Trang chủ Blog Trang 72

Đầy Dẫy Đức Thánh Linh

Đầy Dẫy Đức Thánh Linh

Đầy Dẫy Đức Thánh Linh

Có Thánh Linh và đầy dẫy Thánh Linh là hai việc khác nhau, trong kinh nghiệm sống của Tín đồ. Có Thánh Linh như con trẻ còn ăn sữa, đầy dẫy Thánh Linh như người trưởng thành ăn thức ăn cứng. Dầy dẫy Thánh Linh không phải là chúng ta được Chúa nhiều hơn, nhưng là Chúa được chúng ta nhiều hơn.

Người ta thường xin Chúa để thêm Thánh Linh vào lòng không đến nỗi là tà giáo, nhưng không đúng lắm. Đành rằng Thánh Linh ví như nước, nhưng không phải Ngài phân nửa trong, phân nửa ngoài. Hết thảy chúng ta đều có Thánh Linh ngự rồi, nhưng chưa được đầy dẫy, là Thánh Linh chưa hoàn toàn chiếm ngự tức là chưa được chúng ta tất cả, chớ không phải là chúng ta chưa được Ngài tất cả.

Đầy dẫy Thánh Linh là khi chúng ta tận hiến đời mình cho Chúa để Ngài hoàn toàn chiếm hữu, hướng dẫn, sử dụng, kiểm soát. Không đầy dẫy Thánh Linh là có Thánh Linh ngự trong lòng, nhưng chúng ta lại sống theo ý riêng của mình. Vì vậy, có người con đỏ, có người trưởng thành, có người sống theo xác thịt, có người sống theo Thánh Linh, mặc dù cả hai đều là con cái của Chúa.

I. TAI HẠI CỦA SỰ KHÔNG ĐẦY DẪY THÁNH LINH:

Đừng bao giờ nghĩ rằng tôi có Thánh Linh ngự trong lòng là được rồi, còn việc đầy dẫy Thánh Linh hay là không thì không quan trọng. Không phải như vậy, nếu không đầy dẫy Thánh Linh thì chúng ta sống cuộc đời vất vưởng, tệ hại, xấu hổ Danh Chúa.

1-Hội Thánh Côrinhtô.

a Hội Thánh con đỏ. ICôrinhtô 3:1-3: “Hỡi anh em, về phần tôi, tôi chẳng có thể nói với anh em như với người thiêng liêng, nhưng như với người xác thịt, như với các con đỏ trong Đấng Christ vậy. Tôi lấy sữa nuôi anh em, chớ chẳng lấy đồ ăn cứng, vì anh em không chịu nổi, đến bây giờ cũng chưa chịu được, vì anh em hãy còn thuộc về xác thịt. Thật, bởi trong anh em có sự ghen ghét và tranh cạnh, anh em há chẳng phải là tánh xác thịt ăn ở như người thế gian sao?”. Phaolô trách Hội Thánh Côrinhtô khá nặng mà nói rằng họ còn là con đỏ hoài, ăn sữa mãi chứ không ăn đồ cứng được. Sữa là lẽ đạo đơn sơ, đồ ăn cứng là lẽ đạo cao sâu, mầu nhiệm. Họ còn ăn ở theo xác thịt như người thế gian, như ghen ghét, tranh cạnh.

b Hội Thánh phe đảng. ICôrinhtô 1:12: “Tôi có ý nói rằng trong anh em mỗi người nói như vầy : Ta là môn đồ của Phaolô. Ta là của Abôlô, ta là của Sêpha, ta là của Đấng Chsirt”. Một Hội Thánh mà có bốn phe. Họ bênh vực người nầy, chống lại người kia, yêu người nầy, ghét người kia, hoan nghinh người nầy, đả đảo người kia. Bốn phe như vậy xé nát Hội Thánh.

c. Hội thánh kiện nhau. ICôrinhtô 6:1: “Khi trong anh em ai có sự nghịch cùng người khác, sao dám để cho kẻ không công bình đoán xét hơn là cho các Thánh đồ?”. Hội Thánh con đỏ, Hội Thánh phe đảng là Hội Thánh bất hoà. Không ai phục tùng ai, họ đưa nhau ra các Chánh quyền tại các địa phương. Phaolô quở trách nặng hết : “Tại sao anh em làm vậy? Anh em há chẳng biết rằng Hội Thánh của Chúa sẽ xét đoán thế gian và thiên sử sao? “. Họ hành động cách con trẻ, tự sỉ nhục mình (ICôr 6:4-6).

d. Hội Thánh ăn của cúng. ICôrinhtô 10:14-22: “Hỡi kẻ yêu dấu của tôi, vậy nên hãy tránh khỏi sự thờ lạy hình tượng. Tôi nói với anh em cũng như nói với kẻ thông minh ; chính am em hãy suy xét điều tôi nói. Cái chén phước lành mà chúng ta chúc phước, há chẳng phải là thông với Huyết của Đấng Christ sao? Cái bánh mà chúng ta bẻ, há chẳng phải là thông với thân thể của Đấng Christ sao? Vì chỉ có một cái bánh chúng ta dầu nhiều, cũng chỉ một thân thể ; bởi chưng chúng ta đều có phần chung trong một cái bánh. Hãy xem dân Ysơraên theo phần xác ; những kẻ ăn thịt con sinh tế, há không thông đồng với bàn thờ sao? Nói vậy có ý chí? Của cúng thần tượng có giá trị gì và thần tượng có ra gì chăng? Chắc là không ; nhưng đồ người ngoại đạo cúng tế là cúng tế các quỷ, chớ không phải cúng tế Đức Cháu Trời. Vậy, tôi không muốn anh em thông đồng với các quỷ. Anh em chẳng có thể uống chén của Chúa và cũng uống chén của các quỷ ; chẳng có thể dự tiệc của Chúa, lại dự tiệc của các quỷ. hay là chúng ta muốn trêu lòng Chúa ghen chăng? Chúng ta há mạnh hơn Ngài sao?”. Hội thánh Côrinhtô tưởng mình có đức tin mạnh mẽ, dám ăn của cúng thần tượng mà cho là không quan trọng. Phaolô thì cho là quan trọng lắm. Ăn của cúng thần tượng là dự tiệc của ma quỷ, thông đồng với ma quỷ, là chọc giận Đức Chúa Trời.
Một Hội thánh không đầy dẫy Thánh Linh thường phạm những việc như thế, tai hại vô kể.

2-Hội Thánh Galati.

a Không còn nhờ Thánh Linh mà bắt đầu nhờ mình. Galati 3:1-3: “Hỡi người Galati ngu muội kia, ai bùa ếm anh em là người mà trước mắt đã được rõ bày ra Đức Chúa Giêxu Christ bị đóng đinh trên Thập tự giá? Tôi chỉ hỏi anh em một câu nầy : Ấy là cậy các việc luật pháp hay là bởi nghe và tin mà anh em đã nhận được Đức Thánh Linh? Sao anh em ngu muội dường ấy? Sau khi đã khởi sự nhờ Đức Thánh Linh, nay sao lại cậy xác thịt mà làm cho trọn?”. Hội Thánh Galati đã bắt đầu bước đi một cách rất tốt là cậy Thánh Linh để sống. Nhưng sau một thời gian họ bị cám dỗ không cậy Thánh Linh nữa, mà cậy xác thịt, tưởng mình có đủ sức làm theo luật pháp, đến nỗi họ gián trật phần ân điển. Phaolô cho họ là ngu muội, bị bùa ếm, nên đã bắt đầu một cách rất tốt, mà không tiến theo con đường đó mãi, lại tẻ tách đi một con đường khác.

b Giữ nghi lễ. Galati 4:9-11: “Nhưng hiện nay anh em biết Đức Chúa Trời, lại được Đức Chúa Trời biết đến nữa, sao còn trở hướng về lề thói hèn yếu nghèo nàn đó mà suy phục nữa ư? Anh em hãy còn giữa ngày, tháng, mùa năm ư? Tôi lo cho anh em, e tôi đã làm việc luống công giữa anh em”. Phao lô nói hết sức thiết tha. Anh em đã nhờ Chúa được cứu, nhận được Thánh Linh, thì sao lại bỏ đi mà bắt đầu giữ ngày, tháng, mùa, năm những lề thói yếu đuối, vô quyền và trống không? Ông nói thêm : “Tôi sợ rằng tôi làm việc luống công giữa anh em, tức là anh em sẽ mất sự cứu rỗi, vì sẽ xa cách Chúa chăng”.
Hội Thánh Galati đã trải qua một cơn khủng hoảng cực kỳ quan trọng, vì có Thánh Linh song không đầy dẫy Thánh Linh.

3-Hội Thánh Hêbêrơ tại Giêrusalem.

a Còn ăn sữa mãi. Hêbêrơ 5:11-14: “Về sự đó chúng ta có nhiều điều nói và khó cắt nghĩa, vì anh em đã trở nên chậm hiểu. Đáng lẽ anh em đã thầy từ lâu rồi, nay còn cần người ta lấy những điều sơ lọc của lời Đức Chúa Trời mà dạy anh em. Anh em cần ăn sữa thay vì đồ ăn đặc. Vả kẻ nào chỉ ăn sữa thôi, thì không hiểu đạo công bình, vì còn là thơ ấu. Nhưng đồ ăn đặc là để cho kẻ thánh nhân, cho kẻ hay dụng tâm tư luyện tập mà phân biệt điều lành và dữ”. Tình trạng của Hội Thánh Hêbêrơ giống như hai Hội Thánh trên là vẫn còn ăn sữa chớ chưa ăn đồ cứng, vẫn còn làm học viên chớ chưa trở nên giáo viên, còn thơ ấu chứ chưa trưởng thành.

b Muốn trở lại đường cũ. Hêbêrơ 6:4-8: “Vì chưng những kẻ đã được soi sáng một lần, đã nếm sự ban cho từ trên trời, dự phần về Đức Thánh Linh, nếm đạo lành của Đức Chúa Trời, và quyền phép của đời sau, nếu lại vấp ngã, thì không thể khiến họ lại ăn năn, vì họ đóng đinh con Đức Chúa Trời trên Thập tự giá cho mình một lần nữa, làm cho Ngài sỉ nhục tỏ tường. Vả, một đám đất nhờ mưa đượm nhuần mà sanh cây cỏ có ích cho người cầy cấy, thì đất đó hưởng phần phước lành của Đức Chúa Trời. Nhưng đất nào chỉ sanh ra những cỏ rạ, gai gốc, thì bị bỏ, và hầu bị rủa, cuối cùng phải bị đốt”. Hội Thánh Hêbêrơ đã nếm phước lành của sự cứu rỗi, nhận được quyền năng tái tạo, tiến lên linh trình. Nhưng thình lình một số người sa ngã lui lại con đường cũ. Tác giả cảnh cáo họ đã đóng đinh con Đức Chúa Trời trên Thập tự giá cho mình một lần nữa, vì chúng ta đã đóng đinh Ngài một lần rồi. Nếu cố ý phạm tội, không thể ăn năn mà phải bị rủa sả. Hội Thánh Côrinhtô, Hội Thánh Galati, Hội Thánh Hêbêrơ suýt bị mất là tại vì dầu có Thánh Linh mà chưa đầy dẫy. Đã sanh ra, lớn lên, nhưng không đạt đến mức trưởng thành. Đó là lý do mà mỗi Hội Thánh mỗi cá nhân rất cần phải đầy dẫy Thánh Linh.

II. NHU CẦU CỦA SỰ ĐẮC THẮNG THÁNH LINH:

Trước khi về trời, Chúa Giêxu đã giao trọng trách cho các môn đồ: “Hãy đi khắp thế gian, giảng Tin Lành cho mọi người. Hãy khiến họ trở nên môn đồ Ta, làm Báp têm cho họ nhơn Danh Cha, Con và Thánh Linh dạy họ giữ hết cả mọi điều Ta truyền cho các ngươi”. Một nhóm Tín đồ hơn một trăm người, vừa nghèo nàn, yếu đuối, thất học, chỉ làm nghề chài lưới. Một người có học hơn hết là Mathiơ, làm quan thâu thuế. Chúa bảo họ rằng : “Hãy đợi trong thành Giêrusalem cho đến khi được mặc lấy quyền phép để làm chứng cho Ta tại thành Giêrusalem, cả xứ Giuđê, xứ Samari, cho đến cùng trái đất”. Như vậy, Chúa đặt một trọng nhiệm, đồng thời đặt thêm một lời hứa để khi nào nhận được lời hứa đó thì có khả năng thi hành trọng nhiệm đó.

Trải qua hai mươi Thế kỷ, Hội Thánh đã làm tròn trọng trách vì Chúa đã thực hiện lời hứa của Ngài. Đó là lý do Tin lành đã đến Việt nam, đến Thành phố chúng ta, đến làng mạc chúng ta, đến tận nhà của chúng ta. Bây giờ, đến phiên chúng ta cũng phải làm tròn trách nhiệm, và muốn làm tròn trách nhiệm đó thì chúng ta cũng phải đầy dẫy Thánh Linh.

1-Hội Thánh Giêrusalem đầu tiên đầy dẫy Thánh Linh.

Công vụ2:1-4: “Đến ngày lễ ngũ tuần, môn đồ nhóm họp tại một chỗ. Thình lình có tiếng từ trời đến như tiếng gió thổi ào ào đầy khắp nhà môn đồ ngồi. Các môn đồ thấy lưỡi rời rạc từng cái một, như lưỡi bằng lửa hiện ra, đậu trên mỗi người trong bọn mình. Hết thảy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh, khởi sự nói các thứ tiếng khác, theo như Đức Thánh Linh cho mình nói”. Số 120 người kể cả nam nữ, Sứ đồ và Tín đồ họp lại tại phòng cao, là nơi Chúa và các môn đồ thường họp lại để giảng dạy, nhất là dự Tiệc Thánh lần cuối cùng. Đang khi họ chờ đợi Thánh Linh giáng lâm, thì nhầm ngày Lễ Ngũ tuần của dân Do Thái, Thánh Linh quả thật đã giáng lâm đúng như Chúa Giêxu hứa. Hết thảy đều được đầy dẫy Thánh Linh. Vì nhu cầu của mỗi người, kẻ đi ra giảng đạo, người về nhà làm ruộng, chài lưới, làm bếp, mua bán đều phải đầy dẫy Thánh Linh. Kết quả, trong ngày ấy có độ ba ngàn người thêm vào Hội Thánh.

a Sinh hoạt vui vẻ. Công vụ 2:42-47: “Vả những người ấy bền lòng giữ lời dạy của các Sứ đồ, sự thông công của anh em, lễ bẻ bánh, và sự cầu nguyện. Mọi người đều kính sợ, vì có nhiều sự kỳ phép lạ làm ra bởi các sứ đồ. Phàm những người tin Chúa đều hiệp lại với nhau, lấy mọi vật làm của chung. Bán hết gia tài, điền sản mình mà phân phát cho nhau, tuỳ sự cần dùng của từng người. Ngày nào cũng vậy, cứ chăm chỉ đến Đền thờ, còn ở nhà thì bẻ bánh và dùng bữa chung với nhau cách vui vẻ thật thà, ngợi khen Đức Chúa Trời và được đẹp lòng cả dân chúng. Mỗi ngày Chúa lấy những kẻ được cứu thêm vào Hội Thánh”. Tinh thần của Hội Thánh thật cao đẹp, thuộc linh, quang cảnh của Hội Thánh thật ấm áp, phước hạnh.

Đó là việc không ai làm được, nên không ai đứng ra tổ chức kêu gọi, nhưng Thánh Linh ở trong mỗi người đã khiến họ hiệp một, yêu thương, vui vẻ chia xẻ đến nỗi “không ai thiếu thốn cả” (Công 4:43).

b Thêm người tin Chúa. Công vụ 4:4: “Dầu vậy, có nhiều người nghe đạo thì tin. Số Tín đồ lên đến độ năm ngàn”
Công vụ 5:14: “Số người tin Chúa càng ngày càng thêm, nam nữ đều đông lắm”.
Công vụ 6:1; 7:4: “Trong lúc đó, bởi số môn đồ càng thêm lên… Đạo Đức Chúa Trời càng ngày càng tràn ra, số môn đồ tại thành Giêrusalem thêm lên nhiều lắm. Cũng có rất nhiều thầy Tế lễ vâng theo đạo nữa”. Đó là công việc của Thánh Linh, bởi Ngài đầy dẫy trong Tín đồ cũng như trong Sứ đồ.

c Đem Tin lành xa hơn. Công vụ 8:4-8: “Vậy, những kẻ đã bị tan lạc đi từ nơi nầy đến nơi khác, truyền giảng đạo Tin lành. Philíp cũng vậy, xuống trong thành Samari mà giảng về Đấng Christ tại đó. Đoàn dân nghe người giảng và thấy các phép lạ người làm, thì đồng lòng lắng tai nghe người nói; vì có những tà ma kêu lớn tiếng lên mà ra khỏi nhiều kẻ bị ám, cùng kẻ bại và què được chữa lành, cũng nhiều. Tại cớ đó, trong thành được vui mừng khôn xiết”.
Công vụ 12:24: “Bấy giờ, đạo Đức Chúa Trời tấn tới rất nhiều, càng ngày càng tràn thêm ra”.
Nhu cầu Hội Thánh đầu tiên cũng là nhu cầu của Hội Thánh ngày nay, nhất là nhu cầu của Hội Thánh hiện nay, nhu cầu của Hội Thánh trong thành phố nầy.

2-Hội Thánh Antiốt đầy dẫy Thánh Linh.

a Nhiều người tin Chúa. Công vụ 11:22-26: “Tiếng đồn thấu tại Hội Thánh Giêrusalem, hội bèn sai Banaba sang đến thành Antiốt. Khi người đến nơi thấy ơn Đức Chúa Trời bèn vui mừng khuyên mọi người cứ phải vững lòng theo Chúa; vì Banaba thật là người lành, đầy dẫy Thánh linh và Đức tin. Bấy giờ rất đông người tin theo Chúa. Kế đó Banaba đi đến thành Tạtsơ, để tìm Saulơ, tìm gặp rồi bèn đưa đến thành Antiốt. Trọn một năm, hai người cùng nhóm với Hội Thánh và dạy dỗ nhiều người. Ấy là ở thành Antiốt, người ta bắt đầu xưng môn đồ là Cơrêtiên”. Nhờ đầy dẫy Thánh Linh, nên số người tin Chúa thêm lên. Cách ăn ở của Tín đồ rất là tốt, đến nỗi nhìn vào Tín đồ, người chung quanh đặt cho họ một tên là Cơ đốc nhân. Cơ Đốc nhân là người của Đấng Christ, ăn ở giống như Chúa cơ đốc.

b Cử giáo sĩ đầu tiên. Công vụ 13:1-3: “Trong Hội Thánh tại thành Antiốt có mấy người tiên tri và mấy thầy giáo sư, tức là: Banaba, Simêôn gọi là Nigiê, Lusiút người Syren, Manahem là người đồng dưỡng với vua chư hầu Hêrốt, cùng Saulơ. Đương khi môn đồ thờ phượng Chúa và kiêng ăn, thì Đức Thánh Linh phán rằng: Hãy để riêng Banaba và Saulơ đặng làm công việc Ta đã gọi làm. Đã kiêng ăn và cầu nguyện xong, môn đồ bèn đặt tay trên hai người, rồi để cho đi”. Được đầy dẫy Thánh Linh, họ họp nhau cầu nguyện, xin Chúa cho họ biết Ngài muốn họ làm gì. Chúa bảo họ để riêng Saulơ và Banaba đi giảng đạo. Sau đó chính Hội Thánh Antiốt đặt tay, tức là chịu trách nhiệm cử hai người nầy ra đi. Họ đã cầu nguyện, dâng tiền làm chi phí, để hai ông đem Tin Lành cho thế giới thời bấy giờ.
Thánh Linh đã làm những công việc lớn lao và lạ lùng không ai làm được. Đó là nhu cầu Chúa cung ứng cho Hội Thánh qua các đời.

3-Hội Thánh Têsalônica đầy dẫy Thánh Linh.

a. Có đủ ân tứ. I Têsalônica 1:3: “Vì trước mặt Đức Chúa Trời là Cha, chúng tôi nhớ mãi về công việc của đức tin anh em, công lao của lòng yêu thương anh em, sự bền đỗ về sự trông cậy của ahn em trong Đức Cháu Giêxu Christ chúng ta”. Họ có ba đặc điểm: Đức Tin, hi vọng, yêu thương, đúng như I Côrinhtô 13:13.

b. Có quyền năng của Thánh Linh. I Têsalônica 1:5: “Vả đạo Tin Lành chúng tôi đã rao truyền cho anh em, không những bằng lời nói thôi, lại cũng bằng quyền phép, Đức Thánh Linh và sức mạnh của sự tin quyết nữa. Vì anh em biết rõ cách chúng tôi ở giữa anh em và lòng yêu thương đối với anh em là thể nào”. Họ kinh ngiệm Tin lành không những bằng lời nói, nhưng trong đó có quyền năng của Thánh Linh. Không phải tự nhiên người Têsalônica có đức tin, hi vọng, tình yêu, nhưng bởi sự đầy dẫy Thánh linh mà họ có mọi điều đó.

c. Trở nên gương tốt. I Têsalônica 1:6-9: “Anh em cũng đã bắt chước tôi và bắt chước Chúa, lấy sự vui vẻ của Đức Thánh Linh mà tiếp nhận đạo giữa lúc nhiều sự khốn khó, đến nỗi anh em trở nên gương tốt cho hết thảy Tín đồ ở xứ Maxêđoan và xứ Achai. Vì đạo Chúa không những từ nơi anh em vang ra trong xứ Maxêđoan và Achai thôi đâu, nhưng đức tin mà anh em có trong Đức Chúa Trời đã dồn khắp mọi nơi, đến nỗi chúng tôi không cần phải nói đến nữa. Vả, mọi người đều thuật lại thế nào anh em đã tiếp đãi chúng tôi, và thế nào đã trở lại cùng Đức Chúa Trời, bỏ hình tượng đặng thờ Đức Chúa Trời Hằng sống và Chân thật”. Họ đã từng bị bắt bớ trong gia đình, thậm chí ngoài xã hội. Nhưng họ vui vẻ, vững vàng theo Chúa. Nếp sống đạo đức của họ được đồn ra khắp mọi nơi, trong cả đế quốc Lamã thời bấy giờ mà Phaolô không cần nói nữa. Nếp sống đó là họ từ bỏ hình tượng hư không mà trở về cùng Đức Chúa Trời hằng sống, để tôn thờ, phục vụ ngài. Họ được như vậy là nhờ đầy dẫy Thánh linh. Nhu cầu thiết yếu của Hội Thánh trải qua các đời nầy là đầy dẫy Thánh Linh. Có Thánh Linh để được cứu, đầy dẫy Thánh Linh để phục vụ. Được cứu chưa đủ, cần phải đem sự cứu rỗi cho người khác nữa.

III. CHÚA HỨA CHO CHÚNG TA ĐẦY DẪY THÁNH LINH:

1- Sự ban cho lớn hơn hết.
Luca 11:13: “Vậy, nếu các ngươi là người xấu, còn biết cho con cái mình vật tốt thay, huống chi Cha các ngươi ở trên trời lại chẳng ban Đức Thánh Linh cho người xin Ngài”. Nếu Cha yêu con thì ban điều tốt nhất cho con, Đức Chúa Trời yêu chúng ta thì ban Thánh Linh cho chúng ta. Tại sao? – Vì Thánh Linh là ban tứ tốt nhất, là nhu cầu thiết yếu nhất. Chúng ta thiếu gì có thể bỏ qua được, mà không thể thiếu sự đầy dẫy Thánh Linh. Vì Đức Chúa Trời muốn ban cho hơn là chúng ta muốn nhận được.

2-Ban cho một đời sống phong phú.
Giăng 10:10: “Kẻ trộm chỉ đến để cướp giết và huỷ diệt; còn Ta đã đến, hầu cho chiên được sự sống, và được sự sống dư dật”. Chỉ có một sự sống như hai mức độ: Được sự sống và được một cách dư dật. Mỗi chúng ta đều có sự sống, nhưng cần phải có sự sống dư dật để làm việc. Nếu không có sự sống dư dật thì giờ nầy ai nấy nằm trên giường. Chúng ta cần có Thánh Linh để được cứu, nhưng cũng cần có Thánh Linh một cách đầy dẫy để phục vụ. Vì Chúa muốn chúng ta được cứu, nhưng cũng muốn chúng ta phục vụ, đưa đến nhiều linh hồn về với Ngài. Truyền giảng Tin Lành cho thế giới và hoạt động không ngừng cho đến Chúa Tái lâm

3-Ban cho một đời sống tuôn tràn không dứt.
Giăng 4:14: “Nhưng uống nước Ta sẽ cho thì chẳng hề khát nữa. Nước Ta cho sẽ thành một mạch nước trong người đó, văng ra cho đến sự sống đời đời”. Bà Samari đến giếng múc nước. Chúa bảo: “Ai uống nước nầy vẫn còn khát mãi”. Đó là không đầy dẫy Thánh Linh, nhưng khi đầy dẫy Thánh Linh thì trong người đó có một dòng nước tuôn tràn ra, lúc nào cũng vui mừng, nơi nào cũng thoải mái.

Thế gian cần xem hát để giải khuây, cần uống rượu để giải buồn mà vẫn buồn mãi và buồn hơn. Nhưng con cái của Chúa không cần uống rượu cũng vui, không cần đánh bạc, không cần xem hát cũng vui, vì chúng ta có một nguồn vui thiên thượng tuôn tràn không dứt. Chúng ta chia xẻ niềm vui cho thế gian, chớ không cần thế gian chia xẻ niềm vui cho mình.
Giăng 7:37-38: “Ngày sau cùng, là ngày trọng thể trong kỳ lễ, Đức Chúa Giêxu ở đó, đứng lên kêu rằng: Nếu người nào khát, hãy đến cùng ta mà uống. Kẻ nào tin Ta thì sông nước hằng sống sẽ chảy từ trong lòng mình, y như Kinh thánh đã chép vậy”. Ai khát Thánh Linh hãy đến cùng Chúa, ai tin Ngài thì trong người đó có một con sông nước sống tuôn tràn không dứt, như sông Cửu Long, sông Đồng Nai. Than ôi, một số Tín đồ sa vào tội ác, một số khác yếu đuối, vất vưởng, nay đừng mai ngã, nay vui mai buồn, lúc tiến lúc thoái, lúc lên lúc xuống. Mình không mạnh mẽ trên đường của mình thì làm sao hướng dẫn người khác được. Vì vậy, nhu cầu cấp thiết của chúng ta là phải đầy dẫy Thánh Linh. Chúa biết điều đó, và Ngài dùng nhiều lần, nhiều cách, lập đi lập lại, hứa ban Thánh Linh, miễn là chúng ta khao khát Ngài.

Êphêsô 5:18: “Đừng say rượu, vì rượu xui cho luông tuồng; nhưng phải đầy dẫy Đức Thánh Linh”. Mạnh lệnh đó không phải là có cũng được, không cũng được, muốn cũng được, không cũng được, nhưng hễ là con cái Chúa thì phải đầy dẫy Thánh Linh. Chúng ta phải hạ mình xuống, lấy đức tin nài xin Chúa ngay bây giờ. Xin cho con đầy dẫy Thánh Linh. Nếu có lỗi lầm nào xin Chúa tha thứ, rửa sạch bằng Huyết của Ngài, và xin Thánh Linh hoàn toàn chiếm hữu chúng ta.

Mục sư Đoàn Văn Miêng

Bí Quyết Thành Công Trong Công Tác Truyền Bá Phúc Âm

Bí Quyết Thành Công Trong Công Tác Truyền Bá Phúc Âm

Bí Quyết Thành Công Trong Công Tác Truyền Bá Phúc Âm

Lời giới thiệu
Công tác Truyền giáo thế giới Thế kỷ 21 được đánh dấu bằng sự kiện “Hội nghị Amsterdam năm 2000.” Tại hội nghị này, Mục sư Billy Graham, nhà truyền giáo nổi tiếng nhất thế kỷ 20 đã gửi đến con dân Chúa sứ điệp truyền giáo mạnh mẽ và sâu sắc như là lời tâm tình về khải tượng truyền giáo trao gửi lại cho thế hệ kế tục chúng ta hôm nay. Thiết nghĩ bài giảng được xức dầu này vẫn còn ích lợi cho tôi con Chúa và Hội Thánh Việt Nam hôm nay. Nhân ngày Truyền giáo của Hội Thánh chung, chúng tôi xin được dịch và giới thiệu cùng quý tôi con Cha. (TP)

Hân hoan chào mừng quý vị trong Danh Chúa Giê-xu Cơ Đốc, Chúa chúng ta!
Tôi xin hoan nghênh quý vị đã đến đây tham dự lễ khai mạc Hội nghị Amsterdam 2000 tối nay.

Chúng ta từ hơn 185 quốc gia, lãnh thổ, khu vực trên thế giới đã họp nhau tại Amsterdam này. Một số quý vị đã vượt qua chặng đường hàng ngàn dặm, chịu nhiều hy sinh để đến với hội nghị này. Chúng ta không phải chỉ đến từ những vùng đất khác nhau trên trái đất, nhưng cũng đến từ những nền văn hóa dân tộc và hệ phái khác nhau nữa. Thật vậy, thiết tưởng chưa có một cuộc hội họp rộng lớn như thế này trong Hội Thánh của Chúa Giê-xu từ trước đến nay. Phần lớn quý vị sẽ không có cơ hội nào khác để có thể từ phương trời này thông công với anh chị em trong Chúa từ khắp nơi trên trái đất như thế này. Ước mong mỗi người trong chúng ta sẽ cảm thấy vui thỏa suốt những ngày chúng ta cùng nhau học hỏi những gì Đức Chúa Trời đang làm trên thế giới. Nguyện Chúa dùng mối thông công này để khích lệ và giục giã mỗi lòng chúng ta.

Nhưng tại sao chúng ta lại ở đây, trong thành phố xinh đẹp này? Chúng ta đã dự tính, quyết định, ra đi và chịu nhiều phí tổn để đến Amsterdam 2000 nhằm mục đích gì? Hay nói một cách khác, tại sao Đức Chúa Trời họp nhau chúng ta tại đây? Ngài muốn thực hiện điều gì trên mỗi người chúng ta trong những ngày này? Tôi tin rằng chúng ta đã đến đây do ý muốn thiên thượng. Lời cầu nguyện của tôi và cũng là lời cầu nguyện khẩn thiết của quý vị, đó là mục đích của Đức Chúa Trời sẽ được thực hiện trên mỗi đời sống chúng ta.

Tôi mong rằng quý vị đến đây chỉ với một mục đích chính: khám phá ra một phương cách thật hiệu quả cho công tác mở mang Nước Trời trên đất. Đây là lý do chủ yếu để chúng ta tồn tại với tư cách là những người phục vụ Đấng Christ. Xin đừng để ý đến những khác nhau về bối cảnh, vì chúng ta được hiệp nhất trong tình yêu của Đấng Christ, trong sự cam kết truyền bá Phúc Âm cho đến cùng trái đất. Nhưng làm thế nào để có thể đạt được điều ấy? Chúng ta nên tìm kiếm điều gì trong suốt những ngày tham dự hội nghị này? Chúng ta hãy quay lại và tìm kiếm Lời của Đức Chúa Trời để khám phá ra những nguyên tắc mà chúng ta phải theo nhằm áp dụng trong thời đại mình.

Có lẽ không có chương Kinh Thánh nào lại dạy dỗ về chủ đề này nhiều hơn các chương mở đầu của sách Công Vụ, nó ghi lại những ngày đầu tiên của Hội Thánh Đấng Christ. Những chương này cần được nghiên cứu cẩn thận dù ở đây tôi chỉ lướt qua thôi. Những nguyên tắc xoay quanh thời kỳ sôi động này dạy chúng ta phương cách mà Đức Thánh Linh sử dụng để truyền bá Phúc Âm trong nền văn hóa và thời đại của chúng ta.

Tôi suy nghĩ và rút ra từ các chương đầu của sách Công Vụ bốn mục đích mà tôi tin rằng quý vị nên cố gắng đạt được trong kỳ hội nghị. Mặc dù tôi sẽ không tham dự hết các buổi nhóm của hội nghị này, nhưng tôi và quý vị hiệp một với nhau trong lời cầu nguyện. Vì thế xin cho phép tôi được nói như tôi đang hiện diện với quý vị, vì tâm linh tôi đang ở với quý vị.

Trước hết, hãy tái khẳng định sự cam kết của chúng ta đối với chân lý Phúc âm.

Một vài nguời trong quý vị đến từ những nơi đang bị ảnh hưởng của những trào lưu tôn giáo hay các hệ tư tưởng chối bỏ những chân lý cốt lõi của Phúc âm. Một số quý vị đang phải đối diện với sự bành trướng của chủ nghĩa thế tục hay chủ nghĩa duy vật luôn tỏ thái độ lạnh nhạt, thờ ơ hay thậm chí thù địch đối với Phúc âm nữa. Hoặc có thể quý vị đang sống giữa xã hội hậu hiện đại, họ phủ nhận tất cả dù đó là chân lý đi nữa.

Dù quý vị đang sống trong hoàn cảnh thế nào đi nữa, có một điều hoàn toàn rõ ràng đối với Cơ Đốc nhân đầu tiên, đó là họ biết rõ Phúc âm là gì và họ cũng sẵn sàng đánh đổi cuộc sống của mình cho những điều họ đã tin chắc là chân lý. Phi-e-rơ trong ngày lễ Ngũ tuần cũng đã cất tiếng lên rằng: “Vậy, cả nhà Y-sơ-ra-ên khá biết chắc rằng Đức Chúa Trời đã tôn Giê-xu này mà các ngươi đã đóng đinh trên thập tự giá, làm Chúa và Đấng Christ”(Công Vụ 2:36). Sau đó ít lâu ông cũng đã đứng trước Hôi đồng công luận, tuyên bố cách mạnh mẽ rằng: “Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời chẳng có danh nào khác ban cho loài người để chúng ta nhờ đó mà được cứu” (Công Vụ 4:12).

Trước tiên, các môn đồ cũng đã ở trong mối hiểm nguy của sự hiểu lầm Phúc âm. Bốn mươi ngày sau khi Đấng Christ phục sinh, họ nhóm lại với Chúa Giê-xu trên đỉnh núi Ô-li-ve, ngay trước khi Ngài thăng thiên về cùng Đức Chúa Trời. Họ đã nói rằng: “Lạy Chúa, có phải trong lúc này Chúa sẽ lập lại nước Y-sơ-ra-ên chăng?” (Công Vụ 1:6). Mắt họ phải được mở ra để nhìn thấy trước vấn đề. Đây là thời điểm mà họ đang chờ đợi, thời điểm mà Đấng Mê-si-a sẽ bẻ gãy cái ách bạo ngược của người La Mã và đưa dân Y-sơ-ra-ên vùng lên. Nhưng điều thắc mắc đó đã bị lệch lạc. Quan điểm của họ về vương quốc của Đấng Christ chỉ là vấn đề chính trị và có tính chất trần thế này bị giới hạn trong một lãnh vực và hoàn toàn mất đi những khía cạnh sâu xa hơn của thập tự giá và sự phục sinh.

Chúa lập tức sửa sai họ: “Kỳ hạn và ngày giờ mà Cha đã tự quyền định lấy, ấy là việc các ngươi chẳng nên biết” (Công Vụ 1:7). Ánh mắt háo hức của họ có lẽ đã sụp xuống sau những lời nói này. Nhưng một sự rung động mới đã lấp đầy trái tim họ, tấm lòng họ khi Chúa Giê-xu tuyên bố về ngày Chúa trở lại, “các ngươi sẽ làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất” (Công Vụ 1:8). Trong lời tuyên bố đó, Chúa Giê-xu đã bày tỏ trực tiếp cho Hội Thánh một mệnh lệnh mạnh mẽ và một chương trình hành động. Quả thật đó là một nhiệm vụ phi thường: Truyền bá Phúc âm toàn cầu! Chúng ta ngày nay cũng phải đem Phúc âm đến mọi nơi trên khắp trái đất.

Nhưng còn một điều chắc chắn nếu chúng ta muốn thấy công tác này hoàn thành, là chúng ta phải nắm chặt lấy bản chất của Phúc âm, đó là “quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin” (Rô-ma 1:16)

Như vậy, Phúc âm là gì? Hãy xem xét lại những lời mà Phi-e-rơ đã rao giảng trong ngày lễ Ngũ tuần, hay ở những bài giảng khác được ghi trong sách Công Vụ. Hoặc xem những gì Phao-lô đã viết cho người Cô-rinh-tô: “Hỡi anh em, tôi nhắc lại cho anh em Tin Lành mà tôi đã rao giảng và anh em đã nhận lấy,… Vả, trước hết tôi đã dạy dỗ anh em điều mà tôi đã nhận lãnh, ấy là Đấng Christ chịu chết vì tội chúng ta theo lời Kinh Thánh; Ngài đã bị chôn, đến ngày thứ ba, Ngài sống lại theo lời Kinh Thánh” (I Cô-rinh-tô 15:1, 3-4).

Phúc âm không tập trung vào những chương trình hay cách thức chúng ta thờ phượng, hoặc là những đặc thù của hệ phái chúng ta. Phúc âm đặt trọng tâm vào Chúa Giê-xu Christ, Con độc sanh của Đức Chúa Trời, đã bị đóng đinh trên thập tự giá vì tội lỗi chúng ta và đã sống lại để cứu vớt chúng ta. Phúc âm bảo đảm rằng đời sống chúng ta sẽ được thay đổi khi chúng ta nương dựa vào Đấng Christ trong sự ăn năn, đức tin và sự tái sinh bởi Đức Thánh Linh. Nhờ Phúc âm chúng ta được tha thứ các tội lỗi mình và hoà thuận lại với Đức Chúa Trời , trở nên thành viên trong gia đình Ngài mãi mãi. Đó là Phúc âm!

“Tin Lành của Chúa Giê-xu Christ là tin tức, tin tức tốt lành: tin tức tốt đẹp và quan trọng nhất mà mọi người từng nghe”. Các nhà truyền giáo đầu tiên đã giới thiệu tất cả những điểm trên cách rõ ràng và đầy quyền năng. Đó cũng là thông điệp của các nhà truyền giáo ngày nay nữa, dù mang tính chất cá nhân hay trên bục giảng. Một khi Phúc âm được công bố cách trung thành và đầy đủ, chúng ta sẽ khám phá được quyền năng trong đó. Chúng ta phải rao giảng toàn bộ Phúc âm, không phải là lặp lại những lời nói sáo rỗng, rập khuôn hay những lời giáo huấn đạo đức. Điều mà Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta phải truyền giảng đó là chân lý Phúc âm như Ngài đã bày tỏ cho chúng ta qua lời Ngài, là quyển Kinh Thánh. Kinh Thánh là nguồn của sứ điệp chúng ta và chúng ta phải rao giảng trung thực, không thêm không bớt sứ điệp Thánh Kinh về sự chết và sự phục sinh của Đấng Christ vì chúng ta.

Đó là lý do tại sao trong các chiến dịch truyền giảng tôi luôn luôn giảng ít nhất là một bài giảng dựa vào Giăng 3:16 “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin con ấy, không bị hư mất mà được sự sống đời đời”.
Đúng vậy, trong những ngày này chúng ta hãy tái khẳng định chân lý Phúc âm.

Thứ hai, hãy tái khẳng định sự ưu tiên cho công tác truyền bá Phúc âm.
Nếu Phúc âm là chân lý thì việc rao truyền nó cho mọi người phải được đặt ở vị trí hàng đầu trong đời sống và chức vụ của chúng ta.

Một điều trở nên rất hiển nhiên, rõ ràng khi chúng ta nghiên cứu các chương đầu của sách Công Vụ (và cả phần còn lại của Tân Ước nữa): Hội Thánh đầu tiên đã dành ưu tiên cho công tác truyền bá Phúc âm. Khi phải đối mặt với sự bắt bớ họ đã cầu xin, “Này, xin Chúa hãy xem xét sự họ ngăm dọa và ban cho các đầy tớ Ngài rao giảng đạo Ngài một cách dạn dĩ” (Công Vụ 4:29). Khi bị cấm rao giảng, Phi-e-rơ đã trả lời, “Chúng tôi không có thể chẳng nói về những điều mình đã thấy và nghe” (Công Vụ 4: 20). Một trong những lời cầu nguyện thường xuyên của tôi cho hội nghị này là xin Chúa cho Hội Thánh toàn cầu đặt ưu tiên cho công tác truyền bá Phúc âm. Đôi khi chúng ta quên mất điều đó. Hội Thánh thực hiện việc này chỉ trong một thế hệ rồi sau đó mất hẳn. Thế giới cần được truyền giảng trong mọi thế hệ.

Tất nhiên chinh phục những người bị hư mất cho Đấng Christ không phải bao gồm mọi chuyện mà Hội Thánh được kêu gọi phải làm. Chúng ta được kêu gọi môn đệ hóa như Chúa Giê-xu đã phán qua việc “dạy cho họ giữ hết cả những điều mà ta đã truyền cho các ngươi” (Ma-thi-ơ 28:20). Chúng ta cũng được kêu gọi để thờ phượng và cầu nguyện, được kêu gọi để làm công tác từ thiện trong thế giới chúng ta. Chúng ta phải tham gia vào nhiều công tác giúp đỡ gia đình, giáo dục, xã hội. Tuy nhiên, công tác truyền bá Phúc âm phải được đặt ưu tiên hàng đầu. Nó không giải quyết được tất cả mọi nan đề, nhưng nó vẫn phải là việc ưu tiên của chúng ta. Nguyện Đức Chúa Trời sẽ dùng kỳ hội nghị này để tái khẳng định sự ưu tiên cho việc truyền bá Phúc âm trong đời sống chúng ta và trong các Hội Thánh của chúng ta.

Vì lẽ gì mà việc truyền giảng Tin Lành phải là điều ưu tiên của chúng ta? Nó không đơn thuần chỉ là một công tác được duy trì từ thế hệ này đến thế hệ khác, nhưng bởi vì sự hư mất và sự tuyệt vọng mà chúng ta đang nhìn thấy chung quanh mình. Chính vì thế giới của chúng ta đang ở trong sự kềm kẹp của Sa-tan, chúa tể của sự gian dối, lừa lọc. Chính vì chúng ta đang sống trong một hành tinh bị bóp méo và làm cho sai lạc bởi tội lỗi. Nhân loại đang ở trong tình trạng nổi loạn chống lại Đấng Tạo Hóa và không còn cách nào khác hơn là hòa thuận lại với Ngài. Quý vị đã nhìn thấy những điều đó chung quanh mình. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà theo như Ê-phê-sô 2:2 là “không có hy vọng và không có Đức Chúa Trời”.

Chúng ta có nhìn thấy tha nhân như cách Đức Chúa Trời nhìn thấy không? Việc yêu thương mà chúng ta có thể làm cho tha nhân là đem họ đến với Chúa Giê-xu Christ. Đấng duy nhất là “đường đi, lẽ thật và sự sống”(Giăng 14:6).

Dù vậy, công tác làm chứng không phải là một việc dễ dàng. Truyền bá Phúc âm thật sự thường diễn ra trong tình cảnh phải chịu nhiều hy sinh và đau khổ. Một số quý vị đến từ những nước rất khó khăn và có lẽ quý vị kinh nghiệm điều đó hơn tôi nhiều. Nhưng xin đừng bao giờ quên: Đấng Christ đã từ thiên đàng xuống nơi bần hàn nhất, Ngài sẵn sàng chịu hy sinh đến mức cùng cực nhất vì Ngài yêu chúng ta. Nguyện tình yêu ấy cũng chan chứa trong lòng chúng ta và khiến chúng ta ra đi chia sẻ cho người khác về Phúc âm biến đổi cuộc đời của Đấng Christ. Mong rằng đây sẽ là điều chúng ta dành ưu tiên sau khi rời Amsterdam này.

Thứ ba, chúng ta hãy tái khẳng định sự nương cậy nơi sự cầu nguyện và quyền năng của Đức Thánh Linh.

Hội Thánh đầu tiên được sinh ra trong môi trường cầu nguyện. Chúng ta đọc thấy điều này trong những ngày các môn đồ ở trên phòng cao, “Hết thảy những người đó bền lòng đồng một ý mà cầu nguyện” (Công Vụ 1:14).Tiếp theo những ngày sau lễ Ngũ tuần, Kinh Thánh chép, “những người ấy bền lòng giữ lời dạy của các sứ đồ, sự thông công của anh em, lễ bẻ bánh và sự cầu nguyện,… Mỗi ngày Chúa lấy những kẻ được cứu thêm vào Hội Thánh” (Công Vụ 2:42, 47). Khi đối mặt với chống đối, họ cầu nguyện. Kinh Thánh chép rằng: “Khi đã cầu nguyện, thì nơi nhóm lại rúng động; ai nấy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh, giảng đạo Đức Chúa Trời cách dạn dĩ”(Công Vụ 4:31).

Nguồn động lực trong công cuộc truyền bá Phúc âm là gì? Nó không xuất phát từ các chương trình hay các tổ chức, nó không phụ thuộc vào kỹ thuật tối tân.

Khi tôi chào thăm quý vị ở tại trung tâm RF I – Amsterdam, quý vị có thể nhìn thấy tôi và tôi có thể nhìn thấy quý vị nhờ kỹ thuật tuyệt vời của truyền hình và vệ tinh. Nhưng, sức mạnh trong công tác truyền giảng không phải nhờ vào kỹ thuật. Nó chỉ đến từ Đức Chúa Trời. Chỉ duy nhất Đức Thánh Linh mới có thể đập vỡ những tấm lòng bằng đá của con người, mở mắt chúng ta ra để nhìn thấy chân lý Phúc âm. Lời cuối cùng Đức Chúa Giê-xu phán với các môn đồ của Ngài khi thăng thiên còn ghi khắc trong lòng và trí chúng ta: “Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất” (Công Vụ 1:8).

Có nhiều điều tôi không hiểu hết về sự cầu nguyện – cũng như có nhiều điều tôi không hiểu hết về công việc lạ lùng của Đức Thánh Linh. Nhưng tôi biết hai điều này liên quan mật thiết với nhau. Nhờ sự cầu nguyện chúng ta tuyên bố mình lệ thuộc vào Đức Chúa Trời, và nhờ sự cầu nguyện Đức Chúa Trời tuôn đổ Thánh Linh trên chúng ta và trên công tác của chúng ta. Những lúc gặp căng thẳng thì cầu nguyện là nền tảng cho những công việc vĩ đại của Đức Chúa Trời. Sự cầu thay xóa tan ưu sầu, làm bật lên những khúc ca thiên thượng. Tôi thường được hỏi rằng bí quyết để thành công trong việc rao giảng Phúc âm là gì, và tôi trả lời rằng nó gồm có ba yếu tố: cầu nguyện… cầu nguyện… và cầu nguyện!

Giống như chúng ta nhờ sự chết và phục sinh của Đức Chúa Giê-xu Christ để được sự sống đời đời, thì mỗi ngày chúng ta cũng phải nhờ cậy quyền năng của Đức Thánh Linh đã ban xuống trong ngày lễ Ngũ tuần. Đức Chúa Trời muốn chúng ta kinh nghiệm sự đổ đầy Đức Thánh Linh thường xuyên mà hễ ai tin thì nhận được. Xin đừng nhầm lẫn: mặc dù các tín hữu có Đức Thánh Linh nhưng không phải tất cả đều kinh nghiệm sự đầy dẫy quyền năng của Ngài. Chỉ quyền năng của Ngài mới ban sức mạnh để làm cho chức vụ hiệu quả. Đầy dẫy Đức Thánh Linh có nghĩa là đầy dẫy quyền năng trong chức vụ. Không có Đức Thánh Linh thì không có quyền năng, không kết quả, không có sự sống, không có gì cả!

Tình yêu, sức mạnh, sự rao giảng Phúc âm và sự năng động thuộc linh xuất phát từ đâu? Nó xuất phát chỉ từ một nguồn duy nhất: Đó sự hiện diện mạnh mẽ của Thánh Linh Đức Chúa Trời khi Ngài ngự trị và chiếm hữu đời sống chúng ta. Việc này sẽ xảy ra như thế nào? Nó xảy ra khi chúng ta quy phục Đức Chúa Giê-xu Christ, hằng ngày ăn năn về tội lỗi mình, tìm kiếm quyền năng Ngài để trở nên càng giống Christ trong sự thánh khiết và tình yêu. Có tội lỗi nào kín giấu trong đời sống quý vị ngăn trở sự hiệu quả của chức vụ quý vị không?

Khi chúng ta rao giảng Phúc âm, Đức Thánh Linh hành động và chúng ta lệ thuộc vào Ngài. Đó là lý do tại sao khi rao giảng, tôi luôn trích chính xác từng lời trong Kinh Thánh. Đối với tôi những lời bảo đảm chắc chắn nhất được tìm thấy trong Ê-sai: “Vả, như mưa và tuyết xuống từ trên trời, và không trở lại nữa, mà đượm nhuần đất đai, làm cho sanh ra và kết nụ… lời nói của Ta cũng vậy, đã ra từ miệng thì chẳng trở về luống nhưng, mà chắc sẽ làm trọn đều ta muốn, thuận lợi công việc ta đã sai khiến nó” (Ê-sai 55:10-11). Phao-lô cũng đã nói: “Lời nói và sự giảng của tôi chẳng phải bằng bài diễn thuyết khéo léo của sự khôn ngoan, nhưng tại sự tỏ ra Thánh Linh và quyền phép, hầu cho anh em chớ lập đức tin mình trên sự khôn ngoan loài người, bèn là trên quyền phép Đức Chúa Trời” (I Cô-rinh-tô 2:4-5).
Theo kinh nghiệm cá nhân, tôi muốn thêm vào điều tôi tìm thấy trong khi tôi giảng, đó là có sự khác nhau giữa sự tự do và quyền năng. Thật là một cảm xúc tuyệt vời khi có sự tự do trong khi giảng. Nhưng đôi lúc tôi cảm nhận được quyền năng lớn lao khi tôi có ít sự tự do khi rao giảng. Đó là do Đức Chúa Trời hành động qua Thánh Linh Ngài dù tôi có cảm giác hay xúc động ra sao.

Cuối cùng, hãy tái khẳng định tận dụng hết mọi phương tiện Đức Chúa Trời ban cho để công bố Phúc âm.

Hội Thánh đầu tiên đã không nhờ vào kỹ thuật tiến bộ, nhưng họ dùng mọi phương pháp, mọi phương tiện tùy theo hoàn cảnh của mình. Kinh Thánh ghi lại: “Ngày nào cũng vậy, tại trong đền thờ hoặc từng nhà, sứ đồ cứ dạy dỗ rao truyền mãi về Tin Lành của Đức Chúa Giê-xu, tức là Đấng Christ” (Công Vụ 5:42)

Một vài người mới đây nhắc lại với tôi rằng, khi chúng ta tổ chức một hội nghị như thế này mười bốn năm về trước, chúng ta không có máy fax, điện thoại, email hay Internet để hỗ trợ. Chúng ta hãy suy nghĩ về những thay đổi trong vòng mười bốn năm tới sẽ mang lại! Kỹ thuật công nghệ không phải là tất cả, nhưng nó là một món quà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta trong lúc này nhằm giúp chúng ta trong việc rao giảng Phúc âm đến cùng trái đất. Đối với thời kỳ đầu tiên trong lịch sử nhân loại, chúng ta cũng có thể đi đến cùng trái đất vì Đấng Christ.

Xin đừng bao giờ quên rằng Sa-tan cũng sẽ dùng những phương tiện mới mẻ khiến con người làm nô lệ cho nó. Còn chúng ta đem sự tự do trong Đấng Christ cho mọi người, tại sao chúng ta không nỗ lực nhiều hơn nữa? Trong kỳ hội nghị này, chúng ta được tiếp cận với những phương tiện, công cụ mới mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta trong thời đại này, hãy sử dụng nó để tôn vinh Đức Chúa Trời.

Điều đó không có nghĩa là mỗi người chúng ta khi rời Amsterdam sẽ hoạch định việc sử dụng những tiến bộ kỹ thuật cho Hội Thánh mình. Có thể nó sẽ không thể thực hiện được ở nơi quý vị sinh sống. Nhưng Đức Chúa Trời có những công cụ khác mà Ngài muốn trang bị cho chúng ta. Đó có thể là sự hiểu biết rộng hơn về cách thức soạn một bài giảng, cách kêu gọi, cách chinh phục một làng cho Đấng Christ. Có thể đó là cách nắm bắt vấn đề để lời nói của quý vị đáp ứng được nhu cầu của người nghe, hay cách tổ chức công việc hiệu quả hơn, với kết quả to lớn hơn. Nhưng bây giờ hãy cầu xin Đức Chúa Trời trang bị cho chúng ta, để chúng ta sẽ là một công cụ sắc bén và hiệu quả trong cánh tay Ngài.

Lời kết luận
John Wesley, nhà truyền giáo lỗi lạc thế kỷ 18, người có công thành lập Hội Thánh Giám Lý, một lần đã nói, “Hãy cho tôi ba mươi người không yêu mến điều gì khác hơn ngoài yêu mến Đức Chúa Trời, không ghét gì khác hơn ngoài ghét tội lỗi, và chỉ tìm kiếm vinh quang Đức Chúa Trời mà thôi, thì tôi sẽ làm cho cả thế giới bùng cháy”.
Trong số quý vị chắc đã có nghe về vẻ đẹp của công viên quốc gia Yosemite tại California, Hoa Kỳ. Tôi nhớ đến một cảnh tượng ngoạn mục gọi là “Thác lửa”, người ta thường đến ngắm nó mỗi đêm mùa hè. Một ngọn lửa vĩ đại được đốt cháy cao lên trên bề mặt thung lũng nơi mọi người tập hợp lại để xem quang cảnh kỳ vĩ này. Khi ngọn lửa rực cháy, phô bày sự đường bệ của nó, một giọng nói vang lên trong đêm thanh vắng: “Hãy tuôn lửa xuống”. Ngay lúc ấy, một cảnh tượng thật ngoạn mục, như một thác nước các mẩu than hồng đỏ rực tuôn trào đổ xuống nền đá. Đó là một cảnh tượng không thể quên cho những ai đã nhìn thấy.
Trong một thời đại mà thế giới đầy sự hoài nghi, ngờ vực, ghẻ lạnh, nơi mà ngọn lửa và sự nồng ấm của Đức Chúa Trời thiếu vắng giữa các con dân Ngài, lòng tôi luôn thổn thức “Xin hãy đổ lửa xuống!”
Mong rằng đây là điều mỗi người chúng ta nên cầu nguyện. Ôi Đức Chúa Trời! Xin hãy đổ lửa xuống; khuấy động tinh thần con, dạy dỗ tâm trí con; quăng đi gánh nặng của lòng con; trang bị cho con; đốt cháy đời sống con bằng ngọn lửa thánh khiết của Đức Thánh Linh. Chúa ơi! Xin hãy đổ lửa của Ngài xuống – bắt đầu từ chính mình con!

Thứ bảy ngày 29 tháng 7 năm 2000

Trịnh Phan dịch

Podcasts

Latest sermons