Xung Đột Không Luôn Luôn Xấu

1185

Đại dịch Covid-19 xảy ra đã tạo nên phản ứng lẫn lộn trong các mối quan hệ. Thời gian gặp nhau nhiều hơn đem lại ích lợi cho một số người và làm cho không ít cuộc hôn nhân thêm vững mạnh. Nhưng một số khác thì thấy các mối quan hệ thân thiết gặp khó khăn hơn. Tôi đã nghe nhiều báo cáo về tình trạng cãi nhau, đánh nhau, ngược đãi và ly thân/ ly dị gia tăng. Tôi e rằng đây chỉ mới là phần nổi của nhiều nan đề về mối quan hệ liên quan đến đại dịch. Ngoài ra, chúng ta cũng đang sống trong thời kỳ mà mọi người kêu gọi cải cách về công bằng và bình đẳng chủng tộc. Những cuộc phản kháng nổ ra và sau đó là xung đột gia tăng.

Tôi không hề thích thú khi có xung đột. Cũng như nhiều người khác, tôi thích hoà bình, thích sự hiệp một và sự hoà hợp trong các mối quan hệ của mình. Nhưng vì chúng ta đang sống trong thế giới sa ngã nên xung đột là điều không thể tránh khỏi (Sáng Thế Ký 3-4).

Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta hết hy vọng. Mọi xung đột không nhất thiết phải kết thúc trong sự chia rẽ, giận dữ hay giết người. Xung đột có thể dẫn đến thay đổi tích cực. Trong thời đại mà nhiều người đau khổ bởi những xung đột của cuộc sống hiện đại, chúng ta cần vui mừng nhận ra rằng xung đột không phải lúc nào cũng là điều xấu.

Xung đột = Cơ hội

Xung đột thật ra là những cơ hội. Điều đó không có nghĩa là lúc nào xung đột cũng đem lại kết quả như mong đợi, nhưng xung đột cho chúng ta cơ hội để tăng trưởng và thay đổi. Điều này đúng với những xung đột xảy ra giữa bạn chung phòng, trong gia đình, hàng xóm, Hội thánh, cơ quan, thành phố và giữa các quốc gia.

Nan đề xuất hiện khi chúng ta lãng phí trong xung đột.

Bạn lãng phí cơ hội để thay đổi khi lựa chọn né tránh hoặc tấn công. Phải loại bỏ những phản ứng tháo chạy hay đôi co; thay vào đó, chúng ta phải cố gắng giải quyết vấn đề để kinh nghiệm sự bình an thật và tăng trưởng.

Việc này không hề dễ dàng. Bạn sẽ phải đương đầu với vấn đề (hay con người) – và điều đó có thể đòi hỏi bạn phải có những “cuộc đối thoại khó xử”. Bạn sẽ phải tra xét lòng mình trước khi chỉ ra lỗi lầm của người khác. Nó đòi hỏi sự trung thực, xưng tội, ăn năn và những thay đổi thiết thực trong tương lai. Điều này đòi hỏi nhiều năng lượng cảm xúc. Nó đòi hỏi phải bày tỏ bông trái Thánh Linh trong đời sống chứ không phải làm thoả mãn những dục vọng của xác thịt (Ga. 5:16). Nhưng đó là việc đáng làm. Việc làm yêu thương này là vì lợi ích của chúng ta, của người khác, và vì sự vinh hiển của Chúa. Thế nên, dù chúng ta không mong đợi hay tạo ra xung đột, nhưng chúng ta nên nhìn thấy cơ hội để trưởng thành trong đức tin.

Hãy làm người hoà giải

Giải hoà là điều Đấng Christ đem đến, cả trên mức độ cá nhân lẫn toàn vũ trụ, qua công tác của Ngài trên thập tự giá (Cô-lô-se 1:19-23). Cứu Chúa bị đóng đinh và phục sinh cho chúng ta khuôn mẫu lẫn năng lực để giải hoà. Khi chúng ta tìm cách giải hoà, Ngài nói chúng ta “được phước” và những người làm cho người khác hoà thuận như thế được gọi là “con Đức Chúa Trời”, vì khi làm như vậy chúng ta phản chiếu bản tính của Ngài (Ma-thi-ơ 5:9).

Nhưng thật dễ trở thành người giải hoà giả mạo hay người phá vỡ sự hoà thuận.

Người giải hoà giả mạo giả bộ như mọi chuyện đều êm đẹp nhưng thật ra không phải. Họ vẫn thụ động hay thờ ơ, nhưng những phản ứng của họ không đem đến sự tăng trưởng và thay đổi, cũng không tôn cao Chúa. Người ta có thể lựa chọn cách này dựa trên những căng thẳng gần đây về chủng tộc tại Hoa Kỳ. Một phương cách tốt hơn nhiều là đối thoại, lắng nghe, học hỏi, than khóc và có những thay đổi thiết thực trong cuộc sống, trong công việc, trong Hội thánh, trong trường học, thành phố hay trong những lĩnh vực ảnh hưởng khác. Bạn sẽ trưởng thành hơn, người khác được tôn trọng cách đúng đắn và Đức Chúa Trời được vinh hiển qua những sự thay đổi như thế.

Người phá vỡ sự hoà thuận tạo ra xung đột vì họ không có khả năng tự kiềm chế (tiết độ). Xung đột trong mối quan hệ bắt nguồn từ những thèm muốn bên trong (Gia-cơ 4:1-3). Khi những ham muốn về điều tốt (sự an ủi, nghỉ ngơi, thức ăn, hạnh phúc) hay điều tội lỗi (tham vọng ích kỷ, ganh tỵ, tham lam) không được đáp ứng, thì dẫn đến sự xáo trộn.

Còn người hoà giải có những đặc điểm như trong sạch, yêu chuộng hoà bình, dịu dàng, biết lẽ phải, thương xót, có ích, chân thành, thành thật và chân thật (Gia-cơ 4:17). Những đặc điểm này hiện diện khi có sự thoả mãn sâu xa trong Chúa. Khi một người thường xuyên nếm biết rằng Đức Chúa Trời là tốt lành, điều đó sẽ tác động đến thái độ, lời nói và các mối quan hệ của người ấy cách lạ lùng (I Phi-e-rơ 2:1-3).

Hy vọng cho người bị tổn thương

Thật dễ tấn công hoặc bỏ chạy khi gặp xung đột. Thật dễ né tránh những cuộc đối thoại lúng túng bạn phải đối diện, hoặc mất trí vì xung đột trong mối quan hệ. Thật dễ né tránh việc đến với một người bạn, một vị mục sư hay nhà tư vấn đáng tin cậy để được giúp đỡ- nhưng lại nổi cáu và nuôi hận thù. Còn nếu, bởi quyền năng của Thánh Linh, bạn tìm kiếm sự tha thứ và giải hoà trong các mối quan hệ của mình, thì cá nhân bạn sẽ được tăng trưởng, rồi bạn sẽ giúp người khác tăng trưởng, và bạn sẽ tôn cao danh Chúa.

Chúa Giê-xu có một khả năng tuyệt vời là khiến cho tình huống cực kỳ tệ hại được biến đổi trở thành tốt đẹp. Ngài bày tỏ ân điển giải hoà cho những người đau khổ và phục hồi họ. Ngài sẽ không bẻ cây sậy đã giập (Ê-sai 42:3). Ngài phục hồi những kẻ bị tổn thương để họ có thể kết quả và sai trái. Chúa Cứu Thế dịu dàng, và Ngài ban sự yên nghỉ cho những người mệt mỏi. Một ngày kia, Vua Hoà bình sẽ mở ra một thời kỳ hoà bình trên khắp đất. Từ đây cho đến lúc đó, hãy cho thế giới thấy Vua của chúng ta ra sao và vương quốc của chúng ta như thế nào khi chúng ta thực hành lời Ngài phán: “Phước cho những người hòa giải, vì sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời” (Ma-thi-ơ 5:9).

Tác giả: Tony Merida
Người dịch: Khue Tran
Nguồn: www.thegospelcoalition.org