai, bạn phải hiệp nhất trong việc nuôi dạy con cái. Chúa Giê-xu cho biết một ngôi nhà mà tự thân nó chia rẽ sẽ không thể đứng vững được. Điều đó có nghĩa là bạn và người phối ngẫu của bạn phải thể hiện một mặt trận thống nhất trong việc nuôi dạy con cái của mình. Bạn không cần phải đồng ý về mọi thứ, nhưng đừng nên bày tỏ sự bất đồng trước mặt bọn trẻ. Bố không thể nói điều này trong khi mẹ lại nói khác.

Điều này có nghĩa là bạn phải kỷ luật theo cùng một cách. Cả hai bạn cần thể hiện mức độ tình cảm và sự quan tâm giống nhau. Và nếu bạn gặp khó khăn trong việc ra quyết định hoặc nuôi dạy con cái, đừng ngại đi tìm sự giúp đỡ từ bên ngoài.

Vợ chồng tôi đã làm như vậy trong một vài vấn đề nhất định liên quan đến việc nuôi dạy con cái. Chúng tôi đã gặp phải một vấn đề mà chúng tôi không thể tự giải quyết được. Khi đó, sự giúp đỡ đến từ bên ngoài trở nên rất quan trọng, góp phần làm nên sự thành công trong hôn nhân chúng tôi.

Cuối cùng, chúng ta phải hiểu rằng việc nuôi dạy con cái cần có đức tin. Điều này có nghĩa là trung tín với Đức Chúa Trời và tin cậy vào những lời hứa của Ngài.

Châm Ngôn 22:6 nói với các bậc phụ huynh “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo; dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó.” Đây là một lời hứa đầy quyền năng. Chúa nói rằng nếu chúng ta “dạy” con cái mình một cách đúng đắn, khi chúng trưởng thành, chúng sẽ không lìa bỏ khỏi những điều chúng ta đã dạy dỗ chúng.

Chúng ta phải tin cậy Chúa rằng điều này sẽ trở nên hiện thực. Chúng ta cũng phải biết rằng dạy dỗ không chỉ là nói. Nó có nghĩa là thể hiện. Chúng ta dạy dỗ con cái bằng chính cuộc đời của chúng ta. Nó là một quá trình chuyển giao đầy đủ các giá trị, nhân cách, đời sống thuộc linh và những mục đích sống. bạn không thể nói phương cách của bạn qua quá trình này. Bạn phải sống bày tỏ nó ra.

Con cái chúng ta học cách đáp ứng với những tình huống nhất định, đối phó với những áp lực, yêu thương vợ/chồng khi chúng nhìn và học theo chúng ta.

Vì vậy, hãy ưu tiên hôn nhân của bạn. Hãy thể hiện một mặt trận thống nhất. Hãy dạy dỗ con cái bằng việc làm những điều đúng đắn, và tin cậy Chúa rằng con cái chúng ta sẽ học theo gương mẫu của mình. Có thể chúng ta sẽ phải đối diện với những thử thách trong tiến rình này, nhưng đó chính là cách mà chúng ta nuôi dạy những đứa trẻ nên người.

Hồng Nhung dịch
Nguồn: MarriageToday

Quyền Tể Trị Của Đức Chúa Trời

Sau khi lãnh tụ Môi-se qua đời, Đức Chúa Trời kêu gọi Giô-suê thay thế để dẫn dắt dân Chúa vào đất hứa. Chúa biết Giô-suê lo lắng và run sợ trước trọng trách quá lớn lao và nặng nề, nên Ngài ban cho ông những lời căn dặn cũng như những lời hứa để ông an lòng gánh vác trách nhiệm. Lời hứa lớn nhất và quý báu nhất là Chúa toàn năng, toàn tri, Ngài là Đấng tể trị muôn loài vạn vật, luôn ở cùng ông trong mọi nơi ông đi, không bao giờ lìa bỏ ông. Còn ông, Chúa dạy rằng, nếu muốn được phước và may mắn thì chính ông phải suy ngẫm và làm theo luật pháp của Chúa ngày và đêm, không được lơ là, xao lãng. Cụm từ “may mắn và được phước”, nguyên nghĩa là “thịnh vượng, thành đạt, và thành công.” Đây là hai yếu tố mà ai cũng đều mong ước có được trong cuộc sống. Đức Chúa Trời dạy Giô-suê rằng, để thành đạt và thành công trong cuộc chiến tiến vào đất hứa, không phải dựa trên sức mạnh của quân đội hay bằng biện pháp chiến đấu, mà bằng bí quyết: “Quyển sách luật pháp này chớ xa miệng ngươi, hãy suy ngẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong.” Ngày nay, người đời thường cho rằng, phải phấn đấu bằng sức riêng, trí tuệ, kể cả sử dụng mọi mưu lược để thành đạt và thành công. Con dân Chúa cần nhớ Lời Chúa dạy, chính sự kiên tâm học hỏi, suy niệm Lời Chúa, và thận trọng vâng phục mới bảo đảm thắng lợi trong cuộc chiến thuộc linh cũng như được hưng thịnh trong cuộc sống.

Hơn thế nữa, dânY-sơ-ra-ên thành công trong việc đánh chiếm xứ Ca-na-an không phải vì có bộ tham mưu tài ba, hay nhờ vào đội quân bách chiến bách thắng. Điều họ có duy nhất là sự ban phước, đồng hành của Chúa. Chúa đồng hành với các thám tử khi họ thăm dò xứ Ca-na-an, Chúa đồng hành với toàn dân khi họ đồng lòng vượt qua sông Giô-đanh và chiếm đánh thành Giê-ri-cô to lớn… Chúa đồng hành với dân chúng trong mọi lúc mọi nơi, như điều Ngài đã hứa. Và Chúa cũng sẽ đồng hành với mỗi chúng ta khi chúng ta tin vào một Đức Chúa Trời tể trị, toàn năng và toàn tri. May mắn và phước hạnh là điều mà ai ai cũng đều mong muốn có được trong đời sống mình. Có thể nói mọi người, kể cả Cơ Đốc nhân, đều có quyền mưu cầu thành công và thịnh vượng cho riêng mình. Thế nhưng, chúng ta cần biết đâu là khuôn khổ và chuẩn mực của sự mưu cầu ấy. Giô-suê 1:8 nói lên hai điều cho khuôn khổ và chuẩn mực này.

Thứ nhất, Chúa là Đấng tể trị, có quyền trên mọi điều trong đời sống mình. Sự thành công hay thịnh vượng của mình không phải nhờ vào sự may rủi, càng không phải nhờ vào năng lực của mình. Điều này giúp chúng ta biết trông cậy Chúa, đồng thời cũng dạy chúng ta khiêm nhường trước mặt Chúa, vì mọi điều mình có đều đến từ Chúa. Thứ hai, thịnh vượng và thành công là lời hứa chắc chắn mà Chúa hứa ban cho mỗi người. Đây không phải là điều may rủi, hay do vận mạng tốt xấu như cách người ta thường nghĩ. Đây là lời hứa có kèm điều kiện, hay nói cách khác, thịnh vượng và thành công là kết quả của việc chúng ta có sống và làm theo Lời Chúa hay không. DânY-sơ-ra-ên là một tấm gương phản ánh sắc nét điều này. Khi dân chúng lắng nghe và làm theo điều Chúa đã dặn, thì mọi việc diễn ra đúng y như Lời Chúa loan báo. Nhưng thảm họa sẽ ập đến khi họ lơ là và làm trái lại điều Chúa dặn. Làm theo Lời Chúa là chìa khóa để dânY-sơ-ra-ên bước vào miền đất hứa và tận hưởng sự trù phú.

Trong sự tể trị của Chúa, nhìn lại các nhân vật từ Áp-ra-ham cho đến Giô-suê, chúng ta thấy sự chuẩn bị và huấn luyện người lãnh đạo được lặp đi lặp lại: Áp-ra-ham từ khi nghe tiếng Chúa gọi ra khỏi U-rơ đã phải mòn mỏi đợi suốt một phần tư thế kỷ Y-sác mới ra đời. Gia-cốp phải mất gần khoảng thời gian đó mới được đổi tên thành Y-sơ-ra-ên. Còn Môi-se đã phải chịu trui rèn huấn luyện suốt 80 năm trước khi được Chúa trao cho nhiệm vụ giải phóng tuyển dân. Bất cứ ai muốn trở thành một dụng cụ hữu hiệu trong tay Chúa, đều cần có thời gian được Chúa huấn luyện để có thể trở nên công cụ sắc bén trong tay Ngài.

Xin Chúa ban cho chúng talòng tin cậy vào sự tể trị của Ngài để chúng ta sống vâng theo Lời Chúa.

Podcasts

Latest sermons