Trang chủ Blog Trang 66

Lễ Kỷ Niệm Mừng Chúa Giê-xu Phục Sinh 2020

Hội Thánh Tin Lành Việt Nam – Chi Hội Tô Hiến Thành
Chương Trình Lễ Kỷ Niệm Mừng Chúa Giê-xu Phục Sinh 2020

Thời gian: 06h00 – Chúa nhật 12/04/2020

Chủ đề: Chứng Cớ Chúa Phục Sinh

Câu gốc: I Cô-rinh-tô 15:4
Ngài đã bị chôn, đến ngày thứ ba, Ngài sống lại, theo lời Kinh thánh.

Diễn giả: Mục Sư Nguyễn Ngọc Dũng
HDCT: Chấp sự Trần Thị Mỹ Dung

CHỨNG CỚ CHÚA PHỤC SINH

I. Chứng cớ Chúa phục sinh trong Cơ Đốc giáo

  1. Chính Chúa Jêsus nói về sự phục sinh của Ngài (Mác 8:31)
  2. Đời sống được đổi mới của Cơ Đốc nhân (Rô-ma 8:11)

II. Chứng cớ Chúa phục sinh ngoài Cơ Đốc giáo

  1. Ngôi mộ trống (Lu-ca 24:1-3)
  2. Ngày nghỉ Chúa Nhật hay Chủ Nhật (Công Vụ 20:7)

Lễ Kỷ Niệm Chúa Chịu Thương Khó

Chủ Đề: Chén Đau Thương – Diễn Giả: Mục sư Nguyễn Ngọc Dũng
Ngài lại đi lần thứ hai, mà cầu nguyện rằng: Cha ơi! Nếu chén nầy không thể lìa khỏi Con được mà Con phải uống, thì xin ý Cha được nên. Ma-thi-ơ 26:42
Lúc 19h15 ngày 09-04-2020

Diễn giả: Mục Sư Nguyễn Ngọc Dũng
HDCT: Chấp sự Trịnh Quang Huy

I. Lý Do Chúa Uống Chén Đau Thương
1.Để Chúng Ta Được Hòa Thuận Lại Với Đức Chúa Trời (Rôma 5:9-11)
2.Để Chuộc Tội Cho Con Người (I Giăng 2:2, 24)
II. Mức Độ Của Chén Đau Thương
1.Thể xác
2.Tâm linh
III. Kết Quả Việc Chúa Nhận Chén Đau Thương

Chúa Nhật 05-04-2020

Chương Trình Thờ Phượng Chúa
Chúa nhật 05-04-2020
Chủ đề: Sự Cầu Nguyện
Câu gốc: I Tê-sa-lô-ni-ca 5:17
Diễn giả: Mục sư Nguyễn Ngọc Dũng
Quản nhiệm Hội Thánh
HDCT: Chấp sự Nguyễn Minh Cảnh

Chúa Nhật 29-03-2020

Vâng Lời Chúa
Câu gốc: Nếu các ngươi sẵn lòng vâng lời, sẽ ăn được sản vật của đất. Ê-sai 1:19
Diễn giả: Mục sư Lê Đức Trịnh
Phụ tá Quản Nhiệm

Cơ Đốc Nhân Cần Có Thái Độ Nào Khi Đối Diện Với Đại Dịch Virus Corona

(Nguồn: https://httlvn.org/co-doc-nhan-can-co-thai-do-nao-khi-doi-dien-voi-dai-dich-virus-corona.html)

“Chúng con không biết phải làm sao; nhưng con mắt chúng con ngưỡng trông Chúa.”
Khi ngồi trong căn hộ của mình tại Trung Quốc, nơi tràn ngập dịch bệnh nCoV, với tâm trạng căng thẳng, lo lắng, tôi cố nghĩ xem liệu có lời cầu nguyện nào hay hơn lời cầu nguyện được thốt ra bởi vua Giô-sa-phát tuyệt vọng nhưng đầy lòng tin chắc nơi Chúa (2 Sử Ký 20:12).

Cả thế giới đang hồi hộp, lo lắng dõi theo khủng hoảng về y tế toàn cầu. Các công ty, trường học đang cố trì hoãn mọi hoạt động. Biên giới đóng cửa. Những ngày gần đây nhiều chuyến bay ra vào nước này bị ngưng lại. Là Mục sư người Mỹ hiện đang hầu việc Chúa tại Trung Quốc, chúng tôi cảm thấy dường như quyết định ở lại của mình là một sai lầm.

Chúng tôi cầu nguyện gì? “Chúng con cũng không biết điều gì mình phải làm; nhưng con mắt chúng con ngưỡng trông Chúa.” (2 Sử Ký 20:12c)

Cái nhìn lúc xưa của Giô-sa-phát rất phù hợp với tình hình tháng 2 năm 2020 hiện nay. Lúc đó, có một đạo quân lớn từ Ê-đôm áp tới tấn công Giu-đa. Nhưng đức tin Giô-sa-phát rất vững vàng. Ông không chỉ tin cậy Chúa khi đối diện với sự bại trận có thể xảy ra nhưng với cả tai họa có thể giáng xuống trên ông và con dân Chúa!

“Nếu tai họa giáng trên chúng con, hoặc gươm giáo, hoặc sự trừng phạt, hoặc dịch bệnh, hoặc nạn đói, thì chúng con sẽ đứng trước đền thờ này và trước mặt Chúa (vì danh Chúa ở trong đền thờ này), mà kêu cầu Ngài trong cảnh khốn cùng của chúng con, Ngài sẽ lắng nghe và giải cứu chúng con.” (2 Sử Ký 20:9, BHĐ)

Giô-sa-phát hết lòng tin cậy Chúa khi đối diện với hiểm nguy. Thậm chí khi đối diện với bệnh tật và dịch lệ, ông vẫn tìm cầu Chúa.

Trong cảnh dịch bệnh như hiện nay, chúng ta phải học cách làm giống như vậy. Dưới đây là 5 khía cạnh của lòng tin cậy Chúa của Giô-sa-phát mà có thể giúp chúng ta ngày nay:

1. Tin cậy Chúa mà trao dâng cho Ngài mọi lo sợ:
Giô-sa-phát “sợ hãi, quyết định tìm kiếm Đức Giê-hô-va” (2 Sử Ký 20:3). Ông không phải là người phi thường; ông chỉ là một người bình thường. Bước đầu tiên cần làm khi tin cậy nơi sự vùa giúp của Chúa – trong thời Giô-sa-phát và cả trong thời của chúng ta ngày nay – đó là thừa nhận sự yếu đuối của mình. Tìm đến với Chúa và thành thật trình dâng mọi cảm xúc của mình mới có thể là liều thuốc tốt. “Con sợ. Con bực bội. Con tức giận. Con cô đơn. Con bị tổn thương. Con kiệt sức” – Hãy cứ thưa với Chúa.

Việc tuôn đổ sự đau đớn mình không phải là để lay động ngón tay Chúa; nhưng là thành thật khi tin cậy và giao phó cho Ngài những điều khiến chúng ta lo lắng nhất. Giô-sa-phát đã chọn việc tin cậy Chúa, và đó cũng là điều chúng ta đang được mời gọi. Tin cậy Chúa luôn là sự chọn lựa. Đó là việc chúng ta cứ phải làm luôn.

1. Khích lệ người khác tin cậy Chúa
Sau khi Giô-sa-phát tìm cầu Chúa, ông kêu gọi cả quốc gia kiêng ăn, “Giu-đa nhóm lại đặng cầu Đức Giê-hô-va cứu giúp; người ta ở các thành Giu-đa đều đến đặng tìm cầu Đức Giê-hô-va” (2 Sử Ký 20:4). Vua Giô-sa-phát biết sự cứu giúp thật đến từ đâu và ông đã dẫn dân chúng đặt lòng trông cậy nơi đó.

Khi mọi người quanh chúng ta bối rối, láng giềng quanh chúng ta hoảng sợ, chúng ta cần nhắc nhau nhớ rằng chúng ta đang hầu việc một Đức Chúa Trời yêu thương, giàu lòng thương xót, luôn tể trị, và là Đấng không bị lay chuyển bởi dịch lệ hay virus (Thi Thiên 91).

Khi trình dâng mọi lo lắng mình cho Chúa, chúng ta sẽ kinh nghiệm sự bình an, là bình an vượt trên mọi sự hiểu biết (Phi-líp 4:6-7). Và khi chúng ta kinh nghiệm loại bình an đó, niềm hy vọng sống mà chúng ta có trong Chúa sẽ được bày tỏ ra (1 Phi-e-rơ 3:15). Cuối cùng, niềm tin chúng ta là loại niềm tin cá nhân nhưng không giấu kín.

3. Kêu cầu với Chúa
Vua Giô-sa-phát đã cho chúng ta một kiểu mẫu cầu nguyện trong câu 5-12. Ông công bố danh xưng Chúa, lời Chúa hứa và việc Ngài làm trong quá khứ. Lời cầu nguyện đó càng tha thiết hơn khi ông nói, “Chúng con không đủ sức để đối địch cùng đám quân đông đảo đang đến tấn công chúng con. Chúng con không biết phải làm sao, nhưng mắt chúng con ngưỡng trông Chúa.”

Có lẽ bạn cũng cảm thấy như vậy khi đối diện với dịch bệnh nCov. Có lẽ bạn cũng thấy bất lực khi đối mặt với loại virus có khả năng lây nhiễm cao ngay cả khi không có dấu hiệu rõ ràng. Có lẽ nỗi lo trong bạn gia tăng khi các chuyên gia y tế vẫn chưa nắm bắt rõ mọi đường lây nhiễm từ loại virus này. Có lẽ bạn cũng thấy nãn lòng khi bạn thấy số ca lây nhiễm và số tử vong ngày càng tăng. Nếu vậy, hãy cùng vua Giô-sa-phát cầu nguyện rằng con bất lực, nhưng niềm hy vọng của con đặt trọn nơi Chúa Toàn năng.

Có bao nhiêu người trong chúng ta có lời cầu nguyện kết thúc như vậy? Đó là thái độ và cách nhìn của người Cơ Đốc. Công bố danh xưng Chúa, xưng nhận sự bất lực, yếu đuối của mình và mắt nhìn xem Chúa.

4. Hãy nhớ đến sự giải cứu của Đức Chúa Trời
Trong ký thuật 2 Sử Ký, Đức Chúa Trời đáp ứng bằng cách sai một vị tiên tri đến để nhắc dân Giu-đa rằng trận chiến đó không thuộc về họ, nhưng thuộc về Đức Chúa Trời (20:15). Họ không cần phải chiến đấu, nhưng chỉ cần ngồi và nhìn xem sự giải cứu của Chúa dành cho họ (20:17).

Câu chuyện này là một ví dụ nhỏ của một trận chiến thuộc linh lớn hơn cho mọi người trong mọi hạng tuổi. Giờ đây chúng ta đối diện với một vấn đề chết người mà bản thân mình chẳng làm gì được (dầu chúng ta gắng sức!) Chúng ta cần tin nơi một điều khác, vì trận chiến không thuộc về chúng ta. Khi chúng ta tin cậy Đấng có thể chiến cự thay cho chúng ta, chúng ta được mời gọi lùi về phía sau và nhìn xem sự giải cứu của Ngài.

Dịch bệnh do virus corona có thể không gia tăng trong tuần tới. Nhưng nó cũng có thể trở nên tệ hại hơn. Gia đình chúng tôi có thể không bị nhiễm bệnh, nhưng cũng có thể sẽ nằm trong những con số bị lây nhiễm. Nhưng chúng tôi vẫn ngưỡng trông sự giải cứu của Chúa. Nhưng không phải vì Chúa cần bày tỏ tình yêu Ngài với tôi qua việc gìn giữ tôi khỏi bệnh tật, nhưng vì Ngài đã bày tỏ tình yêu Ngài với tất cả chúng ta qua việc sai Con Ngài chịu chết thay cho chúng ta khi chúng ta còn là người có tội, để bất kỳ ai tin Ngài sẽ không bị hư mất nhưng có sự sống đời đời (Rô-ma 5:8; Giăng 3:16).

Tôi cầu nguyện xin Chúa tiêu trừ loại virus này và khiến gia đình tôi khỏe mạnh, nhưng nếu như có điều gì đó không hay xảy ra trong tuần lễ tới thì Chúa vẫn là tốt lành. Tôi mang khẩu trang khi ra đường, và rửa tay thường xuyên, nhưng hy vọng của tôi không dừng lại ở những nỗ lực đó. Tôi ước ao một cuộc sống lâu dài cho tôi và gia đình, nhưng tôi cũng nhận biết rằng mục đích đời sống không phải là thoát khỏi sự chết thể xác. Đó là mục đích của người ngu dại. Mục đích đời sống là được chuẩn bị sẵn sàng khi sự chết thể xác đến thì làm sáng danh Chúa và vui hưởng sự hiện diện của Ngài cho đến ngày đó.

5. Thờ phượng Chúa
Giô-sa-phát tin cậy Chúa, và ông cũng dẫn dắt người khác tin cậy Ngài. Nhưng hãy chú ý đến việc sau cùng mà họ đã làm là thờ phượng. Trong 2 Sử Ký 20:21, trước khi sự chiến thắng đến, vua Giô-sa-phát đã đưa dân sự đến sự ngợi khen Chúa: “Khi họ bắt đầu hát vang ca ngợi thì Đức Giê-hô-va cho quân mai phục tấn công đám quân đang tiến đánh Giu-đa…” (2 Sử Ký 20:22, BHĐ)

Hình ảnh cuối cùng của việc tin cậy Chúa này diễn ra thế nào? Vì nếu Chúa là tốt lành, và chúng ta biết rõ Đấng chúng ta tin cậy, thì chúng ta có thể thờ phượng Ngài giữa khổ đau mà chúng ta đang phải đối diện. Chúng ta có thể ngợi khen Chúa khi bị hiểm nguy đe dọa. Chúng ta khiến Ngài được vinh hiển ngay cả khi virus đang lây lan khắp nơi.

Đức Chúa Trời không bảo vua Giô-sa-phát điều phải làm. Ngài cũng không bảo ông kêu gọi con dân Chúa hiệp nhau lại để nhóm thờ phượng. Thờ phượng không phải là chiến lược để khiến Chúa hành động; nhưng thờ phượng là sự đáp ứng vì chúng ta biết Ngài đã hành động, và Ngài sẽ tiếp tục hành động. Thờ phượng giống như việc tìm kiếm Chúa.

Sau ngày đó, khi dân Giu-đa tiến ra ngoài, sự đe dọa của họ đã biến mất. Tôi không có ý nói rằng Đức Chúa Trời sẽ giải quyết mọi nan đề của bạn cách lạ lùng khi bạn thờ phượng Ngài. Nhưng điều tôi muốn nói ở đây là nan đề lớn nhất của bạn – nan đề của sự vô tín – sẽ được tháo gỡ khi bạn thờ phượng Chúa.
Nguyện xin Chúa khiến mọi tín hữu tại Trung Quốc và ở khắp nơi trên thế giới có lòng tin vững chắc nơi Chúa khi đối diện với dịch Corona – ngay cả khi chúng ta không biết điều gì sẽ xảy đến tiếp theo.

Mục sư Jason Seville
Thảo Anh dịch

Nguồn: thegospelcoalition.org

An Ninh Trong Bóng Cánh Chúa

(Nguồn: https://httlvn.org/an-ninh-trong-bong-canh-chua.html)

Đại dịch viêm phổi do virus Corona khởi phát từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019 đã lan rộng khắp 31 tỉnh thành Trung Quốc và 27 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tính đến 11:28 ngày 11/02/2020, theo công bố của Bộ Y tế đã có 43.102 ca nhiễm bệnh, 1.018 người tử vong, chủ yếu ở Trung Quốc. Việt Nam đã có 15 ca nhiễm virus corona nhưng hiện chưa ai tử vong. Con số này vẫn tiếp tục đi lên và chưa biết khi nào mới dừng lại.

Tình hình dịch virus nCov. Ảnh cập nhật từ cổng thông tin điện tử Bộ Y tế moh.gov.vn
Đại dịch corona đang diễn biến phức tạp và gây hoang mang cho mọi người trên thế giới, khiến người ta nhớ lại đại dịch Sars 2003 cách đây 17 năm khiến thế giới kinh hoàng với trên 800 người chết.

Là con dân Chúa đang sống trong tình hình dịch bệnh này, chúng ta cũng không tránh khỏi lo âu, sợ hãi. Tuy nhiên cảm ơn Chúa, chúng ta có lời hứa quí báu của Ngài trong Kinh Thánh nên chúng ta không quá lo âu, bất an như người ngoại. Trái lại, chúng ta cần có cái nhìn và thái độ đức tin đúng đắn về vấn đề dịch bệnh lây ra trong nơi tối tăm.

Trước hết, hãy bình tĩnh và khôn ngoan để đối phó với hoàn cảnh khó khăn, dịch lệ với thái độ đức tin, bước theo sự dẫn dắt của Chúa. Chính Chúa Giê-xu phán “Các ngươi sẽ nghe nói về giặc và tiếng đồn về giặc: Hãy giữ mình, đừng bối rối, vì những sự ấy phải đến; song chưa là cuối cùng đâu” (Ma-thi-ơ 24:6).

Thứ hai, hãy tin cậy và nắm lấy lời Chúa hứa về sự bảo vệ, gìn giữ của Chúa “Người nào ở nơi kín đáo của Đấng Chí Cao, sẽ được hằng ở dưới bóng của Đấng Toàn năng” (Thi Thiên 91:1).


Thứ ba, hãy tỉnh thức trước những dấu hiệu về thời kỳ cuối rốt mà Chúa đã cảnh báo: “[nhiều nơi] sẽ có sự động đất lớn, có đói kém và dịch lệ trong nhiều nơi, có những điềm lạ kinh khiếp và dấu lớn ở trên trời” (Lu-ca 21:11).


Và cuối cùng, hãy cầu nguyện xin Chúa giảm bớt cơn tai họa và hành động bày tỏ tình yêu thương cứu giúp con dân Chúa và đồng bào, đồng loại đang bị nạn như Chúa hứa “Nếu những ngày ấy không giảm bớt, thì chẳng có một người nào được cứu; song vì cớ các người được chọn, thì những ngày ấy sẽ giảm bớt” (Ma-thi-ơ 24:22).

Để củng cố đức tin nơi Chúa và kinh nghiệm sự an ninh trong bóng cánh Chúa, chúng ta hãy cùng suy ngẫm Lời Chúa. Có lẽ một trong những đoạn Kinh Thánh quí báu cho chúng ta trong lúc này Thi Thiên 91, một đoạn Kinh Thánh mà nhiều con cái Chúa yêu mến và thuộc lòng.

Sự An Ninh Của Người Tin Cậy Chúa

Dựa vào cách xưng hô “người”, “ngươi” với “Ngài”, và “tôi” với “Ta”, chúng ta có thể nói Thi Thiên 91 là lời đối thoại giữa tác giả với Chúa về sự an ninh của người tin cậy Chúa.

Lời khẳng định: Chúa là nơi nương náu, đồn lũy vững chắc (1-2)

Mở đầu Thi Thiên này là lời khẳng định mạnh mẽ đức tin của tác giả nơi Chúa với bốn danh xưng của Chúa là “Đấng Chí cao”, “Đấng Toàn năng”, “Đức Giê-hô-va”, “Đức Chúa Trời tôi”.
“Người nào ở nơi kín đáo của Đấng Chí Cao,
Sẽ được hằng ở dưới bóng của Đấng Toàn năng.
Tôi nói về Đức Giê-hô-va rằng: Ngài là nơi nương náu tôi, và là đồn lũy tôi;
Cũng là Đức Chúa Trời tôi, tôi tin cậy nơi Ngài”.
“Nơi kín đáo” trong nguyên ngữ là “lều trại”. “Ở nơi kín đáo của Đấng chí cao” chỉ về mối tương giao sâu nhiệm với Chúa, trong sự hiện diện của Chúa.

Niềm tin quyết của tác giả (3-13)

Phân đoạn này bày tỏ niềm tin quyết của tác giả vào sự che chở, bảo vệ, giải cứu của Chúa trong hoạn nạn, tai ương. Tác giả dùng hình ảnh những chim con ẩn núp bình an dưới đôi cánh chim mẹ để mô tả sự an ninh trong bóng cánh toàn năng của Chúa.
• Chúa che chở, giải cứu chúng ta (3-8)
“Ngài sẽ giải cứu ngươi khỏi bẫy chim,
Và khỏi dịch lệ độc hại.”(c.3)
“Ngài sẽ lấy lông Ngài mà che chở ngươi,
Và dưới cánh Ngài, ngươi sẽ được nương náu mình.” (c.4)
Tác giả dùng nhiều hình ảnh mô tả tình trạng hiểm nguy, kinh khiếp mà con dân Chúa phải đối diện: “bẫy chim”, “dịch lệ độc hại”, “lây ra trong tối tăm”, “sự tàn diệt phá hoại”…nhưng Chúa toàn năng sẽ gìn giữ con dân Chúa khỏi tai họa: “tai họa sẽ chẳng đến gần ngươi.”
“Sẽ có ngàn người sa ngã bên ngươi,
Và muôn người sa ngã bên hữu ngươi;
Song tai họa sẽ chẳng đến gần ngươi.” (c.7)
Khi suy ngẫm lại những câu Kinh Thánh này khiến chúng tôi nhớ lại ơn lành mà Chúa đã làm trên gia đình chúng tôi. Đó là vào khoảng năm 1998-1999 sau khi chúng tôi tốt nghiệp trường Kinh Thánh TTC ở Singapore và trở về Việt Nam thì con trai út tôi được Chúa mở đường ở lại học tiếp trung học. Lúc ấy cháu ở trọ chung với con bà chủ nhà đang bị bệnh trái rạ và cháu lo sợ bị lây vì thấy trong người cũng bị sốt, nhức đầu mà ngày mai lại thi học kỳ nữa. Cháu gọi điện về nói “ba mẹ cầu nguyện cho con, con sợ bị lây trái rạ quá”. Vợ tôi bảo cháu lấy Thi Thiên 91 đọc và tin vào lời Chúa hứa, rồi chúng tôi cùng cầu nguyện. Cảm tạ Chúa, đêm đó Chúa cho cháu ngủ một giấc ngon và sáng dậy thấy hết sốt và cháu đi thi. Sau đó Chúa cho cháu khỏe luôn, không bị lây bệnh trái rạ.
• Chúa sai thiên sứ gìn giữ, bảo vệ chúng ta (9-13)
“Vì Ngài sẽ ban lệnh cho thiên sứ Ngài,
Bảo gìn giữ ngươi trong các đường lối ngươi.”
“Thiên sứ sẽ nâng ngươi trên bàn tay mình,
E chân ngươi vấp nhằm hòn đá chăng.”
Đặc biệt, Chúa còn hứa sẽ sai thiên sứ bảo vệ, gìn giữ con dân Ngài một cách kỳ diệu mà chúng ta không hay biết. Khi chúng ta tin cậy Chúa và cầu nguyện thì Chúa sẽ ban lệnh cho thiên sứ gìn giữ chúng ta. Có nhiều lời chứng đáng tin cậy khẳng định rằng ngày nay thiên sứ vẫn tiếp tục hành động âm thầm giữa vòng con cái Chúa một cách kỳ diệu và tin điều đó: Có một vị giáo sĩ đã thuật lại rằng Chúa đã gìn giữ ông một cách lạ lùng khi ông đi truyền giáo cho một bộ tộc dã man còn ăn thịt người ở Phi châu. Sau nhiều năm nỗ lực truyền giáo có nhiều người trong bộ tộc này tin Chúa, trong đó có vị tù trưởng. Một hôm, vị giáo sĩ đã phỏng vấn vị tù trưởng và hỏi tại sao tù trưởng không giết ông mà cho ông vào giảng đạo trong làng. Vị tù trưởng này thuật lại rằng lần đầu tiên gặp giáo sĩ này thì ông bỗng sợ hãi vì thấy có hai người to lớn, mặt sáng ngời, đi bên cạnh, nên ông không dám tấn công. Vị giáo sĩ này hiểu ngay là Chúa đã sai thiên sứ đi cùng để bảo vệ ông mà ông không hề biết và cảm tạ Chúa vô cùng vì Ngài nhậm lời cầu nguyện của ông.

Một câu chuyện thật nữa đã xảy ra ở Singapore cách đây gần 20 năm mà tôi được nghe. Một buổi tối nọ trên đường đi bộ về nhà, một nữ tín hữu phải đi qua một đoạn đường vắng vẻ, thường xảy ra cướp giật nên cô lo sợ và cầu nguyện Chúa gìn giữ. Cám ơn Chúa đã gìn giữ và cho cô về nhà bình an. Sáng hôm sau, cô đọc báo The Strait Times ở Singapore thấy đăng tin vụ cướp giật đêm qua trên đoạn đường mà chính cô đã đi qua và nghi phạm đã bị cảnh sát truy bắt được. Hôm sau, cô tò mò tìm đến sở cảnh sát để hỏi rõ thêm nội vụ và được biết thêm rằng, theo lời khai của nghi phạm, thì lúc đầu anh ta thấy cô ấy đi với một người nam to lớn nên anh ta sợ không dám tấn công. Một lát sau, có một người khác đi một mình nên anh tấn công, giật giỏ xách và chẳng may anh bị cảnh sát truy đuổi và bị bắt. Nghe sự việc này cô tín hữu mới khám phá ra là chính Chúa sai thiên sứ bảo vệ cô mà cô không hề biết. Sau đó cô viết lại lời chứng và đăng trên một tờ báo của trường Kinh Thánh Discipleship Training Center (DTC) ở Singapore.


Lời thề hứa của chính Chúa (14-16)

“Bởi vì người tríu mến ta, nên ta sẽ giải cứu người;
Ta sẽ đặt người lên nơi cao, bởi vì người biết danh ta.”
“Người sẽ kêu cầu ta, ta sẽ đáp lời người;
Trong sự gian truân, ta sẽ ở cùng người;
Giải cứu người, và tôn vinh người.”

“Ta sẽ cho người thỏa lòng sống lâu, Và chỉ cho người thấy sự cứu rỗi của ta.”
Thi Thiên 91 kết thúc bằng lời thề hứa của chính Chúa với tác giả cũng như chúng ta. Lưu ý cách xưng hô đã chuyển sang ngôi thứ nhất “Ta” và “người”. “Tríu mến” trong nguyên ngữ có nghĩa là bám theo, nép mình, diễn tả sự lòng yêu mến Chúa thiết tha, mối tương giao mật thiết với Chúa; “biết danh Ta” nghĩa là quen biết, kinh nghiệm Chúa. Câu 14-16 diễn tả lời hứa đầy phước hạnh, ngọt ngào mà Chúa dành cho con dân Chúa: Chẳng những Ngài sẽ giải cứu con cái trong cơn gian truân, hoạn nạn mà Ngài còn tôn quí và ban sự thỏa lòng, sống lâu và cuối cùng được hưởng sự cứu rỗi dành cho kẻ tin cậy Ngài.

Bí Quyết Để Được An Ninh Trong Bóng Cánh Chúa

Thi Thiên 91 quả là một bài ca tuyệt vời về sự an ninh trong bóng cánh toàn năng của Chúa mà Chúa hứa với con dân Ngài. Tuy nhiên, vấn đề là làm sao chúng ta kinh nghiệm được sự an ninh kỳ diệu này? Ít ra có ba điều mà Thi Thiên này dạy chúng ta để kinh nghiệm sự bảo vệ, gìn giữ của Chúa trong những lúc nguy nan.


Nương náu mình trong Chúa (c.9)

“Bởi vì ngươi đã nhờ Đức Giê-hô-va làm nơi nương náu mình,
Và Đấng Chí Cao làm nơi ở mình.”

Tác giả một lần nữa tuyên xưng Chúa là “Đấng Chí cao” để khẳng định đức tin mạnh mẽ nơi Đức Chúa Trời. Nương náu mình trong Chúa nói lên đức tin phó thác trọn vẹn đời sống mình cho Ngài, giống như đàn gà con chạy đến núp dưới bóng cạnh gà mẹ và được che chở, bảo vệ. Chúa cũng hứa “Người nào để trí mình nương dựa nơi Ngài, thì Ngài sẽ gìn giữ người trong sự bình yên trọn vẹn, vì người nhờ cậy Ngài” (Ê-sai 26:3)


Kêu cầu Chúa (c.15)

“Người sẽ kêu cầu ta, ta sẽ đáp lời người;
Trong sự gian truân, ta sẽ ở cùng người;
Giải cứu người, và tôn vinh người.”

Thi Thiên 91:1 có cụm từ “ở nơi kín đáo của Đấng chí cao” chỉ về sự cầu nguyện, tìm kiếm Chúa và câu 15 này dạy chúng ta “kêu cầu”. Chúa khẳng định sự thành tín lớn lao của Ngài khi con dân Chúa kêu cầu thì Ngài sẽ đáp lời, hiện diện và giải cứu kịp thời. Chúa cũng hứa “Đức Giê-hô-va ở gần mọi người cầu khẩn Ngài. Tức ở gần mọi người có lòng thành thực cầu khẩn Ngài.” (Thi Thiên 148:18).

Khi tôi đến Mỹ thì người ta bảo tôi khi nào cần cấp cứu hãy gọi số 911. Nghĩ đến con số này, tôi lại liên tưởng đến Thi Thiên 91:1 “Người nào ở nơi kín đáo của Đấng Chí Cao, sẽ được hằng ở dưới bóng của Đấng Toàn năng.”

Chúa Giê-xu trong Ma-thi-ơ 24:20 cũng dạy chúng ta “Hãy cầu nguyện” khi đối diện tai ương trong ngày cuối cùng. Ngài cũng phán “Nếu những ngày ấy không giảm bớt, thì chẳng có một người nào được cứu; song vì cớ các người được chọn, thì những ngày ấy sẽ giảm bớt” (Ma-thi-ơ 24:22). Vì thế, là con dân Chúa sống trong thời kỳ cuối rốt đầy tai ương, dịch bệnh này, chúng ta hãy cầu nguyện xin Chúa thương xót giảm bớt tai họa trong ngày cuối cùng trên con dân Chúa và khiến cho những người vô tín, chưa tin Chúa tỉnh thức và hạ mình xuống ăn năn mà quay về với Đấng toàn năng trước ngày phán xét cuối cùng.

Hết lòng yêu kính và học biết Chúa (c.14)

“Bởi vì người tríu mến ta, nên ta sẽ giải cứu người; Ta sẽ đặt người lên nơi cao, bởi vì người biết danh ta.”

Để kinh nghiệm được sự an ninh trong bóng cánh toàn năng của Chúa, chúng ta phải hết lòng “tríu mến” Chúa, học biết Chúa qua việc tìm kiếm Chúa mỗi ngày qua việc học hỏi, suy ngẫm lời Chúa và cầu nguyện. Chúa trách Hội thánh Ê-phê-sô vì họ “đã bỏ lòng kính mến ban đầu” (Khải Huyền 2:4-5). Hãy xem xét lại tình yêu chúng ta với Chúa như thế nào và ăn năn, làm lại từ ban đầu. Hãy xem xét chúng ta có thực sự biết Chúa chưa? Kinh nghiệm Chúa chưa?

Cảm tạ Đức Chúa Trời vì Ngài là nơi nương náu, đồn lũy vững chắc cho chúng ta trong ngày tai họa, dịch lệ lây ra trong nơi tối tăm. Chúa dùng đại dịch viêm phổi Corona để tỉnh thức con dân Chúa. Hãy hết lòng cầu nguyện, tin cậy Chúa và Lời Chúa để kinh nghiệm sự an ninh trong bóng cánh Chúa như Thi Thiên 91 đã dạy. Trong những ngày lo âu, sợ hãi này, chúng ta có thể hòa lòng với Đa-vít mà dâng lời cầu nguyện “Nhưng Đức Giê-hô-va ơi, tôi nhờ dịp tiện mà cầu nguyện cùng Ngài; Đức Chúa Trời ơi, theo sự thương xót lớn của Chúa, Và theo lẽ thật về sự cứu rỗi của Chúa, xin hãy đáp lại tôi” (Thi Thiên 69:13). A-men!

Trịnh Phan (2/2020)

Podcasts

Latest sermons