Trang chủ Blog Trang 65

THEO ĐUỔI MỤC ĐÍCH

Khoảng 25 người vượt biên trên một con thuyền nhỏ. Thuyền rời bến tiến ra khơi nhắm vào đất Thái. Nhưng không được bao lâu thì hết dầu, gió lại thổi mạnh, con thuyền bị dồi dập trên sóng biển, lạc mất hướng. Thuyền lênh đênh trên biển cả, mọi người bắt đầu không tin rằng mình sẽ được vào đất Thái. Sự mệt mỏi lên cao. Sự kiên nhẫn cạn dần. Người này bắt đầu gây sự với người khác về những chuyện vặt vãnh. May thay! Khoảng 5 ngày sau họ được một thuyền Anh vớt, chấm dứt cảnh lênh đênh trên biển cả. Cuộc đời của nhiều người giống như chiếc thuyền không định hướng, cứ xoay đi xoay lại mà không tiến lên được. Sức lực mòn mỏi, tinh thần đi xuống vì thì giờ qua mau, tuổi đời chồng chất mà không tìm thấy được ý nghĩa của cuộc sống. Qua phân đoạn Kinh Thánh này, Phao-lô cho biết khi chúng ta được Chúa Giê-xu nắm lấy thì Ngài có mục đích cho mỗi cuộc đời chúng ta, vì vậy chúng ta phải tiến tới để đạt được mục đích dành cho mình. Phao-lô chia sẻ cho chúng ta kinh nghiệm theo Chúa:

  1. Sống có mục đích: “Giựt giải về sự kêu gọi trên trời của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Giê-xu Christ” là tất cả lẽ sống của Phao-lô. Những công cuộc truyền giáo, thành lập Hội Thánh không phải là mục đích cho đời sống ông. Với ông, mọi thành công hay thất bại ông “xem như rơm rác, hầu cho được Đấng Christ.”
  2. Nhắm mục đích mà sống: Phao-lô nói: “Tôi đương chạy, hầu giựt được.” Dường như tại Phi-líp một số tín hữu nghĩ mình đã đạt đến mục tiêu trọn vẹn của người Cơ Đốc, “đã đến nơi trọn lành rồi,” nhưng Phao-lô cho biết chúng ta được kêu gọi đến tiêu chuẩn cao hơn. Do đó, lúc nào cũng vậy, đời sống Cơ Đốc không có chỗ cho một người nghỉ ngơi trên thành đạt hay chiến thắng của mình. Phao-lô cho biết cách ông thực hiện: “quên lửng sự ở đằng sau, mà bươn theo sự ở đàng trước,” tất cả sức lực của ông đều tập trung vào mục tiêu và chủ đích của đời sống Cơ Đốc. Chúng ta phải quên những gì mình đã làm mà chỉ nhớ những gì mình còn phải làm, chỉ nhớ đến mục đích phí trước. Dù Phao-lô bị giới hạn bởi bốn bức tường của ngục tù, nhưng chúng ta biết vị sứ đồ khả kính này đang dốc sức chạy đến với Chúa như một vận động viên đang cố gắng chạy cho đến đích. Bắp thịt của ông căng lên, mồ hôi đổ ra đầm đìa khi vượt qua những chặng cam go, mắt ông cứ chăm chú vào mục tiêu phía trước mà Chúa đặt ra cho ông. Những điều phía sau không có ý nghĩa gì khi ông tập trung vào sự kêu gọi từ trên cao.

Mỗi chúng ta cũng phải chạy như Sứ đồ Phao-lô “để giựt giải về sự kêu gọi trên trời”. Chúng ta không thuộc về thế gian mà là “công dân thiên quốc” và chúng ta đang chờ đợi để thân thể ở dưới đất này được biến hóa trở nên vinh hiển như thân thể của Chúa Giê-xu. Nhưng làm thế nào để đạt được mục tiêu mà Chúa Giê-xu đã đặt ra cho chúng ta? Trước hết, chúng ta phải chân thật với chính mình, nhận biết mình chưa trọn lành như Sứ đồ Phao-lô đã thú nhận: “không phải tôi đã giựt giải rồi, hay là đã đến nơi trọn lành rồi đâu, nhưng tôi đang chạy”. Sau đó, phải tập trung cặp mắt đức tin của chúng ta vào Chúa Giê-xu và quên đi những thất bại của mình. Cuộc đời của Cơ Đốc nhân không phải là một cuộc dạo chơi thong thả mà là một cuộc đua đầy cam go, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hết mình. Chúng ta không thể sống một đời sống Cơ Đốc trọn vẹn khi vừa yêu mến, nắm giữ những điều thuộc trần gian, vừa cố gắng sống cho Đấng Cơ Đốc. Sự kêu gọi của chúng ta là sự kêu gọi từ thiên đàng mà chúng ta không thể bỏ qua. Nếu sống cho thế gian và xác thịt, chúng ta sẽ mất tất cả. Cuối cùng, trong quá trình luyện tập, buồng phổi của các vận động viên chạy đua ngày càng nở nang khiến cho họ hấp thu được nhiều dưỡng khí hơn. Cũng vậy, kỷ luật thuộc linh: kiêng ăn, cầu nguyện, suy ngẫm Lời Đức Chúa Trời, phục vụ, ban cho… giúp cho “buồng phổi thuộc linh” của chúng ta ngày càng nở nang.

Xin Chúa giúp chúng ta sống xứng đáng với mục đích cao đẹp Chúa ban.

Chúa Nhật 05-07-2020

Hội Thánh Tin Lành Việt Nam – Chi Hội Tô Hiến Thành
Chương Trình Thờ Phượng – Chúa nhật 05-07-2020

Chủ đề: THEO ĐUỔI MỤC ĐÍCH

Câu Gốc: Phi-líp 3:14
Nhưng tôi cứ làm một điều: quên lửng sự ở đằng sau, mà bươn theo sự ở đằng trước, tôi nhắm mục-đích mà chạy, để giựt giải về sự kêu-gọi trên trời của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus-Christ.

Giảng Luận: Mục Sư Nguyễn Ngọc Dũng
HDCT: Chấp sự Nguyễn Minh Cảnh

Truyền Giảng Thứ Bảy 04-07-2020

Hội Thánh Tin Lành Việt Nam – Chi Hội Tô Hiến Thành
Chương Trình Truyển Giảng – Thứ Bảy 04-07-2020

Chủ đề: ĐƯỜNG ĐẾN SỰ SỐNG

Câu Gốc: Giăng 14:6
Vậy Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha.

Giảng Luận: TĐ. Châu Thanh Thiên Ngọc
HDCT: Cô Trương Thị Phan Thiết

CHÚNG TA LÀ AI?

Sau khi dạy về nếp sống thánh khiết, yêu thương và kính sợ Đức Chúa Trời, Sứ đồ Phi-e-rơ đưa ra ba hình ảnh để mô tả sự kêu gọi mà Đức Chúa Trời dành cho Cơ Đốc nhân. Hình ảnh thứ nhất là em bé sơ sinh. Thức ăn chính của em bé là sữa. Cách một em bé mới sinh đang cầm bình sữa bú không ngớt vì khát sữa cũng là cách mà chúng ta là người theo Chúa khát khao sữa thuộc linh là Lời Chúa. Nói đến Lời Chúa, không chỉ nói đến Kinh Thánh nhưng còn nói đến Thánh Linh đang ở trong chúng ta là Đấng dẫn ta vào lẽ thật. Kinh Thánh chỉ trở thành thức ăn thuộc linh bổ dưỡng khi được Thánh Linh soi sáng để ta hiểu và áp dụng trong đời sống. Chúng ta phải “ham thích” sữa thiêng liêng của Lời Hằng Sống để chúng ta được sinh lại và tăng trưởng. Sữa thiêng liêng chỉ tốt cho giai đoạn tăng trưởng ban đầu để sau đó chúng ta có thể đùng thức ăn đặc và trở thành người lớn về mặt thuộc linh..

Hình ảnh thứ hai là “hòn đá sống.” Một viên đá không thể nào làm nên một ngôi nhà. Điều này gợi cho chúng ta ý tưởng về sự liên kết. Chúng ta được xây trong “một ngôi nhà thuộc linh” mà trong đó, Chúa Giê-xu là hòn đá góc nhà, trên đó – tất cả chúng ta là những hòn đá sống được kết chặt lại với nhau.Thi-thiên 118:22 nói đến một viên đá bị thợ xây nhà loại ra, xem ra vô dụng nhưng trở nên đá góc nhà. Hòn đá được nói trong Ê-sai 28:16 chỉ về Chúa Cứu Thế Giê-xu. Ngài bị kết án, khinh khi, bị đóng đinh trên thập tự nhưng trở thành Đá góc nhà, tức nền tảng của Hội Thánh. Phi-e-rơ cho biết những người theo Chúa Giê-xu là những viên đá sống dùng xây dựng nhà Chúa. Chữ “sống” cho thấy đặc tính năng động mà người Cơ Đốc có được do quyền năng Thánh Linh.

Hình ảnh thứ ba là “dòng giống được lựa chọn”. Sứ đồ Phi-e-rơ muốn nói đến Hội Thánh Cơ Đốc. Giống như những người tỵ nạn từ các đất nước khác nhau cuối cùng được trao quyền công dân ở đất nước nhập cư, thì cũng vậy, tín hữu các nước hợp lại thành một dân thánh, dân của Đức Chúa Trời.Chúa chọn ta với một mục đích, đó là phục vụ Chúa và nói cho người khác biết đường lối của Ngài. Thân phận ta trước kia hẩm hiu nhưng bây giờ đã được thương xót, được tuyển chọn để trở thành thầy tế lễ, dân thánh, nhờ sự hy sinh của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Chúa chọn ta với một mục đích cao cả hơn, sâu xa hơn bất cứ một điều nào trước đây ta từng biết.Qua Chúa Giê-xu, mọi Cơ Đốc nhân đều dự phần vào chức vụ thầy tế lễ. Chân lý này được nhấn mạnh vào thời kỳ Cải Chánh, mọi Cơ Đốc nhân có thể trực tiếp đến với Đức Chúa Trời để phục vụ Ngài. Họ cũng phải phục vụ người khác và luôn có một điều gì đó để ban cho, chia sẻ với tha nhân.

Phi-e-rơ kêu gọi chúng ta tiếp tục cam kết yêu thương nhau và chặn trước bất cứ rạn nứt nào trong sự hòa hợp của thân Đấng Christ. Vì Đức Chúa Trời đã đem chúng ta lại với nhau để làm một dân đoàn kết khắp thế gian mang danh Ngài, nên chúng ta phải bày tỏ sự hài hòa tuyệt diệu của một tòa nhà xây dựng tốt, với những viên đá liên kết liền mối nhau. Với chức thầy tế lễ”thánh” như vậy, chúng ta có thể dâng”của tế lễ thiêng liêng . . . đẹp ý Đức Chúa Trời”, tức là lời ngợi khen và làm chứng cho Đức Chúa Trời là Đấng gọi chúng ta”vào nơi sáng láng lạ lùng của Ngài”. Những hình ảnh tuyệt vời này nhấn mạnh đến những điểm khác nhau. Đối với hình ảnh về em bé sơ sinh, điểm nhấn là sự tăng trưởng; đối với “hòn đá góc nhà,” điểm nhấn là sự tận hiến và thờ phượng; đối với “dòng giống được lựa chọn” là rao giảng Phúc Âm và làm sáng danh Đức Chúa Trời.

Mỗi cá nhân con dân Chúa phải luôn khát khao lời Chúa như em bé khát sữa, luôn năng động như những viên đá sống để xây dựng Hội Thánh Đức Chúa Trời, phải luôn sống xứng đáng như một dân được chọn, một dân thánh thuộc riêng về Ngài. Bài học hôm nay nhắc chúng ta tự đặt câu hỏi: Tôi có đang khát sữa thuộc linh không? Tôi có phải là viên đá sống được Chúa dùng xây dựng Hội Thánh Ngài? Tôi là ai?

Xin Chúa giúp chúng ta sống xứng đáng với chức phận Chúa lựa chọn và kêu gọi chúng ta để danh Chúa được vinh hiển và nước Ngài được mở rộng.

Chúa Nhật 28-06-2020

Hội Thánh Tin Lành Việt Nam – Chi Hội Tô Hiến Thành
Chương Trình Thờ Phượng – Chúa nhật 28-06-2020

Chủ đề: CHÚNG TA LÀ AI?

Câu Gốc: I Phi-e-rơ 2:9
Nhưng anh em là dòng-giống được lựa-chọn, là chức thầy tế-lễ nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Đức Chúa Trời, hầu cho anh em rao-giảng nhân-đức của Đấng đã gọi anh em ra khỏi nơi tối-tăm, đến nơi sáng-láng lạ-lùng của Ngài;

Giảng Luận: Mục sư Trương Duy Từ
HDCT: Chấp sự Trịnh Quang Huy

Kính Mến Và Vâng Lời Chúa

Phao-lô so sánh giữa A-đam và Chúa Cứu Thế. Nếu A-đam là mô hình cho sự không vâng phục thì Chúa Giê-xu là mô hình cho sự vâng phục. Do sự không vâng phục của A-đam mà mọi người trở nên tội lỗi. A-đam sử dụng sai lầm sự tự do mà Đấng Tạo Hóa ban cho đã đưa tội lỗi vào trong thế gian và hậu quả là sự chết. Không ai tránh được tội lỗi, không ai tránh được sự chết.

A-đam không phải là một cá nhân riêng biệt nhưng là tổ tiên của cả nhân loại, vì vậy khi ông phạm tội, cả nhân loại cũng phạm tội. Tội lỗi đó cũng di truyền cho mỗi người đến ngày nay. Cũng trong ý nghĩa đó, khi Chúa Giê-xu chịu chết, dù chỉ một mình Ngài chết, Ngài có thể chết thế cho cả nhân loại để giải thoát nhân loại khỏi ách nô lệ của tội lỗi. Tuy nhiên, không phải vì Chúa Giê-xu đã chịu chết cho nhân loại mà tất cả mọi người đều sẽ tự động được thoát khỏi tội lỗi nhưng mỗi người phải công nhận cái chết của Chúa là cho mình, vì tội của chính mình, lúc đó người ấy mới được cứu khỏi tội. Cũng vì thế Phao-lô bảo: chúng ta được “xưng công bình bởi đức tin,” nghĩa là chúng ta phải tin Chúa đã chịu chết vì tội của chính mình thì chúng ta mới được Chúa kể là vô tội và mới được cứu. A-đam phạm tội và như thế đã bị quyền lực của tội lỗi và sự chết chế ngự. Trái lại Chúa Giê-xu vâng phục trọn vẹn ý muốn Đức Chúa Trời, ngay cả chấp nhận cái chết trên thập tự giá. Thập tự giá là con đường được mở ra để con người tội lỗi bởi A-đam đến tiếp nhận ân sủng Đức Chúa Trời và nhờ đó được kể là công chính. Phao-lô muốn làm sáng tỏ rằng chúng ta là con người phạm tội và chỉ có một cách duy nhất để ra khỏi tình trạng đó là chấp nhận ân sủng của Đức Chúa Trời được ban cho trong Chúa Cứu Thế Giê-xu. A-đam là biểu tượng của tội lỗi, sự đoán phạt và sự chết.

Chúa Giê-xu là biểu tượng của ân sủng, sự tha tội và sự sống. Qua A-đam chúng ta thấy sự công bình của Đức Chúa Trời, qua Chúa Cứu Thế chúng ta thấy tình yêu của Ngài. Đức công chính và đức yêu thương của Đức Chúa Trời được thỏa mãn bởi sự chết đền tội của Chúa Giê-xu. Nếu A-đam mở đầu cho một nhân loại tội lỗi thì Chúa Giê-xu mở đầu cho một nhân loại mới gồm những người được tẩy rửa và tha thứ. Trong bất cứ thời đại nào, con người vẫn được tự do lựa chọn, hoặc noi theo sự bất tuân như A-đam và Ê-va, hoặc chấp nhận ân sủng từ Đức Chúa Trời, thuộc về A-đam thứ nhất hoặc A-đam thứ hai là Chúa Cứu Thế, sự quá phạm của A-đam hoặc sự công chính của Chúa Cứu Thế, bản tính cũ hư hoại của A-đam hoặc bản tính mới trong Chúa Cứu Thế. Nếu sự không vâng phục của A-đam đưa đến sự chết, tức sự phân rẽ với Đức Chúa Trời, thì sự vâng phục của Chúa Giê-xu đưa đến sự sống, tức là sự nối kết với Ngài.

Hiệu quả của tội lỗi và ân điển đều tùy thuộc vào sự lựa chon của con người. Với quyền tự do lựa chọn được Chúa ban cho, chúng ta cần xét mình để nhận thức được những điều gì chúng ta đã lựa chọn. Tự xét mình sẽ giúp chúng ta thấy được sự sai trật trong những lựa chọn của mình đồng thời thấy được nhu cầu cần đến ân sủng của Đức Chúa Trời. Thật ra việc tự xét mình cũng không bắt nguồn từ chúng ta nhưng bắt đầu khi chúng ta thấy chính mình trong ánh sáng của ân sủng. Khi chúng ta xét mình là lúc chúng ta nhận thức được ân sủng Chúa đã tác động trên chúng ta đưa chúng ta đến chỗ xét mình. Sự xét mình của ta sẽ vô ích nếu không có ân sủng của Chúa. Không có ân sủng của Chúa tác động, ta không thể xét mình. Đối với Phao-lô, kinh nghiệm đời sống Cơ Đốc nhân bắt đầu và chấm dứt trong ân sủng Chúa. Cho nên xét mình cũng là lúc ta cảm tạ Chúa về ân sủng của Ngài đã và đang tác động trên chúng ta. Nhìn lại tội lỗi, sự không vâng phục của A-đam cũng giúp ta nhớ một điều quan trọng khác, đó là khi chúng ta phạm tội, tội lỗi đó ảnh hưởng đến mọi người chung quanh. Đừng bao giờ nghĩ rằng cuộc đời nầy là của ta, ta muốn sống sao cũng được, không quan hệ gì đến người khác. Tất cả mọi hành động của chúng ta, dù muốn dù không, đều ảnh hưởng đến người chung quanh.

Xin Chúa giúp chúng ta sống vâng phục xứng đáng với ơn cứu chuộc của Ngài trên đời sống chúng ta.

Cư Xá Sinh Viên – HTTL Tô Hiến Thành

Mẫu đơn đăng ký vào Cư Xá Sinh Viên HTTL Tô Hiến Thành, xin vui lòng click vào link bên dưới

File Word

File PDF

Podcasts

Latest sermons