Trang chủ Blog Trang 62

Bốn Câu Hỏi Cho Năm Mới

Năm 2020 có một ý nghĩa khá đặc biệt vì là năm khởi đầu một thập niên mới, năm bản lề của thập niên thứ hai của thế kỷ 21. Vì thế, thiết nghĩ là con dân Chúa, chúng ta cần suy nghĩ kỹ hơn và xa hơn khi lên kế hoạch vì nó sẽ ảnh hưởng về lâu về dài đời sống, công việc, chức vụ và sự phục vụ Chúa của chúng ta. Cảm tạ Đức Chúa Trời đã tạo dựng thế giới, vũ trụ, vạn vật và loài người chúng ta, và Ngài cũng đã dựng nên thì tiết, ngày đêm, năm tháng, bốn mùa xuân, hạ, thu, đông để chúng ta tùy theo đó mà lên kế hoạch làm việc cho thích hợp (Sáng. 1:14; 8:22, Phục. 11:14) và Chúa cũng hứa chăm sóc, ban phước cho chúng ta từ đầu năm cho đến cuối năm nếu chúng ta tin cậy nơi Ngài (Phục. 11:12).

Bước vào năm mới 2020 này, chúng ta cần làm gì? Tôi được Chúa nhắc nhở qua lời Chúa trong A-ghê 1:5 “Vậy bây giờ Đức Giê-hô-va vạn quân phán như vầy: Các ngươi khá xem xét đường lối mình.” Thiết nghĩ một trong những cách tốt nhất để xem xét lại đường lối, đời sống, công việc, chức vụ của mình là tự đặt những câu hỏi kiểm tra và tự trả lời những câu hỏi đó trước mặt Chúa. Tôi nghĩ ít ra có bốn câu hỏi liên quan đến đời sống cá nhân, gia đình, Hội Thánh và kế hoạch cho năm mới, thập niên mới mà chúng ta cần đặt ra.

1. TÔI CẦN LÀM ĐIỀU GÌ ĐỂ ĐẸP LÒNG CHÚA HƠN TRONG NĂM MỚI?
Lời Chúa qua thánh Phao-lô nhắc nhở chúng ta “Hãy xét điều chi vừa lòng Chúa…” (Ê-phê-sô 5:10). Điều chúng ta cần quan tâm hơn hết trong đời sống và cần xem xét là chúng ta có sống đẹp lòng, vừa lòng Chúa không? Và đời sống như thế nào là đẹp lòng Chúa?
• Đồng đi cùng Đức Chúa Trời
Nhắc đến đời sống đẹp lòng Chúa, người đầu tiên mà Kinh Thánh đề cập đến như một tấm gương cho chúng ta noi theo, đó là ông Hê-nóc. Kinh Thánh chép “Hê-nóc đồng đi cùng Đức Chúa Trời, rồi mất biệt, bởi vì Đức Chúa Trời tiếp người đi.” (Sáng. 5:24) và Thư Hê-bơ-rơ giải thích cho chúng ta biết lý do Hê-nóc được Chúa tiếp rước lên: “Bởi chưng trước khi được tiếp lên, người đã được chứng rằng mình ở vừa lòng Đức Chúa Trời rồi” (Hê-bơ-rơ 11:5b).


“Đồng đi cùng Đức Chúa Trời” có nghĩa gì? Kinh Thánh dùng thành ngữ này để nói lên mối tương giao mật thiết với Chúa. Như vậy, một đời sống đẹp lòng Chúa trước hết đời sống có mối tương giao tốt đẹp với Chúa mỗi ngày. Không phải chúng ta dâng hiến nhiều, phục vụ Chúa nhiều mà Chúa vừa lòng đâu, bèn là tình yêu chúng ta dành cho Chúa thể hiện qua mối tương giao với Ngài mỗi ngày. Chúa đã trách Hội Thánh Ê-phê-sô “Nhưng điều ta trách ngươi, là ngươi đã bỏ lòng kính mến ban đầu.” (Khải. 2:4) Hãy xem xét lại đời sống tìm kiếm Chúa, cầu nguyện, suy ngẫm lời Chúa của chúng ta trong năm qua như thế nào? Hãy học theo gương Đa-vít, ông yêu mến Chúa, luôn khao khát Chúa, và có mối tương giao mật thiết với Chúa: “Hỡi Đức Chúa Trời, Chúa là Đức Chúa Trời tôi, vừa sáng tôi tìm cầu Chúa; Trong một đất khô khan, cực nhọc, chẳng nước, Linh hồn tôi khát khao Chúa, thân thể tôi mong mỏi về Chúa” (Thi Thiên 63:1)

• Ăn năn tội lỗi, sửa lại những sai trật trong đời sống

Một đời sống vừa lòng Chúa cũng phải là đời sống tránh xa tội lỗi, nếu lỡ phạm tội thì phải hết lòng ăn năn xin Chúa tha thứ. Đức Chúa Trời đầy lòng nhân từ, hay tha thứ nhưng Ngài không chấp nhận kẻ nào cứng lòng, không chịu ăn năn. Chúa sẽ buồn lòng biết bao khi con dân Chúa cứ miệt mài trong tội lỗi mà không chịu ăn năn, sửa lại những gì sai trật, không đẹp lòng Chúa trong đời sống. Vua Đa-vít được Chúa đẹp lòng không phải vì ông toàn hảo, không phạm tội mà vì ông có lòng mềm mại, ăn năn thật lòng dù đã lỡ phạm tội trọng và Chúa đã tha thứ cho ông. Ông viết “Của lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là tâm thần đau thương: Đức Chúa Trời ôi! Lòng đau thương thống hối Chúa không khinh dể đâu” (Thi Thiên 51:17).

• Tận dụng thì giờ, không lãng phí

Một đời sống khôn ngoan, đẹp lòng Chúa cũng là đời sống biết quản lý tốt những gì Chúa ban cho mình, nhất là thì giờ. Kinh Thánh dạy chúng ta phải mua chuộc (theo nguyên ngữ) thì giờ, tận dụng thì giờ Chúa cho, không được lãng phí “Hãy lợi dụng thì giờ, vì những ngày là xấu” (Ê-phê-sô 5:16). Môi-se là đầy tớ Chúa đầy ơn, đẹp lòng Chúa đã cầu nguyện rằng “Cầu xin Chúa dạy chúng tôi biết đếm các ngày chúng tôi, hầu cho chúng tôi được lòng khôn ngoan” (Thi Thiên 90:12).

Một vị thầy giáo mỗi khi vào lớp luôn luôn ghi ở góc bảng đen con số 25.550. Học trò thắc mắc không hiểu ý nghĩa là gì nhưng không em nào dám hỏi. Một hôm có một em mạnh dạn giơ tay hỏi thầy và thầy đã vui vẻ trả lời “Đó là số ngày mà tôi nghĩ tôi sẽ sống trên đất (70 năm x 365 ngày). Tôi ghi để nhắc nhở mình phải biết sử dụng tốt số thì giờ đó”. Đó là một người khôn ngoan! Hãy xem xét lại bạn đã sử dụng thì giờ trong năm qua như thế nào? Điều gì khiến bạn lãng phí thì giờ nhiều nhất trong năm qua mà xao lãng thì giờ cầu nguyện, đọc Lời Chúa? Có phải mạng xã hội, trò chơi điện tử, phim ảnh… Bạn sẽ tập trung thì giờ vào việc gì nhất trong năm nay?

2. TÔI CẦN LÀM ĐIỀU GÌ ĐỂ CẢI THIỆN ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN, GIA ĐÌNH CỦA TÔI?
Điều thứ hai chúng ta cần quan tâm, xem xét lại là mối quan hệ trong gia đình giữa vợ chồng, con cái. Chúng ta đang sống trong thời buổi mà hôn nhân gia đình bị khủng hoảng, đổ vỡ hơn bao giờ hết. Vì thế, Cơ Đốc nhân chúng ta phải quan tâm, cải thiện mối quan hệ gia đình để đời sống hôn nhân, gia đình luôn được hạnh phúc. Không ít gia đình con cái Chúa hiện nay đang có nguy cơ đổ vỡ, ly dị, con cái hư hỏng, nổi loạn. Thiết nghĩ cần nhắc lại lời Chúa dạy về bổn phận vợ chồng, cha mẹ, con cái:
“Hỡi người làm vợ, hãy phục chồng mình, hầu cho nếu có người chồng nào không vâng theo Đạo, dẫu chẳng lấy lời khuyên bảo, chỉ bởi cách ăn ở của vợ, cũng đủ hóa theo.”
“Hỡi người làm chồng, hãy tỏ điều khôn ngoan ra trong sự ăn ở với vợ mình, như là với giống yếu đuối hơn; vì họ sẽ cùng anh em hưởng phước sự sống, nên phải kính nể họ, hầu cho không điều gì làm rối loạn sự cầu nguyện của anh em.” (1 Phi-e-rơ 3:1,7)
“Hỡi các người làm cha, chớ chọc cho con cái mình giận dữ, hãy dùng sự sửa phạt khuyên bảo của Chúa mà nuôi nấng chúng nó.” (Ê-phê-sô 6:4)
“Hỡi kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ mình trong Chúa, vì điều đó là phải lắm” (Ê-phê-sô 6:1)

• Bạn có ưu tiên cho gia đình không?

Để cải thiện mối quan hệ hôn nhân, gia đình, chúng ta phải xem xét về thứ tự ưu tiên trong đời sống. Thứ tiên ưu tiên trong đời sống Cơ Đốc nhân là: Trước hết là Chúa, thứ hai là gia đình và thứ ba là công việc hay chức vụ. Không ít con cái Chúa đã đảo lộn thứ tự ưu tiên này. Vì thế, cần tự hỏi “Tôi có dành ưu tiên cho gia đình tôi không? Tôi có quan tâm, dành thì giờ cho vợ (chồng) con cái trong gia đình không? Điều gì tôi cần sửa lại trong thói quen, hành vi cư xử không tốt với vợ (chồng), con cái trong gia đình?

• Đời sống tâm linh trong gia đình bạn như thế nào?
Hạnh phúc gia đình của con cái Chúa phần lớn phụ thuộc vào đời sống tâm linh trong gia đình. Vì thế cần thường xuyên xem xét lại đời sống tâm linh của mỗi cá nhân trong gia đình: mối tương giao với Chúa của vợ (chồng), con cái trong gia đình qua đời sống cầu nguyện, suy ngẫm lời Chúa, làm theo lời Chúa mỗi ngày. Cũng phải quan tâm xây dựng giờ gia đình lễ bái trong tuần, thì giờ đi nhóm thờ phượng Chúa với Hội Thánh, vấn đề dâng hiến phần mười…Thiết nghĩ mỗi gia đình Cơ Đốc cần có “Ngày cảm tạ Chúa hằng năm” của gia đình để dạy cho con cháu mình tinh thần biết ơn, cảm tạ Chúa. Nước Mỹ là nước duy nhất trên thế giới có ngày cảm tạ Chúa quốc gia hằng năm vào cuối tháng 11 và sở dĩ họ có truyền thống tốt đẹp đó là vì tổ phụ của họ, tức những người lập quốc ở Mỹ là những người Tin lành tin kính Chúa đã quyết định điều đó. Tôi nghĩ là con cái Chúa tin kính trên thế giới cần noi gương và gìn giữ truyền thống tốt đẹp đó trong gia đình, chắc chắn Chúa sẽ ban phước dư dật. Ngoài ra, chúng ta cũng cần có kỳ nghỉ hằng năm của gia đình để củng cố mối quan hệ cốt nhục trong gia đình.

• Củng cố mối quan hệ vợ chồng, con cái trong gia đình

Như đã nói ở trên, chúng ta cần dành ưu tiên cho gia đình, nhất là quan tâm củng cố, cải thiện mối quan hệ giữa vợ chồng, con cái trong gia đình. Ma quỷ luôn tìm cách tấn công gia đình Cơ Đốc, làm đổ vỡ, rạn nứt mối quan hệ gia đình, nhất là mối quan hệ vợ chồng. Kinh Thánh cảnh báo: “Hãy tiết độ và tỉnh thức: kẻ thù nghịch anh em là ma quỉ, như sư tử rống, đi rình mò chung quanh anh em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được” (1 Phi-e-rơ 5:8). Phải lập tức giải quyết những mối xung đột, bất hòa giữa hai vợ chồng và chữa lành những tổn thương cho nhau nếu có và coi chừng ma quỉ lợi dụng tấn công: “Ví bằng anh em đương cơn giận, thì chớ phạm tội; chớ căm giận cho đến khi mặt trời lặn, và đừng cho ma quỉ nhân dịp” (Ê-phê-sô 4:26-27). Bước vào năm mới, chúng ta phải quan tâm xây dựng một gia đình hạnh phúc như được mô tả trong Thi Thiên 128.

3. TÔI CẦN LÀM ĐIỀU GÌ ĐỂ GÓP PHẦN TÍCH CỰC XÂY DỰNG HỘI THÁNH CỦA TÔI?

• Trách nhiệm đối với Hội Thánh địa phương

Ngoài trách nhiệm đối với bản thân và gia đình, chúng ta còn có trách nhiệm với Hội Thánh nữa. Mỗi Cơ Đốc nhân đều phải có trách nhiệm góp phần xây dựng Nhà Chúa là Hội Thánh địa phương. Kinh Thánh nhắc nhở: “Dường ấy, anh em chẳng phải là người ngoại, cũng chẳng phải là kẻ ở trọ nữa, nhưng là người đồng quốc với các thánh đồ, và là người nhà của Đức Chúa Trời.” (Ê-phê-sô 2:19). Cơ Đốc nhân bên cạnh trách nhiệm với “nhà riêng” là gia đình mình, chúng ta còn có trách nhiệm với “nhà chung” là Hội Thánh của Chúa nữa. Cần lưu ý nhóm từ “người nhà của Đức Chúa Trời” ở đây. Người nhà không phải là khách qua đường, kẻ ở trọ, vì thế chúng ta phải ý thức trách nhiệm xây dựng gia đình của Đức Chúa Trời.

Bước qua năm mới, chúng ta cần xem xét, tự hỏi điều gì mình cần làm để góp phần xây dựng Hội Thánh tốt hơn.

• Chúa đánh giá chất lượng công tác của chúng ta và sẽ ban thưởng

Chúng ta có bổn phận phục vụ Chúa, góp phần xây dựng nhà Chúa, nhưng Chúa đánh giá chất lượng công tác và sẽ ban thưởng xứng đáng cho chúng ta. Kinh Thánh chép: “Nếu có kẻ lấy vàng, bạc, bửu thạch, gỗ, cỏ khô, rơm rạ mà xây trên nền ấy, 13 thì công việc của mỗi người sẽ bày tỏ ra. Ngày đến sẽ tỏ tường công việc đó; nó sẽ trình ra trong lửa, và công việc của mỗi người đáng giá nào, lửa sẽ chỉ ra. 14 Ví bằng công việc của ai xây trên nền được còn lại, thì thợ đó sẽ lãnh phần thưởng mình. 15 Nếu công việc họ bị thiêu hủy, thì mất phần thưởng. Còn về phần người đó, sẽ được cứu, song dường như qua lửa vậy.” (1 Cô-rinh-tô 3:12-15)

Chúa phân chia hai loại công tác mà chúng ta góp phần cho Hội Thánh: loại “gỗ, cỏ khô, rơm rạ” là những thứ có bề ngoài có vẻ to lớn nhưng lại vô giá trị và sẽ bị thiêu hủy trong lửa thử nghiệm của Chúa, vì đó là công việc của xác thịt với sự khoe khoang, kiêu ngạo; loại “vàng, bạc, bửu thạch” có hình thức nhỏ bé nhưng có giá trị lớn, sẽ tồn tại và được ban thưởng, vì đó là công việc xuất phát từ đức tin, lòng biết ơn Chúa, tình yêu thương và sự khiêm nhường.

Hãy xem xét sự phục vụ Chúa của bạn có phải bởi những động cơ trên đây không?
Bạn có tham gia công tác các ban ngành trong Hội Thánh không? Bạn có dâng hiến (phần mười), thăm viếng, cầu thay cho anh chị em trong Hội Thánh không? Bạn có làm chứng cho Chúa không?…

4. KẾ HOẠCH CHO NĂM MỚI CỦA TÔI LÀ GÌ?
Cuối cùng, chúng ta cần xem xét và lên kế hoạch cho năm mới và cho thập niên mới. Đức Chúa Trời là Đấng làm việc có kế hoạch, cho nên chúng ta là con dân Chúa cũng phải làm việc có kế hoạch. Kinh Thánh dạy chúng ta phải lên kế hoạch, hoạch định đường lối cho đời sống mình “Lòng người toan định đường lối mình; Song Đức Giê-hô-va chỉ dẫn các bước của người” (Châm Ngôn 16:9). Chính Chúa Giê-xu cũng dạy chúng ta phải lập kế hoạch cho công tá, cho đời sống (Lu-ca 14:28-33).

Năm 2020 là năm khởi đầu một thập niên mới, vì thế cần lên kế hoạch lâu dài hơn. Sở dĩ chúng ta phải lên kế hoạch, tính toán thời gian vì thì giờ qua nhanh, cuộc đời ngắn ngủi đúng như Kinh Thánh đã nói. Tuy nhiên, khi còn trẻ dường như chúng ta không tin điều đó, nhưng khi lớn tuổi, lúc xế chiều của đời người chúng ta mới thấy quá đúng.

Nhớ lại biến cố 1975, khi ấy tôi chưa đầy 30 tuổi, nhưng rồi thấm thoát hơn 40 năm qua, nay tôi đã đến tuổi “thất thập cổ lai hy” rồi, nhanh quá! Vì thế tôi muốn nhắn gửi các bạn trẻ và các con tôi rằng “hãy lợi dụng thì giờ, đừng lãng phí.” Hãy cầu nguyện và lên kế hoạch học hành, làm việc, công tác, lập gia đình…cho thích hợp với từng giai đoạn cuộc sống.

Đối với tôi, có lẽ năm 2020 là năm đánh dấu thập niên cuối của chức vụ hầu việc Chúa. Vì thế chúng tôi cầu nguyện xin Chúa dẫn dắt để tôi biết việc gì quan trọng phải làm, phải hoàn tất, vì quỹ thời gian còn lại của tôi rất eo hẹp, để chúng tôi có thể làm xong công việc mà Chúa giao phó.

Tôi muốn kết thúc bài chia sẻ của tôi bằng lời cầu nguyện mà Chúa ban cho tôi như là niềm xác tín và ước nguyện cho năm mới: “Đức Giê-hô-va sẽ làm xong việc thuộc về tôi. Hỡi Đức Giê-hô-va, sự nhân từ Ngài còn đến đời đời; xin chớ bỏ công việc của tay Ngài” (Thi Thiên 138:8)

Trịnh Phan
(Những ngày đầu năm mới 2020)

Hội Thánh Có Thể Giúp Gì Khi Tín Hữu Bị Ung Thư

Vào ngày 25 tháng Mười năm 2010, tôi bị chẩn đoán bệnh ung thư.

Dĩ nhiên, tôi là người nhận cú điện thoại của bác sĩ và đã lùng sục trên Internet để tìm thông tin về căn bệnh ung thư hiếm gặp này. Rồi khi tin tức từ từ lan truyền trong Hội Thánh nhỏ như một gia đình, thì các anh chị em trong Chúa cùng nắm tay chồng tôi, các con tôi và chính tôi. Họ mang lấy gánh nặng của chúng tôi và khóc với chúng tôi.

Ung thư không phải chỉ là bài tập Chúa giao cho tôi để làm vinh hiển danh Ngài trong sự đau khổ. Ngài cũng giao bài tập khó khăn này cho cộng đồng của tôi nữa.

Khi một thuộc viên trong Hội Thánh mắc ung thư, chúng ta có được cơ hội đặc biệt để bày tỏ tình yêu thương của Đấng Christ bằng cách cùng làm việc với nhau để đáp ứng nhu cầu tâm linh, thể chất và tình cảm của người đó. Mục sư, Chấp sự, bạn bè và những người quen biết đều có vai trò của mình.

Khi chúng ta hiểu cảm giác và những nhu cầu của bệnh nhân ung thư trong hội chúng của mình, thì chúng ta sẽ được trang bị tốt hơn để đến bên cạnh họ bằng tình yêu và sự giúp đỡ. Dưới đây là ba cách thiết thực chúng ta có thể giúp họ:

1. Đáp ứng nhu cầu tình cảm bằng cách thể hiện sự cảm thông
Lần đầu tiên nhận kết quả chẩn đoán, tôi nói với bác sĩ “Không biết bác sĩ có thể cho tôi biết tôi còn sống được một năm, năm năm hay bao nhiêu năm không?” Câu trả lời của bác sĩ không đem lại sự an ủi nào khi ông nói: “Chúng tôi chưa biết”.

Chẩn đoán ung thư dẫn đến hàng loạt câu hỏi khó trả lời. Lượng giá bệnh tình ra sao? Việc chữa trị có hiệu quả không – và nếu không hiệu quả thì chúng ta sẽ làm gì tiếp theo? Khả năng tái phát ra sao? Trong nhiều trường hợp, đây là những câu hỏi không thể trả lời cách chắc chắn.

Khi người bạn bị ung thư của chúng ta phải vật lộn với sự mơ hồ như vậy, chúng ta có thể bắt đầu bước vào nỗi đau của người ấy và lắng nghe cách sâu sắc. Rồi chúng ta có thể nhẹ nhàng chỉ người đó đến với hy vọng chắc chắn không thay đổi trong Đấng Christ. Khi bạn mình cảm thấy choáng váng bởi những điều họ không biết, hãy khích lệ người ấy bám lấy điều họ đã biết, đó là những lời hứa chắc chắn, không bao giờ chấm dứt trong Lời Đức Chúa Trời.

Chúng ta cũng có thể hết lòng yêu thương những bệnh nhân ung thư bằng cách cho họ biết rằng chúng ta không quên họ. Trong suốt những tháng điều trị, hầu như tôi không thể tham dự giờ thờ phượng chung. Sự mệt mỏi khiến tôi không thể có mặt trong hầu hết các sự kiện xã hội, và gia đình tôi cũng không còn tham gia những hoạt động chúng tôi thường làm. Chúng tôi như đang trong tình trạng sống chỉ đề tồn tại mà thôi.

Nhưng cộng đồng đã cho tôi thấy rằng “xa mặt” không có nghĩa là “cách lòng” bằng cách tiếp tục thăm viếng, nhắn tin và gửi thiệp cho tôi. Những việc làm đó nhắc nhở tôi rằng dù tôi cô đơn về mặt vật lý, nhưng tôi không thật sự đơn độc. Tôi được bao phủ trong tình yêu thương.

2. Tập hợp cộng đồng để đáp ứng nhu cầu thuộc thể
Nhu cầu thuộc thể và hậu cần của bệnh nhân ung thư có thể là từ vài bữa ăn sau phẫu thuật cho đến sự giúp đỡ về tài chính, chăm sóc vườn tược, giặt giũ, dọn dẹp, trông con, phương tiện đi lại và thức ăn kéo dài hàng tháng hoặc thậm chí hàng năm. Nhu cầu tình cảm sẽ được đáp ứng chủ yếu từ những bạn bè thân thiết, còn những nhu cầu thuộc thể tạo cơ hội để những người quen biết với người bệnh đến bên cạnh gia đình bệnh nhân.

Khi ai đó choáng váng vì mới biết mình mắc bệnh, thật khó để người đó sắp xếp việc tiếp nhận sự giúp đỡ từ người khác. Hội Thánh có thể hỗ trợ cất bớt gánh nặng này khỏi người bệnh và gia đình người bệnh. Người có ơn tổ chức có thể nói chuyện với gia đình về những nhu cầu liên quan đến hậu cần và các nguồn lực có sẵn. Nói gia đình để cho người có ơn điều phối sắp xếp những lời đề nghị giúp đỡ sao cho đáp ứng được nhu cầu của người bệnh.

Một trong những cách hay nhất mà bạn bè có thể hỗ trợ là đem thức ăn đến. Gia đình chúng tôi nhận bữa ăn mỗi tuần ba lần trong hơn tám tháng. Vậy tổng cộng là 100 bữa ăn. Người điều phối việc ăn uống sắp lịch luân phiên cho các tín hữu, bạn bè và hàng xóm. Mạng lưới hỗ trợ rộng hơn giúp giảm bớt gánh nặng trên hội chúng non trẻ của chúng tôi, và cho nhiều người có cơ hội phục vụ.

3. Đáp ứng nhu cầu tâm linh bằng sự khích lệ theo Kinh Thánh
Đời sống tâm linh của tôi thay đổi đáng kể từ khi mắc bệnh ung thư. Trước kia, tôi chưa bao giờ tin chắc vào lẽ thật về bản tính của Đức Chúa Trời – và chưa hề thấy cần được nhắc nhở liên tục về lẽ thật đem đến sự nâng đỡ này. Chúa đã dùng thân thể của Ngài để nâng tôi lên khi tôi không chắc mình có thể đứng dưới sức nặng của nỗi đau đớn.

Tôi được khích lệ và mạnh mẽ hơn mỗi lần nhận được tin nhắn chỉ đơn giản thế này “Chị không cần trả lời tin nhắn, tôi muốn chị biết rằng tôi đang cầu nguyện cho chị.” Khi bộ não của tôi lơ tơ mơ vì hóa trị, thì tôi phải vật lộn với việc tập trung khi đọc Kinh Thánh. Tôi thích có những người bạn nhắc tôi về sự hiện diện của Chúa bằng cách gửi cho tôi những câu Kinh Thánh, những lời thánh ca, và những đường dẫn để xem video về các bài hát thờ phượng.

Ngoài ra, hãy cẩn thận trước những thông điệp sai trật về sự đau khổ mà người bạn mắc ung thư có thể nghe từ người khác. Những thông điệp như “bệnh tật là hậu quả của tội lỗi kín giấu trong đời sống”, hay “người bệnh cần ‘tuyên bố mình được chữa lành’ bằng đức tin không dao động”, hoặc những quan điểm tương tự đều không phù hợp với Kinh Thánh. Hội Thánh của bạn cần nâng đỡ người bệnh bằng cách học biết lẽ thật của Chúa và giúp người ấy có được cách nhìn của Kinh Thánh về sự chịu khổ.

Bạn thân mến, điều này không dễ dàng. Chúng ta sẽ có những hành động sai lầm và phải chịu đựng những cuộc chạm trán khó chịu. Chúng ta có thể cảm thấy chán nản hay bất lực khi nhìn thấy bạn bè chịu khổ.

Nhưng như Rô-ma 5 có hứa, lòng của chúng ta và Hội Thánh sẽ vững mạnh, vì sự chịu khổ sinh sự nhịn nhục, sự rèn tập và hy vọng trong tình yêu của Chúa. Đấng sẽ lau mọi giọt nước mắt của chúng ta nhìn thấy nhu cầu và nỗi đau của bạn bè chúng ta.

Chúng ta có thể tin cậy vào sự thành tín của Cứu Chúa, là Con người đau khổ và là Người Bạn toàn hảo, khi chúng ta chia sẻ nỗi đau với người khác.

Tác giả: Marissa Henley
Người dịch: Khuê Trần
Nguồn: www.thegospelcoaliation.org

10 Lời Cầu Nguyện Chúa Luôn Nhậm Lời

Cầu nguyện có thể là điều tốt đẹp, đơn giản mà cũng rất phức tạp. Mỗi một người cầu nguyện theo cách riêng của họ, và Đức Chúa Trời lắng nghe mọi lời cầu nguyện của chúng ta. Nhưng Ngài sẽ trả lời hay không? Đó là một chuyện hoàn toàn khác nhau. Đôi lúc câu trả lời có thể đến liền và đôi khi chúng ta phải chờ đợi. Tuy nhiên, có vài bí quyết để lời cầu nguyện chúng ta luôn được Ngài nhậm lời. Vì sao Ngài luôn nhậm lời? Bởi vì lòng ước mong của Ngài là chúng ta được tăng trưởng trong Ngài và hình ảnh của Ngài được nhìn thấy nhiều hơn trong chúng ta.


“Đáng ngợi khen Đức Chúa Trời, vì Ngài chẳng bỏ lời cầu nguyện tôi, cũng không rút sự nhơn từ Ngài khỏi tôi” (Thi Thiên 66:20).

1. “XIN NGÀI DÙNG CON ĐỂ LÀM VINH HIỂN NGÀI.”

Một trong những mong ước lớn nhất của Đức Chúa Trời đối với cuộc đời chúng ta là Ngài muốn dùng cuộc đời chúng ta làm vinh hiển Ngài. Đôi lúc thật khó cho chúng ta biết điều gì cần phải làm và Ngài đang hướng dẫn chúng ta như thế nào. Hãy đơn sơ hỏi Ngài và Ngài sẽ trả lời. Đó có thể là bắt đầu một việc lớn với động cơ phi lợi nhuận hay việc nhỏ nhưng đầy ý nghĩa, như mua một bữa ăn cho người vô gia cư, hay dùng khả năng độc đáo bạn có để chinh phục ai đó cho Ngài.

2. “XIN NGÀI THA TỘI CHO CON.”
Chúng ta đang phục vụ cho một Đức Chúa Trời yêu thương và nhân từ và tất cả chúng ta đều là tội nhân. Không ai trong chúng ta là Cơ Đốc nhân hoàn hảo cả. Tất cả chúng ta đều vấp váp và đôi khi sa ngã nữa, nhưng bởi tấm lòng mở ra và xưng ra mọi tội lỗi, chúng ta có thể được cứu. Chúa đã chết để giải cứu chúng ta. Sự cứu rỗi của Ngài không chỉ trong ngày Chúa chết trên thập tự thôi nhưng là mỗi ngày trong cuộc đời chúng ta.

3. “XIN NGÀI BÀY TỎ CHÍNH NGÀI CHO CON.”
Trong cuộc sống bận rộn, thật khó cho chúng ta thấy hay nghe được Chúa đang dẫn dắt chúng ta. Nếu chúng ta đơn sơ dừng lại và xin Ngài bày tỏ chính Ngài cho chúng ta và thường thì Ngài sẽ thực hiện việc ấy trong những phương cách hết sức diệu kỳ… Ngài bày tỏ chính Ngài cho chúng ta qua những phương cách khác nhau. Với một số người Ngài bày tỏ qua tiếng phán trong lòng, một số người Ngài bày tỏ qua những giấc mơ hay khải tượng. Ngài cũng bày tỏ trong những cơ hội việc làm, hay những lần Ngài tiếp trợ đúng nhu cầu cho chúng ta.
Nếu như bạn gặp khó khăn, bạn hãy dành thời gian yên tịnh và kêu cầu Chúa, xin Ngài bày tỏ chính mình Ngài cho cuộc đời bạn. Rồi thì bạn tập thói quen để ý những việc nhỏ trong ngày. Ngài không những bày tỏ Ngài trong những việc lớn thôi đâu nhưng đôi khi Ngài cũng bày tỏ Ngài trong những việc nhỏ nhặt nữa.

4. “XIN NGÀI BAN CHO CON SỰ KHÔN NGOAN CỦA NGÀI”.
Như Kinh Thánh đã phán với chúng ta, chúng ta không nên nương vào sự hiểu biết riêng mình. Điều nầy có thể xảy ra trong những lúc chúng ta gặp khó khăn, khi chúng ta phải đối diện với hoàn cảnh mà chúng ta không biết phải làm gì, hãy cầu xin Chúa ban sự khôn ngoan của Ngài. Bạn sẽ được giúp đỡ nếu bạn nói với mục sư hay người bạn đáng tin cậy. Lắm lúc chúng ta căng thẳng quá đỗi trong tâm trí, Ngài có thể phán với chúng ta qua những người cộng sự hay những người bạn để giúp đỡ chúng ta biết nên làm gì. Cũng có khi Ngài phán điều nầy trực tiếp với chúng ta.

5. “XIN CHÚA GIÚP CON HẾT LÒNG VÂNG LỜI CHÚA”
Tất cả chúng ta đều biết rằng một khi Chúa bảo chúng ta làm điều gì, thì chúng ta cần phải vâng lời. Tuy nhiên, có khi rất khó vâng lời Ngài. Thí dụ, nếu như chúng ta đang chờ đợi một điều gì đó, có thể việc ấy quá khó để chúng ta vâng lời Ngài. Khi chúng ta đang trong những ngày đầy dẫy những lo âu và nghi ngờ, hãy xin Ngài giúp chúng ta mạnh mẽ trong sự vâng lời. Hãy cầu xin Ngài giúp chúng ta làm những gì Ngài phán bảo. Đối với tôi, bất cứ khi nào tôi nghe và thấy cụm từ “Hãy yên lặng và biết rằng Ta là Đức Giê-hô-va” thì điều nầy nhắc nhở tôi yên lặng và vâng lời, vì Ngài hiện đang hành động ngay cả khi chúng ta không thấy sự hành động của Ngài.
Gia-cơ 1:5 “Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời, là Đấng ban cho mọi người cách rộng rãi, không trách móc ai, thì kẻ ấy sẽ được ban cho.”

6. “XIN GIÚP CON BIẾT CÁCH LAN TỎA TÌNH YÊU CỦA NGÀI”
Thế giới chúng ta thật hỗn loạn, đầy dẫy những quan điểm, suy nghĩ và ý tưởng khác nhau. Chúng ta biết cách tốt nhất để giao tiếp với mọi người là bày tỏ tình yêu của Chúa, nhưng đôi lúc chúng ta thấy khó thực hiện được điều nầy. Khi chúng ta cầu xin Ngài dạy chúng ta biết cách để lan tỏa tình yêu của Ngài, Ngài sẽ nhậm lời cầu xin của chúng ta. Có thể chúng ta tham gia những công việc từ thiện cho những tổ chức từ thiện Cơ Đốc phi lợi nhuận, hay giúp đỡ những người bà mẹ già đơn côi trả những món hàng họ mua nơi cửa hàng hay lái xe đưa người già hàng xóm đi khám bệnh chẳng hạn…

7. “XIN NGÀI BAN CHO CON SỰ SÁNG SUỐT”
Bước đi trong cuộc đời, trên đường đời thật khó khăn và nhiều khi bị sa lầy. Điều cuối cùng Chúa muốn có thể là để cho bạn rơi vào những con đường sai trật và quyết định sai lầm. Việc nầy làm bạn mất thời gian và phải kiên nhẫn, nhưng Ngài luôn nhậm lời cầu xin ban cho bạn sự sáng suốt khôn ngoan trong tình cảnh này.
Vì chính Chúa đã phán: “Sự Sáng phải soi từ trong sự tối tăm! Đã làm cho sự sáng Ngài chói lòa trong lòng chúng tôi, đặng sự thông biết về vinh hiển Đức Chúa Trời soi sáng nơi mặt Đức Chúa Giê-xu Christ” (2 Cô-rinh-tô 4:6).

8. “XIN GIÚP CON TÌM THẤY SỰ BÌNH AN”
Cuộc đời chúng ta có thể bị hỗn độn vì nhiều thứ đang diễn ra trong thế giới. Với tình trạng như thế, sự bình an dường như thật khó đến với chúng ta. Chúa không muốn chúng ta sống trong trạng thái đầy lo âu và nguy hiểm. Ngài luôn nhậm lời cầu xin sự bình an của chúng ta.
“Bấy giờ các ngươi sẽ kêu cầu ta, sẽ đi và cầu nguyện ta, và ta sẽ nhậm lời. Các ngươi sẽ tìm ta, và gặp được, khi các ngươi tìm kiếm ta hết lòng.” (Giê-rê-mi 29:12-13)

9. “XIN NGÀI ĐIỀU CHỈNH TẤM LÒNG CON HÒA HỢP VỚI LÒNG NGÀI”
Thế giới nầy có thể là phương tiện để những cảm xúc tiêu cực xảy ra trong lòng chúng ta. Thật khó khăn cho chúng ta vì chúng ta rất khó mà loại bỏ những cảm xúc như xét đoán, khó chịu và những loại cảm xúc khác trong lòng. Bởi sự cầu nguyện, xin Chúa giúp chúng ta đừng giữ lại những cảm xúc tiêu cực nầy như: xét đoán, khó chịu, và những cảm xúc khác trong lòng, chính Chúa đã tẩy sạch lòng chúng ta khỏi những chất độc mà nó đã chất chồng trong lòng chúng ta.

10. “XIN NGÀI BIẾN ĐỔI TÂM TRÍ CON GIỐNG NHƯ TÂM TRÍ NGÀI”.
Biết bao nhiêu hình ảnh, suy nghĩ, ý tưởng, thông tin dồn dập vào tâm trí chúng ta mỗi ngày. Như chúng ta biết đó, những điều nầy đi ra, đi vào tâm trí chúng ta, chúng ta không thể chấm dứt hoàn toàn những ảnh hưởng nầy từ xã hội và môi trường sống được. Tất cả chúng ta đều bị dao động bởi những điều nầy. Trong một tình trạng như thế, chúng ta chỉ biết cầu xin Chúa biến đổi tâm trí chúng ta giống như tâm trí Ngài mà thôi.

Xin hãy cầu nguyện:

Lạy Chúa,
Con muốn được lớn lên trong Ngài và được Ngài chiếm hữu con nhiều hơn. Con cầu xin Ngài khiến con được mạnh mẽ, sử dụng con và Ngài dùng những khả năng con có để làm vinh hiển Ngài. Con cám ơn Ngài đã yêu con và tha thứ mọi tội cho con. Xin Chúa bày tỏ chính mình Ngài cho con, xin Ngài ban sự khôn ngoan cho con để con biết hành động theo sự dẫn dắt của Ngài. Xin Ngài giúp con biết quyết tâm vâng lời Ngài trong những lúc Ngài muốn con vâng theo Ngài. Xin chỉ dẫn con con đường phải đi và điều chỉnh con khi con sai trật. Xin dạy dỗ con biết sống thế nào để bày tỏ tình yêu của Ngài cho những người chung quanh. Xin ban cho con một tâm trí trống không để nhận sự dạy dỗ khôn ngoan của Ngài. Xin Ngài biến đổi tấm lòng và tâm trí con để con được trở nên giống như Ngài. Con cám ơn Ngài vì Ngài đã nhậm lời cầu nguyện của con đúng thời điểm của Ngài với câu trả lời thật hoàn hảo dù lắm lúc con vẫn chưa hiểu hết được. Con cầu nguyện trong Danh Chúa Giê-xu. Amen!

Thanh Khiết dịch
Nguồn: Carrie Lowrance (Crossswalk)

Chúa Đứng Bên Tôi

Đức Chúa Trời yêu và cứu người có tội. Gia-cốp gạt cha, gạt anh để được cha chúc phước, mục tiêu của ông là thừa hưởng quyền trưởng nam. Quyền lợi nầy sẽ được phần gia tài gấp đôi những người con khác và còn được quyền quản trị gia tộc. Khi Ê-sau khám phá ra việc làm đầy mưu mô của Gia-cốp thì tìm giết ông, đó là lý do ông phải trốn gia đình, trở về quê hương của mẹ tại Mê-sô-bô-ta-mi. Mưu đồ của Gia-cốp khiến ông trở nên kẻ trắng tay. Trên con đường trốn chạy, ông “đến một chỗ kia và nghỉ đêm tại đó” rồi gối đầu bằng một tảng đá. Trong chiêm bao ông thấy Đức Chúa Trời hiện ra và dạy dỗ ông, có thiên sứ lên xuống trên thang. Đức Chúa Trời không trách mắng ông về sự sai phạm của ông, không đối xử với ông theo việc sai trái ông làm. Đức Chúa Trời hứa ở cùng ông, uốn nắn ông để ông trở nên người hữu dụng cho Ngài, và đưa ông lên hàng tổ phụ của dân tộc Y-sơ-ra-ên. Đức Chúa Trời tái xác nhận lời hứa với Gia-cốp về đất đai và dòng dõi như Ngài đã hứa với Áp-ra-ham, Ngài còn hứa riêng với ông lời hứa về sự bảo vệ. Sự bảo vệ và ở cùng đối với Gia-cốp lúc nầy quan trọng hơn cả gia tài mà ông mong sẽ được trước đây. Dù vậy, Gia-cốp cũngphải chịu trách nhiệm về những gì ông đã gây ra, gặt lấy hậu quả từ việc làm sai trái của mình.

Dù Gia-cốp là người không ngay thẳng nhưng vì lời hứa với Áp-ra-ham, Chúa vẫn tiếp tục yêu thương và ban phước cho ông. Ngoài ra, Ngài còn ban cho ông một lời hứa đặc biệt: “Ta ở cùng ngươi, ngươi đi đâu sẽ theo gìn giữ đó… ta không bao giờ bỏ ngươi cho đến khi ta đã làm xong những điều ta đã hứa cùng ngươi”. Câu này nhắc chúng ta nhớ một lời hứa khác của Chúa trong Ê-sai 41:10: “Đừng sợ, vì ta ở với ngươi; chớ kinh khiếp, vì ta là Đức Chúa Trời ngươi! Ta sẽ bổ sức cho ngươi, phải, ta sẽ giúp đỡ ngươi, lấy tay hữu công bình ta mà nâng đỡ ngươi.” Đây là lời hứa dành cho Gia-cốp, cho con dân của Chúa ngày xưa, và cũng là lời hứa dành cho tất cả những ai đặt lòng tin nơi Chúa Giê-xu.

Gia-cốp biết Đức Chúa Trời của cha mẹ và ông nội của mình, nhưng ông chưa có kinh nghiệm về Đức Chúa Trời cho riêng mình. Vì chưa kinh nghiệm về Ngài, nên ông tưởng rằng Đức Chúa Trời chỉ hiện diện ở một số nơi mà cha và ông nội ông thờ phượng Ngài. Vì thế, Ngài hiện diện với ông trong chỗ khổ nạn nầy để ông biết Ngài ở khắp mọi nơi, và Ngài theo sát ông để ban phước cho ông.Trọng tâm của phân đoạn này là lời phán của Chúa trong câu 13-15, gồm lời hứa căn bản cho các thánh tổ về đất đai và dòng dõi cũng như phước hạnh mà các dân tộc khác nhận được qua Y-sơ-ra-ên. Câu 15 dành riêng cho Gia-cốp, người đang đối diện với hiểm nguy và Chúa bảo đảm sẽ ở với ông, gìn giữ và đem ông trở lại đất hứa. Có ba lời hứa cho Gia-cốp: (1) Ta ở với ngươi, Gia-cốp, người lang thang. Đây chính là ý nghĩa chiếc thang nối liền trời và đất. Đây là lời hứa cho Giê-rê-mi trong lúc tuyệt vọng và cũng là lời hứa cho mỗi chúng ta. (2) Ta sẽ gìn giữ ngươi, liên hệ đến hành động quan phòng của Chúa. (3) Ta sẽ đem ngươi về xứ này. Đây là tin mừng cho kẻ tha hương, lưu lạc như Gia-cốp.

Sau khi được Chúa hiện đến và hứa ban phước cho ông, Gia-cốp đã tỏ lòng tôn kính Chúa, ông dựng một cái trụ để đánh dấu nơi ông gặp Chúa và gọi đó là “Bê-tên”, nghĩa là Nhà của Đức Chúa Trời, nơi có Đức Chúa Trời ngự. Thật ra Chúa hiện dịện ở khắp mọi nơi, nhiều lúc chúng ta thấy mình thật cô đơn, như phải một mình chống chọi với những khó khăn của cuộc sống, những lúc đó hãy nhớ rằng Chúa bao giờ cũng ở bên cạnh, sẵn sàng giúp đỡ chúng ta.Có những lúc chúng ta phải sống, chiến đấu đơn độc trên đường đời và không có gì cả, nhưng hãy vững lòng vì Đức Chúa Trời sẽ ở cùng, che chở và ban ơnkhi chúng ta đến cùng Ngài với bàn tay không, mở ra để cầu xin phước lành của Ngài. Chúa không để cho con cái Ngài phải sống trong sự cô đơn, buồn bả và mất hy vọng.

Xin Chúa giúp chúng ta nhớ rằng lúc nào Chúa cũng ở bên cạnh, dìu dắt chúng ta trong cuộc sống để chúng ta vững lòng tin và luôn biết ơn Ngài.

Thái Độ Của Cơ Đốc Nhân Khi Gặp Khổ Đau

Có một vài điều giúp cho tâm linh vững mạnh để chống lại sự lừa dối của Sa-tan như nhìn vào đời sống những Cơ Đốc nhân đang gặp thử thách mà họ vẫn kiên trì trong đức tin. Khi chúng ta nhìn vào những con người đang đi qua trũng bóng chết, trải qua những thăng trầm trong cuộc sống mà họ vẫn giữ vững niềm vui trong Đức Chúa Trời, sự trung tín và sự chịu đựng bền bỉ khiến chúng ta có niềm hy vọng tươi mới và khôn ngoan hơn. Đối với tôi, Elisabeth Elliot là một trong số những người nầy.

Cô Elisabeth và chồng, anh Jim đã kết hôn khi cùng hầu việc Chúa trong cánh đồng truyền giáo ở Ecuador vào năm 1953. Nhưng chỉ sau 3 năm, anh Jim đã bị những người sắc tộc Huaorani đâm chết cùng với 4 người nam khác, là những người đang rao truyền Phúc Âm cho sắc tộc nầy. Cô Elisabeth nhận được hung tín khi mới sinh cháu gái được 10 tháng tuổi tên là Valerie. Cô ấy đã viết: “Hiện tại Đức Chúa Trời đang ở với tôi chứ không phải anh Jim. Tuy nhiên, sự hiện diện của Đức Chúa Trời không thay đổi được sự thật khủng khiếp hiện tại là tôi trở thành một góa phụ… Sự vắng bóng của anh Jim đã thúc ép tôi mau chạy đến với Đức Chúa Trời, vì Ngài là niềm hy vọng và nơi ẩn náu duy nhất cho tôi. Và tôi đã học biết và kinh nghiệm Đức Chúa Trời là ai, Ngài thật sự hiện diện theo cách mà tôi chưa từng biết” (Sự Đau Khổ Không Bao Giờ Vô Ích, trang 15).

Sự Đau Khổ mà Bạn Gặp Không Phải Là Bạn Đi Sai Đường

Sáu năm sau, cô tái hôn với anh Addison, và bốn năm sau đó, người chồng nầy cũng qua đời vì căn bệnh ung thư. Có nhiều người bị đau đớn hơn thế nữa, nhưng không phải mọi người đều phải như vậy. Vài người đã thừa nhận rằng Đức Chúa Trời tốt lành có thể hành động qua những điều khủng khiếp trong đời sống họ như trong cuộc đời của Elisabeth. Lời chứng của cô khiến tôi nhớ lại một nhân vật chịu khổ khác, đó là Phao-lô, người đã chịu đựng nhiều đau đớn với niềm vui lớn và đức tin kiên trì nơi Chúa.

Tù ngục không phải là khúc quanh sai lầm đối với Phao-lô. Trong khi mọi người hay ngay cả những Cơ Đốc nhân cũng có thể cảm thấy xót thương ông, nhưng ông đã nhìn thấy tiềm năng đáng kinh ngạc khi ông ở trong tù. Ông biết chắc những cảnh khốn cùng tồi tệ lại là con đường rộng mở cho Phúc Âm. Ông đã viết: “Thưa anh em, tôi muốn anh em biết rằng những điều xảy đến cho tôi đã thật sự giúp ích cho sự tiến triển của Tin Lành” (Phi-líp 1:12, BTTHĐ) và “Điều tôi mong mỏi và hi vọng là sẽ không bị hổ thẹn về điều gì cả, nhưng thừa lòng can đảm, để bây giờ cũng như trong mọi lúc, dù sống hay chết, thì Đấng Christ vẫn được tôn vinh trong đời sống tôi.” (Phi-líp 2:20, BTTHĐ). Người ta tưởng rằng Phúc Âm sẽ không thể sống còn trong cảnh tù ngục, nhưng thực sự Phúc Âm trở nên kết quả nhiều hơn trong lúc ông đau đớn.

Thường không ai trong chúng ta phản ứng được như thế trong cảnh khổ đau. Những sóng gió trong cuộc đời chúng ta thường không mang lại hy vọng sáng sủa và tình yêu vị tha. Ngoài ân điển Chúa, chúng ta thường mất kiên nhẫn, trở nên ích kỷ và thất vọng. Chúng ta thường rơi vào tình trạng rút lui, hướng nội và thiếu quan tâm đến nhu cầu của người khác. Chúng ta khó có thể nhìn thấy trước những gì sẽ có thể xảy ra sau hoạn nạn mà chúng ta đối diện trong hiện tại.

Nhưng ân điển của Đức Chúa Trời hành động trong chúng ta và thành hình một sự thôi thúc ngược lại, đặc biệt trong những cảnh khổ. Sự đau đớn không phải là sự ngăn trở, bất lợi, hay sai lầm cho Phao-lô, nhưng là một sự bứt phá cho điều mà ông đã từng cưu mang đó là: Làm thế nào để truyền bá Phúc Âm và sự vinh hiển của Chúa Giê-xu.

Sự Đau Khổ Giúp Bày Tỏ Điều Quí Báu Mà Chúng Ta Ấp Ủ

Làm thế nào Phúc Âm được rao truyền trong khi Phao-lô ngồi một mình trong xà lim? Ông đã nói trong câu Kinh Thánh sau: “đến nỗi tất cả lính canh trong dinh tổng đốc và mọi người khác đều biết tôi vì Đấng Christ mà bị xiềng xích; phần đông anh em nhân việc tôi bị xiềng xích lại càng vững tin hơn trong Chúa, và mạnh dạn rao truyền lời Chúa không chút sợ hãi” (Phi-líp 1:13-14 – BTTHĐ)

Sự đau khổ thật là chất xúc tác trung thành cho Phúc Âm ít nhất trong 2 cách lạ lùng: điều đầu tiên đó là, sự đau đớn giúp bày tỏ mục đích và điều chúng ta ấp ủ mà sự tiện nghi và an ninh không tỏ bày được. Mọi người đều biết là Phao-lô đang ở tù vì cớ Đấng Christ (Phi-líp 1:13). Nhiều người đã bày tỏ tình yêu đối với Chúa Giê-xu khi họ bị ngược đãi và cô lập. Nếu họ không bị đau đớn, họ sẽ không có những sứ điệp đầy quyền năng bày tỏ sự vui mừng.

Nhiều người trong hoàng cung chưa bao giờ nghe về Phúc Âm nếu như Phao-lô không bị tù ở đó. Nhiều người sẽ không thắc mắc về niềm hy vọng trong chúng ta (I Phi-e-rơ 3:15) trừ khi chúng ta ở trong hoàn cảnh đau thương nào đó khiến chúng ta khao khát hy vọng (I Phi-e-rơ 3:13). Ma quỉ vẫn còn tin rằng một đám sương mù dày đặc bởi khổ đau sẽ khiến lòng trung tín với Chúa trong Cơ Đốc nhân sẽ bị mờ nhạt (Gióp 1:9-11), nhưng thật sự lòng trung tín trong đau khổ sẽ đem lại sự vinh hiển càng lớn hơn, rõ ràng có sức thu hút nhiều hơn. Khi bạn đau khổ, hãy suy nghĩ đến những người xung quanh đang nhìn vào nỗi đau của bạn, và những gì họ biết về Chúa Giê-xu qua bạn.

Không Gì Làm Cho Phúc Âm Phát Triển Bằng Sự Đau khổ

Sự đau khổ cũng là chất xúc tác cho Phúc Âm vì nó sẽ khích lệ và làm cho những người bị thử thách trở nên mạnh mẽ hơn, chính Phao-lô đã nói trong Phi-líp 1:14 “Phần đông anh em nhân việc tôi bị xiềng xích lại càng vững tin hơn trong Chúa, và mạnh dạn rao truyền lời Chúa không chút sợ hãi.” (BTTHĐ)

Những kẻ thù của Phao-lô tại Giê-ru-sa-lem lẫn trong chiến trường tâm linh âm mưu cấu kết nhau để tống ông vào ngục nhằm chấm dứt việc rao truyền Phúc Âm của ông, nhưng chúng đã không thể ngưng ông được, ngay cả việc làm chậm lại việc rao truyền Phúc Âm cũng không thành công. Âm mưu khủng bố tinh thần và sự làm chứng của Phao-lô bị thất bại và điều đó giống như đổ thêm dầu vào lửa cho chức vụ của ông. Khi ông bị bắt bớ càng dữ tợn, thì các môn đệ ông lại rao giảng nhiều hơn, dạn dĩ hơn, nói về Chúa Giê-xu lớn tiếng hơn vì họ đã nhìn thấy Phao-lô vui vẻ vì được bắt bớ vì cớ Chúa Giê-xu.

Không gì có thể giúp cho Phúc Âm phát triển bằng sự đau khổ. Đối với những ai yêu mến Đức Chúa Trời, thì mọi sự không chỉ “hiệp lại làm ích” (Rô-ma 8:28), nhưng còn đem lại sự khôn ngoan, quyền năng và tình yêu của Đức Chúa Trời một cách hoàn hảo nữa. Để chống lại những sự sợ hãi và kiêu ngạo tệ hại nhất, sự đau khổ thật sự đã bày tỏ quyền năng của Phúc Âm đã được chứng minh nhiều lần, và nhờ lòng nhiệt thành, dạn dĩ giãi bày Phúc Âm của nhiều người khác mà Phúc Âm được truyền bá rộng hơn và nhanh hơn.

Đừng cho rằng sự đau khổ là vì chúng ta đi sai lạc. Sự đau khổ có thể đang che giấu hay ngăn cản hàng trăm sự việc trong cuộc đời chúng ta, nhưng vì Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta, Ngài dùng những nỗi đau ấy để bày tỏ những việc kỳ diệu của Ngài cho chúng ta. Sự đau khổ khiến cho Phúc Âm diễn tiến âm thầm nhưng thành công.

Người Ta Cần Nhìn Thấy Bạn Đắc Thắng Trong Cảnh Khổ Đau

Trong Kinh Thánh, có những trường hợp lời Chúa thường dạy: “Tôi muốn anh em nên biết…” Trong Phi-líp 1:12-14, ngay cả khi Phao-lô chịu những cảnh kinh khủng, ông lại quan tâm đến đức tin và niềm vui của người khác hơn là hoàn cảnh của ông.

Phao-lô muốn mọi người biết rằng Đức Chúa Trời là Đấng đáng tin cậy, cho dù điều gì xảy ra khiến cho Tin Lành không được rao giảng, Chúa Giê-xu vẫn đáng cho chúng ta chịu đau đớn vì Ngài. Ông đã không viết thư từ trong lao tù để được sự thương hại hay cảm thông với ông mà trái lại ông đã thức tỉnh và củng cố lòng tận hiến của họ. Điều gì xảy ra nếu chúng ta chịu đau khổ với cái nhìn như Phao-lô, coi đó là cơ hội tốt để khích lệ và động viên những tín hữu khác, đặc biệt là những ai trong đau khổ?

Phao-lô đã viết trong 2 Cô-rinh-tô 1:3-4 “Chúc tạ Đức Chúa Trời, Cha Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta, là Cha hay thương xót, là Đức Chúa Trời ban mọi sự yên ủi. Ngài yên ủi chúng tôi trong mọi sự khốn nạn, hầu cho nhân sự yên ủi mà Ngài đã yên ủi chúng tôi, thì chúng tôi cũng có thể yên ủi kẻ khác trong sự khốn nạn nào họ gặp!”

Chúng ta không hiểu hết mục đích của Đức Chúa Trời trong đau khổ, nhưng chúng ta biết rằng Ngài dùng những đau khổ chúng ta gặp để chuẩn bị cho chúng ta biết cách an ủi người khác. Điều đó có nghĩa là chúng ta thường gặp hoạn nạn, đôi khi rất nghiêm trọng, trong những hoàn cảnh mà chúng ta không thể hiểu được trong hiện tại, bởi vì chúng ta chưa gặp ai để họ được an ủi bởi kinh nghiệm mà chúng ta đang trải qua. Sự đau khổ càng lớn thì càng nhận sự an ủi càng nhiều từ Chúa, sẽ khiến chúng ta trở nên người an ủi hiệu quả cho những người khác.

Nước sâu nhất và lửa nóng nhất

Sau khi Elisabeth bị mất mát và chịu đựng, cô ấy có thể nói: “Những điều sâu sắc nhất mà tôi học được trong cuộc đời đến từ những điều đau khổ nhất. Và khi ra khỏi những dòng nước sâu nhất và ngọn lửa nóng bỏng nhất, tôi đã học được điều sâu sắc nhất, đó là học biết về Đức Chúa Trời.” (Sự Đau Khổ Không Bao Giờ Là Vô Nghĩa, trang 9)

Một khi bị chìm trong nước sâu và bị lửa nóng đốt, tôi muốn biết Đức Chúa Trời như cô ta, tôi muốn giúp người khác vượt qua nỗi đau và mất mát để họ sản sinh bông trái Thánh Linh và hy vọng nơi Đức Chúa Trời.

Elisabeth đã bị mất chồng vì bị người ta giết và một người chồng khác thì bị ung thư. Phao-lô bị đau đớn trong tù ngục, bị sỉ nhục, đánh đập tồi tệ. Tuy nhiên, tính khốc liệt của nỗi đau của họ không làm cho sự đau khổ họ gặp trở nên vô nghĩa cho họ. Cho dù nỗi đau như thế nào – nào là thất vọng, nào là thử thách dù nhỏ hay lớn, mà Đức Chúa Trời cho phép xảy ra – chúng ta vẫn có thể nói như Phao-lô “Tôi biết mọi sự đau khổ của tôi là cho Đấng Christ.”

Cuối cùng, chúng tôi mong mọi người sẽ gặp được Chúa vì Ngài đã từng kiên nhẫn chờ đợi sự chậm trễ của chúng ta. Mong quí anh chị em cứ tiếp tục tiến lên trong tinh thần ngợi khen Chúa cho dù xe chúng ta có bị hư đi hư lại hay tầng hầm nhà bị ngập lụt. Mong mọi Cơ Đốc nhân tiếp tục chia sẻ Phúc Âm cho mọi người cho dù bị họ từ chối, chúng ta cứ tiếp tục chia sẻ cho người khác. Mong rằng bất cứ điều gì làm chúng ta đau khổ cho dù nhỏ hay lớn, chúng ta thể hiện cho người ta nhìn thấy được Đức Chúa Trời chúng ta tin là Đấng đáng tin cậy và làm cho những người chung quanh vui thích khi thấy thái độ chúng ta thể hiện trong sự chịu khổ vì Chúa.

Người ta cần nhìn thấy bạn sống đắc thắng trong cảnh khổ đau với Chúa Giê-xu. Người ta cần nhìn thấy bạn tin vào lời hứa của Chúa, biết trân quý mối tương giao với Ngài và ngợi khen Danh Ngài mặc dù những khổ đau cuộc đời ập xuống trên bạn. Một số người có thể không hiểu nỗi bạn đã nín chịu cỡ nào vì họ chưa trải qua những đau đớn ấy. Nhưng rồi họ sẽ gặp thử thách. Và khi sự việc đau lòng xảy ra cho họ, họ sẽ nhớ lại các thánh đồ đã sống đắc thắng trong thử thách như thế nào…

Tác giả: Marshall Segal
Thanh Khiết dịch
(Nguồn: Desiring God)

Trường Chúa Nhật 23-08-2020

Trường Chúa Nhật 23-08-2020 Bài 60: Khích Lệ Xây Lại Đền Thờ

Hội Thánh Tin Lành Việt Nam – Chi Hội Tô Hiến Thành
Trường Chúa Nhật – Chúa nhật 23-08-2020

Bài 60: KHÍCH LỆ XÂY LẠI ĐỀN THỜ

Câu Gốc: Giô-suê 1:9
Ta há không có phán-dặn ngươi sao? Hãy vững lòng bền chí, chớ run-sợ, chớ kinh-khủng; vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi vẫn ở cùng ngươi trong mọi nơi ngươi đi.

Giáo viên: Mục sư Lê Đức Trịnh

Chúa Nhật 23-08-2020

Hội Thánh Tin Lành Việt Nam – Chi Hội Tô Hiến Thành
Chương Trình Thờ Phượng – Chúa nhật 23-08-2020

Chủ đề: CHÚA ĐỨNG BÊN TÔI

Câu Gốc: Sáng Thế Ký 28:15
Nầy, ta ở cùng ngươi, ngươi đi đâu, sẽ theo gìn-giữ đó, và đem ngươi về xứ nầy; vì ta không bao giờ bỏ ngươi cho đến khi ta làm xong những điều ta đã hứa cùng ngươi.

Giảng Luận: Mục Sư Nguyễn Ngọc Dũng
HDCT: Chấp sự Diệp Huỳnh Nhân Tâm

Website: https://httltohienthanh.org
https://www.youtube.com/c/HTTLToHienThanh
Facebook: https://www.facebook.com/HTTLToHienThanh.org

Tôi Nương Náu Mình Nơi Chúa

Thi-thiên 16 là lời cầu nguyện bày tỏlòng ước nguyện của Đa-vít. Câu thứ nhất cho thấy trong quá khứ tác giả bị kẻ thù tấn công và Đức Chúa Trời đã giải cứu ông. Điều ông cầu xin Chúa là: “Hãy phù hộ tôi”.Phù hộ nghĩa là giúp đỡ, bảo vệ, giải cứu, ban ơn… tất cả những gì chúng ta trông mong khi đến nhờ cậy người khác. Đa-vít nương náu mình nơi Chúa nên ông xin Chúa phù hộ. Ông xem Chúa là nơi nương tựa, chỗ ẩn nấp của ông. Chúng ta đi đến một nơi khác để ẩn nấp vì biết nơi ấy sẽ mang lại cho mình sự an ủi, giúp đỡ. Nơi nương náu của chúng ta chính là Thiên Chúa toàn năng. Ngài sẽ ban cho chúng ta đầy đủ những gì chúng ta cần, vì Ngài yêu chúng ta và chính Ngài là nguồn chu cấp vô tận.

Những điều mà Đa-vít bày tỏ nói lên tấm lòng tin cậy hoàn toàn nơi Đức Chúa Trời và là lời cầu nguyện để được Ngài tiếp tục che chở. Cũng vậy, có thể trong quá khứ Chúa đã nghe lời cầu nguyện và giải cứu chúng ta khỏi hoạn nạn, nên bây giờ chúng ta được sống an bình và tươi vui như Đa-vít, nhưng không vì thế mà chúng ta xao lãng trong sự cầu nguyện, màphải xin Ngài tiếp tục giữ gìnchúng tatrong hiện tại cũng như tương lai. Đa-vít bày tỏ sự tin cậy tuyệt đối nơi Đức Chúa Trời. Ông quyết định nương cậy Chúa hoàn toàn và ông cầu xin Chúa phù hộ, vì cả đời ông có một ý nguyện: “Ngài là Chúa tôi, trừ Ngài ra tôi không có phước gì khác.” Là một vị vua, nhưng Đa-vít tôn Chúa làm Chủ của đời sống và ngoài Ngài ra ông không ao ước điều gì khác. Chúng ta cần có một tâm tình như Đa-vít, xem Chúa là nơi nương náu, là nguồn phước duy nhất của đời ta. Với niềm mong ước đó, chúng ta sẽ không bao giờ thất vọng vì Chúa hứa sẽ phù hộ, ban ơn, bảo vệ và tiếp trợ cho chúng ta.

Đa-vít thật sự yêu mến và kính sợ Đức Chúa Trời. Ông cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ và lòng yêu mến của ông đối với những người thánh là những người mà Đức Chúa Trời kêu gọi và lựa chọn. Đa-vít xem họ là những người cao trọng. Ông yêu thương những người thánh, người thuộc về Chúa, tôn thờ Ngài. Chữ “thánh” chỉ về sự phân rẽ hay dành riêng. Người thánh là người phân cách với đời và biệt riêng đời sống cho Chúa. Vì vậy họ là những bậc cao trọng, đáng kính nể vì họ chọn con đường hầu việc Chúa.Quan tâm và cộng tác với những người thánh của Đức Chúa Trời là một trong những điều không thể thiếu trong đời sống của con dân Chúa. Chúa đã kêu gọi người thuộc về Ngài và khiến cho họ trở nên một dân thánh thành tâm phục vụ Ngài và chỉ một mình Ngài mà thôi. Kinh nghiệm cho Đa-vít thấy rằng sự buồn rầu, đau khổ sẽ thêm nhiều lên trong cuộc đời của những người từ bỏ Đức Chúa Trời mà chạy theo các thần khác. Vì thế, ông bày tỏ sự trung thành tuyệt đối nơi Đức Chúa Trời chí cao. Không những Danh Ngài luôn ở trên môi miệng của ông, mà Ngài là Đấng kiểm soát và điều khiển cuộc đời của ông.

Chúng ta đang sống giữa một xã hội đầy những xung đột giữa nước này với nước khác, giữa người với người; lại thêm phải đối diện với thiên tai, dịch lệ, chết chóc…, nhiều khi chúng ta tự hỏi có nơi nào an toàn cho chúng ta nương náu không? Chắc chắn không thể có từ nơi con người hoặc xã hội. Nơi nương náu an toàn và bền vững duy nhất chỉ có trong Chúa. Khi nương náu mình nơi Chúa, chẳng những chúng ta được thiên sứ của Chúa đóng trại xung quanh để bảo vệ, mà chúng ta còn nhận được ơn phước Chúa ban. Chúng ta hãy nếm trải Chúa để cảm nhận được sự ngọt ngào và tốt lành là dường bao. Chúng ta đang trong mùa dịch lệ Covid-19, dù không biết những gì sẽ xảy đến, nhưng hãycứ bước đi trong đức tin và nương náu mình trong Chúa để lúc nào chúng ta cũng có thể thưa với Chúa rằng: “Ngài là nơi nương náu tôi, và là đồn lũy tôi; cũng là Đức Chúa Trời tôi, tôi tin cậy nơi Ngài”. “Phước cho người nào nương náu mình nơi Ngài!” vì Chúa là Đấng nắm giữ tương lai của mỗi chúng ta. Sống trong xã hội đầy tai ương bủa vây, chúng ta tin rằng khi nương náu nơi Chúa, chúng ta sẽ được bình an và nếm trải sự ngọt ngào trong Ngàimột cách thật kỳ diệu.

Xin Chúa giúp chúng ta giữ vững đức tin,luôn nương náu mình nơi Ngài trong thời kỳ cuối rốt này.

Podcasts

Latest sermons