Trang chủ Blog Trang 61

Chúa Nhật 06-09-2020

Hội Thánh Tin Lành Việt Nam – Chi Hội Tô Hiến Thành
Chương Trình Thờ Phượng – Chúa nhật 06-09-2020

Chủ đề: QUYỀN TỂ TRỊ CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

Câu Gốc: Giô-suê 1:8
Quyển sách luật-pháp nầy chớ xa miệng ngươi, hãy suy-gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn-thận làm theo mọi điều đã chép ở trong; vì như vậy ngươi mới được may-mắn trong con đường mình, và mới được phước.

Giảng Luận: Mục Sư Nguyễn Ngọc Dũng
HDCT: Chấp sự Trịnh Quang Huy

Website: https://httltohienthanh.org
https://www.youtube.com/c/HTTLToHienThanh
Facebook: https://www.facebook.com/HTTLToHienThanh.org

Nền Tảng Cho Một Cuộc Hôn Nhân Vững Mạnh

Các con của tôi đang làm “dự án” xây nhà trong bãi đất trống bên cạnh. Hầu như mỗi ngày sau giờ học, chúng sẽ gặp gỡ những đứa trẻ hàng xóm và tìm kiếm những vật dụng để thêm vào kiệt tác yêu quý của mình. Chúng sử dụng một số thùng giấy cũ và các hộp cạt-tông xếp chồng lên nhau để xây nhà, và mỗi khi có gió bão, toàn bộ mọi thứ đổ sụp xuống và thế là chúng phải xây dựng lại từ đầu.

Tôi thấy mình không làm được gì cho bọn nhỏ vì tôi không phải là người khéo tay. Ba vợ tôi thì lại khác. Ông rất khéo tay và có thể sửa chữa mọi thứ. Vì vậy vợ tôi mặc định tôi cũng vậy. Tôi ước mình có những kỹ năng đó, nhưng khi tôi thử vung búa, mọi thứ sẽ bị phá vỡ! Ngược lại với tôi, vợ tôi vừa xinh đẹp lại vừa khéo tay.

Các con tôi ước tôi có kỹ năng xây dựng tốt hơn, để có thể giúp chúng xây nhà. Tôi làm hết sức mình để giúp chúng thu thập vật liệu, nhưng đóng góp quý giá nhất của tôi cho đến nay vẫn là một lời khuyên về kỹ thuật. Tôi nói với chúng rằng ngôi nhà mà chúng làm sẽ tiếp tục sụp đổ cho đến khi chúng xây nó trên một nền tảng vững chắc.

Nhiều cuộc hôn nhân cũng giống như những ngôi nhà đó. Có thể có rất nhiều nỗ lực để xây dựng mối quan hệ, nhưng dường như nó vẫn sụp đổ. Cuộc hôn nhân có thể tan vỡ vì thiếu nỗ lực, nhưng trong những trường hợp khác, mối quan hệ thất bại vì những lý do tương tự như ngôi nhà mà bọn trẻ xây. Nó được xây bởi các vật dụng không đúng và không có nền tảng vững chắc.
Ma-thi-ơ 7:24-27 là một trong những sự dạy dỗ nổi tiếng nhất của Chúa Giê-xu. Ngài kể câu chuyện về một người khôn và người dại xây nhà. Người khôn đã dành thời gian để xây dựng ngôi nhà của mình trên vầng đá vững chắc, trong khi người dại đã đi theo con đường nhanh chóng và dễ dàng, xây dựng ngôi nhà của mình trên cát.

Nhìn từ bên ngoài, cả hai ngôi nhà trông giống nhau, nhưng sự khác biệt đã được tiết lộ khi một cơn bão ập đến. Những cơn gió mạnh và mưa đổ xuống cả hai ngôi nhà, và ngôi nhà không có nền tảng vững chắc đã sụp đổ. Ngôi nhà được xây dựng trên vầng đá thì đứng vững.

Đọc sách báo và xem phim ảnh trong thời buổi hiện nay dễ làm cho con người ta cảm thấy mình có thể yêu và cưới bất cứ lúc nào. Những mối quan hệ này thường dựa trên cảm xúc tức thì, sự bất an, sự dễ dãi, hoặc tình dục. Khi những cơn bão của cuộc sống đến, mối quan hệ này liền đỗ vỡ.

Tuy nhiên, các mối quan hệ vững chắc nhất được xây dựng trên nền tảng của tình yêu và tình yêu luôn được xây dựng trên nền tảng vững chắc của sự kết ước. Sức mạnh của sự kết ước của bạn sẽ luôn xác định sức mạnh của mối quan hệ của bạn. Nếu bạn muốn một cuộc hôn nhân sẽ tồn tại qua tất cả các cơn bão cuộc đời, bạn cần xây dựng mối quan hệ của mình dựa trên sự cam kết với Chúa Giê-xu và nền tảng của lời Chúa.

Tôi và vợ tôi cũng có nhiều trục trặc trong hôn nhân, nhưng có một điều chúng tôi đã làm một cách khôn ngoan là để Lời Chúa làm nền tảng cho cuộc hôn nhân và Lời Chúa là thẩm quyền cuối cùng trong mọi vấn đề. Nghiên cứu Lời Chúa hàng ngày đã giúp hôn nhân chúng tôi nhiều hơn bất kỳ thói quen nào khác. Bắt đầu mỗi ngày bằng việc suy ngẫm Lời Chúa đem lại cho chúng ta nguồn cảm hứng và năng lượng mà chúng ta sẽ cần cho cả ngày, giúp chúng ta có cái nhìn tổng quan và những bài học áp dụng thực tế. Kinh Thánh có câu trả lời cho mọi thử thách mà bạn sẽ phải đối diện.

Thời gian đầu hôn nhân, khi chúng tôi gặp rắc rối về tài chính với các khoản nợ, chính các hướng dẫn tài chính của Kinh Thánh (và các nguồn khác dựa trên Kinh Thánh) đã giúp chúng tôi thoát khỏi nợ nần và sống một cuộc sống bình an và tự do về tài chính. Khi vợ tôi chiến đấu với sự lo lắng và trầm cảm, chính Kinh Thánh và các nguồn khác dựa trên Kinh Thánh (trong đó có cả những người thầy thuộc linh) cuối cùng đã giúp vợ tôi tìm thấy sự bình an. Khi tôi vất vả đấu tranh với các vấn đề như giận dữ hay kiêu ngạo hay thậm chí là sự tranh chiến với tội lỗi trong quá khứ của tôi liên quan đến phim khiêu dâm, chính Lời Chúa đã làm trong sạch tâm trí tôi và đưa tôi trở lại con đường đúng đắn.

Nhiều người khác cảm thấy biết ơn vì lời chứng của chúng tôi đã cứu hôn nhân của họ, nhưng mọi điều hữu ích mà chúng tôi từng chia sẻ về hôn nhân đều đến từ Kinh Thánh. Chúa đã cứu cuộc hôn nhân của họ. Chúng tôi chỉ đang truyền tải thông điệp của Ngài.

Tôi không nói quá về tầm quan trọng của việc đặt Lời Chúa vào tấm lòng và tâm trí của bạn hàng ngày. Tôi thực sự tin rằng đó là khoản đầu tư có giá trị nhất về thời gian bạn có thể thực hiện và điều này sẽ thay đổi hôn nhân bạn cũng như mọi khía cạnh khác trong cuộc sống của bạn.

Hồng Nhung dịch
Tác giả: MS Dave Wills (Nguồn: Marriage Today)

Cơ Đốc Nhân Với Chữ Hiếu

Nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu có bản nhạc “Cho con” khá hay và cảm động nói về tình yêu cha mẹ dành cho con cái. Khoảng cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, lần đầu tiên tôi được hân hạnh nghe bài hát này do chính tác giả đàn và hát trong một buổi giao lưu với học sinh và các thầy cô trong trường nơi tôi đang dạy học. Bài hát có lời như sau “Ba mẹ là cánh chim, đưa con đi thật xa. Ba mẹ là cành hoa cho con cài lên ngực. Ba mẹ là lá chắn, che chở suốt đời con. Con là con của ba, con của ba rất ngoan. Con là con của mẹ, con của mẹ rất hiền. Mai này con khôn lớn, Bay đi khắp mọi miền, Con đừng quên con nhé, Ba mẹ là quê hương.”

Cảm ơn Chúa đã ban cho chúng ta tình mẫu tử, phụ tử thiêng liêng, cao quí và phận làm con ai cũng phải mang ơn sâu nghĩa nặng ấy. Chính vì thế mà Cơ Đốc giáo đã quan tâm dạy dỗ nhiều về đạo hiếu kính. Nhân Ngày Hiếu kính cha mẹ, chúng ta cùng nhau suy ngẫm về chữ hiếu trong đạo Chúa.

Cơ Đốc Giáo Coi Trọng Chữ Hiếu

Có một sự hiểu lầm đáng tiếc và gây nguy hại không ít cho đạo Chúa, đó là nhiều người Việt Nam cho rằng người theo Tin Lành là bỏ ông, bỏ bà và cho tin Chúa là bất hiếu. Cách đây hơn 130 năm, nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đã viết: “Dân mà theo đạo Tây rồi, cửa nhà mất hết, ông cha không thờ.” Hay trong một bài thơ khác, tác giả cũng viết “Thà đui mà giữ đạo nhà, Còn hơn sáng mắt ông cha không thờ”.

Thật ra, Cơ Đốc giáo coi trọng chứ hiếu, có thể nói còn hơn cả Nho giáo và Phật giáo nữa. Vì sao chúng ta nói như vậy?

• Hiếu kính cha mẹ là điều răn thứ nhất trong bổn phận đối với con người

Có thể nói Mười điều răn cô đọng nền tảng cơ bản về tâm linh và đạo đức của Cơ Đốc giáo và một trong mười điều đó là hiếu kính cha mẹ. “Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi hầu cho ngươi được sống lâu trên đất mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho.” (Xuất. 20:12) Trong thư Ê-phê-sô, thánh Phao-lô nhắc lại điều răn này và coi là điều răn thứ nhất có lời hứa cặp theo “Hãy tôn kính cha mẹ ngươi (ấy là điều răn thứ nhứt, có một lời hứa nối theo), hầu cho ngươi được phước và sống lâu trên đất.” (Ê-phê-sô 6:2). Thực ra hiếu kính cha mẹ là điều răn thứ năm trong mười điều răn Chúa dạy, nhưng lại là điều răn thứ nhất trong bổn phận đối với con người. Rõ ràng Tân Ước không chỉ nhắc lại mà còn muốn nhấn mạnh, nâng cao điều răn hiếu kính lên một bực. Trong khi Nho giáo đặt cho cha mẹ ở hàng thứ ba sau bổn phận với vua và thầy “quân, sư, phụ” thì Cơ Đốc giáo đã đặt cha mẹ lên hàng đầu trong các bổn phận đối với con người, cho thấy Cơ Đốc giáo coi trọng chữ hiếu hơn ai hết.

• Cả Cựu Ước lẫn Tân Ước đều nhấn mạnh đạo hiếu kính

Hiếu kính cha mẹ được Chúa truyền dạy lần đầu tiên trong sách Xuất Ê-díp-tô Ký và được lặp lại trong sách Phục Truyền Luật Lệ Ký và được truyền dạy xuyên suốt cả Cựu Ước lẫn Tân Ước. Đặc biệt sách Châm Ngôn ghi lại nhiều lời dạy dỗ liên quan đến đạo hiếu kính, nhất là những lời cảnh báo, lên án nghiêm khắc về tội bất hiếu: “Ngọn đèn của kẻ rủa cha mẹ mình sẽ tắt giữa vùng tăm tối mờ mịt.” (20:20); “Kẻ nào đánh cha hay mẹ mình, sẽ bị xử tử” “Kẻ nào mắng cha hay mẹ mình, sẽ bị xử tử.” (Xuất. 21:15,17). Có thể nói chưa có luật pháp nào trên thế giới nghiêm khắc hơn thế! Các sách Phúc Âm và Thư tín trong Tân Ước cũng nhiều lần nhắc nhở về lẽ đạo hiếu kính. Đặc biệt chính Chúa Giê-xu cũng nêu gương hiếu kính (Lu-ca 2:51; Giăng 19:25-28) và Ngài lên án mạnh mẽ những kẻ bất hiếu là đạo đức giả (Ma-thi-ơ 15:2-9).

• Chữ hiếu trong Cơ Đốc giáo không phải là nghi lễ mà là mối quan hệ tốt đẹp với cha mẹ

Tuy nhiên, cũng cần hiểu quan niệm hiếu kính trong đạo Chúa khác biệt với quan niệm của các nền văn hóa, nhất là văn hóa phương Đông. Chữ hiếu trong đạo Chúa không phải là những nghi lễ mà là mối quan hệ tốt đẹp với cha mẹ. Trong Cựu ước, hiếu kính là Kabad (Xuất. 20:12) có nghĩa là tôn kính, kính sợ. Trong Tân Ước thì dùng từ Timao (Ê-phê-sô 6:2) cũng có ý nghĩa tương tự, và từ Eusebeo (I Ti-mô-thê 5:4) được dịch là “hiếu thảo” (TTHĐ). Hiếu kính theo Kinh Thánh là thái độ thương yêu, kính trọng, có mối quan hệ tốt đẹp với bậc sinh thành, cũng như quan tâm chăm sóc cha mẹ lúc già yếu.

Chữ hiếu 孝 trong chữ Hán gồm 2 chữ ghép lại là chữ lão 老 (già) và chữ tử 子 (con), hàm ý con cái chăm sóc cha mẹ lúc tuổi già. Văn hóa Việt Nam chúng ta chịu ảnh hưởng sâu đậm của Nho giáo nên chú trọng nhiều đến nghi lễ, cúng kiếng, nhất là khi cha mẹ qua đời thì làm đám tiệc cúng giỗ linh đình để tỏ lòng hiếu kính. Thực ra, hiếu kính không phải là cúng giỗ cha mẹ thật linh đình khi chết, mà là lòng yêu thương, chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ cho chu đáo. Vì thế tục ngữ Việt Nam cũng có ý mỉa mai những người hiếu kính theo kiểu hình thức ấy “Sống không cho ăn, chết làm văn tế ruồi”. Ngày xưa Tăng Sâm (Tăng Tử) học trò Khổng Tử cũng nói một câu rất thấm thía “Giết trâu tế mộ, không bằng giết con gà đãi cha mẹ lúc còn sống.”(Trùy ngưu tế mộ, bất như kê đồn chi đãi thân tồn dã – Theo “Hàn Thi ngoại truyện” của Hàn Anh).

Thật vậy, sự hiếu kính của người tin Chúa chủ yếu là bày tỏ lúc cha mẹ con sống, vì khi chết rồi thì tất cả những gì chúng ta làm cũng vô ích mà thôi. Sở dĩ ông bà ta cúng giỗ người quá cố vì họ thực sự cũng không biết người chết thì linh hồn sẽ đi về đâu và sẽ sống như thế nào ở thế giới bên kia; biết đâu họ lang thang đói khổ thì tội nghiệp cho nên nghĩ đến chuyện làm mâm cơm, mâm cỗ dâng lên người quá cố cho thỏa lòng thương nhớ. Tuy nhiên, Kinh Thánh cho chúng ta biết khi con người chết đi thì “bụi tro trở vào đất y như nguyên cũ, và thần linh trở về nơi Đức Chúa Trời, là Đấng đã ban nó.” (Truyền Đạo 10:7), đúng như ông bà chúng ta thường nói người chết là “chầu Trời” rồi. Vì thế, người tin Chúa không cúng giỗ người chết vì linh hồn của họ đã thuộc về Chúa rồi. Nếu chúng ta không hiểu cứ bày ra cúng giỗ theo truyền thống xưa bày nay bắt chước thì chỉ tạo cơ hội để ma quỉ lợi dụng và dẫn chúng ta đi sai lạc theo nó mà thôi.

Cơ Đốc Nhân Và Chữ Hiếu

Như đã trình bày ở trên, chữ hiếu trong đạo Chúa nhấn mạnh đến mối quan hệ yêu thương tốt đẹp đối với cha mẹ chứ không phải là lễ nghi, hình thức. Vì thế, Kinh Thánh dạy về sự hiếu kính rất thực tế. Xin nêu tóm lược mấy điều sau đây:

• Vâng phục (vâng lời) cha mẹ

Vâng lời hay vâng phục cha mẹ là đòi hỏi đầu tiên của sự hiếu kính: “Hỡi kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ mình trong Chúa, vì điều đó là phải lắm.” (Ê-phê-sô 6:1). Con cái còn bé trong gia đình mà không vâng lời cha mẹ là người lớn, đã sinh thành dưỡng dục mình thì làm sao nên người được. Ca dao Việt Nam cũng nói “Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư”. Tuy nhiên, cần lưu ý hai chữ “trong Chúa”, nghĩa là không đi ngược lại với đức tin nơi Chúa, đường lối của Chúa. Hơn nữa, cha mẹ không phải người toàn hảo, cho nên con cái khôn ngoan phải khuyên can cha mẹ nếu thấy cha mẹ làm điều trái đạo đức, sai trật. Sách Nho giáo có ghi lại chuyện Tăng Sâm, học trò của Khổng Tử bị cha đánh bằng thanh gỗ lớn bị bất tỉnh mà ông không giận. Nghe vậy Khổng Tử giận Tăng Sâm không cho vào lớp. Không Tử nói “Đối với sự sai lầm của phụ thân, nhất định phải khuyên can; khuyên can mà không nghe cũng không thể phục tùng, bởi vì như vậy sẽ đẩy thân phụ vào chỗ bất nghĩa. Nói cho đúng là, mù quáng phục tùng mệnh lệnh của phụ thân cũng không phải là hiếu tử chân chính.” Kinh Thánh cũng ghi lại việc Giô-na-than tìm cách khuyên vua cha là Sau-lơ khi vua vì ganh tị tìm cách giết Đa-vít vô cớ (1 Sam 20:30-34).

• Tôn kính cha mẹ

Như đã nói ở trên, chữ hiếu kính trong Kinh Thánh có nghĩa là tôn kính, kính trọng. Con cái không những vâng lời cha mẹ mà phải luôn tỏ thái độ kính trọng song thân, dù khi cha mẹ trở nên già yếu. Kinh Thánh dạy “Hãy nghe lời cha đã sanh ra con, Chớ khinh bỉ mẹ con khi người trở nên già yếu.” (Châm Ngôn 23:22)

• Không làm cho cha mẹ buồn

Chẳng những vâng lời, kính trọng mà con cái còn phải làm vui lòng cha mẹ, đừng làm điều gì khiến cha mẹ buồn phiền. “Ước gì cha và mẹ con được hớn hở, Và người đã sinh con lấy làm vui mừng” (Châm Ngôn 23:25)

Trong sách “Nhị thập tứ hiếu” của Quách Cư Nghiệp (hai mươi bốn người con có hiếu của Trung Hoa, được cụ Lý Văn Phức diễn nôm) có kể chuyện ông Lão Lai người rất hiếu thảo với cha mẹ già. Dù đã bảy mươi tuổi, ông thường mặc áo màu sặc sỡ, miệng hát tay múa, làm trò để cha mẹ già vui. Có khi bưng nước, ông giả vờ trợt té rồi ngồi khóc hu hu như đứa trẻ khiến cha mẹ già phải bật cười.

Ngay nay không ít gia đình tín hữu, con cái đã làm buồn lòng cha mẹ khi anh chị em trong gia đình không thương yêu, hòa thuận nhau. Khi đã lớn khôn lập gia đình thì hôn nhân đổ vỡ, ly dị, ly thân khiến cha mẹ buồn rầu. Đó là điều đáng buồn!

• Phụng dưỡng cha mẹ

Điều quan trọng nhất trong đạo hiếu kính là săn sóc, phụng dưỡng cha mẹ lúc già yếu, bệnh tật. Trong thư I Ti-mô thê, thánh Phao-lô đã nhấn mạnh trách nhiệm hiếu kính qua việc chăm lo, phụng dưỡng cha mẹ khi già yếu để báo đáp cha mẹ. “Nhưng nếu bà góa có con hoặc cháu, thì con cháu trước phải học làm điều thảo đối với nhà riêng mình và báo đáp cha mẹ; vì điều đó đẹp lòng Đức Chúa Trời.” (I Ti-mô-thê 5:4). Thự tế, trong Hội Thánh ngày xưa có một số bà góa bị con cái bất hiếu, bỏ bê và đùn đẩy cho Hội Thánh chăm sóc cho nên Phao-lô mới nhắc nhở như vậy. Và tiếp theo sau Phao-lô khẳng một cách mạnh mẽ: “Ví bằng có ai không săn sóc đến bà con mình, nhứt là không săn sóc đến người nhà mình, ấy là người chối bỏ đức tin, lại xấu hơn người không tin nữa.” (I Ti-mô-thê 5:8). Động từ “săn sóc” ở đây trong nguyên ngữ là pronoeo có nghĩa cấp dưỡng, chu cấp về vật chất cho người nhà mình trong đó có cha mẹ và ông lên án mạnh mẽ những người không làm tròn bổn phận hiếu kính là “chối bỏ đức tin, lại xấu hơn người không tin nữa”. Tưởng không có lời nào nghiêm khắc hơn!

Tuy nhiên, cha mẹ nuôi con thì không bao giờ than thở, tính toán mà đem hết những gì mình có để lo cho con. Nhưng tiếc thay khi con cái chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ lúc già yếu thì thường hay than thở tính toán tốn kém. Vì thế ca dao Việt Nam có câu “Mẹ nuôi con, lai lai láng láng, Con nuôi mẹ tính tháng tính ngày.”

Nói về việc phụng dưỡng cha mẹ, chúng ta không thể không nhắc đến gương hiếu thảo của Chúa Giê-xu. Trong những giờ phút đau thương trên thập tự giá, Chúa Giê-xu vẫn không quên mẹ phần xác của mình là bà Ma-ri. Ngài trao trách nhiệm chăm sóc phụng dưỡng mẹ mình cho môn đồ yêu dấu là Giăng khi Ngài phán với ông đang đứng ở đó “Đó là mẹ ngươi! Bắt đầu từ bấy giờ, môn đồ ấy rước người về nhà mình.” (Giăng 19:27). Có thể nói đó là gương hiếu thảo tuyệt vời đáng cho tất cả chúng ta noi theo.

Trách Nhiệm Của Cha Mẹ

Để con cái có thể làm tròn bổn phân hiếu kính, cha mẹ cũng phải làm bổn phận của mình nữa. Vì thế, liền sau khi dạy con cái phải hiếu kính cha mẹ, thánh Phao-lô cũng nhắc nhở trách nhiệm của cha mẹ “Hỡi những người làm cha, đừng làm cho con cái mình tức giận, nhưng hãy nuôi nấng chúng trong kỷ luật và sự khuyên dạy của Chúa” (Ê-phê-sô 6:4) [HĐTT]. Câu Kinh Thánh nhắc nhở cha mẹ bốn điều quan trọng:

• Không chọc giận con cái: Cha mẹ phải sống đúng, yêu thương, công bình ngay thẳng, không làm tổn thương con cái.
• Dưỡng dục con cái: Cha mẹ có trách nhiêm dưỡng dục con cái về thể chất lẫn tinh thần, đạo đức và tâm linh. Dạy con cái biết Chúa, kính sợ Chúa.
• Rèn luyện (kỷ luật) con cái: Cha mẹ yêu thương nhưng phải kỷ luật, không nuông chìu con cái, chúng sẽ hư.
• Khuyên bảo, khích lệ con cái: Con cái cần được cha mẹ khích lệ, khuyên bảo, đừng bao giờ làm chúng nãn lòng, thất vọng.

Ngoài bốn điều trên, thiết nghĩ một điều quan trọng nữa trong trách nhiệm của bậc cha mẹ là làm gương cho con cái. Giáo dục bằng gương mẫu là lối giáo dục đầy sức thuyết phục và hiệu quả nhất.

Tóm lại, Cơ Đốc giáo là tôn giáo coi trọng chữ hiếu và đặt bổn phận hiếu kính lên hàng đầu trong các bổn phận của con người đối với nhau. Tuy nhiên, hiếu kính trong đạo Chúa không phải là nghi lễ mà là mối quan hệ yêu thương, kính trọng tốt đẹp đối với cha mẹ. Cơ Đốc nhân phải coi trọng chữ hiếu để làm sáng danh Chúa. Có thể nói, Cơ Đốc nhân tin kính phải là Cơ Đốc nhân hiếu kinh như Kinh Thánh dạy “trước hết con cháu phải học bày tỏ lòng hiếu thảo với chính gia đình mình và báo đáp công ơn cha mẹ; vì điều đó đẹp lòng Đức Chúa Trời. (I Ti-mô-thê 5:4b) [HĐTT]

Trịnh Phan (5.2020)

Chúa Đứng Bên Tôi

Đôi lúc cuộc sống cũng giống như lái bè vượt qua những dòng nước trắng xóa, một hành trình có nhiều thác ghềnh hơn những gì chúng ta mong muốn. Lời hứa của Chúa dành cho dân Y-sơ-ra-ên qua tiên tri Ê-sai sẽ hướng dẫn chúng ta trong lúc lo sợ điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra: “Khi con lội qua sông, sẽ chẳng bị nước cuốn”. Dân Y-sơ-ra-ên rất sợ Chúa từ bỏ họ khi họ đi lưu đày vì hậu quả của tội lỗi mình, nhưng Ngài đã quả quyết và hứa rằng Ngài sẽ ở cùng họ bởi vì Ngài yêu thương họ. Dân sự Chúa bị lưu đày được trở về nguyên quán.Tuy nhiên, sau khi thành Giê-ru-sa-lem bị tàn phá vào năm 70 S.C. và dân Giu-đa bị tan lạc khắp nơi, thì nhiều người nghĩ rằng các lời tiên tri của Ê-sai về sự trở về của dân Giu-đa chưa thật sự được ứng nghiệm. Trải qua nhiều thế kỷ, dân Giu-đa tiếp tục trở về, cho đến 1948, sau khi dân Giu-đa bị thảm sát vào thời Hitler và sau sự khủng hoảng chính trị thời hậu chiến, đất nước Y-sơ-ra-ên mới được thành lập. Lúc đó, dân Do-thái mới nhận thấy lời tiên tri của Ê-sai đã được ứng nghiệm.

Trong Cựu Ước, Đức Chúa Trời luôn bày tỏ tình yêu thương và lòng nhân từ đối với dân Y-sơ-ra-ên mặc dù biết bao lần họ không vâng lời và thuận phục Ngài. Đức Chúa Trời hứa rằng, Ngài sẽ ở cùng khi họ vượt sông hay băng qua lửa, vì Ngài là Đức Chúa Trời, là Chúa Cứu Thế của họ, là Đấng giải cứu họ ra khỏi ngục tù về mặt thuộc thể cũng như thuộc linh. Nơi Chúa còn vô vàn những điều lạ lùng vượt quá sự suy tưởng của chúng ta. Ê-sai cho biết rằng Đức Chúa Trời sắp giải cứu Y-sơ-ra-ên, không những chỉ những người đang bị đày tại Ba-by-lôn nhưng cả những người Y-sơ-ra-ên ở những nơi khác. Họ là dân thuộc riêng về Ngài và được dùng để hoàn thành mục đích của Ngài. Hai tên Gia-cốp và Y-sơ-ra-ên thường được tác giả dùng chung với nhau như có ý nhắc cho dân Y-sơ-ra-ên hiểu rằng Gia-cốp, một người lường gạt, đã trở nên Y-sơ-ra-ên, tuyển dân của Đức Chúa Trời. Tác giả muốn cho họ thấy bởi ân sủng của Chúa họ trở nên một dân thuộc về Ngài. Bởi ân sủng, Chúa đã ở cùng và bảo vệ họ trong những lúc gian truân. Vì là dân của Ngài, Ngài đã yêu họ, coi họ là quí báu, đáng chuộng vì thế Ngài sẽ cứu chuộc họ, đem họ trở về từ muôn phương. Chương trình của Chúa không phải là bỏ rơi họ vĩnh viễn nhưng sửa phạt tội lỗi họ, uốn nắn họ và dùng họ để làm nguồn phước cho muôn dân.

Phân đoạn này lặp lại hai lần chữ “đừng sợ” và tiếp theo là những lý do được nêu ra. Cũng như dân Y-sơ-ra-ên, chúng ta sẽ không sợ khi chúng ta nhận thức mình là ai trước mặt Đức Chúa Trời, nhất là khi nhìn lại quá khứ gian nan mà Chúa đã ở cùng, bảo vệ, dẫn dắt. Chúng ta sẽ không sợ khi biết rằng Chúa yêu chúng ta, coi chúng ta là quí báu đáng chuộng và trong tương lai Ngài sẽ tiếp tục ở cùng, giải cứu chúng ta. Cho dù nhiều lúc Chúa sửa phạt, uốn nắn chúng ta, nhưng cuối cùng Ngài sẽ dùng chúng ta trong chương trình kỳ diệu của Ngài.

Chúa luôn bên cạnh chúng ta và Ngài vẫn luôn ở đó, dù chúng ta có cảm nhận được sự hiện diện của Chúa hay không.Vì vậy, những đám mây giống như những vấn đề của chúng ta.Những đám mây làm chúng ta không nhìn thấy ánh nắng mặt trời, nhưng mặt trời vẫn ở đó và tỏa nắng, và đôi khi chúng ta cảm thấy như Chúa không còn ở với chúng ta, nhưng Ngài thực sự vẫn đang bên cạnh chúng ta. Không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi Chúa và tình yêu của Ngài. Mặt trời luôn chiếu sáng, và tình yêu của Chúa cũng luôn tỏa sáng.Những thời điểm khó khăn đem đến cho chúng ta cơ hội để tin cậy Đức Chúa Trời và Lời của Ngài cách trọn vẹn nhất. Những thời khắc hoạn nạn giúp chúng ta trưởng thành và bày tỏ ân điển của Ngài. Chúa không bỏ mặc chúng ta trong lúc giông bão. Chúng ta hãy tin rằng Ngài sẽ hướng dẫn chúng ta vượt qua những thác ghềnh, là những nỗi sợ sâu thẳm nhất và những nan đề đau đớn nhất bởi vì Ngài luôn yêu thương và hứa sẽ ở cùng chúng ta mãi mãi.

Xin Chúa cho chúng ta nhận biết Chúa luôn bên cạnh để không sợ hãi khi đối diện với những thử thách.

Trường Chúa Nhật 30-08-2020

Hội Thánh Tin Lành Việt Nam – Chi Hội Tô Hiến Thành
Trường Chúa Nhật – Chúa nhật 30-08-2020

Bài 61: HÃY SUY NGHĨ

Câu Gốc: Ê-Sai 46:8
Hãy nhớ mọi sự đó, hãy tỏ ra là đấng trượng-phu! Hỡi kẻ phạm tội, hãy nghĩ lại! 9Hãy nhớ lại những sự ngày xưa; vì ta là Đức Chúa Trời, và chẳng có Chúa nào khác; ta là Đức Chúa Trời, chẳng có ai giống như ta.

Giáo viên: TĐ. Châu Thanh Thiên Ngọc

Website: https://httltohienthanh.org
https://www.youtube.com/c/HTTLToHienThanh
Facebook: https://www.facebook.com/HTTLToHienThanh.org

Chúa Nhật 30-08-2020

Hội Thánh Tin Lành Việt Nam – Chi Hội Tô Hiến Thành
Chương Trình Thờ Phượng – Chúa nhật 30-08-2020

Chủ đề: CHÚA ĐỨNG BÊN TÔI

Câu Gốc: Ê-Sai 43:2
Khi ngươi vượt qua các dòng nước, ta sẽ ở cùng; khi ngươi lội qua sông, sẽ chẳng che-lấp. Khi ngươi bước qua lửa, sẽ chẳng bị cháy, ngọn lửa chẳng đốt ngươi.

Giảng Luận: Mục Sư Nguyễn Ngọc Dũng
HDCT: Chấp sự Lâm Văn Quang

Website: https://httltohienthanh.org
https://www.youtube.com/c/HTTLToHienThanh
Facebook: https://www.facebook.com/HTTLToHienThanh.org

Podcasts

Latest sermons