Quyền Tể Trị Của Đức Chúa Trời

1297

Sau khi lãnh tụ Môi-se qua đời, Đức Chúa Trời kêu gọi Giô-suê thay thế để dẫn dắt dân Chúa vào đất hứa. Chúa biết Giô-suê lo lắng và run sợ trước trọng trách quá lớn lao và nặng nề, nên Ngài ban cho ông những lời căn dặn cũng như những lời hứa để ông an lòng gánh vác trách nhiệm. Lời hứa lớn nhất và quý báu nhất là Chúa toàn năng, toàn tri, Ngài là Đấng tể trị muôn loài vạn vật, luôn ở cùng ông trong mọi nơi ông đi, không bao giờ lìa bỏ ông. Còn ông, Chúa dạy rằng, nếu muốn được phước và may mắn thì chính ông phải suy ngẫm và làm theo luật pháp của Chúa ngày và đêm, không được lơ là, xao lãng. Cụm từ “may mắn và được phước”, nguyên nghĩa là “thịnh vượng, thành đạt, và thành công.” Đây là hai yếu tố mà ai cũng đều mong ước có được trong cuộc sống. Đức Chúa Trời dạy Giô-suê rằng, để thành đạt và thành công trong cuộc chiến tiến vào đất hứa, không phải dựa trên sức mạnh của quân đội hay bằng biện pháp chiến đấu, mà bằng bí quyết: “Quyển sách luật pháp này chớ xa miệng ngươi, hãy suy ngẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong.” Ngày nay, người đời thường cho rằng, phải phấn đấu bằng sức riêng, trí tuệ, kể cả sử dụng mọi mưu lược để thành đạt và thành công. Con dân Chúa cần nhớ Lời Chúa dạy, chính sự kiên tâm học hỏi, suy niệm Lời Chúa, và thận trọng vâng phục mới bảo đảm thắng lợi trong cuộc chiến thuộc linh cũng như được hưng thịnh trong cuộc sống.

Hơn thế nữa, dânY-sơ-ra-ên thành công trong việc đánh chiếm xứ Ca-na-an không phải vì có bộ tham mưu tài ba, hay nhờ vào đội quân bách chiến bách thắng. Điều họ có duy nhất là sự ban phước, đồng hành của Chúa. Chúa đồng hành với các thám tử khi họ thăm dò xứ Ca-na-an, Chúa đồng hành với toàn dân khi họ đồng lòng vượt qua sông Giô-đanh và chiếm đánh thành Giê-ri-cô to lớn… Chúa đồng hành với dân chúng trong mọi lúc mọi nơi, như điều Ngài đã hứa. Và Chúa cũng sẽ đồng hành với mỗi chúng ta khi chúng ta tin vào một Đức Chúa Trời tể trị, toàn năng và toàn tri. May mắn và phước hạnh là điều mà ai ai cũng đều mong muốn có được trong đời sống mình. Có thể nói mọi người, kể cả Cơ Đốc nhân, đều có quyền mưu cầu thành công và thịnh vượng cho riêng mình. Thế nhưng, chúng ta cần biết đâu là khuôn khổ và chuẩn mực của sự mưu cầu ấy. Giô-suê 1:8 nói lên hai điều cho khuôn khổ và chuẩn mực này.

Thứ nhất, Chúa là Đấng tể trị, có quyền trên mọi điều trong đời sống mình. Sự thành công hay thịnh vượng của mình không phải nhờ vào sự may rủi, càng không phải nhờ vào năng lực của mình. Điều này giúp chúng ta biết trông cậy Chúa, đồng thời cũng dạy chúng ta khiêm nhường trước mặt Chúa, vì mọi điều mình có đều đến từ Chúa. Thứ hai, thịnh vượng và thành công là lời hứa chắc chắn mà Chúa hứa ban cho mỗi người. Đây không phải là điều may rủi, hay do vận mạng tốt xấu như cách người ta thường nghĩ. Đây là lời hứa có kèm điều kiện, hay nói cách khác, thịnh vượng và thành công là kết quả của việc chúng ta có sống và làm theo Lời Chúa hay không. DânY-sơ-ra-ên là một tấm gương phản ánh sắc nét điều này. Khi dân chúng lắng nghe và làm theo điều Chúa đã dặn, thì mọi việc diễn ra đúng y như Lời Chúa loan báo. Nhưng thảm họa sẽ ập đến khi họ lơ là và làm trái lại điều Chúa dặn. Làm theo Lời Chúa là chìa khóa để dânY-sơ-ra-ên bước vào miền đất hứa và tận hưởng sự trù phú.

Trong sự tể trị của Chúa, nhìn lại các nhân vật từ Áp-ra-ham cho đến Giô-suê, chúng ta thấy sự chuẩn bị và huấn luyện người lãnh đạo được lặp đi lặp lại: Áp-ra-ham từ khi nghe tiếng Chúa gọi ra khỏi U-rơ đã phải mòn mỏi đợi suốt một phần tư thế kỷ Y-sác mới ra đời. Gia-cốp phải mất gần khoảng thời gian đó mới được đổi tên thành Y-sơ-ra-ên. Còn Môi-se đã phải chịu trui rèn huấn luyện suốt 80 năm trước khi được Chúa trao cho nhiệm vụ giải phóng tuyển dân. Bất cứ ai muốn trở thành một dụng cụ hữu hiệu trong tay Chúa, đều cần có thời gian được Chúa huấn luyện để có thể trở nên công cụ sắc bén trong tay Ngài.

Xin Chúa ban cho chúng talòng tin cậy vào sự tể trị của Ngài để chúng ta sống vâng theo Lời Chúa.