Điều Thiện Thắng Điều Ác

160

(Gióp 19:25)
Đa số chúng ta đã từng gặp chuyện không ngờ trong cuộc sống; rất ít người có được “cuộc sống đầy phép mầu” không hề gian khổ hoặc đau buồn. Có lần Sứ đồ Phao-lô viết, “Tôi biết chịu nghèo hèn cũng biết được dư dật”. Ông đã từng bị cuốn trôi theo sự bất định của cuộc sống, ông có thể ví mình với Gióp. Gióp đã có mọi thứ, nhưng bỗng chốc lại tay không. Rồi lại được phục hồi. Gióp nghĩ lại cảm xúc của mình trong những hoàn cảnh đổi thay ấy. Sau đó, ông được phục hồi mọi thứ.

Những lời ông nói với Binh-đát cũng là các lời Gióp nói với các bạn ông trước đó. Nỗi khổ của ông vì bạn bè, cảm giác bị Đức Chúa Trời bỏ rơi, lời ông kêu gọi các bạn thông cảm. Nhưng từ hố sâu tuyệt vọng này, ông vươn lên tới đỉnh cao của đức tin. Một ngọn đèn soi rọi xuyên qua hoàn cảnh đen tối của ông. Lời chắc chắn “Tôi biết” của ông khi nói về Đấng Cứu Chuộc ông, trong thuật ngữ Hê-bơ-rơ mô tả điều mà người bạn thân hoặc bà con gần làm cho người gặp khó khăn (Lê-vi Ký 25:29,41-47). Trong các sách đầu của Kinh Thánh, từ này được dùng theo nghĩa thương mại hoặc pháp lý, nhưng trong Thi-thiên và sách tiên tri, thì mang ý nghĩa thần học. Ở đây từ ấy không rõ nghĩa lắm, nhưng hiển nhiên là ông mong có người binh vực mình trước mặt Đức Chúa Trời cùng những kẻ buộc tội mình. Qua Tân Ước, chúng ta biết Đấng Cứu Chuộc là Chúa Giê-xu, Đấng có thể can thiệp thay cho chúng ta. Trong ngày cuối cùng, Đấng Christ phục sinh sẽ đứng lên binh vực chúng ta, và ngay hiện nay Ngài cũng đang cầu thay cho chúng ta.

Ông Gióp kết thúc phần bênh vực mình bằng lời kêu gọi các bạn thương xót ông, nhưng ông vẫn giữ nguyên lập trường về sự vô tội của ông trong hoạn nạn ông đang chịu. Ông tha thiết nói với các bạn rằng ông đang chịu những thử thách quá lớn từ Đức Chúa Trời, đến nỗi gia đình, người thân, bạn bè bỏ rơi ông, giờ đây ông chỉ còn vài người bạn tâm giao, sao họ nỡ lòng tiếp tục kết án ông không thương tiếc. Ông Binh-đát đã cảnh cáo ông: “kỷ niệm hắn [là những kẻ ác] sẽ diệt khỏi thế gian”, vì thế ông Gióp không muốn sự công bình của mình bị mất đi khi ông qua đời. Ông ước mơ có quyển sách nào đó ghi lại lời ông nói, có những cây bút sắt khắc lời ông trên đá để lưu lại muôn đời. Ông tin rằng dù ông chết đi, thì “Đấng Cứu Chuộc” của ông vẫn sống. Vì thế ông vững tin Đấng Cứu Chuộc sẽ bênh vực ông và bày tỏ sự công bình của ông cho mọi người. Dù thể xác ông có bị tan nát, ông cũng sẽ xem thấy Đức Chúa Trời. Ông cũng cảnh cáo các bạn rằng họ đang lên án ông, nhưng họ cần phải nhớ họ cũng là một tội nhân. Nếu là tội nhân, thì họ phải cẩn thận vì chính họ cũng sẽ phải chịu Đức Chúa Trời xét xử về những gì họ đã kết án ông không đúng.

Trong thời đại của ông Gióp, con người biết rất ít về cuộc sống tương lai, vì thế lời nói của ông Gióp chứng minh đức tin thật tuyệt vời nơi ông. Sự đau khổ cùng cực đã đưa ông đạt đến đỉnh cao của đức tin. Ngày nay, Kinh Thánh mạc khải rõ ràng “Đấng Cứu Chuộc” chính là Chúa Giê-xu, Đấng Trung Bảo giữa Đức Chúa Trời và con người. Chính Chúa Giê-xu là Con Một của Đức Chúa Trời mang hình hài con người để bày tỏ Đức Chúa Trời cho con người. Chính Ngài đã chết vì tội lỗi của con người, cứu chuộc, và bảo lãnh con người trước sự phán xét của Đức Chúa Trời. Khi chúng ta nhận biết tội lỗi mình, đến với Chúa ăn năn và cầu xin sự tha thứ của Ngài, Chúa sẽ tha tội và cứu chúng ta khỏi sự chết đời đời. Nhờ đó, chúng ta được sống với Đấng Cứu Chuộc hằng sống để bày tỏ Đấng Sống ra cho mọi người.

Xin Chúa thương xót, bảo vệ và cho chúng ta sự bình an trong cơn hoạn nạn vì tin chắc rằng Đấng cứu chuộc chúng ta vẫn sống.